Chính Tả Tiếng Việt - Wikipedia
Có thể bạn quan tâm
Bài viết này có thể có quá nhiều liên kết tới bài viết khác, và có thể cần được dọn dẹp để thỏa mãn tiêu chuẩn chất lượng của Wikipedia. Theo hướng dẫn của Wikipedia, hãy loại bỏ những liên kết trùng và không liên quan đến ngữ cảnh. (tháng 8/2024) |
Chính tả tiếng Việt | |
---|---|
Bảng chữ cái, dấu câu theo phông chữ Times New Roman | |
Tiếng Việt | |
Ảnh hưởng | Tiếng HánTừ Hán ViệtChữ HánChữ NômChữ Quốc ngữ |
Nguồn | Từ điển tiếng ViệtTừ điển chính tả tiếng Việt |
Nội dung chính tả | |
Cách viết | Từ ngữ từ vựngÂm tiết âm vịDấu câu ký tự |
Phát âm phương ngữ | Phương ngữ miền BắcPhương ngữ miền TrungPhương ngữ miền Nam |
Bộ phận | Chính tả phổ thôngChính tả theo trường hợpChính tả văn bản quy phạm pháp luật |
Chuẩn hóa chính tả | |
Áp dụng | Giáo dục phổ thôngBài viết khoa họcVăn bản hành chínhVăn bản pháp luật |
Nguyên tắc | Chuẩn hóa chính tả tiếng ViệtTôn trọng tập quán thông dụngTôn trọng quy luật thế giới |
Quy phạm | Quy định chính tả tiếng Việt năm 1984Nghị định về Công tác văn thư năm 2020Hiến pháp 2013 |
|
Chính tả tiếng Việt là sự chuẩn hóa hình thức chữ viết của ngôn ngữ tiếng Việt. Đây là một hệ thống quy tắc về cách viết các âm vị, âm tiết, từ, cách dùng các ký tự dấu câu thể hiện, lối viết hoa.[1] Trong đó, tiếng Việt là tiếng mẹ đẻ của người Việt, ngôn ngữ quốc gia tại Việt Nam với phương châm dùng tiếng nói, chữ viết, giữ gìn bản sắc dân tộc, phát huy phong tục, tập quán, truyền thống và văn hóa tốt đẹp của mình;[Ghi chú 1] chính tả[Ghi chú 2] là nguyên tắc điều chỉnh ngôn ngữ mang tính định hướng ở hầu hết các ngôn ngữ trên thế giới.[2] Chính tả tiếng Việt hợp thức hóa các nguyên tắc, phương vị khác nhau theo vùng miền, thời gian của tiếng Việt, thống nhất cách viết đáp ứng mục tiêu chính xác.
Tiếng Việt của người Việt trải qua giai đoạn lịch sử lâu dài, nhiều biến đổi. Xuất phát điểm là ngôn ngữ cơ bản không chữ viết, lần lượt thời kỳ vay mượn từ Hán Việt để phong phú ngôn ngữ, tạo chữ Nôm để viết tiếng Việt theo dạng tượng hình và hình thành chữ Quốc ngữ (sử dụng các ký tự Latinh), hệ chữ viết chính thức trên thực tế hiện nay của tiếng Việt. Lịch sử thay đổi, vị trí địa lý cũng thay đổi dẫn tới sự khác biệt nhất định về một số từ vựng, âm thanh giọng nói theo miền Bắc, miền Trung, miền Nam. Trong những thay đổi đó, chính tả tiếng Việt dần dần được xác định ở thời hiện đại.
Chính tả tiếng Việt có: chính tả phổ thông – nhóm cơ bản chiếm phần lớn hệ thống chính tả, đưa vào giảng dạy tại tất cả các trường công lập, thuộc quy định bắt buộc đối với chữ viết;[3] chính tả theo trường hợp – nhóm chính tả có những cách viết khác nhau nhưng đều được chấp nhận, tuy nhiên khuyến khích theo một hướng chung; chính tả văn bản quy phạm pháp luật – nhóm quy định bởi văn bản quy phạm pháp luật, hình mẫu cho cách viết mang tính đồng nhất, khoa học. Các nhóm này đều mang ảnh hưởng lớn tới người Việt, được thể hiện trong đa số văn bản. Ngoài ra, chính tả tiếng Việt vẫn đang tồn tại các vấn đề tranh luận, chưa nhất quán, cách ghi chép và sử dụng khác nhau trên thực tế; chính tả tiếng Việt đang trong quá trình nghiên cứu, tập trung chuẩn hóa hệ thống toàn quốc.[4][5]
Lịch sử
[sửa | sửa mã nguồn]Nguồn gốc
[sửa | sửa mã nguồn]Tiếng Việt có quan hệ gần gũi với tiếng Mường, và được xếp vào ngữ chi Việt thuộc nhóm ngôn ngữ Môn – Khmer trong ngữ hệ Nam Á ở khu vực Đông Nam Á hiện nay.[6] Nhóm ngôn ngữ Việt Mường ở thời kỳ khoảng đầu công nguyên là những ngôn ngữ hay phương ngữ không thanh điệu. Về sau, qua quá trình giao thoa với Hoa ngữ, nhất là với các ngữ thuộc ngữ hệ Tai-Kadai vốn có hệ thống thanh điệu phát triển cao, hệ thống thanh điệu trong tiếng Việt xuất hiện và có diện mạo như ngày nay, theo quy luật hình thành thanh điệu. Sự xuất hiện các thanh điệu, bắt đầu khoảng thế kỷ VI thời Bắc thuộc với ba thanh điệu và tăng thành sáu thanh điệu vào khoảng thế kỷ XII thời Nhà Lý.[7] Thanh điệu trở thành một trong các nội dung ảnh hưởng chính tả.
Trong thời Bắc thuộc, tiếng Việt chịu nhiều ảnh hưởng bởi tiếng Trung Quốc, chủ yếu là chữ Hán phồn thể. Trong Bắc thuộc thứ nhất (218 hoặc 179 hoặc 111 TCN – 40) thuộc Nhà Triệu, Nhà Hán, nước Việt chịu thống trị như một vùng lệ thuộc.[8] Hai Bà Trưng giành độc lập (40 – 43), thua trận trước Phục Ba tướng quân Mã Viện của Lưu Tú, chuyển sang Bắc thuộc thứ hai (43 – 541). Thời này, Thái thú Sĩ Nhiếp cai trị Giao Chỉ (187 – 226), truyền bá chữ Hán và đạo Khổng một cách có hệ thống,[9] giai đoạn từ Hán cổ.[10] Sang Bắc thuộc thứ ba (602 – 905) giai đoạn Triều Đường, từ vựng tiếng Hán trung cổ ảnh hưởng tới tiếng Việt là trong giai đoạn này gọi là từ Hán Việt. Về mặt ngôn ngữ, người Việt vẫn nói tiếng Việt và vay mượn số lượng lớn từ ngữ lĩnh vực triết học, chính trị và kỹ thuật.[11] Giai đoạn này, sử dụng chữ Hán đồng thời áp dụng chính tả kiểu Hán, chỉ có trong tầng lớp quý tộc và quan chức.
Trung đại
[sửa | sửa mã nguồn]Kết thúc Bắc thuộc thứ ba, nước Việt tự chủ, tách khỏi văn hóa Trung Hoa, chữ Nôm ra đời thời Nhà Lý, Nhà Trần để đáp ứng hệ suy nghĩ, đời sống người Việt.[12] Chữ Nôm xây dựng tương tự chữ Hán để ghi chép tiếng Việt, phát triển theo hướng ghi âm, nhằm ghi chép ngày một sát hơn, đúng hơn với tiếng Việt. Đến thế kỷ XVIII – XIX, chữ Nôm đã phát triển tới mức cao, át địa vị chữ Hán. Những tác phẩm chữ Nôm này rất đa dạng với nguồn từ Hàn luật (thơ Nôm theo luật Đường), đến văn tế, truyện thơ lục bát, song thất lục bát, phú, hát nói, tuồng, chèo. Có thể kể đến các tác phẩm như Lời hiểu dụ tướng sĩ[Ghi chú 3] bằng chữ Nôm,[13] khoa thi hương dưới thời Quang Trung (1789) đã có bài thi làm bằng chữ Nôm; Quốc âm thi tập (Nguyễn Trãi), Hồng Đức quốc âm thi tập (Lê Thánh Tông), Bạch Vân quốc ngữ thi tập (Nguyễn Bỉnh Khiêm)[14] dạng thơ Hàn luật bát cú hoặc tứ tuyệt;[15] Cung oán ngâm khúc (Nguyễn Gia Thiều), truyện Kiều (Nguyễn Du),[16] Lục Vân Tiên (Nguyễn Đình Chiểu) dạng lục bát, song thất lục bát chữ Nôm. Chữ Nôm ghi âm tiếng Việt, thể hiện chữ viết theo cách nói, thay đổi ngữ pháp viết tiếng Việt, tiền đề chính tả theo tiếng nói.
Cận đại
[sửa | sửa mã nguồn]Vào thế kỷ XVII, trong thời Trịnh – Nguyễn phân tranh, với sự giao lưu với phương Tây, chữ Quốc ngữ (chữ Latinh) được hình thành bởi các tu sĩ Dòng Tên trong quá trình truyền đạo Công giáo tại Việt Nam dưới quy chế bảo trợ của Bồ Đào Nha. Francisco de Pina là nhà truyền giáo đầu tiên thông thạo tiếng Việt, ông đã bắt đầu xây dựng phương pháp ghi âm tiếng Việt bằng chữ cái Latinh.[17] Cuối thế kỷ XVIII, tại Đàng Trong diễn ra cuộc chỉnh lý khiến chữ Quốc ngữ hầu như giống với ngày nay.[18] Các giáo hữu Đàng Trong đã biên soạn Từ điển chữ Quốc ngữ, dưới sự điều phối của Giám mục Pierre Pigneau de Behaine.[19] Căn cứ vào bản thảo này, giáo sĩ Jean-Louis Taberd đã biên tập và cho xuất bản năm 1838.[20] Năm 1865, Gia Định báo, tờ báo tiếng Việt đầu tiên dùng chữ Quốc ngữ ra đời.[21] Thời Pháp thuộc này, giáo dục ngôn ngữ cho người Việt bao gồm chữ Nôm và chữ Quốc ngữ, dần dần thiên về chữ Quốc ngữ vì đồng văn tự với tiếng Pháp. Ngày 22 tháng 2 năm 1869, Phó Đề đốc Marie Gustave Hector Ohier ký quyết định bắt buộc dùng chữ Quốc ngữ thay thế chữ Hán, chữ Nôm trong các công văn ở Nam Kỳ.[22] Ngày 6 tháng 4 năm 1878, Thống đốc Nam Kỳ Lafont ký quyết định thời gian trong bốn năm (đến năm 1882) phải chuyển hẳn sang chữ Quốc ngữ.[23] Phần chính tả chữ Quốc ngữ chủ yếu về cách viết chữ, sử dụng ký tự tuân theo nguyên tắc chính tả tiếng Pháp và chính tả tiếng Bồ Đào Nha, thể thức phương Tây trở nên phổ biến nhiều khu vực trên thế giới cùng chiều hướng xâm lược của thực dân phương Tây. Đồng thời, lượng từ vựng được tăng lên gồm phiên âm của ngôn ngữ phương Tây, chủ yếu là từ tiếng Pháp, thường được sử dụng bởi tầng lớp thị dân không thông thạo chữ Hán; chuyển phiên âm phương Tây sang từ Hán Việt, cả hai trở thành vốn từ mượn mới.[24] Chính tả về âm tiết chưa được thống nhất.
Hiện đại
[sửa | sửa mã nguồn]Nửa đầu thế kỷ XX, với các sự kiện như bỏ khoa cử, thành lập hệ thống dạy học ngôn ngữ, chữ Quốc ngữ dần trở thành văn tự chính phổ biến toàn quốc, được mở rộng phổ biến cùng hoàn thiện nội dung. Có thể kể đến các tổ chức như Đông Kinh Nghĩa Thục, Tự Lực văn đoàn, Hội Trí Tri, Hội Truyền bá Quốc ngữ hoạt động có ảnh hưởng tới ngôn ngữ, riêng Hội Truyền bá giúp cho 70.000 người biết chữ tính đến năm 1945.[25] Chính tả tiếng Việt thời kỳ này có sự khác biệt về cách viết ghi âm, cách dùng ký tự so với bây giờ, ví dụ như tác phẩm Dường kách mệnh[Ghi chú 4] của Nguyễn Ái Quốc, dùng dấu gạch nối trong nhiều từ ghép như tự-do, Việt-Nam, Chính-Phủ. Năm 1945, Cách mạng tháng Tám thành công, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, mở Bình dân học vụ chống nạn mù chữ,[26] lấy chữ Quốc ngữ làm văn tự chung.[27][28] Kế tiếp trong thời kỳ Chiến tranh Việt Nam, nước Việt chia làm hai, miền Bắc là Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, miền Nam là Việt Nam Cộng hòa có sự khác nhau về chính tả trong cả phát âm, cách viết ghi âm và ký tự.
Việt Nam thống nhất năm 1975, thành lập nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1976. Công tác chuẩn hóa chính tả bắt đầu được tiến hành để hợp nhất sự khác biệt giữa hai miền. Ngày 30 tháng 11 năm 1980, Bộ Giáo dục[Ghi chú 5] và Ủy ban Khoa học Xã hội đã ban hành một số quy định về chính tả tiếng Việt. Ngày 1 tháng 7 năm 1983, Hội đồng Chuẩn hóa chính tả và Hội đồng Chuẩn hóa thuật ngữ đã ban hành quyết nghị về chính tả cùng thuật ngữ tiếng Việt, tập trung tái khẳng định quy định năm 1980, thêm chi tiết, điều chỉnh lại những quy định đó. Năm 1984, Quyết định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục: Quy định về chính tả tiếng Việt và thuật ngữ tiếng Việt[Ghi chú 6] được ban hành và là quy phạm pháp luật đầu tiên về chính tả tiếng Việt. Trong thời hiện đại, các vấn đề tranh cãi thuộc chính tả tiếng Việt đều đang tồn tại, nhiều đề tài nghiên cứu chính tả. Trong các Từ điển chính tả tiếng Việt được xuất bản, từ điển năm 2020 của Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội phải thu hồi do "thấy quan điểm của tác giả trong một số mục từ chưa phù hợp với chính tả hiện hành".[29] Sự khác nhau những vấn đề về chữ viết, ký tự, và cả cách viết hoa vẫn còn trong nhiều bản viết. Mục tiêu chuẩn hóa chính tả tiếng Việt, hợp nhất chữ viết và đưa vào các văn bản quy phạm pháp luật ở Việt Nam đang được đặt ra.[30][Ghi chú 7]
Về chính tả trong văn bản hành chính, ngày 19 tháng 1 năm 2011, Bộ Nội vụ ban hành Thông tư số 01/2011/TT-BNV: Hướng dẫn thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản hành chính[31]; ngày 5 tháng 3 năm 2020, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Nghị định 30/2020/NĐ-CP Về công tác văn thư.[32] Hai văn bản quy phạm pháp luật này điều chỉnh soạn thảo chính tả văn bản, mang tính ảnh hưởng quyết định đối với chính tả tiếng Việt. Hiện nay, đang tuân thủ Nghị định 30/2020/NĐ-CP.
Về chính tả trong chương trình giáo dục phổ thông, sách giáo khoa phổ thông thì ngoài Quyết định 240/QĐ năm 1984, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã ban hành thêm 2 văn bản khác quy định cách viết chính tả tiếng Việtː[33] Quyết định 07/2003/QĐ-BGDĐT Quy định tạm thời về viết hoa tên riêng trong sách giáo khoa[34] và Quyết định 1989/2018/QĐ-BGDĐT Quy định về chính tả trong Chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.[35] Tuy nhiên, cách viết chính tả không được thống nhất trong quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Nội vụ, Chính phủ, cụ thể là cách viết i và y sau phụ âm đầu không có âm đệm và âm cuối. Quyết định 1989/2018/QĐ-BGDĐT yêu cầu viết lí luận, mĩ thuật, còn Nghị định 30/2020/NĐ-CP mặc dù không ghi rõ quy định viết i và y nhưng phụ lục II có ví dụ cách viết đúng chính tả là Triều Lý, kỷ niệm.
Mặc dù có nhiều quy định ban hành nhưng cách dùng của chữ i và y dường như vẫn là thiếu nhất quán nhất trong suốt chiều dài lịch sử chính tả tiếng Việt,[36] điều này gây tranh cãi và có nhiều hệ lụy về viết tên địa danh, ví dụ tiêu biểu là Qui Nhơn hay Quy Nhơn. Cách viết Qui Nhơn hay Quy Nhơn mâu thuẫn cả trong các văn bản hành chính và cả trong giới nghiên cứu Ngôn ngữ học.[37]
Nguyên tắc chính tả
[sửa | sửa mã nguồn]Định vị và tác động
[sửa | sửa mã nguồn]Tiếng Việt tồn tại và đi theo lịch sử người Việt trong suốt nhiều thời đại, biến đổi cả ngữ âm và chữ viết. Trong đó, ngữ âm biến hóa bởi thay đổi vị trí địa lý, theo đời sống, sinh hoạt, giao lưu với nhiều dân tộc khác nhau của người Việt; chữ viết vay mượn (chữ Hán) sản sinh (chữ Nôm, chữ Quốc ngữ), được chấp nhận để lưu trữ, trao đổi, thể hiện ngôn ngữ. Từ thập niên 20 của thế kỷ XX đến nay, chữ Quốc ngữ trở thành chữ viết chính của người Việt, với ý nghĩa cơ bản là: sử dụng chữ viết để miêu tả, biểu thị trực tiếp phát âm.[38] Trên thực tế, với ảnh hưởng của lịch sử và vị trí địa lý, cách phát âm của người Việt có sự khác nhau nhất định về âm thanh, tức các phương ngữ – ngôn ngữ địa phương vùng miền. Việt Nam chủ yếu có ba vùng phương ngữ chính: phương ngữ Bắc (Bắc Bộ), phương ngữ Trung (Bắc Trung Bộ), phương ngữ Nam (Nam Trung Bộ và Nam Bộ). Các phương ngữ này khác nhau chủ yếu ở ngữ âm, rồi đến từ vựng, cuối cùng là một chút khác biệt ngữ pháp.[39] Sự khác nhau về ngữ âm vùng miền khiến cho chữ viết mô tả cũng khác nhau. Từ đó, phương án chuẩn hóa chính tả ra đời nhằm thống nhất từ ngữ chữ viết chung cho cả nước.
Chữ Quốc ngữ là một chữ viết ghi âm bằng chữ cái. Do đặc điểm của tiếng Việt (ngôn ngữ âm tiết tính, không biến hình), nguyên tắc chính tả cơ bản của chữ Việt đơn giản là nguyên tắc ngữ âm học: phát âm như nhau thì viết giống nhau, và viết giống nhau thì đọc như nhau, giữa phát âm và chính tả có mối quan hệ trực tiếp.[40] Trong nguyên tắc ngữ âm có hai bộ phận: đối với các từ phát âm giống nhau cả nước thì được viết theo phát âm; đối với các từ phát âm khác nhau theo từng phương ngữ thì cơ sở chính tả là tổng hợp các sự phân biệt âm vị học có trong các phương ngữ.[41] Ví dụ: từ trán (cái trán), phát âm miền Nam là tráng, phát âm miền miền Bắc là chán, nếu chữ viết theo các phát âm này thì đều là sai chính tả, không thống nhất. Phát âm nói chung là cơ sở cho chính tả tiếng Việt, không phải là phát âm thuần tuý của một phương ngữ nói riêng nào. Phương ngữ miền Nam không phân biệt trán với tráng, đều phát âm là tráng; phương ngữ miền Bắc không phân biệt trán với chán, đều phát âm là chán. Dựa trên cơ sở này, chính tả đã được đặt ra để phân biệt trán, tráng, chán, cháng,[42] gọi là phân biệt âm vị học, thống nhất từ ngữ toàn quốc, góp phần kết nối, không có ranh giới giữa từ ngữ địa phương và từ ngữ toàn dân.[43]
Chính tả tiếng Việt vừa được xây dựng, vừa đưa vào giáo dục đi cùng thời kỳ cải cách giáo dục,[44] từ trường học địa phương cho đến thiết lập quy định, dần dần mang tính toàn quốc. Trong lịch sử Việt Nam hiện đại, có một số yếu tố ảnh hưởng chủ yếu tới chính tả tiếng Việt. Tác động từ tập hợp các tác phẩm nghiên cứu, từ điển, văn bản và bài viết xuyên suốt, liên quan tới việc sử dụng chính tả. Ví dụ như Từ điển tiếng Việt, bản in ấn tiếng Việt lĩnh vực lịch sử như Đại Việt sử ký toàn thư, Đại Việt sử ký, Khâm định Việt sử Thông giám cương mục, Đại Nam thực lục được đặt làm khuôn mẫu tham khảo, lưu trữ trong thời gian tiếp theo. Tác động từ thói quen sử dụng từ ngữ của người Việt, thói quen này tạo ra những vốn từ không chính xác với quy tắc được đề nghị xây dựng, nhưng bởi tính chất tập quán được đồng thuận bởi đông đảo người dùng, chính tả chịu ảnh hưởng và chấp nhận. Ví dụ từ truyện và chuyện: ban đầu có từ nguyên xuất phát vay mượn từ Hán Việt, một nghĩa (傳), sau đó biến đổi theo tập quán sử dụng và tách thành hai nghĩa truyện[Ghi chú 8] và chuyện[Ghi chú 9] ngày nay. Tác động quyết định tới chính tả là các văn bản quy phạm pháp luật quy định vấn đề chính tả, tạo thành hệ thống chung được đưa vào các bộ sách giáo khoa giảng dạy toàn quốc. Ví dụ: tập trung tại sách giáo khoa các lớp tiểu học, học sinh được giảng dạy tiếng Việt, gồm chữ viết và các quy tắc chính tả, tổng quan, phổ biến và đồng thuận nhất, tạo nên kiến thức chính tả cơ bản và bắt buộc.[45]
Chính tả phổ thông
[sửa | sửa mã nguồn]Chính tả phổ thông đi cùng chữ viết trong giáo dục Việt Nam, mang tính bắt buộc toàn quốc.[46] Trong quá trình học tập phổ thông, nội dung giảng dạy tiếng Việt bao gồm bảng chữ cái tiếng Việt, cách viết và kết nối nguyên âm, phụ âm, dấu thanh; hệ thống ký tự dấu câu trong ngôn ngữ:
Bảng chữ cái tiếng Việt (29)[Ghi chú 10] | |||||||||||||||||||||||||||||
---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|
Viết hoa | A | Ă | Â | B | C | D | Đ | E | Ê | G | H | I | K | L | M | N | O | Ô | Ơ | P | Q | R | S | T | U | Ư | V | X | Y |
Viết thường | a | ă | â | b | c | d | đ | e | ê | g | h | i | k | l | m | n | o | ô | ơ | p | q | r | s | t | u | ư | v | x | y |
Bảng dấu thanh – ký tự | |||||||||||||||||||||||||||||
Dấu thanh[Ghi chú 11] | Không | Huyền | Sắc | Nặng | Hỏi | Ngã | Ký tự[Ghi chú 12] | . | , | ? | ! | : | ; | – | - | " " | / | ... | () | [ ] |
Từ điển tiếng Việt, Từ điển chính tả tiếng Việt trở thành nguồn từ vựng cung cấp cho giáo dục, hỗ trợ tra cứu đưa vào giảng dạy, góp phần chỉ dẫn cách viết đúng chính tả của các từ ngữ. Chính tả phổ thông là chính tả cơ bản được đồng thuận, chấp nhận phạm vi cả nước, liên tục được củng cố cho các thế hệ tiếp theo trong giáo dục. Nội dung và cấu tạo chính tả âm tiết của Từ điển chính tả tiếng Việt được xây dựng theo các vấn đề thực tế tồn tại trường hợp không thống nhất hoặc chia phần vùng miền, gồm: âm tiết phụ âm đầu của ch-/tr-, d-/gi-/v-/r-, l-/n-...; âm tiết có phụ âm cuối của -c/-t, -c/-ch/-t, -n/-ng/-nh, -i/-y, -o/-u; âm tiết có âm chính của e/ê, i/iê, i/u, o/oo, o/ô/ơ, u/uô, ư/ươ; âm tiết có các khuôn vần -oi/-oai; âm tiết có các thanh điệu hỏi/ngã, ngã/nặng và một số trường hợp đặc biệt khác.[47] Ví dụ từ chính và chánh, cả hai từ đều là phiên âm tiếng Việt của hai từ tiếng Trung Quốc là 政 và 正 (hai từ này có bính âm Hán ngữ như nhau ngữ âm: zhēng hoặc zhèng) trong thời phân chia phương ngữ, miền Bắc thường dùng từ chính để đọc cả hai từ, miền Nam thường dùng từ chánh. Cùng một nghĩa nhưng đọc theo hai kiểu, các cụm như chuyên chính và chuyên chánh, dân chính và dân chánh, đính chính và đính chánh. Hiện nay, từ chính được chọn làm từ sử dụng trong hầu hết các cụm từ mang nghĩa như danh chính ngôn thuận, chính trị, chính quyền, cổng chính.[48] Từ chánh không biến mất, mà còn được giữ trong một số vị trí địa lý cụ thể như huyện Bình Chánh, huyện Lang Chánh; sử dụng trong một số chức vụ tổ chức như Chánh án, Chánh Văn phòng.[42]
Trong chính tả phổ thông, có quy định đối với các nhóm cùng ngữ âm, khác ngữ âm như:
Nhóm từ -i-/-y-[Ghi chú 13], y dùng để thay thế cho i, có ba trường hợp bắt buộc viết y là: viết y đứng sau âm đệm như huy, tuy, thúy; viết y đứng sau nguyên âm ngắn a như ây; viết y đứng trước ê khi chữ đó không có âm đầu như yêu, yết, yếm. Trường hợp bắt buộc viết i: sau các nguyên âm dài, trong đó các vần kết thúc bằng phụ âm mà không có âm đệm. Ví dụ: kim, tim, tin; viết i trước a khi chữ đó không có âm đệm như: lía, kia, chia.[49]
Trường hợp l-/n-: chữ n không đứng đầu các tiếng có vần có âm đệm (oa, oe, uâ, uy), trừ hai âm tiết Hán Việt: noãn, noa. Do đó nếu gặp các tiếng dạng này thì chọn l để viết, không chọn n. Ví dụ: chói loà, loá mắt, loảng xoảng. Trong láy vần: các từ láy vần có tiếng có n hoặc l thì tiếng thứ nhất bao giờ cũng có âm đầu l, tiếng thứ hai có âm đầu n khi tiếng thứ nhất có âm đầu gi hoặc khuyết âm đầu và tiếng thứ hai có âm đầu l khi tiếng thứ nhất có âm đầu khác gi. Ví dụ: la cà, lờ đờ, lơ mơ, lan man; trừ hai trường hợp đặc biệt là khúm núm, khệ nệ.[50]
Trường hợp ch-/tr-: chữ tr không đứng đầu các tiếng có vần âm đệm (oa, oă, oe, uê), trường hợp chọn ch để viết, không chọn tr. Ví dụ: sáng choang, áo choàng, choáng váng. Những từ Hán Việt có thanh nặng hoặc thanh huyền thường có âm đầu tr, chọn tr để viết, không chọn ch. Ví dụ: trọng, trường, trạng. Những từ chỉ đồ vật trong nhà, chỉ tên các loại quả, chỉ tên các món ăn, chỉ tên các hoạt động, chỉ quan hệ giữa những người trong gia đình và những từ mang ý nghĩa phủ định thường có âm đầu ch. Ví dụ: chăn, chiếu, chai.[51]
Trường hợp s-/x-: chữ s không đứng đầu các tiềng có âm đệm (oa, oă, oe, uê, uâ), ngoại trừ các trường hợp: soát, soạt, soạng, soạn, suất. Nhóm này chọn x để viết không chọn s. Ví dụ: xuề xoà, xoay xở, xoành xoạch.[52]
Trường hợp r-/d-/gi-: chữ r và gi không đứng đầu các tiếng có vần có âm đệm (oa, oe, uê, uy). Trường hợp này chọn d để viết, không chọn r hoặc gi. Ví dụ: kinh doanh, dọa nạt, doãng ra. Trong các từ Hán Việt: các tiếng có thanh ngã hoặc thanh nặng thường viết với âm đầu d. Ví dụ: diễn viên, hấp dẫn. Trong cấu tạo từ ghép giữa r, d, và gi, chỉ có từ ghép có tiếng âm đầu gi và tiếng có âm đầu d, không có từ ghép có tiếng âm đầu r và âm đầu d hay âm đầu r và âm đầu gi. Ví dụ: già dặn, giáo dục, giao dịch.[53]
Trường hợp c/k/q: quy luật q luôn đi với âm đệm u để thành qu; c luôn đứng trước các nguyên âm: a, ă, â, o, ô, ơ, u, ư; k luôn đứng trước các nguyên âm: i, e, ê.[50]
Đối với các ký tự dấu câu ngôn ngữ, chức năng ký tự đi cùng chính tả,[54] gồm: dấu chấm (.), dùng để kết thúc một câu trần thuật, giúp người đọc biết câu chuyện chuyển sang một vấn đề khác; dấu phẩy (,), dùng để phân tách câu, từ; dấu chấm hỏi (?), dùng để kết thúc một câu nghi vấn, câu hỏi; dấu chấm than (!), dùng để cầu khiến, tỏ thái độ; dấu chấm phẩy (;), dùng để phân biệt ranh giới liệt kê, ngắt quãng câu; dấu ba chấm (...), dùng để diễn tả chừng mực, vấn đề; dấu hai chấm (:), dùng để giải thích, đánh dấu, trích dẫn; dấu gạch ngang (–), dùng để chỉ sự ngang hàng, ghép hai con số, nối địa danh, liệt kê nội dung, đánh dấu lời nói và tách phần; dấu gạch nối (-), dùng để nối tiếng vay mượn; dấu gạch chéo (/), thường dùng để cách các phần của chuỗi ngày, tách đoạn chữ; dấu ngoặc đơn (),[Ghi chú 14] dùng để ghi chú giải thích trực tiếp; dấu ngoặc vuông ([]), dùng để chú thích vấn đề thường dùng trong khoa học; dấu ngoặc kép (“”), dùng để trích dẫn, tường thuật.[55] Đối với dấu chấm (.) và dấu phẩy (,) trong toán học, cách viết ở Việt Nam: dấu chấm được đặt ở mỗi đơn vị ba con số nguyên, dấu phẩy đặt ở đơn vị số lẻ.[56] Ví dụ: diện tích đất liền của Việt Nam là 331.211,6 km2[Ghi chú 15] ghi theo tiếng Việt; viết trong văn bản tiếng Anh (Mỹ) là 331,211.6 km2, sử dụng dấu phẩy trước ở số nguyên, dấu chấm ở số lẻ.[57]
Các dấu câu gồm dấu chấm (.), dấu phẩy (,), dấu hai chấm (:), dấu ba chấm (...), dấu chấm phẩy (;), dấu chấm hỏi (?), dấu chấm than (!) đều có đặc điểm viết liền, kế tiếp từ phía trước, có khoảng cách với từ tiếp theo; nhóm dấu ngoặc đơn (),[Ghi chú 14] ngoặc vuông ([]), ngoặc kép (“”) được viết liền với các từ được bao bọc; dấu gạch ngang (–) viết cách các từ, dấu gạch nối (-), dấu gạch chéo (/) viết liền các từ.[54][58] Ngoài ra, còn có quy định về viết và in đậm (ví dụ: in đậm), in nghiêng (ví dụ: in nghiêng), với mục đích nhấn mạnh, tập trung từ ngữ nội dung đặc biệt. Sử dụng tùy trường hợp, không hoàn toàn bắt buộc đối với phong cách này.
Quy tắc dấu thanh phổ thông: tính đến năm 2020, quy tắc dấu thanh chính tả được giảng dạy phổ thông đó là dấu thanh được đặt trên chữ cái âm chính, thống nhất trong các từ có một nguyên âm.[59] Ví dụ như từ ví, từ dụ, từ thống, từ nhất đều chỉ có một âm chính, đặt dấu thanh ở âm đó. Các âm tiết có âm chính là nguyên âm đôi gồm iê, yê, uô, ươ và âm cuối là p, t, c, ch, m, n, ng, nh, o, u, i thì đặt dấu thanh lên chữ cái thứ hai trong tổ hợp hai chữ cái biểu diễn cho âm chính. Ví dụ từ ước, muốn, thiếp, hiểu, người.[59] Với các từ nhiều hơn một âm chính khác, có sự khác nhau giữa quy tắc kiểu cũ và kiểu mới, đang trong giai đoạn quyết định lựa chọn.
Quy tắc viết hoa phổ thông: việc viết hoa bắt buộc trong giáo dục đối với toàn bộ phận của danh từ riêng; đầu câu (sau các dấu chấm, dấu chấm than, dấu chấm hỏi), dẫn lời nói trực tiếp, xuống dòng đoạn mới.[60] Danh từ riêng ví dụ như: Bác Hồ,[Ghi chú 16] Võ Nguyên Giáp, Việt Nam; dẫn lời nói ví dụ như: — Em à![Ghi chú 17]; phiên âm qua âm Hán Việt như Đức, Hoa Kỳ, Trung Quốc; phiên âm không qua âm Hán Việt (phiên âm trực tiếp, giữ nguyên từ gốc, viết hoa chữ đầu) như Tokyo, Seoul, Dubai. Chính tả phổ thông cũng cho phép các cách viết đặc biệt trong tình huống riêng, ví dụ như viết hoa toàn bộ từ để nhấn mạnh, viết chữ phong cách đặc biệt trong nghệ thuật.
Quy tắc viết từ nước ngoài: là quy tắc được xếp trong hệ thống sách giáo khoa phổ thông về việc viết từ ngữ, tên gọi và thuật ngữ tiếng nước ngoài. Trong phổ thông, trường hợp phiên âm không qua âm Hán Việt tức phiên âm trực tiếp, viết sát theo cách đọc thì với mỗi bộ phận tạo thành tên riêng, viết hoa chữ cái đầu và có gạch nối giữa các âm tiết. Ví dụ như Phơ-ri-đơ-rích Ăng-ghen, Vơ-la-đi-mia I-lích Lê-nin, Mát-xcơ-va, I-ta-li-a, An-giê-ri;[61] trường hợp viết tắt thì viết nguyên dạng viết tắt, có thể ghi thêm tên dịch nghĩa hoặc ghi thêm tên nguyên dạng không viết tắt. Ví dụ: WB (Ngân hàng Thế giới), hoặc WB (World Bank).[62]
Chính tả theo trường hợp
[sửa | sửa mã nguồn]Chuẩn chính tả phổ thông là các quy định được thống nhất bắt buộc, đưa vào giảng dạy trong mọi trường học phổ thông cả nước.[63] Chính tả theo trường hợp thuộc về nhóm quy định chưa được áp dụng bắt buộc toàn bộ, trong giai đoạn dần dần đưa vào hệ thống giảng dạy phổ thông, đã mang tính đồng nhất, có quy luật và quy định, có ảnh hưởng lớn. Lớp chính tả này tập trung vào các nhóm từ đa phương hình thức, trường hợp; có hơn một cách viết nhưng đều được chấp nhận; khuyến khích quy luật thông dụng, thích hợp với chính tả phổ thông, điều hướng chuẩn chính tả. Dựa trên nghiên cứu của các nhà ngôn ngữ học Việt Nam, bắt đầu từ năm 1980, khởi đầu tham khảo từ Quyết định về Quy định chính tả tiếng Việt năm 1984, có ảnh hưởng cho đến ngày nay.[64]
Nguyên tắc chung của Quy định chính tả năm 1984:[Ghi chú 18]
Đối với những từ tiếng Việt mà hiện nay chuẩn chính tả chưa rõ, nên chọn giải pháp chuẩn hoá theo nguyên tắc chung sau đây: tiêu chí của giải pháp chuẩn hóa cần được cân nhắc cho thích hợp với các trường hợp khác nhau (tùy trường hợp, có thể là tiêu chí về phát âm hay tiêu chí về từ nguyên); khi chuẩn chính tả đã được xác định, phải nghiêm túc tuân theo, tuy việc chuẩn hóa và thống nhất phát âm chưa đặt thành yêu cầu cao nhưng cũng nên dựa vào chuẩn chính tả mà phát âm; ở trường hợp chưa xác định được chuẩn chính tả thì nên chấp nhận biến thể.[65]
Đối với tên riêng chưa không phải tiếng Việt thì nguyên tắc chung là: về chính tả, cần tôn trọng nguyên hình theo chữ viết Latin hay chuyển tự Latin trong nguyên ngữ; về phát âm, phải hướng dẫn để dần dần có được cách phát âm thích hợp, thống nhất.[66]
Quy định đối với trường hợp cụ thể chia làm ba phần: thứ nhất về từ tiếng Việt chưa có trong chuẩn chính tả; thứ hai về tên riêng không phải tiếng Việt và thứ ba về tên riêng tiếng Việt. Đối với phần thứ nhất và thứ hai, có hiệu lực cho đến ngày nay, riêng phần thứ ba không có hiệu lực, chịu thay đổi bởi quy định mới ở chính tả văn bản quy phạm pháp luật.
Thứ nhất: về những từ tiếng Việt mà chuẩn chính tả chưa rõ, khuyến khích dùng tiêu chí thích hợp, có thể chấp nhận cả các cách viết khác nhau về một nghĩa nhưng phổ biến.[67] Cụ thể là: dùng tiêu chí thói quen phát âm của đa số người trong xã hội, mặc dù thói quen này khác với từ nguyên (gốc Việt hay gốc Hán). Ví dụ: chỏng gọng được đồng ý sử dụng (tuy rằng đúng là chổng gọng theo từ nguyên), chổng dùng trong nhiều cụm như chổng lên, ngã chổng cả bốn chân[68]; đại bàng là từ phổ biến (tuy rằng đúng là đại bằng theo từ nguyên), bằng dùng trong rất nhiều cụm từ như công bằng, bằng nhau, hay từ trong câu như em bằng vào đâu mà nói thế?[69]. Dùng tiêu chí từ nguyên khi thói quen phát âm chưa làm rõ một hình thức ngữ âm ổn định. Ví dụ: trí mạng[Ghi chú 19] (tuy cũng có gặp hình thức phát âm chí mạng), nay hai cụm từ đều được chấp nhận vì độ phổ biến.[70] Khi trong thực tế đang tồn tại hai hình thức chính tả mà chưa xác định được một chuẩn duy nhất, thì có thể tạm thời chấp nhận cả hai hình thức ấy, cho đến khi nào thói quen sử dụng nghiêng hẳn về một hình thức.[71] Ví dụ: eo sèo và eo xèo, sứ mạng và sứ mệnh, mạng dùng duy nhất trong các cụm như mạng lưới, mạng nhện,[72] mệnh dùng duy nhất trong các cụm như bạc mệnh, vận mệnh.[73]
Thứ hai: về tên riêng không phải tiếng Việt, nguyên tắc tôn trọng nguyên ngữ từ vựng, hướng về chữ cái Latin,[Ghi chú 20] đồng ý các từ ngữ phổ biến trên thế giới và trong nước, cho phép các trường hợp đặc biệt hoạt động.[74] Cụ thể là: nếu chữ viết của nguyên ngữ dùng chữ cái Latinh thì giữ đúng nguyên hình trên chữ viết của nguyên ngữ; kể cả các chữ cái f, j, w, z như trong nguyên ngữ; dấu phụ ở một số chữ cái trong nguyên ngữ có thể lược bớt. Ví dụ: Shakespeare, Paris, Wroclaw (có thể lược dấu phụ ở chữ cái), Petõfi (có thể lược dấu phụ ở chữ cái õ).[75] Nếu chữ viết của nguyên ngữ thuộc một hệ thống chữ cái khác thì dùng lối chuyển tự chính thức sang chữ cái Latinh. Ví dụ: Lomonosov, Moskva, Abdel.[76] Nếu chữ viết của nguyên ngữ không phải là chữ viết ghi từng âm bằng chữ cái thì dùng lối phiên âm chính thức bằng chữ cái Latinh (thường là cách phiên âm đã có tính chất phổ biến trên thế giới). Ví dụ: Ōsaka.[77] Tôn trọng các chữ cái Latinh, tiếng Anh hay ngôn ngữ thế giới khác trong trường hợp viết, ví dụ như Festival Hoa Đà Lạt, Festival Huế.
Đối với trường hợp tên riêng mà trong thực tiễn sử dụng rộng rãi trên thế giới đã quen dùng một hình thức viết bằng chữ cái Latinh khác với nguyên ngữ (thường đó là tên một số nước, thành phố) thì dùng hình thức tên riêng phổ biến đó. Ví dụ: Hungary (tuy trong nguyên ngữ là Magyarorszag), Bangkok (tuy trong nguyên ngữ là Krung Thep hoặc Krung Rattanakosin).[78] Đối với trường hợp những sông, núi thuộc nhiều nước (và do đó có những tên riêng khác nhau) thì dùng hình thức tương đối phổ biến trên thế giới và trong nước; tuy vậy trong những văn bản nhất định, do yêu cầu riêng, có thể dùng hình thức dựa theo ngôn ngữ của địa phương. Ví dụ: sông Danube (có thể dùng Donau theo tiếng Đức, Duna theo tiếng Hungary, Dunares theo tiếng Rumania).[79] Đối với những tên riêng hay bộ phận của tên riêng (thường là địa danh) mà có nghĩa thì dùng lối dịch nghĩa phù hợp với chủ trương chung có thể nhận thấy qua các ngôn ngữ trên thế giới. Ví dụ: Biển Đen, Guinea xích đạo.[80] Những tên riêng đã có hình thức phiên âm quen thuộc trong tiếng Việt thì không cần thay đổi, trừ một số trường hợp đặc biệt có yêu cầu riêng thì phải thay đổi. Ví dụ: Pháp, Hy Lạp, Bắc Kinh, Lỗ Tấn; chấp nhận dùng cả Italia và Ý, Australia và Úc. Chấp nhận sự tồn tại những hình thức khác nhau của một số tên riêng trong những phạm vi sử dụng khác nhau. Ví dụ: La Mã (thành phố La Mã, đế quốc La Mã, chữ số La Mã), Roma (thủ đô Italia ngày nay).[81] Giai đoạn 2010 – 2020, chính tả theo trường hợp, nhất là đối với sử dụng tiếng nước ngoài[82] được các cơ quan tổ chức và Bộ Giáo dục đã tổ chúc hội thảo để đề xuất thống nhất cách viết,[83] dựa theo đánh giá, nghiên cứu và tính thông dụng, có thể kể tới ý kiến như: dùng tên gọi phổ biến nhất hoặc một tên gọi phù hợp với ngữ cảnh đối với tên riêng liên quan đến nhiều nước; viết nguyên dạng tiếng nước ngoài với thuật ngữ có tính hệ thống, có khả năng tạo ra nhiều thuật ngữ cùng gốc hoặc thuật ngữ dẫn chiếu đến ký hiệu, công thức thông dụng; viết nguyên dạng nếu tên nước ngoài là tên viết bằng chữ Latinh, chuyển tự sang chữ Latinh nếu đó là tên viết bằng các chữ ghi âm không phải chữ Latinh hoặc viết như cách viết trong tiếng Anh nếu không chuyển tự được.[84]
Ngoài ra, còn có những khuyến khích áp dụng vào chính tả. Trường hợp viết i/y đều đúng trong trường hợp có âm tiết mở (khuyến khích viết i: châu Mĩ/châu Mỹ, địa lí/địa lý, bác sĩ/bác sỹ).[85]
Chính tả văn bản quy phạm pháp luật
[sửa | sửa mã nguồn]Nhóm chính tả theo trường hợp căn cứ từ các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hành chính, bao gồm quyết định, thông tư của cơ quan Đảng,[86] Nhà nước về vấn đề chính tả, kỹ thuật soạn thảo văn bản[Ghi chú 21] đóng vai trò quan trọng, mang tính ảnh hưởng quyết định tới xu hướng chuẩn hóa chính tả tiếng Việt. Chính tả văn bản quy phạm pháp luật được đặt ra nhằm quy định hình thức soạn thảo với tổ chức thuộc Đảng và Nhà nước một cách thống nhất trong nội dung các vấn đề thuộc chức năng, quyền lực, công tác của các đơn vị. Mặc dù không đề cập đến việc bắt buộc mọi tổ chức trong mọi nội dung (chỉ quy định trực tiếp áp dụng cho cơ quan, tổ chức Nhà nước và doanh nghiệp nhà nước, tổ chức chính trị, chính trị – xã hội, tổ chức xã hội, xã hội – nghề nghiệp),[87] nhưng lớp chính tả này mang tính khoa học, chuẩn quy, và tác động toàn diện, do đó có những phần chính tả được áp dụng cho cả nước, như là một bộ phận tuân thủ bước tiếp theo của chính tả phổ thông.
Chính tả văn bản quy phạm pháp luật chủ yếu ở phần viết hoa, bởi các phần khác đều áp dụng tuân thủ chính tả phổ thông và chính tả theo trường hợp. Nhóm này có thay đổi theo từng giai đoạn, cụ thể như Nghị định 110/2004/NĐ-CP,[Ghi chú 22] Thông tư 01/2011/TT-BNV, Nghị định 30/2020/NĐ-CP. Chuẩn hóa chính tả tiếng Việt theo dõi sự khác nhau, tuân thủ văn bản hiện hành là Nghị định về Công tác văn thư 2020 của Chính phủ, bản ghi các bộ luật, đặc biệt lấy chuẩn soạn thảo từ Hiến pháp nước Cộng hóa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013.
Một số quy định về kỹ thuật soạn thảo liên quan đến chính tả:[Ghi chú 23] văn bản hành chính bắt buộc sử dụng khổ giấy A4 (210 mm x 297 mm), định lề trang cách mép trên và mép dưới 20 – 25 mm, cách mép trái 30 – 35 mm, cách mép phải 15 – 20 mm; phông chữ tiếng Việt Times New Roman, bộ mã ký tự Unicode theo Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 6909:2001, màu đen.[88] Dùng chữ số Ả Rập, ghi số từ 01 đến 31 về ngày, 01 đến 12 về tháng hàng năm,[89] nghĩa là định hướng viết đủ bộ ngày tháng (ví dụ: 21/08/2020 đủ hơn 21/8/2020).[Ghi chú 24]
Về quy định về viết hoa:[Ghi chú 25] sau dấu chấm câu (.); sau dấu chấm hỏi (?); sau dấu chấm than (!) và khi xuống dòng, tức không viết hoa sau dấu hai chấm (:), dấu ba chấm (...), dấu chấm phẩy (;).[Ghi chú 26] Viết hoa tên hiệu, tên gọi nhân vật lịch sử, chữ cái đầu tất cả các âm tiết. Ví dụ: Vua Hùng, Bà Triệu, Ông Gióng, Cụ Hồ.[90] Viết hoa cả danh từ chung chỉ đơn vị hành chính trong trường hợp tên đơn vị hành chính được cấu tạo giữa danh từ chung kết hợp với chữ số, tên người, tên sự kiện lịch sử.[91] Ví dụ: Quận 1 (viết hoa chữ Q), Phường Quang Trung (viết hoa chữ P); viết hoa trường hợp Thủ đô Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Về tên cơ quan, tổ chức, viết hoa chữ cái đầu của các từ, cụm từ chỉ loại hình cơ quan, tổ chức; chức năng, lĩnh vực hoạt động của cơ quan, tổ chức. Ví dụ: Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng chống tham nhũng, Văn phòng Chủ tịch nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Sở Công Thương;[92][Ghi chú 27] trường hợp đặc biệt như Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn phòng Trung ương Đảng; viết hoa tổ chức thế giới theo quy tắc viết tên cơ quan, tổ chức của Việt Nam, như Liên hợp quốc (UN), Tổ chức Y tế thế giới (WHO).[93][Ghi chú 28]
Trong những trường hợp khác: viết hoa danh từ đặc biệt gồm Nhà nước và Nhân dân.[94] Viết hoa tên chức vụ, học vị, danh hiệu đi liền với tên người cụ thể. Ví dụ: Giáo sư Tôn Thất Tùng. Ở đây, các chức vụ thuộc tổ chức lãnh đạo Việt Nam đều được viết hoa, thể hiện trong ví dụ như: Chủ tịch Quốc hội (viết hoa từ Chủ), Thủ tướng Chính phủ (viết hoa từ Thủ);[95] trong hệ thống các các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hành chính khác mà đặc biệt là Hiến pháp 2013, ví dụ đoạn soạn thảo như: "Chính phủ gồm Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ, các Bộ trưởng và Thủ trưởng cơ quan ngang bộ"[96], hoặc "...Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội, Ủy viên Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng dân tộc, Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Toà án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao"[97].[Ghi chú 29][Ghi chú 30] Với nguyên tắc viết hoa từ ngữ có nội dung đặc biệt, các chức vụ thuộc tổ chức đều được viết hoa dù không đi cùng tên người, ví dụ: "theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nội vụ".[98]
Viết hoa chữ cái đầu của từ, cụm từ chỉ tên gọi đó trong trường hợp dùng trong một nhân xưng, đứng độc lập và thể hiện sự trân trọng. Ví dụ: Bác, Người (chỉ Chủ tịch Hồ Chí Minh), Đảng (chỉ Đảng Cộng sản Việt Nam);[99] viết hoa chữ cái đầu của âm tiết tạo thành tên gọi tên các ngày lễ, ngày kỷ niệm. Ví dụ: ngày Quốc khánh, ngày Tổng tuyển cử đầu tiên, ngày Quốc tế Lao động, ngày Phụ nữ Việt Nam; viết hoa chữ cái đầu của tên loại văn bản và chữ cái đầu của âm tiết thứ nhất tạo thành tên gọi của văn bản trong trường hợp nói đến một văn bản cụ thể. Ví dụ: Bộ luật Hình sự, Luật Tổ chức Quốc hội; viết hoa chữ cái đầu của chữ cái đầu của phần, chương, mục, tiểu mục, điều khi viện dẫn chương, mục, tiểu mục, điều, khoản, điểm của một văn bản cụ thể. Ví dụ: căn cứ điểm a, khoản 2, Điều 103, Mục 5, Chương XII, Phần I, của Bộ luật Hình sự; viết hoa chữ cái đầu của âm tiết thứ nhất tạo thành tên gọi. Ví dụ: tết Nguyên đán, tết Đoan ngọ, tết Trung thu, viết hoa chữ Tết trong trường hợp thay cho tết Nguyên đán; viết hoa chữ cái đầu của âm tiết chỉ ngày và tháng trong trường hợp không dùng chữ số đối với ngày trong tuần và tháng trong năm. Ví dụ: thứ Hai, thứ Tư, tháng Năm, tháng Tám; viết hoa chữ cái đầu của các âm tiết tạo thành sự kiện và tên sự kiện, trong trường hợp có các con số chỉ mốc thời gian thì ghi bằng chữ và viết hoa chữ đó đối với sự kiện lịch sử và các triều đại. Ví dụ: Triều Lý, Triều Trần, Phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh, Cách mạng tháng Tám; viết hoa chữ cái đầu của âm tiết thứ nhất tạo thành tên tác phẩm, sách báo. Ví dụ: từ điển Bách khoa toàn thư, tạp chí Cộng sản.[100]
Một số vấn đề về chính tả
[sửa | sửa mã nguồn]Vấn đề phương ngữ Bắc Trung Nam
[sửa | sửa mã nguồn]Chữ Quốc ngữ là một chữ viết ghi âm, chuẩn hóa chính tả dựa trên chuẩn phát âm, quyết định nền tảng của chính tả tiếng Việt.[101] Về chuẩn phát âm của tiếng Việt, có một số vấn đề. Trên thực tế, chữ viết được coi trọng hơn phát âm ở Việt Nam: trong trường hợp phát âm tiếng Việt có khác nhau giữa các phương ngữ thì cách phát âm chuẩn được xem là cách phát âm có sự phân biệt được phản ánh trên chữ viết. Ví dụ, chữ viết có phân biệt dấu hỏi – dấu ngã, phát âm của phương ngữ miền Bắc, phân biệt hỏi – ngã là chuẩn chính tả; chữ viết có phân biệt s – x, phát âm của phương ngữ miền Nam, phân biệt s – x là chuẩn chính tả.
Vị trí địa lý tạo nên sự khác trong phương ngữ Việt Nam. Phương ngữ miền Bắc và phương ngữ miền Nam khác nhau ở phần phát âm, đọc trái ngữ âm của nhiều từ. Trong khi phương ngữ miền Trung (chủ yếu ở sáu tỉnh Bắc Trung Bộ) có đặc điểm là tạo ra nhiều từ địa phương. Ví dụ như cụm các từ địa phương miền Trung: mô (nghĩa là đi đâu trong đi mô), tê (nghĩa là bên kia trong bên tê), răng (nghĩa là không sao đâu trong không răng mô), rứa (nghĩa là thế đó trong rứa tê).[102] Vấn đề phương ngữ đã và đang được phân tích và sắp xếp, tạo phương án chuẩn hóa thích hợp, đưa đặc điểm phương ngữ vùng miền trở thành yếu tố ý nghĩa trong văn hóa Việt Nam.[103]
Vấn đề cách viết
[sửa | sửa mã nguồn] Xem thêm: Chữ Quốc ngữ § Quy tắc sử dụng i và yVấn đề mâu thuẫn giữa phát âm của một phương ngữ với chữ viết: chữ viết có phân biệt, nhưng phát âm không phân biệt, tạo ra hiện tượng đồng âm trong phương ngữ. Những hiện tượng đồng âm phương ngữ khiến xuất hiện nhiều vấn đề chính tả, ví dụ như vấn đề phân biệt dấu thanh hỏi – ngã miền Nam, phân biệt ch – tr miền Bắc. Xét tổng thể cả nước, có hai trường hợp vấn đề chính tả do mâu thuẫn giữa phát âm mọi phương ngữ với chữ viết, gồm:
Nhóm d và gi: tiếng Việt không phát âm phân biệt d và gi, nhưng có sự phân biệt trong chính tả. Ví dụ: từ dành và giành có phát âm như nhau, nhưng phân biệt về ý nghĩa trong từ vựng phần chính tả. Dành trong cụm như dành cho, dành dành, dành dụm, dành tiền, dành riêng[104]; giành trong cụm giành lấy, giành nhau, quyết giành, đấu tranh giành độc lập.[105]
Nhóm y và i: chữ Quốc ngữ sử dụng y để viết bán nguyên âm i trong ay, áy; viết nguyên âm i khi đứng một mình trong y, ỷ, ý; viết nguyên âm i trong uy, tổ hợp với ê viết nguyên âm đôi iê (trong yêm, yên, yết, yêu, uyên, uyết, uyên, vân vân).[106] Cách sử dụng y và i chưa được nhất quán, ví dụ: y trong mỹ lệ, nước Mỹ nhưng lại không viết mỵ dân mà là mị dân, các từ đều mang yếu tố Hán Việt. Cả hai lối viết hiện đang tồn tại, có các đề nghị trái chiều bao gồm việc thống nhất sử dụng i, tức khôi phục lại lối viết cũ và giữ nguyên phân định rõ hai âm.[107]
Vấn đề về yếu tố Hán Việt: yếu tố Hán Việt được sử dụng rộng rãi để cấu tạo đại bộ phận từ ghép, một phần hệ thống yếu tố được gọi là âm tiết – yếu tố cấu tạo từ Hán Việt có vấn đề về chính tả. Đối với chính tả yếu tố Hán Việt, hiện đang có quy tắc nhất định, ví dụ: với phương ngữ miền Bắc, vấn đề về d-/gi-/r-, trong đó r không có yếu tố Hán Việt; vần d Hán Việt đều chỉ viết không dấu, dấu ngã hoặc dấu nặng (ngoại trừ từ dần), khác với vần gi Hán Việt đều chỉ viết không dấu, dấu hỏi, dấu sắc.[106]
Đặt dấu thanh
[sửa | sửa mã nguồn] Bài chi tiết: Quy tắc đặt dấu thanh trong chữ quốc ngữVấn đề về vị trí dấu thanh: trong phần lớn các trường hợp, chuẩn vị trí dấu thanh, quy tắc đặt dấu thanh trong chữ Quốc ngữ được xác định, tuy nhiên thiếu nhất trí trong một số nhóm từ vựng. Các tổ hợp oa, oe, uy và (q)ua, (q)ue, (q)uy, có các thể thức trình bày khác nhau, nhóm dấu thanh ở con chữ giữa: họa, hòe, hủy, qủa, qủe, qúy; với nhóm dấu thanh ở con chữ cuối: hoạ, hoè, huỷ, quả, quẻ, quý; phổ biến được sử dụng trong các văn bản là họa, hòe, hủy, quả, quẻ, quý đã trộn lẫn cả hai nhóm. Trong tiếng Việt, các con chữ o, u dùng để chỉ nguyên âm o, u và bán nguyên âm – bán phụ âm w tại một số trường hợp. Có nghĩa rằng các tổ hợp phía trên thực ra là wa, we, wi và (k)wa, (k)we, (k)wi; w (viết bằng o, u) trong âm tiết này không thuộc thành phần nguyên âm, nguyên âm ở đây là a, e, i (viết bằng y).[108] Đặt vị dấu thanh hiện chưa quyết định chuẩn hóa, trong giai đoạn phân tích quan điểm cũ và mới, chủ yếu ở phần dấu thanh của nguyên âm, bán nguyên âm tròn môi o và u.[109]
Vấn đề sử dụng linh hoạt
[sửa | sửa mã nguồn]Chính tả tiếng Việt được sử dụng linh hoạt theo nhiều hình thức trong đời sống thường ngày, một bộ phận lớn chữ viết khác với chuẩn chính tả thường xuyên trong hội thoại mạng xã hội như Facebook, Youtube.[110] Cách viết này gồm cả cố tình và vô tình, thường ở thanh thiếu niên.[111] Ví dụ như: dùng no nắng, đúng là lo lắng, hok dỡn, đúng là không giỡn hoặc không đùa.[112] Vấn đề này không vi phạm nguyên tắc, vì chuẩn chính tả chỉ bắt buộc trong các văn bản, chữ viết thuộc nội dung chính thức như khoa học, giáo dục, hoạt động xã hội, báo chí; phong cách chữ viết được sử dụng tự do trong đời sống hàng ngày hoặc vấn đề đặc biệt. Tuy nhiên, việc sử dụng sai gây ảnh hưởng tới chuẩn chính tả, gồm: gây hiểu sai chính tả; mở rộng các vấn đề tranh cãi về chính tả. Bên cạnh đó, chính tả còn được sử dụng sai trong, thiếu thống nhất trên các phương tiện thông tin truyền thông, trong các bài văn của học sinh, sinh viên, ví dụ như:[113] từ sai là sát nhập được sử dụng nhiều, từ đúng là sáp nhập,[114] viết hoặc đọc sai là sáng lạng, thực tế phải viết đúng là xán lạn[115]; gây ảnh hưởng sự trong sáng của tiếng Việt, ảnh hưởng đến bản sắc văn hóa.[116] Các vấn đề này đều đang được đánh giá, nghiên cứu phương án giải quyết.
Viết hoa
[sửa | sửa mã nguồn]Đối với viết hoa, viết hoa trong chính tả phổ thông được chuẩn hóa và tuân thủ đồng bộ, ít xảy ra lỗi, vấn đề nằm ở các cụm từ đặc biệt, chủ yếu thuộc chính tả văn bản quy phạm pháp luật. Bởi vì chưa chuẩn hóa, quy định về viết hoa các cụm từ có thay đổi theo các dịp, được theo dõi và tuân thủ. Ví dụ: đối với tên tổ chức, cơ quan, theo Quy định 240 năm 1984 thì chỉ viết hoa chữ cái đầu của âm tiết đầu trong tổ hợp từ dùng làm tên, như Đảng cộng sản Việt Nam, Trường đại học bách khoa Hà Nội; đến năm 2011, theo Thông tư 01 của Bộ Nội vụ, đã chuyển thành viết hoa thêm chữ cái ý nghĩa, như Đảng Cộng sản Việt Nam, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, có hiệu lực thời điểm hiện tại.[117] Bên cạnh đó, trong lĩnh vực báo chí, có nhiều cách viết khác nhau lẫn không tuân thủ chính tả văn bản.[118]
Vấn đề về viết hoa từ ngữ thuộc lịch sử: các từ ngữ đặc biệt trong lịch sử chưa được chuẩn hóa chính tả, có nhiều cách viết khác nhau trong các văn bản và bài viết hiện tại. Ví dụ: từ ngữ tước vị thời phong kiến như Vương, Công, Hầu có nhiều bài viết khác nhau về việc viết hoa hay viết thường từ nguyên Hán Việt này. Các từ này, mang ý nghĩa là từ ngữ đặc biệt, được tạo ra để thể hiện nội dung đặc trưng, cụ thể là các tước vị quý tộc, hoàng gia. Với các khung hình chung như hệ quy định về chính tả văn bản – viết hoa từ đặc biệt của tên hiệu quá khứ, chức vụ hiện đại; hệ các từ tương tự như viết hoa Đế – một từ đồng nhóm cùng Vương trong cụm Giản Định Đế, Hán Vũ Đế; hệ thông dụng tiếng Anh, viết hoa tước vị khi đi kèm tổ chức, cá nhân như Công tước xứ Edinburgh (Duke of Edinburgh, luôn viết hoa từ Duke – tước Công khi đi cùng nhân vật, địa danh, tổ chức);[Ghi chú 31] khiến cho quy tắc đúng là viết hoa từ Vương, Công, Hầu và các từ thuộc hệ tước hiệu, chức vụ này khi đi cùng tên người, tên vị trí, tên chức vụ, như Tây Sở Bá Vương, Hưng Đạo Vương hay Hoàng đế Nhà Đường[Ghi chú 32].
Cải tiến cách viết
[sửa | sửa mã nguồn]Thời hiện đại, có những nghiên cứu về tiếng Việt, bao gồm vấn đề về chính tả, đặc biệt là Đề xuất Cải tiến chữ quốc ngữ, nghiên cứu cá nhân của nhà ngôn ngữ Bùi Hiền, được đề xuất từ năm 1995.[119] Theo đề xuất thì mục đích của cải tiến là: thống nhất và đơn giản hoá một phần về mặt chữ viết cho các văn bản; giúp người nước ngoài, người dân tộc thiểu số dễ tiếp cận với chữ viết tiếng Việt hơn.[120] Cuối năm 2017, sau một cuộc hội thảo về ngôn ngữ, đề xuất của ông được đưa ra truyền thông và tạo nên đánh giá, tranh luận và phản biện sôi nổi về nghiên cứu cải cách của ông;[121] vấn đề này cũng được đưa lên chương trình Táo quân 2018, phổ biến toàn quốc.[122]
Nghiên cứu này tập trung vào cải tiến cách viết tiếng Việt, thay đổi chữ viết, giảm ký tự bảng chữ cái từ 38 xuống 31. Ví dụ phương án cải tiến như:[120]
LUẬT GIÁO DỤC
Điều 7. Ngôn ngữ dùng trong nhà trường và cơ sở giáo dục khác; dạy và học tiếng nói, chữ viết của dân tộc thiểu số; dạy ngoại ngữ.
1. Tiếng Việt là ngôn ngữ chính thức dùng trong nhà trường và cơ sở giáo dục khác. Căn cứ vào mục tiêu giáo dục và yêu cầu cụ thể về nội dung giáo dục, Thủ tướng chính phủ quy định việc dạy và học bằng tiếng nước ngoài trong nhà trường và cơ sở giáo dục khác.
2. Nhà nước tạo điều kiện để người dân tộc thiểu số được học tiếng nói, chữ viết của dân tộc mình nhằm giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc, giúp cho học sinh người dân tộc thiểu số dễ dàng tiếp thu kiến thức khi học tập trong nhà trường và cơ sở giáo dục khác. Việc dạy và học tiếng nói, chữ viết của dân tộc thiểu số được thực hiện theo quy định của Chính phủ.
Cách viết theo phương án:[123]
LUẬT ZÁO ZỤK
Diều 7. Qôn qữ zùq coq n’à cườq và kơ sở záo zụk xák; zạy và họk tiếq nói, cữ viết kủa zân tộk wiểu số; zạy qoại qữ.
1.Tiếq Việt là qôn qữ cín’ wứk zùq coq n’à cườq và kơ sở záo zụk xák. Kăn kứ vào mụk tiêu záo zụk và yêu kầu kụ wể về nội zuq záo zụk, Wủ tướq cín’ fủ kuy dịn’ việk zạy và họk bằq tiếq nướk qoài coq n’à cườq và kơ sở záo zụk xák.
2. N’à nướk tạo diều kiện dể qười zân tộk wiểu số dượk họk tiếq nói, cữ viết kủa zân tộk mìn’ n’ằm zữ zìn và fát huy bản sắk văn hoá zân tộk, zúp co họk sin’ qười zân tộk wiểu số zễ zàq tiếp wu kiến wứk xi họk tập coq n’à cườq và kơ sở záo zụk xák. Việk zạy và họk tiếq nói, cữ viết kủa zân tộk wiểu số dượk wựk hiện weo kuy dịn’ kủa Cín’ fủ.
Xem thêm
[sửa | sửa mã nguồn]- Tiếng Việt
- Chữ Hán, từ Hán – Việt, chữ Nôm và chữ Quốc ngữ.
- Ngôn ngữ học, ngữ âm học.
Chú thích
[sửa | sửa mã nguồn]Ghi chú
[sửa | sửa mã nguồn]- ^ Theo khoản 3, Điều 5, Chương I, Hiến pháp Việt Nam năm 2013.
- ^ Chính tả là một từ Hán Việt, trong đó chính (正) có nghĩa là đúng, thích hợp và tả (写) có nghĩa là viết. Chính tả nghĩa là viết đúng, thích hợp. Trong tiếng Anh, chính tả là orthography.
- ^ Lời hiểu dụ tướng sĩ của Hoàng đế Quang Trung, chuẩn bị cho chiến trận chống quân Thanh, bảo vệ đất nước. Tên gọi khác là Hịch Tây Sơn.
- ^ Tên nguyên bản gốc của tác phẩm Đường cách mạng, xuất bản năm 1927 phục vụ giảng dạy thanh niên yêu nước Việt, tại Quảng Châu, Quảng Đông.
- ^ Bộ Giáo dục là tiền thân của Bộ Giáo dục và Đào tạo hiện nay. Năm 1990, Chính phủ quyết định thành lập Bộ Giáo dục và Đào tạo trên cơ sở sáp nhập Bộ Giáo dục, Bộ Đại học, Trung học chuyên nghiệp và Dạy nghề.
- ^ Quyết định này được ký bởi Bộ trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Thị Bình, nguyên Phó Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhiệm kỳ 1992 – 2002.
- ^ GS, TS. Nguyễn Văn Hiệp, Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học:"Để bảo vệ tiếng Việt, cần có luật tiếng Việt. Tôi nghĩ Việt Nam sẽ có luật tiếng Việt trong thời gian tới. Dĩ nhiên, quy trình để có nó không hề đơn giản. Nhưng ngay cả khi có luật tiếng Việt, bộ luật này không thể "cầm tay chỉ việc" cho tất cả những trường hợp sử dụng cụ thể của tiếng Việt, mà chỉ có thể nêu ra những quy định chung, trong đó có những quy định chung về chính tả và chuẩn chính tả... cần nghiên cứu để đi đến xác định rõ hàng loạt chuẩn chính tả hiện còn để ngỏ: vấn đề viết y hay i; vấn đề viết hoa tên tổ chức, đoàn thể; vấn đề phiên âm hay để nguyên dạng tên riêng nước ngoài; vấn đề vị trí đánh dấu thanh..."(Phóng viên Minh Tự ghi chép).
- ^ Truyện: tác phẩm văn học miêu tả tính cách nhân vật và diễn biến của sự kiện thông qua lời kể của nhà văn. Từ điển tiếng Việt, từ truyện.
- ^ Chuyện: sự việc được kể lại. Từ điển tiếng Việt, từ chuyện.
- ^ Bảng chữ cái ở đây được trình bày trên công nghệ thông tin, phần bảng chữ cái phong cách viết tay trình bày ở ảnh bảng chữ cái.
- ^ Dấu thanh, lấy ví dụ A: A (không dấu), À (dấu huyền), Á (dấu sắc), Ạ (dấu nặng), Ả (dấu hỏi), Ã (dấu ngã).
- ^ Các ký tự sử dụng trong bản viết tiếng Việt, theo thứ tự từ trái sang phải là: dấu chấm, dấu phẩy, dấu chấm hỏi, dấu chấm than, dấu hai chấm, dấu chấm phẩy, dấu gạch ngang, dấu gạch nối, dấu ngoặc kép, dấu gạch chéo, dấu ba chấm, dấu ngoặc đơn và dấu ngoặc vuông.
- ^ Nhóm gồm và i và y trong vai trò nguyên âm, bán phụ âm.
- ^ a b Chỉ có một cặp dấu ngoặc đơn ở đây.
- ^ Ba trăm ma mươi một nghìn, hai trăm mười một phẩy sáu ki-lô-mét vuông. Sử dụng dấu chấm giữa đơn vị số nguyên, dấu phẩy giữa đơn vị số lẻ.
- ^ Một trong những tên gọi riêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
- ^ Viết hoa chữ e trong từ em, vì đây là dẫn lời nói trực tiếp.
- ^ Bản viết dưới đây đã được chỉnh lại cách viết về đầu mục, đoạn văn, tuân thủ giữ hoàn toàn nghĩa.
- ^ Trong Việt Nam tự điển (1970) của Lê Văn Đức, do Lê Ngọc Trụ hiệu đính, cũng có từ trí mạng với câu trích “kiến nguy trí mạng” (thấy nguy liều chết).
- ^ Trong Quyết định 240/QĐ từ được sử dụng là "Latin", nay chấp nhận cả hai từ Latin và Latinh.
- ^ Kỹ thuật soạn thảo văn bản là một nội dung thường gặp quy định trong lĩnh vực hành chính, được áp dụng thành một môn học của các trường đại học công lập ở Việt Nam chuyên ngành luật.
- ^ Nghị định 110/2004/NĐ-CP về Công tác văn thư được ký bởi Thủ tướng Phan Văn Khải, Chính phủ Việt Nam.
- ^ Nghị định về Công tác văn thư quy định mọi vấn đề về soạn thảo văn bản hành chính, từ thể thức, nội dung cho đến cách soạn. Ở đây chỉ đề cập đến vấn đề chính tả.
- ^ Mục đích của việc ghi đầy đủ chữ số để tránh sai sót chỉnh sửa trong văn bản hành chính. Ví dụ ngày 1 tháng 1 năm 2021 (hoặc 01/01/2021) đảm bảo chính xác, nếu viết 1 tháng 1 năm 2021 hoặc 1/1/2021, có thể bị chỉnh sửa thêm số, ví dụ chỉnh thành ngày 11 tháng 11 năm 2021 (thêm số một).
- ^ Các quy định đều tuân thủ chính tả phổ thông, dưới dây chủ yếu đề cập đến nội dung chính tả phổ thông không đặt ra. Một số đoạn đề cập lại chính tả phổ thông để trình bày toàn diện vấn đề.
- ^ Khác với quy định của Thông tư 110/2004, viết hoa sau dấu hai chấm (:) và ba chấm (...).
- ^ Ở đây, viết hoa nhóm từ Công Thương trong Bộ Công Thương, Sở Công Thương bởi vì Công viết tắt cho từ Công nghiệp, Thương viết tắt cho từ Thương mại, tức tên đầy đủ là Bộ Công nghiệp và Thương mại.
- ^ Cách viết tổ chức quốc tế có sự khác biệt, nhiều văn bản viết khác như là: Liên Hợp Quốc (viết hoa cả ba chữ), Tổ chức Y tế Thế giới (viết hoa cả từ Thế).
- ^ Hiện nay, kết hợp thêm Nghị định 2020 về văn thư, có thêm viết hoa từ Nhân dân, các cơ quan được viết hoa thêm cụm này, ví dụ: Tòa án Nhân dân tối cao.
- ^ Phần tham khảo chung ở đoạn này thể hiện nguyên tắc: tham khảo hay ghi chú của toàn bộ một câu, một ý thì đặt sau dấu chấm, dấu phẩy của ý đó, nếu là tham khảo hay ghi chú của một phần trong câu thì đặc ngay sau từ cuối cùng của ý đó, không đặt cho toàn câu.
- ^ Tham khảo thống kê gia quyến Hoàng gia Anh tại website Hoàng gia Anh, viết hoa tất cả các tước vị hoàng gia như The Prince of Wales (Hoàng tử Wales), The Duke of Sussex (Công tước Sussex).
- ^ Đối với từ Hoàng đế, viết hoa chữ cái đầu của âm tiết thứ nhất là Hoàng trong Hoàng đế.
Tham khảo sách và trực tuyến
[sửa | sửa mã nguồn]- ^ Mai Ngọc Chừ; Vũ Đức Nghiệu & Hoàng Trọng Phiến, trang 119 – 126.
- ^ Coulmas, Florian; Guerini, Federica, trang 454.
- ^ “Thống nhất quy định về chính tả tiếng Việt hay quy định mới?”. Đại học Vinh. ngày 11 tháng 3 năm 2018. Bản gốc lưu trữ ngày 22 tháng 8 năm 2020. Truy cập ngày 22 tháng 8 năm 2020.
- ^ Minh Quang (ngày 30 tháng 7 năm 2010). “Chuẩn hóa chính tả tiếng Việt”. Báo Tuổi trẻ. Bản gốc lưu trữ ngày 22 tháng 8 năm 2020. Truy cập ngày 22 tháng 8 năm 2020.
- ^ Yến Anh (ngày 11 tháng 3 năm 2018). “Cấp bách chuẩn hóa chính tả tiếng Việt”. Người lao động. Bản gốc lưu trữ ngày 22 tháng 8 năm 2020. Truy cập ngày 22 tháng 8 năm 2020.
- ^ “Hình ảnh cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam”. ASEAN 2020. Bản gốc lưu trữ ngày 17 tháng 8 năm 2020. Truy cập ngày 17 tháng 8 năm 2020.
- ^ Mai Ngọc Chừ; Vũ Đức Nghiệu & Hoàng Trọng Phiến, trang 101.
- ^ Đào Duy Anh, Bắc thuộc lần thứ nhất.
- ^ Khâm định quyển II, tiền biên, Sĩ Nhiếp.
- ^ Mai Ngọc Chừ; Vũ Đức Nghiệu & Hoàng Trọng Phiến, trang 65.
- ^ PGS.TS. Hà Quang Năng. “Đặc điểm của thuật ngữ tiếng Việt”. Vietlex. Bản gốc lưu trữ ngày 17 tháng 8 năm 2020. Truy cập ngày 17 tháng 8 năm 2020.
- ^ Trịnh Khắc Hạnh (ngày 22 tháng 4 năm 2019). “Chữ Nôm và văn học chữ Nôm”. Bản gốc lưu trữ ngày 17 tháng 8 năm 2020. Truy cập ngày 17 tháng 8 năm 2020.
- ^ “Tờ hịch của Quang Trung”. Cung điện Đan Dương. Bản gốc lưu trữ ngày 22 tháng 8 năm 2020. Truy cập ngày 22 tháng 8 năm 2020.
- ^ Trần Thị Giáng Hoa (ngày 26 tháng 6 năm 2007). “CHỨNG TÍCH VĂN XUÔI NÔM THẾ KỶ XVII TRÊN VĂN BIA”. Viện Nghiên cứu Hán Nôm. Bản gốc lưu trữ ngày 13 tháng 9 năm 2020. Truy cập ngày 13 tháng 9 năm 2020.
- ^ Bùi Duy Dương (ngày 6 tháng 12 năm 2010). “THÀNH NGỮ GỐC HÁN TRONG BA KIỆT TÁC THƠ NÔM”. Viện Nghiên cứu Hán Nôm. Bản gốc lưu trữ ngày 18 tháng 9 năm 2017. Truy cập ngày 13 tháng 9 năm 2020.
- ^ Xem bản điện tử Đoạn Trường Tân Thanh Lưu trữ 2013-09-03 tại Wayback Machine của Nguyễn Du, lưu tại cơ sở dữ liệu Hán Nôm Việt Nam.
- ^ “Bồ Đào Nha và công trình sáng chế chữ Quốc ngữ”. Ttntt. Bản gốc lưu trữ ngày 17 tháng 8 năm 2020. Truy cập ngày 17 tháng 8 năm 2020.
- ^ Hoàng Xuân Việt, trang 273, 324.
- ^ Phạm Thị Kiều Ly (tháng 3 năm 2018). “Chữ quốc ngữ thời Hội thừa sai”. Diễn đàn. Bản gốc lưu trữ ngày 17 tháng 8 năm 2020. Truy cập ngày 17 tháng 8 năm 2020.
- ^ Hannas, W.C, trang 84 – 87.
- ^ Trí Đăng, trang 52.
- ^ Hoàng Quốc Việt, trang 374 – 375.
- ^ Lê Ngọc Trụ, trang 30 – 47.
- ^ Mai Ngọc Chừ; Vũ Đức Nghiệu & Hoàng Trọng Phiến, trang 213 – 219.
- ^ PGS, TS. Trần Văn Sáng (ngày 28 tháng 12 năm 2019). “Lịch sử chữ Quốc ngữ và vấn đề chuẩn hóa chính tả hiện nay”. Báo Đà Nẵng. Bản gốc lưu trữ ngày 18 tháng 8 năm 2020. Truy cập ngày 18 tháng 8 năm 2020.
- ^ “Sắc lệnh của Bộ trưởng Nội vụ Võ Nguyên Giáp”. Bộ Nội vụ. ngày 30 tháng 7 năm 2015. Bản gốc lưu trữ ngày 18 tháng 8 năm 2020. Truy cập ngày 18 tháng 8 năm 2020.
- ^ Sắc lệnh số 19 và 20, Chống nạn mù chữ của Hồ Chí Minh năm 1945, được ký thay mặt bởi Võ Nguyên Giáp, lúc bấy giờ là Bộ trưởng Bộ Nội vụ.
- ^ Trinh Nguyễn (ngày 7 tháng 12 năm 2019). “Cuộc chạy tiếp sức của chữ Nôm và chữ Quốc ngữ”. Báo Thanh niên. Bản gốc lưu trữ ngày 18 tháng 8 năm 2020. Truy cập ngày 18 tháng 8 năm 2020.
- ^ Thiên Điểu (ngày 24 tháng 7 năm 2020). “Thu hồi từ điển sai chính tả của GS Nguyễn Văn Khang, lỡ mua được trả lại tiền”. Báo Tuổi trẻ. Bản gốc lưu trữ ngày 23 tháng 8 năm 2020. Truy cập ngày 18 tháng 8 năm 2020.
- ^ Thiên Điểu (ngày 15 tháng 6 năm 2020). “Từ điển chính tả sai chính tả: Đã đến lúc cần có luật tiếng Việt?”. Báo Tuổi trẻ. Bản gốc lưu trữ ngày 27 tháng 7 năm 2020. Truy cập ngày 18 tháng 8 năm 2020.
- ^ Xem Thông tư 01/2011/TT-BNV tại website Cơ sở dữ liệu Quốc gia về văn bản pháp luật.
- ^ Xem Nghị định 30/2020/NĐ-CP tại website Cơ sở dữ liệu Quốc gia về văn bản pháp luật.
- ^ Bộ Giáo dục và Đào tạo (ngày 3 tháng 3 năm 2020). “Văn bản số: 66 BGDĐT-GDTrH Về việc trả lời kiến nghị của cử tri gửi tới sau kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV” (PDF). Truy cập ngày 28 tháng 7 năm 2023.
- ^ Bộ Giáo dục và Đào tạo (ngày 13 tháng 3 năm 2003). “Quyết định 07/2003/QĐ-BGDĐT Về việc ban hành quy định tạm thời về viết hoa tên riêng trong sách giáo khoa”. Truy cập ngày 28 tháng 7 năm 2023.
- ^ Bộ Giáo dục và Đào tạo (ngày 25 tháng 5 năm 2018). “Quyết định 1989/QĐ-BGDĐT năm 2018 quy định về chính tả trong Chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông”. Truy cập ngày 28 tháng 7 năm 2023.
- ^ Y Thiện Niê (23 tháng 1 năm 2017). “Cải cách giáo dục, hành trình từ chữ 'i' đến chữ 'y'”. thanhnien.vn. Truy cập ngày 28 tháng 7 năm 2023.
- ^ Thiên Điểu (29 tháng 8 năm 2020). “Hệ lụy từ nhiều thập niên tranh cãi y, i”. thanhnien.vn. Truy cập ngày 29 tháng 7 năm 2023.
- ^ Vũ Anh (ngày 16 tháng 12 năm 2019). “Đánh giá khách quan vai trò của chữ Quốc ngữ”. Báo Nhân dân. Bản gốc lưu trữ ngày 19 tháng 8 năm 2020. Truy cập ngày 19 tháng 8 năm 2020.
- ^ Đỗ Thành Dương (ngày 31 tháng 7 năm 2011). “Bàn thêm về phương ngữ”. Báo Lao động. Bản gốc lưu trữ ngày 19 tháng 8 năm 2020. Truy cập ngày 19 tháng 8 năm 2020.
- ^ Giáo sư Hoàng Phê. “Vấn đề chuẩn chính tả”. Vietlex. Bản gốc lưu trữ ngày 19 tháng 8 năm 2020. Truy cập ngày 19 tháng 8 năm 2020.
- ^ “Ngữ âm học và âm vị học”. Ngôn ngữ. ngày 13 tháng 10 năm 2006. Bản gốc lưu trữ ngày 19 tháng 8 năm 2020. Truy cập ngày 19 tháng 8 năm 2020.
- ^ a b Từ điển chính tả tiếng Việt, trang 29.
- ^ Ngữ văn 9, trang 98 – 99.
- ^ Điều 1, Quyết định 240/QĐ – Quy định về chính tả năm 1984.
- ^ Nguyễn Đình Cao, trang 3.
- ^ Giảng viên Nguyễn Thị Ly Kha (ngày 7 tháng 3 năm 2007). “MỘT CÁCH THỨC LƯỢNG HOÁ NỘI DUNG CHÍNH TẢ”. Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh. Bản gốc lưu trữ ngày 20 tháng 8 năm 2020. Truy cập ngày 20 tháng 8 năm 2020.
- ^ Từ điển chính tả tiếng Việt, phần nội dung và cấu tạo quyển, trang VIII – XII.
- ^ Từ điển chính tả tiếng Việt, trang 40.
- ^ “Vấn đề phân biệt viết i (ngắn) và y (dài)”. Đại học Quốc gia Hà Nội. ngày 12 tháng 5 năm 2010. Bản gốc lưu trữ ngày 21 tháng 8 năm 2020. Truy cập ngày 22 tháng 8 năm 2020.
- ^ a b Nguyên Trang (ngày 7 tháng 3 năm 2018). “HƯỚNG DẪN CÁCH PH N BIỆT L/N, CH/TR, X/S, GI/D/, C/Q/K, I/Y”. Trung tâm văn hóa Thành phố Hà Nội. Bản gốc lưu trữ ngày 21 tháng 8 năm 2020. Truy cập ngày 22 tháng 8 năm 2020.
- ^ Nguyễn Lê Thanh Hà (ngày 23 tháng 9 năm 2017). “Một số mẹo phân biệt chính tả: x/s; l/n; r/d/gi; tr/ch”. Sở Giáo dục Vĩnh Phúc. Bản gốc lưu trữ ngày 21 tháng 8 năm 2020. Truy cập ngày 22 tháng 8 năm 2020.
- ^ “Quy tắc chính tả phân biệt l/n, ch/tr, x/s, gi/d/, c/q/k, i/y”. Hoa tiêu. Bản gốc lưu trữ ngày 21 tháng 8 năm 2020. Truy cập ngày 22 tháng 8 năm 2020.
- ^ Đỗ Thành Dương (ngày 15 tháng 6 năm 2015). “Hiện tượng từ vựng tiếng Việt âm đầu "d - gi"”. Việt Nam net. Bản gốc lưu trữ ngày 21 tháng 8 năm 2020. Truy cập ngày 22 tháng 8 năm 2020.
- ^ a b “Các dấu câu trong tiếng Việt (phần 2)”. Ngôn ngữ. Bản gốc lưu trữ ngày 4 tháng 8 năm 2020. Truy cập ngày 20 tháng 8 năm 2020.
- ^ Ngữ pháp tiếng Việt, trang 278 – 282.
- ^ Đặng Ngọc Sinh. “Đề Tài 5: Các dấu câu thông dụng trong Chính tả Tiếng Việt”. Viện Nghiên cứu Lịch sử (tổ chức tư nhân). Bản gốc lưu trữ ngày 20 tháng 8 năm 2020. Truy cập ngày 20 tháng 8 năm 2020.
- ^ “ABOUT HO CHI MINH CITY & VIETNAM”. Hội thảo ICOMA. Bản gốc lưu trữ ngày 20 tháng 8 năm 2020. Truy cập ngày 20 tháng 8 năm 2020.
- ^ “Các dấu câu trong tiếng Việt (phần 3)”. Ngôn ngữ. Bản gốc lưu trữ ngày 20 tháng 8 năm 2020. Truy cập ngày 20 tháng 8 năm 2020.
- ^ a b “Quy tắc”. Trang chính Chính tả. Bản gốc lưu trữ ngày 20 tháng 8 năm 2020. Truy cập ngày 20 tháng 8 năm 2020.
- ^ Nguyễn Minh Thuyết (ngày 30 tháng 5 năm 2003). “Cách viết hoa trong sách giáo khoa mới”. VNExpress. Bản gốc lưu trữ ngày 20 tháng 8 năm 2020. Truy cập ngày 20 tháng 8 năm 2020.
- ^ Tiểu mục 1.2, Mục II, Quyết định 07/2003/QĐ-BGDĐT.
- ^ Tiểu mục 2.2, Mục II, Quyết định 07/2003/QĐ-BGDĐT.
- ^ Hoàng Hiền Anh (ngày 13 tháng 5 năm 2008). “Giải pháp giúp học sinh viết đúng chính tả”. Báo Nhân dân. Bản gốc lưu trữ ngày 21 tháng 8 năm 2020. Truy cập ngày 21 tháng 8 năm 2020.
- ^ “Quy định chuẩn chữ viết: Cần thiết nhưng phải có nghiên cứu kỹ lưỡng”. Thanh tra Chính phủ. ngày 9 tháng 3 năm 2018. Bản gốc lưu trữ ngày 21 tháng 8 năm 2020. Truy cập ngày 21 tháng 8 năm 2020.
- ^ Mục 1, Nhóm A của Phần I: Quy định về chính tả tiếng Việt trong Quyết định số 240/QĐ.
- ^ Mục 2, Nhóm A của Phần I: Quy định về chính tả tiếng Việt trong Quyết định số 240/QĐ.
- ^ Mục 1, Nhóm B của Phần I: Quy định về chính tả tiếng Việt trong Quyết định số 240/QĐ.
- ^ Từ điển chính tả tiếng Việt, trang 44.
- ^ Từ điển chính tả tiếng Việt, trang 9.
- ^ Nguyễn Đức Dân (ngày 16 tháng 8 năm 2016). “"Trí mạng" cũng là "chí mạng": đâu là cách dùng đúng?”. Báo Tuổi trẻ. Bản gốc lưu trữ ngày 21 tháng 8 năm 2020. Truy cập ngày 21 tháng 8 năm 2020.
- ^ Đoạn c, Mục 1, Nhóm B của Phần I.
- ^ Từ điển chính tả tiếng Việt, trang 186.
- ^ Từ điển chính tả tiếng Việt, trang 192.
- ^ Mục 2, Nhóm B của Phần I: Quy định về chính tả tiếng Việt trong Quyết định số 240/QĐ.
- ^ Đoạn a, Mục 2, Nhóm B của Phần I.
- ^ Đoạn b, Mục 2, Nhóm B của Phần I.
- ^ Đoạn c, Mục 2, Nhóm B của Phần I.
- ^ Đoạn d, Mục 2, Nhóm B của Phần I.
- ^ Đoạn e, Mục 2, Nhóm B của Phần I.
- ^ Đoạn g, Mục 2, Nhóm B của Phần I.
- ^ Đoạn h, Mục 2, Nhóm B của Phần I.
- ^ “Chuẩn hóa cách sử dụng tên riêng tiếng nước ngoài”. Thông tấn xã Việt Nam. ngày 8 tháng 8 năm 2013. Bản gốc lưu trữ ngày 17 tháng 5 năm 2017. Truy cập ngày 13 tháng 9 năm 2020.
- ^ Tuệ Nguyễn (ngày 7 tháng 3 năm 2018). “Sẽ có quy định mới về chuẩn chính tả?”. Báo Thanh niên. Bản gốc lưu trữ ngày 21 tháng 4 năm 2018. Truy cập ngày 13 tháng 9 năm 2020.
- ^ GS. Nguyễn Minh Thuyết, Hồ Trang (thiết kế) (ngày 9 tháng 3 năm 2018). “Tiếng Việt mới: Tên riêng và tiếng nước ngoài viết sao?”. Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh. Bản gốc lưu trữ ngày 1 tháng 2 năm 2020. Truy cập ngày 13 tháng 9 năm 2020.
- ^ Quyên Quyên (ngày 15 tháng 3 năm 2018). “Tranh cãi viết i hay y diễn ra trong nhiều thập kỷ”. Zingnews. Bản gốc lưu trữ ngày 22 tháng 8 năm 2020. Truy cập ngày 22 tháng 8 năm 2020.
- ^ Xem bản điện tử Hướng dẫn số 36/HD-VPTW về Hướng dẫn thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản của Đảng, của Văn phòng Trung ương Đảng, lưu trữ tại website Bộ Tư pháp.
- ^ Điều 2, Chương I, Nghị định 2020.
- ^ Mục 1: Quy định chung, Phần I: Thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản hành chính của Nghị định 2020.
- ^ Khoản 1, Điều 15, Mục 1, Chương III: Quản lý văn bản, Nghị định 2020.
- ^ Khoản a, Điều 1, Mục II, Phần II, Nghị định 2020.
- ^ Khoản b, Điều 1, Mục III, Phần III, Nghị định 2020.
- ^ Khoản 1, Điều 1, Mục IV, Phần III, Nghị định 2020.
- ^ Khoản b, Điều 1 và Khoản a, Điều 2, Mục IV, Phần III, Nghị định 2020.
- ^ Điều 1, Mục V, Phần III, Nghị định 2020.
- ^ Điều 3, Mục V, Phần III, Nghị định 2020.
- ^ Khoản 1, Điều 15, Chương VII: Chính phủ, Hiến pháp 2013.
- ^ Khoản 7, Điều 70, Chương V: Quốc hội, Hiến pháp 2013.
- ^ Mục căn cứ, trang thứ nhất của Nghị định 2020.
- ^ Điều 4, Mục V, Phần III, Nghị định 2020.
- ^ Các quy định từ Điều 5 đến Điều 10 của Mục V, Phần III, Nghị định 2020.
- ^ Giáo sư Hoàng Phê, trang II.
- ^ “Thổ ngữ của Tiếng Huế”. Phương ngữ Huế. Bản gốc lưu trữ ngày 27 tháng 3 năm 2020. Truy cập ngày 22 tháng 8 năm 2020.
- ^ Đoan Trang (ngày 27 tháng 2 năm 2020). “PGS.TS Trịnh Cẩm Lan: Muốn bảo tồn nét đẹp, cần cho tiếng Hà Nội một "danh phận"”. Nhịp sống Hà Nội. Bản gốc lưu trữ ngày 21 tháng 8 năm 2020. Truy cập ngày 22 tháng 8 năm 2020.
- ^ Từ điển chính tả tiếng Việt, trang 63.
- ^ Từ điển chính tả tiếng Việt, trang 105.
- ^ a b Giáo sư Hoàng Phê, trang IV.
- ^ ThS. Đào Tiến Thi (ngày 23 tháng 3 năm 2011). “Bàn tiếp về chuyện I ngắn hay Y dài”. Đại học Quốc gia Hà Nội. Bản gốc lưu trữ ngày 19 tháng 8 năm 2020. Truy cập ngày 19 tháng 8 năm 2020.
- ^ Giáo sư Hoàng Phê, trang V.
- ^ Dũng Vũ. Bản điện tử Vấn đề dấu thanh tiếng Việt.
- ^ Thúy Hằng (ngày 2 tháng 8 năm 2019). “Viết sai chính tả trên Facebook cho vui?”. Báo Thanh niên. Bản gốc lưu trữ ngày 22 tháng 8 năm 2020. Truy cập ngày 22 tháng 8 năm 2020.
- ^ Đoàn Đạt (ngày 9 tháng 2 năm 2014). “Sai chính tả: Chuyện nhỏ?”. Báo Thanh niên. Bản gốc lưu trữ ngày 22 tháng 8 năm 2020. Truy cập ngày 22 tháng 8 năm 2020.
- ^ Từ điển chính tả tiếng Việt. Trang 112.
- ^ Phú Trang (ngày 19 tháng 11 năm 2019). “Lỗi chính tả, lỗi dùng từ hay gặp trên truyền thông”. Đài Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh. Bản gốc lưu trữ ngày 22 tháng 8 năm 2020. Truy cập ngày 22 tháng 8 năm 2020.
- ^ Từ điển chính tả tiếng Việt, trang 282.
- ^ Từ điển chính tả tiếng Việt, trang 379.
- ^ Minh Hoạt, Phương Ngọc (ngày 26 tháng 6 năm 2018). “Thực trạng chính tả Tiếng Việt hiện nay – sự cần thiết ban hành quy định của nhà nước về chính tả Tiếng Việt”. Giáo dục Việt Nam. Bản gốc lưu trữ ngày 22 tháng 8 năm 2020. Truy cập ngày 22 tháng 8 năm 2020.
- ^ Điều 1, Mục IV, Phụ lục VI của Thông tư 01/2011 về Hướng dẫn thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản hành chính của Bộ Nội vụ.
- ^ Trần Sơn (ngày 20 tháng 6 năm 2015). “Một số lỗi tiếng Việt trên các báo điện tử hiện nay”. Giáo dục Việt Nam. Bản gốc lưu trữ ngày 21 tháng 8 năm 2020. Truy cập ngày 22 tháng 8 năm 2020.
- ^ Thanh Hùng (ngày 28 tháng 11 năm 2017). “Gặp tác giả đề xuất cải tiến 'Giáo dục' thành 'Záo zụk'”. Báo VietNamNet. Bản gốc lưu trữ ngày 13 tháng 9 năm 2020. Truy cập ngày 13 tháng 9 năm 2020.
- ^ a b “Toàn bộ bài viết đề xuất cải cách 'Tiếng Việt' thành 'Tiếq Việt' của PGS.TS Bùi Hiền”. Báo Tiên phong. ngày 27 tháng 11 năm 2017. Bản gốc lưu trữ ngày 3 tháng 12 năm 2017. Truy cập ngày 13 tháng 9 năm 2020.
- ^ Ngô Thiệu Phong (ngày 29 tháng 11 năm 2017). “Góc nhìn khác về PGS Bùi Hiền, người đề xuất cải cách gây tranh cãi”. Đài Tiếng nói Việt Nam. Bản gốc lưu trữ ngày 28 tháng 12 năm 2017. Truy cập ngày 13 tháng 9 năm 2020.
- ^ Bích Hà (ngày 27 tháng 12 năm 2017). “Nếu "Tiếq Việt", "Záo zục" vào Táo quân 2018, PGS Bùi Hiền nói gì?”. Báo Lao động. Bản gốc lưu trữ ngày 13 tháng 9 năm 2020. Truy cập ngày 13 tháng 9 năm 2020.
- ^ Quyên Quyên (ngày 25 tháng 11 năm 2017). “PGS muốn viết 'giáo dục' là 'záo zụk': Nếu nhìn chữ, tôi thấy ngớ ngẩn”. Zingnews. Bản gốc lưu trữ ngày 13 tháng 9 năm 2020. Truy cập ngày 13 tháng 9 năm 2020.
Thư mục
[sửa | sửa mã nguồn]- Coulmas, Florian; Guerini, Federica (2012). Literacy and Writing Reform. Spolsky, Bernard (chỉnh sửa), The Cambridge Handbook of Language Policy. Nhà xuất bản Đại học Cambridge. ISBN 978-1108454117, ISBN 1108454119.
- Đào Duy Anh (2005), Đất nước Việt Nam qua các đời. Nhà xuất bản Văn hóa Thông tin.
- Giáo sư Hoàng Phê (1994). Từ điển tiếng Việt. Nhà xuất bản Khoa học xã hội – Trung tâm Từ điển học Việt Nam. SKU 8475287601028.
- Giáo sư Hoàng Phê (1995). Từ điển chính tả tiếng Việt. Nhà xuất bản Đà Nẵng – Trung tâm Từ điển học Việt Nam.
- Giáo sư Lê Ngọc Trụ (1993). Chữ Quốc ngữ từ thế kỷ XVII đến cuối thế kỷ XIX. Tuyển tập Ngôn ngữ văn tự Việt Nam Số 1. Dòng Việt.
- Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Đoàn Thiện Thuật (2007). Chữ Quốc ngữ thế kỷ thứ XVIII. Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.
- Hannas, Wm. C. (1997). Asia's Orthographic Dilemma. Nhà xuất bản Đại học Hawaii. ISBN 978-0-8248-1892-0.
- Học giả Hoàng Xuân Việt (2006). Tìm hiểu lịch sử chữ Quốc ngữ. Thành phố Hồ Chí Minh: Nhà xuất bản Văn hóa Thông tin.
- Học giả Hoàng Xuân Việt (2006). Bạch thư chữ Quốc ngữ. San Jose, CA: Hội văn hóa Việt.
- Mai Ngọc Chừ; Vũ Đức Nghiệu & Hoàng Trọng Phiến (1997). Cơ sở ngôn ngữ học và tiếng Việt. Nhà xuất bản Giáo dục.
- Nguyễn Đình Cao (2009). Sổ tay chính tả tiếng Việt tiểu học. Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam. ISBN 893498081425.
- Trí Đăng (1973). Lịch sử báo chí Việt Nam. Sài Gòn.
- Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII (2013). Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013.
- Bộ trưởng Nguyễn Thị Bình, Bộ Giáo dục Việt Nam (1984). Quyết định số 240/QĐ năm 1984: Quy định về chính tả tiếng Việt và thuật ngữ tiếng Việt.
- Bộ trưởng Nguyễn Minh Hiển, Bộ Giáo dục Việt Nam (2003). Quyết định số 07/QĐ năm 2003: Quy định về việc ban hành quy định tạm thời về viết hoa tên riêng trong sách giáo khoa.
- Ngữ văn lớp 9, tập 2 (2006). Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.
- Trung tâm Khoa học xã hội và Nhân văn Quốc gia (2002). Ngữ pháp tiếng Việt. Nhà xuất bản Khoa học xã hội.
- Thủ trướng Nguyễn Xuân Phúc, Chính phủ Việt Nam (2020). Nghị định số 30/2020/NĐ-CP của Chính phủ: Về công tác văn thư.
Đọc thêm
[sửa | sửa mã nguồn]- Cao Xuân Hạo (2006), Mấy vấn đề ngữ âm, ngữ pháp, ngữ nghĩa. Nhà xuất bản Khoa học Xã hội.
- Cao Xuân Hạo (2001). Tiếng Việt, văn Việt, người Việt. Nhà xuất bản Trẻ.
- Giáo sư Hoàng Phê (tái tổng hợp năm 2008). Tuyển tập Ngôn ngữ học. Nhà xuất bản Đà Nẵng – Trung tâm Từ điển học.
- Hà Quang Năng, Hà Thị Quế Hương (2017). Từ điển chính tả tiếng Việt. Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội. SKU 8936067598421, ISBN 8936067598421.
- Hoàng Tiến (2003). Chữ Quốc ngữ và cuộc cách mạng chữ viết đầu thế kỷ 20. Nhà xuất bản Thanh Niên.
- Lê Ngọc Trụ (1959). Việt-ngữ Chánh-tả Tự-vị. Nhà xuất bản Thanh Tân, Sài Gòn.
- Lê Nguyễn Lưu (2002). Từ chữ Hán đến chữ Nôm. Huế: Nhà xuất bản Thuận Hóa.
- Lê Trung Hoa (2005). Lỗi chính tả và cách khắc phục. Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, Thành phố Hồ Chí Minh.
- Nguyên Ngọc (2014). Chính tả, cái xã hội khắc phục cái tự nhiên, trong Những vấn đề chính tả tiếng Việt hiện nay. Nhà xuất bản Văn hóa – Văn nghệ, Thành phố Hồ Chí Minh.
- Nguyễn Bạt Tụy (1949). Çhữ và vần Việd khwa họk (tiếng Việt cũ, nay tức là Chữ và vần Việt khoa học). Nhà xuất bản Hoạt Hóa, Sài Gòn.
- Nguyễn Đức Dương (2001). Linh hồn tiếng Việt. Nhà xuất bản Trẻ, Nhà phát hành Phương Nam. ISBN 893200010470.
- Trần Nhật Vy (2018). Chữ Quốc ngữ, 130 năm thăng trầm. Nhà xuất bản Văn hóa văn nghệ.
- Trần Thu Trang (ngày 6 tháng 12 năm 2009). 10 quy tắc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt Lưu trữ 2020-10-31 tại Wayback Machine.
Liên kết ngoài
[sửa | sửa mã nguồn] Wikimedia Commons có thêm hình ảnh và phương tiện truyền tải về Chính tả tiếng Việt.- Chính tả tại Từ điển bách khoa Việt Nam
- Tiếng Việt tại Từ điển bách khoa Việt Nam
- Vietnamese language tại Encyclopædia Britannica (tiếng Anh)
- Bản điện tử Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 tại Bộ Tư pháp.
- Bản điện tử Nghị định số 30/2020/NĐ-CP của Chính phủ: Về công tác văn thư tại Cổng Thông tin điện tử Chính phủ Việt Nam.
- Bản điện tử Quyết định số 240/QĐ - Quy định về chính tả tiếng Việt và thuật ngữ tiếng Việt năm 1984 của Bộ Giáo dục.
- Phân lớp từ ngữ theo nguồn gốc: Các từ ngữ gốc Ấn-Âu. tại website ngonngu.net, ngày 31 tháng 12 năm 2006. Theo Mai Ngọc Chừ; Vũ Đức Nghiệu & Hoàng Trọng Phiến. Cơ sở ngôn ngữ học và tiếng Việt. Nhà xuất bản Giáo dục, H., 1997.
| |
---|---|
Ngôn ngữ học |
|
Từ vựng |
|
Chữ viết |
|
|
| |
---|---|
|
- Việt Nam
- Tiếng Việt
Từ khóa » Cháng Bát Hay Tráng Bát
-
Có Nên Tráng Bát đĩa Trước Khi Cho Vào Máy Rửa Bát Bosch?
-
Ngừng Ngay Việc Tráng Bát đĩa Trước Khi Cho Vào Máy Rửa Bát
-
Tráng Bát, đũa Bằng Nước Sôi Trước Khi ăn, Có Sạch Vi Khuẩn? - PLO
-
5 Sai Lầm Khi Rửa Bát - VnExpress Đời Sống
-
Cháng Tráng - Chính Tả Tiếng Việt
-
CHỨC NĂNG RỬA TRÁNG (PRE-RINSE) CỦA MÁY RỬA BÁT CÓ ...
-
Quy Tắc Viết L/n, Ch/tr, X/s, C/q/k, I/y đúng Chính Tả Trong Tiếng Việt
-
Có Nên Mua Máy Rửa Bát Không? - BAYER GERMANY
-
Cách Phân Biệt: L/n, Ch/tr - Tiểu Học Phan Đình Giót
-
[Funland] - Cần Tư Vấn Mua Máy Rửa Bát! | Page 2 | OTOFUN
-
TỤC NGỮ CỦA MỘT SỐ DÂN TỘC TỈNH LÀO CAI
-
Máy Rửa Bát - Phần 2 Part 2 - Webtretho