Chính Trị - Tự Hào Căn Cứ Cách Mạng Ô Tà Sóc Quê Tôi

Tri Tôn là một huyện dân tộc, miền núi, tôn giáo, biên giới nằm phía Tây tỉnh An Giang và có đường biên giới giáp với Campuchia về phía tây bắc, với chiều dài 15 km và có cửa khẩu phụ Vĩnh Gia tại xã Vĩnh Gia. Huyện Tri Tôn sở hữu 4 ngọn núi trong dãy Thất Sơn huyền bí. Tri Tôn tuy bé nhỏ nhưng lại có nhiều địa danh ghi dấu nhiều chiến công hiển hách trong lịch sử như Đồi Tức Dụp, Nhà mồ Ba Chúc, ngoài ra có khu du lịch Suối Vàng, Núi Tô, Hồ Tà Pạ gắn liền với các ngôi chùa Khmer với nét kiến trúc, điêu khắc độc đáo, đặc biệt là Căn cứ cách mạng Ô Tà Sóc thuộc xã Lương Phi vừa được đầu tư, cải tạo khang trang, đây sẽ là điểm đến lý tưởng, là trải nghiệm thú vị cho những ai thích khám phá vùng đất mới với cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ nơi đây.

O-ta-soc-1.jpg

Đường vào Ô Tà Sóc

Trong kháng chiến, vùng đất Lương Phi gắn liền với địa danh Ô Tà sóc – căn cứ kháng chiến của Tỉnh ủy An Giang, là quê hương của nhiều anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân như: Trần Thanh Lạc, Phan Thị Ràng, 17 mẹ Việt Nam Anh hùng, 143 liệt sĩ và trên 360 gia đình có công với cách mạng cùng hàng ngàn đồng bào, cán bộ, chiến sĩ tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu, nhiều người bị địch bắt, tra tấn, tù đày, bị thương tật vì bom đạn của kẻ thù. Với những đóng góp đó, ngày 20/12/1994, Nhà nước đã tặng thưởng danh hiệu cao quý: Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho Nhân dân và Lực lượng vũ trang nhân dân xã Lương Phi, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang đã đạt thành tích đặc biệt xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Các bạn biết không? Ô Tà Sóc là một quần thể thiên nhiên với dòng suối quanh năm nước chảy, với nhiều hang động được thiên nhiên tạo ra bằng những tảng đá hàng chục, hàng trăm tấn chồng chất lên nhau, có các gộp đá, các hốc đá dọc theo bờ suối, xen kẻ là nhiều loại cây rừng hoang dại mọc lên từ chân đá. Toàn cảnh rừng cây và núi đá là địa hình phức tạp. Ô Tà Sóc là nơi Tỉnh ủy An Giang xây dựng thành một tuyến phòng thủ đủ sức mạnh bằng những hàng rào bãi chông, trái nổ, cùng lòng can đảm của cán bộ, chiến sĩ dựa vào địa hình hiểm trở của rừng núi để bám trụ chiến đấu và chỉ đạo phong trào cách mạng trong toàn tỉnh. Ngày 28/12/2001, Căn cứ cách mạng Ô Tà Sóc được công nhận là Di tích lịch sử cách mạng cấp quốc gia.

Tại đây, hiện còn giữ nguyên trạng các hang đá mang tên: Quân y, Phụ nữ, Hậu cần, Tuyên huấn, Điện trời gầm, Bụng ông địa và Bia tưởng niệm đồi Ma thiên lãnh… đóng rải rác trong các hang động, trong các hang có đường mòn trên núi nối liền nhau, có bán kính khoảng 3 km. Lợi thế của những hang động trên Ô Tà Sóc là rất hiểm trở và chắc chắn, đặc biệt chứa được rất nhiều người. Nơi đây từng là căn cứ địa vững chắc, là nơi diễn ra những trận đánh oanh liệt làm cho quân thù phải khiếp sợ… thật tuyệt vời nếu được cùng bạn bè, người thân cùng khám phá một địa điểm du lịch và tìm hiểu di tích văn hóa, lịch sử cách mạng hào hùng cũng như chiêm ngưỡng sự kỳ vĩ, huyền bí như chốn mê cung của hệ thống hang động nơi đây sau những ngày làm việc căng thẳng, thì đây sẽ là một trải nghiệm khá thú vị đúng không các bạn.

24-O-ta-soc-5.jpg

Bí thư Tỉnh ủy dự khánh thành công trình cải tạo và nâng cấp Khu di tích lịch sử cách mạng Ô Tà Sóc

Đến thăm Căn cứ cách mạng Ô Tà Sóc, các bạn đừng bỏ qua Đồi Ma Thiên Lãnh, đây là nơi 7 chiến sỹ bộ đội đã chiến đấu anh dũng và hy sinh trong lòng núi mà mãi đến 36 năm sau, đồng đội mới tìm được hài cốt và qui tập về quê hương miền Bắc xa xôi. Chuyện kể rằng: Vào năm 1969, khi Tỉnh ủy An Giang rút đi, Đồi Ma Thiên Lãnh được tiểu đội Đoàn 61 trú đóng. Một hôm, máy bay địch ném bom đánh sập cửa hang, 7 chiến sĩ bị kẹt trong đó. Khói bom tan, các chiến sĩ cùng đơn vị tìm cách mở miệng hang nhưng không được. Để giúp 7 chiến sĩ cầm cự chờ được cứu, đơn vị đã tiếp lương thực bằng cách dùng ống tre đưa cháo và sữa vào. Mấy ngày sau, địch tiến đánh Đồi Ma Thiên Lãnh ác liệt, đơn vị phải lùi về rừng U Minh. Vậy là, 7 chiến sĩ của đơn vị vĩnh viễn nằm lại trong hang. Hiện nay, trên ngọn đồi cao 80m này có tấm bia kỷ niệm, bên dưới bia là bàn thờ 7 liệt sĩ. Đây sẽ là nơi tuyên truyền ý nghĩa lịch sử, giáo dục truyền thống cách mạng, cũng như là nơi để mỗi thế hệ người dân Việt Nam, nhất là thế hệ trẻ tìm về cội nguồn cách mạng, để vun đắp tình yêu quê hương đất nước, truyền thống lịch sử của dân tộc ta, khơi dậy niềm tự hào, niềm tin cho thế hệ trẻ vững bước đi theo con đường vinh quang mà biết bao thế hệ cha anh đã dựng xây. Đây sẽ là động lực để thế hệ trẻ ngày nay nguyện cống hiến nhiều hơn cho đất nước và dân tộc Việt Nam.

Nhân dịp kỷ niệm Ngày Thương binh liệt sĩ 27/7 hằm năm, các bạn sinh viên Trường Đại học An giang đã về Căn cứ cách mạng Ô Tà Sóc du khảo về nguồn để cùng tìm hiểu lịch sử và cảnh đẹp thiên nhiên ở đây. Bạn Trần Thanh Vân, sinh viên năm II, khoa Sư phạm Ngữ văn, chia sẻ cảm nghĩ của mình tại chuyến du khảo về nguồn: "Sau chuyến du khảo về nguồn tại căn cứ cách mạng Ô Tà Sóc là một trãi nghiệm đáng nhớ của nhóm chúng em. Tại đây chúng em đã được nghe kể về những trận đánh oanh liệt năm xưa. Qua chuyến du khảo về nguồn tại Căn cứ cách mạng Ô Tà Sóc, xã Lương Phi chúng em rất tự hào về truyền thống cách mạng của ông cha và xin hứa sẽ phấn đấu học tập và rèn luyện, để mai này cùng nhau bảo vệ và xây dựng quê hương phát triển giàu đẹp".

Sau khi vòng quanh khám phá trong các hang động và đến thăm ngọn Đồi Ma Thiên Lãnh, thì còn ngại gì khi đã rất gần để đứng trên đỉnh núi Ô Tà Sóc, để thấy hết được sự tươi đẹp, hùng vĩ của thiên nhiên, một bức tranh sơn thủy khổng lồ của một xã miền núi dân tộc đã từng trãi qua hơn nửa thế kỷ đấu tranh và xây dựng quê hương. Qua từng ấy thời gian, địa phương đã phát triển rõ rệt với nhà cửa khang trang, cây cối, ruộng nương tốt tươi, xanh mướt, cùng những con đường quanh co chạy xuyên qua những vườn cây trái như những mạch máu nối liền nhau đầy sức sống. Lương Phi ngày nay đã thay da đổi thịt, tự hào đón nhận danh hiệu xã đạt chuẩn Nông thôn mới năm 2019. Ngoài ra, dưới chân núi là lòng Hồ Ô Tà Sóc có diện tích khoảng 30 héc-ta, nước trong mát, sạch do nước từ các khe đá trên núi xuống chảy xuống. Mặt cắt của con đập được tráng nhựa, tạo thuận lợi cho người dân canh tác hoa màu, vườn cây ăn trái trên núi dễ dàng đi lại, vận chuyển nông sản, hàng hóa. Với đặc thù đồi núi kết hợp đồng bằng, cảnh đẹp tự nhiên của hồ chứa nước, vườn trái cây kết hợp tham quan khám phá Căn cứ cách mạng Ô Tà Sóc và những món ăn đặc sản nơi đây sẽ trở thành điểm đến thu hút khách du lịch, trở thành một trong những khu du lịch trọng điểm của Tỉnh, góp phần phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương Lương Phi Anh hùng.

O-Ta-Soc.jpg

Việc đầu tư khu di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia Căn cứ cách mạng Ô Tà Sóc khang trang hơn là rất cần thiết để nơi đây thực sự trở thành điểm đến thu hút khách tham quan, đồng thời phục vụ hiệu quả công tác giáo dục thế hệ trẻ, tạo ấn tượng đẹp đối với người dân, du khách về công trình lịch sử cách mạng cũng như tri ân, tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ trên quê hương An Giang. Do đó, Liên đoàn Lao động tỉnh, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch An Giang, cùng Ủy ban nhân dân huyện Tri Tôn phối hợp thực hiện nâng cấp cải tạo, xây dựng thêm nhiều công trình như: Sơn mới lại bức phù điêu, bảng ghi địa điểm tại các khu căn cứ trong di tích; xây dựng quảng trường sinh hoạt cộng đồng trước bức phù điêu; xây dựng mới nhà truyền thống, nhà trưng bày; xây dựng Đài Vinh danh và Bảng Vinh danh Sư đoàn 1 anh hùng...

Với mong muốn, công trình sau khi được trùng tu, cải tạo khang trang, đồng thời giới thiệu trưng bày hình ảnh và hiện vật thời chiến tranh, tại đây sẽ là điểm đến thu hút khách đến tham quan cũng như là một địa điểm du khảo về nguồn lý tưởng bởi nơi đây chứa đựng sự hấp dẫn, kỳ bí với bao câu chuyện lạ thường về những con người đã sống, chiến đấu rất gian lao mà anh dũng để giành lấy sự bình yên, độc lập, hạnh phúc ngày hôm nay. Tuy nhiên, để Khu di tích lịch sử Căn cứ cách mạng Ô Tà Sóc phát huy được tiềm năng, thì cần có nhà đầu tư thêm các hạng mục như khu vui chơi giải trí dành cho trẻ em, nơi phục vụ ăn uống giới thiệu các món ăn đặc sản văn hóa đặc trưng của địa phương. Ngoài ra, nên mở rộng du lịch sinh thái vì dọc chân núi là các vườn cây ăn trái là đặc sản của địa phương như xoài cát, mãng cầu, bơ… Có như vậy, nơi đây mới thực sự là điểm tham quan thú vị thu hút nhiều du khách tìm hiểu lịch sử và khám phá cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp tại đây.

Xã Lương Phi anh hùng gắn liền với khu Căn cứ cách mạng Ô Tà Sóc là quê hương tôi đó và thật tự hào khi mình là người con của nơi đây, tôi nguyện phấn đấu sống thật tốt, cống hiến sức trẻ của mình cho quê hương để xứng đáng là người con quê hương An Giang, của dân tộc Việt Nam. Và ngày hôm nay, Lương Phi đã phát triển bền vững như những ngọn núi đá sừng sững, xứng danh Bảy Núi. Ngay bây giờ, những ai chưa đến nơi đây hãy cho mình một chuyến đi gần nhất nhé. Nào, xin trân trọng kính mời du khách gần xa…

Hồng Đăng

Từ khóa » đường đi Hồ ô Tà Sóc