Chợ Nổi Dừa Sông Thom ở Bến Tre Có Gì Hay? Đi Như Thế Nào?

Chợ nổi dừa trên sông Thom sẽ là điểm đến ấn tượng thu hút rất nhiều khách tham quan khi có dịp đến Bến Tre. Trải nghiệm và khám phá bức tranh cuộc sống thường nhật của người dân địa phương trên dòng sông dừa sẽ là kỷ niệm khó quên với du khách. Đây chắc chắn là lựa chọn thú vị mà du khách không thể không cân nhắc trong hành trình du lịch miền Tây Nam bộ của mình.

Mục lục bài viết

Toggle
  • Bến Tre có một “Chợ nổi dừa” trên sông Thom
  • Chợ nổi dừa trên sông Thom có từ khi nào?
  • Chợ nổi dừa và sông Thom ở đâu?
  • Chợ nổi dừa sông Thom có gì hay?
  • Đi Chợ nổi dừa sông Thom tham quan gì?
  • Đường đến Chợ nổi dừa sông Thom đi như thế nào?

Bến Tre có một “Chợ nổi dừa” trên sông Thom

Bến Tre vốn được mệnh danh là “xứ dừa” bởi đâu đâu trên khắp đất này cũng có hình bóng của cây dừa. Dừa như người bạn, người thân, gắn liền với nhiều hoạt động trong cuộc sống của người dân. Xứ này đã có nhiều thứ từ dừa, gắn với dừa, khi có kẹo dừa, bánh tráng dừa, khách sạn dừa, con đường dừa…Nhưng có lẽ nhiều du khách chưa được biết đến Bến Tre còn có cả Chợ nổi dừa và Dòng sông dừa.

Cho noi dua song thom
Toàn cành Chợ nổi dừa trên sông Thơm – Ảnh: Sưu tầm

Nhìn trên bản đồ, toàn tỉnh Bến Tre là tứ bề sông nước với nhiều sông rạch chằng chịt, chạy ngang dọc chia cắt để hình thành các cù lao trù phú. Yếu tố sông nước ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống của người dân, trong đó có phương thức họp chợ, giao thương. Trên một đoạn sông Thom như vậy, từ nhiều năm nay đã hình thành không gian chợ mua bán dừa tấp nập. Không những thế, đoạn sông này còn có nhiều cơ sở sản xuất, chế biến các sản phẩm từ trái dừa. Vì các hoạt động thường diễn ra trên ghe thuyền, ngay sông nước nên được gọi là Chợ nổi dừa.

Chợ nổi dừa trên sông Thom đã trở thành một nét văn hóa hấp dẫn, là điểm đến không thể bỏ qua trong hành trình đến du lịch Bến Tre.

Ghe cho so dua tren cho noi dua
Ghe chở sơ dừa trên đường đến Chợ nổi dừa

Chợ nổi dừa trên sông Thom có từ khi nào?

Đầu thế kỷ 20, để khai thác triệt để thuộc địa, người Pháp đã có nhiều chính sách phát triển hạ tầng ở khắp Việt Nam. Riêng ở Bến Tre, chính quyền thực dân cho khai thông và đào mới các con kênh để thuận tiện cho lưu thông đường thủy. Đồng thời, đây cũng là cách cải tạo ruộng đồng và thu gom, vơ vét các sản vật trên mảnh đất màu mỡ đó nhằm phục vụ chính quốc.

Ghe cho vo dua tren song Thom Ben Tre
Một chiếc ghe chở vỏ dừa trên sông Thom – Ảnh: Sưu tầm

Tên gọi Sông Thom có ảnh hưởng theo ngôn ngữ của đồng bào Khmer là cộng đồng dân cư đông đảo ở Đồng bằng Sông Cửu Long. Thom có nghĩa là lớn, sông Thom là sông lớn. Sau này có nhiều người gọi là sông “Thơm”. Đây là một con kênh đào lớn vắt ngang cù lao Minh (cù lao lớn nhất trong 03 cù lao hình thành nên Bến Tre). Sông Thom có chiều dài khoảng 15km được hình thành từ năm 1905 nối giữa sông Hàm Luông và Cổ Chiên. Hàng trăm năm nay, đây vẫn là con đường thủy ngắn nhất đi từ Bến Tre sang Trà Vinh.

Cảnh vận chuyển sơ dừa chất lên ghe – Ảnh: Sưu tầm

Theo nhiều người dân sống dọc sông Thom kể lại. Khoảng những năm giữa cuối thập niên 80 của thế kỷ trước, với làn gió đổi mới của nền kinh tế, đã xuất hiện những cơ sở thu mua và sản xuất các sản phẩm từ trái dừa. Từ đó cho đến ngày nay, trên đoạn sông dài chừng 5km đã xuất hiện hàng trăm cơ sở hoạt động liên tục suốt ngày đêm. Bên cạnh chế biến, hoạt động mua bán dừa cũng diễn ra sôi nổi giữa những cơ sở này với thương lái đến từ khắp nơi. Chợ nổi dừa sông Thom ra đời từ hoàn cảnh đó.

Chợ nổi dừa và sông Thom ở đâu?

Đưa vỏ dừa lên bờ

Sông Thom chạy xuyên qua địa phận và một số đoạn là ranh giới tự nhiên giữa hai huyện Mỏ Cày Bắc và Mỏ Cày Nam của Bến Tre.

Đoạn có Chợ nổi dừa thuộc địa phận các xã An Thạnh, Tân Hội của huyện Mỏ Cày Nam.

Chợ nổi dừa sông Thom có gì hay?

Một người dân đang thoăn thoắt lột vỏ dừa

Miền Tây Nam bộ có nhiều chợ nổi, nhưng Chợ nổi dừa sông Thom là độc đáo và duy nhất. Nếu như các chợ nổi khác như Cái Răng (Cần Thơ), Cái Bè (Tiền Giang), Ngã Bảy (Hậu Giang)…thường là họp chợ vào sáng sớm với hàng hóa đa dạng từ nông sản, trái cây, thực phẩm hàng ngày…Thì ở Chợ nổi dừa có những đặc điểm riêng làm nên khác biệt đang chờ du khách đến khám phá:

  • Chợ nổi dừa không chỉ quy tụ ở ngã 3 sông, hay khúc sông rộng, mà còn được hình thành trải dài hàng cây số trên một đoạn sông Thom. Có lẽ vì lẽ này mà người ta thường gọi đoạn sông này là sông dừa.
  • Sản phẩm trao đổi, mua bán chính ở đây là dừa: trái dừa, sơ dừa, chỉ dừa, mụn dừa…
  • Chợ nổi dừa diễn ra suốt cả ngày không kể sớm tối, nắng mưa. Việc này phụ thuộc vào tiến độ các đơn hàng, hay thời gian cập bến của các lô hàng.
  • Ngoài giao thương, nơi đây còn có các nhà máy, cơ sở sản xuất, chế biến nguyên liệu và thành phẩm từ dừa: nạo dừa, cơm dừa, mứt dừa, mụn dừa…
Bó sơ dừa thành bó lớn – Ảnh: Sưu tầm

Đi Chợ nổi dừa sông Thom tham quan gì?

Đến chợ dừa trên sông Thom, du khách có cơ hội hòa mình trong không gian sản xuất, sinh hoạt của người dân gắn với dừa.

  • Tận mắt chứng kiến cảnh ghe xuồng lớn nhỏ tấp nập mua bán, đếm, giao, hay lựa từng trái dừa. Những anh thanh niên khiêng sọt đầy băng qua cầu ván, hay chiếc cần cẩu hối hả chuyển từng bao lưới lớn dừa khô để kịp lột vỏ.
  • Hai bên bờ là cơ sở thủ công truyền thống đến các nhà xưởng hiện đại hoạt động liên tục để sản xuất ra các sản phẩm có ích cho thị trường. Từ trái dừa có thể làm ra được nhiều mặt hàng như: dầu dừa, kẹo dừa, chỉ sơ dừa, than gáo dừa, đất sạch từ mụn dừa, dầu dừa, kẹo dừa, thảm chỉ sơ dừa…
  • Thuyền ghé vào một nhà dân, du khách có cơ hội tìm hiểu chi tiết các công việc thường nhật của người dân xứ dừa, sống dựa vào dừa. Đó là sự chính xác tuyệt đối, đôi bàn tay thoăn thoắt của người công nhân lột vỏ dừa, nạo dừa, tách chỉ sơ dừa. Hay các công đoạn làm kẹo dừa, mứt dừa, cơm dừa sấy khô…những sản phẩm thơm ngon từ đôi bàn tay khéo léo của các mẹ, các chị.
  • Ngồi trên tàu, ngoạn khung cảnh xuôi ngược trên sông, uống ngụm dừa xiêm vừa thơm, vừa mát lành. Du khách có thời gian chiêm nghiệm về cuộc sống thương hồ của cha ông dọc ngang khắp nẻo miền Tây sông nước từ hàng trăm năm nay.

Đường đến Chợ nổi dừa sông Thom đi như thế nào?

Một con đường rợp bóng dừa – Ảnh: Sưu tầm

Từ trung tâm thành phố Bến Tre, theo QL 60 hướng đi Trà Vinh, du khách di chuyển khoảng 20km đến huyện Mỏ Cày Nam. Từ đây, du khách xuống tàu từ khu vực cầu Mỏ Cày hoặc Chợ Thơm để du thuyền ngoạn cảnh dòng sông dừa và tham quan Chợ nổi dừa.

Thông thường quy trình tham quan không lặp lại, nên nếu xuất phát từ đầu sông này thì sẽ kết thúc ở đầu sông kia hoặc ngược lại.

Thấy dừa thì nhớ Bến Tre – Ảnh: Sưu tầm

Với sự độc đáo của Chợ nổi dừa, đây chắn chắn là điểm tham quan thú vị của du khách khi đến du lịch Bến Tre. Du khách sẽ được trải nghiệm thêm về một góc cạnh của cuộc sống thường nhật của người dân địa phương gắn bó với cây dừa. Chợ nổi dừa, dòng sông dừa, sông Thom sẽ là từ khóa còn được nhắc nhiều trong thời gian tới trong các hành trình khám phá miền Tây.

Tham khảo tour có tham quan Chợ nổi dừa tại đây.

Liên hệ tư vấn & đặt tour miền Tây Hotline: 0902 43 1177

Từ khóa » Chợ Nổi Tiếng Bến Tre