Choáng Với đôi Môi Sưng Phồng Như Quả Bóng Sau Khi Tiêm Filler ...

Theo ThS.BS Vũ Thái Hà – Trưởng khoa Nghiên cứu và ứng dụng công nghệ tế bào gốc, BV Da liễu Trung ương, bệnh nhân N.H (32 tuổi, Hà Nội) đến khám ngày 6/6/2018 trong tình trạng sưng nề nhiều vùng mắt và môi.

Trước đó 10 ngày, bệnh nhân cho biết có tiến hành tiêm filler ở môi, mắt và thái dương tại một thẩm mỹ viện tại Hà Nội. Sau tiêm 4 ngày xuất hiện sưng nề nhiều vùng mắt và môi.

Các bác sĩ đã tiến hành đánh giá tình trạng bệnh cho thấy, bệnh nhân có tổn thương sưng nề, căng bóng, sờ có khối chắc và vết dò ở môi trên và môi dưới. Bệnh nhân bị phản ứng u hạt sau tiêm filler.

Để điều trị ca bệnh này, các bác sĩ sẽ tiêm thuốc giải (hyaluronidase) và chống phù nề, giảm viêm (triamcinolone, alphachymotrypsine).

ThS. Hà cho biết, phản ứng u hạt sau tiêm filler là biến chứng ít gặp sau tiêm chất làm đầy. Tuy nhiên, khi bệnh nhân được tiêm bằng các sản phẩm trôi nổi không rõ nguồn gốc hoặc tại các cơ sở không đáng tin cậy hoặc không được cấp phép thì tỷ lệ gặp các biến chứng này cũng tăng lên.

Do đó, các bác sĩ khuyến cáo bệnh nhân khi có nhu cầu làm đẹp bằng các sản phẩm chất làm đầy nên đến các cơ sở y tế có uy tín và được cấp phép. Bên cạnh đó, bệnh nhân cũng cần được tư vấn các biến chứng có thể xảy ra và các hướng xử trí khi cần thiết. Khi có biến chứng xảy ra nên đến các cơ sở y tế tuyến cao, có giấy phép hành nghề để xử trí, tránh biến chứng gây hậu quả xấu về thẩm mỹ.

Hình ảnh đôi môi của bệnh nhân bị biến chứng khi tiêm filler làm đẹp, điều trị tại BV Da liễu Trung ương ngày 6/6/2018.

Trước đó vài ngày, BV Da liễu Trung ương cũng tiếp nhận trường hợp thanh niên 23 tuổi, ở Phú Thọ bị hoại tử vùng mũi sau khi tiêm filler làm đẹp. Các bác sĩ cho biết, tại BV Da liễu Trung ương thường xuyên tiếp nhận bệnh nhân làm đẹp tại các cơ sở không uy tín gây biến chứng nặng nề, trong đó có biến chứng sau tiêm filler khá nhiều.

Theo TS.BS Phạm Cao Kiêm - Trưởng khoa Phẫu thuật thẩm mỹ và phục hồi chức năng, BV Da liễu Trung ương, các biến chứng sau tiêm filler nếu được điều trị sớm, bệnh nhân có thể phục hồi gần như ban đầu, nhưng nếu muộn, phần mũi hoặc cằm, môi sẽ bị hoại tử, bệnh nhân có thể bị dị ứng, nhiễm khuẩn, mất mũi, không thể phục hồi được. Trường hợp người thực hiện thủ thuật sai cách mà tiêm nhầm vào mạch máu, filler sẽ theo mạch máu di chuyển và xâm nhập đến các bộ phận khác rất nhanh, dẫn đến hậu quả nghiêm trọng.

"Việc tiêm filler cần được thực hiện tại cơ sở uy tín, người thực hiện tiêm phải được đào tạo về thẩm mỹ, da liễu và phải được cấp chứng chỉ hành nghề theo quy định của Bộ Y tế. Nếu không tuân thủ nghiêm ngặt dễ dẫn đến hậu quả khó lường. Không có phương pháp làm đẹp nào là an toàn tuyệt đối. Mọi người nên tìm hiểu kỹ trước khi quyết định làm đẹp bằng filler để tránh biến chứng, bởi nếu biến chứng thì việc xử lý rất phức tạp, chi phí điều trị cao"- TS. Kiêm cảnh báo.

Theo các chuyên gia thẩm mỹ, việc làm trẻ hóa hay tạo hình bằng các chất làm đầy trở nên phổ biến của các tín đồ làm đẹp nhờ vào hiệu quả tức thì, ít đau đớn và gần như không cần thời gian nghỉ dưỡng. Tuy nhiên, đây cũng là "con dao hai lưỡi" vì bên cạnh những ưu điểm và lợi thế nổi bật đó thì cũng còn những rủi ro tiềm ẩn nếu như không lựa chọn đúng người thực hiện kỹ thuật có trình độ, tay nghề và giàu kinh nghiệm.Một số chống chỉ định cho việc tiêm chất làm đầy có thể kể đến như: Phụ nữ mang thai, cho con bú; vùng tiêm đang bị nhiễm khuẩn; sự hình thành sẹo lồi hay sẹo phì đại; rối loạn đông máu – chảy máu; có sử dụng isotretinoine trong vòng 06 tháng; teo da (do yêu cầu sử dụng steroid mạn tính, các hội chứng di truyền); rối loạn hồi phục vết thương; viêm da tại vùng tiêm; mẫn cảm với thành phần chất làm đầy; bệnh nhân có kỳ vọng không thực tế về phương pháp.Sau khi tiêm, có thể gặp một số biểu hiện như sưng nhẹ, đỏ nhẹ, có thể có vết bầm là những biểu hiện bình thường và thường sẽ tự biến mất sau vài giờ hay vài ngày. Nếu có dấu hiệu xanh tím hay trắng bệch vùng da trên diện rộng, đau nhức dữ dội hay mất cảm giác hoàn toàn, hoặc có dấu hiệu viêm nhiễm, chảy dịch vùng tiêm, cần lập tức liên hệ ngay với bác sĩ để được xử lý kịp thời.

Từ khóa » Bơm Môi Bị Sưng