Chủ Nghĩa Khắc Kỷ – Wikipedia Tiếng Việt

Trường phái triết học Hy Lạp cổ đại Hellenistic Greek philosophyBản mẫu:SHORTDESC:Trường phái triết học Hy Lạp cổ đại Hellenistic Greek philosophy
Tượng Zeno thành Citium, người sáng lập Chủ nghĩa Khắc kỷ

Chủ nghĩa khắc kỷ (hay chủ nghĩa stoic/stoa, tiếng Hy Lạp: Στωικισμός, tiếng Latinh: Stoicismus) là một trường phái triết học Hy Lạp cổ đại do Zeno thành Citium sáng lập ra tại Athens vào đầu thế kỷ thứ 3 Trước Công Nguyên. Chủ nghĩa khắc kỷ là một nhánh triết học về đạo đức con người, thứ được tạo ra bằng logic và cách mà con người nhìn nhận bản chất thế giới.[cần dẫn nguồn]

Chủ nghĩa khắc kỷ cho rằng vì con người là một sinh vật thuộc về xã hội, nên con đường đi tới eudaimonia (hạnh phúc) của chúng ta sẽ được tìm ra thông qua việc chấp nhận việc mọi thứ đang diễn ra, không cho phép bản thân bị kiểm soát bởi những khao khát được thỏa mãn hoặc sợ hãi trước những đớn đau, thông qua việc sử dụng trí óc của mình để hiểu thế giới này và làm những phần việc mình cần làm để đóng góp cho kế hoạch mà tự nhiên đã vạch ra sẵn, và thông qua việc cùng làm việc, đối xử với những người khác một cách công bằng, bất thiên vị.[1]

Những con người Stoic được biết đến nhiều nhất qua những lời răn dạy rằng "đức hạnh là điều tốt đẹp duy nhất" đối với con người, và rằng những thứ xung quanh ta, ví dụ như sức khỏe, tiền bạc và niềm vui, về bản chất không xấu cũng chẳng tốt (adiaphora), nhưng chúng có giá trị là "điều quan trọng để đức hạnh hành động". Bên cạnh đạo đức Aristoteles, những nguyên tắc của khắc kỷ cũng đã tạo nên trong những cách tiếp cận nền tảng có giá trị lớn lao tạo nên luân lý luận đức hạnh của phương Tây.[2] Con người khắc kỷ còn cho rằng những cảm xúc nhất định của chúng ta bị tổn thương là do sai lầm trong việc phán xét các vấn đề, và họ tin rằng con người nên hướng tới việc duy trì ý chí (gọi là prohairesis) sao cho "hòa hợp với tự nhiên". Chính lý do này, những người theo chủ nghĩa khắc kỷ tin rằng dấu hiệu rõ ràng nhất về triết lý của mỗi cá nhân sẽ được bộc lộ, không phải thông qua lời họ nói, mà thông qua cách họ cư xử.[3] Để có một cuộc sống tốt đẹp, con người phải hiểu được những quy tắc của trật tự tự nhiên bởi lẽ chủ nghĩa khắc kỷ tin rằng tự nhiên chính là gốc rễ của mọi điều.

Nhiều con người khắc kỷ, như Seneca và Epictetus, nhấn mạnh rằng, bởi "có đức hạnh là đã đủ hạnh phúc", nên một nhà hiền triết sẽ trở nên vô cùng kiên cường về mặt cảm xúc trước những bất hạnh. Niềm tin này có ý nghĩa tương tự với cụm từ "bình tĩnh khắc kỷ", dù vậy thì cụm từ này không bao hàm quan điểm đạo đức cơ bản của khắc kỷ cho rằng chỉ có một nhà hiền triết mới thực sự được tự do, và tất cả các suy đồi đạo đức đều xấu xa như nhau.[1]

Từ khi hình thành, các học thuyết khắc kỷ đã dần trở nên rất phổ biến trong xã hội Hy Lạp và La Mã cho đến thế kỷ thứ 3 Công Nguyên, một trong số những người nổi tiếng nhất theo trường phái này vào lúc đó là hoàng đế Marcus Aurelius.[cần kiểm chứng] Chủ nghĩa khắc kỷ với vị thế là trường phái triết học riêng biệt dần suy giảm sau khi Kitô giáo trở thành quốc giáo vào thế kỷ 4 CN.[4][5]

Mặt khác, một số ý niệm của chủ nghĩa khắc kỷ lại được tích hợp vào Kitô giáo từ thuở sơ khởi. Sau này triết học khắc kỷ cũng có một số giai đoạn phát triển trở lại, đáng chú ý nhất là trong thời kỳ Phục hưng (chủ nghĩa tân khắc kỷ) và trong thời đại ngày nay (chủ nghĩa khắc kỷ hiện đại).[6]

Nguồn gốc tên gọi

[sửa | sửa mã nguồn]

Tên tiếng Anh của chủ nghĩa khắc kỷ là Stoicism, có nguồn gốc ban đầu là 'Zenonism', tức là được đặt theo tên của người sáng lập, Zeno thành Citium. Tuy nhiên, cái tên này dần dần bị quên lãng, nhiều khả năng là do những môn đồ Stoic sau này không cho rằng Zeno là một người đủ thông tuệ để được đặt tên cho cả một trường phái, và cũng nhằm hạn chế khả năng chủ nghĩa triết học này đi chệch hướng, trở thành một sự sùng bái tính cách.[7]

Cái tên 'Stoicism' xuất phát từ Stoa Poikile (tiếng Hy Lạp cổ: ἡ ποικίλη στοά), hay 'Dãy Cột Sơn', một dãy cột lớn được trang hoàng bằng những hình vẽ tái hiện khung cảnh thần thoại và lịch sử, nằm ở phía bắc Agora, Athens, nơi Zeno và các môn đồ của ông tụ họp để bàn luận về những ý tưởng.[8][9] Khi Zeno mới bắt đầu giảng dạy, ông ta không thể chi trả cho một tòa nhà giống như Học viện của Plato hay mảnh vườn Lyceum của Aristotle, vậy nên ông và những môn đệ đã tụ tập tại khu vực bóng râm của Stoa Poikile giữa khu chợ, nơi bất cứ ai cũng có thể lắng nghe và tham gia tranh luận.[10]

Những nguyên lý cơ bản

[sửa | sửa mã nguồn]
Triết học không hứa sẽ đảm bảo bất cứ điều gì bên ngoài cho con người, bởi như vậy là nó đã thừa nhận những điều nằm ngoài vấn đề chính của nó. Giống như người thợ mộc chỉ làm việc với gỗ và tượng đồng, đối tượng mà nghệ thuật sống quan tâm đơn thuần là cuộc sống của mỗi con người.

—Epictetus, Diễn ngôn 1.15.2, Dịch theo bản tiếng Anh của Robin Hard

Những nhà triết học khắc kỷ đã đưa ra một cái nhìn thống nhất về thế giới, bao gồm logic hình thức, vật lý học nhất nguyên và đạo đức tự nhiên. Trong số đó, họ nhấn mạnh rằng đạo đức là trọng tâm chính trong kiến thức của con người, mặc dù vậy, các triết lý về logic của họ mới là thứ được các nhà triết học sau này quan tâm nhiều hơn.

Chủ nghĩa khắc kỷ dạy cho chúng ta về sự phát triển của việc tự kiểm soát bản thân và sự cương nghị như một phẩm chất để vượt qua những cảm xúc mang tính phá hủy; chủ nghĩa này tin rằng việc rèn luyện để suy nghĩ một cách rõ ràng, mạch lạc và bất thiên vị sẽ giúp cho con người hiểu ra bản chất của vũ trụ (logos). Một khía cạnh chính của chủ nghĩa khắc kỷ cũng lưu tâm đến việc cải thiện những điều tốt đẹp về đạo đức và luân lý của mỗi cá nhân: "Đức hạnh được bao hàm trong một ý chí hòa hợp với Tự nhiên."[11]

Nguyên lý này cũng được áp dụng trong các mối quan hệ giữa các cá nhân; "để được tự do trước những nỗi tức giận, sự đố kị và ghen tị,"[12] và phải chấp nhận rằng kể cả những người nô lệ cũng "bình đẳng như những con người khác, bởi tất cả mọi người đều là sản phẩm của tự nhiên".[13]

Nguyên tắc đạo đức theo chủ nghĩa Stoic tán thành với một quan điểm của chủ nghĩa quyết đoán; khi nói về những người thiếu đi đức hạnh Stoic, Cleanthes từng phản đối rằng kẻ độc ác "giống như một con chó bị trói vào một chiếc xe đẩy, nó buộc phải đi theo chiếc xe đẩy đến bất cứ đâu".[11] Người tuân theo đức hạnh Stoic, ngược lại, sẽ nắn chỉnh lại ý chí của anh ta sao cho phù hợp với thế giới và sẽ, theo lời của Epictetus, "ốm đau nhưng vẫn hạnh phúc, hiểm nguy nhưng vẫn hạnh phúc, chết đi nhưng vẫn hạnh phúc, lưu đày nhưng vẫn hạnh phúc, sống ô nhục nhưng vẫn hạnh phúc,"[12] do đó họ luôn hướng tới việc đạt được cảnh giới ý chí cá nhân "hoàn toàn tự chủ", và đồng thời được ở trong một vũ trụ "tổng thể độc nhất có tính quyết đoán nghiêm ngặt". Quan điểm này sau này được miêu tả với tên gọi "Chủ nghĩa phiếm thần cổ điển" (và được nhà triết học người Hà Lan Baruch Spinoza theo đuổi).[14]

Giai đoạn

[sửa | sửa mã nguồn]

Chủ nghĩa khắc kỷ tồn tại từ đầu thế kỷ 3 TCN đến cuối thế kỷ II TCN và trải qua ba giai đoạn:[15]

  • Chủ nghĩa khắc kỷ sơ kỳ
  • Chủ nghĩa khắc kỷ trung kỳ
  • Chủ nghĩa khắc kỷ hậu kỳ

Những tư tưởng đáng chú ý

[sửa | sửa mã nguồn]

Suy nghĩ chung về triết học

[sửa | sửa mã nguồn]

Những người theo chủ nghĩa khắc kỷ cho rằng triết học là một môn học tư duy để giúp con người trở nên thông thái, làm chủ và biết cách ứng xử trước những khó khăn của cuộc đời. Vì vậy, triết học không chỉ là một khoa học mà còn là một phong cách sống, một nghệ thuật sống của con người trong cộng đồng xã hội. Và cũng theo những con người nói trên, đối tượng của triết học là phải bao quát nhiều lĩnh vực, bởi vì sự thông thái do triết học mang lại không hạn đinh, bó hẹp ở trong một giới hạn cụ thể nào đó. Quan niệm này vốn phổ biến trong một thời gian rất dài. Và cũng theo họ, triết học gồm 3 lĩnh vực: vật lý học, đạo đức học và logic học.[15] Chúng liên hệ mật thiết với nhau. Zeno xứ Citium đã có lời ví von như sau:

Có thể so sánh triết học với một con vật: xương và thần kinh là logic học, thịt là đạo đức học, tâm hồn là vật lý học; hay là vỏ quả trứng là logic học, lòng đỏ là đạo đức học, còn cái nằm ở giữa là vật lý học

[16]

Ở giữa ở đây là lòng trắng của quả trứng.

Logic học[15]

[sửa | sửa mã nguồn]

Những nhà triết học khắc kỷ cho rằng logic học là khoa học sử dụng ngôn từ. Nhờ ngôn từ chúng ta trở thành người hùng biện, dẫn dắt, làm chủ được tư tưởng của mình trong mọi tình huống. Vì vậy, logic học được xem là khoa học công cụ.

Vật lý học[17]

[sửa | sửa mã nguồn]

Chủ nghĩa khắc kỷ nhìn nhận rằng vật lý học là học thuyết bàn về giới tự nhiên, về nguồn gốc của các sự vật mà chúng ta hay gặp mỗi ngày. Karl Marx đã đánh giá rằng cơ sở cho tư tưởng vật lý học của những người này là của Heracltus và họ dựa vào đó để phát triển.

Cũng giống như những người trước đó, chủ nghĩa khắc kỷ cũng dùng tư tưởng duy vật để giải thích thế giới. Họ cho rằng thế giới được cấu thành từ các yếu tố đất, nước, lửa, không khí. Họ cũng khẳng định các vật cảm tính là có thực tồn và là nền tảng của vũ trụ. Đối với họ, cái chung không phải là cái vô hình không thể cảm nhận được mà cái chung tồn tại trong cái riêng. Thêm vào đó, chủ nghĩa khắc kỷ cũng cho thấy suy nghĩ biện chứng khi cho rằng thế giới tồn tại trong sự vân động không ngừng của các vật thể. Có thể nói các nhà triết học này là những nhà duy vật biện chứng đầu tiên trong lịch sử tư tưởng thế giới. Marx đánh giá cao về điều này:

Nhà thông thái theo phái khắc kỷ lưu ý tới cuộc sống tuyệt đối động, quan niệm đó được rút ra từ quan điểm về tự nhiên theo hướng Heraclitus, có tính năng động và có tính sinh động

Tuy nhiên, chủ nghĩa khắc kỷ lại không kiên trì theo tư tưởng này khi sau đó họ cho rằng mọi vật phát triển theo các trình tự do Thượng đế sắp đặt. Chính vì thế, học thuyết này có chút gì đó là của mục đích luận.

Đạo đức học[18]

[sửa | sửa mã nguồn]

Chủ nghĩa khắc kỷ đã đưa ra ý kiến rằng tri thức là điều kiện cần của lý tưởng đạo đức, còn điều kiện đủ là sự tĩnh tâm và bình thản của tâm hồn. Việc sống khắc khổ hay không khắc khổ không ảnh hưởng tới họ.

Nhận thức luận

[sửa | sửa mã nguồn]

Linh hồn con người[16]

[sửa | sửa mã nguồn]

Chủ nghĩa khắc kỷ nghiên cứu nhận thức luận theo lập trường duy cảm duy vật. Theo những nhà triết học này, linh hồn được cấu tạo từ 8 bộ phận: năm giác quan thính giác, thị giác, khứu giác, vị giác và xúc giác, giọng nói, bộ phận tái tạo và bộ phận điều khiển. Linh hồn của con người như tờ giấy trắng để in dấu sự tác động của thế giới bên ngoài. Biểu tượng của sự vật là do chính nó tạo nên.

Nhận thức cảm tính và nhận thức lý tính[16]

[sửa | sửa mã nguồn]

Chủ nghĩa khắc kỷ đã tìm thấy mối liên hệ giữa hai đối tượng này. Zeno xứ Citium đã viết rằng:

Chúng ta có khả năng lĩnh hội về nhận thức thế giới bên ngoài bẳng cả cảm tính lẫn lý tính

Suy nghĩ về khái niệm[16]

[sửa | sửa mã nguồn]

Chủ nghĩa khắc kỷ có suy nghĩ rất hay về khái niệm. Zeno xứ Citium cho rằng "các khái niệm không phải là kết quả thỏa thuận giữa mọi người về việc đặt tên cho sự vật mà ngược lại bản thân các khái niệm được quy định bởi các vật và bản chất của các vật."

Các nhà triết học tiêu biểu

[sửa | sửa mã nguồn]
  • Zeno xứ Citium
  • Cleanthes
  • Chrysippus
  • Seneca
  • Epictetus
  • Marcus Aurelius

Chú thích

[sửa | sửa mã nguồn]
  1. ^ a b Stoicism, Stanford Encyclopedia of Philosophy.
  2. ^ Sharpe, Matthew. "Stoic Virtue Ethics Lưu trữ 2018-11-13 tại Wayback Machine." Handbook of Virtue Ethics, 2013, 28–41.
  3. ^ John Sellars. Stoicism, 2006, p. 32.
  4. ^ Agathias. Histories, 2.31.
  5. ^ David, Sedley (1998). “Ancient philosophy”. Trong E. Craig (biên tập). Routledge Encyclopedia of Philosophy. Truy cập ngày 18 tháng 10 năm 2008.
  6. ^ Becker, Lawrence C. (2001). A New Stoicism. Princeton: Princeton University Press. ISBN 9781400822447.
  7. ^ Robertson, Donald (2018). Stoicism and the Art of Happiness. Great Britain: John Murray.
  8. ^ “Definition of STOIC”.
  9. ^ Williamson, D. (ngày 1 tháng 4 năm 2015). Kant's Theory of Emotion: Emotional Universalism. Palgrave Macmillan US. tr. 17. ISBN 978-1-137-49810-6.
  10. ^ Forstater, Mark (2000). The Spiritual Teachings of Marcus Aurelius. Great Britain: Hodder & Stoughton. tr. 37.
  11. ^ a b Russell, Bertrand. A History of Western Philosophy, p. 254
  12. ^ a b Russell, Bertrand. A History of Western Philosophy, p. 264
  13. ^ Russell, Bertrand. A History of Western Philosophy, p. 253.
  14. ^ Charles Hartshorne and William Reese, "Philosophers Speak of God," Humanity Books, 1953 ch 4
  15. ^ a b c Lịch sử triết học phương Tây, Nguyễn Tiến Dũng, Nhà xuất bản Khoa học xã hội, xuất bản năm 2015, trang 141
  16. ^ a b c d Lịch sử triết học phương Tây, Nguyễn Tiến Dũng, Nhà xuất bản Khoa học xã hội, xuất bản năm 2015, trang 143
  17. ^ Lịch sử triết học phương Tây, Nguyễn Tiến Dũng, Nhà xuất bản Khoa học xã hội, xuất bản năm 2015, trang 141, 142
  18. ^ Lịch sử triết học phương Tây, Nguyễn Tiến Dũng, Nhà xuất bản Khoa học xã hội, xuất bản năm 2015, trang 142

Đọc thêm

[sửa | sửa mã nguồn]

Nguồn sơ cấp

[sửa | sửa mã nguồn]
  • Cicero, Marcus Tullius (1945 c. 1927). Cicero : Tusculan Disputations (Loeb Classical Library, No. 141) 2nd ed. bản dịch của J. E. King. Cambridge, Massachusetts: Harvard UP.
  • Long, A. A., Sedley, D. N. (1987). The Hellenistic Philosophers: vol. 1. translations of the principal sources with philosophical commentary. Cambridge, England: Cambridge University Press.
  • Inwood, Brad & Gerson Lloyd P. (eds.) The Stoics Reader: Selected Writings and Testimonia Indianapolis: Hackett 2008.

Seneca

[sửa | sửa mã nguồn]
  • Lucius Annaeus Seneca the Younger (Robin Campbell dịch), Letters from a Stoic: Epistulae Morales Ad Lucilium (1969, reprint 2004) ISBN 0140442103

Epictetus

[sửa | sửa mã nguồn]
  • Long, George Enchiridion của Epictetus, Prometheus Books, Reprint ed., January 1955.
  • Gill C. Epictetus, The Discourses, Everyman 1995.
  • Harvard University Press Epictetus Discourses Books 1 and 2, Loeb Classical Library Nr. 131, June 1925.
  • Harvard University Press Epictetus Discourses Books 3 and 4, Loeb Classical Library Nr. 218, June 1928.

Marcus Aurelius

[sửa | sửa mã nguồn]
  • Marcus Aurelius, Meditations, bản dịch của Maxwell Staniforth; ISBN 0140441409, hoặc bản dịch của Gregory Hays; ISBN 0679642609.

Nghiên cứu

[sửa | sửa mã nguồn]
  • Annas, Julia (1994), Hellenistic Philosophy of Mind, University of California Press, ISBN 978-0520076594
  • Bakalis, Nikolaos, Handbook of Greek Philosophy: From Thales to the Stoics. Analysis and Fragments, Trafford Publishing, 2005, ISBN 1412048435
  • Becker, Lawrence C., A New Stoicism (Princeton: Princeton Univ. Press, 1998) ISBN 0691016607
  • Brennan, Tad, The Stoic Life (Oxford: Oxford University Press, 2005; paperback 2006)
  • Brooke, Christopher. Philosophic Pride: Stoicism and Political Thought from Lipsius to Rousseau (Princeton UP, 2012) excerpts Lưu trữ 29 tháng 4 năm 2014 tại Wayback Machine
  • Capes, William Wolfe (1880), Stoicism, Pott, Young, & Co.
  • de Harven, Vanessa (2010). Everything is Something: Why the Stoic ontology is principled, coherent and comprehensive Lưu trữ 26 tháng 3 năm 2023 tại Wayback Machine. Paper presented to Department of Philosophy, Berkeley University.
  • de Harven, Vanessa (2012). The Coherence of Stoic Ontology Lưu trữ 22 tháng 5 năm 2023 tại Wayback Machine. PhD dissertation, Department of Philosophy, Berkeley University.
  • Graver, Margaret (2007), Stoicism and Emotion, University of Chicago Press, ISBN 978-0226305578
  • Hall, Ron, Secundum Naturam (According to Nature) Lưu trữ 8 tháng 7 năm 2023 tại Wayback Machine. Stoic Therapy, LLC, 2021.
  • Inwood, Brad (1999), “Stoic Ethics”, trong Algra, Keimpe; Barnes, Johnathan; Mansfield, Jaap; Schofield, Malcolm (biên tập), The Cambridge History of Hellenistic Philosophy, Cambridge University Press, ISBN 978-0521250283
  • Inwood, Brad (ed.), The Cambridge Companion to The Stoics (Cambridge: Cambridge University Press, 2003)
  • Lachs, John, Stoic Pragmatism (Indiana University Press, 2012) ISBN 0253223768
  • Long, A. A., Stoic Studies (Cambridge University Press, 1996; repr. University of California Press, 2001) ISBN 0520229746
  • Menn, Stephen (1999). 'The Stoic Theory of Categories', in Oxford Studies in Ancient Philosophy, Volume XVII. Oxford University Press ISBN 0198250193, pp. 215–247.
  • Robertson, Donald, The Philosophy of Cognitive-Behavioral Therapy: Stoicism as Rational and Cognitive Psychotherapy (London: Karnac, 2010) ISBN 978-1855757561
  • Robertson, Donald, How to Think Like a Roman Emperor: The Stoic Philosophy of Marcus Aurelius Lưu trữ 4 tháng 8 năm 2019 tại Wayback Machine. 'New York: St. Martin's Press, 2019.
  • Sellars, John, Stoicism (Berkeley: University of California Press, 2006) ISBN 1844650537
  • Sorabji, Richard (2000), Emotion and Peace of Mind: From Stoic Agitation to Christian Temptation, Oxford University Press, ISBN 978-0198250050
  • Stephens, William O., Stoic Ethics: Epictetus and Happiness as Freedom (London: Continuum, 2007) ISBN 0826496083
  • Strange, Steven (ed.), Stoicism: Traditions and Transformations (Cambridge: Cambridge Univ. Press, 2004) ISBN 0521827094
  • Zeller, Eduard; Reichel, Oswald J., The Stoics, Epicureans and Sceptics, Longmans, Green, and Co., 1892

Từ khóa » Thuyết Khắc Kỷ