Chu Kỳ Trên Giây – Wikipedia Tiếng Việt
Có thể bạn quan tâm
Chu kỳ trên giây hoặc chu kỳ mỗi giây (tiếng Anh: cycle per second, viết tắt c.p.s, c/s, ~, hoặc đơn giản là chu kỳ) từng là tên gọi phổ biến cho đơn vị tần số hiện được gọi là hertz (Hz). Người ta từng sử dụng thuật ngữ này vì sóng âm thanh có tần số đo được theo số lượng dao động hoặc chu kỳ trong một giây.[1]
Với việc thành lập Hệ thống các đơn vị quốc tế vào năm 1960, chu kỳ mỗi giây đã chính thức được thay thế bằng hertz hoặc giây nghịch đảo, ("s-1" hoặc "1/s"). Đơn vị "chu kỳ trên giây" có ký hiệu "chu kỳ/giây", trong khi hertz có ký hiệu "Hz" hoặc "s-1".[2]
Đối với tần số cao hơn, kilô chu kỳ (kilocycle, kc) là dạng viết tắt của kilô chu kỳ trên giây (kilocycle per second), thường được sử dụng trên các thành phần hoặc thiết bị. Các đơn vị cao hơn khác như mêga chu kỳ (megacycle, Mc) và hiếm hơn là kilô mêga chu kỳ (kilomegacycle, kMc) đã được sử dụng trước năm 1960[3] và trong một số tài liệu sau này.[4] Chúng có các đơn vị tương đương hiện đại như kilôhertz (kHz), mêgahertz (MHz), và gigahertz (GHz).
Tốc độ xảy ra các sự kiện theo chu kỳ hoặc ngẫu nhiên có thể được biểu diễn bằng becquerel (như trong trường hợp phóng xạ), chứ không phải hertz. Mặc dù cả hai đều giống nhau về mặt toán học, nhưng theo quy ước hertz ngụ ý tính đều đặn, trong khi becquerel ngụ ý yêu cầu phép lấy trung bình theo thời gian. Thành thử một becquerel là một sự kiện trung bình trong mỗi giây, trong khi một hertz là một sự kiện trong mỗi giây trên một chu kỳ thông thường.
Chu kỳ cũng có thể là một đơn vị đo mức độ sử dụng các máy pittông, đặc biệt là máy ép, trong trường hợp này chu trình đề cập đến sự quay vòng hoàn chỉnh của cơ chế được đo (tức là trục của động cơ pittông).
Các đơn vị phát sinh bao gồm chu kỳ trên ngày (cycle per day, cpd) và chu kỳ trên năm (cycle per year, cpy).
Tham khảo
[sửa | sửa mã nguồn]- ^ Henry Lee Ewbank, Sherman Paxton Lawton, Projects for Radio Speech: A Manual for the Student (1940), p. 151.
- ^ Taylor, B. N. (2008). International System of Units (SI) (rev., 2008 Ed.). DIANE Publishing. tr. 27. ISBN 9781437915587.
- ^ George Grammer (tháng 1 năm 1933). “Rationalizing the Autodyne”. QST. The 7000- and 14,000-kc. grid coils are wound with No. 18 enameled wire...
- ^ Ronald E. Guentzler (tháng 4 năm 1967). “The "Monode: Noise Generator”. QST. The Monode described here is usable at frequencies below 144 Mc. with slight modification.
Từ khóa » đơn Vị Chu Kì Là Gì
-
Chu Kì Là Gì - Vật Lí Lớp 10
-
Giáo án Vật Lý 11 - Học Kỳ 1 - Tài Liệu - Ebook
-
Đơn Vị Của Chu Kỳ Là Gì
-
Công Thức Chu Kì Dao động điều Hòa - Vật Lý 12
-
Công Thức Xác định Chu Kì Trong Chuyển động Tròn đều.
-
Top 5 Đơn Vị Chu Kì - MarvelVietnam
-
Tần Số Là Gì? Công Thức Tính Tần Số Và Chu Kì Của Dao động điều Hòa
-
Thời Gian Chu Kỳ Là Gì? Phân Loại Và Công Thức Tính Của Thời Gian Chu Kì
-
Trọn Bộ Công Thức Vật Lý 12 Ôn Thi THPT Quốc Gia Chọn Lọc
-
Chu Kỳ - Wiktionary Tiếng Việt
-
Nêu định Nghĩa Chu Kì Và Tần Số Của Dao động điều Hòa. - Tự Học 365
-
Nêu định Nghĩa Chu Kì Và Tần Số Của Dao động điều Hòa. | Tech12h
-
Sự Khác Biệt Giữa Chu Kỳ Và Thời Gian - Sawakinome