Chóng Mặt Sau Khi Luyện Tập | BvNTP

Quá sức khi tập thể dục

Quá sức xảy ra khi mọi người hoạt động với cường độ quá mạnh trong khi hoạt động thể chất có thể gây chóng mặt sau khi tập luyện. Dấu hiệu bao gồm:

  • Chóng mặt, xây xẩm;
  • Buồn nôn hoặc nôn;
  • Khó thở, khát.

Theo nghiên cứu năm 2015, các chấn thương liên quan đến quá sức chiếm 36,2% trong tất cả các chấn thương xảy ra tại các trung tâm thể dục. Tuy nhiên, quá sức không chỉ xảy ra trong phòng tập thể dục mà có thể xảy ra trong bất kỳ hoạt động thường nhật nào.

Sử dụng máy tập luyện chuyển động liên tục

Các dạng bài tập cũng có thể ảnh hưởng đến việc họ có cảm thấy chóng mặt hay không.

Ví dụ: sử dụng máy hình elip hoặc máy chạy bộ có liên quan đến chuyển động liên tục, có nhiều khả năng gây chóng mặt. Một số người gặp phải tình trạng chóng mặt khi bước ra khỏi máy. Những trường hợp khác xuất hiện tình trạng chóng mặt tương tự như triệu chứng của bệnh say tàu xe.

Mất nước

Tình trạng mất dịch đáng kể của cơ thể khiến các chức năng bình thường của cơ thể suy yếu. Người trưởng thành khỏe mạnh có nhiều khả năng bị mất nước do bệnh nhẹ hoặc hoạt động thể chất mạnh, đặc biệt là trong thời tiết nóng. Các triệu chứng mất nước bao gồm:

  • Chóng mặt, mệt mỏi;
  • Khô miệng, khát nước;
  • Cảm thấy lờ đờ, xây xẩm;
  • Yếu sức, đi tiểu ít.

Ngay cả mất nước nhẹ chỉ 1-2% trọng lượng cơ thể có thể gây ra các triệu chứng này. Nhiều người nghĩ rằng khát là một trong những dấu hiệu mất nước đầu tiên, nhưng đến khi cảm thấy khát thì cơ thể đã rơi vào tình trạng mất nước.

Thiếu oxy

Thở không đúng cách trong khi tập thể dục có thể khiến một số người không nhận đủ oxy để đáp ứng nhu cầu của cơ thể. Trong quá trình tập luyện, cơ bắp sử dụng nhiều oxy hơn bình thường. Đây là lý do tại sao nhịp tim và nhịp thở trở nên nhanh hơn để tạo điều kiện cho lượng oxy hấp thụ cao hơn.

Những người không thở đủ nhịp hoặc đủ sâu có thể có mức oxy thấp hơn mức cần thiết trong não. Chóng mặt là một dấu hiệu cho thấy não cần nhiều oxy hơn.

Huyết áp thấp

Huyết áp là áp lực đẩy do sự tuần hoàn của máu trong các mạch máu. Ở hầu hết mọi người, huyết áp khỏe mạnh dưới 120/80 mm Hg. Những người bị huyết áp thấp hoặc hạ huyết áp sẽ có chỉ số dưới 90/60 mm Hg

Huyết áp thường ở mức thấp nhất trong vòng một giờ tập thể dục. Tuy nhiên, một số người có thể nhận thấy sự sụt giảm huyết áp đột ngột hơn. Ngoài chóng mặt, các triệu chứng hạ huyết áp bao gồm:

  • Mờ mắt, ngất;
  • Mệt mỏi;
  • Mất tập trung;
  • Buồn nôn.

Các hoạt động quá sức thường gây ra huyết áp thấp. Một số người bị tụt huyết áp xuất hiện các triệu chứng xây xẩm, chóng mặt nếu đứng lên quá nhanh.

Hạ huyết áp có thể là một nguyên nhân gây chóng mặt do tập thể dục khi mang thai. Nó cũng là kết quả của việc mất nước, các vấn đề về tim mạch và tác dụng phụ khi sử dụng một số loại thuốc.

Lượng đường trong máu thấp

Hạ đường huyết hoặc lượng đường trong máu thấp, xảy ra khi mức độ glucose (đường) trong máu rất thấp. Đường là nguồn năng lượng chính của cơ thể. Trong quá trình tập luyện, cơ bắp sử dụng nhiều glucose hơn bình thường. Kết quả là một số người gặp phải lượng đường trong máu thấp trong hoặc sau khi gắng sức.

Các triệu chứng hạ đường huyết bao gồm:

  • Chóng mặt, lo lắng;
  • Lóng ngóng, mệt mỏi;
  • Cảm thấy đói;
  • Cáu gắt, run rẩy;
  • Đổ mồ hôi.

Nhiều người có thể dễ bị hạ đường huyết nếu không ăn đủ lượng cơ thể cần thiết trước khi tập thể dục. Đây có thể là vấn đề phổ biến ở những người tập thể dục vào buổi sáng.

Rối loạn nhịp tim

Rối loạn nhịp là tình trạng bất thường về mặt điện học của tim, có thể là bất thường về việc tạo nhịp hoặc bất thường về mặt dẫn truyền điện học trong buồng tim . Chứng loạn nhịp tim có thể khiến tim đập quá nhanh, quá chậm hoặc không đều. Nhiều tình trạng có thể gây ra rối loạn nhịp tim, bao gồm cả bệnh tim và căng thẳng cảm xúc.

Tập thể dục cũng có thể kích hoạt hoặc làm trầm trọng thêm chứng rối loạn nhịp tim, đặc biệt ở những người mắc bệnh tim. Không phải tất cả các trường hợp rối loạn nhịp tim gây ra các triệu chứng, nhưng khi các triệu chứng xảy ra có thể bao gồm:

  • Chóng mặt, ngất xỉu;
  • Thay đổi trong nhịp tim;
  • Khó thở;
  • Đổ mồ hôi.

Ngay cả khi các triệu chứng xảy ra không có nghĩa là người đó có vấn đề nghiêm trọng. Tuy nhiên, cần gặp bác sĩ nếu chứng rối loạn nhịp tim kéo dài.

Điều trị chóng mặt sau khi tập luyện

Việc điều trị cho cảm giác chóng mặt sau khi tập luyện phụ thuộc vào nguyên nhân cơ bản. Trong một số trường hợp, điều trị rất đơn giản và dễ thực hiện. Ở những người khác, có thể cần phải gặp bác sĩ để kiểm tra thêm và điều trị y tế.

Nghỉ ngơi và thở:

Nghỉ ngơi trong vài phút có thể giúp cải thiện tình trạng chóng mặt. Khi chóng mặt xảy ra do quá sức, thở không đúng cách hoặc huyết áp thấp, mọi người có thể thử các cách sau:

  • Hạ nhiệt và nghỉ ngơi trong vài phút.
  • Ngồi xuống và đặt đầu giữa hai đầu gối, làm tăng lưu lượng máu đến não.
  • Tập thở sâu trong vài phút, đảm bảo hít vào sâu và thở ra từ từ.
  • Khi tập thể dục cần có ý thức tập thở vào và thở ra theo nhịp đều đặn.
  • Khi chóng mặt xảy ra trong khi sử dụng máy chạy bộ hoặc máy khác sử dụng chuyển động liên tục, mọi người nên giảm tốc độ từ từ cho đến khi dừng lại an toàn. Hành động này có thể ngăn ngừa nguy hiểm té ngã.
  • Tránh đi bộ xung quanh hoặc lái xe cho đến khi chóng mặt thuyên giảm.

Hydrat:

Điều trị duy nhất cho mất nước là bổ sung dịch và chất điện giải. Đối với hầu hết mọi người, uống nước hoặc đồ uống thể thao sẽ giải quyết các triệu chứng. Một số người có thể cần một giải pháp bù nước bằng đường uống không kê đơn, có chứa nước và chất điện giải.

Nên uống đủ nước trong ngày để đảm bảo nước tiểu có màu vàng nhạt. Nếu tập thể dục trong thời tiết nóng hoặc ẩm ướt, hãy cố gắng uống nước lạnh để giúp hạ nhiệt. Cơ thể hấp thụ nước mát tốt hơn so với nước ấm.

Để tránh mất nước trong ngày hôm sau, nên uống đều và đủ nước trong ngày trước, đặc biệt là trong và sau khi tập thể dục. Lưu ý, uống một lượng nhỏ thường xuyên thường tốt hơn uống lượng lớn ít thường xuyên hơn. Trường hợp mất nước nghiêm trọng cần được chăm sóc y tế.

Ăn một chút gì đó:

Có thể tăng lượng đường trong máu thấp bằng cách ăn các thực phẩm chứa carbohydrate dễ hấp thụ là cách tốt nhất để cải thiện lượng đường trong máu thấp.

Uống một ly nước ép trái cây hoặc ăn một quả chuối có thể giúp giảm nhanh hơn các triệu chứng hạ đường huyết. Tuy nhiên, cần phối kết hợp biện pháp trên với một bữa ăn nhẹ có chứa ngũ cốc và protein trước khi tập luyện để tránh sự cố đường huyết khác.

Điều trị y tế

Nếu các triệu chứng vẫn tồn tại hoặc tái phát mặc dù đã thực hiện các biện pháp để cải thiện tình trạng chóng mặt sau khi tập thể dục có thể cần phải nói chuyện với bác sĩ. Các nguyên nhân tiềm ẩn có thể gây ra chứng chóng mặt, chẳng hạn như:

  • Bệnh tiểu đường;
  • Các tình trạng bệnh lý về tim, bao gồm cả rối loạn nhịp tim;
  • Thai kỳ;
  • Mất nước nghiêm trọng;
  • Hạ đường huyết nặng.

Bác sĩ có thể kê toa thuốc hoặc lựa chọn phương pháp điều trị y tế cho bệnh tiểu đường và các vấn đề về tim mạch. Trong trường hợp mất nước nghiêm trọng hoặc hạ đường huyết nặng, có thể cần phải điều trị khẩn cấp bằng dung dịch truyền tĩnh mạch hoặc glucose tiêm tĩnh mạch.

Phòng ngừa

Những khuyến cáo sau đây có thể làm giảm nguy cơ bị chóng mặt sau khi tập luyện:

  • Tăng cường độ tập luyện dần dần;
  • Tránh di chuyển, vận động cơ thể quá mạnh;
  • Tập thở đều đặn trong các bài tập;
  • Tập thêm Pilates hoặc Yoga có thể giúp điều hòa hơi thở;
  • Uống nhiều nước trước, trong và sau khi tập luyện;
  • Có một bữa ăn nhẹ carbohydrate phức tạp và protein nạc từ 1-2h trước khi tập luyện;
  • Bỏ hút thuốc.

Khi nào đi khám bác sĩ?

Nếu tình trạng chóng mặt kéo dài cần đi khám bác sĩ. Nên tìm kiếm sự chăm sóc y tế khẩn cấp nếu đột ngột hoặc thường xuyên gặp các triệu chứng rối loạn nhịp tim. Các triệu chứng nghiêm trọng khác cần đặc biệt lưu ý chẳng hạn như:

  • Lú lẫn và mất phương hướng;
  • Mệt mỏi cực độ;
  • Mất khả năng giữ nước;
  • Mất ý thức.

Xem thêm: Sự khác biệt giữa các bài tập hiếu khí và thiếu khí là gì?

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Bệnh viện Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

facebook.com/BVNTP

youtube.com/bvntp

Từ khóa » đau đầu Chóng Mặt Buồn Nôn Khó Thở