Chủ Tịch Nước Nguyễn Xuân Phúc Dự Lễ Kỷ Niệm 40 Năm Thành Lập ...

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chúc mừng Đại lễ

Cùng đi có ông Đỗ Văn Chiến - Bí Thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung Ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; bà Bùi Thị Minh Hoài - Bí Thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương; bà Phạm Thị Thanh Trà - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ, cùng đại diện các Ban, ngành Trung ương… hiện diện chúc mừng.

Chủ tịch nước cùng Đoàn đại biểu hiện diện chúc mừng

Về phía cơ quan Giáo hội có chư Tôn giáo phẩm Ban Thường trực Hội đồng Chứng minh, Ban Thường trực Hội đồng Trị sự, 13 Ban, Viện Trung ương Giáo hội, Ban Trị sự Phật giáo các tỉnh, thành.

Quang lâm chứng minh buổi lễ có: Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Quảng - Phó Pháp Chủ kiêm Chủ tịch Hội đồng Giám luật Hội đồng Chứng minh; Trưởng lão Hòa thượng Thích Thanh Dũng - Phó Pháp chủ, Chánh Thư ký Hội đồng Chứng minh; Hòa thượng Thích Đức Nghiệp - Phó Pháp Chủ Hội đồng Chứng minh; Trưởng lão Hòa thượng Thích Thanh Đàm - Phó Pháp chủ Hội đồng Chứng minh; chư Tôn Trưởng lão Hòa thượng Ủy viên Thường trực Hội đồng Chứng minh, GHPGVN; Hòa thượng Thích Thiện Nhơn - Chủ tịch Hội đồng Trị sự; Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu, Trưởng lão Hòa thượng Thích Thiện Pháp - đồng Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN; chư Tôn Hòa thượng Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự, Ban Thường trực Hội đồng Trị sự.

Cách đây 40 năm, tại chùa Quán Sứ, Thủ đô Hà Nội, Trụ sở Trung ương GHPGVN ngày nay, Đại hội Đại biểu của 9 tổ chức Giáo hội, hệ phái và tổ chức Phật giáo trong cả nước đã họp và nhất trí tuyên bố thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Một sự kiện trọng đại

Đại lễ kỷ niệm 40 năm GHPGVN là sự kiện trọng đại của các cấp Giáo hội, các Ban, Viện Trung ương và Tăng Ni, tín đồ Phật tử Việt Nam trong và ngoài nước, nhằm ôn lại chặng đường 40 năm vẻ vang của GHPGVN với tinh thần “Hộ quốc an dân” và kiên định phương châm “Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội”.

Do bối cảnh tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, Đại lễ được diễn ra bằng hình thức trực tuyến, từ điểm cầu Hà Nội kết nối với các điểm cầu 63 tỉnh, thành phố trên cả nước.

Trong diễn văn khai mạc Đại lễ, Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Hội đồng Trị sự khẳng định, “GHPGVN ra đời là kết tinh trí tuệ và nguyện vọng tha thiết thống nhất Phật giáo từ hàng ngàn năm, tiếp nối sự nghiệp của Chư vị lịch đại Tổ Sư qua các thời kỳ lịch sử”. Qua đó với truyền thống đoàn kết, hòa hợp, truyền thống nhập thế đồng hành cùng dân tộc của Phật giáo Việt Nam trong suốt 2000 năm lịch sử, Tăng ni, Phật tử Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã không ngừng trưởng thành và lớn mạnh cùng đất nước vững bước vào thời kỳ đổi mới, mở cửa và hội nhập quốc tế, khẳng định được vai trò, vị thế như ngày nay.

Hòa thượng Thích Thiện Nhơn khẳng định GHPGVN luôn nêu cao tinh thần hộ quốc an dân, đồng hành cùng dân tộc

Hòa thượng cho rằng, trong 40 năm qua, GHPGVN đã không ngừng lớn mạnh về hệ thống tổ chức từ Trung ương đến các địa phương, về chủ trương hộ quốc an dân, đồng hành cùng dân tộc, phát triển hệ thống giáo dục Phật giáo, đào tạo tăng tài, xiển dương chân lý, hoằng pháp lợi sinh hướng dẫn đồng bào Phật tử, phát huy bản sắc văn hóa Phật giáo trong việc giữ gìn các di sản văn hóa Việt Nam.

Phát biểu tại Đại lễ, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao những thành tựu đã đạt được trong 40 năm của GHPGVN. Chủ tịch nước cũng khẳng định và trân trọng cảm ơn tinh thần hộ quốc an dân, đồng hành cùng dân tộc của PGVN trong mọi hoàn cảnh lịch sử của đất nước.

Trân trọng ghi nhận những đóng góp của Giáo hội đối với đất nước từ thành lập cho đến nay, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước trao Huân chương Độc lập hạng Nhất đến Trung ương GHPGVN, Huân chương Độc lập hạng Ba đến chư Tôn đức lãnh đạo Giáo hội; Ủy ban Trung ương MTTQVN cũng trao tặng Huân chương Đại đoàn kết đến chư Tôn đức Tăng Ni có những đóng góp tích cực trong sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước, an sinh xã hội; và nhiều Huân, Huy chương, Bằng khen cao quý khác của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, các Ban, Ngành... cũng được trao tặng dịp này.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước trao Huân chương Độc lập hạng Nhất đến Trung ương GHPGVN

Đạo pháp, Dân tộc và Chủ nghĩa xã hội

Nhìn lại chặng đường 40 năm trước, tại Đại hội đại biểu Phật giáo Việt Nam lần thứ nhất (tháng 11/1981), ngay sau khi tuyên bố thành lập, GHPGVN đã lựa chọn phương châm "Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội" để định hướng cho mọi hoạt động của mình.

Các đại biểu dự Đại hội thống nhất GHPGVN chụp ảnh lưu niệm (7/11/1981)

Được truyền bá vào nước ta từ rất sớm, với những giáo lý minh triết, nhân văn, từ bi, trí tuệ, Phật giáo đã sớm hòa quyện vào thành một với dân tộc Việt; góp phần hình thành, nuôi dưỡng, vun bồi những giá trị đạo đức, văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Luôn thể hiện tinh thần nhập thế, hộ quốc an dân. Khi đất nước lâm nguy, Phật giáo đã cùng cả dân tộc đứng lên đánh đuổi ngoại xâm "Cởi áo cà sa khoác chiến bào/Xả thân vì nước diệt binh đao". Khi đất nước hòa bình, Phật giáo tiếp tục hoằng dương Phật pháp, đem các giá trị đạo đức tốt đẹp, tinh thần từ bi, nhân ái, trí tuệ giúp cho xã hội được ổn định.

Với những giá trị tốt đẹp chung, đều hướng tới mục đích mang lại cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc cho nhân dân, Phật giáo Việt Nam luôn ủng hộ cách mạng, ủng hộ con đường mà Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam đã lựa chọn, đồng hành cùng dân tộc trong các cuộc đấu tranh chống ngoại xâm cũng như xây dựng, phát triển đất nước, tiến lên chủ nghĩa xã hội.

Hơn 40 năm qua, phát huy những giá trị truyền thống quý báu đó, GHPGVN luôn lãnh đạo, hướng dẫn Tăng, Ni, Phật tử tu tập, thực hành theo chính pháp cửa Đức Phật; đem chính pháp, từ bi, trí tuệ nhập thế giúp dân, giúp nước; gìn giữ, vun bồi những giá trị đạo đức, văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc; góp phần xây dựng thế giới hòa bình, an lạc, dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh!

Thượng tọa Thích Đức Thiện báo cáo thành tựu Phật sự trọng 40 năm hình thành và phát triển, đồng hành cùng đất nước

Phật giáo Việt Nam qua nhiều thời đại đều cùng hướng tới sứ mệnh cao cả là “xương minh phật pháp, lợi ích tha nhân và phát triển giáo hội.” Dù trong thời đại nào, hoàn cảnh nào, hoạt động phật sự nào cũng đều thể hiện lý tưởng giác ngộ giải thoát của đạo Phật và không ra ngoài hai mục tiêu then chốt là “trưởng dưỡng đạo tăng, trang nghiêm giáo hội,” “hoằng dương chính pháp, hộ quốc an dân”.

Từ khóa » Chủ Tịch Hội Phật Giáo Hà Nội