Chính Trị - Nguyên Tổng Bí Thư Lê Khả Phiêu: “Chúng Ta...

ttxvn_nguyen_tbt_le_kha_phieu_07.jpg 

Hình ảnh vị Tổng Bí thư Đảng xắn quần, lội bộ để kiểm tra, thị sát tình hình chống lũ, mang đến cho đồng bào, đồng chí sự tin tưởng, ấm lòng, thật giản dị, gần gũi với người dân.

Cuối năm 1999, các tỉnh miền Trung phải hứng chịu hai trận lũ lớn. Khi lũ lụt lớn xảy ra, chưa kịp về thăm các tỉnh miền Trung lũ chồng lên lũ, Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu có thư điện gửi toàn thể đồng bào và đảng bộ các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên và thành phố Đà Nẵng để chia sẻ những đau thương mất mát đối với các gia đình có người thân hy sinh và gặp hoạn nạn. Đồng chí "bày tỏ lòng kính phục trước những tấm gương của đồng bào, đồng chí, của các chiến sĩ lực lượng vũ trang, các đơn vị, các ngành, các cấp ở Trung ương và địa phương đã không sợ gian khổ quên mình cứu dân, đùm bọc giúp đỡ lẫn nhau, ngày đêm chống chọi với bão lũ"(1) và tin tưởng rằng đồng bào và đảng bộ các tỉnh, thành phố miền Trung sẽ đạp bằng khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của địa phương.

Trận lũ lớn năm 1999, Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đã có chuyến thăm bà con Đồng bằng sông Cửu Long, thăm một trong những gia đình nông dân ở tỉnh An Giang sắp bị nước lũ cuốn trôi trong trận lũ lớn, Tổng Bí thư đã yêu cầu các gia đình này phải được chuyển ngay đến nơi an toàn…

Phát biểu bế mạc Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá VIII, ngày 11-11-1999, Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu nêu rõ: Cuộc chiến đấu chống lũ lớn tàn phá dữ dội ở miền Trung, gây thiệt hại hết sức nặng nề về người và của cải vật chất. Tổng Bí thư nhấn mạnh: "Chúng ta không bó tay trước khó khăn, mà phải dũng cảm lao vào khó khăn nguy hiểm, không chần chừ, không ỷ lại, phải tìm tòi, sáng tạo, huy động lực lượng quyết tâm giải quyết bằng được khó khăn, phát huy truyền thống tự lực, tự cường của dân tộc, cả nước một lòng vượt qua phong ba bão táp.

Đó chính là thái độ của những người cộng sản chịu trách nhiệm trước nhân dân, trước những thử thách khốc liệt của cuộc đấu tranh cách mạng, vì dân vì nước.

Sống và làm việc trong những ngày vừa qua, đứng trước những đau thương mất mát của đồng bào đồng chí ở miền Trung, những đảng viên cộng sản chúng ta cảm nhận từ trong lòng mình phải sống, làm việc sao cho xứng đáng với tấm lòng và sự hy sinh cao cả của nhân dân.

Nhân dân, Tổ quốc, sự nghiệp cách mạng của Đảng trước thế kỷ mới đòi hỏi Đảng ta, những cán bộ, đảng viên của Đảng phải bền bỉ phát huy ưu điểm, kiên quyết khắc phục khuyết điểm, đặc biệt là khắc phục cho được căn bệnh quan liêu, tham nhũng"(2).

Là người lãnh đạo cao nhất của Đảng, đồng chí Lê Khả Phiêu luôn quan tâm đến nhiều giới, nhiều ngành và nhiều lĩnh vực, ở diễn đàn nào cũng thấy đồng chí thể hiện sự quan tâm sâu sắc từ người dân, người lính, giai cấp công nhân, tổ chức Công đoàn, nông dân, đội ngũ những người làm công tác tư tưởng - văn hoá của Đảng, các nhà khoa học, nhà văn, quan tâm đến tài nguyên chất xám, tài nguyên con người đến văn hoá, báo chí, từ công tác xoá đói giảm nghèo cấp bách đến việc giáo dục truyền thống yêu nước và cách mạng, từ người cao tuổi cho đến thanh thiếu niên, nhi đồng,... Và kể cả tấm lòng đối với bạn bè quốc tế.

Với 89 tuổi đời, hơn 70 năm tuổi Đảng, ở đồng chí Lê Khả Phiêu nhiệm vụ nào cũng "gắng sức làm", suốt cả cuộc đời luôn kiên định, nhiệt huyết với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của Dân, hết mực nghĩa tình, thuỷ chung với đồng bào, đồng chí, phong cách của một quân nhân, một nhà lãnh đạo, một người cộng sản chân chính. Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu từ trần là mất mát to lớn, để lại niềm ngậm ngùi, tiếc thương vô hạn của Đảng và Nhân dân ta!./.

_________________________

(1), (2) Lê Khả Phiêu, Tuyển tập (1999-2010), NXB Chính trị quốc gia, tập II, tr. 211; 198.

Quốc Hùng

Từ khóa » Tổng Bí Thư Miền Trung