Cho Anh Xin Một Ngày Dịu Dàng…

Nghe đọc nội dung toàn bài:
402nSLWd.jpgPhóng to

Có ai bán cái dịu dàng, tôi mua!

Dạo này, thằng nhỏ không còn quấn quýt tôi như trước. Tôi đi làm về, nó chỉ chạy đến ôm mẹ chiếu lệ khi được bố nhắc nhở. Công việc của chồng nhàn hơn tôi. Mỗi ngày anh về sớm và chơi với thằng bé. Còn tôi, 7 giờ tối vẫn “ngập lụt” trong hàng mớ công việc. Khách hàng, đối tác, đồng nghiệp, cấp dưới, cấp trên, cơ quan hành chính nhà nước…đều làm tôi căng thẳng. Cuối tháng, khi sắp báo cáo tháng cho sếp là lúc đầu tôi căng như dây đàn.

Những lúc cao điểm, tôi mang công việc về nhà. Tôi chỉ ăn vội cơm do người giúp việc nấu rồi lao lên máy tính làm việc tiếp, nhóc tì luẩn quẩn dưới chân là bị ăn đòn ngay. Lúc đầu nó nhõng nhẽo đòi tôi kể chuyện. Tôi quát, nó lì, không chịu đi chơi. Tôi quát lớn, chồng chạy đến, nó lăn ra ăn vạ, miệng cứ gọi: “Má, má, con thích má” thì tôi thật sự nổi điên: “Đi hết cho tui nhờ. Cực khổ muốn chết mới kiếm ra tiền, đeo vậy sao tui làm việc”.

Cô giúp việc sợ hãi nhìn tôi, nhào vô phụ chồng tôi lôi thằng nhóc ra chỗ khác. Tôi bực quá: “Tui thuê cô để coi chừng nó, sao cô để nó làm phiền tui quá vậy?”. Cô ta ươn ướt nước mắt, tôi càng nổi điên: “Oan uổng lắm sao mà khóc?”.

Tôi cũng không biết hoạt cảnh này diễn ra bao nhiêu lần. Tôi có cảm giác mọi người chẳng ai hiểu mình hết. Công việc, áp lực, stress triền miên. Tôi không có giờ nào để nghỉ ngơi, thư giãn cho riêng mình. Đi siêu thị, lúc nào giỏ hàng cũng toàn đồ cho chồng, cho con. Tôi không dám đi spa, không dám tiêu xài cho mình.

Thời gian đầu chồng im lặng. Nhưng bây giờ hình như anh bắt đầu ngán ngẩm. Sáng nay anh nói: “Em ơi, bớt việc chút đi, đừng làm khổ anh, làm khổ cả nhà mình nữa. Mình biết đủ là đủ”. Tôi tuôn một tràng ấm ức: “Anh sống an phận nhưng em thì không. Em không muốn con mình bị người ta khinh thường vì nghèo khổ như em…”.

Đến đó thì anh im và bỏ đi, còn tôi ngồi ôm mặt.

Ngày xưa, ai cũng khen tôi có giọng nói “chết người”. Hồi còn SV có lần tôi nghe lén thằng bạn thân nói chuyện với người yêu tôi là ông xã tôi bây giờ: “Nó không đẹp nhưng giọng nói còn ngọt hơn giọng cô MC Q. nữa, mày có phước, giọng đó mà chửi nghe cũng êm tai”.

Tôi chắc chồng tôi chẳng thấy êm tai gì với những tiếng quát tháo của vợ.

Tự vấn mình đủ kiểu, rồi làm thử mấy trắc nghiệm trên báo, tôi thấy mình đang stress cấp độ nguy hiểm. Vậy là tôi tìm đến trung tâm tư vấn. Cô tư vấn lắng nghe xong, cho tôi đến bác sĩ. Bác sĩ là một phụ nữ cỡ tuổi tôi, ngoài ba mươi một chút. Tôi tò mò: “Ở nhà chị có bị nổi khùng như tôi không?”, chị cười: “Ai mà không vậy. Nhưng vì là bác sĩ nên tôi tự kiềm chế, tự chữa bệnh cho mình được”.

Khám bệnh xong, tôi bần thần ra quán cà phê. Điện thoại rung: “Tao cang thang qua, may dang o dau?”. Con bạn thân nhất nhắn tin. Con nhỏ tới. Mặt mày nhăn nhó, giọng nói the thé vì giận dữ. Tôi giật mình, thấy tôi trong nó: hai cựu “yểu điệu thục nữ” trong khoa giờ đã thành hai bà chằn mất rồi. Cô bạn vung tay, trợn mắt, chu miệng kể về cuộc khẩu chiến tối qua với chồng. Trời ơi, nó làm khâu “chăm sóc khách hàng” mà? Kiểu này là ép mình ngọt ngào với khách, về nhà với chồng thả ga chua lè đây!

Nhìn bạn rồi nhìn mình, tôi tự hỏi vì sao khi lấy chồng, có con; tôi, bạn tôi và nhiều phụ nữ khác đã từ mèo con hiền lành thành sư tử hung dữ như vậy?

Nàng Tấm đâu rồi?!

Tôi nhớ thầy Nguyễn Khắc Thuần vẫn hay nói với SV: “Phụ nữ phải dịu dàng, nữ tính. Không những phải biết ru con mà còn ru chồng, để cả cuộc đời êm đềm như một lời ru”. Nghe thầy nói mà đám tụi tôi... chảy nước dãi, mơ màng ước chi nàng của mình cũng y chang vậy.

Rồi cô gái của đời tôi cũng xuất hiện. Nàng tóc dài tha thướt hiền dịu. Tôi tốn nhiều thời gian mới rước được nàng về dinh. Khỏi nói tôi hạnh phúc thế nào. Chiều chiều tan sở, tôi đi ta bà tứ đế nàng cũng chỉ khóc thút thít là cùng.

Đời ai học được chữ ngờ. Từ lúc mang bầu cu Bi, bà xã tôi hay cằn nhằn, rên rỉ. Tôi ráng chịu trận vì nghe nói tâm lý của mấy bà bầu rất phức tạp. Đâu ngờ sau khi sinh con, cái sự nóng nảy của nàng đã mất thắng, càng lúc càng trầm trọng. Dù chỉ là chuyện thằng con ăn cơm rơi vãi, chồng làm hư điện thoại…nàng cũng sẵn sàng nổi cơn tam bành. Không khí trong nhà lúc nào cũng căng thẳng như thí sinh trước giờ mở đề. Hai cha con đi nhẹ nói khẽ, rón rén như ăn trộm để khỏi chọc giận nàng. Vậy mà cũng không sống yên. Nàng kêu số nàng đen đủi, lấy nhầm cái hũ hèm, ngay cả con cũng hùa theo cha để đày mẹ… Cả tuần chay tịnh, chiều chủ nhật tôi ngóng cú nhá máy của đám bạn, canh me hoài chẳng thấy tăm hơi. Thì ra tụi nó cho mình ra rìa hồi nào không hay. Hỏi ra mới biết: “Lần nào gọi tới cũng nghe giọng nữ cao của bà xã cậu, tụi này ớn quá, mất lửa, hết muốn nhậu luôn !”. Mất mặt quá trời!

Khi con đã lớn, việc nhà rảnh rang, cũng chẳng thấy nàng thôi than thở. Vừa đi làm về đã nghe nàng than thằng con chỉ lo xem phim, không lo học. Vào mâm cơm, nàng than vật giá leo thang, thứ nào cũng hao, cũng tốn. Hết than trong nước, nàng than ra...quốc tế. Tôi thiu thiu đi vào giấc ngủ thì nàng đã than tới chỗ kinh tế Mỹ đang khủng hoảng trầm trọng…

Tôi nhớ thầy dạy tâm lý hay nói vui: “Sau khi cưới vợ hai năm, tôi đố ai còn hôn vợ nồng nàn như trước”. Bây giờ tôi mới thấm thía câu nói của thầy. Tôi thử hôn nàng, nhưng nụ hôn chưa tới đã nhớ tới cái mặt hầm hầm như mặt trời của nàng lúc giận chồng con nên bị dội, hôn làm sao vô!

Ông bà xưa chắc có thâm ý khi gọi vợ là nội tướng, nghề của vợ là nội trợ… Thời nay phụ nữ được giải phóng khỏi xó bếp nên các nàng như cá gặp nước, vùng lên quá mạng. Nhưng mà vùng gì thì vùng, xin các bà “bảo tồn văn hóa” cho tốt, không thì mai một hết mấy nét dịu dàng nết na thùy mị, thiệt thòi cho anh em tụi tui quá!

"Sự dịu dàng của phụ nữ có lẽ chỉ “hưởng dương” tới ngày có con là chấm hết"

...................

Nghe đọc nội dung toàn bài:

Nhưng phụ nữ lấy đâu ra chuyện nói nhiều như vậy? Các nhà nghiên cứu đã đặt máy ghi âm trong một “tổ ấm” có vợ hay chì chiết chồng con và bất ngờ nhận ra: hơn 90% những “bài vọng cổ” ấy có nội dung … giống nhau!

Có lẽ đàn ông thời nay cũng lắm tội quá, không nói không được. Nhưng thật ra chẳng có ông nào thoát. Ông làm việc đầu óc thì bị vợ mắng là đóng cái đinh mắc màn không nên hồn. Ông làm việc chân tay bị mắng là viết đơn xin cho con nghỉ học không nên thân. Ông giỏi cả chân tay lẫn trí óc lại bị chê cả năm không mua được một bông hoa tặng vợ. Nghĩa là kiểu gì ông cũng bị mắng.

Thật ra vợ chồng cũng phải góp ý với nhau nhưng nên hạn chế càng nói ít càng tốt vì đặc điểm của đàn ông là thích yên tĩnh. Có lẽ từ thượng cổ họ đã phải xông pha săn bắt, trận mạc nên khi về đến cái hang của mình, hãy để cho họ được hưởng bầu không khí thân mật, được nghe giọng nói êm ái, dịu dàng của người bạn đời.

Chúng ta thường giao tiếp bằng cùng một thứ ngôn ngữ nhưng phong cách của nam và nữ không giống nhau. Nếu là phụ nữ mà cách nói năng lại giống đàn ông thì vẻ đẹp nữ tính giảm đi rất nhiều. Cách phát âm của phái đẹp cũng dịu dàng hơn. Trong câu nói của họ thường có các hư từ như: nhé, nhá, nhỉ, nha, ạ. Cho nên nghe họ nói thường thấy êm tai hơn, có khi làm nên ma lực điều khiển cả phái mạnh.

Nhưng có người cho rằng lịch sự là đối với người ngoài, vợ chồng sống với nhau cả đời cần gì phải… vẽ chuyện. Có bà vợ còn tự hào nhận là “phổi bò”, chỉ biết “chém to kho nhừ”, cứ “thẳng ruột ngựa” mà nói, chứ đây không biết nói khéo… Từ quan niệm đó, họ cư xử với chồng thô thiển, suồng sã và chính cung cách đó làm tình yêu tàn lụi.

Chúng ta đấu tranh giải phóng phụ nữ nhưng không ai nhằm tới cái đích biến đàn ông thành đàn bà, còn đàn bà lại thành ra đàn ông. Đàn ông mạnh mẽ, đàn bà dịu dàng đó là sự kết hợp âm dương hài hòa. Hai giới bổ sung cho nhau, cư xử với nhau lịch sự mới giữ được tình yêu, hạnh phúc lâu bền. Tình yêu là một tình cảm thiêng liêng, cao đẹp. Muốn giữ được nó phải có thứ ngôn ngữ và cung cách ứng xử tương ứng với nó. Còn nếu không làm được như vậy có lẽ cũng đừng nên chất vấn nhau tình yêu ngày ấy đâu rồi!

Từ khóa » Em Liền Kể Về Mình Lúc Chưa Lên Cơn