Chính Sách ưu đãi đầu Tư, Hỗ Trợ đầu Tư

Nhà đầu tư có dự án đầu tư thuộc lĩnh vực, địa bàn ưu đãi đầu tư được hưởng ưu đãi đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư và các văn bản quy định, hướng dẫn của Chính phủ Việt Nam

* ĐỊA BÀN ƯU ĐÃI ĐẦU TƯ:

1. Địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn:

Toàn bộ các huyện: Long Mỹ, Vị Thủy, Châu Thành, Phụng Hiệp, Châu Thành A và thị xã Ngã Bảy, thị xã Long Mỹ. Đối với địa bàn này:

- Được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp 04 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong vòng 09 năm tiếp theo kể từ khi phát sinh thu nhập chịu thuế.

- Được hưởng mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp là 10% trong vòng 15 năm đối với thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư mới.

- Miễn thuế đối với thiết bị, máy móc nhập khẩu để tạo tài sản cố định.

- Miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước 11 năm kể từ ngày đưa dự án vào hoạt động.

* Trường hợp dự án đầu tư vào địa bàn này thuộc lĩnh vực ngành nghề ưu đãi đầu tư thì sẽ được miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước 15 năm kể từ ngày đưa dự án vào hoạt động, tăng thêm 04 năm so với các dự án bình thường.

* Trường hợp dự án đầu tư vào địa bàn này thuộc lĩnh vực ngành nghề đặc biệt ưu đãi đầu tư thì sẽ được miễn toàn bộ tiền thuê đất, thuê mặt nước cho cả thời hạn thuê.

* Trường hợp dự án đầu tư vào nông nghiệp thuộc lĩnh vực nông nghiệp đặc biệt ưu đãi đầu tư khi đầu tư vào địa bàn này thì được gọi là dự án nông nghiệp đặc biệt ưu đãi đầu tư, ngoài các ưu đãi trên sẽ được hưởng các ưu đãi sau:

- Được miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước cho cả thời gian thuê.

- Nếu dự án được Nhà nước giao đất thì sẽ được miễn tiền sử dụng đất đối với dự án đầu tư đó.

- Nếu dự án nằm trong quy hoạch của cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt được miễn nộp tiền sử dụng đất khi chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án theo quy định.

2. Địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn:Toàn bộ thành phố Vị Thanh. Đối với địa bàn này:

- Được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp 02 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong vòng 04 năm tiếp theo kể từ khi phát sinh thu nhập chịu thuế.

- Được hưởng mức thuế suất thuế thu nhập DN là 17% trong vòng 10 năm.

- Miễn thuế đối với thiết bị, máy móc nhập khẩu để tạo tài sản cố định.

- Miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước trong vòng 07 năm kể từ ngày đưa dự án vào hoạt động.

* Trường hợp dự án đầu tư vào địa bàn này thuộc lĩnh vực ngành nghề ưu đãi đầu tư thì sẽ được miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước 11 năm kể từ ngày đưa dự án vào hoạt động, tăng thêm 04 năm so với các dự án bình thường.

* Trường hợp dự án đầu tư vào địa bàn này thuộc lĩnh vực ngành nghề đặc biệt ưu đãi đầu tư thì:

- Được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp 04 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong vòng 09 năm tiếp theo kể từ khi phát sinh thu nhập chịu thuế.

- Được hưởng mức thuế suất thuế thu nhập DN là 10% trong vòng 15 năm.

- Miễn thuế đối với thiết bị, máy móc nhập khẩu để tạo tài sản cố định.

- Miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước 15 năm kể từ ngày đưa dự án vào hoạt động, tăng thêm 08 năm so với các dự án bình thường.

* Trường hợp dự án đầu tư vào nông nghiệp thuộc lĩnh vực nông nghiệp đặc biệt ưu đãi đầu tư khi đầu tư vào địa bàn này thì được gọi là dự án nông nghiệp ưu đãi đầu tư, ngoài các ưu đãi trên sẽ được hưởng các ưu đãi sau:

- Được miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước trong 15 năm đầu kể từ ngày dự án hoàn thành đi vào hoạt động.

- Được áp dụng mức giá thấp nhất của loại đất tương ứng trong bảng giá đất do Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy định.

- Nếu được Nhà nước giao đất thì được giảm 70% tiền sử dụng đất phải nộp ngân sách nhà nước đối với dự án đầu tư đó.

- Nếu dự án nằm trong quy hoạch của cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt được giảm 50% tiền sử dụng đất khi chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án theo quy định.

* Trường hợp dự án đầu tư mới trong lĩnh vực xã hội hóa (lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường) thực hiện tại địa bàn này thì sẽ được hưởng các ưu đãi sau:

- Được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp 04 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong vòng 09 năm tiếp theo kể từ khi phát sinh thu nhập chịu thuế.

- Được hưởng mức thuế suất thuế thu nhập DN là 10% trong cả thời gian hoạt động của dự án.

- Miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước cho cả thời gian thuê. Giá trị đất không được tính vào giá trị tài sản cố định.

3. Đối với dự án đầu tư vào các Khu công nghiệp của Hậu Giang:

- Được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp 04 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong vòng 09 năm tiếp theo kể từ khi phát sinh thu nhập chịu thuế.

- Được hưởng mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp là 10% trong vòng 15 năm.

- Miễn thuế đối với thiết bị, máy móc nhập khẩu để tạo tài sản cố định.

- Miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước 11 năm kể từ ngày đưa dự án vào hoạt động.

* Trường hợp dự án đầu tư vào Khu công nghiệp thuộc lĩnh vực ngành nghề ưu đãi đầu tư hoặc đặc biệt ưu đãi đầu tư thì sẽ được miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước lên tới 15 năm, tăng thêm 04 năm so với các dự án bình thường.

* Trường hợp dự án đầu tư sử dụng đất xây dựng nhà ở cho công nhân của các khu công nghiệp theo dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt thì sẽ được miễn toàn bộ tiền thuê đất, thuê mặt nước cho cả thời hạn thuê, chủ đầu tư không được tính chi phí về tiền thuê đất vào giá cho thuê nhà.

4. Dự án đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn và Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh Hậu Giang

- Dự án đầu tư mới vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Hậu Giang sẽ được hưởng chính sách ưu đãi theo Quyết định số 20/2015/QĐ-UBND ngày 22 tháng 07 năm 2015 của Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Quy định về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2015 - 2020.

- Dự án đầu tư mới vào Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh Hậu Giang sẽ được hưởng chính sách ưu đãi theo Quyết định số 39/2015/QĐ-UBND ngày 28 tháng 12 năm 2015 của Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Quy định về chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư vào Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Hậu Giang.

* Ưu đãi đầu tư:

1. Đối tượng và nguyên tắc áp dụng ưu đãi đầu tư:

1.1. Đối tượng được hưởng ưu đãi đầu tư theo quy định gồm:

a) Dự án đầu tư thuộc ngành, nghề ưu đãi đầu tư hoặc ngành, nghề đặc biệt ưu đãi đầu tư;

b) Dự án đầu tư tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn hoặc địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn;

c) Dự án đầu tư có quy mô vốn từ 6.000 tỷ đồng trở lên, thực hiện giải ngân tối thiểu 6.000 tỷ đồng trong thời hạn 03 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc kể từ ngày được quyết định chủ trương đầu tư đối với dự án không phải thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư;

d) Dự án đầu tư tại vùng nông thôn sử dụng từ 500 lao động trở lên (không bao gồm lao động làm việc không trọn thời gian và lao động có hợp đồng lao động dưới 12 tháng);

đ) Doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp khoa học và công nghệ, tổ chức khoa học và công nghệ theo quy định của pháp luật về công nghệ cao và pháp luật về khoa học công nghệ.

1.2. Nguyên tắc áp dụng ưu đãi đầu tư:

a) Dự án đầu tư quy định tại Điểm c nêu trên được hưởng ưu đãi đầu tư như quy định đối với dự án đầu tư tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn;

b) Dự án đầu tư quy định tại Điểm d nêu trên được hưởng ưu đãi đầu tư như quy định đối với dự án đầu tư tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn;

c) Dự án đầu tư thuộc ngành, nghề ưu đãi đầu tư thực hiện tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn được hưởng ưu đãi đầu tư như quy định đối với dự án đầu tư thuộc địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn;

d) Dự án đầu tư đáp ứng điều kiện hưởng các mức ưu đãi đầu tư khác nhau được áp dụng mức ưu đãi cao nhất;

đ) Ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp đối với dự án đầu tư tại khu công nghiệp, khu chế suất được thành lập theo quy định của Chính phủ được hưởng ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp như doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn;

e) Ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp đối với dự án đầu tư tại khu công nghệ cao được hưởng ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp như doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

2. Thủ tục áp dụng ưu đãi đầu tư:

2.1. Ưu đãi đầu tư ghi tại Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, văn bản quyết định chủ trương đầu tư gồm những nội dung sau đây:

a) Đối tượng và điều kiện hưởng ưu đãi đầu tư theo quy định;

b) Căn cứ áp dụng ưu đãi đầu tư theo quy định của pháp luật về thuế và pháp luật về đất đai và các văn bản quy định hiện hành.

2.2. Đối với dự án đầu tư thuộc diện cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc quyết định chủ trương đầu tư, nhà đầu tư căn cứ nội dung ưu đãi đầu tư quy định tại Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc văn bản quyết định chủ trương đầu tư để hưởng ưu đãi đầu tư. Căn cứ áp dụng ưu đãi đầu tư đối với doanh nghiệp khoa học và công nghệ là Giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ.

2.3. Đối với dự án đầu tư không thuộc trường hợp quy định nêu trên, nhà đầu tư căn cứ đối tượng hưởng ưu đãi đầu tư quy định tại Nghị định số 118/2015/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2015 của Chính phủ Việt Nam, các quy định của pháp luật có liên quan để tự xác định ưu đãi đầu tư và thực hiện thủ tục hưởng ưu đãi đầu tư tại Cơ quan áp dụng ưu đãi đầu tư.

2.4. Ưu đãi đầu tư được điều chỉnh trong các trường hợp sau:

a) Trường hợp dự án đầu tư đáp ứng điều kiện để được hưởng thêm ưu đãi đầu tư thì nhà đầu tư được hưởng ưu đãi đầu tư đó cho thời gian ưu đãi còn lại;

b) Nhà đầu tư không được hưởng ưu đãi theo quy định tại Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, văn bản quyết định chủ trương đầu tư trong trường hợp dự án đầu tư không đáp ứng điều kiện hưởng ưu đãi đầu tư quy định tại Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, quyết định chủ trương đầu tư. Trường hợp dự án đầu tư đáp ứng điều kiện hưởng ưu đãi đầu tư khác thì nhà đầu tư được hưởng ưu đãi theo điều kiện đó;

c) Trường hợp dự án đầu tư có thời gian không đáp ứng điều kiện hưởng ưu đãi đầu tư thì nhà đầu tư không được hưởng ưu đãi đầu tư cho thời gian không đáp ứng điều kiện hưởng ưu đãi đầu tư.

2.5. Tổ chức kinh tế mới thành lập hoặc thực hiện dự án đầu tư từ việc chuyển đổi loại hình tổ chức kinh tế, chuyển đổi sở hữu, chia, tách, sáp nhập, hợp nhất, chuyển nhượng dự án đầu tư được kế thừa các ưu đãi đầu tư của dự án đầu tư trước khi chuyển đổi, chia, tách, sáp nhập, hợp nhất, chuyển nhượng.

* Hỗ trợ đầu tư đối với khu công nghiệp, khu công nghệ cao:

1. Hỗ trợ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng khu công nghiệp:

1.1. Phạm vi, đối tượng, nguyên tắc, tiêu chí, định mức hỗ trợ đầu tư từ ngân sách trung ương để xây dựng kết cấu hạ tầng khu công nghiệp tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn hoặc địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thực hiện theo Chương trình mục tiêu đầu tư hạ tầng khu công nghiệp được phê duyệt trong từng giai đoạn.

1.2. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cân đối nguồn ngân sách địa phương để hỗ trợ nhà đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật trong và ngoài khu công nghiệp.

2. Hỗ trợ đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội khu công nghệ cao:

2.1. Nguồn vốn ngân sách nhà nước được bố trí để hỗ trợ các hoạt động sau đây:

a) Đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trong khu công nghệ cao;

b) Bồi thường, giải phóng mặt bằng, rà phá bom mìn, vật liệu nổ trong khu công nghệ cao;

c) Bồi thường, giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội khu nhà ở cho người lao động và khu tái định cư, tái định canh cho người bị thu hồi đất trong khu công nghệ cao;

d) Đầu tư xây dựng khu xử lý chất thải rắn tập trung và hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường của khu công nghệ cao.

2.2. Ngoài các hình thức hỗ trợ theo quy định như trên, khu công nghệ cao được hưởng các chính sách hỗ trợ khác về đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật theo quy định của pháp luật về khu công nghệ cao.

2.3. Về chính sách phát triển nhà ở trong khu công nghệ cao thì do Thủ tướng Chính phủ quyết định.

3. Đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp:

3.1. Hoạt động đầu tư kinh doanh hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp phải phù hợp với quy hoạch chi tiết xây dựng khu công nghiệp đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

3.2. Đối với địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, căn cứ vào điều kiện cụ thể của địa phương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập hoặc giao cho đơn vị sự nghiệp có thu làm nhà đầu tư dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp.

* Các ưu đãi của tỉnh Hậu Giang:

Ngoài ra khi nhà đầu tư vào Hậu Giang còn được hưởng một số ưu đãi của tỉnh như: Hỗ trợ nhà đầu tư về mặt bằng thực hiện dự án; hỗ trợ chuyển giao công nghệ và khuyến khích hoạt động khoa học công nghệ; hỗ trợ đào tạo nghề cho người lao động; hỗ trợ phí đăng ký thành lập doanh nghiệp và những ưu đãi khác như: Khấu hao tài sản, hỗ trợ chi phí quảng cáo, quảng bá sản phẩm,thưởng môi giới đầu tư…

Lĩnh vực kinh tế trọng điểm kêu gọi đầu tư

1. Công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp:

Ngành công nghiệp chủ lực của tỉnh còn nhiều tiềm năng là chế biến lương thực – thực phẩm có giá trị sản lượng lớn sau sản xuất lúa gạo là chế biến thủy hải sản, mía đường, khóm và rau quả, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đô thị hóa, cơ cấu lao động và xuất khẩu. Hiện nay, chưa khai thác hết tiềm năng và chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển, riêng các dự án chế biến sản phẩm sau đường (cồn, phân vi sinh, vi lượng, bánh kẹo, rượu…) chưa có dự án đầu tư nên rất cần kêu gọi đầu tư các lĩnh vực này.

Nhiều ngành thủ công mỹ nghệ truyền thống lâu đời như đan lát, thêu ren, đóng ghe, xuồng, đồ gỗ, in lụa, sơn mài, chạm khảm, điêu khắc…với đội ngũ đông đảo thợ thủ công lành nghề đang ở thời kỳ khôi phục và phát triển, rất cần vốn đầu tư để mở rộng, đa dạng hóa sản phẩm xuất khẩu.

Tỉnh đã hoàn thành quy hoạch chung, phê duyệt quy hoạch chi tiết, dự án đầu tư; từng bước tiến hành thực hiện đầu tư cơ sở hạ tầng khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh; ban hành chính sách ưu đãi thống nhất để thu hút đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp, tạo động lực mới cho phát triển công nghiệp, dịch vụ, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, phát triển đô thị, xuất khẩu và tăng thu ngân sách.

2. Dịch vụ thương mại, du lịch:

Ngành thương mại phát triển đa dạng, chất lượng phục vụ ngày càng được nâng lên, là khu vực hoạt động năng động nhất trong nền kinh tế, làm cầu nối kích thích khu vực công nghiệp và nông nghiệp phát triển. Dịch vụ thương mại là ngành có giá trị sản lượng lớn thứ ba sau ngành sản xuất lúa gạo và công nghiệp chế biến. Mạng lưới trung tâm thương mại, siêu thị, chợ, nhất là các chợ đầu mối, chợ nông thôn đang được quy hoạch, tổ chức sắp xếp lại và được đầu tư để làm vai trò trung chuyển hàng hóa của một số chợ trung tâm. Tỉnh đã ban hành chính sách khuyến khích ưu đãi về đầu tư phát triển chợ.

Ngành dịch vụ du lịch có nhiều tiềm năng nhưng còn non trẻ, chủ yếu là du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, lịch sử. Do đó, thời gian tới Hậu Giang rất cần thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này theo hướng chuyên nghiệp và hiện đại hơn.

Tỉnh đang có chủ trương phát triển du lịch sinh thái và du lịch văn hóa mang nét đặc thù riêng của Hậu Giang, xã hội hoá dịch vụ du lịch, khuyến khích các tổ chức, cá nhân nâng cấp mở rộng hệ thống nhà hàng, khách sạn để đa dạng hóa hoạt động kinh doanh du lịch; đầu tư nâng cấp các tuyến đường dẫn đến điểm du lịch. Tạo điều kiện thuận lợi nhất cho tư nhân và các doanh nghiệp trong, ngoài nước đầu tư các điểm du lịch ở những địa danh có khả năng thu hút khách bằng những cơ chế chính sách ưu đãi nhất. Xây dựng Hậu Giang thành một quần thể du lịch trọng điểm, liên hoàn của đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt là cụm du lịch trung tâm thành phố Cần Thơ và các tỉnh Tây sông Hậu.

Đối với du lịch sinh thái: kêu gọi xây dựng, mở rộng khu du lịch sinh thái Tân Bình, đầu tư xây dựng mới khu du lịch sinh thái Tầm Vu, đầu tư xây dựng mới Khu du lịch sinh thái khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng, Làng nghề và Chợ nỗi Ngã Bảy…

Đối với du lịch văn hóa: kêu gọi nâng cấp, liên kết hợp tác xây dựng cụm du lịch văn hóa gắn với các công trình văn hóa, các di tích lịch sử đã được xếp hạng cấp quốc gia như: Khu di tích căn cứ Tỉnh ủy, Đền thờ Bác Hồ và Khu di tích chiến thắng 75 lượt tiểu đoàn địch tại huyện Long Mỹ, Khu trù mật Vị Thanh – Hỏa Lựu, Khu liên hiệp đình chiến Nam Bộ (thị xã Ngã Bảy) và các chùa chiền, lễ hội văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Khmer. Hiện nay bước đầu đã hình thành một số cụm tuyến du lịch liên kết giữa các cụm, tuyến du lịch sinh thái gắn với các điểm du lịch văn hóa.

3. Nông nghiệp, thủy sản:

Hậu Giang kêu gọi doanh nghiệp đầu tư các dự án để giải quyết các nguồn nguyên liệu dồi dào của tỉnh như: lúa gạo, thủy sản, mía đường, khóm, trái cây nhiệt đới các loại.

Kêu gọi đầu tư các ngành trọng điểm kinh tế nông nghiệp, tạo nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả an toàn để nhân rộng nhằm tăng diện tích có giá trị sản xuất từ 100 triệu đồng/ha/năm trở lên ở những nơi có điều kiện.

Kêu gọi đầu tư khai thác vùng đất viên lang bãi bồi, Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao khoảng 5.200 ha.

Kêu gọi đầu tư thực hiện có hiệu quả về hợp đồng bao tiêu nông sản hàng hóa, chương trình liên kết 4 nhà, đặc biệt là chương trình hợp tác phát triển trong và ngoài nước về lĩnh vực phát triển kinh tế nông nghiêp, nông dân, nông thôn; đẩy mạnh liên kết hợp tác kinh tế giữa các doanh nghiệp với hợp tác xã, hộ nông dân.

Tỉnh đã quy hoạch các vùng sản xuất chuyên canh mía, lúa chất lượng cao, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, cây ăn quả đặc sản, rau xanh…gắn với công nghiệp chế biến và xuất khẩu, từng bước hình thành mô hình “mỗi địa phương mỗi sản phẩm” độc đáo khác biệt, phù hợp với các dự án đầu tư trên địa bàn. Cụ thể:

- Sản xuất lúa, gạo là ngành có giá trị sản xuất và đóng góp quyết định lớn nhất trong khu vực kinh tế nông nghiệp, ổn định diện tích đất canh tác lúa gần 80.000 ha đất lúa; sản lượng ổn định 1,2 triệu tấn/năm, là tỉnh có sản lượng lúa lớn ở châu thổ sông MêKông. Bên cạnh đó, tỉnh đã xây dựng được 05 cánh đồng lúa lớn với tổng diện tích 1.758 ha. Hệ thống thủy lợi tạo nguồn được đầu tư và phát huy hiệu quả. Với những cơ sở nêu trên, tỉnh Hậu Giang có đủ điều kiện kêu gọi các dự án sản xuất lúa chất lượng cao theo tiêu chuẩn của nhà đầu tư nước ngoài.

- Thủy sản là thế mạnh thứ hai sau cây lúa. Tổng diện tích mặt nước có khả năng nuôi thủy sản gần 54.000 ha, ngoài ra còn khoảng 15.000 ha mặt nước sông, rạch với sản lượng thủy sản khai thác 33.000 – 35.000 tấn/năm, Ngành thủy sản phấn đấu sản lượng thủy sản đạt 206.000 tấn vào năm 2020, tốc độ tăng trưởng bình quân 15 – 16% năm. Diện tích và quy mô nuôi trồng thủy sản gia tăng theo từng năm.

Trong những năm gần đây, thương mại về thủy sản thế giới gia tăng liên tục do nhu cầu về thủy hải sản ngày càng tăng cao. Các thị trường tiêu thụ chính thủy hải sản là Nhật Bản, Hoa Kỳ, Tây Âu, Hồng Kông và gần đây là Trung Quốc, Malaysia, Singapore, Đài Loan, Hàn Quốc. Ngoài ra, thị trường nội địa với dân số khoảng 80 triệu dân, tốc độ phát triển kinh tế vào loại nhanh trong khu vực là một thị trường rộng lớn đầy tiềm năng, nhưng chưa được các doanh nghiệp quan tâm khai thác đúng mức.

Chính vì những lý do trên nên việc xây dựng Dự án nuôi trồng, chế biến và xuất khẩu thủy sản khép kín là rất hiệu quả.

- Cây ăn trái đặc sản, tỉnh Hậu Giang đã hình thành một số vùng trồng tập trung cây ăn quả nhiệt đới gần 21.000ha, sản lượng 150.000 tấn/năm với các giống cây ăn trái đã được cải thiện, có nguồn gen quý hiếm như: Cam, quít, bưởi năm roi Phú Hữu, nhãn, sầu riêng, măng cụt, vú sữa, chôm chôm, xoài, dâu…, kết hợp khai thác du lịch sinh thái, du lịch văn hóa.

Tuy nhiên, hiện tại, trên địa bàn tỉnh chưa có nhà máy chế biến trái cây xuất khẩu nên diện tích, sản lượng cây ăn quả nhiệt đới phát triển cầm chừng.

- Cây mía được canh tác lâu đời ở tỉnh Hậu Giang, diện tích hiện dao động khoảng 16.000 ha, sản lượng gần 1,5 triệu tấn mía (cao điểm đã lên tới trên 25.000ha, có khả năng cung cấp 2,5 triệu tấn/năm hoặc hơn nữa). Huyện Phụng Hiệp, Long Mỹ, Vị Thủy, thành phố Vị Thanh có diện tích canh tác mía lớn nhất, chiếm trên 90% diện tích canh tác mía toàn tỉnh.

Xét về mặt sản phẩm, ngoài sản phẩm chính là cây mía nguyên liệu để chế biến đường, cây mía còn là nguyên liệu hoặc trực tiếp hoặc gián tiếp của nhiều ngành công nghệp như: Bánh kẹo, rượu cồn, nước giải khát, rượu bia, bột giấy, ván ép, thức ăn gia súc, phân bón vi sinh...Các sản phẩm phụ của mía đường nếu khai thác triệt để, giá trị có thể tăng gấp 3 – 4 lần giá trị của chính phẩm (đường ăn) nhưng trên địa bàn tỉnh vẫn chưa có các dự án này.

- Cây khóm (dứa) là loại cây có thế mạnh được trồng tập trung ở thành phố Vị Thanh, huyện Long Mỹ, do thiếu nhà máy chế biến nên diện tích khóm chưa phát triển, diện tích chỉ còn 1.500 ha. Tỉnh đã hoàn thành quy hoạch vùng chuyên canh khóm qui mô 2.000 – 2.500ha giống mới năng suất cao, đạt tiêu chuẩn chế biến nước khóm cô đặc xuất khẩu và đã xây dựng thương hiệu “Khóm Cầu Đúc” để quảng bá đặc sản này của địa phương. Nếu có dự án chế biến nước khóm (dứa) cô đặc công suất 6.000 tấn - 10.000 tấn sản phẩm/năm tại Cụm công nghiệp thị xã Vị Thanh thì vùng trồng khóm sẽ rất phát triển, góp phần xoá đói giảm nghèo ở nông thôn.

- Phát triển đàn gia súc: Đẩy mạnh phát triển chăn nuôi theo hướng tập trung an toàn sinh học. Dự kiến đến năm 2020 quy mô đàn trâu ổn định 2.000 con, đàn bò 2.500 con, đàn heo 200.000 con, đàn gà 1,5 triệu con, đàn thủy cầm 3,8 triệu con. Sản lượng thịt các loại 47.518 tấn và sản lượng trứng gia cầm đạt 190 triệu quả. Các mô hình chăn nuôi theo hướng công nghiệp tập trung an toàn dịch bệnh và an toàn vệ sinh thực phẩm cũng đã được nhân rộng, nhiều trang trại chăn nuôi tập trung với quy mô lớn đang phát triển để chuẩn bị cho bước phát triển ngành chế biến thịt, đồ hộp xuất khẩu tại các khu, cụm công nghiệp nhằm tăng nhanh nguồn thực phẩm có giá trị này của địa phương.

Các nguồn nông sản quý giá nêu trên đã cung cấp khối lượng nguyên liệu rất lớn và quan trọng cho công nghiệp chế biến tại tỉnh Hậu Giang, thành phố Cần Thơ, thành phố Hồ Chí Minh.

4. Các ngành, lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội thiết yếu:

4.1. Các ngành và lĩnh vực ưu tiên vốn đầu tư trong nước và vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI):

a) Công nghiệp công nghệ cao

b) Công nghiệp điện tử

c) Công nghiệp hỗ trợ

d) Công nghiệp năng lượng sạch

e) Phát triển cơ sở hạ tầng

f) Các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao

g) Các dự án sản xuất hàng xuất khẩu và thay thế hàng nhập khẩu

4.2. Các ngành và lĩnh vực ưu tiên vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA):

a) Phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - kỹ thuật đồng bộ

b) Phát triển kết cấu hạ tầng xã hội

c) Phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân và xây dựng nông thôn mới bền vững; đảm bảo an sinh xã hội và các mục tiêu thiên niên kỷ

d). Phát triển nguồn nhân lực

e) Bảo vệ môi trường, nguồn tài nguyên thiên nhiên, ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh

f) Xây dựng cơ chế, chính sách và cải cách hành chính

4.3. Các ngành và lĩnh vực ưu tiên vốn viện trợ phi chính phủ nước ngoài (NGO):

a) Nông nghiệp và phát triển nông thôn

b) Y tế

d) Giáo dục và đào tạo

e) Đào tạo, dạy nghề và hướng nghiệp

f) Giải quyết các vấn đề xã hội

g) Môi trường

h) Khắc phục hậu quả chiến tranh

l) Phòng, giảm nhẹ thiên tai và cứu trợ khẩn cấp

m) Văn hóa, thể thao

n) Ứng phó với biến đổi khí hậu

5. Thu hút đầu tư :

5.1 Tại khu, cụm công nghiệp:

a) Khu đô thị Công nghiệp Sông Hậu tại huyện Châu Thành.

Quy mô diện tích 3.200 ha, là một quần thể được quy hoạch bao gồm đất xây dựng công nghiệp, đất xây dựng đô thị, đất thể thao, đất dịch vụ thương mại, du lịch, đất khu biệt thự miệt vườn, đất công viên cây xanh...tại huyện Châu Thành, nằm cặp bên bờ sông Hậu và quốc lộ nam sông Hậu đi Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, tiếp giáp với Cụm cảng Cái Cui thành phố Cần Thơ, cách cầu Cần Thơ 5km, cách sân bay Cần Thơ 15km về phía đông nam.

Diện tích đất công nghiệp 1.900 ha, trong đó đã quy hoạch 01 khu công nghiệp (Khu Công nghiệp tập trung Sông Hậu giai đoạn I), 04 cụm công nghiệp (Cụm Công nghiệp tập trung Phú Hữu A giai đoạn I, Cụm Công nghiệp tập trung Phú Hữu A giai đoạn III, Cụm Công nghiệp tập trung Đông Phú giai đoạn I) và Trung tâm điện lực Sông Hậu.

Tình hình triển khai thực hiện dự án: Quy hoạch tổng thể, quy hoạch chi tiết, dự án đầu tư đã được phê duyệt, đang triển khai dự án và kêu gọi các nhà đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng.

b) Khu công nghiệp tập trung Sông Hậu – Giai đoạn 1 tại huyện Châu Thành: Tổng diện tích 291ha; có vị trí rất thuận lợi, nằm cặp bên bờ Sông Hậu, tiếp giáp với cảng Cái Cui, cách cầu Cần Thơ 5km và cách sân bay Cần Thơ khoảng 15km về phía Đông Nam.

Hệ thống cơ sở hạ tầng khu công nghiệp đã được đầu tư khá hoàn chỉnh, diện tích đất của khu công nghiệp này đã được lấp đầy 83% với 15 dự án đầu tư.

c) Khu công nghiệp tập trung Tân Phú Thạnh tại huyện Châu Thành A:

Tổng diện tích đất 202ha; có vị trí cách trung tâm thành phố Cần Thơ 10km về phía nam, cách cầu Cần Thơ 5km và cách sân bay Cần Thơ 20km, thuận lợi về đường thủy và đường bộ.

Hiện tại, tỉnh đã đầu tư xây dựng hoàn thiện các trục giao thông chính, bến cảng, các cơ sở hạ tầng khu công nghiệp khác đang trong quá trình hoàn thiện. Hiện có 26 nhà đầu tư trong và ngoài nước đang hoạt động với diện tích lấp đầy khoảng 70%.

d) Cụm công nghiệp tập trung Phú Hữu A – Giai đoạn 1, huyện Châu Thành: Tổng diện tích: 110 ha, tỉ lệ lấp đầy 100%. Số dự án đầu tư: 04 dự án.

e) Cụm công nghiệp tập trung Phú Hữu A – Giai đoạn 3 tại huyện Châu Thành: Tổng diện tích 80ha. Tình hình triển khai thực hiện: Quy hoạch tổng thể, quy hoạch chi tiết, dự án đầu tư đã được phê duyệt. Tỉnh đang đang đầu tư cơ sở hạ tầng cụm công nghiệp tập trung. Hiện nay đã lấp đầy 17% diện tíchvới 01 dự án đầu tư.

f) Cụm công nghiệp tập trung Đông Phú – Giai đoạn 1 tại huyện Châu Thành: Tổng diện tích 120ha. Tình hình triển khai thực hiện: Quy hoạch tổng thể, quy hoạch chi tiết, dự án đầu tư đã được phê duyệt. Tỉnh đang đang đầu tư cơ sở hạ tầng cụm công nghiệp tập trung. Hiện nay đã lấp đầy 10% diện tích với 02 dự án đầu tư.

g) Cụm công nghiệp tập trung Nhơn Nghĩa A tại huyện Châu Thành A: Tổng diện tích 100ha. Tình hình triển khai thực hiện: Quy hoạch tổng thể, quy hoạch chi tiết, dự án đầu tư đã được phê duyệt. Hiện nay tỉnh đang kêu gọi đầu tư vào cụm công nghiệp này.

h) Đất truyền dẫn năng lượng - Trung tâm Điện lực Sông Hậu: Tổng diện diện tích: 367 ha, với quy hoạch 03 nhà máy nhiệt điện tập trung. Hiện đang có 01 dự án nhà máy nhiệt điện đang được đầu tư tỉ lệ lấp đầy 31% với. Đang đàm phán nhà máy nhiệt điện thứ 02 và kêu gọi đầu tư nhà máy 03.

i) Cụm công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp Vị Thanh:

Đây là cụm công nghiêp – tiểu thủ công nghiệp tỉnh thành lập, do Ủy ban nhân dân thành phố Vị Thanh trực tiếp quản lý. Quy mô diện tích 53 ha, thuộc địa bàn thành phố Vị Thanh, nằm cặp Quốc lộ 61 và kinh xáng Xà No là tuyến đường thủy quốc gia đi thành phố Hồ Chí Minh, Cà Mau.

Tình hình triển khai thực hiện dự án: Quy hoạch tổng thể, quy hoạch chi tiết, dự án đầu tư đã được phê duyệt. Cụm này đã được đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật khá hoàn thiện, rất cần thiết mời gọi doanh nghiệp đầu tư các dự án sản xuất công nghiêp theo hình thức giao đất có thu tiền sử dụng đất và thuê đất. Hiện tại, các dự án sản xuất kinh doanh đã lấp đầy 65% diện tích.

5.2. Thành phố Vị Thanh:

Thành phố Vị Thanh là đô thị loại III – trung tâm hành chính, kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật và là đầu mối giao thông, là điểm tựa quan trọng thúc đẩy sự phát triển bền vững của tỉnh Hậu Giang và tiểu vùng Tây sông Hậu, Bắc bán đảo Cà Mau.

Cơ cấu kinh tế của thành phố Vị Thanh đang phát triển nhanh theo hướng công nghiệp – dịch vụ – nông nghiệp.

Thành phố Vị Thanh đã chuẩn bị dự án với nhu cầu vốn đầu tư rất lớn kêu gọi đầu tư xây dựng, nâng cấp cơ sở hạ tầng kinh tế – xã hội của một thành phố đang phát triển theo hướng đô thị loại II.

5.3. Thị xã Ngã Bảy và thị Long Mỹ:

Đô thị Ngã Bảy là đầu mối công nghiệp chế biến hàng hóa nông sản, lưu thông hàng hóa, dịch vụ thương mại, du lịch của vùng đông nam tỉnh Hậu Giang và khu vực kế cận nằm cặp theo quốc lộ 1A. Cơ cấu kinh tế của thị xã Ngã Bảy đang phát triển nhanh theo hướng công nghiệp – dịch vụ – nông nghiệp với những dự án lớn để phát triển nhanh thành đô thị loại II.

Thị xã Long Mỹ có các dự án khả thi với nhu cầu vốn đầu tư rất lớn kêu gọi đầu tư xây dựng, nâng cấp cơ sở hạ tầng kinh tế – xã hội theo hướng phát triển thành đô thị loại III.

5.4. Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng:

Lung Ngọc Hoàng là tên gọi một vùng trũng, ngập nước nỗi tiếng thuộc xã Phương Bình, huyện Phụng Hiệp.

Thảm thực vật Lung Ngọc Hoàng mang nét đặc thù hoang dã bởi các loài thực vật ngập nước theo mùa với những thủy vực giàu có và phong phú như rắn, rùa, các loài chim nước và cá nước ngọt nỗi tiếng.

Lung Ngọc Hoàng ngoài những màu xanh thơ mộng của rừng tràm, còn màu xanh quyến rũ của mía, lúa, tre, trúc, của những dòng kinh và tiếng cúm núm gọi đồng. Bao đời nay, Lung Ngọc Hoàng vừa nỗi tiếng là một “rún cá” lại là một “vựa rắn”, chủ yếu là: Cá lóc, cá rô, cá bông, trê trắng, thát lát, lươn, cua đinh, ba ba, rùa, rắn các loại rất đa dạng của miền Tây Nam bộ; ngoài ra còn nhiều loại chim như diều xám, diều lửa, cò, le le, quắm đen, trích, cúm núm, vạc...Đặc biệt là một hệ thực vật đa dạng, một quần thể động vật vô cùng phong phú gồm 206 loài, hấp dẫn nhất là chim nước với 135 loài, trong đó có nhiều giống quý hiếm như: Bạc má, giang sen, đà đẩy...Hy vọng rằng trong một tương lai không xa, vùng đất huyền thoại này sẽ trở thành Khu bảo vệ cảnh quan đất ngập nước, xứng đáng là một khu rừng di tích lịch sử kết hợp với du lịch sinh đa dạng sinh học thiên nhiên.

Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng có diện tích hơn 2.800 ha rừng tràm, xà cừ, keo tai tượng; trên 400 ha lung bàu nỗi tiếng của một vùng đất ngập nước. Bao quanh là vùng đệm rộng gần 9.000 ha chuyển tiếp giữa khu bảo tồn với vùng kinh tế nông nghiệp trù phú.

Dự án vùng đệm Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng đang kêu gọi đầu tư cơ sở hạ tầng theo hướng du lịch sinh thái; bao gồm:Xây dựng hệ thống, cung cấp cấp nước sạch, khu nghỉ dưỡng, đường giao thông du lịch, biệt thự, nhà hàng, khách sạn, tôn tạo các khu bảo tồn, thể thao, giải trí…Những nét độc đáo sinh hoạt, sản xuất nơi đây sẽ được tôn tạo nhằm phục vụ du lịch như nghề thủ công mỹ nghệ từ gỗ, tre, lá ở địa phương, nghề gác kèo ong lấy mật và sáp, ca nhạc tài tử Nam bộ...

5.5. Chợ nổi Ngã Bảy: Chợ nỗi Ngã Bảy, còn gọi là chợ nổi Phụng Hiệp, là một chợ nổi được hình thành từ năm 1915, là chợ nổi lớn nhất vùng đồng bằng sông Cửu Long, nơi hội tụ của bảy nhánh sông: Cái Côn, Bún Tàu, Mang Cá, Sóc Trăng, Lái Hiếu, Xẻo Môn, Xẻo Dong. Nơi đây việc mua bán nông sản hàng hóa tấp nập, sầm uất trên xuồng, ghe nên gọi là chợ nổi với cách tiếp thị mộc mạc nhưng rất độc đáo thấm sâu vào lòng người mua, kẻ bán. Nơi đây không chỉ nơi buôn bán hàng hóa mà còn là địa điểm thu hút khách du lịch. Do sức lan tỏa, tác động quá lớn, vùng trung tâm lập tức trở thành đầu mối giao thông thủy lớn nhất khu vực đồng bằng sông Cửu Long và hình thành một trung tâm giao thương hàng hóa lớn của cả miền cực Nam, tác động mạnh đến thị trường nông sản miền Tây. Cũng chính ngay chợ Ngã Bảy đã hình thành làng nghề đóng ghe truyền thống.

Hiện tại, Chợ nổi Ngã Bảy chủ yếu là khai thác tự nhiên; hiện nay tỉnh đang lập quy hoạch chi tiết, dự án đầu tư để kêu gọi hợp tác đầu tư.

Văn Phương

Từ khóa » đầu Tư Mở Rộng Có được ưu đãi Thuế