Chủ Tịch Nước Dâng Hương Tưởng Niệm Các Anh Hùng Liệt Sĩ Tại Hang ...

Nhân chuyến thăm và làm việc tại Quảng Bình dự Lễ kỷ niệm 65 năm ngày Bác Hồ về thăm Quảng Bình (16/6/1957-16/6/2022), hướng tới kỷ niệm 75 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ, chiều 14/6, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã đến dâng hương, dâng hoa tại tại khu di tích lịch sử Hang Tám Cô, trên địa bàn xã Tân Trạch, huyện Bố Trạch.

Cùng đi có các đồng chí: Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; Thượng tướng Trần Quang Phương, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội; Hầu A Lềnh, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc; Vũ Đại Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình; lãnh đạo một số bộ, ngành Trung ương và tỉnh Quảng Bình.

Tại khu di tích lịch sử Hang Tám Cô, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cùng các thành viên trong đoàn đã tỏ lòng biết ơn sâu sắc các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

Tại khu di tích lịch sử Hang Tám Cô, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cùng các thành viên trong đoàn đã tỏ lòng biết ơn sâu sắc các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

Chủ tịch nước đã dâng hương, hoa tại Hang Tám Cô, nơi 8 thanh niên xung phong, những con người không quản mưa bom bão đạn, đảm nhận công việc xẻ núi mở đường trên tuyến đường trọng điểm Km16, đường 20 Quyết Thắng (thuộc xã Tân Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình), là con đường huyết mạch nối liền Đông Trường Sơn – Tây Trường Sơn đưa chi viện từ Bắc vào Nam trong cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tặng quà cho các gia đình đồng bào dân tộc thiểu số huyện Bố Trạch, Quảng Bình.

Tám thanh niên xung phong gồm 4 nam, 4 nữ quê ở Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa gồm: Nguyễn Văn Huệ (sinh 1952, xã Hoằng Trường), Nguyễn Văn Phương (1954, xã Hoằng Trường), Hoàng Văn Vụ (1953, xã Hoằng Hà), Nguyễn Mậu Kỷ (1947, xã Hoằng Đạt), Trần Thị Tơ (1954, xã Hoằng Trường), Lê Thị Lương (1953, xã Hoằng Thịnh), Đỗ Thị Loan (1952, xã Hoằng Ngọc), Lê Thị Mai (1952, xã Hoằng Thịnh).

Vào chiều ngày 04/11/1972, trong lúc thực hiện nhiệm vụ thì máy bay Mỹ bất ngờ thả bom oanh tạc. Để tránh trận mưa bom, 8 thanh niên xung phong phải tạm thời vào trú ẩn trong một hang động gần đó. Trận mưa bom đã cày nát cung đường và làm cho một tảng đá lớn trơi xuống lấp kín cửa hang.

Trong suốt 9 ngày đêm, mặc dù đồng đội đã cố gắng tìm cách để đưa các chiến sĩ ra khỏi đó nhưng tảng đá quá lớn nên mọi nỗ lực đều thất bại. Đến năm 1996, cửa hang được xẻ đôi, hài cốt của các anh chị được cất bốc mai táng. Giờ đây, chiến tranh đã qua, đi, nhưng tên tuổi của 8 thanh niên xung phong thời ấy vẫn còn vang mãi, trở thành huyền thoại trên chính cung đường 20 Quyết Thắng.

Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương tặng quà cho đồng bào dân tộc thiểu số tại Quảng Bình.

Tiếp đó, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã gặp mặt, thăm hỏi động viên đồng bào dân tộc thiểu số tại xã Tân Trạch và Thượng Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình.

Nói chuyện với bà con tại buổi gặp mặt, Chủ tịch nước bày tỏ, Quảng Bình có vị trí rất quan trọng và thực tế đã có những đóng góp to lớn cho sự nghiệp đấu tranh giành độc lập tự do cho dân tộc, xây dựng đất nước. Trong thời kỳ kháng chiến chống đế quốc Mỹ, khu vực miền núi hiểm trở chúng ta đang đứng là một trong những tuyến giao thông huyết mạch nối liền hậu phương miền Bắc với tiền tuyến miền Nam.

Trong giai đoạn đó, đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Bình đã đồng cam, cộng khổ, hăng hái cùng bộ đội phát tuyến tìm đường, lao động quên mình và chiến đấu anh dũng, kiên cường; vừa đánh địch, vừa xẻ núi, bạt đèo, đào đắp hàng triệu khối đất đá, bảo đảm mở đường, thông tuyến chi viện kịp thời sức người, sức của cho các chiến trường.

Chủ tịch nước bày tỏ, 65 năm trước, vào ngày 16 tháng 6 năm 1957, Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đã vào thăm Quảng Bình. Trong dịp này, thể hiện tình cảm gắn bó khăng khít giữa Bác và đồng bào dân tộc thiểu số, Người đã đồng ý để đồng bào Bru-Vân Kiều được chính thức mang họ Hồ của Người. Trong những năm kháng chiến, đồng bào Bru-Vân Kiều luôn son sắt thủy chung, một lòng theo Đảng, theo Bác Hồ, đóng góp sức người, sức của, che chở bộ đội, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Trong lao động, sản xuất, thực hiện sự nghiệp xây dựng đất nước hiện nay, nhiều cán bộ là người dân tộc Bru-Vân Kiều đã vươn lên tự khẳng định mình, được nhân dân tin tưởng, lựa chọn nắm giữ các vị trí lãnh đạo đảng, chính quyền các cấp.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tặng quà cho các gia đình chính sách tại huỵện Quảng Trạch, Quảng Bình.

Chủ tịch nước nhấn mạnh, sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành tình cảm và sự quan tâm đặc biệt đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Hiện nay, Đảng, Nhà nước ta luôn coi công tác dân tộc là nhiệm vụ chiến lược trong sự nghiệp cách mạng; luôn quan tâm chỉ đạo các cấp, các ngành thực hiện tốt công tác dân tộc và các chính sách, dự án phát triển kinh tế-văn hóa-xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, nhằm mục tiêu cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc thiểu số và phấn đấu thu hẹp khoảng cách phát triển giữa miền núi và miền xuôi, đem lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân các dân tộc.

Chủ tịch nước nêu rõ, Đảng, Nhà nước, nhân dân ghi nhận, tri ân những cống hiến, hy sinh to lớn của đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện Bố Trạch trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Ghi nhận thành tích vươn lên của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân nơi đây, Chủ tịch nước yêu cầu các cấp, các ngành, huyện Bố Trạch và tỉnh Quảng Bình thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với đồng bào, dân tộc thiểu số.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cũng mong muốn đồng bào các dân tộc phát huy tinh thần tự lực, tự cường, nỗ lực vươn lên, vượt qua đói nghèo, phát triển kinh tế, nâng cao đời sống, đóng góp vào việc phát triển quê hương ngày một giàu đẹp.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo tỉnh Quảng Bình tiếp tục quan tâm, có cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số phía Tây của tỉnh, từng bước nâng cao hơn nữa đời sống của đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn trong đó có đồng bào dân tộc Bru Vân Kiều.

Hình ảnh Lễ bấm nút khởi động dự án cấp điện lưới cho hai xã Tân Trạch và Thượng Trạch và Dự án nâng cấp đường 20 Quyết Thắng (huyện Bố Trạch).

Chủ tịch nước cho biết, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đánh giá “các già làng, trưởng bản, người có uy tín là những người tiêu biểu, gương mẫu, là điểm tựa cho mọi điểm tựa khác”. Chủ tịch nước tin tưởng và mong muốn người có uy tín tiêu biểu trong đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Bình tiếp tục nêu gương sáng cho con cháu và cộng đồng; là nhân tố tích cực trong các phong trào của địa phương, vận động, hướng dẫn các đồng bào dân tộc tại các bản làng mình cùng nhau nỗ lực trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo tồn bản sắc văn hóa, tham gia giữ gìn an ninh trật tự, sẵn sàng bảo vệ Tổ quốc. Từng gia đình, dòng họ vươn lên mạnh mẽ, phát huy tinh thần tự lực, tự cường vượt khó, sáng tạo trong lao động, sản xuất để phát triển kinh tế gia đình, đóng góp tích cực cho sự phát triển chung của tỉnh Quảng Bình nói riêng, đất nước ta nói chung.

Cũng tại buổi gặp mặt, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã trao 25 phần quà cho đại diện gia đình chính sách huyện Bố Trạch.

Cùng ngày, Chủ tịch nước đã dự Lễ khởi động Dự án cấp điện lưới cho hai xã Tân Trạch và Thượng Trạch và Dự án nâng cấp đường 20 Quyết Thắng (huyện Bố Trạch).

Theo đó, điện lưới quốc gia sẽ được kéo lên 5 bản trung tâm của 2 xã trên với tổng kinh phí 110 tỷ đồng. Tuyến đường điện bám tỉnh lộ 20 từ km16 đến km61, đi qua lâm phận di sản Phong Nha-Kẻ Bàng hơn 28km, dự án phục vụ 5 bản trung tâm của 2 xã, nếu phục vụ 20 bản với 6.600 người dân, phải tiêu tốn thêm 50 tỷ đồng, điện lưới quốc gia mới phủ được các bản biên giới vùng sâu vùng xa nơi đây.

Được biết, dự án nâng cấp đường 20 Quyết Thắng (đường tỉnh 562 đoạn Km17+200-Km41+200) đã được HĐND tỉnh Quảng Bình đã phê duyệt chủ trương đầu tư, UBND tỉnh Quảng Bình cấp quyết định đầu tư dự án và Chủ đầu tư là Sở GTVT Quảng Bình. Vốn đầu tư dự kiến: 120 tỷ đồng theo nguồn vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn ngân sách tỉnh giai đoạn 2021-2025. Thời gian thực hiện dự án: Năm 2022-2025.

Dự án này nhằm phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội khu vực phía Tây của tỉnh, tạo thuận lợi cho việc đi lại của đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa và bà con nhân dân các xã Tân Trạch, Thượng Trạch (Bố Trạch) cũng như công tác tuần tra biên giới, bảo đảm quốc phòng, an ninh, thúc đẩy hợp tác phát triển kinh tế đối ngoại với nước bạn Lào./.

Từ khóa » Hang Tám Cô Là Di Tích Lịch Sử