“Chủ Nghĩa Cá Nhân” Trong Tác Phẩm Đạo đức Cách Mạng Và Giải ...

Tinh thần đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân trong Đảng, nâng cao uy tín, năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng được Hồ Chí Minh thể hiện rõ trong nhiều tác phẩm về công tác xây dựng Đảng, về rèn luyện, giáo dục đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên, góp phần hình thành tư tưởng lý luận, thực tiễn về công tác xây dựng Đảng và có ý nghĩa đối với xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong giai đoạn hiện nay. Trong đó, tác phẩm “Đạo đức cách mạng” của Người viết vào tháng 12 năm 1958, dưới bút danh Trần Lực, chứa đựng những tư tưởng lớn về đạo đức cách mạng, về chống chủ nghĩa cá nhân.

Chủ tịch Hồ Chí Minh phân tích về nguồn gốc của chủ nghĩa cá nhân, giải thích về sự tồn tại những biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân trong cán bộ, đảng viên, trong các cơ quan đảng và chính quyền của chúng ta. “Từ khi có chế độ của riêng thì xã hội chia thành giai cấp, giai cấp bóc lột và giai cấp bị bóc lột, do đó có mâu thuẫn xã hội, có đấu tranh giữa các giai cấp và từ đó, người nào cũng thuộc vào hoặc giai cấp này hoặc giai cấp khác... Sinh trưởng trong xã hội cũ, chúng ta ai cũng mang trong mình hoặc nhiều hoặc ít vết tích xấu xa của xã hội đó về tư tưởng, về thói quen... Vết tích xấu nhất và nguy hiểm nhất của xã hội cũ là chủ nghĩa cá nhân”(1).

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra, “Chủ nghĩa cá nhân là một kẻ địch hung ác của Chủ nghĩa xã hội. Người cách mạng phải tiêu diệt nó”(2). Nó chính là kẻ thù lớn nhất, nguy hiểm nhất, là cội nguồn của nhiều thứ “giặt bên trong”. Hồ Chí Minh phân tích: “Chủ nghĩa cá nhân đẻ ra trăm thứ bệnh nguy hiểm: quan liêu, mệnh lệnh, bè phái, chủ quan, tham ô, lãng phí... Nó trói buộc, nó bịt mắt những nạn nhân của nó, những người này bất cứ việc gì cũng xuất phát từ lòng tham muốn danh lợi, địa vị cho cá nhân mình, chứ không nghĩ đến lợi ích của giai cấp, của nhân dân”(3). Mỗi chứng bệnh là một kẻ địch. Mỗi kẻ địch bên trong là bạn đồng minh của kẻ địch bên ngoài. Địch bên ngoàikhông đáng sợ. Địch bên trong đáng sợ hơn, vì nó phá hoại từ trong phá ra.

Chủ nghĩa cá nhân gây ra nguy hại lớn về biểu hiện xa rời quần chúng nhân dân của cán bộ, đảng viên, làm giảm sút niềm tin của nhân dân đối với Đảng, được Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra: “Chủ nghĩa cá nhân đang ám ảnh một số đồng chí. Họ tự cho mình cái gì cũng giỏi, họ xa rời quần chúng, không muốn học hỏi quần chúng mà chỉ muốn làm thầy quần chúng. Họ ngại làm việc tổ chức, tuyên truyền và giáo dục quần chúng. Họ mắc bệnh quan liêu, mệnh lênh. Kết quả là quần chúng, không tin, không phục, càng không yêu họ. Chung quy là họ không làm nên trò trống gì”(4)

Theo Hồ Chí Minh, chủ nghĩa cá nhân hoàn toàn trái ngược với đạo đức cách mạng, “chủ nghĩa cá nhân là một thứ rất gian giảo, xảo quyệt; nó khéo dỗ dành người ta đi xuống dốc. Mà ai cũng biết rằng xuống dốc thì dễ hơn lên dốc”(5). Người coi việc chống chủ nghĩa cá nhân là việc làm cần thiết, thường xuyên, kiên quyết, lâu dài và gian khổ, không kém cuộc đấu tranh chống kẻ thù ngoại xâm, vì tư tưởng Cộng sản chủ nghĩa phải rèn luyện gian khổ mới có được. Còn tư tưởng cá nhân thì cũng như cỏ dại, sinh sôi, nảy nở rất dễ. Tuy nhiên, Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân không phải là dày xéo lên lợi ích cá nhân... Nếu những lợi ích cá nhân đó không trái với lợi ích của tập thể thì không phải là xấu. Chống chủ nghĩa cá nhân là để giải phóng con người khỏi những thói hư, tật xấu của chính mình, vì sự tiến bộ của mỗi con người. Tất cả vì con người là bản chất của Chủ nghĩa Cộng sản”(6).

Chủ tịch Hồ Chí Minh, chỉ ra rằng muốn chống chủ nghĩa cá nhân thì mỗi cán bộ đảng viên phải biết thật thà tự phê bình và thành khẩn phê bình đồng chí khác để cùng nhau tiến bộ. Người khẳng định: “Nếu đảng viên sai lầm thì sẽ đưa quần chúng đến sai lầm, cho nên khi sai lầm thì các đồng chí ấy sẵn sàng và kịp thời sửa chữa, không để nhiều sai lầm nhỏ cộng thành sai lầm to”(7). Bởi thực tế như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra “có một số ít đảng viên bị chủ nghĩa cá nhân trói buộc mà trở nên kiêu ngạo, công thần, tự cao tự đại. Họ phê bình người khác mà không muốn người khác phê bình họ; không tự phê bình hoặc tự phê bình một cách không thật thà, nghiêm chỉnh. Họ sợ tự phê bình thì sẽ mất thể diện, mất uy tín. Họ không lắng nghe ý kiến của quần chúng. Họ xem khinh những cán bộ ngoài Đảng. Họ không biết rằng: có hoạt động thì khó mà hoàn toàn tránh khỏi sai lầm. Chúng ta không sợ sai lầm, chỉ sợ phạm sai lầm mà không quyết tâm sửa. Muốn sửa chữa cho tốt thì phải sẵn sàng nghe quần chúng phê bình và thật thà. Không chịu nghe phê bình và không tự phê bình thì nhất định lạc hậu, thoái bộ. Lạc hậu và thoái bộ thì sẽ bị quần chúng bỏ rơi. Đó là kết quả tất nhiên của chủ nghĩa cá nhân”(8)

Vận dụng tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, trong thời gian qua Đảng ta đã ban hành nhiều Nghị quyết cấp bách để xây dựng Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh phù hợp với từng thời kỳ, giai đoạn. Nước ta trải qua thời chiến cũng như thời bình; từ nền kinh tế tập trung quan liêu bao cấp chuyển sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; qua giai đoạn khép kín hệ thống và giai đoạn chuyển đổi sang hội nhập quốc tế, tất cả các giai đoạn đều xuất hiện chủ nghĩa cá nhân và trong mỗi thời kỳ chủ nghĩa cá nhân lại có những biểu hiện khác nhau với những mức độ khác nhau. Trong giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế hiện nay, chủ nghĩa cá nhân càng bộc lộ rõ. Trong những năm qua, quá trình đấu tranh với những tác động của mặt trái kinh tế thị trường và âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch cũng chính là quá trình đấu tranh với chủ nghĩa cá nhân. Chính vì vậy, bên cạnh mục tiêu phát triển kinh tế, chúng ta càng phải coi trọng việc giữ gìn các giá trị đạo đức cách mạng, đề cao chống chủ nghĩa cá nhân trong cán bộ, đảng viên. Đây là yêu cầu cơ bản, thường xuyên và cấp bách.

Trong giai đoạn hiện nay, biểu hiện của Chủ nghĩa cá nhân trước hết ở lối sống buông thả, hưởng thụ vì lợi ích cá nhân vị kỷ, tìm mọi cách, bằng mọi giá thực hiện cho bằng được ý đồ cá nhân, coi tập thể, tổ chức, coi sự thành bại của công việc ở dưới lợi ích cá nhân. Trên cơ sở tư tưởng Hồ Chí Minh về “chống chủ nghĩa cá nhân”, nhiều Đại hội và Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng nhận diện và xác định rõ những nguy cơ của đất nước, trong đó có “giặt bên trong”. Hội nghị Trung ương 4 khóa XII ban hành Nghị quyết về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn ngừa, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Lần đầu tiên Ban Chấp hành Trung ương Đảng chỉ cụ thể 27 biểu hiện của sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, giúp cho mỗi cán bộ, đảng viên tự soi mình, làm cơ sở đấu tranh phê bình và tự phê bình trong Đảng, nhận diện và xử lý những tập thể và cá nhân vi phạm, đồng thời làm căn cứ xây dựng tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ. Đó là sức sống, sự cụ thể hóa, sự lan tỏa của tư tưởng Hồ Chí Minh về chống chủ nghĩa cá nhân, thể hiện tầm nhìn chiến lược của Người.

Trong thời gian qua, với quyết tâm chính trị cao của Đảng, công cuộc chống “kẻ thù bên trong” đã đạt được những kết quả cụ thể với bước đi vững chắc, thể hiện ở việc phát hiện và xử lý nghiêm khắc đối với những cá nhân vi phạm, không có vùng cấm. Đặc biệt, Văn kiện Đại hội XIII của Đảng nêu rõ “Ngay từ đầu nhiệm kỳ, Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đã nhận diện 27 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống “”tự diễn biến” “tự chuyển hóa” trong nội bộ”(9). Đồng thời, từng bước đấu tranh, đẩy lùi một bước chủ nghĩa cá nhân với những căn bệnh của nó, như: cơ hội, thực dụng, quan liêu, tham nhũng, lãng phí, sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, tham vọng quyền lực, chạy chức, chạy quyền, lợi ích nhóm, cục bộ, địa phương, vô cảm; những tiêu cực trên các lĩnh vực quốc phòng, an ninh, giáo dục, y tế, đất đai, quy hoạch, xây dựng… ở một số cán bộ, đảng viên, nhất là những đảng viên có chức, có quyền. Trong đấu tranh đã không có vùng cấm, không có ngoại lệ; việc xây dựng Đảng về đạo đức được coi trọng, kết hợp chặt chẽ giữa “xây” và “chống”. “Công tác xây dựng Đảng về đạo đức được đề cao, góp phần rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, thực dụng, “lợi ích nhóm”, những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống”(10).

Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng “trên nóng, dưới nguội”, hiệu quả chưa cao, như Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII của Đảng chỉ rõ: “Nhiều cán bộ, đảng viên, trong đó có người đứng đầu chưa thể hiện tính tiên phong, gương mẫu; còn biểu hiện quan liêu, cửa quyền, chưa thực sự sâu sát thực tế, cơ sở...Tự phê bình và phê bình nhiều nới mang tính hình thức; vẫn còn tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm; một số cán bộ, đảng viên thiếu tự giác nhận khuyết điểm và trách nhiệm của mình trong công việc được giao...Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên chưa bị đẩy lùi, có mặt, có bộ phận còn tinh vi, phức tạp hơn; tham nhũng, lãng phí, tiêu cực vẫn còn nghiêm trọng, tập trung vào số đảng viên có chức vụ trong bộ máy nhà nước”(11). Điều đó chứng tỏ cuộc chiến đấu chống “kẻ thù bên trong” vẫn còn cam go và đòi hỏi sự phấn đấu, kiên trì, bền bỉ, quyết liệt hơn nữa.

Để đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, trong thời gian tới chúng ta cần tập trung vào một số giải pháp như sau:

Một là, các cấp ủy đảng tăng cường giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao nhận thức cho mỗi cán bộ, đảng viên về mục tiêu, lý tưởng cách mạng của mà Đảng và chủ tịch Hồ Chí Minh đã lựa chọn. Mỗi cán bộ, đảng viên có kế hoạch học tập, không ngừng nâng cao trình độ lý luận chính trị, kiến thức và năng lực hoạt động thực tiễn, thường xuyên rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng, tư cách đảng viên; khắc phục mọi biểu hiện cơ hội, thực dụng, chủ nghĩa cá nhân, mô hồ mất cảnh giác, giảm sút ý chí chiến đấu và những biểu hiện sa sút về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Mỗi cán bộ, đảng viên không ngừng tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng, thực sự là tấm gương về phẩm chất đạo đức, lối sống.

Hai là, giữ vững các nguyên tắc tổ chức sinh hoạt Đảng, phát huy dân chủ trong Đảng, tự phê bình và phê bình. Thực hiện nghiêm Nghị quyết Đại hội XII, Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII của Đảng. Yêu cầu các tổ chức đảng khi tiến hành tự phê bình và phê bình phải nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nhất là những mặt hạn chế, yếu kém, không nể nang, né tránh; đề ra các biện pháp khắc phục, sửa chữa thiết thực, khả thi; kết hợp “xây và chống”, nói đi đôi với làm, tập trung giải quyết những vấn đề bức xúc, trì trệ hiện nay.

Ba là, phát huy vai trò của Nhân dân, các cơ quan dân cử, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân, các phương tiện thông tin đại chúng trong việc giám sát cán bộ, công chức, có cơ chế để nhân dân tham gia vào công tác xây dựng Đảng, kịp thời khen thưởng những cá nhân, cơ quan báo chí đã tích cực đấu tranh, phê phán những hành động sai trái, góp phần phát hiện, đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, phòng chống những biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân.

Bốn là, xây dựng quy chế làm việc, xác định rõ quyền hạn, trách nhiệm của từng cá nhân, tổ chức, làm tốt công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát, sơ tổng kết, rút kinh nghiệm gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị. Thực hiện việc kiểm soát quyền lực của của cán bộ, công chức đặc biệt là những người đứng đầu theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII và Quy định số 08-Qđi/TW của Ban Chấp hành Trung ường về trách nhiệm nêu gương của cán bộ đảng viên.

Năm là, xử lý kịp thời, nghiêm minh, công khai những cán bộ, đảng viên dù ở cương vị nào vi phạm tư cách thoái hóa biến chất về đạo đức, lối sống, những phần tử cơ hội, bất mãn, gây mất đoàn kết nội bộ trong Đảng, vi phạm các nguyên tắc tổ chức sinh hoạt đảng.

Những chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến nay vẫn con nguyên giá trị đối với việc xây dựng đạo đức cho cán bộ, đảng viên; giá trị trong công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng hiện nay; giá trị đối với sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta hiện nay. Việc nghiên cứu những nội dung trong tác phẩm Đạo đức cách mạng là để mỗi chúng ta tự hoàn thiện đạo đức của mình, để vận dụng vào giải quyết những vấn đề thực tiễn đang đặt ra cũng như phục vụ cho công tác giảng dạy là cần thiết và có ý nghĩa sâu sắc./. Tân Linh

(1), (2), (3), (4), (5),(6), (7),(8):Hồ Chí Minh sự hội tụ tinh hoa tư tưởng đạo đức nhân loại, NXB Văn hóa - Thông tin, H.2007, tr.14, tr22, tr20, tr14, tr21, tr19,tr20.

10. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2021, t.2, tr.173.

11.Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, t.1, tr.74, 95

(11): Văn phòng Trung ương Đảng, Văn kiện Hội nghị lần thứ Tư Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, HN.2016, tr.22.

Từ khóa » đấu Tranh Chống Chủ Nghĩa Cá Nhân Có Nghĩa Là Gì