Chủ Tịch Agribank Phạm Đức Ấn: Tăng Vốn điều Lệ Là điều Mong Mỏi ...

Ông Phạm Đức Ấn, Chủ tịch HĐTV Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank)

Phát biểu tại buổi gặp mặt đầu năm được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tổ chức ngày 8/2, Chủ tịch HĐTV Agribank Phạm Đức Ấn cho rằng, trong năm 2021, với sự lãnh đạo của Bộ Chính trị; Ban Bí thư; Quốc hội; và sự chỉ đạo quyết liệt, kịp thời của Chính phủ, của Thủ tướng Chính phủ; sự phối hợp chặt chẽ của các Bộ, ngành, nỗ lực của các địa phương và toàn thể nhân dân... ngành Ngân hàng đã đồng hành cùng nền kinh tế vượt qua thời khắc khó khăn nhất do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.

Bước sang năm 2022, ngay từ đầu năm, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 11/NQ-CP ngày 30/1/2022, với 5 nhóm giải pháp, nhiệm vụ chủ yếu để triển khai chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, triển khai Nghị quyết của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình.

"Nghị quyết đã cho thấy sự hài hòa trong chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ, thể hiện đúng tính chất của hai chính sách này, trong đó: chính sách tài khóa gắn với định lượng, quy mô, số liệu cụ thể; còn chính sách tiền tệ thiên về định hướng định tính, điều chỉnh linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tế, kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô với những biện pháp đã huy hiệu quả rất tốt trong thời gian qua", Chủ tịch HĐTV Agribank đánh giá.

Về phía Agribank, Chủ tịch Phạm Đức Ấn cho biết, trong năm qua, ngân hàng tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị trong việc cho vay tam nông; duy trì tỷ trọng cho vay nông nghiệp, nông thôn trên 65% tổng dư nợ của ngân hàng và chiếm khoảng 36% tổng dư nợ trong lĩnh vực này của nền kinh tế; hỗ trợ tích cực thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp, góp phần xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới và hạn chế tín dụng đen...

Năm 2021, Agribank hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu kinh doanh, với tổng tài sản đạt gần 1.700 nghìn tỷ đồng, huy động vốn đạt 1.580 nghìn tỷ đồng, tín dụng đạt 1.314 nghìn tỷ đồng... cắt giảm chi phí hoạt động 10%. Đồng thời, tích cực tiên phong triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ khách hàng, công tác an sinh xã hội, giảm lãi suất, miễn giảm phí dịch vụ... với số tiền lên tới trên 7.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, để có thêm nguồn lực giúp ngân hàng thực hiện tốt hơn nữa các nhiệm vụ chính trị được giao, tại buổi gặp mặt đầu năm, Chủ tịch Phạm Đức Ấn đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ một số vấn đề, cụ thể:

Thứ nhất, về thủ tục hỗ trợ lãi suất cho các đối tượng thụ hưởng. Đề nghị thủ tục này được thực hiện độc lập với thủ tục cho vay của NHTM. Theo đó các NHTM được đánh giá hiệu quả khoản vay, khả năng trả nợ trong điều kiện khách hàng vay có hỗ trợ lãi suất. Đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư có hướng dẫn cụ thể về đối tượng hỗ trợ được hưởng lãi suất, làm căn cứ để Kho bạc Nhà nước chi trả trực tiếp cho đối tượng được thụ hưởng. NHTM có trách nhiệm phối hợp xác nhận dư nợ, thời gian vay của các khoản vay của đối tượng được thụ hưởng.

Thứ hai, về bổ sung vốn điều lệ. Chính phủ cũng đã đưa việc tăng vốn điều lệ cho NHTM cổ phần có vốn nhà nước và Agribank vào Nghị quyết 11/NQ-CP. Đây là điều mong mỏi từ lâu của các ngân hàng, nhất là đối với Agribank. Trước mắt, đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cấp vốn điều lệ từ phần lợi nhuận nộp ngân sách Nhà nước năm 2021 của Agribank. Ngoài ra, đề nghị Chính phủ dành ngân sách Nhà nước để tăng vốn cho Agribank trước thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa sẽ tăng giá trị vốn Nhà nước khi cổ phần hóa.

Thứ ba, về cổ phần hóa Agribank. Đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép ngân hàng được cổ phần hóa 2 bước để đẩy nhanh lộ trình cổ phần hóa. Bước 1 là chuyển Agribank sang mô hình ngân hàng cổ phần với tỷ lệ nhỏ bán cho cán bộ, nhân viên Agribank và triển khai sớm việc niêm yết trên thị trường chứng khoán. Bước 2, sau 1 - 2 năm sẽ lựa chọn cổ đông chiến lược nước ngoài, có nhiều thời gian và cơ hội để lựa chọn cổ đông phù hợp và lợi ích tốt hơn cho Nhà nước. Nội dung cụ thể, Agribank xin phép sẽ báo cáo NHNN trong thời gian tới.

Thứ tư, công tác tố tụng thi hành án dân sự trong lĩnh vực xử lý tranh chấp, thu hồi nợ vay của TCTD cần tiếp tục được hoàn thiện quy trình thủ tục, rút ngắn thời gian xử lý. Hàng năm, có hàng chục nghìn tỷ đồng mà TCTD cần sự hỗ trợ của các cơ quan tố tụng để thu hồi nợ vay. Nếu nguồn lực này được giải phóng nhanh chóng sẽ góp phần không nhỏ để phục vụ cho phát triển kinh tế. Vì vậy, việc hoàn thiện và luật hóa sớm Nghị quyết 42 của Quốc hội theo thủ tục rút gọn tại 1 kỳ họp Quốc hội là hết sức cần thiết.

Thứ năm, đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý doanh nghiệp Nhà nước. Theo đó, cần phải tăng quyền tự chủ cho doanh nghiệp, thực hiện quản lý mục tiêu gắn với giám sát chặt chẽ, xử lý nghiêm sai phạm, qua đó góp phần tăng năng lực cạnh tranh và hiệu quả của doanh nghiệp nhà nước.

Bước sang năm 2022, dù còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành và Ngân hàng Nhà nước, Chủ tịch Agribank tự tin và cam kết ngân hàng phấn đấu hoàn thành tốt nhất mọi chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao.

Từ khóa » điều Lệ Agribank