Chính Danh; Cái Biểu đạt; Cái được Biểu đạt | Leminhkhaiviet

“Chính danh” cho những cư dân trong lịch sử ở Đồng bằng sông Hồng

By Le Minh Khai

Người dịch: Hoa Quốc Văn

 

Trong Luận ngữ (Lunyu 論語) có một dòng như sau:

Thầy nói: Nếu danh không được sửa cho đúng, thì điều được nói sẽ không tuân theo/thuận theo [ý nghĩa đích thực], và nếu điều được nói không tuân theo /thuận theo [ý nghĩa đích thực], thì việc sẽ không thể được hoàn thành” 子曰:「名不正,則言不順;言不順則事不成」

Image

Tư tưởng ở đây là người ta có thể gắn những ý nghĩa chuẩn xác, phù hợp cho các từ, và rằng theo thời gian, người ta cần “làm lại” việc này bởi vì hiện thực thay đổi, và/hoặc hiểu biết của con người về hiện thực thay đổi, và khi điều này xảy ra, các khái niệm mà họ đã và đang dùng không còn phù hợp với hiện thực nữa, vì vậy họ phải “sửa lại danh xưng cho đúng” (正名) để các từ có thể miêu tả hiện thực một cách chuẩn xác.

Đây là một quan điểm mà nhà ngôn ngữ học Thụy Sĩ, Ferdinant de Saussure ở đầu thế kỉ XX, vừa đồng ý vừa chống lại khi ông cho (và tôi đang đơn giản hóa quan điểm của ông) rằng mối quan hệ giữa từ, hay cái ông gọi là “cái biểu đạt”, và tư tưởng mà nó biểu đạt, hay ông gọi là “cái được biểu đạt”, mang tính võ đoán và không ổn định theo thời gian.

Vậy là Khổng Tử và Saussure nhất trí rằng mối quan hệ giữa từ và ý nghĩa không ổn định, nhưng Khổng Tử nghĩ rằng theo thời gian người ta có thể cố định mối quan hệ đó bằng cách “sửa lại danh xưng cho đúng”. Saussure, mặt khác, (tôi nghĩ) lại cho rằng người ta không bao giờ có thể thực hiện thành công việc này bởi vì mối quan hệ giữa từ và ý nghĩa của nó là võ đoán, và rằng do đó người ta sẽ luôn hiểu từ bằng nhiều cách khác nhau.

Tôi đồng ý với Saussure rằng chúng ta không thể hoàn toàn kiểm soát được cách người ta hiểu từ, nhưng tôi cũng đồng ý với Khổng Tử rằng tuy vậy chúng ta cần ít nhất là nỗ lực để dùng các từ phản ánh điều chúng ta hiểu về hiện thực sao cho rõ nhất có thể và rằng khi hiểu biết của chúng ta về hiện thực thay đổi, chúng ta cần phải “sửa lại cho đúng” các từ chúng ta dùng để nói về hiện thực.

Với quan điểm đó, hãy nhìn vào một cái biểu đạt là khái niệm “Việt”. Cái khu vực của thế giới nơi một nhà nước Việt Nam hiện đại chiếm ngự đã trải qua nhiều thay đổi trong suốt 3000 năm qua. Nhiều người hiểu điều đó, nhưng không ai trong chúng ta, tôi muốn nói, có những từ chính xác để miêu tả điều này.

Chẳng hạn, nếu chúng ta sử dụng một khái niệm đơn để chỉ dân cư sống ở khu vực đồng bằng sông Hồng hơn 3000 năm qua (như khái niệm “Việt”) thì chúng ta sẽ nhận được một cảm giác về sự tiếp nối. Tuy nhiên, rõ ràng có những sự thay đổi ghê gớm xuất hiện suốt cả thời kì đó. Điều này cũng không quan trọng để nhận ra ư?

Các học giả Việt Nam đương đại đôi khi thêm khái niệm “cổ” và một khái niệm như “Việt” để nói về “Việt cổ”. Điều này chỉ ra sự thay đổi, bởi “Việt cổ” phải thay đổi để trở thành “Việt hiện đại”, nhưng nó cũng nhấn mạnh vào sự tiếp nối – mọi người đều là “Việt”.

Tuy nhiên, trong phạm vi tôi có thể nói, “Việt/Yue” là một khái niệm mà những người bên ngoài khu vực này trao cho những nhóm dân cư đông đảo sống ở một vùng mà ngày nay bao trùm phần lớn miền Nam Trung Hoa và kéo dài xuống tận miền Bắc Việt Nam. Chúng ta không có chứng cớ ủng hộ quan niệm cho rằng những người sống ở đồng bằng sông Hồng ở thiên niên kỉ thứ nhất trước Công lịch thực sự gọi mình là “Việt”.

Vậy tại sao chúng ta nên gọi họ như thế? Khi chúng ta gộp khái niệm “Việt” vào một cái tên mà chúng ta dành cho nhóm dân sống ở thiên niên kỉ thứ nhất trước Công lịch (chẳng hạn “Lạc Việt” hay “người Việt cổ”) chúng ta cho thấy sự tiếp nối và một mối liên hệ trực tiếp với hiện tại. Nhưng nó tiếp nối cái gì? Mối liên hệ đó là gì?

Chắc chắn không phải là ngôn ngữ hay văn hóa. Cả hai đều thay đổi kịch tính, khá nhiều đến nỗi tôi không thể nghĩ về một “cái được biểu đạt” mà “cái biểu đạt” là “Việt” có thể biểu thị qua một thời kì dài hơn là vì huyết thống. Nhưng liệu huyết thống có thực sự quan trọng? Nếu thế thì tại sao và bằng cách nào?

Rốt cuộc, tôi chưa nghĩ ra cách gọi người dân ở đồng bằng sông Hồng vào các thời điểm khác nhau trong lịch sử. Tôi nghĩ rằng chúng ta nên dùng những cái tên đa dạng để chỉ ra cách thức con người thay đổi về mặt văn hóa, ngôn ngữ và xã hội theo thời gian, nhưng khi tạo ra những cái tên như thế, chúng ta cũng sẽ đưa lại một cảm giác rằng những thay đổi này rõ ràng và dễ hiểu hơn nhiều điều thực tế dường như vốn có (chẳng hạn, nếu chúng ta tạo ra những cái tên dựa vào điều chúng ta biết về cách thức giới tinh hoa đã thay đổi, chúng ta sẽ lâm vào nguy cơ ngụ ý rằng mọi người thay đổi đồng thời và cùng cách thức).

Dù đầy vấn đề như vốn có, tôi vẫn nghĩ rằng nó đáng để chúng ta nỗ lực. Bởi vì mặc dù chúng ta giờ đây hiểu rằng mối quan hệ giữa “cái biểu đạt” và “cái được biểu đạt” là phức tạp hơn nhiều điều Khổng Tử đã làm, tôi vẫn nghĩ ông đúng khi nghĩ rằng nếu chúng ta không nỗ lực để khớp ráp được với điều các từ ngữ chỉ ra, thì chúng ta đơn giản là không thể giao tiếp với người khác. Và rõ ràng có quá nhiều thay đổi trong quá khứ xảy đến với một cái biểu đạt riêng lẻ cần phải nắm bắt.

Nguồn: http://leminhkhai.wordpress.com/2013/09/29/the-rectification-of-signifiers-for-the-historical-inhabitants-of-the-red-river-delta/#comments

Rate this:

Share this: OK

  • Twitter
  • Facebook
Like Loading...

Tags: "Lạc Việt", "người Việt", "Việt cổ", "Việt", chính danh; cái biểu đạt; cái được biểu đạt

Từ khóa » Cái Biểu đạt Là Gì