Chủ động Phòng Ngừa Cháy, Nổ Khi Cao điểm Nắng Nóng

Lấy phòng để tránh Quy định mới về bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc

Nguy cơ gia tăng cháy nổ mùa nắng nóng

Thời gian gần đây, liên tiếp những vụ cháy nổ xảy ra trên địa bàn Hà Nội với hậu quả nặng nề đã tiếp tục gióng lên hồi chuông cảnh báo về hiểm họa cháy nổ. Đây thời điểm Thủ đô đang bước vào mùa hè nắng nóng, nguy cơ cháy nổ được dự báo gia tăng. Mới đây, Công an quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) thông tin, lực lượng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu hộ cứu nạn (PCCC&CHCN) Công an quận đã kịp thời cứu 4 người thoát khỏi đám cháy lúc rạng sáng tại phường Quỳnh Mai.

Theo cơ quan chức năng, vào 4h15 ngày 27/6, đơn vị này được tin báo cháy từ trung tâm điều hành chỉ huy chữa cháy 114 xảy cháy tại nhà dân, địa chỉ: Số 53 ngõ 103 phố 8/3 phường Quỳnh Mai (quận Hai Bà Trưng); lúc này trong nhà còn 4 người trong một gia đình bị mắc kẹt. Nhận được tin báo, Công an quận Hai Bà Trưng đã điều động 2 xe chữa cháy, cùng 15 cán bộ chiến sĩ chữa cháy nhanh chóng có mặt tại hiện trường, tổ chức chữa cháy và triển khai cứu 4 người trong gia đình thoát nạn an toàn. Đến 4h40, đám cháy được dập tắt hoàn toàn, sức khỏe 4 người được cứu ổn định bình thường.

Chủ động phòng ngừa cháy, nổ khi cao điểm nắng nóng
Thời gian qua, lực lượng chức năng đã tổ chức nhiều buổi tuyên truyền, nâng cao ý thức người dân trong công tác phòng, chống cháy nổ.

Trước đó, chỉ riêng trong ngày 19/6, tại Hà Nội đã xảy ra liên tiếp 2 vụ cháy. Vụ việc đầu tiên xảy ra vào 22h27, Trung tâm chỉ huy Công an Thành phố nhận được tin báo xảy ra cháy nhà dân (kết hợp may mặc) tại địa chỉ số 2/629 Giải Phóng, phường Giáp Bát (quận Hoàng Mai). Nhận định đám cháy gây ra ngọn lửa lớn tiêu hủy toàn bộ vật dụng tại tầng 3 và tum ngôi nhà với chất cháy chủ yếu là vải, vải vụn và vật dụng sinh hoạt, các mũi chữa cháy đã nhanh chóng tổ chức phun giảm áp từ tầng 2 và các khu nhà xung quanh để khoanh vùng đám cháy. Thông tin ban đầu, đám cháy xuất phát từ tầng 3 của ngôi nhà cao 3 tầng một tum, diện tích xây dựng 30m2/1 tầng. Đám cháy làm cháy toàn bộ vật dụng tại tầng 3 và tum. Nhờ được khống chế kịp thời, đám cháy không cháy lan sang các nhà lân cận đồng thời không gây thiệt hại về người.

Một vụ hoả khoạn khác xảy ra tại phường Hàng Bạc, quận Hoàn Kiếm. Cụ thể, khoảng 3h24 ngày 19/6, nhận tin báo cháy tại nhà dân có địa chỉ số 64 phố Cầu Gỗ, phường Hàng Bạc, Công an quận Hoàn Kiếm đã khẩn trương điều động 1 xe chỉ huy, 2 xe chữa cháy tới hiện trường. Nhận định khu vực cháy xảy ra tại phòng ngủ tầng 2 nhà dân, cao 4 tầng diện tích khoảng 20m2, có 2 người còn kẹt bên trong, các chiến sĩ cảnh sát chữa cháy với trang bị bảo hộ đã lao vào đám cháy, kịp thời cõng các nạn nhân bị kẹt đến khu vực an toàn. Khoảng 20 phút sau đám cháy được dập tắt hoàn toàn, không gây thiệt hại về người…

Nâng cao ý thức và kiến thức

Trước thực trạng các vụ việc cháy nổ còn phức tạp, đặc biệt là trong mùa nắng nóng, nhiều ý kiến cho rằng các cơ quan chức năng cần tiếp tục tăng cường tuyên truyền, đổi mới hình thức tuyên truyền để nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân trong phòng cháy chữa cháy. Bên cạnh đó, lực lượng phòng cháy chữa cháy cần nâng cao tinh thần chủ động, đảm bảo các phương án cứu hộ, cứu nạn hiệu quả, khi sự cố xảy ra. Cần phát huy vai trò của cộng đồng trong việc phòng ngừa và xử lý sự cố cháy nổ.

Với tinh thần đó, thời gian qua, nhiều địa phương trên địa bàn Thành phố đã xây dựng, triển khai hiệu quả các mô hình phòng chống cháy nổ. Điển hình là các mô hình: “Đội Phòng cháy chữa cháy cơ động tình nguyện phường Dịch Vọng Hậu” (quận Cầu Giấy); “Triển khai lắp đặt phương tiện chữa cháy công cộng tại các ngõ sâu” (quận Hoàn Kiếm); mô hình “Tổ Phòng cháy chữa cháy sử dụng xe ba gác chữa cháy lưu động tại xã Hữu Bằng” (huyện Thạch Thất)…

Các chuyên gia khuyến cáo: Hiện nay, Hà Nội đang trong cao điểm nắng nóng, nguy cơ cháy nổ tiềm ẩn rất lớn. Vào mùa hè lượng tiêu thụ điện tăng vọt dễ dẫn tới quá tải hệ thống điện trong mỗi gia đình khiến nguy cơ xảy ra chập cháy hiện hữu, đặc biệt là hộ gia đình, nhà ở kết hợp kinh doanh trong khu dân cư. Bởi vậy, người dân cần tuân thủ nghiêm về công tác phòng cháy chữa cháy, đặc biệt lưu ý hệ thống thiết bị tiêu thụ luôn phải đảm bảo đồng nhất với hệ thống dây dẫn và có lắp đặt công tắc ngắt tự động khi có sự cố chập điện.

Bên cạnh đó, thời gian qua, để hạn chế việc xảy ra cháy, nổ, hỏa hoạn, lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH trên địa bàn Thành phố đã đẩy mạnh tuyên truyền và tăng cường kiểm tra, hướng dẫn đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy, để mỗi người dân, doanh nghiệp cần có ý thức nâng cao, chủ động phòng ngừa nhằm tự bảo vệ tính mạng, tài sản của mình.

Từ đầu năm đến nay, lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH đã phối hợp với các đơn vị liên quan đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, huấn luyện cho lực lượng phòng cháy chữa cháy cơ sở ở các cơ quan, đơn vị, và người dân về những kiến thức pháp luật cần thiết, kỹ năng thoát nạn, cứu nạn, cứu hộ, chữa cháy để huy động sức mạnh toàn dân.

Qua các buổi tập huấn, lực lượng cơ sở đã được bổ sung và nâng cao hơn nữa các kiến thức cơ bản, đồng thời thành thạo trong xử lý tình huống cháy, nổ khi mới phát sinh. Có thể thấy, chỉ cần thêm một người hiểu biết về phòng cháy chữa cháy thì sẽ bớt đi thảm họa và thiệt hại do cháy, nổ gây ra, từ đó nâng cao ý thức, góp phần xây dựng quần chúng nhân dân đảm bảo an ninh trật tự, an toàn phòng cháy chữa cháy tại các cơ sở.

Điển hình như: Tuyên truyền các biện pháp phòng cháy, chữa cháy và kỹ năng thoát hiểm, đưa người bị nạn ra ngoài cho hộ kinh doanh, hộ gia đình, trên địa bàn phường Phú Lương (quận Hà Đông); tuyên truyền, tập huấn nghiệp vụ phòng cháy chữa cháy cho trên 250 báo cáo viên, tuyên truyền viên (huyện Thanh Trì); diễn tập phương án phòng cháy chữa cháy tại trường Đại học FPT (huyện Thạch Thất)…

Có thể thấy, nâng cao ý thức phòng chống cháy nổ để người dân phòng hỏa hơn cứu hỏa là một biện pháp hạn chế tình trạng cháy nổ góp phần đảm bảo an ninh trật tự, phục vụ phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn Thành phố. Bên cạnh đó, công tác phòng cháy chữa cháy có hiệu quả hay không phụ thuộc vào việc triển khai thực hiện phương châm “4 tại chỗ” bao gồm: Chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ. Vì vậy, để tổ chức các hoạt động phòng cháy chữa cháy, ngăn ngừa tối đa các sự cố về cháy, nổ cũng như chủ động trong phòng cháy chữa cháy thì vai trò của người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, nơi sản xuất, kinh doanh... là rất quan trọng.

Ngoài ra, chủ đầu tư các khu chung cư, người đứng đầu, quản lý cơ sở kinh doanh… cần chú trọng và luôn quan tâm đến công tác phòng cháy chữa cháy, bởi đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng, mang tính sống còn. Từ đó, tuyên truyền, nâng cao trách nhiệm của các cán bộ, nhân viên trong đơn vị. Hàng năm, các đơn vị cũng cần phải kiểm tra lại hệ thống các thiết bị phòng cháy chữa cháy, bảo trì bảo dưỡng thiết bị, để kịp thời sửa chữa và thay thế. /.

Từ khóa » Nổ Cháy