Chính Sách Kinh Tế Mới Của V.I. Lê-nin Và Sự Vận Dụng Vào Công ...
Có thể bạn quan tâm
TCCS - Những bài học kinh nghiệm trong việc thực hiện Chính sách kinh tế mới do V.I. Lê-nin khởi xướng ở nước Nga Xô-viết vào những năm 20 thế kỷ XX và sự vận dụng thành công trong công cuộc đổi mới ở Việt Nam đã cho thấy ý nghĩa to lớn của chính sách này.
“Chính sách kinh tế mới” (NEP) được thực hiện ở nước Nga Xô-viết những năm 20, thế kỷ trước, do V.I. Lê-nin khởi xướng và được Đại hội X Đảng Cộng sản Nga thông qua vào tháng 3-1921. NEP ra đời nhằm đáp ứng yêu cầu khôi phục, xây dựng nước Nga Xô-viết trong điều kiện, hoàn cảnh kinh tế - xã hội cực kỳ khó khăn, phức tạp sau nội chiến ở Nga và Chiến tranh thế giới lần thứ nhất.
Nội dung chính của NEP là áp dụng Chính sách thuế lương thực thay cho “Chính sách cộng sản thời chiến”, khôi phục và phát triển sản xuất hàng hóa trong nông nghiệp thông qua trao đổi sản phẩm giữa nông nghiệp và công nghiệp, khôi phục và tổ chức lại nền sản xuất công nghiệp phù hợp với yêu cầu của nông nghiệp và nông dân, đổi mới tổ chức quá trình lưu thông hàng hóa và ổn định tiền tệ, củng cố nền tài chính Xô-viết... Mặt quan trọng của NEP là những phương pháp mới trong kinh doanh, trong tổ chức sản xuất và lao động. V.I. Lê-nin chỉ ra rằng, tiến trình phát triển khách quan của cách mạng đã chứng minh tầm quan trọng sống còn của việc kết hợp những nhân tố kích thích về cả tinh thần và vật chất, vì vậy, việc áp dụng một chính sách kinh tế mới phù hợp điều kiện khách quan mới là việc làm cấp thiết.
NEP ra đời trên cơ sở xem xét toàn diện các nhân tố gây ra cuộc khủng hoảng, trong đó nguyên nhân chủ yếu bắt nguồn từ bên trong, đó là những sai lầm về lãnh đạo, quản lý mà trước hết và chủ yếu là trên lĩnh vực kinh tế. Do đó, có thể thấy, NEP không chỉ là chính sách kinh tế mà còn là đường lối chính trị đúng đắn và dũng cảm để Nhà nước Nga Xô-viết tháo gỡ khó khăn, điều hành sự phát triển kinh tế - xã hội theo con đường xã hội chủ nghĩa. Chỉ sau một thời gian ngắn thực hiện NEP, kinh tế - xã hội nước Nga Xô-viết được cải thiện nhanh chóng. Ngay trong năm 1921, vụ thuế lương thực đầu tiên đạt 90% (mặc dù bị hạn hán và nạn đói nghiêm trọng); từ năm 1922 đến năm 1925, sản lượng lương thực tăng từ 56,3 triệu tấn lên 74,7 triệu tấn, nông nghiệp được phục hồi và phát triển, kéo theo sự khôi phục của công nghiệp, thương nghiệp và giao thông vận tải, đời sống nhân dân lao động được cải thiện rõ rệt, tình hình chính trị - xã hội dần dần được ổn định(1).
Sự thành công của NEP ở nước Nga Xô-viết trong những năm đầu khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội theo con đường xã hội chủ nghĩa, đã để lại những bài học kinh nghiệm quý báu, có thể áp dụng cho những nước có hoàn cảnh, điều kiện kinh tế - xã hội tương tự.
Một là, xác định đúng vai trò quyết định của nông dân đối với thành công của sự nghiệp cách mạng xã hội chủ nghĩa, đặc biệt là đối với những nước có nền kinh tế tiểu nông, nông dân chiếm đại đa số trong dân cư.
Sở dĩ NEP thành công, bởi trước hết nó đặt đúng vị trí của nông dân trong công cuộc khôi phục, xây dựng đất nước, NEP đã xác định đúng đắn vấn đề “bắt đầu từ nông dân”, đưa việc cải thiện đời sống nông dân và phát triển lực lượng sản xuất của họ lên hàng đầu. V.I. Lê-nin khẳng định: “Vì muốn cải thiện đời sống của công nhân thì phải có bánh mỳ và nhiên liệu..., thế mà chúng ta chỉ có thể tăng thêm sản xuất và thu hoạch lúa mì, tăng thêm dự trữ và vận tải nhiên liệu bằng cách cải thiện đời sống của nông dân, bằng cách nâng cao lực lượng sản xuất của họ. Phải bắt đầu từ nông dân”(2).
Quan điểm chính trị “bắt đầu từ nông dân” của NEP được cụ thể hóa bằng “Chính sách thuế lương thực”, mà nội dung cơ bản là: nông dân canh tác nông nghiệp chỉ phải nộp cho nhà nước một khoản thuế gọi là thuế lương thực, thay cho việc trưng thu, trưng mua trước đây (mức thuế lương thực chỉ bằng 1/2 so với mức trưng thu, trưng mua), phần lương thực dư thừa nông dân có quyền trao đổi tự do trên thị trường. Thực chất của Chính sách thuế lương thực, như V.I. Lê-nin nói, là một trong “những biện pháp cấp tốc, cương quyết nhất, cấp thiết để cải thiện đời sống của nông dân và nâng cao năng lực sản xuất của họ”(3).
Hai là, giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa công nghiệp và nông nghiệp, xây dựng liên minh công nông trên cơ sở cả chính trị và kinh tế.
Công nghiệp và nông nghiệp là hai ngành sản xuất chủ yếu của nền kinh tế quốc dân đối với những nước quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội từ một nền kinh tế tiểu nông. Vấn đề đặt ra là, giải quyết mối quan hệ giữa hai ngành này như thế nào cho hợp lý, để vừa phát huy được vị trí, vai trò của từng ngành, vừa tạo điều kiện, tiền đề thúc đẩy lẫn nhau. NEP là một sách lược đúng đắn để giải quyết vấn đề này, thông qua việc đặt vấn đề phát triển nông nghiệp lên hàng đầu, tạo điều kiện cung cấp lúa mì cho công nhân và nguyên liệu để phát triển công nghiệp. Ngược lại, sự phát triển công nghiệp phải hướng vào phục vụ phát triển nông nghiệp.
Giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa công nghiệp và nông nghiệp, NEP đã thực hiện củng cố, xây dựng liên minh công nông - một trong những điều kiện cơ bản để thực hiện cách mạng xã hội chủ nghĩa đối với những nước quá độ lên chủ nghĩa xã hội từ một nền kinh tế tiểu nông. Nếu trong giai đoạn giành chính quyền, liên minh công nông, chủ yếu được xây dựng trên cơ sở chính trị, thì trong giai đoạn xây dựng chủ nghĩa xã hội, NEP đã cho thấy phải củng cố, xây dựng liên minh này cả trên cơ sở kinh tế, nghĩa là phải quan tâm đến lợi ích kinh tế của nông dân, tạo ra các mối quan hệ khăng khít giữa công nghiệp và nông nghiệp. Giải quyết các mối quan hệ giữa nông dân và công nhân, giữa nông nghiệp và công nghiệp bằng các quan hệ kinh tế bình đẳng, như thực hiện Chính sách thuế lương thực, dùng quan hệ hàng hóa để trao đổi sản phẩm giữa nông nghiệp và công nghiệp...
V.I. Lê-nin khẳng định: Việc trao đổi hàng hóa, tức đòn xeo chủ yếu của chính sách kinh tế mới, được đặt lên hàng đầu. Không thiết lập việc trao đổi hàng hóa hay sản phẩm một cách có hệ thống giữa công nghiệp và nông nghiệp, thì không thể có được mối quan hệ đúng đắn giữa giai cấp vô sản và nông dân, không thể tạo ra được một hình thức liên minh kinh tế hoàn toàn vững chắc giữa hai giai cấp đó trong thời kỳ quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội”(4).
Ba là, con đường đi từ nền kinh tế nhiều thành phần đến nền kinh tế xã hội chủ nghĩa phải qua những bước trung gian, những hình thức quá độ.
Nền kinh tế nhiều thành phần là đặc trưng kinh tế cơ bản của những nước quá độ lên chủ nghĩa xã hội từ một nền kinh tế sản xuất nhỏ. Vấn đề đặt ra là, phải cải tạo xã hội chủ nghĩa như thế nào? Chính việc thực hiện NEP ở nước Nga cho thấy sự tồn tại của nền kinh tế nhiều thành phần trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội là tất yếu. Trong cải tạo xã hội xã hội chủ nghĩa không thể nôn nóng xóa bỏ các thành phần kinh tế không phải của chủ nghĩa xã hội mà phải tuyệt đối tuân theo quy luật quan hệ sản xuất phải phù hợp với tính chất và trình độ của lực lượng sản xuất, phải thông qua những bước trung gian và những hình thức quá độ. Tuy nhiên, việc phải qua những bước trung gian nào, sử dụng những hình thức quá độ nào, lại phụ thuộc vào điều kiện hoàn cảnh cụ thể của mỗi nước. Đối với nước Nga, việc thực hiện chính sách thuế lương thực, sử dụng quan hệ hàng hóa - tiền tệ, sử dụng chủ nghĩa tư bản nhà nước,... là một điển hình về thực hiện những bước trung gian, những hình thức quá độ để chuyển nền kinh tế nhiều thành phần sang nền kinh tế xã hội chủ nghĩa. Tác giả của NEP cũng nhấn mạnh, không được tự hạn chế ở chỗ đem chủ nghĩa tư bản đối lập một cách trừu tượng với chủ nghĩa xã hội, vì như vậy là cách nhìn nhận siêu hình, máy móc.
Bốn là, đổi mới quản lý kinh tế theo hướng chuyển từ biện pháp hành chính thuần túy sang biện pháp kinh tế.
Việc chuyển nền kinh tế từ “Chính sách cộng sản thời chiến” sang thực hiện NEP, đòi hỏi phải xác lập hệ thống biện pháp quản lý kinh tế cho phù hợp. V.I. Lê-nin đã chỉ rõ: “Chính sách kinh tế mới không thay đổi kế hoạch kinh tế thống nhất của nhà nước và không vượt ra ngoài giới hạn của kế hoạch đó, nhưng thay đổi biện pháp thực hiện kế hoạch đó”(5). Thực hiện phương châm này, NEP đã sử dụng một loạt biện pháp kinh tế đồng bộ thay cho các biện pháp hành chính thuần túy trước đây, như thay chế độ trưng thu, trưng mua lương thực bằng chính sách thuế lương thực; chuyển nền kinh tế tự cung, tự cấp sang sản xuất hàng hóa và sử dụng các quan hệ hàng hóa - tiền tệ; chuyển từ cơ chế quản lý tập trung đối với các cơ sở sản xuất công nghiệp của Nhà nước sang cơ chế hạch toán theo nguyên tắc tập trung dân chủ. Và, để tạo điều kiện cho thực hiện việc đổi mới quản lý đó, NEP đã đặt vấn đề phải ổn định tiền tệ, tổ chức lại hệ thống thương nghiệp, thực hiện dân chủ hóa quản lý kinh tế thông qua tổ chức các hội nghị sản xuất của công nhân, thực hiện chế độ phân phối theo lao động, công khai và dân chủ trong việc lựa chọn lãnh đạo, thực hiện quyền kiểm soát của công nhân...
Với những bài học kinh nghiệm trên, NEP đã có những đóng góp quan trọng vào lý luận mác-xít về cách mạng xã hội chủ nghĩa trong điều kiện ở những nước có nền kinh tế lạc hậu. Tuy nhiên, đáng tiếc rằng, sau khi V.I. Lê-nin mất không lâu, những người kế tục V.I. Lê-nin đã không nhận thấy sự đúng đắn, giá trị to lớn của NEP, áp dụng mô hình kinh tế - xã hội tập trung theo quan niệm chuyển trực tiếp lên chủ nghĩa xã hội thay cho mô hình NEP. Và, mô hình kinh tế - xã hội tập trung không chỉ được áp dụng ở Liên Xô mà còn được áp dụng rộng rãi ở hầu hết các nước xã hội chủ nghĩa, trong đó có Việt Nam.
Mô hình kinh tế - xã hội tập trung đã phát huy tác dụng nhất định trong giai đoạn đầu của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, song dần dần đã bộc lộ khuyết tật, hạn chế, yếu kém, là nguyên nhân cơ bản dẫn đến sự khủng hoảng toàn diện của hệ thống xã hội chủ nghĩa trên thế giới. Trước tình hình này, các đảng cộng sản ở các nước xã hội chủ nghĩa buộc phải xem xét lại mô hình kinh tế - xã hội đang áp dụng và đã nhận ra những khuyết tật của nó cùng những sai lầm trong công tác lãnh đạo, quản lý.
Sự vận dụng NEP như thế nào, điều đó phụ thuộc vào sự nhận thức và điều kiện hoàn cảnh cụ thể của mỗi nước. Đối với Việt Nam, mặc dù điều kiện, hoàn cảnh lịch sử không hoàn toàn giống nước Nga Xô-viết trong thời điểm thực hiện NEP, song có nét tương đồng: Nền kinh tế lạc hậu, sản xuất nhỏ là phổ biến, nông dân chiếm đại đa số trong dân cư,... Vì vậy, những bài học kinh nghiệm của NEP có thể được áp dụng linh hoạt với Việt Nam. Nhận thức được vấn đề này, Đảng ta đã vận dụng một cách sáng tạo, tài tình NEP vào công cuộc đổi mới đất nước. Trước hết, có thể thấy rằng, Đảng ta đã đặt đúng vị trí vấn đề nông dân và kinh tế nông nghiệp. “Tập trung sức phát triển mạnh nông nghiệp, coi nông nghiệp là mặt trận hàng đầu”(6) là quan điểm chính trị nhất quán được thực hiện từ Đại hội V của Đảng đến nay. Thực hiện quan điểm này, Đảng ta đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, biện pháp nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân, trong đó tiêu biểu là Chỉ thị số 100-CT/TW của Ban Bí thư khóa IV (tháng 1-1981) về mở rộng khoán sản phẩm đến nhóm lao động và người lao động trong hợp tác xã nông nghiệp; Nghị quyết số 10-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa VI (tháng 4-1988) về đổi mới quản lý nông nghiệp; Nghị quyết Trung ương 6 khóa VI (tháng 3-1989) và tiếp theo đó là chủ trương công nghiệp hóa, hiện đại hóa phải phục vụ cho nhiệm vụ phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn...
Vận dụng bài học kinh nghiệm của NEP vào công cuộc đổi mới ở nước ta còn thể hiện ở đường lối phát triển nền kinh tế nhiều thành phần. Nền kinh tế nước ta trong thời kỳ quá độ là một nền kinh tế nhiều thành phần, đã được nhận thức từ Đại hội VI của Đảng, và tư tưởng này được các Đại hội VII, VIII, IX và X của Đảng tiếp tục tái khẳng định, bổ sung và hoàn thiện với nhiều nội dung, biện pháp, chính sách mới, như giữ vững vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước, khuyến khích phát triển và định hướng thành phần kinh tế tư nhân theo quỹ đạo của chủ nghĩa xã hội, sử dụng chủ nghĩa tư bản nhà nước và phát triển kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài...
Vận dụng bài học kinh nghiệm của NEP, Đảng ta có sự đổi mới nhận thức về sự tồn tại khách quan của sản xuất hàng hóa trong thời kỳ quá độ, chuyển nền kinh tế tự cung, tự cấp sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đi liền với đó, Đảng ta chủ trương đổi mới cơ chế quản lý, “Xóa bỏ triệt để cơ chế quản lý tập trung quan liêu bao cấp, hình thành cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước bằng pháp luật, kế hoạch, chính sách và các công cụ khác”(7); đổi mới công tác kế hoạch; thực hiện hạch toán kinh doanh và giao quyền tự chủ cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh của Nhà nước; ổn định tiền tệ, khắc phục có hiệu quả lạm phát; cải cách thủ tục hành chính, nâng cao năng lực quản lý của bộ máy nhà nước...
Sự vận dụng sáng tạo những bài học kinh nghiệm của NEP đã góp phần quan trọng vào thắng lợi của công cuộc đổi mới đất nước. Trong hơn hai mươi năm đổi mới, đất nước đã ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội, có sự thay đổi cơ bản và toàn diện, kinh tế tăng trưởng khá nhanh; sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đang được đẩy mạnh; hệ thống chính trị và khối đại đoàn kết toàn dân tộc được củng cố và tăng cường; chính trị, xã hội ổn định; quốc phòng và an ninh được giữ vững.
Từ những bài học kinh nghiệm của NEP và sự vận dụng thành công trong công cuộc đổi mới ở Việt Nam, có thể thấy, mặc dù ra đời cách đây gần 90 năm, nhưng NEP vẫn còn nguyên giá trị đối với cách mạng thế giới. Sự vận dụng NEP đòi hỏi phải sáng tạo, phù hợp với điều kiện hoàn cảnh cụ thể của mỗi nước, không dập khuôn, máy móc. Bảo vệ và tiếp tục bổ sung, phát triển NEP là nhiệm vụ quan trọng đặt ra hiện nay đối với phong trào cộng sản trên thế giới, trong đó có Việt Nam./. _____________________________________________________________________________________________ (1) Chính sách kinh tế mới của Lênin và vận dụng vào điều kiện nước ta, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1989, tr 16(2),(3), (4) V.I. Lê-nin: Toàn tập, Nxb Tiến bộ, Mát-xcơ-va. 1978, t 43 tr 262 - 263, 400
(5) V.I. Lê-nin: Sđd, t 54, tr 131
(6) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1982, t 1, tr 26
(7) Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1991, tr 12
Từ khóa » Trình Bày Chính Sách Kinh Tế Mới Của Nga
-
Nội Dung Chủ Yếu Của Chính Sách Kinh Tế Mới ...
-
Chính Sách Kinh Tế Mới Của V.I. Lênin Và ý Nghĩa Của Nó Trong Tình ...
-
Nội Dung Cơ Bản Của Chính Sách Kinh Tế Mới Mà Nước Nga Thực Hiện ...
-
Chính Sách Kinh Tế Mới (Liên Xô) – Wikipedia Tiếng Việt
-
Tinh Thần “Chính Sách Kinh Tế Mới” Trong Công Cuộc đổi Mới Với Khát ...
-
Nội Dung Chủ Yếu Của Chính Sách Kinh Tế Mới? Chính Sách Này đã ...
-
Nội Dung Chính Sách Kinh Tế Mới Của Liên Xô - TopLoigiai
-
Chính Sách Kinh Tế Mới Của V.I. Lê-nin Và ý Nghĩa Thời ... - Chi Tiết Tin
-
Nêu Nội Dung Chính Của Chính Sách Kinh Tế Mới? | Lịch Sử 8 (trang 82
-
Hãy Trình Bày Chính Sách Kinh Tế Mới Do Lê-nin đề Xướng ( 3 / 1921 ...
-
Trình Bày Hoàn Cảnh, Nội Dung Và ý Nghĩa Của Chính Sách Kinh Tế Mới?
-
. Trình Bày Chính Sách Kinh Tế Mới Do Lê-nin đề Xướng ( 3/1921) ở ...
-
Chính Sách Kinh Tế Mới Của Lênin - Di Sản Vô Giá đối Với Sự Nghiệp ...
-
Liên Bang Nga đã Thành Công Nhờ Chính Sách Thay Thế Nhập Khẩu ...