Chủ động Phòng Dịch COVID 19 Tại Các Bến đò Ngang - Báo Ninh Bình

Theo các chủ đò tham gia chở đò ngang sông Đáy, khu vực giáp ranh giữa xã Khánh Cường (huyện Yên Khánh) với xã Trực Mỹ, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định, thời điểm sau đợt dịch COVID-19 thứ 4 xuất hiện, khách đi đò đã giảm đáng kể so với thời điểm trước đó. Các chủ đò cho biết, mặc dù lượng khách đi đò giảm, nhưng công tác phòng dịch vẫn được thực hiện nghiêm theo quy định.

Bà Bùi Thị Bẩy, chủ một đò xã Khánh Cường (huyện Yên Khánh) cho biết: Cùng với yêu cầu khách đi đò qua sông thực hiện nghiêm các biện pháp an toàn đường thủy như đi đủ số lượng người, phương tiện, mặc áo phao đúng quy định, đảm bảo an toàn... Các biện pháp phòng dịch bệnh COVID-19 cũng được người lái đò, phục vụ đò nhắc nhở khách thực hiện nghiêm. Như đeo khẩu trang, sát khuẩn tay, đứng giãn cách, không tiếp xúc, nói chuyện gần giữa người với người..., hạn chế thấp nhất nguy cơ lây lan dịch bệnh nếu có.

Anh Trần Văn Toàn, xã Trực Mỹ, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định cho biết, anh cũng như tất cả khách đi đò đều đồng tình và thực hiện nghiêm các biện pháp phòng dịch bệnh COVID-19. Mặc dù xã Trực Mỹ hiện chưa có ca bệnh, nhưng tỉnh Nam Định đã có các ca bệnh trong cộng đồng ở một số xã trong tỉnh. Do đó, bản thân anh và mọi người đều nâng cao cảnh giác, hạn chế đi lại. Khi đi đò sang huyện Yên Khánh có việc đều thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng dịch, giữ an toàn cho mình và cộng đồng.

Tại bến đò Tam Tòa, xã Khánh Trung (huyện Yên Khánh), giáp với xã Nghĩa Trung, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định là bến đò thường xuyên có lượng khách đi - về khá đông, do nhu cầu đi lại, giao thương buôn bán giữa 2 vùng đã có từ lâu đời. Lực lượng chức năng xã Khánh Trung thường xuyên có mặt để kiểm tra, nhắc nhở lái đò, khách qua sông thực hiện nghiêm các quy định về phòng chống dịch bệnh.

Ông Vũ Mạnh Thắng, Trạm Y tế xã Khánh Trung (huyện Yên Khánh) cho biết: Ngay khi dịch bệnh xuất hiện trở lại, đặc biệt khi tỉnh Nam Định xuất hiện ca bệnh, xã Khánh Trung đã yêu cầu chủ đò thành lập chốt kiểm dịch, có người túc trực đo thân nhiệt, nhắc nhở và yêu cầu khách đeo khẩu trang, sát khuẩn tay và giữ khoảng cách... Đồng thời, xã cũng yêu cầu chủ bến đò, nếu lượng khách quá đông, cần tăng chuyến để đảm bảo yêu cầu về giữ khoảng cách cho những người đi đò.

Bà Đào Thị Phương, Phó Chủ tịch UBND xã Khánh Trung (huyện Yên Khánh) cho rằng, việc thành lập chốt kiểm dịch tại bến đò nhằm theo dõi được lượng người đi, đến và các trường hợp nghi ngờ để có biện pháp xử lý kịp thời. Theo đó, xã yêu cầu chủ đò phải chấp hành nghiêm các quy định về phòng dịch, như chỉ cho khách đeo khẩu trang xuống đò, thực hiện đo thân nhiệt với tất cả các trường hợp đi đò, nếu có trường hợp sốt cao, cần đưa ngay về Trạm y tế xã để theo dõi, cách ly…

Theo các chủ đò, cùng với việc chủ động phòng dịch tại các bến đò, trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, hầu hết khách đi đò đều thực hiện nghiêm các biện pháp phòng dịch, bởi ai cũng ý thức rõ sự nguy hiểm của dịch bệnh COVID-19. Trong quá trình di chuyển, người phục vụ và khách đi đò đều hạn chế tiếp xúc, đeo khẩu trang đầy đủ. Nói chung, qua các đợt dịch bệnh, đặc biệt sự nguy hiểm của dịch bệnh lần này, ý thức của mỗi người dân đều được nâng lên. Ai cũng có suy nghĩ, thực hiện nghiêm quy định phòng dịch không chỉ đảm bảo an toàn cho mình, mà còn cho cả cộng đồng.

Theo báo cáo của cơ quan chức năng, hiện toàn tỉnh có 39 bến đò ngang, với 52 phương tiện chở khách, hàng hóa. Thời gian qua, lực lượng chức năng, các xã có bến đò và những người chủ đò đều đã quan tâm, triển khai thực hiện nghiêm các giải pháp đảm bảo an toàn trong phòng chống dịch COVID-19 cho các chuyến đò, phà ngang sông.

Quy định của Bộ Y tế, bắt buộc đeo khẩu trang nơi công cộng như các nhà hàng, bến đò, chợ, siêu thị… là những nơi tập trung đông người. Việc đeo khẩu trang trong phòng dịch bệnh COVID-19 là rất cần thiết, làm giảm đáng kể các giọt bắn lớn, văng vào mặt người tiếp xúc, từ đó giảm nguy cơ lây nhiễm bệnh giữa người với người, hạn chế vi rút nhiễm bệnh lây nhiễm trong không khí và các bề mặt tiếp xúc, có thể lây lan cho người khác.

Đặc biệt, khi tỉnh Nam Định và các tỉnh giáp với Ninh Bình đều đã xuất hiện ca bệnh COVID-19, việc thực hiện nghiêm các biện pháp phòng dịch càng phải được quan tâm, chú trọng. Trong đó, việc thực hiện nghiêm quy định 5K của Bộ Y tế là một trong những biện pháp hữu hiệu trong công tác phòng chống dịch, góp phần đáng kể cho việc bảo vệ bản thân an toàn và cộng đồng an toàn.

Trước thực tế dịch bệnh trong nước tiếp tục có những diễn biến phức tạp, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ phòng dịch song song với phát triển kinh tế, đảm bảo đời sống người dân, các cấp chính quyền vùng giáp ranh cần tuyên truyền mạnh mẽ hơn nữa đến từng người dân, để mỗi người cần nâng cao ý thức trong phòng dịch, hạn chế đến nơi đông người, thực hiện nghiêm túc việc đeo khẩu trang và các biện pháp phòng dịch khác như rửa tay, sát khuẩn thường xuyên..., góp phần hạn chế dịch bệnh xuất hiện, lây lan và bùng phát trong cộng đồng.

Bài, ảnh: Đức Bá

Từ khóa » đò 10 Ninh Bình