Chủ động Khai Báo Y Tế Khi Nhiễm Covid-19 để Bảo Vệ Sức Khỏe Cho ...

Những ngày gần đây, số ca nhiễm Covid-19 trên địa bàn tỉnh tăng cao, các bệnh nhân F0 không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ được điều trị tại nhà dưới sự theo dõi, giám sát hỗ trợ của ngành y tế, tổ Covid cộng đồng và địa phương. Người dân khi phát hiện nhiễm Covid-19 có trách nhiệm khai báo y tế đầy đủ, trung thực với y tế địa phương, góp phần bảo vệ sức khỏe, tính mạng cho bản thân, gia đình và cộng đồng xung quanh.

(Ảnh minh họa)

Hiện nay, tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh có nhiều diễn biến phức tạp với sự xuất hiện của biến chủng Omicron với tốc độ lây lan nhanh, khó lường. Theo báo cáo của Sở Chỉ huy phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh, chỉ tính riêng trong ngày 15/3/2022, trên địa bàn tỉnh ghi nhận trên 4.470 ca mắc Covid-19 (F0). Phần lớn các F0 đều không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ nên một số người dân vẫn còn biểu hiện lơ là, chủ quan, không khai báo y tế kịp thời khi test nhanh dương tính với Covid-19.

Bà N.H.D, ngụ phường 5, thành phố Cà Mau cho biết: “Tôi thấy còn nhiều người coi nhẹ việc khai báo y tế lắm, test nhanh nhiễm bệnh là tự điều trị tại nhà, vì sợ khai báo phiền phức, tốn thời gian. Nhưng riêng tôi thấy khai báo khi nhiễm bệnh là cần thiết, vì khi tôi bị F0 điện thoại thông báo cho Trạm Y tế phường là nhân viên y tế đến hỗ trợ ngay. Nếu có thắc mắc cần tư vấn chỉ cần điện thoại họ cũng giúp đỡ tận tình. Điều này giúp tôi an tâm hơn khi điều trị Covid-19 tại nhà”.

Chị L.T.H.N, ngụ phường 1, thành phố Cà Mau cho biết: “Hôm trước tôi có biểu hiện sốt, ho khan nên mua kít về tự thực hiện test nhanh. Khi phát hiện mình bị nhiễm Covid-19, tôi đã điện thoại ngay đến Trạm Y tế phường để khai báo và được nhân viên đến tận nhà test lại và hướng dẫn tôi sử dụng một số loại thuốc điều trị Covid-19. Trên thực tế, có một vài người quen của tôi khi mắc bệnh tự điều trị tại nhà mà không khai báo, tôi thấy việc làm này rất nguy hiểm, lỡ bệnh trở nặng thì y tế trở tay không kịp”.

Trên địa bàn tỉnh hiện có trên 3.700 tổ Covid cộng đồng với trên 11.380 người và 110 Trạm Y tế lưu động với gần 730 người. Trung bình mỗi nhân viên y tế của Trạm Y tế lưu động quản lý 71 F0 tại nhà. Khi phát hiện nhiễm Covid-19 người dân phải thực hiện khai báo y tế đầy đủ, trung thực để được ngành y tế hướng dẫn, hỗ trợ cách điều trị kịp thời, phòng tránh lây nhiễm ra cộng đồng, góp phần tích cực trong công tác phòng, chống dịch tại địa phương.

Chủ tịch UBND thành phố Cà Mau Lê Tuấn Hải, nhận định: “Theo ghi nhận, số ca nhiễm từ sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 đến nay tăng hơn so với trước đây. Nguyên nhân lây lan dịch Covid-19 chủ yếu ở các hoạt động ăn uống, tiếp xúc, đám tiệc… Hiện một bộ phận người dân vẫn còn rất chủ quan trong việc thực hiện các biện pháp phòng dịch. Nhiều trường hợp tự test nhanh, khi phát hiện nhiễm Covid-19 không báo cho ngành y tế để cách ly điều trị kịp thời, dẫn đến nguy cơ lây lan trong cộng đồng. Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, UBND thành phố Cà Mau chỉ đạo tuyên truyền vận động người dân tuân thủ nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch, nếu nhiễm Covid-19 phải khai báo kịp thời; vận động đám tiệc ở các hộ gia đình tổ chức quy mô vừa phải, hạn chế tập trung quá đông người. Đảm bảo quản lý chặt đối tượng F0, F1 tại nhà, hỗ trợ bệnh nhân điều trị chuyển tuyến kịp thời nếu có dấu hiệu chuyển biến nặng”.

Giám đốc Sở Y tế tỉnh Nguyễn Văn Dũng đề nghị: “Các cấp, các ngành, đoàn thể đặc biệt là chính quyền địa phương cần tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền người dân tuân thủ nghiêm thông điệp 5K, đặc biệt, nếu người dân có biểu hiện sốt, ho, khó thở… phải tự thực hiện test nhanh Covid-19. Nếu phát hiện trường hợp dương tính phải báo ngay cho cơ sở y tế gần nhất, tuyệt đối không được dấu bệnh, tự ý điều trị, vì trong trường hợp diễn biến nặng sẽ rất nguy hiểm. Ngành y tế chủ động hướng dẫn, theo dõi và cấp các túi thuốc cho F0 điều trị tại nhà. Trạm Y tế xã, phường, thị trấn hỗ trợ tư vấn hướng dẫn kê đơn thuốc cho F0. Các Trạm Y tế, tổ Covid cộng đồng theo dõi quản lý chặt các đối tượng F0, F1 tại nhà, đảm bảo chuyển tuyến điều trị kịp thời các F0 trở nặng”.

Theo quy định tại Điều 47 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007 khi có dịch, người mắc bệnh dịch hoặc người phát hiện trường hợp mắc bệnh dịch hoặc nghi ngờ mắc bệnh dịch phải khai báo cho cơ quan y tế gần nhất trong thời gian 24 giờ, kể từ khi phát hiện bệnh dịch. Bên cạnh đó, căn cứ Khoản 3 Điều 8 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007 thì hành vi “Che giấu, không khai báo hoặc khai báo không kịp thời các trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm theo quy định của pháp luật” thuộc một trong những hành vi bị nghiêm cấm. Nếu người mắc bệnh dịch hoặc nghi ngờ mắc bệnh dịch không tuân thủ việc khai báo y tế theo các quy định trên thì có thể bị xử phạt vi phạm hành chính đến 20 triệu đồng. Ngoài ra, hành vi không khai báo y tế dẫn đến gây hậu quả làm lây lan dịch bệnh có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm cho người (Điều 240 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Chính vì thế việc chủ động khai báo y tế là trách nhiệm của mỗi người, mỗi gia đình. Đây được xem là kênh thông tin kịp thời, hiệu quả để cơ quan chức năng có thể đánh giá đầy đủ tình hình dịch bệnh, nhằm đưa ra các giải pháp hiệu quả từ sớm, từ xa góp phần ngăn chặn dịch bệnh lây lan rộng.

BBT

Từ khóa » Cách Khai Báo Y Tế Khi Bị Fo