Chữ Kanji Là Gì? Những Thông Tin Thú Vị Về Kanji

Home » Cách học tiếng Nhật » Chữ kanji là gì? Những thông tin thú vị về Kanji

Chữ kanji là gì? Những thông tin thú vị về Kanji

Khi mới bắt đầu học tiếng Nhật, các bạn sẽ được tiếp xúc với bảng chữ cái và làm quen với bộ chữ Kanji. Bảng chữ cái có số lượng giới hạn vừa đủ, do đó các bạn sẽ không gặp khó khăn trong việc ghi nhớ. Tuy nhiên Kanji thì khác. Những câu hỏi như, Kanji là gì, tại sao phải học Kanji? Cách học Kanji hiệu quả? Số lượng chữ Kanji là bao nhiêu? v…v… Chắc hẳn sẽ có không ít bạn thắc mắc như vậy. Trong bài viết sau đây, mời các bạn cùng tìm hiểu và giải đáp những câu hỏi trên cùng Tự học online nhé!

Kanji là gì, tại sao phải học Kanji?

Chữ Kanji là gì?

Mục lục :

  • 1 Chữ Kanji là gì?
  • 2 Tại sao phải học chữ Kanji?
  • 3 Số lượng Kanji trong tiếng Nhật là bao nhiêu?
  • 4 Đặc điểm của Kanji trong tiếng Nhật
    • 4.1 Kanji tiếng Nhật khác biệt với chữ Hán trong tiếng Trung
    • 4.2 Chữ Kanji cũ và Kanji mới
    • 4.3 Kanji ghép cùng ký tự đặc biệt
    • 4.4 Kanji chuẩn và Kanji biến thể
  • 5 Cách phát âm Kanji
    • 5.1 Âm On là gì ?- 音読み onyomi
    • 5.2 Âm Kun là gì – 訓読み kunyomi
    • 5.3 Cách phát âm khác
  • 6 Cách viết Kanji – quy tắc viết chữ Kanji
  • 7 Một số cách học Kanji hiệu quả?
  • 8 Kanji đối với người Nhật
  • 9 Chữ Kanji nhiều nét nhất

Chữ Kanji (漢字) hay Hán tự chính là một hệ thống chữ tượng hình có nguồn gốc từ Trung Quốc. Bên cạnh hai bộ chữ cái Hiragana và Katakana thì Kanji chính là một phần quan trọng cấu thành nên tiếng Nhật.

Các câu văn với hỗn hợp những ký tự Hiragana, Katakana và Kanji đã tạo nên sự khác biệt hoàn toàn giữa tiếng Nhật hiện đại với tiếng Trung. (Tiếng Trung chỉ sử dụng toàn bộ chữ Hán). Theo đó, cách viết, cách phát âm, ý nghĩa của Kanji trong tiếng Nhật cũng có những đổi khác nhất định.

Tại sao phải học chữ Kanji?

Kanji có nguồn gốc từ dân tộc Hán (漢民族 – Kanminzoku) – Trung Quốc. Khoảng vài trăm năm sau sự ra đời của Kanji, hệ thống chữ này bắt đầu du nhập và ảnh hưởng tới ngôn ngữ của Nhật Bản (khoảng thế kỷ thứ 5 sau Công Nguyên) – nơi không có bộ chữ truyền thống riêng.

Sau này, cùng với sự phát triển của dòng lịch sử, ngôn ngữ tiếng Nhật cũng có những thay đổi lớn. Không chỉ riêng Kanji mà tiếng Nhật hiện đại còn có sự xuất hiện của hai bộ chữ cái khác. Đó là Hiragana và Katakana. Mỗi bộ chữ sẽ đảm nhận vai trò riêng và kết hợp lại sẽ tạo thành tiếng Nhật hoàn chỉnh. Bản thân bộ chữ Kanji, với số lượng đồ sộ cùng ý nghĩa và cách phát âm khác nhau chính là lý do khiến nó có tầm quan trọng rất lớn trong tiếng Nhật.

Khi học tiếng Nhật, để hiểu được ý nghĩa và cách đọc của câu và từ có chứa Kanji, trước tiên các bạn sẽ phải ghi nhớ mặt chữ, ý nghĩa và ghi nhớ cả cách phát âm On và Kun. Nói đơn giản, âm On là cách phát âm chữ Kanji đó theo âm Hán. Âm Kun là cách phát âm chữ Kanji đó theo âm thuần Nhật.

Nếu không biết hai cách phát âm này, các bạn sẽ không thể hiểu được ý nghĩa cũng như không thể giao tiếp được bằng tiếng Nhật. Đó là lý do tại sao phải học Kanji.

Số lượng Kanji trong tiếng Nhật là bao nhiêu?

Trong chương trình giáo dục phổ thông, người Nhật được học khoảng hơn 1000 chữ Kanji. Số lượng này sẽ tăng dần theo thời gian, khi học lên các cấp cao hơn. Hiệp hội Văn hóa Nhật Bản cho biết, trong đời sống xã hội nói chung, số lượng chữ Kanji tiêu chuẩn mà người Nhật sử dụng phổ biến là khoảng 2136 ký tự. Tuy nhiên, số lượng này có thể tăng thêm bởi vốn từ Kanji còn tùy thuộc vào phạm vi cuộc sống và lĩnh vực chuyên ngành.

Dù vậy, số lượng chữ Kanji vừa đủ dành cho những người học tiếng Nhật được đưa ra là 1945. Nếu bạn có mục tiêu chinh phục JLPT – kỳ thi năng lực Nhật ngữ thì có thể tham khảo thông tin về số lượng Kanji cần nhớ sau:

N5: 100 chữ Kanji

N4: 300 chữ Kanji

N3: 650 chữ Kanji

N2: 1000 chữ Kanji

N1: xấp xỉ ~ 2000 chữ Kanji

Đặc điểm của Kanji trong tiếng Nhật

Kanji tiếng Nhật khác biệt với chữ Hán trong tiếng Trung

Chắc hẳn sẽ có không ít người mang suy nghĩ rằng: Kanji trong tiếng Nhật là do vay mượn nên toàn bộ chúng đều giống với chữ Hán trong tiếng Trung. Tuy nhiên, sự thật là trong quá trình sáng tạo nên ngôn ngữ, dưới sự ảnh hưởng, du nhập của chữ Hán, người Nhật cũng đã tạo ra những chữ Kanji riêng, không có trong tiếng Trung. Những chữ Kanji này được gọi là 和製漢字 (Wasei kanji – hán tự do người Nhật tạo nên) hoặc 国字 (Kokuji – quốc tự).

Ví dụ: 喰 – く(う) – Ăn, nốc, đớp

畑 – はた / はたけ – Cánh đồng

躾 – しつけ – Sự giáo dục, phép lịch sự

Chữ Kanji cũ và Kanji mới

Một đặc điểm độc đáo nữa, đó là một Kanji được viết dưới hai dạng (hai thể) khác nhau. Những Kanji viết theo dạng cũ được gọi là 旧字体 (Kyuujitai). Và những Kanji viết theo dạng mới được gọi là 新字体 (Shinjitai). Dạng mới này là hình thức các chữ Kanji được đơn giản hóa và sử dụng rộng rãi từ sau năm 1946 cho tới nay.

Ví dụ: Từ [Quốc] (nghĩa: quốc gia, đất nước) có hai cách viết cũ – mới lần lượt là 國 và 国.

Từ [Vi] (nghĩa: bao quanh) có hai cách viết cũ – mới lần lượt là 圍 và 囲.

Kanji ghép cùng ký tự đặc biệt

Một Kanji không chỉ được ghép với một Kanji khác để tạo thành từ mới. Mà có một số ký tự đặc biệt khi đứng cùng chữ Kanji cũng sẽ tạo nên cách phát âm và ý nghĩa mới khác nữa.

Ví dụ1: [1ヶ月 – 1 tháng] bao gồm Kanji 月 (Nguyệt) đứng cùng ヶ (Ke nhỏ trong bảng chữ Katakana). Cách phát âm: ikkagetsu.

Ví dụ 2: [色々 – nhiều] bao gồm Kanji 色 (Sắc) và ký tự 々. Kí tự này giúp ta không cần viết lặp lại chữ Kanji trước đó. Cách phát âm: iroiro.

Kanji chuẩn và Kanji biến thể

Kanji vốn được quy định rất khắt khe trong cách viết, đòi hỏi độ chính xác cao tới từng nét. Tuy nhiên, đối với máy tính có sử dụng bảng mã Unicode thì lại có phát sinh những sai khác về khả năng hiển thị Kanji. Bên dưới là một ví dụ minh họa với bên trái là Kanji tiêu chuẩn và bên phải là Kanji bị biến thể khi gõ văn bản trên máy tính. Hãy để ý sự sai khác về các nét dài – ngắn.

kanji bien the

Như vậy, để luyện viết chính xác, các bạn không nên hoàn toàn dựa theo các mẫu Kanji trong các văn bản mà nên học theo giáo trình Kanji chính thống.

Cách phát âm Kanji

Đây là một trong những yếu tố khiến Kanji trở thành một bộ môn “khó nhằn” đối với người học. Để phát âm chữ Kanji, người ta phải dựa vào 2 âm: âm On (音読み – onyomi) và âm Kun (訓読み – kunyomi). Ngoài ra còn có cách phát âm ngoại lệ khác.

Để phân biệt cách phát âm On và âm Kun, thông thường người ta sẽ dùng chữ Katakana để viết cách phát âm cho âm On. Còn chữ Hiragana được dùng để viết cách phát âm cho âm Kun.

Đôi khi, trong một số văn bản các bạn sẽ thấy phía trên mỗi chữ Kanji sẽ có viết kèm theo những ký tự Hiragana (hoặc Katakana) nhỏ. Mục đích của những ký tự này chính là để chú thích cách phát âm của Kanji đó. Chúng được gọi tên là Furigana.

furigana

Bây giờ, chúng ta sẽ đi tìm hiểu cụ thể về âm On – âm Kun cũng như cách phát âm ngoại lệ nhé!

Âm On là gì ?- 音読み onyomi

Giải thích đơn giản, âm On là cách phát âm một chữ Kanji theo âm Hán. Cách phát âm này dựa trên cách phát âm của chính Hán tự đó trong tiếng Trung. Một từ Kanji có thể có 1 hoặc nhiều hơn 1 âm On. Chẳng hạn, 正 có nghĩa Hán Việt là [Chính]. Từ này có cách phát âm theo âm On là セイ và ショウ.

Vậy, âm On được dùng trong trường hợp nào? Nó được dùng để phát âm những từ được ghép bởi 2 hay nhiều Kanji với nhau.

Ví dụ: 学 [Học] : Có âm On là ガク.

生 [Sinh] : Có âm On là セイ, ショウ.

Khi ghép hai từ này với nhau, trở thành 学生 (học sinh) nó sẽ có cách phát âm là ガクセイ (Gakusei). Đây là cách phát âm ghép từ âm On của 学 và 生 với nhau.

Âm Kun là gì – 訓読み kunyomi

Âm Kun là cách phát âm một từ Kanji theo âm thuần Nhật. Cũng tương tự như âm On, một chữ Kanji có thể có một hoặc nhiều cách đọc theo âm Kun. Chẳng hạn, cũng với từ 正 (Chính), cách phát âm theo âm Kun là: ただ(しい) và ただ(す).

Vậy âm Kun được dùng trong trường hợp nào? Âm Kun được dùng để phát âm một từ có chứa 1 ký tự Kanji duy nhất đi kèm với các ký tự Hiragana (còn gọi là các Okurigana).

Ví dụ: 生まれる (sinh ra, ra đời) có cách phát âm là うまれる (Umareru).

生まれる gồm Kanji 生 [Sinh] và các Okurigana phía sau. Trong đó, 生 có âm Kun là い(きる), う(まれる).

Cách phát âm khác

Có một số Kanji sử dụng kết hợp cả cách phát âm On và Kun. Chúng được gọi là 重箱 (Juubako) hay 湯桶 (Yutou). Chẳng hạn: 名乗り (Nghĩa: ghi danh, gọi tên) có cách đọc là Nanori. Cách đọc này được lấy từ âm On của 名 kết hợp cùng âm Kun của 乗 để tạo ra cách phát âm. Đây là ví dụ cho cách phát âm On – Kun. Ngoài ra, còn có một số từ với cách phát âm Kun – On như 場所 (Basho). Hay Kun – On – On như 合気道 (Aikidou) v…v…

Cách viết Kanji – quy tắc viết chữ Kanji

Kanji là gì, tại sao phải học Kanji?

1. Nét trên -> nét dưới, nét trái -> nét phải

Đây là quy tắc viết Kanji cơ bản nhất trong 9 quy tắc viết Kanji. Chúng ta hãy tìm hiểu quy tắc này với ví dụ với chữ 一 (いち : số 1).

Cách viết chữ KanjiChữ này có 1 nét duy nhất, được kéo từ trái qua phải. Hoặc chữ tiếp theo :

san

Chữ Tam 三 (さん : số 3) có 3 nét. Mỗi nét đều theo quy tắc viết từ trái qua phải, và lần lượt viết từ nét trên rồi xuống nét phía dưới.

Với các chữ có nhiều thành phần ghép lại, các bạn cũng áp dụng quy tắc tương tự. Thành phần (hay bộ thủ) ở trên thì viết trước, kết hợp với bên viết nét bên trái rồi tới nét bên phải.

Ví dụ chữ Tinh 星 (ほし: ngôi sao), có thành phần bên trên là chữ Nhật 日(日: ngày), sẽ được viết trước. Tiếp theo là chứ sinh 生(うまれる:sinh ra) được viết sau.

hoshi 2

2. Nét ngang -> nét dọc

Với những chữ có cả nét ngang và nét dọc, chúng giao nhau thì nét ngang thường được viết trước, nét dọc được viết sau (khi đó bút sẽ kết thúc ở vị trí phía dưới, thỏa mãn quy tắc số 1). Ví dụ chữ 十 (juu : mười) có 2 nét. Chúng ta sẽ viết nét ngang (一) trước, sau đó mới viết nét sổ xuống còn lại.

juu

3. Nét sổ thẳng, nét xuyên ngang chữ được viết sau cùng

Những chữ có 1 nét kéo từ trên xuống dưới, xuyên qua nhiều nét khác, gọi là nét sổ thẳng, chúng sẽ được viết sau cùng. Giống như trong chữ Sự : 事(koto việc, trong : 仕事 – shigoto:công việc).

shigoto 2

Những chữ có nét ngang xuyên qua chữ, ví dụ như chữ Mẫu 母(はは : mẹ), có 1 ngang ở giữa chữ, thực ra chữ này các bạn viết dấu chấm cuối cùng theo quy tắc 1 cũng OK 😀

haha

4. Nét xiên sang trái được viết trước nét xuyên sang phải (phù hợp với quy tắc trái trước phải sau)

Ví dụ chữ 文 (ぶん : Văn), sau khi viết bộ miên (cái nắp úp bên trên). Chúng ta sẽ viết nét sang trái (ノ) trước sau đó mới viết nét sang phải.

bun

5. Với các chữ đối xứng, viết phần ở giữa trước

Ví dụ chữ 承 (trong chữ 承知 – しょうち:hiểu biết), có 2 phần gần như giống nhau và đối xứng nhau. Khi đó ta viết phần chữ bên trong trước, rồi phần đối xứng bên ngoài thì viết bên trái trước, bên phải sau.

shou 1

6. Với phần bao quanh chữ, viết nét dọc từ trên xuống được viết trước tiên

Ví dụ chữ Khẩu 口(くち: miệng), thì nét dọc từ trên xuống ( | ) được viết trước, sau đó mới tới nét kéo sang phải và liền 1 nét xuống dưới. Cuối cùng mới là nét ngang dưới (_) để đóng chữ chữ khẩu.

kuchi 2

7. Phần bao quanh viết trước, phần bên trong viết sau.

Với các chữ có các khung bao quanh (có thể không khép kín như chữ Nguyệt 月). Chúng ta sẽ viết phần bao quanh trước, sau đó mới viết phần bên trong. Ví dụ chữ : 囚 (trong chữ 囚人 しゅうじん : tù Nhân), chúng ta sẽ viết chữ khẩu (口) bên ngoài, sau đó mới viết tới chữ nhân (人) bên trong.

shuu

8. Với phần bao quanh chữ có nét cuối cùng ở dưới đáy chữ, thì nét đáy được viết sau

Ví dụ chữ Đạo 道(みち:con đường), phần chữ 首(くび:cổ) được viết trước, sau đó mới viết phần bao bên ngoài.

quy tắc viết chữ kanji

9. Nét chấm nhỏ được viết sau cùng

Ví dụ chữ 玉 (たま : viên ngọc), thì dấu chấm nhỏ được viết sau cùng.

tama

Như vậy các bạn đã biết đầy đủ các quy tắc viết Kanji – cách viết chữ Kanji rồi. Biết được các quy tắc viết Kanji này, các bạn sẽ không phải nhớ cách viết của từng chữ. Cũng như khi vẽ chữ Kanji để tra cứu hoặc dịch tiếng Nhật bằng hình ảnh sẽ dễ dàng hơn.

Một số cách học Kanji hiệu quả?

Lựa chọn lộ trình học Kanji phù hợp

Nên học từ sơ cấp tới cao cấp. Với người mới học tiếng Nhật, hãy học bám sát giáo trình. Bởi các bài học trong giáo trình sơ cấp đã soạn sẵn cho các bạn kiến thức Kanji phù hợp. Ngoài ra các bạn có thể học theo lộ trình JLPT với các cấp độ tăng dần. N5 -> N4 -> N3 -> N2 -> N1. Mỗi cấp độ này sẽ yêu cầu lượng Kanji nhất định và bạn chỉ cần học đủ số lượng đó.

Học dựa trên sự liên tưởng hình ảnh

Bản chất Kanji là chữ tượng hình. Do đó các bạn có thể nhìn mặt chữ và liên tưởng tới những hình ảnh gợi tả ý nghĩa của chính Kanji đó.

Ví dụ: Cách nhớ chữ Môn: Hình ảnh tương tự như hai cánh cửa.

Kanji là gì? Tại sao phải học Kanji? Cách học Kanji hiệu quả

Kết hợp học nghĩa Hán Việt, âm On và âm Kun

Khi biết nghĩa Hán Việt của chữ Kanji, các bạn sẽ dễ dàng hiểu được quy luật ghép từ để tạo nên một từ ghép với ý nghĩa dễ hiểu. Đồng thời, khi biết âm On – âm Kun các bạn sẽ suy ra được cách đọc của từ đơn – hay từ ghép của Kanji đó.

Ví dụ: 正 có nghĩa Hán Việt là Chính. Âm On: Sei / Shou. Âm Kun: Tada(shii) / Tada(su).

確 có nghĩa Hán Việt là Xác. Âm On: Kaku / Kou. Âm Kun: Tashi(ka) / Tashi(kameru).

Với từ ghép 正確 (Seikaku) ta sẽ dễ dàng hiểu được ý nghĩa của nó là [chính xác].

Ghi nhớ bộ thủ (部首)

Ngoài 3 cách trên, việc ghi nhớ bộ thủ cũng là bí quyết để học Kanji hiệu quả.

Trước hết, về bản chất, Kanji được cấu thành nên là nhờ ghép các bộ chữ nhỏ với nhau. Các bộ chữ nhỏ đó được gọi là các bộ thủ. Dù số lượng Kanji lên tới hàng nghìn, song chúng được tạo thành là nhờ cách ghép như vậy. Có 214 bộ thủ. Do đó các bạn có thể học cách ghi nhớ Kanji dựa vào những bộ thủ này. Học như vậy sẽ đơn giản hóa quá trình ghi nhớ, giúp học mau vào hơn.

Ví dụ: 4 từ 話 (Thoại) – 訂 (Đính) – 語 (Ngữ) – 計 (Kế) đều có chung bộ thủ là 言 (Ngôn). Ghi nhớ các từ có chung bộ thủ sẽ giúp các bạn nhận biết từ dễ dàng hơn.

Ngoài những cách trên, các bạn có thể tham khảo chi tiết hơn ở bài viết: Cách học Kanji hiệu quả.

Kanji đối với người Nhật

Có thể bạn chưa biết, nhưng chính người Nhật cũng cảm thấy “đau đầu” khi học chữ Kanji. Thực tế, có khá nhiều người trưởng thành ở Nhật gặp khó khăn và không biết cách viết những chữ Kanji phức tạp.

Để đề cao tầm quan trọng cũng như khuyến khích mọi người học Kanji, tại Nhật có một Hiệp hội được thành lập với tên gọi Hiệp hội kiểm tra năng lực Kanji Nhật Bản. Mỗi năm 3 lần, họ cho tổ chức kỳ thi 日本漢字能力検定 (Nihon kanji nouryoku kentei) để đánh giá năng lực Kanji của những người ứng tuyển. Kỳ thi này không chỉ để đo lượng kiến thức đọc – viết chữ Kanji mà còn kiểm tra khả năng hiểu ý nghĩa và cách dùng Kanji một cách thích hợp trong câu.

Đây được đánh giá là một kỳ thi mang tầm vóc xã hội. Nó khá được coi trọng đối với ngành giáo dục và với cả các công ty, tập đoàn. Vì với những cá nhân được công nhận năng lực từ một kỳ thi lớn sẽ có ưu thế và được đánh giá cao khi xét tuyển việc làm.

Chữ Kanji nhiều nét nhất

Chữ Kanji nhiều nét nhất được ghi nhận là chữ Taito, daito, hay otodo. Đây là chữ được người Nhật tạo ra với 84 nét. Chữ này bao gồm 3 chữ Vân 雲 và 3 chữ Long 龍 (rồng trong chiến đấu).

Chữ Kanji nhiều nét nhất

Chữ Kanji này được dùng để viết 1 họ của người Nhật. Ngoài ra tại Chiba có một quán mì ramen cũng lấy tên là otodo

quan mi Daito tai Amakubo

Trên đây là toàn bộ lời giải đáp cho những câu hỏi: Kanji là gì, tại sao phải học Kanji? Cách học Kanji hiệu quả? Số lượng chữ Kanji là bao nhiêu? Hi vọng bài viết sẽ là nguồn kiến thức hữu ích giúp các bạn có được nền tảng cơ bản trong việc học tiếng Nhật! Chúc các bạn học tập hiệu quả!

We on social : Facebook - Youtube - Pinterest

Từ khóa » Chữ Nhật Kanji Là Gì