Chơi Xuân Kẻo Nuối Tiếc Xuân

OK

Chơi Xuân kẻo nuối tiếc Xuân - 2

Gió Xuân hoa thời gian

Tạo hóa gây chi cuộc hí trường (Bà Huyện Thanh Quan). Tạo hóa là vậy, cuộc sống và cuộc đời con người cũng vậy… trong hoàn cảnh đổi thay bất định. Mùa xuân của từng người, từng cảnh sống, từng thời đại… cũng chẳng lặp lại mà đầy đủ âm sắc hương hình. Cái cá biệt ấy hóa ra độc đáo thú vị trong hằng số chung của vòng quay tuần hoàn. Chẳng có Tết xưa Tết nay, Tết cũ Tết mới, Xuân trẻ Xuân già… mới thấy đời mình đáng sống trong từng khoảnh khắc hiện hữu mãi dở dang. Điểm lại thơ ca phương Đông từ xưa đến nay, từ cổ điển trong nếp sống nông nghiệp từ tốn êm ả. Sen tàn cúc lại nở hoa – Sầu dài ngày ngắn đông đà sang xuân cho đến lãng mạn hiện đại với nhịp điệu hối hả Đáy đĩa mùa đi nhịp hải hà (Nguyễn Xuân Sanh)… ta thấy rõ dòng chảy thời gian cũng như lịch sử tâm hồn của từng cá nhân và thời đại.

Với quan niệm Tam tài Thiên – Địa – Nhân, con người hòa nhập tan biến trong tự nhiên, thiên nhiên trung tâm mẫu mực vừa là ngọn nguồn ban phát các phẩm chất của nó cho con người vừa là chiếu ứng với cảm xúc nội tâm con người. Cho nên Xuân trong thơ cổ điển phương Đông vừa là mùa xuân tự nhiên tự nó vừa là thế giới nội tâm của con người với những tuổi xuân, cảm xuân, tình xuân, khí xuân… Con người hài hòa trong tạo vật vũ trụ dựa trên nền tảng Khí… đồng thanh tương ứng đồng khí tương cầu. Ngày Xuân con én đưa thoi… Đến Thơ Mới hiện đại, triết mỹ nội cảm, trực cảm từ cái Tôi làm trung tâm tràn ra, can thiệp ban phát các phẩm chất người cho tự nhiên trong sự chủ quan hóa cao độ. Chỉ nghe nhìn qua ngọn gió thời gian xuân đến xuân đi là rõ. Xuân nguyệt, xuân phong giăng đầy trong thơ cổ điển hòa điệu trăng xuân, gió xuân – con người… nhưng trăng gió trong Thơ Mới hiện đại cá biệt hóa muôn sắc muôn hình với nhu cầu riêng tư thành thật… như kiểu Hàn Mặc Tử – con người tài hoa bạc mệnh mang cánh gió khát khao mà mãi cô liêu trong mùa trăng mới viết. Trăng nằm sóng soãi trên cành liễu – Đợi gió đông về để lả lơi.

Gió cứ thổi… như người Việt xưa nay thường nói Mới đó mà ngày hết Tết đến… đằng sau nỗi thấp thỏm lo âu đói hay no cũng lo ba ngày Tết là ngóng chờ vui rạo rực. Và cứ thế đan xen như ngọn gió thời gian mang tính vô thường. Không – thời gian vô thường nhưng con người lại không thích đoạn thường mà giản dị hằng thường theo dòng bao dạng bước đi – vấp ngã – đứng dậy – bước tiếp… Từ xuân phong gắn với xuân tình qua phong lá chuối non Gió nơi đâu gượng mở xem trong thơ Nguyễn Trãi đến tiết Thanh minh đạp thanh của Nguyễn Du cho tình đầu Kim – Kiều hội ngộ chóng vánh đã chớm màu biệt ly… trong thơ cổ điển, sang thơ hiện đại trong tiếng reo vui – thảng thốt của Xuân Diệu. Xuân đang tới nghĩa là xuân đang qua… mà Vội vàng muốn tắt nắng, buộc gió… ấy đều như tâm hồn nhạy cảm trước thời gian – không gian vô tình của ngọn gió trôi chảy lướt qua, như cách nói của Thánh Augustin: hình ảnh động của vĩnh hằng bất động. Nhịp đập trong thơ Xuân cứ ơ hờ gió thổi. Từ quan niệm phương Đông, bốn hướng gió mang khí chất tương ứng với bốn mùa… cho đến những truyền thuyết Kinh Thánh, cơn gió là hơi thở của Chúa Trời, truyền đạt cảm xúc, mang lại sinh khí, ký thác thông điệp… như nhà thơ lãng mạn Anh Shelley đã khắc họa gió tựa một linh hồn trong vũ trụ có khả năng tàn phá, hồi sinh, sáng tạo… Hãy là chính ta, hỡi cơn gió khốc liệt… Nếu mùa Đông đương đến, lẽ nào Xuân lại chậm trễ.

Thiên nhiên vũ trụ bao gồm cả hai trục tung và hoành, ôm chứa cả không – thời gian cứ mãi vận hành theo quy luật 4 mùa Xuân Hạ Thu Đông. Và ứng với vòng tuần hoàn, người phương Đông lập ra hệ thống Can chi quay vòng 12 con giáp như gió mãi luân chuyển từ 4 phương đông tây nam bắc. Gió từ phương bắc thổi lại, ta quen gọi là bắc phong, sóc phong… mùa đông rồi cũng ơ hờ dần vơi. Và dần nhường chỗ cho gió từ phương đông đưa đến, con người và vạn vật giáp mặt, trải nghiệm, chuyển mình, rung cảm sự sống, thẩm mỹ với ngọn đông phong – xuân phong. Cảm quan thẩm mỹ thơ ca phương Đông ưu tiên tập trung vào ngọn đông phong – gió mùa xuân như hiện hữu sự sống – cái đẹp mà tiêu biểu là Thi Tiên Lý Bạch theo phong cách lãng mạn sôi động. Trong mai, tuyết lạnh đã hết. Gió xuân về trên cành liễu. Gợi dậy cả làn hương. Phong xuy liễu hoa mãn điểm hương. Và ngọn tây phong – gió mùa thu như bóng cái đẹp trong phôi pha ly biệt mà tiêu biểu là Thi Thánh Đỗ Phủ theo phong cách hiện thực trầm uất đầy những Xuân vọng, Xuân biệt, Xuân tha hương… Tương tự như vậy, trong thơ Haiku xứ sở hoa anh đào, cái phiêu linh trầm lắng bi cảm sắc thu trong thơ Basho và cái rạo rực xuân tình hòa điệu trong thơ Buson. Con người thỏa ý nguyện giản phác. Trăng tròn xuân – tôi nằm gốc hoa anh đào – tỏa sáng bao la (Saiyô). Thơ cổ điển Việt Nam căn bản cũng trong dạng thức thẩm mỹ này, tất nhiên phụ thuộc vào từng nhà thơ với cái Tôi trải nghiệm riêng mình mà có những phản ứng rung cảm thẩm mỹ không giống nhau, khéo dấu theo phong cách ẩn tú – đẹp kín của cái tôi dấu mình, tỉnh lược đến độ siêu ngã. Bốn mùa gió mãi thổi, sang xuân bạn sẽ bắt gặp vô vàn những dáng liễu, giọt sương, bao dạng hoa: hồng, mai, đào… trong dạng xoay tròn sức sống lượn chu kỳ cuộc sống.

Chơi Xuân kẻo nuối tiếc Xuân - 5

Người ngụ thức tim lành

Ai mà chẳng thích khi quay trọn vòng điểm kết là điểm khởi như ngọn gió, từ cực âm mùa đông giá rét sang cực dương xuân ấm áp nồng nàn. Và cứ thế, bay lên trong câu đối, thơ ca… bao nỗi niềm, trẻ trung, tình tứ, đong đưa khoảnh khắc mà bất tận trong tín hiệu xuân về. Phương đông phơi phới gió xuân hoài – Ngắt sạch anh đào nở rộ mai (Bạch Cư Dị)

Đêm 30 Tết trống mà đầy, lặng lẽ mà xôn xao, nhất là với trẻ em… Người Nhật gọi Tết là O – Shogatsu (Chính nguyệt), ngày lễ lớn nhất trong năm với nghĩa đổi mới. Một trăm linh tám hồi chuông trừ tịch gióng lên từ những ngôi chùa quên bỏ phiền não. Và quà cho trẻ là tranh vẽ cánh buồm Takarabune – Thuyền chở của quý lót dưới gối nằm, em bé mơ thấy giấc mộng đầu năm với nguyện ý. Đêm dài giấc ngủ say sưa – Thuyền ta sóng vỗ thấy người vui sao. Thuyền thơ Shichifukujin chở Bảy vị Thần phước đức cho con người hành hương xuân. Bên cạnh những võ sĩ đạo, kiếm đạo, trà đạo, hoa đạo, thi đạo… còn có điểm son Hương Đạo (Kôdô) ở xứ sở hoa anh đào mà cũng là tâm tưởng trầm hương hồn Việt. Mai sau dầu có bao giờ – Đốt lò hương ấy so tơ phím này (Kiều)

Đêm giao thừa không thực không mộng, không thuộc năm cũ chưa thuộc năm mới, mà hiện hữu trong sự đối lập – đồng nhất giữa tối – sáng, động – tĩnh, khách thể – chủ thể, tự ngã – tha nhân, khoảnh khắc – vĩnh hằng… như người xưa có nói Gió lặng hoa còn rụng – Chim kêu núi thêm vắng… Nghe vọng lại Điểu minh giản của họa sỹ, thi sỹ, thi phật Vương Duy. Nhân nhàn quế hoa lạc – Dạ tĩnh xuân sơn không – Nguyệt xuất kinh sơn điểu – Thời minh xuân giản trung. Tài hoa đến lặng lẽ tự tại là ở câu 3 trong một chữ Kinh – giật mình đánh thức và tương giao hòa ánh sáng – âm thanh, tĩnh – động, còn – mất… ngay trong khoảnh khắc hiện hữu trong dòng nước xuân trôi. Tự ngã tan biến mà giàu có đến vi diệu tự tại.

Sau đêm giao thừa, mừng tuổi, chúc tụng, khai bút, hương linh ông bà, đến chùa lễ Phật… ai cũng mất ngủ, thức trắng, dậy muộn… Nhất là tuổi trẻ xuân thì còn đầy những hưởng thụ, những bến mê khao khát. Nghe đâu đây vọng Xuân tình, Xuân hiểu của Mạnh Hạo Nhiên. Tình xuân là bức tranh tinh tế ở diệu bút tả nữ lang dậy sớm trang điểm du xuân, ngây mà không biết trong câu kết. Lại bảo sáng mai chớ nên dậy – Riêng mời đàn sáo đến đua nhau. Và rồi những người trẻ không dậy thức trong bài Sáng xuân. Đã từng có nhiều bản dịch của Ngô Tất Tố, Trần Trọng San, Nguyễn Thế Núc… Nhưng có lẽ chỉ có bản dịch của Tương Như là lột tả được hai lần mơ hồ nghe thuộc thính giác văn và thanh trong cảm nhận sáng sớm xuân một cách say sưa, nhàn nhã tự tại mà bất chợt thoáng lo tự hỏi về cái Đẹp mong manh giàu giá trị nhân văn. Giấc xuân sáng chẳng biết – Khắp nơi chim ríu rít – Đêm qua tiếng gió mưa – Hoa rụng nhiều hay ít.

Đáp án nằm sau câu hỏi tu từ trống không ấy là lòng bạn. Hoa còn hay mất, hoa ở đâu, hoa nào chẳng có hương riêng. Lặng sướng vui nhận ra những bông hoa dấu mình trong hương. Từ cây hoa nào – Mà ta chưa biết – Một làn hương trao. Miên man đến Thơ Mới đầy trực giác tương giao đồng hóa giữa tâm tôi và thế giới bên ngoài một cách tinh vi, chuyển hóa và bộc lộ vẻ đẹp nguyên thủy của thanh khí trời đất và anh hoa vũ trụ tinh khiết Ra đời. Cả trời đất bỗng nổi lên muôn điệu nhạc – Rất trọng vọng, rất thơm tho man mác – Rất phương phi trên cả anh hoa (Hàn Mặc Tử).

Xuân tự nhiên đến đi tuần hoàn. Nhưng xuân con người, cuộc đời, tuổi trẻ, tình yêu, hạnh phúc… như gió một chiều. Tận hưởng và nuối tiếc, an nhàn tự tại và ước uốn hi vọng như hai cực mãi giằng co giữa khí trời đất và lòng người trong một chữ Xuân. Thật thà bình dị như ca dao dân ca đã có lời khuyên chân mộc tự nhiên. Một năm là mấy tháng xuân – Một đời phỏng được mấy lần vinh hoa – Chẳng ăn chẳng mặc chẳng chơi – Bo bo giữ lấy của trời làm chi – Bảy mươi chống gậy ra đi – Than thân rằng thuở đương thì chẳng chơi.

Kiếp người trẻ rồi già, có rồi không, chớp mắt như hơi thở của gió, như áng phù vân, bóng câu qua cửa sổ… Cho nên con người nhạy cảm tự lượng thức trong hai cách. Một là sống theo quan niệm Thiên – Địa – Nhân hòa điệu, xuân đời người hòa cùng xuân thiên nhiên tạo vật vũ trụ. Dạng này rất phổ biến thơ ca cổ điển phương Đông, như người ta thường nhắc đến trong Cáo tật thị chúng (Mãn Giác Thiền Sư). Xuân đến hoa nở, xuân đi hoa tàn, việc nối việc, tuổi già đến… Ấy là quy luật tự nhiên. Cho nên, kết thúc bài thơ là nụ cười xuân như đóa hoa mai nở thềm đêm ngát hương thơm tâm hồn. Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận – Đình tiền tạc dạ nhất chi mai. Ấy là xuân cảnh giới cao nhất mà hằng thường của tự do tự tại giữa thiên nhiên và con người.

Chơi Xuân kẻo nuối tiếc Xuân - 1

Cốt cách anh hùng và giản dị đời thường, giỏi Hán học cửa Khổng sân Trình và cả chữ Nôm bình dân mang hồn dân tộc… cho nên Ức Trai mới sáng tạo nên kiểu thơ Việt tài hoa bình đạm. Chùm thơ Gió hoa mộc trong Quốc âm thi tập những 34 bài viết về hoa lá cỏ cây, cúc trúc mai đào… trong sự hòa điệu thiên nhiên và con người tràn sức sống. Một đóa hoa đào khéo tốt tươi – Tường xuân mơn mởn thấy xuân cười. Tạo hóa đắc ý, con người cũng an nhiên tự tại. Suốt ngày nhàn nhã khép phòng văn – Khách tục không ai bén đến gần – Trong tiếng cuốc kêu xuân đã muộn – Đầy sân mưa bụi nở hoa xoan. Ấy là tâm thế con người vũ trụ giao hòa cảnh tình, tâm vật qua những nét phác họa mờ ảo như tranh thủy mặc mà rất bình dị gợi trường liên tưởng sự sống trong lành, vô tư, thanh cao, hòa điệu. Gió thổi, sông trôi đều có bến riêng mình. Bến đò xuân đầu trại là không – thời gian mơ hồ hòa điệu những hương sắc cỏ xanh – khói biếc, động tĩnh màn mưa – sông vỗ trời. Cỏ xuân đầu bến xanh như khói – Thêm nữa mưa xuân nước vỗ trời… Thật lặng lẽ an nhiên thu vào một con thuyền gác đầu ngủ yên. Thuyền kề bãi cát trọn ngày ngơi. Ấy là hồn thơ hòa điệu thiên nhiên, giao cảm tạo vật Non nước cùng ta đã có duyên… nên giàu có trong kỳ tài – giản phác. Túi thơ chứa hết mọi giang sơn.

Dạng hai là, con người cá thể nhạy cảm nên chẳng ai giống ai tùy vào tạng tính, địa vị, hoàn cảnh, tâm trạng… Nhớ câu Xuân bất tái lai (Lục Vân Tiên)… Cho nên con người hưởng cái sướng vui thì muốn mãi kéo dài, qua rồi thở than nuối tiếc. Mới có những chuyện mong – chán xuân, náo nhiệt cháy lên – ơ hờ lụi tắt. Chơi xuân kẻo nuối tiếc xuân… Thi sĩ Bạch Cư Dị gọi đó là Như hoa mà chẳng phải hoa… Đến như thoáng mộng xuân thì – Rồi như mây sớm lại đi đường nào. Thi thánh Đỗ Phủ nhạy cảm mà trầm uất. Một cánh hoa rơi giảm vẻ xuân… Gió rơi muôn cánh sầu muôn phần… Mãi tha hương mà khao khát xuân quê cũ. Thấy rằng năm hết xuân qua – Hôm nao mới được về thăm quê nhà. Tư biện sắc sảo như Bạch Cư Dị trong Thương xuân khúc cũng kết tiếng thở dài. Thương xuân, xuân chẳng biết đâu mà!

Nếu trong thơ chữ Hán của Nguyễn Trãi mùa thu trở thành mùa chủ đạo với ngôn từ đậm chất sách vở, thì trong thơ chữ Nôm, mùa xuân lại tràn ngập và mang một sắc thái mới mẻ hiện đại được trải lòng ở ngôn ngữ dân tộc. Chiều dài cả năm 4 mùa trải ra trên 4 dòng thơ Xuân hoa tuyệt cú và kết lại một mùa xuân hòa đầy sự sống đầm ấm tin yêu hi vọng. Đông phong từ hẹn tin xuân đến – Đầm ấm nào hoa chẳng tốt tươi. Nhạy cảm tự nhiên nhận ra Ba xuân thì được chín mươi ngày… mà nở nụ cười giản dị yêu thương Tự bén hơi xuân tốt lại thêm… Không đứng trên tư cách anh hùng hào khí, cốt cách Nho gia hàn lâm… mà chỉ là con người bình thường sống trên mặt đất duyềnh doàng sóng vui trần thế. Tiếc xuân cầm đuốc mảng chơi đêm… Vừa nhẹ nhàng tự nhiên chấp nhận vừa tự ngã vượt qua trong cách nói vui lịch lãm Cầm đuốc chơi đêm bởi tiếc xuân. Nghề chơi ấy thật giản dị tự nhiên mà đằm thắm nhân văn. Cái căn bản là tự biết mà hồn nhiên tự lượng thức. Ai hay ai chẳng hay thì chớ – Bui một ta khen ta hữu tình.

Chơi Xuân kẻo nuối tiếc Xuân - 6

Giọt Xuân ấm tay gầy

Gió Xuân cứ thổi. Đời người cứ trôi. Ai cũng có xuân riêng chung. Căn bản là tự biết mình. Tố Như có những mùa xuân lưu lạc tha hương, xuân lữ thứ đất khách quê người, xuân thiếu thốn bệnh tật, xuân ngậm ngùi hoài cảm… được lưu dấu trong thơ chữ Hán – Trôi hồi kim cổ một dòng không… Vậy mà trước sau vẫn giữ nguyên mạch tạng. Cảm hứng lan man cuối xuân bất chợt thốt lên tự nhiên như gió. Xuân sắc một năm chín chục quang – Xuân quang phung phí đáng thương thay… Thương thân mình trong xuân sắc suy tư cũng là thương tha nhân cõi người trăm năm…

Cảm thức Chơi xuân kẻo tiếc xuân nở rộ chảy tràn những hồn nữ sỹ nhạy cảm giàu lòng tự trọng ở Bà Huyện Thanh Quan, nữ sỹ Hồ Xuân Hương… cho đến những đấng nam nhi tự lượng thức được lưu dấu thời gian trong bao dạng thức. Tướng công đa tài, con người đa tình, ngông nghênh ngất ngưởng… như một kiêu cốt Nguyễn Công Trứ cảm nhận rõ giá trị cuộc sống mà cống hiến hết mình và tận hưởng lạc thú. Chơi xuân kẻo hết xuân đi… Xuân một khắc dễ nghìn vàng đổi chác… Nghề chơi cũng lắm công phu…

Cho đến buổi giao thời gió Âu mưa Á, Tản Đà – con người hai thế kỷ dù Tài cao phận thấp chí khí uất nhưng vẫn Giang hồ mê chơi quên quê hương mà ôm bao mộng, Gặp Xuân mượn thơ rượu tiêu sầu. Gặp xuân ta giữ xuân chơi – Câu thơ chén rượu là nơi đi về… Tất nhiên chơi xuân còn tùy khí tạng, vị thế. Chơi xuân, Phùng xuân hội… của Phan Bội Châu vừa là nhà thơ vừa là chí sĩ yêu nước làm cách mạng, chẳng những là biết hưởng thụ cảnh trí mùa xuân mà còn là nạp năng lượng – cống hiến sức trẻ – mùa xuân đất nước. Hai vai gánh vác sơn hà – Đã chơi, chơi nốt, ái chà chà xuân. Tầm cỡ uyên bác mà đầy khí cốt trong buổi giao thời như Cụ mới có những kết hợp tự nhiên tài tình như một tuyên ngôn nghệ thuật – Khi ngâm nga xáo trộn cổ kim đi… Đã chơi xuân đừng quản cái chi chi.

Và trực cảm tràn ra trong Thơ mới hiện đại đầy giao cảm của mùa xuân – tuổi trẻ – tình yêu – hạnh phúc… Tháng Giêng ngon như một cặp môi gần… Hỡi xuân hồng ta muốn cắn vào ngươi (Xuân Diệu). Cái trực cảm hồn nhiên thèm sống, thèm xuân muốn chết đi được như tột cùng ước muốn nhân sinh trong thơ Xuân Diệu làm ta nhớ đến Ức Trai cũng có lúc từng mong chiếm cả hết hòa xuân đến nỗi thèm chết bên hoa bên đôi chim trắng… Quả là, Hương sắc thanh cùng lặng lẽ tương giao (Baudelaire) trong gió xuân “cho đời một cái rùng mình mới lạ” (Phạm Quỳnh), “mở ra một chân trời cho chiêm niệm chịu chơi” (Bùi Giáng). Mình là gió Xuân hiện hữu lắng nghe sâu trong “tâm thức ngạc nhiên” (A.Ginsberg). Bước gió hiện hữu – hư vô… Ấy là cái vô hạn trong lòng tay hữu hạn. Nói theo kiểu Trên tất cả đỉnh cao là lặng im của Phạm Công Thiện. Đã đi thì đã đi rồi… Đã đi mất hẳn đi rồi… Và bạn tự nhận ra. Đã đi rồi đã đi chưa – Thượng phương lụa trắng đong đưa giữa trời.

Không phải ngẫu nhiên L.Tolstoy có viết “Sách viết về cái Đẹp đã chất lên thành núi, nhưng cái Đẹp vẫn là một câu đố giữa cuộc đời”. Phải chính trong “vương quốc của cảm giác” (Hegel) riêng mình, bạn mới tự giải đáp án vô ngôn. Mắt cười xanh lệ thương. Tay gầy gió hoa xuân. Hoa xoay tròn phơ phất. Tim mộc giọt sương đưa…

  • Xem thêm: Kiêng gì để Tết đón điều may, cả năm sum túc

Từ khóa » Tiếc Xuân