Chốn Quê – Hồn Quê - Báo Nhân Dân
Có thể bạn quan tâm
Bởi dưới góc nhìn của anh, “Triển lãm Chốn quê của các tác giả Ngọc Thái, Kim Sơn và Vương Niên chụp phong cảnh xóm làng, phố xá, núi non, sông biển; làng quê, đình làng, chùa làng… chính là chốn quê của họ mà cũng là chốn quê của tất cả mọi người dân Việt”.
Là một họa sĩ nhưng Lê Thiết Cương cũng rất đam mê nhiếp ảnh, đam mê lưu giữ những khoảnh khắc quý giá của đời sống trong ống kính của riêng mình. Vì thế, trong vai trò giám tuyển (curator) cho triển lãm, anh tâm sự: “Tôi thường tự hỏi, hồn quê trong ảnh của Ngọc Thái, Kim Sơn, Vương Niên là gì? Ngắm kỹ sẽ thấy, có những phong cảnh tôi thấy rất quen thuộc dù tôi chưa tới bao giờ. Hồn quê giản dị, gần gũi vậy thôi. Cái đẹp chính là điều giản dị, nghệ thuật nói chung và nhiếp ảnh nói riêng luôn là cái nhìn phát hiện, phát hiện ra những vẻ đẹp bình dị trong cuộc sống, trong cái hằng ngày, ai cũng gặp, ai cũng nhìn mà chưa thấy. Mỗi người chụp có một tâm trạng, cách nhìn và quan niệm khuôn hình riêng để biểu lộ tình yêu với chốn quê của mình”.
Tác phẩm "Thác voi - Thanh Hóa, 2012) của nghệ sĩ nhiếp ảnh Ngọc Thái.
Nghệ sĩ nhiếp ảnh (NSNA) Ngọc Thái vốn là cái tên rất đỗi quen thuộc với công chúng nhiếp ảnh cả nước, với những tác phẩm ấn tượng từng đoạt nhiều giải thưởng trong và ngoài nước. Ngọc Thái sống ở Hà Nội, cho dù anh chụp gì, xem ảnh của anh vẫn thấy chất Hà Nội, tinh tế, mượt mà, sang trọng. Không thời sự nhưng ảnh của anh vẫn có những chi tiết biểu hiện thời gian tính tuy nhiên bao trùm lên tất cả vẫn là tính duy mỹ, duy cảm, duy tình.
Cũng nhờ “nhịp cầu nối” Lê Thiết Cương, những bức ảnh đen trắng, được rửa tay trên giấy một cách kỳ công của ông đã từng tạo nên sự cân bằngđộc đáo và rất đỗi thú vị với những bức tranh sơn dầu rực rỡ sắc mầu của hoạ sĩ Đào Hải Phong trong triển lãm Cân bằng được tổ chức tại Hà Nội năm 2011. Và cũng chính họa sĩ đã đưa Mắt vuông, với “31 trắng đen, 31 phận người, 31 cảnh huống, 31 câu chuyện, 31 hồi hộp lo âu chia sẻ” của ông đến với công chúng, “không hướng đến sự cầu kỳ rắc rối, những đề tài to lớn mà đọng lại ở những vẻ đẹp bình dị”. Những triển lãm ấy, tới giờ vẫn đọng lại dư âm đẹp, trong trí nhớ người yêu ảnh Thủ đô.
Qua sự mô tả của tác giả Vũ Nhật Tân về NSNA Kim Sơn: “Sơn chụp nhiều ảnh lắm. Trung bình cứ một năm là mấy chục chuyến đi. Mỗi chuyến không biết bao nhiêu ảnh. Là dân khoa học kỹ thuật, chuyển sang làm phóng viên chiến trường, lăn lộn với rừng già, vắt và trăm thứ bà rằn nảy sinh trong chiến tranh, cuối cùng qua bom đạn vẫn trở về và trở thành phóng viên ảnh cứng cựa”. Là một nhiếp ảnh gia đam mê đen – trắng, triển lãm Mộc của anh từng được đánh giá khá cao khi “giữ lại phiên bản trung thực của cuộc sống. Đấy là quan niệm dứt khoát, không lạm dụng xảo thuật, chối từ mọi sự giúp đỡ có thể đe doạ đến tính trung thực của hình ảnh”.
Tác phẩm "Hà Nội - 2012" của tác giả Vương Niên.
Vương Niên là NSNA Việt kiều. Anh từng tâm sự với báo giới: “Nhiếp ảnh đã thấm vào người từ nhỏ, ra nước ngoài sinh sống rồi mới phát hiện một điều là không nơi nào chụp ảnh thú vị hơn quê hương mình”. Thế rồi, dành dụm được đồng nào anh quẳng vào những chiến máy ảnh, ống kính, máy laptop và chiếc ba lô rồi rong ruổi khắp Việt Nam. Cứ một vài năm, anh lại về quê hương một lần. Thời gian ngắn nhất cho chuyến về quê thường là nửa năm, có khi kéo dài tới bảy, tám tháng. Xem ảnh Vương Niên gần như thưởng ngoại được cảnh sắc trên khắp đất nước, bởi anh rong ruổi khắp nơi, từ bắc tới nam. Khắc họa thân phận con người qua ống kính một cách tinh tế, sống động nhưng rất đời thường, trung thực, không hề “phù phép”, ảnh của anh chạm tới trái tim người xem nhờ vậy.
Những tác phẩm được trưng bày tại Chốn quê sẽ được in thành sách, khổ 23x20cm, 60 trang trên giấy couche, do NXB Hội Nhà văn cấp phép. Thêm một nhịp cầu, để Chốn quê đến được với đông đảo công chúng hơn.
Triển lãm Chốn quê sẽ khai mạc vào 18 giờ ngày 1-7-2015 tại Hàng Da Gallery (Trung tâm thương mại Hàng Da – Hà Nội) và kéo dài trong hai tuần. Chốn quê sẽ mang lại cho công chúng yêu nghệ thuật nhiếp ảnh một góc nhìn đầy mỹ cảm. Trong trẻo, tinh khôi, bảng lảng sắc màu hoài niệm nhung nhớ. Khi được trở về, đắm mình trong không gian yên bình, tĩnh lặng của chốn quê nhà. Để nhận ra hồn quê ẩn giấu trong từng cảnh sắc, con người rất đỗi thanh bình, hiền hòa. Để thêm yêu, thêm gắn bó với cái “ga khởi hành” của mỗi đời người. Để chợt nhận ra, “Quê hương, làng quê, chốn quê, hồn quê là cái giấy căn cước - tinh thần của mỗi người Việt. Hồn quê là hồn Việt. Hồn Việt cũng chính là hồn quê”.
Từ khóa » Chốn Làng Quê Là Gì
-
Làng Quê Là Nơi đáng Sống, Chốn đi Về Bình Yên
-
Làng Quê Cuối Cùng Còn Sót Lại Giữa Lòng Singapore - BBC
-
Con Gì ở Chốn Làng Quê, Nhà Nhà đều Có, Giúp Người Việc Nông - Lazi
-
Hồn Quê Giản Dị - Tuổi Trẻ Online
-
Đường Quê Yêu Dấu | BÁO QUẢNG NAM ONLINE
-
Vai Trò Của "nơi Chốn" Trong Kiến Trúc Nông Thôn Mới
-
12+ Mẫu Tranh Làng Quê Việt Nam Xưa độc đáo & ấn Tượng Nhất
-
Làng Quê Sức Sống Cội Nguồn - Báo Thái Bình điện Tử
-
Làng Quê Bây Giờ...
-
Cổng Làng, Biểu Tượng Văn Hóa Làng Quê - Báo Lao Động Thủ đô
-
Mảnh Hồn Làng Thuở Nào! - VNU
-
Không Gian Thôn Quê Trong Thơ Nguyễn Bính
-
10 Làng Quê Việt Nam đẹp Cổ Kính Và Nên Thơ