Chồng Thẳng Thừng Chỉ Ra Vợ Là Kẻ ăn Bám - Phunuonline
Có thể bạn quan tâm
Cô nói đến mức này thì thôi, nên chia tay. Chồng rành rọt như cũng đã lường trước sẽ đến lúc “anh là đàn ông, tự biết mình chăm sóc con cái không bằng đàn bà. Nhưng cu Tý là cháu đích tôn nên con phải ở với anh, em yên tâm, ông bà nội quý cháu đích tôn cho nên cu Tý sẽ được chăm sóc chu đáo hết mức”.
Vậy nếu không phải là cu Tý là bé gái thì sao? Ý nghĩ chua chát thoáng qua tâm trí và cô vội gạt nó đi, riêng chuyện có thật trước mặt đã quá nặng đầu, thêm chi chuyện “nếu”.
Chính trong căn bếp này, cô đã hiểu thế nào là ngột ngạt. Hình minh họa |
Chồng tiếp tục: “Anh không chối là lỗi tại anh. Nhưng dòng chữ quy lỗi tại ai ghi trong tờ giấy ly hôn có ý nghĩa gì đâu một khi đã chia tay. Quan trọng là quyền lợi của đứa con. Tòa án sẽ vì quyền lợi của cu Tý mà xét con nên được ở với ai. Chắc chắn là với anh vì ai cũng biết chỉ một mình anh đi làm, em ở nhà nội trợ. Nói ra đây không phải anh kể công mà là để em tỉnh táo thấu suốt rồi tự tụi mình giải quyết cho êm, thuê luật sư cãi nhau tốn kém mà chẳng ích gì”.
Cô nuốt xuống, hiểu câu nói của chồng có nghĩa là “em có tiền thuê luật sư cãi lại anh không?”.
Không. Rõ ràng là không. Cô chợt nhớ lại chuyến đi biển năm nào. Bơi lội một hồi, lên bờ ăn hải sản, tay chồng đang bẻ cái càng cua vụt khựng lại lơ lửng “sợi dây chuyền anh mua cho em đeo đâu rồi?”. Sóng biển đã làm đứt và cuốn trôi sợi dây chuyền vàng, câu nói của chồng đọng lại, không phải “sợi dây chuyền của em” hoặc “sợi dây chuyền anh tặng em” mà là “sợi dây chuyền anh mua cho em đeo”.
Mọi người thấy cô trang sức rạng ngời, riêng cô biết mình chỉ là người giữ tài sản của chồng thôi.
“Vậy nghe, tốt cho cu Tý là ở với anh. Tốt cho em là có một số vốn để bắt đầu làm gì đó mà em muốn”. Chồng hạ giọng “đàn ông chơi bời là chuyện thường tình, miễn anh không để vợ con nheo nhóc. Thật lòng anh không muốn em ra đi, lại càng không muốn em rời khỏi nhà tay trắng. Quyết định là do em thôi”.
Điều kiện đưa ra bằng giọng thủ thỉ như là tỏ tình. Mà cô đã qua cái thời yêu bằng tai rồi. Vấn đề là nên làm sao đây? Làm sao đây khi mình không có tiền đúng như người đàn ông này nói.
Đang làm kế toán công ty, nghe lời chồng nghỉ ở nhà chăm sóc con để chấm dứt cái cảnh cả nhà ngày nào cũng cuống cuồng với việc phải đến công ty đúng giờ và cũng không được trễ giờ trường mẫu giáo, còn thêm lu bù những điều dính dáng tới một đứa con nhỏ. Ừ, thì mình ở nhà cũng được. Ngoài nỗi đơn điệu suốt ngày quanh quẩn bếp núc thì cô có niềm vui với ý nghĩ hy sinh cho người mình yêu thương. Vậy mà giờ đây… người đàn ông này thẳng thừng chỉ ra cô chỉ là một kẻ ăn bám. Hả, chính cô đúng là vậy hay chồng là kẻ vô ơn bạc nghĩa?
Ảnh minh họa |
Nuốt xuống nỗi tổn thương cay đắng, muốn quên mà từng lời cứ ong ong bên tai, rồi cô sợ hãi nhận ra chồng có lý. Chỉ cần tòa hỏi một câu thôi là cô sẽ thua trắng “thu nhập của cô bao nhiêu? Có đủ lo cho cháu bé…?”. Cô trả lời sao đây? Tôi sẽ đi làm…
“Sẽ” là một từ thuộc về tương lai, mà một đứa bé thì không thể nhịn ăn, nhịn mặc, nhịn học hành, nhịn vui chơi, đợi tới tương lai nhận luôn một thể. Và nếu tòa hỏi cô sẽ làm gì thì trả lời sao? Vòng phỏng vấn nào cũng ưu tiên ứng viên có kinh nghiệm mà cô ở nhà chục năm rồi, cũ kỹ lạc hậu quá rồi.
Chồng dễ dàng chứng minh cô là kẻ lệ thuộc thảm hại trước tòa, dễ dàng chứng minh cô chỉ là bà mẹ ích kỷ khi quyết đòi nuôi con, dễ dàng chứng minh hai mẹ con cô rơi vào cảnh túng quẫn ngay khi rời khỏi nhà chồng... Và cô, cô phơi mặt ra cho thiên hạ thấy rõ mình là một người vợ vô tích sự.
Hình dung mình đứng giữa tòa, cô rùng mình sợ hãi.
Hình như cô đã sai lầm kinh khủng. Nhưng lúc đó, khi nghỉ việc, cô thấy mình có lý. Cũng như điều có lý trong lúc này là cô phải tiếp tục cuộc sống ấm êm giả tạo nếu muốn được gần con mình.
Rồi thì sao nữa?
Vô lý. Có lý. Rối bời.
***
Nghĩ về tương lai thấy mù mờ, hiện tại ngậm ngùi chán ngán, nên cô hay thả tâm trí về quá khứ.
Quá khứ gần, là cô hối hận vì lẽ ra nên sắp xếp đi làm lại khi cu Tý vào lớp Một thì cô đã quen với việc ở nhà cũng như chồng đã quen với việc đi làm về nhà cửa sạch sẽ gọn gàng tươm tất và cơm canh nóng sốt vừa dọn ra bàn. “Em đi làm tiền lương chỉ bằng vài bữa nhậu của anh, vừa cực thân em mà con cái, nhà cửa lôi thôi, luộm thuộm”, anh nói vậy khi người bạn hỏi cô có định đi làm lại không. Và cô thấy anh có lý.
Ảnh minh họa |
Quá khứ xa, là hồi chuẩn bị hồ sơ thi đại học, vốn rất thích được đi đây đó nhìn ngắm thế giới muôn màu, cô nung nấu ước mơ thi ngành du lịch. Thế rồi bà chị họ nói, hướng dẫn du lịch là một nghề nhìn bề ngoài rất hay ho nhưng sự thật là làm dâu trăm họ, chiều ý một người đã khó huống chi phải làm vừa lòng biết bao khách hàng. Làm dâu… Nghe mà sợ hãi. Rồi bà chị họ nói con gái nên học gì đó dính dáng tới tiền bạc sau này quán xuyến gia đình thì tốt hơn. Nghe có lý quá, nên cô chuyển qua học kế toán tài chính.
Mà bây giờ cô chẳng làm chủ được khoản tiền nào cho đáng. Cái điều có lý đó giờ đây chẳng nghĩa lý gì và điều đáng nói là cô đã từ bỏ ước mơ tuổi trẻ của mình chỉ vì ý kiến của người khác. Nếu… nếu…
Cô nhìn quanh bốn bức tường của ngôi nhà ngột ngạt với nỗi hối tiếc trào lên trong lòng. Nếu hồi đó cô không thối chí chỉ vì nghĩ bà chị họ có lý thì biết đâu cô đã có một thanh xuân bay bổng với những chuyến đi mở rộng tầm mắt, đánh đổi với việc phải đối diện với khách hàng khó tính thì cũng hoàn toàn xứng đáng.
Cô chợt nhận ra chính mình không dám, cô dễ dàng chấp nhận buông bỏ mà không cần cố gắng. Cũng như giờ đây cô chấp nhận tiếp tục cuộc sống lệ thuộc và quanh quẩn bếp núc cho người chồng từ lâu chẳng còn về nhà đúng giờ cơm và tệ hại hơn là chẳng có chút trân trọng những gì cô góp sức. Để làm gì? Sợ mất con là một lý do chính đáng. Có phải? Hay là...
Cô bừng nhận ra mình đang lập lại cái-điều-mà-mình-tưởng-là-có-lý, điều mà người-khác-nói-khiến-cô-nghe-chừng-có-lý.
Cô cũng chợt nhận ra, chồng chỉ muốn cô sợ hãi.
Ảnh minh họa |
***
Cô vẫn nhớ từng lời chồng nói. Nhớ, và không để mình chìm trong rầu rĩ bất lực nữa. Nhớ, để biết là mình phải khác. Ừ, công việc nội trợ bấy lâu thật có lý trong lúc này, cô quen với công việc bếp núc hơn bất cứ việc gì khác.
Cô đi chợ, mua nhiều đồ hơn và chọn lựa khó tính hơn thường ngày. Về nhà, cô bày ra nấu những món kiểu cọ hơn, bày biện đẹp đẽ rồi chụp hình đăng Facebook và status “nhận nấu cơm và các món ăn hợp khẩu vị mọi miền”.
Chồng nheo mắt độ lượng “em muốn làm gì vậy?”.
“Em muốn tự mình kiếm tiền nuôi con không phải phiền đến anh” - cô đáp. Lòng buồn vô hạn nhưng cô nhẹ nhõm vì đã tìm ra lối thoát giúp cô không sợ hãi nữa. Cô nhìn quanh căn bếp, thật buồn cười khi nói trong ngôi nhà này thì đây là nơi đáng nhớ nhất khi cô và con ra đi. Đây là nơi chốn mà cô tự để mình trở thành kẻ lệ thuộc và cũng là nơi giúp cô nghĩ ra cách thay đổi cuộc sống của mình.
Nguyên Hương
Từ khóa » Kẻ ăn Bám Vợ
-
Suy Nghĩ đê Hèn Của Gã ăn Bám Vợ - VnExpress
-
Vợ Coi Chồng Như “kẻ ăn Bám”
-
Nghẹn Ngào Thư Vợ Bị Gọi Là 'kẻ ăn Bám' Chỉ ở Nhà Giữ Con - Webtretho
-
Vợ Coi Chồng Như “kẻ ăn Bám” | Phụ Nữ
-
Ở Nhà Giữ Con Vợ Bị Gọi Là 'kẻ ăn Bám' - Bestie
-
Bị Chồng Chửi Là Kẻ ăn Bám, Vợ Quyết định Vùng Lên - Báo Mới
-
Kẻ Ăn Chơi Biến Tổng Tài - Chương 418: Ăn Bám Vợ - Truyện
-
Tủi Nhục Khi Chồng Coi Thường Là Kẻ ăn Bám - Dân Việt
-
Xin đừng Gọi Tôi Là "kẻ ăn Bám"
-
Bị Chồng Chửi Là Kẻ ăn Bám, Vợ Quyết định Vùng Lên - Kiến Thức
-
Bị Chồng Chửi Là Kẻ ăn Bám, Vợ Quyết định Vùng Lên để Chứng Minh ...
-
ăn Bám Bằng Tiếng Tây Ban Nha - Glosbe
-
'ăn Bám' Là Gì?, Từ điển Tiếng Việt - Dictionary ()