Chủ Tịch Nước Nguyễn Xuân Phúc Chủ Trì Phiên Họp Góp ý Vào đề ...

Cùng dự có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Phạm Bình Minh, Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ, Phó trưởng ban chỉ đạo; Đại tướng Phan Văn Giang, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Phó trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo; Trần Cẩm Tú, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương; Trương Thị Mai, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương; Phan Đình Trạc, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Nội chính Trung ương; Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an; Đại tướng Lương Cường, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam. 

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp. 

 

Tham dự phiên họp còn có đồng chí Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Bùi Thanh Sơn, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao; Lê Hoài Trung, Trưởng ban Đối ngoại Trung ương; Lê Khánh Hải, Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước; Thượng tướng Nguyễn Tân Cương, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; Nguyễn Thành Phong, Phó trưởng ban Kinh tế Trung ương; Thiếu tướng Lê Tấn Tới, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, cùng các thành viên Ban chỉ đạo xây dựng đề án, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị liên quan.

Tại phiên họp, Thượng tướng Nguyễn Tân Cương, Tổ trưởng Tổ biên tập trình bày đề cương báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Theo đó, trong 10 năm qua, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI trong bối cảnh vừa có những thuận lợi cơ bản, vừa có những khó khăn, thách thức lớn do những biến động phức tạp của tình hình thế giới, khu vực và trong nước.

Quang cảnh phiên họp.

 

Vượt qua những khó khăn, thách thức chúng ta đã hoàn thành thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Nổi bật là bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; bảo vệ Đảng, Nhà nước, Nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa; bảo vệ sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và nền văn hóa; giữ vững ổn định chính trị và môi trường hòa bình để xây dựng, phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa

Giữ vững và tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước đối với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; kết hợp chặt chẽ hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc được củng cố, dân chủ xã hội chủ nghĩa tiếp tục được phát huy. Quốc phòng, an ninh được giữ vững và tăng cường, chất lượng tổng hợp và sức mạnh chiến đấu của lực lượng vũ trang được nâng lên. Công tác đối ngoại được triển khai tích cực, hoạt động có hiệu quả, góp phần giữ vững môi trường hòa bình, tạo điều kiện quốc tế thuận lợi cho công cuộc đổi mới, nâng cao vị thế của đất nước trên trường quốc tế.

Ý kiến của các thành viên Ban chỉ đạo tại phiên họp đều nhấn mạnh Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng, thể hiện đường lối, tư duy mới, bước đột phá về sự lãnh đạo của Đảng đối với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Đồng thời phân tích làm rõ những kết quả nổi bật trong thực hiện nghị quyết; đề ra mục tiêu, phương hướng, các giải pháp thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Đại tướng Phan Văn Giang phát biểu tại phiên họp.

 

Phát biểu kết luận phiên họp, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc biểu dương Tổ biên tập đã nêu cao trách nhiệm, chủ động xây dựng đề cương chi tiết báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới chặt chẽ, toàn diện. Nhất là đã làm rõ những kết quả đạt được, những hạn chế, khuyết điểm và nguyên nhân trong việc thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp được nêu trong nghị quyết; rút ra những bài học kinh nghiệm sau 10 năm thực hiện; đồng thời dự báo, phân tích bối cảnh tình hình thế giới, khu vực, tình hình đất nước, đề xuất phương hướng, mục tiêu, quan điểm, phương châm chỉ đạo, nhiệm vụ, giải pháp trong những năm tiếp theo bảo đảm toàn diện.

Đánh giá cao tinh thần, trách nhiệm và ý kiến tâm huyết, sâu sắc của các thành viên Ban chỉ đạo tại phiên họp, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Tổ biên tập tiếp thu ý kiến các đại biểu để chọn lọc bổ sung vào báo cáo đầy đủ, thể hiện văn phong sắc sảo, nội hàm rõ ràng, những vấn đề cốt lõi phải khúc chiết, chặt chẽ, dễ hiểu, dễ nhớ. Qua đó, tạo sự thống nhất cao trong nhận thức, trách nhiệm về bảo vệ Tổ quốc của cán bộ, đảng viên và Nhân dân, nhất là trong đội ngũ cán bộ chủ chốt các cấp, tạo ra động lực mạnh mẽ thúc đẩy toàn Đảng, toàn dân và lực lượng vũ trang thực hiện thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Theo Báo QĐND

Từ khóa » Tiểu Sử đc Nguyễn Xuân Phúc