Chủ Quyền Quốc Gia Và Chủ Quyền Quốc Gia Trên Biển Là Gì?

Quy chế pháp lý của các vùng biển và thềm lục địa đã được Luật Biển quy định một cách cụ thể, chặt chẽ và rõ ràng, với những nội dung rất khác nhau. Để hiểu được một cách cơ bản các quyền của quốc gia ven biển thực hiện trên các vùng biển và thềm lục địa của mình, trước hết chúng ta cần tìm hiểu về chủ quyền quốc gia.

Bảo vệ chủ quyền biển - đảo Việt Nam.

Chủ quyền quốc gia gồm 2 nội dung: quyền tối cao của quốc gia trong phạm vi lãnh thổ của mình và quyền độc lập của quốc gia trong quan hệ quốc tế. Trong phạm vi lãnh thổ của mình, quốc gia có quyền tối cao về lập pháp, hành pháp và tư pháp. Mọi vấn đề chính trị, kinh tế văn hoá, xã hội của quốc gia phải do quốc gia đó quyết định, các quốc gia khác cũng như các tổ chức quốc tế không có quyền can thiệp, mọi tổ chức, cá nhân cư trú trên lãnh thổ của quốc gia đó phải tuân thủ pháp luật của quốc gia nếu điều ước quốc tế mà quốc gia đã ký kết không có quy định khác. Trong quan hệ quốc tế, quyền độc lập của quốc gia thể hiện ở chỗ: - Tự quyết định mọi vấn đề đối nội và đối ngoại của mình, các quốc gia khác không có quyền can thiệp hoặc áp đặt; không có một thế lực nào, cơ quan nào đứng trên quốc gia, có quyền đặt ra pháp luật và bắt buộc quốc gia phải thực hiện. - Quốc gia chỉ có nghĩa vụ tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của luật quốc tế hiện đại, các quy định của điều ước quốc tế mà quốc gia đã ký kết hoặc tham gia, đồng thời tôn trọng các tập quán quốc tế cũng như các điều ước quốc tế do các quốc gia khác ký kết phù hợp với những nguyên tắc cơ bản của luật quốc tế hiện đại. Chủ quyền quốc gia trên biển cũng bao hàm những nội dung cơ bản nói trên. Quốc gia ven biển thực hiện chủ quyền của mình một các tuyệt đối, đầy đủ, toàn vẹn ở trong vùng nội thủy và thực hiện chủ quyền một cách đầy đủ, toàn vẹn ở trong lãnh hải. Bởi vì, nội thủy được coi là bộ phận đất liền như ao hồ, sông suối, các vùng nước nằm trong đất liền. Lãnh hải cũng được coi là lãnh thổ biển của quốc gia ven biển. Ranh giới ngoài của lãnh hải là biên giới quốc gia ven biển. Chủ quyền này được mở rộng đến vùng trời trên lãnh hải, cũng như đến đáy và lòng đất dưới đáy của lãnh hải. Điều 9 Luật Biển Việt Nam quy định: "Nhà nước thực hiện chủ quyền hoàn toàn, tuyệt đối và đầy đủ đối với nội thuỷ như trên đất liền ". Điều 12 Luật Biển Việt Nam quy định: "Nhà nước thực hiện chủ quyền đầy đủ và toàn vẹn đối với lãnh hải và vùng trời, đáy biển và lòng đất dưới đáy biển của lãnh hải phù hợp với Công ước của LHQ về Luật Biển năm 1982". Cần lưu ý chủ quyền đối với lãnh hải được thực hiện đầy đủ và toàn vẹn, nhưng không tuyệt đối như ở nội thủy. Bởi vì, tàu thuyền nước ngoài được quyền đi qua không gây hại. Điểm 2, Điều 12 Luật Biến Việt Nam quy định: "Tàu thuyền của tất cả các quốc gia được hưởng quyền đi qua không gây hại trong lãnh hải Việt Nam. Đối với tàu quân sự nước ngoài khi thực hiện quyền đi qua không gây hại trong lãnh hải Việt Nam thông báo trước cho cơ quan có thẩm quyền Việt Nam ". Các phương tiện bay của nước ngoài không được vào vùng trời ở trên lãnh hải Việt Nam, trừ trường hợp được sự đồng ý của Chính phủ Việt Nam hoặc thực hiện theo điều ước quốc tế mà nước CHXHCN Việt Nam là thành viên. Ngoài ra, Nhà nước Việt Nam có chủ quyền đối với mọi loại hiện vật khảo cổ, lịch sử trong lãnh hải Việt Nam.

Từ khóa » Thuyết Chủ Quyền Tuyệt đối Cho Rằng