Chủ Tịch Hồ Chí Minh Trong Trái Tim Nhân Loại - UBND Tỉnh Cà Mau

Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc ta luôn được bầu bạn khắp năm châu ngưỡng mộ và khâm phục. Người đã chiến đấu không ngừng nghỉ không chỉ cho dân tộc Việt Nam mà còn cho cả nhân loại cần lao. Người đã đi vào lịch sử hiện đại như là người khởi xướng cuộc đấu tranh giải phóng của các dân tộc thuộc địa trong thế kỷ XX.

ILS ONT FAIT LE 20EME SIECLE - Bức tường “Những người làm nên thế kỷ XX” tại Paris, nước Pháp (trong đó có hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh).

Có thể nói, Người là một chiến sĩ cống hiến không mệt mỏi cho hòa bình, hữu nghị và hợp tác giữa các dân tộc, một nhà tư tưởng, nhà lý luận, nhà văn hóa đã kết hợp hài hòa những giá trị của văn hóa Đông Tây, một nhân cách hoàn hảo với những phẩm chất vừa phi thường, vừa bình dị. Không cần bất kỳ một tuyên bố, không cần đến một sự kiện để tạo nên ảnh hưởng, Hồ Chí Minh đã đến với nhân dân lao động các nước bằng chính sự bình dị, tự nhiên. Có thể nói, Người đã trở thành một biểu tượng không cần ngôn ngữ, thân thuộc và sống mãi trong tâm trí của nhân dân Việt Nam và nhân dân thế giới. Chính vì điều đó, Người đã được các nhà tư tưởng, nhà khoa học, nhà văn hoá, những chính khách... trên khắp thế giới ca ngợi và rút ra ở Người những tư tưởng tâm huyết nhất với thế giới. Những giai cấp tiến bộ trên thế giới đã có những cảm nhận chân thành, sâu sắc về Hồ Chí Minh không chỉ sau khi Người đã mất mà cả lúc Người còn hoạt động, thậm chí cả thời kỳ Người chưa trở thành lãnh tụ của nhân dân ta. Có thể nói, Người đã trở thành một biểu tượng không cần ngôn ngữ, thân thuộc và sống mãi trong tâm trí của nhân dân Việt Nam và nhân dân thế giới. Ban Biên tập xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc những bài nói, bài viết của các nhà lãnh đạo, các tổ chức quốc tế, những nhà chính trị - xã hội, các bài báo, hồi ký, hồi ức của bạn bè trên thế giới, những người đã có may mắn được sống, gặp gỡ và tiếp xúc với Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại… để thấy được sự kính mến và cảm phục của nhân dân thế giới đối với Người. Tuyên bố của Hội nghị quốc tế “Việt Nam và thế giới” kỷ niệm lần thứ 90 Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (Trích) Ngày 16 và 17 tháng 5 năm 1980, theo sáng kiến của Hội đồng Hòa bình thế giới, Hội nghị quốc tế đã họp ở Hà Nội, Thủ đô nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, nhân kỷ niệm lần thứ 90 Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh; hội nghị này đã tạo điều kiện cho các nhà hoạt động chính trị - xã hội nổi tiếng của 46 nước và đại diện của tám tổ chức quốc tế bày tỏ sự kính trọng sâu sắc của nhân dân thế giới tưởng nhớ đến người con vĩ đại của Việt Nam, người chiến sĩ yêu nước nồng nàn và quốc tế chủ nghĩa, một chiến sĩ xuất sắc đấu tranh cho hòa bình, tự do và độc lập dân tộc. Người là biểu tượng cho lòng dũng cảm, tính kiên cường và chủ nghĩa anh hùng của nhân dân Việt Nam.

Chủ tịch Hồ Chí Minh trong chuyến thăm Ấn Độ năm 1959.

Tên tuổi Chủ tịch Hồ Chí Minh gắn liền với những sự kiện quan trọng nhất của lịch sử đấu tranh anh dũng của nhân dân Việt Nam vì tự do và độc lập, cuộc đấu tranh này là một cống hiến vô giá vào phong trào giải phóng dân tộc và tiến trình cách mạng thế giới, vào việc củng cố các lực lượng hòa bình, dân chủ và tiến bộ xã hội trên hành tinh chúng ta. Chủ tịch Hồ Chí Minh là một trong số những người lớp đầu tiên ở Châu Á, bằng cả trái tim mình tiếp thụ những tư tưởng bất diệt của Lênin và vũ trang những tư tưởng đó cho quần chúng nhân dân lao động Việt Nam bị áp bức. Dưới ngọn cờ của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân Việt Nam đã tiến hành thắng lợi cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945, giáng một đòn chí mạng vào hệ thống thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc ở Châu Á. Dưới ngọn cờ của Chủ tịch Hồ Chí Minh nhân dân Việt Nam đã thiết lập nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Châu Á – nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và đã bảo vệ nhà nước đó trong cuộc kháng chiến chín năm chống thực dân Pháp. Tài năng kiệt xuất của nhà cách mạng, người tổ chức và cổ vũ những thắng lợi vĩ đại nhất của nhân dân Việt Nam, tính nhân đạo sâu sắc và sự giản dị của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thu phục được sự mến yêu và kính trọng vô hạn của nhân dân mình và toàn thể loài người tiến bộ. “Không có gì quý hơn độc lập tự do!” – câu nói đó của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong giờ phút nghiêm trọng, khi nhân dân Việt Nam bị đế quốc Mỹ xâm lược, đã trở thành phương châm của tất cả những người yêu nước Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh không sống đến ngày vui toàn thắng. Nhưng Đảng do người lập ra, nhân dân Việt Nam anh hùng do người giáo dục đã thực hiện “Di chúc” thiêng liêng của Người, đã bảo vệ danh dự, tự do và độc lập của Tổ quốc, đuổi hết bọn xâm lược ra khỏi bờ cõi, lập nên nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa thống nhất – tiền đồn vững chắc của hòa bình và chủ nghĩa xã hội ở Đông Nam Á. Nghị quyết của tổ chức giáo dục, khoa học và văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) về kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh Ðại hội đồng, Nhận thấy việc tổ chức kỷ niệm ngày sinh các nhân vật trí thức lỗi lạc và các danh nhân văn hóa trên phạm vi quốc tế góp phần thực hiện các mục tiêu của UNESCO và đóng góp vào sự hiểu biết trên thế giới, Nhắc lại Nghị quyết số 18 C/4.351 thông qua tại Khóa 18 Ðại Hội đồng UNESCO về việc tổ chức kỷ niệm ngày sinh của các danh nhân và việc kỷ niệm các sự kiện lịch sử quan trọng đã để lại dấu ấn trong quá trình phát triển của nhân loại, Ghi nhận năm 1990 sẽ đánh dấu 100 năm Kỷ niệm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam và Nhà văn hóa kiệt xuất, Nhận thấy Chủ tịch Hồ Chí Minh, một biểu tượng xuất sắc về sự tự khẳng định dân tộc, đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam, góp phần vào cuộc đấu tranh chung của các dân tộc vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội, Nhận thấy những đóng góp quan trọng và nhiều mặt của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên các lĩnh vực văn hóa, giáo dục và nghệ thuật chính là sự kết tinh của truyền thống văn hóa hàng ngàn năm của dân tộc Việt Nam, và những tư tưởng của Người là hiện thân của những khát vọng của các dân tộc mong muốn được khẳng định bản sắc văn hóa của mình và mong muốn tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa các dân tộc: 1- Khuyến nghị các quốc gia thành viên cùng tham gia Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, bằng việc tổ chức các hoạt động cụ thể để tưởng niệm Người, qua đó làm cho mọi người hiểu rõ tầm vóc vĩ đại của những tư tưởng và những cống hiến cho sự nghiệp giải phóng dân tộc của Người; 2- Ðề nghị Tổng Giám đốc UNESCO triển khai các biện pháp thích hợp để Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh và hỗ trợ các hoạt động kỷ niệm được tổ chức nhân dịp này, đặc biệt là những hoạt động sẽ diễn ra ở Việt Nam. Hồ Chí Minh, một nhân vật vĩ đại đã cống hiến trọn đời mình cho sứ mệnh tự do và độc lập Đây thật sự là một niềm vinh dự cho tôi khi được phát biểu trước các nhà trí thức và thông thái cao quý hội tụ ở đây ngày hôm nay để kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Hồ Chí Minh, người chiến sĩ dũng cảm đã giải phóng dân tộc mình khỏi một thế kỷ đô hộ thực dân, bằng sự lãnh đạo khôn khéo và quyết tâm vững chắc. Người là một trong những động lực đầu tiên của phong trào chống thực dân thời kỳ sau Chiến tranh thế giới thứ hai ở Châu Á và là một trong những lãnh tụ có ảnh hưởng nhiều nhất của các dân tộc ở thế kỷ XX. Hội nghị UNESCO phiên thứ 24 đã quyết định kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Người vào năm 1990. Đây là một cử chỉ tôn kính đối với một nhân vật vĩ đại đã cống hiến trọn đời mình cho sứ mệnh tự do và độc lập. UNESCO rất vui sướng được tham gia vào sự kiện đáng ghi nhớ này. Điều đó biểu hiện sự cam kết sâu sắc của tổ chức này trong việc duy trì các giá trị và công lao của các nhân vật vĩ đại được nhân loại công nhận và kính trọng. Những tình cảm này được thể hiện rõ rệt trong Nghị quyết của Đại hội đồng với sự nhấn mạnh rằng: Tư tưởng của Người chứa đựng nguyện vọng của nhân dân muốn khẳng định nền văn hóa riêng của mình và xúc tiến sự hiểu biết lẫn nhau. Nghị quyết này cũng yêu cầu Tổng giám đốc UNESCO giúp đỡ cho các hoạt động kỷ niệm được tổ chức nhân dịp này, đặc biệt ở Việt Nam. Tên gọi Hội thảo khoa học là: “Chủ tịch Hồ Chí Minh – Anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam, nhà văn hóa lớn” nhằm nêu bật nhiều mặt của nhân cách con người vĩ đại này. Do đó, tôi thấy sẽ không khiêm tốn nếu bàn về cuộc đời và các thành tựu của Người khi bao nhiêu diễn giả nổi tiếng có mặt tại đây và là những người mà tôi tin chắc sẽ góp phần quan trọng là điều sẽ đáng ca ngợi và làm phong phú kinh nghiệm cho mọi người. Đây là một thành tựu không nhỏ đối với Người, con của một nhà Nho của một nước nghèo. Người trở thành nhà lãnh đạo uy tín của nhân dân Việt Nam và riêng mình đã phải chịu đựng những khó khăn khủng khiếp suốt trên ba thập kỷ. Nếu ta nhìn về thời niên thiếu của Người, chúng ta thấy một con người luôn trăn trở. Người không thể hoàn tất việc học tập của mình và sau đó đã trở thành một thầy giáo. Người vào học một trường kỹ thuật. Trong vài năm, Người trở thành một thủy thủ đi hết hải cảng này đến hải cảng khác. Giữa chiến tranh thế giới lần thứ nhất, ta lần lượt gặp Người là người làm vườn, quét tuyết, hầu bàn, rửa ảnh và thợ đốt lò. Dĩ nhiên người cảm thấy không thanh thản và lo tìm một ý nghĩa cho cuộc sống của mình. Chính ở Pháp, giữa những năm 1917 và 1923, Người đã trở thành một nhà xã hội chủ nghĩa tích cực và chính vào lúc này, ta thấy phẩm chất thực sự của Người được thể hiện mạnh mẽ. Năm 1920, được cổ vũ thành công bởi cách mạng cộng sản ở Nga. Người đứng về phía những người cộng sản Pháp khi họ rút khỏi Đảng Xã hội. Đây là một bước ngoặt lớn và về sau dẫn tới việc thành lập Đảng Cộng sản Đông Dương năm 1930. Người tích cực xây dựng lực lượng của phong trào yêu nước ở Việt Nam và bắt tay với Đồng minh chống Nhật. Khi cuộc chiến tranh kết thúc, cuộc tổng khởi nghĩa đã nổ ra trong cả nước. Ngày 2-9-1945, trước một cuộc mít tinh lớn ở Quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố Việt Nam độc lập Người nói: “Tất cả mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”. Người khôn khéo kết hợp chiến thuật với ngoại giao, kiên trì thương lượng, bởi vì: Người biết rằng thời gian thuộc về phía mình. Quan điểm sáng suốt và khả năng làm chủ sự kiện giúp Người đạt mục tiêu của mình. Lòng yêu nước của Người được phát huy cùng với sự hiểu biết sâu sắc về khoa học chính trị và quân sự, về lịch sử và văn hóa và trên tất cả Người hết lòng yêu mến nhân dân. Trong khi chiến đấu cả đời mình chống lại ách thống trị thực dân, Người vẫn là một nhà nhân văn chân chính trong tư tưởng và hành động. Bây giờ cho phép tôi đề cập một phương diện khác về con người Chủ tịch Hồ Chí Minh, đó là một nhà văn hóa lớn. Việt Nam là một nước tương đối đồng nhất về mặt xã hội; xét theo quan điểm dân tộc thì vào khoảng 85% toàn bộ nhân dân cùng có chung một nền văn hóa Việt Nam chủ đạo. Tuy nhiên, sự tồn tại của nhiều nhóm thiểu số tôn giáo cùng với các nhóm thiểu số dân tộc thật sự tạo ra nhiều khó khăn trong việc hình thành một xã hội liên kết. Tuy vậy, Hồ Chí Minh đã thành công trong việc liên kết nhiều sắc thái văn hóa vào một nền văn hóa Việt Nam duy nhất. Người đã làm được việc này nhờ sự hiểu biết sâu sắc và tôn trọng những đặc điểm văn hóa khác nhau. Người đã hoàn thành được nhiệm vụ này và trong việc làm, lời nói của Người, ta có thể nhìn thấy rõ hình ảnh, tư tưởng của nhà thơ, nhà văn, nghệ sĩ dân ca, những người đem lại nguồn cảm xúc cho nhiều thế hệ nhân dân Việt Nam. Cuộc đời của Người mang ảnh hưởng của những giá trị và truyền thống dân tộc, có những đóng góp vào việc tạo nên một nền văn hóa Việt Nam hiện đại. Chỉ có ít nhân vật trong lịch sử trở thành một bộ phận của huyền thoại ngay khi còn sống và rõ ràng Hồ Chí Minh là một trong số đó. Người sẽ được ghi nhớ không chỉ là người giải phóng cho Tổ quốc và nhân dân bị đô hộ, mà còn là một nhà hiền triết hiện đại đã mang lại một viễn cảnh và hy vọng mới cho những người đang đấu tranh không khoan nhượng để loại bỏ bất công, bất bình đẳng khỏi trái đất này. Tôi hy vọng cuộc hội thảo này sẽ làm sáng tỏ thêm cuộc đời và thành tích của Hồ Chí Minh. Đó là một đóng góp có ý nghĩa nhất vào việc tưởng niệm nhân vật vĩ đại này. Trung tâm KHXH&NV quốc gia, Ủy ban Quốc gia UNESCO của Việt Nam, Hội thảo quốc tế Chủ tịch Hồ Chí Minh, Anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa lớn, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1995, tr.26-29

Nguyễn Ái Quốc tham dự Đại hội lần thứ 18 của Đảng Xã hội Pháp (25/12/1920 - 30/12/1920)

Từ “Người cùng khổ” đến vị Chủ tịch nước – Phrăngxoa Biu Những ai đã từng biết Chủ tịch Hồ Chí Minh qua những giai đoạn trong cuộc đời của Người đều có thể theo dõi con đường đi của nước Việt Nam từ ngày còn còng lưng dưới ách thực dân cho đến ngày trở thành người chủ vận mệnh của mình. … Chính năm 1917, trong khói lửa của chiến tranh thế giới lần thứ nhất, lần đầu tiên tôi gặp những người mà chúng tôi gọi là An Nam, cũng như hàng vạn người khác bị đưa từ nước họ sang làm việc ở xưởng vũ khí Rôan, trong khi một số anh em họ bị đưa ra mặt trận vào hàng ngũ “lính An Nam” và “lính Bắc kỳ”. Sau đấy, tôi được biết đồng chí Hồ Chí Minh, vị Chủ tịch tương lai của nước Việt Nam, lúc bấy giờ cũng đang ở Pháp…

Nguyễn Ái Quốc và những người bạn Pháp

Năm 1922, tới dự Hội nghị mở rộng của Ban Chấp hành toàn quốc Liên đoàn Thanh niên Cộng sản Pháp. Có người nói với tôi: “Một thanh niên An Nam sẽ nói chuyện với các đồng chí về những nỗi khổ và hy vọng của đất nước đồng chí đó”. Tôi nhớ hình như người ta giới thiệu đồng chí Nguyễn Ái Quốc với chúng tôi như thế. Đồng chí nói về những nỗi đau khổ của các dân tộc ở Đông Dương được hưởng tự do trong độc lập, rằng thanh niên cộng sản Pháp sẽ đóng góp vào sự nghiệp đấu tranh của nhân dân Đông Dương, vì đó cũng là một biện pháp để giải phóng nước Pháp. Nhìn và nghe đồng chí Nguyễn Ái Quốc phát biểu, tôi hình dung lại những người An Nam làm việc ở xưởng sản xuất vũ khí Rôan bị bóc lột tàn tệ nhưng lại vô cùng tự hào đến nỗi không ai có thể nói là họ bị nô lệ. Hai năm sau, năm 1924, tôi gặp lại đồng chí Nguyễn Ái Quốc, lần này không phải trong mấy phút mà trong nhiều tuần lễ, tại Đại hội Thanh niên Quốc tế Cộng sản. Tại Đại hội đó, đồng chí đã phê bình một số mặt trong chính sách của Đảng, của đồng chí – Đảng Cộng sản Pháp – lúc đó chưa hoàn toàn thoát khỏi hệ tư tưởng thuộc địa. Đồng chí phê bình một cách không hài lòng nhưng đồng thời cũng không gay gắt. Nguyện vọng duy nhất của đồng chí là phát triển tình đoàn kết chiến đấu giữa hai dân tộc chống kẻ thù chung là đế quốc Pháp. Trong nhiều cuộc nói chuyện khác, đồng chí thường đề cập vấn đề này, vấn đề mà đồng chí cho là hàng đầu. Ba năm trôi qua, năm 1927, là đại biểu của thanh niên cộng sản Pháp trong Ban Thường vụ Thanh niên Quốc tế Cộng sản tại Mátxcơva, tôi gặp lại đồng chí Nguyễn Ái Quốc đang nằm dưỡng bệnh mấy tại vùng Côcadơ tôi nhận được một danh thiếp của đồng chí yêu cầu tôi đừng quên gửi cho đồng chí báo Nhân đạo và các sách báo khác của Đảng Cộng sản Pháp. Mấy ngày trước đó, đồng chí đã nói với tôi rằng đồng chí rất vui mừng khi thấy hoạt động của những người cộng sản Pháp chống các cuộc chiến tranh ở Marốc và Xyri, về sự ủng hộ đối với các cuộc đấu tranh của các dân tộc Đông Dương. Đồng chí nói: “Tôi biết phải kinh qua nhiều khó khăn, phải kiên trì cố gắng, nhưng sự tồn tại của một Đảng Cộng sản ở Đông Dương sẽ tạo điều kiện để tổ chức và lãnh đạo đúng đắn cuộc giải phóng dân tộc và xã hội ở Việt Nam”. Và năm 1930, điều đó đã trở thành sự thật. Đến năm 1946, tại Pari tôi lại gặp đồng chí, lúc này đã trở thành Chủ tịch Hồ Chí Minh, người mà ngày 2 tháng 9 năm 1945, tại Hà Nội đã nhân danh dân tộc mình tuyên bố nền độc lập của nước Việt Nam. Người sáng lập tờ Người cùng khổ, tờ báo Pháp đầu tiên nói tới những người bị chủ nghĩa thực dân đàn áp, đã trở thành Chủ tịch nước. Chính năm 1960, tại Đại hội Đảng Lao động Việt Nam ở Hà Nội, tôi lại được gặp đồng chí Hồ Chí Minh. Một buổi tối, đồng chí mời tôi tới dự bữa tiệc chiêu đãi vị đứng đầu một nước Châu Phi mới giải phóng, đồng chí nói: “Đồng chí hãy ngồi với chúng tôi vì đồng chí đại diện cho Đảng Cộng sản Pháp, là những người luôn luôn giương cao ngọn cờ của Chủ nghĩa quốc tế Vô sản”. Năm 1964, tôi sang Hà Nội để bày tỏ ý định của Đảng Cộng sản Pháp hành động chống đế quốc Mỹ đã thay đế quốc Pháp. Một buổi sáng, tôi cùng đi với Chủ tịch Hồ Chí Minh đến trụ sở bỏ phiếu. Ở sân trụ sở, có hàng trăm người, phần lớn là phụ nữ. Khoác tay tôi, đồng chí quay về phía mọi người và nói: “Tôi xin giới thiệu với đồng bào một người Pháp nhưng là một người bạn thân, một người anh em. Đồng chí là đại diện của nước Pháp lao động và biết suy nghĩ, của nước Pháp đứng bên cạnh những người đang đấu tranh giải phóng dân tộc”. Tuần lễ mới đây tôi lại được gặp người đồng chí, người bạn thân thiết Hồ Chí Minh của tôi lần cuối cùng. Đồng chí không thể nói chuyện với tôi được nữa, song nghe đọc lời Di chúc của Người, ở từng câu, từng chữ, tôi cảm thấy Người còn sống, Người rất gần chúng ta! Trước đó mấy giờ, trong khi nghẹn ngào ôm hôn nhau, đồng chí Lê Duẩn, Bí thư Thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam đã nói với đồng chí Lêô Phighe và tôi: “Cho đến tận những giây phút cuối cùng, Hồ Chủ tịch còn nói với chúng tôi về những mối quan hệ hữu nghị không gì lay chuyển nổi giữa hai Đảng chúng ta. Người căn dặn chúng tôi phải chú ý bảo vệ mối quan hệ đó và chúng tôi sẽ thực hiện lời dặn của Người!”. Chủ tịch Hồ Chí Minh kính mến, người đồng chí kính mến, người bạn thân mến! Đồng chí luôn luôn là bạn thân của những người cộng sản Pháp, đồng chí sẽ là tấm gương sáng đối với những người cộng sản Pháp. Là những người đã từng biết đồng chí từ ngày đồng chí còn là chiến sĩ bí mật, là những người mà tâm hồn luôn luôn ở bên cạnh đồng chí trong những năm gian khổ, khó khăn và lại được gặp đồng chí là Chủ tịch nước – đất nước mà đồng chí đã cùng với Đảng của đồng chí và dân tộc của đồng chí dựng lên – chúng tôi có thể chứng minh rằng lòng dũng cảm và ý chí bất khuất của đồng chí trong đấu tranh thật là vô địch. Đối với mỗi người Việt Nam, đồng chí là “Bác Hồ” yêu quý nhất và kính trọng nhất. Đồng chí cũng là “Bác Hồ” yêu quý nhất và kính trọng nhất của chúng tôi, của những người anh em của đồng chí, của các cháu của đồng chí trong Đảng Cộng sản Pháp.

Từ khóa » Tổ Chức Unesco Công Nhận Chủ Tịch Hồ Chí Minh Là