Chính Sách Bảo Hiểm Xã Hội Tự Nguyện: Của để Dành Của Người Lao ...

Tuyên truyền bảo hiểm xã hội tự nguyện đến người dân trên địa bàn huyện Lục Yên.

Chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện thể hiện tính nhân văn, ưu việt và sự quan tâm, trách nhiệm của Đảng và Nhà nước đối với đời sống Nhân dân. BHXH tự nguyện đang trở thành một trong những trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội hiện nay.

Hệ thống bảo hiểm xã hội là một trong những trụ cột quan trọng của hệ thống an sinh xã hội của bất kỳ một quốc gia nào. Hệ thống BHXH ở Việt Nam đã được hình thành và đang từng bước hoàn thiện nhằm hướng tới mục tiêu chung là bao phủ an sinh xã hội (ASXH) toàn dân và gia tăng độ bao phủ theo chiều cả chiều rộng và chiều sâu cho người lao động ở Việt Nam.

Theo Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên, không nằm trong nhóm đối tượng tham gia BHXH bắt buộc đều có thể tham gia BHXH tự nguyện.

Khi tham gia BHXH tự nguyện, người tham gia được hưởng các quyền lợi như: hưởng lương hưu hàng tháng khi về già; được cấp thẻ bảo hiểm y tế trong suốt thời gian hưởng lương hưu; được Nhà nước hỗ trợ một phần kinh phí khi tham gia; lương hưu được điều chỉnh theo chỉ số giá tiêu dùng; được lựa chọn mức đóng và phương thức đóng phù hợp thu nhập của bản thân; thân nhân được hưởng chế độ tử tuất khi người tham gia qua đời.

Phải khẳng định rằng, BHXH tự nguyện là chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước, do Nhà nước tổ chức thực hiện; được Nhà nước bảo hộ, hỗ trợ mức đóng, cấp miễn phí thẻ BHYT; không vì lợi nhuận và mục đích duy nhất là vì cuộc sống của người dân. 

BHXH tự nguyện được áp dụng đối với những người lao động không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, hiện đang được thực hiện với hai chế độ là hưu trí và tử tuất. Do không có quan hệ lao động theo hợp đồng nên trách nhiệm đóng góp thuộc về người lao động.

Chính sách BHXH tự nguyện được thực hiện đã đem lại lợi ích rất rõ, đó là cơ hội cho tất cả mọi người đều có thể tiếp cận được chính sách hưu trí - lương hưu khi về già. Đối với những người tham gia BHXH bắt buộc, khi đến tuổi nghỉ hưu nhưng chưa đủ điều kiện về thời gian đóng góp thì thay vì chỉ được hưởng BHXH một lần như trước đây, có thể đóng tiếp BHXH tự nguyện và lựa chọn phương thức đóng một lần cho những năm còn thiếu để được hưởng ngay lương hưu.

Người tham gia BHXH tự nguyện có thể lựa chọn mức thu nhập tháng làm căn cứ đóng BHXH phù hợp với điều kiện tài chính của mình. Hiện mức thấp nhất bằng mức chuẩn nghèo khu vực nông thôn (700.000 đồng/tháng, khi đó mức đóng chỉ là 154.000 đồng/người/tháng) và mức cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở tại thời điểm đóng (với mức lương cơ sở hiện tại là 1.490.000 đồng/tháng, mức đóng là 6.556.000 đồng/người/tháng). Người tham gia cũng có thể lựa chọn phương thức đóng rất linh hoạt: đóng hằng tháng, hằng quý, sáu tháng, hằng năm hoặc đóng một lần cho nhiều năm.

Ngoài các quyền lợi về lương hưu hằng tháng được xác định dựa trên mức đóng và thời gian tham gia của người lao động, mức lương hưu tiếp tục được điều chỉnh trên cơ sở chỉ số giá sinh hoạt, tăng trưởng kinh tế và khả năng cân đối của quỹ BHXH từng thời kỳ.

Đặc biệt, từ ngày 01/01/2018, Nhà nước thực hiện chính sách hỗ trợ tiền đóng cho người tham gia BHXH tự nguyện theo tỷ lệ phần trăm trên mức đóng BHXH hằng tháng theo mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn. Cụ thể, với ba mức hỗ trợ 30% đối với người tham gia BHXH tự nguyện thuộc hộ nghèo; 25% đối với hộ cận nghèo; và 10% đối với các đối tượng còn lại. Và căn cứ vào điều kiện phát triển kinh tế - xã hội và khả năng ngân sách nhà nước trong từng thời kỳ, Chính phủ sẽ xem xét điều chỉnh mức hỗ trợ tiền đóng cho người tham gia BHXH tự nguyện cho phù hợp.

Đáng chú ý, Nhà nước bảo hộ quỹ BHXH và thực hiện các biện pháp để bảo toàn và tăng trưởng quỹ; bảo đảm mọi người tham gia đều được thụ hưởng đầy đủ các quyền lợi theo quy định của pháp luật.

Những quy định trên cho thấy, chính sách BHXH tự nguyện thực sự là một chính sách ưu việt của Nhà nước ta.

Từ khóa » Chính Sách Bảo Hiểm Xã Hội Tự Nguyện