Chợ Bò Nhập Lậu ở Biên Giới Campuchia - Tiền Phong

Phiên chợ bò nhộn nhịp vùng biên

Buổi trưa nắng rát bỏng da thịt, từ con đường nhựa nhỏ nằm cặp kênh Vĩnh Tế, đoạn ấp Phú Tâm, xã An Phú, huyện Tịnh Biên (An Giang), nhìn sang biên bờ bên kia kênh Vĩnh Tế, chúng tôi mới thấy hết không khí sôi động và đông đúc của vùng biên. Sôi động và đông đúc nhất ở đây "nhờ" cánh lái bò đang cố gắng la hét, điều khiển hàng trăm con bò từ phía tỉnh Tà Keo (Campuchia) lội ngang kênh Vĩnh Tế tràn sang Việt Nam…

Chúng tôi thấy nhiều đàn bò lớn được chăn dắt về hướng chợ phiên bò Tà Ngáo (xã An Phú, huyện Tịnh Biên, An Giang). Ở đây, một căn nhà nằm cạnh chợ đang nhốt cả trăm con trâu bò chờ bán.

“Đó là nhà của một tay chuyên mua từ Campuchia xuống, làm vựa cho các lái khác thuê nhốt rồi bán ra kiếm lời. Chốc lát đây thì đàn trâu bò cả trăm con của tôi cũng được bạn hàng ở TP.HCM xuống bắt, còn tiền đã lấy trước rồi, một cò tên Nguyên cho biết. Trước khi chúng tôi vào chợ bò Tà Ngáo, lái ở đây cho biết vừa có gần 30 con bò cũng đã được lên xe tải chở đi rồi. Bên trong chợ vẫn còn hàng chục con chờ bán.

Trong vai người đi tìm mua bò về mổ thịt để làm đám cưới, chúng tôi mới được chứng kiến cảnh mua bán sôi động tại chợ bò Tà Ngáo. Tuy gọi là chợ phiên, nhưng cảnh mua bán trâu bò ở đây diễn ra suốt cả ngày đêm. Dân buôn tấp nập, nhiều tay buôn ở các tỉnh, thành xa như Bà Rịa Tũng Tàu, Cần Thơ, Long An, TP. HCM và các tỉnh miền Đông, miền Bắc phải trụ lại nhà quen để làm ăn mua bán. Vừa đặt chân vào khu vực chợ phiên, tôi liền được một người xưng danh T.B, chuyên môi giới mua bán bò, tiếp thị: “Tôi làm nghề này đã hơn 30 năm qua. Đánh giá sản lượng thịt từ con bò còn sống (bò hơi) là chắc cú. Chú em ở đâu? Nói đi. Muốn mua con giá bao nhiêu, tao kiếm giùm cho.”

Chợ bò nhập lậu ở biên giới Campuchia ảnh 1

Trâu, bò tập kết lên xe tải.

T.B nói: “Bò rất khó làm, phải biết rành rọt thì làm thịt ăn mới thấy ngon hơn mua thịt bò ở chợ về nấu. Biết làm mới tận dụng được hết toàn thân con bò. Ngoài thịt nạc còn lợi được ruột, gan, phèo, phổi. Da bò nghé ăn cũng đã lắm nghen”. Ngồi trò chuyện cả buổi trong căn nhà dành cho giới quản lý chợ phiên bò Tà Ngáo, T.B đã kể tường tận hết mọi việc làm ăn, mua bán ở đây. Theo ông, đa số bò được tập trung vào đây có nguồn gốc từ những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ ở Campuchia. Bên kia, nhiều hộ chăn nuôi trâu bò kẹt tiền nên bán rẻ. Lái buôn người Campuchia sẽ đi gom tận các phum, sóc để đủ hàng chuyển về.

Sang Campuchia buôn bò

Theo người dân địa phương, vào thời điểm hiện nay, vụ lúa hè thu ở tỉnh Tà Keo (Campuchia) đã thu hoạch dứt điểm, mùa lũ cũng sắp về. Theo đó, bò không còn phục vụ cho việc đồng áng thì sẽ bán đi để đỡ tốn công chăm sóc. Bò Campuchia thường được bán nhiều về Việt Nam là do ngoài việc bò thịt ở nước ta hút hàng thì từ khi Việt Nam nghiêm cấm các loại xe công nông, xe cải tiến tự chế, con bò trở thành phương tiện chính trong việc sản xuất và thu hoạch ở nhiều tỉnh miền Tây.Bên cạnh đó, đang vào mùa mưa, cây cỏ xanh tốt, nhiều người dân mua bò chăm sóc, đợi giá thêm để bán, chính vì vậy mà việc săn bò Campuchia trở nên nhộn nhịp.

Chợ bò nhập lậu ở biên giới Campuchia ảnh 2

Đàn bò lậu tràn vào An Giang để chờ đưa đi tiêu thụ khắp nơi.

Lái bò N.V.H, một trong những người mua bán bò lâu năm tại đây cho biết: "Thời điểm hiện nay, phía tỉnh Ta Keo cắt lúa xong, họ kêu bán bò rầm rộ, tôi lên các phum sóc trên đó mua bò, rồi mướn dân lùa về ấp Phú Nhất bán kiếm lời. Hằng ngày, tôi mua bán và trao đổi bình quân khoảng 100-120 con trâu bò, kiếm lời vào chục triệu đồng". Theo ông này, bò ở Campuchia bán mão (bán nguyên con) chứ không bán ký. Bình quân mỗi con ông mua vào từ 10-30 triệu đồng, lái quen lên đó không sợ lố giá. Nếu có vốn thì mua bò Campuchia đem về vỗ béo vài tháng là bán một con lời gần 3 triệu đồng.Lái bò N.V.H cũng cho biết, hiện tại ông đang nuôi được hơn 40 con bò mua từ Campuchia về vỗ béo, dự kiến cho xuất chuồng trong tháng tới, bỏ túi gần 100 triệu đồng.

Chợ bò nhập lậu ở biên giới Campuchia ảnh 3

Trâu lội đồng vượt biên giới vào Việt Nam

Còn theo bộc bạch của một thương lái đến từ TP. HCM: “Lúc này, bò Sài Gòn hút hàng dữ lắm, giá cao chóng mặt mà không có thịt bò để bán. Mỗi cơ sở giết mổ bò trung bình hàng ngày làm 15 con, đem giao cho mấy sạp ở chợ. Số lượng hiếm nên tôi phải xuống tận Tịnh Biên mua bò thịt về cung cấp cho bạn hàng”. Cũng theo ông này, đa số các lái bò đều đi đường phụ dắt ngang cánh đồng Campuchia để trốn thuế, nếu đi đường chính thì bị đánh thuế cao, mất lời. Tuy nhiên tùy tình hình mà đi, lợi dụng vào buổi trưa thứ bảy hoặc chủ nhật, đội tuần tra biên phòng nghỉ làm việc mới đi mạnh…

Tương tự, ông Chau Soc là người dân Tịnh Biên cũng có kinh nghiệm trong mua bán bò, cho biết, mỗi tuần ông cùng đồng nghiệp người Campuchia mua bò ở Tà Keo, sau đó dắt về chợ Tà Ngáo bán bán. Bò bán tại đây được các lái buôn phân ra thành nhiều loại, với nhiều mức giá khác nhau. Bò tơ bán thịt khoảng 18-20 triệu đồng/con, bò dùng làm sức kéo 25-30 triệu đồng/con. Mỗi ngày ông kiếm lời gần 10 triệu đồng. Một lái người Campuchia nói tiếng Việt rành như bẻ cây cho biết: “Bò ở chỗ tui rẻ hơn tại đây mà dễ mua dữ lắm. Mỗi lần lùa xuống đây bán, tui lời 4 triệu tiền Việt Nam”.

Giao dịch đông đúc, vùng này cũng kéo theo nhiều dịch vụ mua bán như: quán cơm, quán nước, nhà trọ, đặc biệt hơn nữa là dịch vụ cắt cỏ bán cho bò tại chợ cũng rất sôi nổi. Hằng ngày, chỉ tính riêng việc cắt cỏ, một số người dân nơi đây thu nhập trung bình từ 30.000 – 40.000 đồng/ngày.

Mỗi ngày, hàng trăm con bò từ Campuchia kéo về Tịnh Biên (An Giang), không thấy bóng dáng nhân viên thú y đến kiểm tra dịch bệnh.

Theo Theo Tri Thức

Từ khóa » Bò Húc Campuchia