CHỦ TỊCH TÔN ĐỨC THẮNG-MỘT NHÂN CÁCH CỘNG SẢN CAO ...

Trong phạm vi bài viết nhỏ này, Tôi muốn đề cập, phân tích tấm gương nhân cách cao đẹp của Bác Tôn trong cuộc đời hoạt động cách mạng đầy sôi nổi, phong phú của Bác.

Đồng chí Tôn Đức Thắng sinh ngày 20-8-1888 trong một gia đình trung nông tại xã Mỹ Hòa Hưng, thị xã Long Xuyên (nay là thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang). Sinh ra trong hoàn cảnh đất nước bị ngoại xâm, các phong trào yêu nước bị thất bại và đáp áp khốc liệt, lẽ đương nhiên không khí chính trị ấy đã tác động rất sâu sắc đến nhận thức của Đồng chí Tôn Đức Thắng từ thuở thiếu thời. Bên cạnh đó, quê hương An Giang - vùng đất phù sa bốn mùa cây trái xanh tươi, giàu tình nghĩa và truyền thống đấu tranh chống ngoại xâm - đã góp phần bồi đắp những phẩm chất quý báu trong tính cách và tâm hồnBác Tôn từ thời thơ ấu Thời niên thiếu Tôn Đức Thắng được học chữ Nho và người thầy giáo yêu nước là ông Nguyễn Thượng Khách. Thời gian sau đó, Đồng chí tiếp tục theo học ở trường tỉnh Long Xuyên và học xong bậc Sơ học vào năm 18 tuổi.

Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng - nhà lãnh đạo mẫu mực, người cộng sản kiên cường. (Ảnh tư liệu) Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng - nhà lãnh đạo mẫu mực, người cộng sản kiên cường. (Ảnh tư liệu)

Vào đầu xuân 1907, người thanh niên Tôn Đức Thắng đã có đủ hành trang bước vào đời một cách vững chãi. Đồng chí quyết định chọn Sài Gòn lập nghiệp và sinh sống, từ đây hứa hẹn những bước tiến cả về nhận thức lẫn hành động ở giai đoạn trưởng thành.

Sau cuộc phản chiến ủng hộ Cách mạng Tháng Mười Nga, gây tiếng vang lớn trên Biển Đen, một số binh lính của chiến hạm Phrăngxơ được giải ngũ. Đồng chí Tôn Đức Thắng rời khỏi hải quân, trở lại làm công nhân từ cuối năm 1919 tại Pháp.

Qua tiếp xúc với những người công nhân, chiến sĩ của phong trào vô sản, qua cuộc đấu tranh để bảo vệ Cách mạng Tháng Mười Nga, tinh thần cách mạng và nhận thức chính trị của Đồng chí Tôn Đức Thắng được nâng cao. Cũng trong khoảng thời gian này, tiếng vang của các hoạt động yêu nước, cách mạng của Nguyễn Ái Quốc tại Pháp đã thôi thúc Đồng chí Tôn Đức Thắng đến Paris để tìm gặp người thanh niên lỗi lạc ấy, người đã dám đưa yêu sách cho hội nghị các nước đồng minh ở Vécxây (Verseille) năm 1919, người đã từng phát biểu ở Đại hội Tua của Đảng Xã hội Pháp từ giữa năm 1920 (tại thành phố Tours, Tôn Đức Thắng có thời gian làm thợ tại một nhà máy của hãng Renault). Rất tiếc lúc đó Đồng chí Tôn Đức Thắng đã không gặp được Nguyễn Ái Quốc. Tháng 8-1920, Đồng chí lên đường về nước.

Trở lại Sài Gòn, Đồng chí Tôn Đức Thắng nhanh chóng tìm được việc làm ở hãng Kroff, một hãng tư nhân của Đức nằm trên đường Sămpanhơ (nay là đường Lý Chính Thắng). Đồng chí có điều kiện đi lại, gặp gỡ những người đã từng học hoặc làm việc chung trước đây. Đồng chí Tôn Đức Thắng luôn suy nghĩ đến việc phải tổ chức công nhân thành đoàn thể, qua đó giác ngộ họ thấy được vai trò và sức mạnh của giai cấp mà đấu tranh giành lấy những lợi ích thiết thân trước mắt. Với nhận thức và hoài bão đó, Đồng chívà các đồng chí của mình quyết định xây dựng nồng cốt và thành lập tổ chức Công hội bí mật vào cuối năm 1920 và xây dựng nhóm trung kiên lãnh đạo gồm có: Tôn Đức Thắng, Đặng Văn Sâm (Nhuận), Trần Văn Hòa (Ba Hòe), Trần Ngọc Giải (Thuận Hòa), Bùi Văn Thêm (Định), Trần Trương (Sáu Trương).

Sài Gòn - Chợ Lớn (nay là Thành phố Hồ Chí Minh) có vinh dự là nơi đầu tiên khai sinh tổ chức của giai cấp công nhân ở nước ta - Công hội Sài Gòn. Từ năm 1920 đến năm 1925, với hoạt động tích cực của Đồng chí Tôn Đức Thắng và nhóm trung kiên, khắp Sài Gòn - Chợ Lớn đều có cơ sở của Công hội và số hội viên từ vài chục người đã phát triển dần lên đến 300 người1. Phần lớn các cơ sở Công hội được tổ chức ở ngay trong các xí nghiệp của thực dân Pháp hoặc tư bản nước ngoài như hãng Kroff, xưởng Ba Son, trường Bá Nghệ, hãng Faci, nhà đèn Chợ Lớn, hãng rượu Bình Tây, hãng dầu Nhà Bè, v.v. và một số hãng xưởng tư nhân khác của người Việt. Công hội chọn Đình Bình Đông làm nơi chủ yếu để hội họp và cất giữ tài liệu.

Bằng tinh thần yêu nước và ý thức đấu tranh của một giai cấp bị áp bức, bóc lột nặng nề bởi chính sách khai thác thuộc địa của thực dân Pháp, hàng chục rồi hàng trăm công nhân Sài Gòn - Chợ Lớn đã hăng hái gia nhập Công hội, tự nguyện trích những đồng lương ít ỏi của mình đóng góp hội phí, luân phiên lấy từng ngôi nhà công nhân làm nơi hội họp, sinh hoạt. Mặc dù hoạt động bất hợp pháp và thiếu bài bản, nhưng chính từ tổ chức chính trị tiền thân này, phong trào công nhân Việt Nam đã từng bước lớn mạnh đạt đến trình độ tự giác. Cột mốc đánh dấu bước chuyển mình mạnh mẽ của phong trào công nhân là một sự kiện diễn ra trên địa bàn thành phố: cuộc đấu tranh của công nhân Ba Son vào tháng 8-1925 đã nêu ra những khẩu hiệu đấu tranh không chỉ dừng lại ở mục tiêu kinh tế mà còn thể hiện rõ ý thức chính trị và tinh thần đoàn kết quốc tế vô sản.

Chính phong trào công nhân Ba Son hợp cùng với phong trào công nhân và phong trào yêu nước ở các địa phương khác trong toàn quốc đã trở nên mảnh đất tốt để chủ nghĩa Mác - Lênin ươm mầm gieo những hạt giống đỏ đầu tiên.

Sài Gòn và Nam Kỳ trong những năm 1925 - 1926, không khí chính trị rất sôi động bởi các sự kiện như: cuộc đấu tranh đòi trả tự do cho Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh về nước diễn thuyết tư tưởng quân trị và dân trị, nhiều cuộc diễn thuyết của Nguyễn An Ninh thu hút hàng ngàn, hàng vạn người tham dự, nhiều tờ báo của người Việt Nam công kích chế độ thực dân qua việc bắt lính, bắt phu (báo Chuông Rè, Người nhà quê, An Nam trẻ), phong trào đấu tranh đòi thả Nguyễn An Ninh, phong trào để tang và truy điệu Phan Châu Trinh… biến thành những cuộc bãi công, bãi khóa hàng loạt khắp Nam Kỳ. Tham gia những cuộc vận động chính trị sôi nổi này phần lớn là thanh niên và công nhân.

Chính lúc này, Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên bắt đầu đẩy mạnh việc phát triển lực lượng, xây dựng cơ sở ở trong nước. Nhiều năm trước đó, phong trào công nhân Sài Gòn - Chợ Lớn đã được Nguyễn Ái Quốc quan tâm theo dõi (từ khi còn ở Pháp, Người đã có nhiều bài báo, bài nói đề cập đến vấn đề này). Sau khi về Quảng Châu (12-1924) và tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên (6-1925), Nguyễn Ái Quốc luôn chú ý đến việc không có hội viên người Nam Kỳ dự lớp huấn luyện đầu tiên. Cho nên, vào tháng 10-1926, Nguyễn Ái Quốc đã giao nhiệm vụ cho hai hội viên Phan Trọng Bình và Nguyễn Văn Lợi tích cực tuyên truyền chủ nghĩa Mác - Lênin, giác ngộ quần chúng, trước tiên là công - nông rồi đến thanh niên, học sinh, tiểu tư sản trí thức; qua đó gây dựng cơ sở Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên ở Sài Gòn và Nam Kỳ.

Chủ tịch Tôn Đức Thắng với các đại biểu tham dự Đại hội Ba sẵn sàng toàn miền Bắc. (Ảnh tư liệu) Chủ tịch Tôn Đức Thắng với các đại biểu tham dự Đại hội Ba sẵn sàng toàn miền Bắc. (Ảnh tư liệu)

Thực hiện nhiệm vụ được giao, nhất là lời dặn của Nguyễn Ái Quốc: “Phải tìm gặp cho được người thợ máy Tôn Đức Thắng, bắt liên lạc với tổ chức Công hội bí mật mà gây dựng cơ sở”. Đến đầu năm 1927, qua nhóm Nguyễn An Ninh và những người từ Pháp về, Phan Trọng Bình và Nguyễn Văn Lợi gặp được Đồng chí Tôn Đức Thắng và nhanh chóng tìm thấy ở Đồng chí Tôn Đức Thắng những phẩm chất tiêu biểu cho giai cấp công nhân một nước thuộc địa: có ý thức giai cấp và tinh thần dân tộc sâu sắc, có ý chí đấu tranh triệt để và dày kinh nghiệm vận động công nhân, lại có ảnh hưởng lớn cả trong giới công chức, viên chức. Trong khi đó, Đồng chí Tôn Đức Thắng và tổ chức Công hội cũng đang mong muốn gặp gỡ, tiếp xúc cùng những người yêu nước có trình độ lý luận cách mạng. Do vậy, khi gặp được những người do chính Nguyễn Ái Quốc huấn luyện và giao nhiệm vụ về nước xây dựng, phát triển cơ sở trong phong trào công nhân, ban lãnh đạo Công hội và bản thân Đồng chí Tôn Đức Thắng hết sức phấn khởi. Bác Tôn cùng một số người lãnh đạo Công hội chính thức trở thành hội viên Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, hoạt động ở Nam Kỳ.

Sự kiện Đồng chí Tôn Đức Thắng và nhiều hội viên Công hội bí mật gia nhập vào Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên đánh dấu bước chuyển biến quan trọng của phong trào công nhân Sài Gòn - Chợ Lớn. Từ đây, đội ngũ công nhân Sài Gòn và cả Nam Kỳ đã có một tổ chức cách mạng đi theo đường lối chính trị rõ ràng, đúng đắn. Ngược lại, Công hội bí mật Sài Gòn chính là cơ sở cho sự hình thành và phát triển tổ chức của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên ở đây và cả Nam Bộ.

Từ giữa năm 1927, cơ sở của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên đã được xây dựng khắp các tỉnh Nam Kỳ. Kỳ bộ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên Nam Kỳ được thành lập tại Sài Gòn gồm các đồng chí: Phan Trọng Bình, Nguyễn Văn Lợi, Tôn Đức Thắng, Ngô Thiêm, Nguyễn Văn Phát do Phan Trọng Bình làm Bí thư. Sau đó, tổ chức các tỉnh thành bộ (như Sài Gòn - Chợ Lớn) cũng hình thành. Thành bộ Sài Gòn do Đồng chíTôn Đức Thắng làm Bí thư. Đến năm 1929, toàn Nam Kỳ có 19 chi bộ “Thanh niên”, với 500 hội viên và 12 hội quần chúng.

Bước sang những năm 1928 - 1929, thực hiện chủ trương “vô sản hóa”, nhiều hội viên Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên ở Nam Kỳ đã vào các xí nghiệp, nhà máy (như Ngô Gia Tự ở Bến cảng, Lê Văn Lương, Hoàng Quốc Việt ở xưởng Faci, Phan Trọng Quảng làm công nhân kéo xe, v.v.) để tự rèn luyện, củng cố lập trường, quan điểm và đẩy mạnh truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin, giác ngộ giai cấp. Với những hoạt động tích cực đó, Kỳ bộ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên Nam Kỳ đã đưa tư tưởng cách mạng vô sản từng bước ăn sâu, cắm rễ vào phong trào công nhân và thâm nhập vào đời sống chính trị - tư tưởng của người dân Sài Gòn và Nam Bộ, thúc đẩy phong trào công nhân cũng như phong trào yêu nước tại đây tiến lên những bước mới.

Với những tác động tích cực đó, trong những năm 1928 - 1929, phong trào công nhân các tỉnh Nam Kỳ diễn ra càng sôi nổi và quyết liệt hơn. Năm 1928 có các cuộc đấu tranh của công nhân hãng nước đá Larue Sài Gòn (19-2), các nhà máy xay Chợ Lớn (23-2), đồn điền Lộc Ninh (28-4), nhà in Portail Sài Gòn (14-5), đồn điền Cam Tiên (20-9), các hãng dầu Nhà Bè (8-11)… Năm 1929 có nhiều cuộc đấu tranh của công nhân đồn điền Phú Mỹ - Bà Rịa (29-5), hãng buôn Charner Sài Gòn (4-6), đồn điền Phú Riềng (tháng 8 và tháng 9), các nhà in Chợ Lớn (27-9), khách sạn Palace Sài Gòn (13-10), v.v.. Từ đấu tranh cho các mục tiêu kinh tế tiến lên các mục tiêu chính trị, phong trào công nhân dần dần trở thành một lực lượng chính trị độc lập, ngày càng tỏ ra xứng đáng là nòng cốt trong phong trào giải phóng dân tộc.

Trong lúc phong trào cách mạng ở Nam Kỳ đang phát triển sôi nổi thì cuối năm 1928, tại Sài Gòn xảy ra một sự kiện làm cho Kỳ bộ Nam Kỳ bị phân rã. Đó là “sự kiện Barbie”, nhân vụ án Barbie, thực dân Pháp bắt Tôn Đức Thắng, bao vây trụ sở Kỳ bộ tại hẻm đường La Cadơ (nay là đường Nguyễn Tri Phương) và một số cơ sở, bắt nhiều người lãnh đạo khác, trong đó có Đồng chí Phạm Văn Đồng.

Đồng chí Tôn Đức Thắng và những người lãnh đạo Kỳ bộ bị giam giữ gần một năm ở Khám lớn Sài Gòn. Tòa án thực dân đã đưa ra xét xử, tuyên bố ba án tử hình và các mức án khác từ 3 đến 20 năm tù. Tôn Đức Thắng bị kết án 20 năm khổ sai và đày đi Côn Đảo.

Chủ tịch Tôn Đức Thắng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp nghe thuyết minh cách đánh B52 trên bầu trời Hà Nội năm 1972. Chủ tịch Tôn Đức Thắng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp nghe thuyết minh cách đánh B52 trên bầu trời Hà Nội năm 1972. (Ảnh tư liệu)

Bác Tôn, từ năm 1929 đến năm 1945, với ý chí kiên cường và phẩm chất cách mạng sáng ngời của người cộng sản, đồng chí Tôn Đức Thắng đã bất khuất vượt qua sự đầy ải trong địa ngục trần gian của thực dân Pháp ở Khám Lớn (Sài Gòn) và ngục tù Côn Đảo.

Năm 1945, sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, được trở về đất liền, giữa lúc quê hương đang rền vang tiếng súng. Núp bóng quân Anh - Nhật, giặc Pháp bắt đầu tái chiếm Nam Bộ. Trên khắp các nẻo đường, đồng bào ta “nóp với giáo mang ngang vai” bước chân ra tiền tuyến để xả thân thực hiện lời thề chiến đấu thiêng liêng: “Độc lập hay là chết”. Từ bán đảo Cà Mau, Bác Tôn đã nhanh chóng đến các tỉnh miền Trung Nam Bộ và vùng cửa ngõ hiểm yếu ở phía nam thành phố Sài Gòn. Bác đã tham dự hai cuộc hội nghị quan trọng của Xứ ủy Nam Bộ trên địa phận Đồng Tháp Mười vào hạ tuần tháng 10 và trung tuần tháng 12-1945. Được sự tín nhiệm cao của Đảng, Bác được Xứ ủy bầu giữ nhiệm vụ Bí thư Xứ ủy, rồi giao phụ trách Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ và chỉ đạo lực lượng vũ trang, rồi Chủ nhiệm hậu cần của Ủy ban Kháng chiến miền Nam. Bác Tôn cùng tập thể Xứ ủy gấp rút củng cố bộ máy tổ chức và tăng cường đội ngũ cán bộ cho các lực lượng quân, dân, chính đảng nhằm kịp thời đáp ứng cho nhu cầu tác chiến ở thành phố Sài Gòn và các địa phương trên chiến trường Nam Bộ trong những ngày đầu kháng Pháp.

Đặc biệt, ngày 23-12-1945, nhân dân Sài Gòn đã giành được thắng lợi lớn trong việc tiến hành cuộc Tổng tuyển cử. Với sự tín nhiệm cao và lòng quý mến sâu sắc, Bác Tôn đã được các tầng lớp đồng bào ta ở Sài Gòn đồng lòng nhất trí bầu làm người đại biểu xứng đáng của mình tại Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam mới.

Vinh dự biết bao, tháng 2-1946 thay mặt Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tặng đồng bào Nam Bộ danh hiệu vẻ vang “Thành đồng Tổ quốc”. Trong thời điểm lịch sử đó, Bác Tôn được điều động ra Thủ đô Hà Nội để cùng với Bác Hồ và Trung ương Đảng chỉ đạo công cuộc kháng chiến, kiến quốc.

Suốt trong hơn ba thập niên, khi còn sống giữa núi rừng Chiến khu Việt Bắc cũng như lúc về Hà Nội sau ngày giải phóng Thủ đô, lòng Bác Tôn luôn luôn hướng về mảnh đất “Thành đồng Tổ quốc” và thành phố Sài Gòn với nỗi niềm thương nhớ khôn nguôi. Bác viết: “Trong từng giờ, từng phút, tôi luôn luôn nghĩ đến miền Nam, nơi chôn nhau cắt rốn, đang bị bọn đế quốc và bọn tay sai tàn phá... Tôi muốn được sát cánh với đồng bào trong cuộc đấu tranh, cùng đồng bào chia sẻ những gian khổ hy sinh để giải phóng quê hương yêu dấu”.

Trong những tháng năm trước ngày giải phóng miền Nam, Bác Tôn luôn luôn dành sự quan tâm đặc biệt đối với những trường học sinh miền Nam và các đơn vị lực lượng vũ trang tập kết ra Bắc. Những cuộc họp mặt thường niên do Ban liên lạc đồng hương của tỉnh quê hương Bác tổ chức tại Thủ đô Hà Nội, gần như không bao giờ thiếu vắng Bác. Hầu hết các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của Trung ương Cục, Mặt trận Dân tộc giải phóng, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, Bộ Chỉ huy các lực lượng vũ trang giải phóng cũng như các đồng chí lãnh đạo của Khu ủy Sài Gòn - Chợ Lớn và các địa phương từ miền Nam ra Thủ đô Hà Nội công tác, hội họp, học tập hoặc chữa bệnh... đều được Bác Tôn dành cho những phút giây gặp gỡ đầm ấm, thân tình và sự quan tâm sâu sắc.

Thấu hiểu nỗi lòng khát khao tình cảm của những đứa con xa được trở về trong vòng tay ấm áp, thân thương của đồng chí và đồng bào miền Bắc, nhiều đoàn đại biểu vượt suối băng ngàn từ chiến trường miền Nam ra đã được Bác Tôn gặp gỡ, động viên, khích lệ và cổ vũ như: Đoàn đại biểu Anh hùng dũng sĩ diệt Mỹ, Đoàn đại biểu Thanh niên giải phóng, Đoàn Nhà văn thuộc Hội Văn nghệ giải phóng, Đoàn Ca múa nhạc Quân giải phóng, v.v…

Khi Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử kết thúc toàn thắng, miền Nam được hoàn toàn giải phóng và đất nước thống nhất, Bác Tôn đã dẫn đầu Đoàn đại biểu Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chính phủ và Mặt trận Tổ quốc vào thăm thành phố Sài Gòn và dự Lễ mừng chiến thắng vĩ đại của dân tộc. Sau hơn 45 năm tính từ ngày bị đày ra Côn Đảo, nay Bác được trở về với thành phố thân thương trong niềm vui hân hoan, tự hào và phấn khởi vô hạn của đồng chí và đồng bào.

(Ảnh tư liệu) (Ảnh tư liệu)

Ôn lại thân thế sự nghiệp của Chủ tịch Tôn Đức Thắng, có 2 sự kiện tôi cảm phục trân trọng tấm gương của nhà lãnh đạo đầy trách nhiệm trước dân, trước Đảng, một tấm gương thực hành đạo đức cách mạng, tấm gương của sự khiêm tốn, giản dị, liêm khiết, trung thực, chân thành, luôn chí công vô tư, luôn đặt lợi ích của Đảng, của dân lên trên hết, trước hết.

Sự kiện ngày 15/10/1945, tại Cầu Vĩ (Mỹ Tho) có một cuộc Hội nghị cán bộ toàn Xứ để bàn việc thống nhất Đảng và thống nhất Việt Minh nhằm củng cố Đảng thêm vững mạnh để lãnh đạo phong trào kháng chiến. Hội nghị đã bầu ra một Xứ uỷ thống nhất gồm 11 đồng chí: Tôn Đức Thắng, Lê Duẩn, Phạm Hùng, Trần Ngọc Danh, Lê Văn Sĩ, Nguyễn Văn Nguyễn, Nguyễn Văn Kỉnh, Hoàng Dư Khương, Nguyễn Thị Thập, Ung Văn Khiêm, Hà Huy Giáp (những đồng chí mới từ Côn Đảo trở về và một số đồng chí trong Xứ uỷ Tiền phong và Xứ uỷ Giải phóng) và Bác Tôn được Hội nghị thống nhất bầu giữ nhiệm vụ Bí thư Xứ ủy. Những cán bộ ưu tú của Đảng ta bị giam cầm ở nhà tù Côn Đảo được đưa về đất liền (tại tỉnh Sóc Trăng) ngày 22/9/1945, ngay lập tức trực tiếp tham gia vào cơ quan lãnh đạo của Đảng. Đây là một sự kiện quan trọng, có ý nghĩa rất lớn đối với Đảng bộ Nam Bộ.

Sau đó mười ngày, Ngày 25/10/1945, Xứ ủy triệu tập cuộc Hội nghị cán bộ lần thứ hai tại Thiên Hộ (Mỹ Tho). Đây là hội nghị lớn nhất của Đảng bộ Nam Bộ từ sau khi giành được chính quyền nhằm bàn những công việc quan trọng để đẩy mạnh công cuộc kháng chiến, đặc biệt là tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với lực lượng vũ trang. Hội nghị đã phân tích tình hình, biểu dương thành tích chiến đấu anh dũng của quân, dân Nam Bộ; rút kinh nghiệm trong chỉ đạo kháng chiến từ sau Hội nghị Cây Mai (Chợ Lớn) ngày 23/9/1945; phân tích những sai lầm, khuyết điểm của Đảng bộ Nam Bộ trong việc xây dựng các lực lượng vũ trang cách mạng sau Tổng khởi nghĩa Tháng Tám2. Trong Hội nghị này, đồng chí Tôn Đức Thắng đã khiêm tốn xin không nhận chức vụ Bí thư Xứ ủy mà đề cử đồng chí Lê Duẩn đảm nhận trách nhiệm này. Hội nghị đã nhất trí và phân công đồng chí Tôn Đức Thắngphụ trách Ủy ban Kháng chiến và chỉ đạo các lực lượng vũ trang.

Câu chuyện “người ta bảo xuống thì xuống” do Đồng chí Tôn Thị Tuyết Dung- người được Bác Tôn nhận là con nuôi từ năm 1946. “Năm 1967, là năm thứ ba nhân dân ta anh dũng chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ leo thang ra miền Bắc. Để phát huy vai trò của phụ nữ ở hậu phương, Đảng ta đã ban hành Nghị quyết về bồi dưỡng, đề bạt, sử dụng cán bộ nữ (Nghị quyết 152-153/NQ). Tôi được đề bạt làm Phó ty Giáo dục tỉnh Vĩnh Phú (3 tỉnh hợp nhất: Phú Thọ + Vĩnh Yên + Phúc Yên). Tôi lo ngại không đảm đương được, một công việc quá sức mình vì địa bàn quá rộng và đang trong giai đoạn chống chiến tranh phá hoại rất ác liệt; bỏ gia đình, bà con để đi công tác tôi không muốn… Nhưng rồi tôi về Hà Nội để xin ý kiến Bác Tôn và các anh, chị. Khi tôi trình bày tỷ mỉ về nội dung công việc sẽ làm và những nỗi niềm băn khoăn của mình, Bác bảo:

- Phó ty là gì nhỉ? À, thôi Ba biết rồi, là sous directeuse chứ gì? Được thôi, nếu tổ chức tin cậy, con làm được thì nhận, con không làm được thì từ chối. Nhưng nếu từ chối chỉ vì sợ khó, sợ khổ thì không nên mà phải cố gắng khắc phục. Và nên nhớ một điều là: khi nào người ta bảo “đồng chí không làm việc được nữa” phải xuống là con xuống nhé! Rồi Bác cười, vẫn nụ cười đôn hậu của người cha, người ông đối với con cháu.

Lời dạy của Bác thật giản dị, dễ hiểu, nhưng đối với tôi là cả một bài học sâu sắc, là một phương châm sống. Tôi suy nghĩ: sẽ cố gắng để không bao giờ trở thành “hòn đá tảng” của Đảng của Tổ quốc của tổ chức và luôn luôn phấn đấu để mãi mãi sẽ không bao giờ là “vật chướng ngại” cho mọi người, mà người ta: bỏ thì thương, vương thì tội!.”

Trong hơn 70 năm hoạt động cách mạng, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta không chỉ kính trọng phẩm chất chính trị và tài trí của “một nhà yêu nước nhiệt thành, người cộng sản kiên cường, mẫu mực, một nhà lãnh đạo kính mến của giai cấp công nhân và nhân dân các dân tộc nước ta”, mà còn là sự tin cậy đối với một nhân cách lớn và xứng đáng được nhân dân tin cậy là người kế tục Chủ tịch Hồ Chí Minh để lãnh đạo toàn thể nhân dân Việt Nam hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc và xây dựng chế độ xã hội chủ nghĩa theo tư tưởng Hồ Chí Minh.

Thân Thị Thư

Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM

________________________

[1] Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng Trung ương, Đồng chí Tôn Đức Thắng, người chiến sĩ cộng sản kiên cường mẫu mực, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1982, tr. 14.

[2] Thật ra từ Tổng khởi nghĩa 25/8 đến mở đầu kháng chiến 23/9 chỉ có 28 ngày, thời gian quá ngắn để xây dựng lực lượng vũ trang. Vả chăng các lực lượng vũ trang (4 sư đoàn) phần lớn là lực lượng có sẵn từ ngày Nhật đảo chính (9/3). Khuyết điểm quan trọng là Xứ uỷ dù nhiều việc nhưng đã không đưa người đủ sức nắm lấy, loại bỏ kịp thời những phần tử cơ hội...

Từ khóa » Tổng Bí Thư Tôn đức Thắng