Chóng Mặt Buồn Nôn đổ Mồ Hôi: Dấu Hiệu Không Nên Chủ Quan

Nội dung bài viết

  • Tổng quan về triệu chứng chóng mặt, buồn nôn, đổ mồ hôi
  • Chóng mặt buồn nôn đổ mồ hôi là bệnh gì?
  • Chẩn đoán nguyên nhân cơ bản của triệu chứng chóng mặt buồn nôn đổ mồ hôi
  • Làm gì khi bị chóng mặt, buồn nôn, đổ mồ hôi
  • Khi nào cần gặp bác sĩ

Hầu hết mọi người đều chủ quan khi gặp những triệu chứng chóng mặt buồn nôn đổ mồ hôi. Bởi họ cho rằng đây là một hiện tượng bình thường và sẽ khỏi nhanh. Nhưng các triệu chứng này có thể là những triệu chứng sớm của một số bệnh lý tiềm ẩn. Vậy các triệu chứng này liên quan đến bệnh lý gì? Hãy cùng tìm hiểu chủ đề này trong bài viết dưới đây của Bác sĩ Phan Văn Giáo.

Tổng quan về triệu chứng chóng mặt, buồn nôn, đổ mồ hôi

Triệu chứng chóng mặt

Chóng mặt là từ mô tả một loạt các cảm giác như cơ thể cảm thấy yếu ớt, quay cuồng, hoặc đứng không vững. Chóng mặt tạo ra cảm giác sai lệch rằng bạn hoặc môi trường xung quanh đang quay hoặc chuyển động. Chóng mặt là một trong những nguyên nhân phổ biến ở người lớn khi đến khám bác sĩ. Những cơn chóng mặt thường xuyên hoặc chóng mặt liên tục có thể ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của bạn.

Chóng mặt buồn nôn đổ mồ hôi
Buồn nôn, đổ mồ hôi có thể do vấn đề về tiêu hóa

Triệu chứng buồn nôn, đổ mồ hôi

Có thể có nhiều nguyên nhân gây buồn nôn, đổ mồ hôi. Nhưng nguyên nhân về đường tiêu hóa là thường gặp nhất. Một số người có thể buồn nôn, đổ mồ hôi sau khi dùng thuốc dạ dày.

Một nguyên nhân phổ biến khác là cơn đau tim. Đổ mồ hôi và buồn nôn cũng là một trong những triệu chứng của bệnh lý này. Đôi khi các triệu chứng này mơ hồ hoặc nhẹ nên người bệnh thường nghĩ mình mắc bệnh về tiêu hóa hơn là bệnh tim.

Lo lắng là một trong những nguyên nhân phổ biến gây đổ mồ hôi kèm theo buồn nôn. Ví dụ, một người bị cơn hoảng sợ có thể buồn nôn, bắt đầu đổ mồ hôi và ghi nhận cảm giác sợ hãi khi lên cơn hoảng sợ. Một người cũng có thể bị chóng mặt, buồn nôn, đổ mồ hôi trong cùng một đợt.

Chóng mặt buồn nôn đổ mồ hôi là bệnh gì?

Nếu bạn bị chóng mặt buồn nôn đổ mồ hôi thường xuyên thì có thể đang mắc các bệnh lý sau:

1. Thiếu máu

Khi thiếu máu thì các hoạt động của cơ thể sẽ bị đình trệ. Từ đó có thể dẫn đến hiện tượng chóng mặt, buồn nôn, ù tai, mất thăng bằng và chóng mặt đổ mồ hôi. Hoa mắt, chóng mặt là triệu chứng chính cho thấy có thể bạn bị thiếu máu não. Nếu không được điều trị kịp thời sẽ gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng.

2. Huyết áp thấp

Đầu óc choáng váng, vã nhiều mồ hôi là triệu chứng điển hình của bệnh huyết áp thấp. Khi huyết áp thấp một cách đột ngột có thể gây ra tình trạng sốc, ngã gục và ngất. Trường hợp bạn đang đi ra ngoài một mình mà có xảy ra tình trạng này thì sẽ rất nguy hiểm.

Xem thêm: Huyết áp thấp có nguy hiểm như cao huyết áp không?

3. Hạ đường huyết

Chóng mặt, vã mồ hôi, tay chân run rẩy có thể là triệu chứng của tình trạng hạ đường huyết.

Hạ đường huyết thường xuất hiện ở những người lao động nặng nhọc, ăn uống không đủ chất. Hoặc ở người bị tiểu đường đường điều trị bằng insulin. Hạ đường huyết mức độ nhẹ có thể khắc phục bằng cách ăn bánh mì, kẹo ngọt. Nhưng nếu hạ đường huyết nặng có thể gây ngất xỉu. Lúc này cần nhanh chóng đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất để chữa trị kịp thời. Vì nếu không có thể gây tử vong.

Dấu hiệu nhận biết hạ đường huyết quá mức
Chóng mặt buồn nôn đổ mồ hôi có thể là dấu hiệu hạ đường huyết

4. Rối loạn tiền đình

Tiền đình là một vùng của não bộ. Đây là nơi chịu trách nhiệm duy trì trạng thái thăng bằng của cơ thể. Ngoài ra nó còn có vai trò trong việc giữ dáng đi thẳng và phối hợp các hoạt động khác. Nếu bạn có các triệu chứng chóng mặt buồn nôn đổ mồ hôi, đứng không vững, ù tai, hay quên, mệt mỏi… thì có thể bạn đang mắc bệnh rối loạn tiền đình. Bạn cần đi khám bác sĩ ngay để được chẩn đoán chính xác.

Chẩn đoán nguyên nhân cơ bản của triệu chứng chóng mặt buồn nôn đổ mồ hôi

Để chẩn đoán nguyên nhân gây chóng mặt và đổ mồ hôi của bạn, bác sĩ sẽ:

Hỏi bệnh và tiền sử

Bác sĩ sẽ yêu cầu bạn mô tả đặc điểm các triệu chứng và hỏi về tiền sử bệnh. Chẳng hạn như:

  • Các triệu chứng có từ khi nào?
  • Chúng đã kéo dài bao lâu?
  • Bạn đã từng có các triệu chứng như vậy trước đây?
  • Gia đình bạn có ai có các triệu chứng tương tự?
  • Bạn có đang sử dụng loại thuốc nào không?

Tiến hành khám lâm sàng và cận lâm sàng

Việc khám sẽ được bắt đầu bằng cách lấy dấu hiệu sinh tồn. Bao gồm: đo nhiệt độ, huyết áp và bắt mạch. Sau đó bác sĩ sẽ khám và đưa ra tổng quát tình trạng của bạn.

Bác sĩ cũng có thể chỉ định một số xét nghiệm để hỗ trợ chẩn đoán. Một số xét nghiệm thường thực hiện là:

  • Xét nghiệm máu: giúp chỉ ra bất kỳ vấn đề cơ bản nào về lượng đường trong máu, nồng độ hormone tuyến giáp và sức khỏe tim mạch.
  • Điện tâm đồ (ECG): đo hoạt động điện của tim, giúp chẩn đoán hoặc loại trừ các tình trạng tiềm ẩn của tim.
  • Các xét nghiệm hình ảnh: X-quang, chụp CT, MRI…
  • Kiểm tra thính giác và thăng bằng: nếu bác sĩ nghi ngờ một tình trạng ảnh hưởng đến sự cân bằng thì có thể đánh giá chuyển động của mắt và đầu hoặc thực hiện các nghiệm pháp để kiểm tra.

Làm gì khi bị chóng mặt, buồn nôn, đổ mồ hôi

Nếu bạn gặp chóng mặt buồn nôn đổ mồ hôi trong thời gian ngắn rồi tự khỏi thì bạn không cần phải lo lắng. Bởi có thể là do thần kinh căng thẳng nhất thời hoặc thời tiết thay đổi. Lúc này bạn nên chú ý đến việc chăm sóc bản thân và có chế độ ăn uống sinh hoạt lành mạnh để ngăn các triệu chứng xuất hiện.

Đối với tình trạng hoa mắt chóng mặt bạn có thể khắc phục bằng cách ngồi xuống. Sau đó dùng ngón tay xoa bóp nhẹ nhàng hai bên thái dương để khắc phục. Việc xoa bóp hai bên thái dương có thể giúp các triệu chứng chóng mặt buồn nôn đổ mồ hôi biến mất. Nếu các triệu chứng này xảy ra liên tục thì bạn nên đến khám bác sĩ ngay để được điều trị sớm.

Xem thêm: Tìm hiểu cách chữa tụt huyết áp cho bà bầu hiện nay

Xoa bóp 2 bên thái dương để giảm hoa mắt chóng mặt

Khi nào cần gặp bác sĩ

Nếu bạn bị chóng mặt buồn nôn đổ mồ hôi không rõ nguyên nhân, xảy ra cách thường xuyên hoặc bắt đầu cản trở các hoạt động hàng ngày của bạn, hãy đi khám bác sĩ. Họ có thể giúp xác định những gì có thể gây ra các triệu chứng của bạn.

Bạn cần tìm kiếm sự chăm sóc y tế khẩn cấp cho các triệu chứng này nếu có kèm thêm:

  • Tức ngực.
  • Khó thở.
  • Nhịp tim nhanh hoặc nhịp không đều.
  • Đau đầu đột ngột và dữ dội
  • Nôn mửa kéo dài
  • Yếu hoặc tê ở mặt và chân tay.
  • Thay đổi thị lực hoặc thính lực.
  • Mất phối hợp vận động.
  • Ngất xỉu.
  • Hoang mang lo lắng về tình trạng của bản thân.

Mong rằng qua bài viết trên bạn đã hiểu rõ hơn về các triệu chứng buồn nôn, chóng mặt và vã mồ hôi. Có thể đây là triệu chứng sớm của một bệnh lý nguy hiểm. Do đó, bạn không nên chủ quan và cần chủ động đến bác sĩ thăm khám.

Từ khóa » Người Nôn Nao Chóng Mặt Buồn Nôn