Chu Kỳ Bán Rã Kiến Thức Và Lý Do Chúng Ta Phải Học Tập Không Ngừng

Nếu đang ở trong trạng thái “ù lì” và không còn động lực học tập, bạn hãy thử đọc bài viết sau. Bởi biết đâu khái niệm “chu kỳ bán rã kiến thức” sẽ làm bạn “bừng tỉnh”, ngồi dậy và tiếp tục hành trình tiếp thu “tinh hoa nhân loại” đầy gian nan.

Chu kỳ bán rã kiến thức không phải là một khái niệm lớn lao hay phức tạp. Khái niệm này chỉ đơn thuần phản ánh bản chất về “vòng đời” của kiến thức mà thôi.

Có thể bạn đang tự tin vì mình đang cầm một tầm bằng đẹp đẽ trên tay. Có thể bạn đang cảm thấy bản thân không cần vội vàng rèn luyện một kỹ năng hay học thêm một kiến thức mới nào đó. Nhưng cũng có thể suy nghĩ này của bạn sẽ thay đổi ngay tức sau khi tìm hiểu về chu kỳ bán rã tri thức – điều khiến bạn phải tự hỏi bản thân rằng, “có phải mình đang quá tự phụ về những kiến thức đã thu nạp được hay không”?

Chu kỳ bán rã kiến thức
Chu kỳ bán rã kiến thức là một lời nhắc nhở về việc học

MỤC LỤC

  • I. Chu kỳ bán rã kiến thức là gì?
  • II. Phải làm sao để hạn chế tác động tiêu cực của chu kỳ bán rã kiến thức?
    • 1. Tiếp thu kiến thức mới thường xuyên và liên tục
    • 2. Tập trung vào những kiến thức nền tảng quan trọng
    • 3. Rèn luyện kỹ năng Deep Work để học hỏi được nhiều kiến thức

I. Chu kỳ bán rã kiến thức là gì?

Chu kỳ bán rã kiến thức (haft-life of knowledge) là khoảng thời gian mà một nửa lượng kiến thức về một vấn đề nào đó mất giá trị và cần được thay mới.

Điều này có nghĩa kiến thức bạn tiếp thu ngày hôm nay sẽ bị lỗi thời sau một thời gian. Nếu không tiếp thu kiến thức mới để thay thế kiến thức cũ, bạn ngay lập tức bị bỏ lại phía sau.

Kiến thức được tạo ra ngày càng nhiều, thông tin có sự thay đổi với tốc độ ngày càng chóng mặt, nên thời gian khiến chúng bị mất giá trị cũng ngày một rút ngắn. Nếu trước kia, một tấm bằng đại học mất khoảng 10 năm để trở nên lỗi thời thì hiện nay, giá trị một tấm bằng cử nhân có thể chỉ mất khoảng 5 năm để biến mất mà thôi.

Chu kỳ bán rã tri thức sẽ khác nhau giữa từng lĩnh vực. Các kiến thức nền tảng, chẳng hạn như một số kiến thức từ thời phổ thông có thể mất 10 – 20 năm mới dần lạc hậu. Thế nhưng với ngành IT, chỉ tốn khoảng 1 – 5 năm, nhiều kiến thức đã không thể sử dụng được nữa rồi.

Như vậy, chu kỳ bán rã kiến thức phản ánh một sự thật rằng, những kiến thức bạn có được ở thời điểm hiện tại đang mất giá qua từng ngày từng giờ. Nếu không muốn bị chính thời đại này đào thải vì không theo kịp tốc độ “update” của tri thức, hay vì không đủ sức cạnh tranh với thế hệ trẻ hơn – thế hệ được tiếp cận với kiến thức và những tiến bộ khoa học kỹ thuật mới nhất, bạn phải học tập không ngừng.

Chu kỳ bán rã tri thức là gì?
Kiến thức sẽ bị lạc hậu theo thời gian

II. Phải làm sao để hạn chế tác động tiêu cực của chu kỳ bán rã kiến thức?

Có một sự thật đáng buồn là, bạn không thể chạy nhanh hơn chu kỳ bán rã kiến thức. Thế nhưng, cũng may mắn là, bạn vẫn có thể rút ngắn khoảng cách giữa kiến thức của bản thân với kiến thức cần được làm mới.

Bên cạnh giữ vững tư tưởng “học, học nữa, học mãi”, bạn nên áp dụng một vài phương pháp sau đây, để chống lại những tác động tiêu cực của chu kỳ bán rã tri thức đối với con đường phát triển của mình:

1. Tiếp thu kiến thức mới thường xuyên và liên tục

Đây chính là chìa khóa then chốt để bạn không bị bỏ lại phía sau. Dù tốt nghiệp với một tấm bằng xuất sắc hay đang sở hữu một công việc “vạn người mơ”, bạn cũng không nên quá tự mãn về điều đó.

Bởi phần lớn kiến thức bạn đã tiếp thu để cầm được tấm bằng tốt nghiệp trên tay sẽ mất đi giá trị sau một vài năm nữa. Đồng thời, mức độ cạnh tranh của thị trường lao động cũng ngày một gay gắt, nên nếu không chịu “update” bản thân, bạn sẽ bị thế hệ sau đánh bại và đào thải.

Dù là ai và đang làm gì, bạn cũng cần học hỏi không ngừng. Theo một phép tính, nếu chu kỳ bán rã tri thức là 10 năm thì bạn phải bỏ ra ít nhất 5 giờ học tập mỗi tuần để “bù đắp” lượng kiến thức đã bị “mất giá”. Con số này sẽ nhiều hơn với những ngành có chu kỳ bán rã tri thức ngắn hơn và với những ai muốn bản thân giỏi giang hơn trước.

Update kiến thức thường xuyên
Chúng ta phải học để hạn chế tác động tiêu cực của chù kỳ bán rã tri thức

Với sự phát triển của Internet như hiện nay, việc học không nhất thiết là phải cắp sách đến trường. Bạn có thể đăng ký những khóa học online, xem những video cung cấp kiến thức bổ ích liên quan đến ngành nghề của bản thân, đọc nhiều sách hơn, trải nghiệm nhiều hơn và ghi chép những thứ mình học được thường xuyên hơn.

Thực ra đây là điều mà ai cũng biết, nhưng không phải ai cũng làm được, bởi cuộc sống luôn tồn tại những thứ mà chúng ta cho rằng nó quan trọng hơn, hấp dẫn và thú vị hơn việc học. Do vậy, tương lai bị thụt lùi hay ngày một tiến xa hoàn toàn phụ thuộc vào sự lựa chọn và nỗ lực của bạn ngày hôm nay.

Tham khảo thêm:

  • Bỏ túi những cách học tốt tiếng Anh lớp 10 giúp bạn luôn đạt điểm cao
  • Cách học tốt tiếng Anh lớp 12: Bí kíp giúp bạn vượt vũ môn dễ dàng

2. Tập trung vào những kiến thức nền tảng quan trọng

Bạn không có đủ thời gian để nhồi nhét vào đầu quá nhiều kiến thức. Bên cạnh đó, mỗi loại kiến thức đều gắn liền với chu kỳ bán rã khác nhau. Để việc học thêm hiệu quả, bạn nên tập trung vào kiến thức nền tảng, cốt lõi, có tính quy luật và hệ thống. Bởi đây chính là những loại kiến thức có chu kỳ bán rã lâu hơn những kiến thức thông thường.

Tương tự với các kỹ năng, bạn nên dành thời gian đầu cho những kỹ năng có mối liên hệ mật thiết với ngành nghề của mình hoặc những kỹ năng mà nghề nào cũng cần đến như giao tiếp, thuyết phục hay tự học. Trước một thời đại với nhiều biến động, những kiến thức nền tảng cùng những kỹ năng quan trọng sẽ là “tấm phao” giúp bạn không bị đuối giữa đại dương tri thức bao la.

Đầu tư vào kiến thức nền tảng
Bạn cần tập trung vào kiến thức và kỹ năng nền tảng

3. Rèn luyện kỹ năng Deep Work để học hỏi được nhiều kiến thức

Ở bài viết Deep Work là gì, mình từng phân tích về kỹ năng đặc biệt quan trọng này rồi nhỉ? Để hạn chế tác động tiêu cực của chu kỳ bán rã tri thức, bạn cần học hỏi nhiều kiến thức, rèn luyện nhiều kỹ năng khác nhau, bao gồm cả những kiến thức liên quan đến các vấn đề hắc búa hay những kỹ năng vốn phức tạp để tiếp thu.

Nếu muốn làm được điều này, Deep Work chính là công cụ đắc lực cho bạn. Ai thành thục kỹ năng “làm việc sâu” sẽ dễ dàng làm chủ con đường học vấn lẫn phát triển sự nghiệp của mình.

Deep Work giúp bạn nâng cao kiến thức và kỹ năng của mình
Deep Work giúp bạn nâng cao kiến thức và kỹ năng của mình

Như vậy, chu kỳ bán rã kiến thức giống như một lời nhắc nhở về tầm quan trọng của việc học. Đây là điều không mới, nhưng nếu đang ở trong “bể chứa ù lì” vì cho rằng mình đã biết đủ, hy vọng bạn có thể suy nghĩ lại rồi bước ra khỏi chiếc bể nhỏ bé này để tiếp tục “vùng vẫy”, vận động và làm mới bản thân!

Từ khóa » Chu Kỳ Bán Rã Tiếng Anh Là Gì