Chú Khỉ 'diễn Xiếc' Trên đường Dây điện ở Bình Thạnh - PLO

Sáng 18-9, nhiều người dân ở đường Nguyễn Công Trứ (phường 19, quận Bình Thạnh) ngạc nhiên khi thấy một chú khỉ đu trên hệ thống dây cáp viễn thông và đường điện hạ thế.

Chị Josie Turnbull (quốc tịch Vương quốc Anh) đang ở tầng hai một căn nhà gần đó liền lấy điện thoại ghi hình. Cô gái ngoại quốc nói rằng chú khỉ dễ thương, không làm phiền một ai nhưng lo sợ nó bị điện giật. “Lúc đó là 8 giờ 15 phút. Chú khỉ treo mình giữa đường dây điện trông giống như những dây nho”- cô nói.

Chú khỉ nhỏ đu trên đường dây điện và cáp viễn thông trên đường Nguyễn Công Trứ (quận Bình Thạnh). Ảnh: Josie Turnbull

Một số người dân miêu tả con khỉ lớn bằng chú chó nhỏ chừng 3,5kg, đuôi dài và có lông màu xám, cực kỳ nhanh nhẹn. Nó được cho là vật nuôi của người phụ nữ bán bò bía trong con hẻm.

Người phụ nữ xác nhận điều này và cho biết, chú khỉ nhỏ được mua lại trên mạng với giá 3,5 triệu đồng. “Tôi mua về nuôi cách đây hơn bốn tháng. Con khỉ nửa năm tuổi được nhốt trong lồng và thường làm bạn với chó” – người phụ nữ nói.

Nhiều người dân thấy chú khỉ hiếu động, lo lắng nên ném đá khi nó tiếp cận các khung cửa sổ. Chú khỉ leo chừng 200 mét hướng về giao lộ đường Nguyễn Công Trứ - Ngô Tất Tố (quận Bình Thạnh) thì mất hút ở ban công của lò bánh mì.

Đại diện Chi cục kiểm lâm TP.HCM cho biết qua vẻ bề ngoài, chú khỉ có tên Việt Nam là khỉ đuôi dài. Đã được đưa vào Sách đỏ Việt Nam 2000 và danh sách các loài cần được bảo vệ của ngành Lâm nghiệp.

Khỉ này có nuôi trong Thảo Cầm Viên và một số cơ sở tư nhân được cấp phép ở ngoại thành TP.HCM. “Việc nuôi nhốt tiềm ẩn nhiều nguy cơ vì khỉ này mang bản năng hoang dã có thể tấn công người. Ngoài ra nó có thể mang các mầm bệnh có thể truyền nhiễm sang người” – vị này cho hay.

Đại diện UBND phường 19 (quận Bình Thạnh) nói rằng đang xác minh nguồn gốc của con khỉ và khi có thông tin chính xác sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng vây bắt để đảm bảo an toàn cho người dân.

Khỉ đuôi dài lông thường có màu từ xám đến nâu đỏ, phía sau cơ thể nhạt hơn. Lông trên đầu mọc hướng về sau. Thường có mào. Mặt có màu hồng. Con đực lớn thường có hai chỏm lông trắng trên miệng ở hai bên như bộ ria. Con cái có lông quanh mồm thưa hơn. Con non sinh ra có màu đen. Đuôi dài và được phủ lông tốt, chiều dài đuôi thường đạt 3/4 hoặc hơn so với chiều dài cơ thể. Phân bố ở Thừa Thiên - Huế trở vào tới Kiên Giang.

Trước đây, loài này còn gặp rất phổ biến ở các khu rừng ở các tỉnh phía Nam từ tỉnh Thừa Thiên - Huế tới tỉnh Kiên Giang trên diện tích ước tính khoảng >5.000km2. Những năm trở lại đây tình trạng của loài thay đổi rõ rệt. Số lượng quần thể giảm mạnh. Số lượng tiểu quần thể hiện nay khoảng 30. Nguyên nhân biến đổi là do: Nơi cư trú bị xâm hại, rừng bị chặt phá, diện tích rừng tự nhiên bị thu hẹp và đây là đối tượng săn bắt để lấy thịt, nấu cao, buôn bán và xuất khẩu.

Loài khỉ này được đưa vào Sách đỏ Việt Nam 2000 và danh sách các loài cần được bảo vệ của ngành Lâm nghiệp (Phụ lục IIB Nghị định 32/2006/NĐ-CP ngày 22/4/2002 của Chính Phủ). Tuy nhiên nhiều nơi đã có chương trình nhân nuôi sinh sản loài này trong một số trại nuôi.

Kinh hoàng bé 14 tháng tuổi bị khỉ cắn rách đầu nguy kịch
(PLO)- Con khỉ xổng chuồng to gấp đôi bé gái ở nhà hàng xóm bất ngờ chạy qua tấn công, cào mặt và cắn ngay đỉnh đầu bé. NGUYỄN TÂN Theo dõi Báo Pháp Luật Tp HCM trên Google News

Từ khóa » Xiếc Dây điện