Chủ Quyền Biển, đảo Của Việt Nam, Khẳng định Sức Mạnh Chính Nghĩa

Chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ là vấn đề thiêng liêng đối với mỗi quốc gia, dân tộc. Với vị trí, đặc điểm của một quốc gia ven biển, có đường bờ biển dài 3.260 km từ Bắc xuống Nam dọc theo bờ biển phía Đông- Đông Nam và Tây Nam, vùng biển Việt Nam rộng lớn với hàng nghìn đảo lớn nhỏ, đặc biệt có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa nằm trên Biển Đông có vị trí chiến lược quan trọng. Từ hàng nghìn năm nay, biển, đảo đã gắn liền với sự nghiệp dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam.

Nhà nước Việt Nam trước sau như một khẳng định nhất quán chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Lập trường này được thể hiện trong Luật Biên giới quốc gia năm 2003, Luật Biển Việt Nam năm 2012, Tuyên bố 1977 về lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam, Tuyên bố 1982 về đường cơ sở dùng để tính lãnh hải của Việt Nam, Nghị quyết của Quốc hội năm 1994 phê chuẩn công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982) và Nhà nước ta cũng trở thành thành viên của hàng loạt điều ước quốc tế liên quan đến biển và đại dương.

Việt Nam ngày càng hoàn thiện chính sách, pháp luật về quản lý, thực thi và bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Nhận thức rõ tầm quan trọng, vị trí chiến lược của biển, đảo Việt Nam, Đảng ta đã có nhiều chủ trương, chính sách đúng đắn và nhất quán về biển, đảo. Với việc thông qua Nghị quyết số 09-NQ/TW (khóa X), ngày 9-2-2007, “Về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020”, lần đầu tiên Đảng ta có một Chiến lược biển toàn diện, có tầm nhìn chiến lược rộng, tính bao quát cao trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, đối ngoại, hợp tác quốc tế, môi trường... Cùng với đó, Nhà nước ban hành hàng loạt văn bản quy phạm pháp luật nhằm thể chế hóa các chủ trương lớn của Đảng về quản lý và bảo vệ chủ quyền biển, đảo, như: Bộ Luật Hàng hải năm 1991; Luật Hàng không dân dụng Việt Nam năm 1991; Luật Dầu khí năm 1993; Pháp lệnh Bộ đội Biên phòng năm 1997; Pháp lệnh lực lượng cảnh sát biển Việt Nam năm 1998; Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo năm 2015...

Đoàn đại biểu tỉnh Bắc Giang bên Cột mộc chủ quyền đảo Sinh Tồn năm 2019 (Ảnh nguồn: bacgiang.com.vn)

Đặc biệt, tại hội nghị lần thứ 8, Ban Chấp hành Trung ương khóa XII đã thông qua Nghị quyết số 36-NQ/TW về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Nghị quyết xác định mục tiêu tổng quát đến năm 2030: đưa Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh; đạt cơ bản các tiêu chí về phát triển bền vững kinh tế biển; hình thành văn hóa sinh thái biển; chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; ngăn chặn xu thế ô nhiễm, suy thoái môi trường biển, tình trạng sạt lở bờ biển và biển xâm thực; phục hồi và bảo tồn các hệ sinh thái biển quan trọng. Những thành tựu khoa học mới, tiên tiến, hiện đại trở thành nhân tố trực tiếp thúc đẩy phát triển bền vững kinh tế biển. Tầm nhìn đến năm 2045, Nghị quyết chỉ rõ: Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh, phát triển bền vững, thịnh vượng, an ninh, an toàn; kinh tế biển đóng góp quan trọng vào nền kinh tế đất nước, góp phần xây dựng nước ta thành nước công nghiệp hiện đại theo định hướng xã hội chủ nghĩa; tham gia chủ động và có trách nhiệm vào giải quyết các vấn đề quốc tế và khu vực về biển và đại dương.

Về mặt hành chính, hiện nay ở nước ta có 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương,trong đó có 28 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có biển, gồm: Quảng Ninh, thành phố Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, thành phố Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Bà Rịa-Vũng Tàu, thành phố Hồ Chí Minh, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và Kiên Giang. Tổng số có cả nước có 125 huyện ven biển và 12 huyện đảo. Đây là những đơn vị hành chính đóng vai trò quan trọng đối với sự nghiệp phát triển kinh tế và bảo vệ an ninh, chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Hiện nay Việt Nam đang quản lý 21 đảo nổi và đảo chìm ở quần đảo Trường Sa. Việc tuần tra kiểm soát trên vùng biển của quần đảo được tổ chức chặt chẽ. Các hoạt động nghiên cứu thăm dò, khai thức tài nguyên thủy sản được đẩy mạnh. Nhà nước đã đầu tư xây dựng nhiều trạm đèn biển tại đảo Đá Tây, Đá Lát, An Bang và Tiên Nữ. Trạm khí tượng Trường Sa hoạt động liên tục cung cấp các số liệu khoa học phục vụ cho ngành khí tượng thủy văn trong nước và quốc tế.

Đảng, Nhà nước, Chính phủ, các Bộ, ngành và địa phương luôn dành cho hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa sự quan tâm và động viên to lớn. Hàng năm đại diện các Bộ, ngành Trung ương và địa phương đã tổ chức các chuyến công tác ra Trường Sa, thăm hỏi động viên quân và dân Trường Sa. Thông qua những chuyến đi chứa chan tình cảm và trách nhiệm, đã góp phần truyền cảm hứng và niềm tự hào về biển, đảo Việt Nam trong lòng mỗi người dân. Để từ đó, lòng yêu nước, tình yêu biển, đảo lại được nhân lên, tiếp thêm sức mạnh hành động bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của đất nước./.

Vân Hồng

Từ khóa » Chủ Quyền Biển đảo Việt Nam Là Gì