Chính Thức Thành Lập Khu Bảo Tồn đất Ngập Nước Tam Giang

Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tam Giang - Cầu Hai được thành lập tại Quyết định số 495/QĐ-UBND ngày 20/2/2020 của UBND Thừa Thiên Huế. Đây là một trong 2 khu bảo tồn đất ngập nước được thành lập trong khuôn khổ hỗ trợ của dự án “Bảo tồn các khu đất ngập nước quan trọng và sinh cảnh liên kết” (2015 – 2020) do Quỹ môi trường toàn cầu (GEF) và Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tài trợ. Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan chủ quản dự án, Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường là chủ dự án.

Tam Giang - Cầu Hai (tỉnh Thừa Thiên Huế) được xem là vùng đầm phá lớn nhất Đông Nam Á, nơi đây không chỉ có giá trị cao về tài nguyên, đa dạng sinh học, mà còn có chức năng vô cùng quan trọng về môi trường sinh thái, có vai trò to lớn về cân bằng tự nhiên ven bờ và phát triển kinh tế xã hội.

Vùng đất ngập nước hệ đầm phá Tam Giang - Cầu Hai thuộc địa phận của 5 huyện, thị xã ven biển Thừa Thiên Huế là Phong Điền, Quảng Điền, Phú Vang, Phú Lộc và thị xã Hương Trà. Đây là vùng đất ngập nước tiêu biểu cho điều kiện nhiệt đới gió mùa, lớn nhất Đông Nam Á và thuộc cỡ lớn trên thế giới. Nơi đây không chỉ có giá trị cao về tài nguyên đặc biệt là đa dạng sinh học, mà còn có chức năng vô cùng quan trọng về môi trường sinh thái, có vai trò to lớn về cân bằng tự nhiên ven bờ và phát triển kinh tế - xã hội khu vực. Đầm phá Tam Giang - Cầu Hai là một trong những đại diện hiếm hoi của hệ sinh thái ven biển nhiệt đới với môi trường phức tạp và đa dạng: đồng bằng châu thổ, vùng nước nông mở, vùng nước với đệm cỏ, các cửa sông và những nhánh sông bao quanh bởi những đụn cát chắn. Đây từng là nơi tập trung chim nước di cư với số lượng trên 2 vạn cá thể vào mùa đông. Hệ sinh thái đầm phá cung cấp nguồn dinh dưỡng chính cho khoảng 500 ngàn người sống trong 44 xã thuộc 5 huyện, thị xã xung quanh đầm phá…

Ông Phan Thiên Định – Phó chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế phát biểu tại buổi lễ

Phát biểu tại buổi lễ, ông Phan Thiên Định - Phó chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết: Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tam Giang - Cầu Hai được thành lập với các mục tiêu quan trọng về bảo tồn, phục hồi được sinh cảnh, các hệ sinh thái; bảo vệ, phục hồi và phát triển quần thể của các loài chim hoang dã, các loài thủy sản quý hiếm. Ngoài ra, giảm thiểu những tác động làm suy giảm chất lượng môi trường sống, cấu trúc hệ sinh thái.

Ngoài ra, tăng cường khả năng chống chịu của các hệ sinh thái trong khu bảo tồn, thích ứng với những biến động tự nhiên của đầm phá và biến đổi khí hậu; đảm bảo sự tham gia của cộng đồng tại địa phương trong quản lý, khai thác, sử dụng hợp lý tài nguyên đất ngập nước; phát triển kinh tế - xã hội theo hướng bền vững; cộng đồng địa phương được tham gia quản lý, khai thác, sử dụng bền vững các giá trị của khu bảo tồn.

Ông Nguyễn Thượng Hiền – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT) phát biểu

Ông Nguyễn Thượng Hiền – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường chia sẻ: Trong nhiều năm gần đây, diện tích các hệ sinh thái đất ngập nước tự nhiên bị suy giảm nghiêm trọng. Một lượng lớn đất ngập nước đã phải nhường lại cho phát triển hạ tầng, các khu công nghiệp và dân cư. Đồng thời, việc khai thác quá mức các nguồn lợi của đất ngập nước, không có cơ chế giám sát và thực thi hiệu quả cũng là nguyên nhân gây ra tình trạng suy giảm nghiêm trọng tính đa dạng sinh học của các vùng đất ngập nước.

“Chính vì vậy, việc thành lập Khu bảo tồn đất ngập nước Tam Giang – Cầu Hai có giá trị rất lớn, thể hiện cam kết và quyết tâm trong bảo vệ môi trường, bảo vệ hệ sinh thái đất ngập nước phục vụ lợi ích của nhân dân và phát triển bền vững của đất nước, góp phần thúc đẩy các hoạt động bảo tồn tại Việt Nam, cân bằng sinh thái và duy trì cảnh quan tự nhiên, các giá trị đa dạng sinh học, phục vụ cho phát triển kinh tế-xã hội”, ông Nguyễn Thượng Hiền nhấn mạnh.

Bà Caitlin Wiesen, Trưởng đại diện Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam cho biết: “ Rừng ngập mặn và hệ sinh thái đất ngập nước có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc thanh lọc ô nhiễm, hỗ trợ sinh kế cho các cộng đồng địa phương, bảo vệ hạ tầng và cuộc sống của người dân sống trong hoặc gần các khu vực này. 12 triệu hecta đất ngập nước trên toàn quốc cung cấp sinh kế chính và thu nhập thêm cho khoảng 20 triệu người dân Việt Nam”.

Quang cảnh buổi lễ 

Bà Caitlin Wiesen cho rằng, sự kiện ngày hôm nay đặc biệt quan trọng vì Tam Giang là hệ sinh thái đầm phá lớn nhất Đông Nam Á. Đây cũng là nơi sinh sống của nhiều loài chim hoang dã và quý hiếm, có thể phát triển thành một “khu bảo tồn chim” điển hình, góp phần phát triển các hoạt động du lịch sinh thái.

Theo bà Caitlin, việc đồng quản lý các khu bảo tồn sẽ giúp gia tăng năng lực của người sử dụng, gia tăng trách nhiệm của người dân địa phương. Người dân địa phương là những người có kiến thức và kỹ năng phong phú, vừa là người hưởng lợi, vừa là tác nhân chính cho bảo tồn đất ngập nước và đa dạng sinh học trong khu bảo tồn.

Tuy nhiên, hệ thống Khu bảo tồn hiện đang phải đối mặt với cơ cấu quản lý phân mảnh và thiếu năng lực và nguồn lực tài chính. Do đó, việc tinh giản, cải cách thể chế và thiết lập là cần thiết để tăng cường bảo tồn đa dạng sinh học. Điều này đòi hỏi các chức năng của khu bảo tồn và sản xuất phải được tách biệt để tránh xung đột lợi ích và nâng cao hiệu quả.

Các đại biểu thả cá giống tại xã Quảng Thái và xã Quảng Lợi

Trong khuôn khổ buổi lễ công bố, các đại biểu cũng đã tham quan và thả tôm, cua, cá giống ở khu vực rừng ngập mặn tại xã Quảng Thái và xã Quảng Lợi (tỉnh Thừa Thiên Huế). Việc thả tôm, cua, cá giống giúp tái tạo nguồn lợi thủy sản, tăng tính đa dạng sinh học vùng đầm phá.

Từ khóa » Hệ Sinh Thái đầm Phá Tam Giang