Chủ Tịch Hồ Chí Minh Với Sự Nghiệp Báo Chí Cách Mạng Việt Nam
Có thể bạn quan tâm
Tìm hiểu, nghiên cứu những quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về báo chí, sự nghiệp và những di sản báo chí của Người có ý nghĩa rất thiết thực đối với việc nghiên cứu, phát triển và vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh phục vụ sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước nói chung, xây dựng và đổi mới nền báo chí nước nhà nói riêng. Đó cũng là ước muốn, nguyện vọng và trách nhiệm của những nhà báo hiện nay.
Chủ tịch Hồ Chí Minh từ một người yêu nước chân chính sớm tìm gặp chủ nghĩa Mác-Lênin. Nhờ vậy, Người sớm thấm nhuần tư tưởng Lênin về vị trí, vai trò, chức năng của báo chí cách mạng đối với sự nghiệp cứu nước, giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước phồn vinh.
Dưới ách áp bức của thực dân Pháp, ở Việt Nam - một nước thuộc địa, người dân cam chịu phận nô lệ, nói gì đến tự do ngôn luận, báo chí! Luật kiểm duyệt gắt gao, mật thám săn lùng đến mức mà người Việt Nam nào “có những tờ báo hoặc tạp chí tư tưởng tiến bộ một chút, hoặc có một tờ báo của giai cấp công nhân Pháp là một tội nặng”.
Điều ấy đã đủ để nói lên rằng, hoạt động báo chí không chỉ là điều tất yếu để chuyển tải tinh thần cách mạng tới dân chúng mà còn cho thấy bản lĩnh chính trị, sự gan góc của người chiến sĩ kiên trung - Hồ Chí Minh.
Làm báo đối với Bác Hồ, chưa bao giờ là hoạt động nghề nghiệp thuần túy mà là phương tiện để làm cách mạng. Chính người đã mở ra dòng báo chí cách mạng Việt Nam bằng việc sáng lập ra tờ báo Thanh niên, số đầu ra ngày 21-6-1925 và đã tổ chức xây dựng nó theo quan điểm lê-nin-nít về báo chí vô sản.
Từ ngày Báo Thanh niên ra số đầu tiên 21-6-1925 đến tháng 8-1945, trong vòng 20 năm, hoạt động báo chí nước ta luôn gắn liền với cuộc vận động cách mạng của nhân dân. Sau bao năm bôn ba ở nước ngoài, Chủ tịch Hồ Chí Minh trở về nước và sáng lập tờ Việt Nam độc lập, nhằm kêu gọi nhân dân đoàn kết đứng lên đánh đuổi thực dân Pháp.
Hàng loạt tờ báo, tạp chí khác cũng được thành lập như Cứu quốc, Cờ giải phóng, Tạp chí Cộng sản và nhiều tờ báo ở các địa phương đã góp phần tuyên truyền đường lối cứu nước trong cán bộ, nhân dân.
Sau Cách mạng Tháng Tám 1945, báo chí cách mạng được Đảng trao cho sứ mệnh tiên phong trong việc tuyên truyền, giáo dục về đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, phản ánh thực tiễn xây dựng và bảo vệ Tổ quốc với quan điểm xuyên suốt: Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Đây cũng là mục tiêu, là tiêu chí quy định chức năng, nhiệm vụ; đồng thời cũng là môi trường phát triển của nền báo chí nước nhà.
Hoạt động cách mạng luôn gắn liền với báo chí
Suốt hơn nửa thế kỷ tham gia đấu tranh cách mạng, Hồ Chí Minh luôn lấy báo chí là vũ khí tiến công kẻ thù và là một phương tiện hoạt động có hiệu quả để xây dựng phong trào cách mạng.
Là tác giả của hàng nghìn bài báo được viết ra suốt hơn 50 năm hoạt động cách mạng, nhà báo Hồ Chí Minh luôn luôn chú ý đến đối tượng phục vụ. Những bài báo viết bằng tiếng Pháp vào những năm đầu thế kỷ XX cho độc giả chủ yếu là người Pháp, những bài báo trên tờ "Việt Nam độc lập" nhằm vào đối tượng quần chúng công nông ở một địa bàn rừng núi chiến khu, rồi hàng trăm bài cho đông đảo độc giả trong cả nước-tất cả đều được viết ra cho phù hợp với trình độ đối tượng. Người chỉ rõ: Muốn cho người xem hiểu được, nhớ được, làm được thì phải viết cho đúng trình độ của người xem, viết rõ ràng, gọn gàng, chớ dùng nhiều chữ.
Sau này, tại Đại hội lần thứ hai Hội Nhà báo Việt Nam, Người đã kể lại: "Năm 1941, bí mật về nước. Theo lời dạy của Lênin: Tờ báo là công cụ tuyên truyền, cổ động, tổ chức và lãnh đạo. Cho nên mình cố gắng ra một tờ báo ngay và phải làm rất bí mật vì luôn luôn có mật thám của Pháp, Nhật và Bảo Đại rình mò. Điều kiện sinh hoạt thì bữa đói, bữa no... Báo "Việt Nam độc lập" bắt đầu ra mắt từ ngày 1-8-1941, lúc đầu là cơ quan của Tỉnh bộ Việt Minh Cao Bằng sau mở rộng ra toàn khu Cao Bằng, Bắc Cạn, Lạng Sơn.
Chủ tịch Hồ Chí Minh với phóng viên Báo Việt Nam độc lập tại Thái Nguyên, tháng 1-1964Báo "Việt Nam độc lập" cốt làm cho dân tộc ta hết ngu hèn, biết các việc, biết đoàn kết đặng đánh Tây, đánh Nhật làm cho Việt Nam độc lập, bình đẳng, tự do. Lúc này mục tiêu của cách mạng là hô hào nhân dân tham gia vào Mặt trận Việt Nam.
Chủ tịch Hồ Chí Minh với các nhà báo tại Đại hội III, Hội Nhà báo Việt Nam, năm 1962. (Nguồn: Bảo tàng Báo chí Việt Nam)Từ một nhà hoạt động cách mạng viết báo với phong cách trí tuệ, sắc sảo, uyên thâm trong môi trường báo chỉ phương Tây, Hồ Chí Minh đã bắt nhịp nhanh chóng với báo chí cách mạng ở trong nước và chỉ đạo có hiệu quả tờ báo "Việt Nam độc lập".
Nhận xét về tờ Việt Nam độc lập, hồi ký của Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết: "Gọi là ra báo nhưng chỉ là một phiến đá, mỗi hộp mực. Tuy nhỏ bé, đơn giản thế nhưng tác dụng của báo lại rất to lớn, tờ Việt lập đã là người cán bộ tuyên truyền, tổ chức, đấu tranh gây ảnh hưởng cách mạng thật mau chóng".
Báo Việt Nam độc lập là tờ báo hành động, gắn bó với quần chúng cách mạng, thôi thúc, giục giã quần chúng tham gia phong trào Việt Minh, chuẩn bị cho thời kỳ lớn, vận hội lớn của dân tộc sắp tới. Hồ Chí Minh không chỉ là người lãnh đạo, định hướng tổ chức mà còn tuyên truyền cổ động cho tờ báo: Báo "Độc lập" hợp thời đệ nhất/Làm cho ta mở mắt mở tại/Cho ta biết đó biết đây. (1)
Trong thư gửi Báo "Quân du kích", Người cũng chỉ rõ: “Viết sao cho giản đơn, dễ hiểu, thiết thực. Sao cho mỗi đồng bào, mỗi chiến sĩ đều đọc được, hiểu được, nhớ được, làm được”. Nội dung của Báo "Quân du kích" phải thể hiện cho phù hợp với đối tượng của tờ báo. Người đã thâu tóm cách viết trong những ý cô đúc: Vì ai mình viết? Mục đích viết làm cái gì? Viết cái gì? Những câu trả lời của tác giả cũng gọn gàng: Viết cho đại đa số. Viết để phục vụ quần chúng. Viết để nêu lên những cái hay, cái tốt của dân tộc ta, bộ đội, cán bộ ta và phê phán kẻ thù.
Các bài viết của Bác Hồ bao giờ cũng có giá trị lý luận và thực tiễn cao; vừa nhuần nhuyễn, đậm đà tính dân tộc, vừa giàu tính hiện đại; vừa mang tính chiến đấu, vừa có sức cảm hóa, thuyết phục mạnh mẽ đối với người đọc… Đó chính là phong cách báo chí Hồ Chí Minh.
Ngoài ra, một trong những yếu tố góp phần tạo nên phong cách báo chí Hồ Chí Minh là tính chất phong phú của những sắc điệu ngôn ngữ. Ngôn ngữ báo chí Hồ Chí Minh chủ yếu là ngôn ngữ chính luận mà đặc điểm chung là giới thiệu, phân tích, luận bàn để tổ chức ý tưởng, luận điểm của mình có hiệu quả nhất. Và ở mức cao hơn "nhiệm vụ của ngôn ngữ chính luận không phải chỉ là bày tỏ và giải thích những vấn đề quan trọng mà còn phải thuyết phục người nghe, để họ trở thành những người tham gia tích cực vào việc giải quyết những vấn đề xã hội trước mắt".
Ảnh 1: Chủ tịch Hồ Chí Minh với các nhà báo tại Điềm Mặc, Thái Nguyên, năm 1947 (Nguồn: Bảo tàng Báo chí Việt Nam); Ảnh 2: Chủ tịch Hồ Chí Minh bắt tay nhà thơ, nhà báo Thôi Hữu. Trong ảnh, còn có các nhà báo, văn nghệ sĩ: Từ Giấy, Nguyễn Huy Tưởng, Tố Hữu, nhạc sĩ Tử Phác. (Nguồn: NSNA Trần Văn Lưu) ; Ảnh 3: Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp đoàn Đại biểu Hội Văn nghệ giải phóng miền nam Việt Nam tại Phủ Chủ tịch, năm 1966. Trong ảnh, từ trái sang: Nhà thơ Tố Hữu; Nhà báo, nhà văn Phan Tứ; Bác Hồ; Nhà báo Thái Duy; Ảnh 4: Chủ tịch Hồ Chí Minh và các cán bộ, nhà báo trong chuyến thăm và làm việc ở Quảng Ninh, ngày 2/2/1965, dịp Tết Ất Tỵ. (Nguồn: Bảo tàng Báo chí Việt Nam); Ảnh 5: Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng hoa nhà quay phim Phan Thế Hùng, Xưởng phim Vô tuyến truyền hình, nhân Ngày Quốc tế Lao động 1/5/1968. (Nguồn: Thông tấn xã Việt Nam)Không chỉ là người sáng lập báo chí cách mạng Việt Nam, là tác giả của một khối lượng không nhỏ các bài báo, đóng góp to lớn vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, Bác còn có những lời chỉ dạy sâu sắc về người làm báo.
Người luôn nhấn mạnh vai trò quan trọng của người làm báo: “Nói đến báo chí trước hết phải nói đến những người làm báo”, “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ”, “Tờ báo chỉ là giấy trắng mực đen mà thôi. Nhưng với giấy trắng mực đen ấy, người ta có thể viết những bức tối hậu thư”.
Vì vậy, đối với người làm báo, đạo đức và năng lực là yêu cầu không thể thiếu để báo chí xứng đáng với vai trò vị trí quan trọng trong công cuộc cách mạng chung của đất nước. Yêu cầu đầu tiên đối với người làm báo là phải vững vàng về phẩm chất chính trị. Bác căn dặn, “tất cả những người làm báo (người viết, người in, người sửa bài, người phát hành…) phải có lập trường chính trị vững chắc. Chính trị phải làm chủ. Đường lối chính trị đúng thì những việc khác mới đúng được. Cho nên các báo chí của ta đều phải có đường lối chính trị đúng”.
Người dạy những người làm báo rằng: “Viết báo phải có căn cứ”, chưa điều tra, chưa nghiên cứu, chưa biết rõ, chớ nói, chớ viết. Không được vội vàng mới nghe qua đã viết, không được chủ quan, suy đoán, mà phải có điều tra, nghiên cứu kỹ; “Viết phải sát đối tượng”, bao giờ cũng phải tự hỏi viết cho ai xem, nói cho ai nghe, nếu không như vậy thì cũng như cố ý không muốn cho người ta nghe, không muốn cho người ta xem. Theo quan điểm của Người, cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Một tờ báo không được đa số dân chúng ưa chuộng thì không xứng đáng là một tờ báo, phải làm thế nào cho báo có nhiều người xem.
Bác cũng yêu cầu cán bộ báo chí phải biết tự phê bình và phê bình. Bác coi đó “là vũ khí cần thiết và sắc bén giúp cho chúng ta sửa chữa sai lầm và phát triển ưu điểm”. Đối với nhà báo cách mạng “viết cũng như mọi việc khác, phải có chí, chớ giấu dốt, nhờ tự phê bình và phê bình mới tiến bộ.
Công việc làm báo được Bác rất quan tâm và chú trọng
Chủ tịch Hồ Chí Minh là một nhà hoạt động chính trị chuyên nghiệp, Người sử dụng phương tiện báo chí, tổ chức và làm báo rất giỏi. Bởi thế, công việc làm báo được Bác rất quan tâm và chú trọng.
Ảnh trái: Chủ tịch Hồ Chí Minh và lãnh đạo Hội Những người viết báo Việt Nam (nay là Hội Nhà báo Việt Nam) tiếp Hội Nhà báo Khmer, năm 1958. (Nguồn: Bảo tàng Báo chí Việt Nam); Ảnh phải: Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp Nhà báo Wilfred Burchett (ngoài cùng bên phải) tại Phủ Chủ tịch, năm 1966. (Nguồn: Bảo tàng Báo chí Việt Nam)Bác cho rằng, làm báo phải thực sự đi vào nhân dân, làm báo phải dễ hiểu. Bác luôn dặn người làm báo không nên viết những gì cao siêu mà phải mang tính quần chúng.
TS Chu Đức Tính, nguyên Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh cho rằng: Một điều gần như tôn chỉ mà Bác dặn những người làm báo và những người làm công tác tuyên truyền nói chung là nói gì cũng phải tự trả lời câu hỏi trước là nói cho ai, nói để làm gì và nói như thế nào, tức là nói cho đối tượng nào và nhằm mục đích gì. Từ đó có cách nói cho phù hợp, với mỗi đối tượng riêng sẽ có cách nói riêng.
Đối với lực lượng vũ trang cũng có cách nói riêng, đối với quần chúng nhân dân có cách nói riêng, đối với những người nghiên cứu có những cách tuyên truyền riêng nhưng tựu chung lại bao giờ cũng phải dễ hiểu để dễ nhớ, dễ làm.
Chủ tịch Hồ Chí Minh với cán bộ, nhân viên Báo Sự Thật (tiền thân của Báo Nhân Dân), khoảng năm 1948. Trong ảnh: Nhà báo Quang Đạm ngồi ngoài cùng bên phải. (Nguồn: Bảo tàng Báo chí Việt Nam)Đối với người cầm bút bao giờ Bác cũng nhắc: Một là phải tinh thông nghề nghiệp, thứ hai là phải có đạo đức nghề nghiệp. Hai việc đó là song hành. Tinh thông tức là phải hiểu đúng, thấy đối tượng tuyên truyền cần gì để mình viết bài phục vụ cho điều đó và có những bài phục vụ cho chủ đề đó, có cách viết để đi vào lòng người. Đạo đức thì đã rõ. Nếu không có đạo đức thì bất cứ việc gì cũng không làm được. Báo chí phải là vũ khí phê bình nhưng phải có cách phê bình, biết phê bình để nâng niu con người trở thành người tốt chứ không phải để vùi dập con người. Báo chí là phương tiện hết sức quan trọng, phương tiện tuyên truyền, phương tiện tổ chức và phương tiện hướng dẫn dư luận.
Trong cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh, dù bận trăm công nghìn việc nhưng hằng ngày Người vẫn đọc báo. Thời đó chưa nhiều đến mức mấy trăm tờ báo như bây giờ và cũng không có nhiều loại hình báo chí như hiện nay mà mới chỉ có báo nói nghe qua đài và báo giấy của các ngành, các cấp gửi tới biếu Bác. Bác đều đọc hết.
Bức ảnh chân dung Bác Hồ dành tặng nhà quay phim Nguyễn Thế Đoàn, năm 1951. (Nguồn: Bảo tàng Báo chí Việt Nam)Đặc biệt trong nghề làm báo, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn tuyên truyền, yêu cầu nhà báo tôn vinh các tấm gương người tốt, việc tốt quanh ta. Bác Hồ rất quan tâm đến tấm gương người tốt, việc tốt để bất cứ tấm gương nhỏ nào cũng được nâng niu, khai thác.
“Bác tự tay viết báo, tự viết hàng nghìn bài báo. Trong cuộc đời Bác sử dụng hàng trăm bút danh và bí danh khác nhau. Tất nhiên bây giờ chúng ta không hiểu tại sao Bác lấy bút danh này song lại lấy bút danh kia, nhưng hầu như trong mỗi cái tên, Người đều cho vào một chuyên mục riêng như một “thương hiệu”. Chẳng hạn như bút danh “Chiến sĩ” là để cho những bài viết về quân đội…”, TS Chu Đức Tính cho biết.
Hai tờ báo “Vệ Quốc quân” và “Quân du kích” tiền thân của Báo Quân đội nhân dân.Cách đây 71 năm, ngày 20-10-1950, thời điểm đang bước vào giai đoạn khó khăn, ác liệt nhất của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, để đáp ứng nhiệm vụ tuyên truyền, Bộ Tổng Tư lệnh đã quyết định sáp nhập 2 tờ báo “Vệ Quốc quân” và “Quân du kích” thành một tờ báo thống nhất của quân đội và dân quân Việt Nam và ra số đầu tiên tại Thủ đô kháng chiến: Thôn Khau Diều, xã Định Biên, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên.
Thật vinh dự, tự hào, tờ báo mới của lực lượng vũ trang được chính Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đặt tên. Người nói: Quân đội ta là Quân đội nhân dân, tờ báo của quân đội là: “Quân đội nhân dân”
Ngay trong quá trình chuẩn bị số báo đầu tiên, Bác Hồ đã căn dặn Báo Quân đội nhân dân những điều hết sức gần gũi mà sâu sắc: “Nói những điều thật thiết thực, đúng đường lối chính trị, ít tếu, viết ngắn, giản dị, vẽ dễ hiểu, trình bày rõ ràng, ít tiếp sang trang khác”. Lời Bác dặn đã trở thành kim chỉ nam không chỉ đối với người làm báo Quân đội mà đối với toàn thể những người làm báo cách mạng, đó là những lời khắc cốt, ghi xương và đến hôm nay vẫn còn nguyên giá trị.
Ra đời giữa lúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đang có bước phát triển mạnh mẽ, thực hiện lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cán bộ, phóng viên Báo Quân đội nhân dân đã không quản ngại gian khổ, ác liệt và hy sinh, luôn có mặt ở khắp các chiến trường, phản ánh kịp thời tinh thần chiến đấu dũng cảm và những chiến công hiển hách của quân và dân ta.
Những trang viết nóng hổi từ các mặt trận Biên giới, Đồng bằng, Trung du, Đông bắc, Tây bắc; những thông tin, bình luận về cục diện chiến trường cả nước và toàn Đông Dương; những tấm gương chiến đấu quả cảm, kiên cường và tình cảm quân dân, nghĩa tình đồng chí, đồng đội sâu nặng … được tuyên truyền trên Báo Quân đội nhân dân có sức cổ vũ to lớn, kịp thời đối với cuộc kháng chiến “Toàn dân, toàn diện” của quân và dân ta. Đặc biệt trong chiến dịch Điện Biên Phủ, Báo Quân đội nhân dân đã tổ chức Tòa soạn tiền phương để xuất bản báo ngay tại mặt trận, phát hành tận tay cán bộ, chiến sĩ tại chiến hào, góp phần vào chiến thắng vĩ đại “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
Tòa soạn Báo và Nhà in theo chân phục vụ bộ đội và nhân dân trong các chiến dịch thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954). Ảnh tư liệuNăm 1964-1965, đế quốc Mỹ điên cuồng leo thang chiến tranh phá hoại miền Bắc bằng Không quân và Hải quân, đưa hàng chục vạn quân chư hầu vào chiến trường miền Nam, mở rộng quy mô và cường độ cuộc chiến. Để đáp ứng yêu cầu mới của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Báo Quân đội nhân dân ra hằng ngày, đúng vào kỷ niệm lần thứ 75 sinh nhật Bác Hồ kính yêu, ngày 19-5-1965.
Suốt trong những năm tháng kháng chiến chống Mỹ gay go, ác liệt, Báo Quân đội nhân dân đã thực sự là nguồn cổ vũ, động viên cán bộ, chiến sĩ trên mặt trận và nhân dân cả nước, góp phần tích cực giáo dục chủ nghĩa anh hùng cách mạng, xây đắp niềm tin và ý chí dám đánh, biết đánh và quyết đánh thắng quân thù.
Sau ngày đất nước hoàn toàn độc lập, thống nhất, xây dựng quân đội trong hòa bình, Báo Quân đội nhân dân đã nhanh chóng xác định tốt yêu cầu, nhiệm vụ tuyên truyền trong giai đoạn mới. Là cơ quan của Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng, tiếng nói của lực lượng vũ trang và nhân dân Việt Nam, được sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời, sâu sát của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, mà thường xuyên, trực tiếp là Thủ trưởng Tổng cục Chính trị và Đảng uỷ Cơ quan Tổng cục Chính trị, Báo Quân đội nhân dân đã nhanh nhạy nắm bắt vận hội mới của đất nước, khơi nguồn từ đường lối đổi mới của Đảng.
Phóng viên Báo Quân đội nhân dân tác nghiệp tại các kỳ Army Games.Cán bộ, phóng viên luôn xung kích đi đầu, bám sát thực tiễn, bám sát bộ đội và nhân dân, có mặt ở những nơi khó khăn gian khổ, khắc nghiệt nhất; đến với đồng bào vùng sâu vùng xa, biên giới hải đảo; phòng, chống bão lũ, thiên tai; cứu hộ, cứu nạn… Báo Quân đội nhân dân tiếp tục là “binh đoàn chủ lực” trong việc định hướng dư luận xã hội, tuyên truyền, cổ vũ, động viên toàn Đảng, toàn dân, toàn quân thực hiện thắng lợi đường lối đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo. Các nhà báo-chiến sĩ luôn xông pha nơi đầu sóng, ngọn gió, thông tin kịp thời, phân tích sâu sắc những diễn biến hằng ngày trên các lĩnh vực, ở khắp mọi miền của Tổ quốc.
Những năm qua, uy tín, vị thế và tầm ảnh hưởng của Báo Quân đội nhân dân ngày càng được nâng cao, mở rộng trong xã hội, còn là kết quả của hoạt động xã hội của cơ quan. Thực hiện chức năng của đội quân công tác và bằng tinh thần nỗ lực của toàn thể cán bộ, phóng viên, biên tập viên, công nhân viên, chiến sĩ, Báo Quân đội nhân dân đã thực sự trở thành cầu nối thân thiện và nghĩa tình, vận động được nhiều cá nhân, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài nước giúp đỡ, tài trợ xây được hàng vạn ngôi nhà, hàng ngàn công trình phúc lợi, hàng triệu xuất quà tặng các đối tượng chính sách, nạn nhân chất độc da cam, người nghèo và các địa phương khó khăn và ở biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa.
Phóng viên Báo QĐND tác nghiệp tại những điểm "nóng".Từ chỗ Báo Quân đội nhân dân phát hành trong nội bộ LLVT thì nay đã phát hành rộng rãi trên toàn quốc; ngày 7-7-1990, Báo Quân đội nhân dân thứ 7 (sau đổi thành Báo Quân đội nhân dân Cuối tuần) phát hành hàng tuần; tháng 3-1994, Báo Quân đội nhân dân phát hành ấn phẩm Nguyệt san Sự kiện và nhân chứng (ra hằng tháng). Hiện nay, Báo Quân đội nhân dân Điện tử có 5 ấn bản, chuyên trang đó là: Tiếng Việt, tiếng Anh, tiếng Trung Quốc, tiếng Lào, tiếng Khơ-me và Chuyên trang Media.
Ngày 3-4-2019, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 362/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 trong đó xác định xây dựng Báo Quân đội nhân dân là một trong 6 cơ quan báo chí được thực hiện theo mô hình cơ quan truyền thông đa phương tiện, định hướng dư luận.
Vào đúng dịp kỷ niệm 129 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-5-1890 /19-5-2019), Báo Quân đội nhân dân đã tổ chức Lễ công bố quyết định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng triển khai Đề án phát triển Báo Quân đội nhân dân theo mô hình cơ quan truyền thông đa phương tiện đến năm 2025 và chính thức khai trương chương trình phát thanh, truyền hình trên nền Báo Quân đội nhân dân Điện tử.
Phóng viên Ban Đại diện TP Hồ Chí Minh tác nghiệp.Với truyền thống vẻ vang và sự phấn đấu không mệt mỏi của những nhà báo- chiến sĩ, Báo Quân đội nhân dân thực sự là cầu nối, là kênh thông tin có uy tín để nhân dân hiểu, nhân dân tin Đảng, Nhà nước và Quân đội; cán bộ, chiến sĩ thêm tin tưởng vào Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng. Tờ báo thực sự là người bạn, người đồng đội tin cậy của bộ đội, cựu chiến binh và của các tầng lớp nhân dân.
Với những thành tích xuất sắc đóng góp vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Báo Quân đội nhân dân đã được Đảng, Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Quân công hạng Ba năm 1956; Huân chương Chiến công hạng nhất năm 1961; Huân chương Lao động hạng Nhì năm 1963; Huân chương Quân công hạng Nhất năm 1984; Huân chương Hồ Chí Minh năm 1990; Danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân năm 2000; Huân chương Sao vàng năm 2006; Danh hiệu Anh hùng Lao động năm 2010; Huân chương Độc lập hạng Ba năm 2020...
Trong bài có sử dụng một số tư liệu của cuốn sách “Báo chí Hồ Chí Minh, Chuyên luận và Tuyển chọn”, của Giáo sư Hà Minh Đức và tư liệu của các đồng nghiệp.
Từ khóa » Sự Nghiệp Hcm
-
Cuộc đời Và Sự Nghiệp Của Hồ Chủ Tịch - Phường 6
-
Cuộc đời Và Sự Nghiệp Cách Mạng Vẻ Vang Của Chủ Tịch Hồ Chí Minh
-
Tiểu Sử Và Sự Nghiệp Của Chủ Tịch Hồ Chí Minh (1890 - 1969)
-
Cuộc đời Và Sự Nghiệp Cách Mạng Của Chủ Tịch Hồ Chí Minh
-
Sự Nghiệp Cách Mạng Vĩ đại Của Chủ Tịch Hồ Chí Minh
-
Hồ Chí Minh | C. Mác; Ph. Ăngghen; V. I. Lênin - Tư Liệu - Văn Kiện
-
Cuộc đời, Sự Nghiệp - Hồ Chí Minh
-
Tiểu Sử Chủ Tịch Hồ Chí Minh (1890 - 1969)
-
Kỷ Niệm 130 Năm Ngày Sinh Chủ Tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890
-
Khái Quát Thân Thế Và Sự Nghiệp Cách Mạng Của Chủ Tịch Hồ Chí Minh
-
Cuộc đời Và Sự Nghiệp Chủ Tịch Hồ Chí Minh Là Một Bản Anh Hùng Ca
-
CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH (TÓM TẮT TIỂU SỬ VÀ SỰ NGHIỆP)
-
Chủ Tịch Hồ Chí Minh Với Sự Nghiệp đổi Mới, Phát Triển Và Bảo Vệ Tổ ...