Chơi Game AHA Trên Facebook Có Thể Bị đánh Cắp Tài Khoản?

Chơi game trên AHA Facebook, bạn sẽ nhận được yêu cầu phải chia sẻ thông tin cá nhân cho nhà phát triển… Do đó, nguy cơ bị rò rỉ dữ liệu hoặc mất tài khoản hiện hữu.

Dạo gần đây có khá nhiều người dùng Facebook chia sẻ trò chơi “Đó là câu chuyện hơi buồn?”, “Định mệnh là bạn sẽ có bao nhiêu con?” hay “5 sự thật về bạn là gì?”… trong một chuỗi trò chơi mang tên OMG phát hành trên MXH này. Thử chơi sẽ thấy, để có thể sử dụng, bạn phải cho phép nhà phát triển truy cập vào những thông tin công khai trên trang cá nhân, có thể gồm số điện thoại, địa chỉ email, ngày tháng năm sinh, nơi làm việc… và thông tin của bạn bè. Trò chơi còn có thể nhắn tin làm phiền bạn.

Anh Q.Huy (Q.Tân Bình, TP HCM) cho biết: “Sau khi chơi game ‘Cuộc đời bạn màu gì?’, tôi phát hiện tài khoản Facebook của mình đang đăng nhập trên một thiết bị khác, ngay lập tức tôi đã đổi mật khẩu và xóa ứng dụng OMG khỏi Facebook”.

Theo thói quen, phần lớn người dùng đều không để ý đến những quyền hạn mà ứng dụng yêu cầu và đây chính là nguyên nhân khiến bạn bị mất cắp thông tin cá nhân. Trò chơi “Cuộc đời bạn màu gì?” trong chuỗi trò chơi OMG là một ví dụ, ứng dụng sẽ yêu cầu quyền truy cập vào các thông tin cá nhân và cả quyền gửi tin nhắn nên không loại trừ khả năng nhà phát triển có thể lợi dụng việc này để dùng tài khoản của bạn và gửi liên kết “đen”, spam tin nhắn đến bạn bè.

Nếu đang chơi những game không rõ nguồn gốc, bạn cần truy cập vào phần cài đặt trên Facebook, tìm đến mục Instant Games (trò chơi tức thời) và gỡ bỏ. Tương tự, đối với các thiết bị di động, người dùng chỉ cần mở ứng dụng Facebook, tìm đến phần Settings & Privacy (cài đặt & quyền riêng tư) > Settings (cài đặt) > Instant Games (trò chơi tức thời), đánh dấu vào các ứng dụng không rõ ràng và nhấn Remove để gỡ bỏ.

Khi hoàn tất, bạn cũng nên đổi lại mật khẩu và cẩn thận hơn thì kích hoạt thêm tính năng bảo mật 2 lớp trên Facebook. Để đổi mật khẩu, bạn hãy mở Facebook và truy cập vào phần Settings & Privacy (cài đặt & quyền riêng tư) > Settings (cài đặt) > Security and Login (bảo mật và đăng nhập) > Use two-factor authentication (sử dụng xác thực 2 yếu tố) > Text Message (tin nhắn văn bản). Sau đó, nếu chưa thêm số điện thoại cá nhân dùng để nhận mã xác thực thì cần thêm vào ngay và làm theo các bước hướng dẫn cho đến khi hoàn tất.

Nếu không muốn nhận mã xác thực qua tin nhắn như cách trên, bạn hãy cài đặt ứng dụng Authy hoặc Google Authenticator trên smartphone. Sau đó, truy cập vào phần Use two-factor authentication (sử dụng xác thực 2 yếu tố) > Authentication App (ứng dụng xác thực) > Add a new app (thêm ứng dụng mới) để bảo mật thông qua các ứng dụng này.

Khi sử dụng các ứng dụng bảo mật nói trên, màn hình sẽ xuất hiện QR Code, bạn chỉ cần mở ứng dụng đã cài đặt trước đó, bấm vào biểu tượng dấu cộng và chọn quét mã, đưa điện thoại lên và quét QR Code hiển thị trên màn hình. Bên trong ứng dụng ngay lập tức sẽ xuất hiện 6 con số ngẫu nhiên tương đương với mã xác thực Facebook.

Bạn cũng có thể sử dụng Authy, Google Authenticator… để tạo mã bảo mật cho các dịch vụ khác như Google. Về cơ bản, 2 cách bảo mật trên chỉ có tác dụng bảo vệ tương đối. Nếu muốn an toàn hơn, bạn nên mua Titan Security Key (dạng khóa bảo vệ vật lý) với mức giá khoảng 50 USD.

Từ khóa » Game Aha Là Gì