Chữ Tượng Hình Ai Cập Cổ đại - LichSu.Org
Có thể bạn quan tâm
Chữ tượng hình Ai Cập cổ đại
Chữ tượng hình Ai Cập cổ đại là thành tựu rất lớn của người Ai Cập cổ. Để đọc được những cổ văn này các học giả đã phải tốn rất nhiều công phu nghiên cứu.
1. Văn hóa Ai Cập cổ đại
Ai Cập là nơi chôn rau cắt rốn của một trong những nền văn minh tối cổ của loài người. Ở đây, xã hội có giai cấp và nhà nước hình thành từ rất sớm, và cũng ở đây, người Ai Cập đã sáng tạo ra một nên văn hóa lâu đời nhất thế giới. Văn minh Ai Cập xuất hiện vào khoảng 4000 năm trước Công nguyên, tức là dày chừng 6000 năm. Đứng về mặt trình độ phát triển và tính chất đa dạng thì nền văn hóa Ai Cập còn cao hơn và phong phú hơn nhiều so với nền văn hóa Babylon xuất hiện cùng thời ở Lưỡng Hà.
Tuy nhiên, bên cạnh sự phát triển của văn hóa Ai Cập thì còn tồn tại nhiều hạn chế và trì trệ. Nguyên nhân chủ yếu gây nên tình trạng này là sự cách biệt về mặt địa lý của Ai Cập đối với thế giới bên ngoài, chủ yếu là đối với thế giới cổ đại phương Đông, khiến cho sự giao lưu văn hóa giữa Ai Cập và nước ngoài bị hạn chế. Hơn nữa, suốt cả thời kỳ Cổ vương quốc và Trung vương quốc, ở Ai Cập còn tồn tại nhiều tàn dư của chế độ công xã thị tộc thời trước, nên nhìn chung, phương thức sản xuất chiếm hữu nô lệ ở đây rất ít biến động.
Nhờ có tính sáng tạo và tinh thần lao động cần cù của người dân Ai Cập, nền văn hóa Ai Cập cổ đại đã đạt được nhiều thành tựu lớn lao, góp phần cống hiến to lớn vào kho tàng văn hóa chung của nhân loại.
2. Chữ tượng hình Ai Cập cổ đại
Thành tựu lớn nhất của người Ai Cập cổ đại là đã sáng tạo ra chữ viết tượng hình (Hieroglyph). Chữ viết tượng hình xuất hiện từ 5000 năm trước Công nguyên trong thời đại quan hệ công xã nguyên thủy tan rã và xã hội có giai cấp đang hình thành. Để đọc được chữ tượng hình này các học giả sau này đã phải tốn rất nhiều công phu nghiên cứu.
Về hình dạng, chữ tượng hình Ai Cập lúc đầu rất giống với hình các sự vật thật muốn mô tả. Các bản khắc trên đá bằng chữ tượng hình, nhìn về hình dạng thì giống như là một bức họa tổng hợp nhiều hình vẽ sắp xếp theo một thứ tự nhất định nào đó. Ví dụ muốn nói về mặt trời, người ta vẽ một vòng tròn nhỏ, ở giữa thêm một cái chấm tròn, nước hay sông biển biểu hiện bằng 3 làn sóng; núi viết thành hình hai ngọn núi, ở giữa có một cái đèo ; đồng ruộng viết thành một hình chữ nhật chia thành nhiều ô.
Nhưng phương pháp này chỉ có thể diễn đạt được những sự vật cụ thể cá biệt, còn muốn diễn đạt những khái niệm phức tạp, trừu tượng thì không thể dùng phương pháp đó được. Do đó người Cổ Ai Cập cổ đại đã dùng phương pháp tượng trưng, tức là những dấu hiệu vẽ ra không nên hiểu đơn thuần theo hình dạng bề ngoài của nó, mà phải lĩnh hội được hàm nghĩa nó chứa đựng bên trong. Ví dụ “con trâu” chỉ vẽ có đầu trâu, “lửa” chỉ vẽ có một ngọn lửa bốc cháy, khái niệm “công bằng” chỉ vẽ một chiếc lông cánh chim đà điểu (vì tất cả những lông cánh của loài chim này đều dài bằng nhau).
Những dấu hiệu từng hình vẽ như vậy thường thường trở thành những bức tranh đố rất phức tạp và khó hiểu. Ví dụ: ba làn sóng chỉ sông hay nước, nhưng nếu vẽ thêm một cái đầu trâu trước làn sóng thì chỉ sự “khát nước”. Muốn chỉ khái niệm “thỉnh cầu” thì vẽ một người quỳ gối, giơ ngửa hai bàn tay. Nếu vẽ một người ngồi đưa ngón tay chỉ cạnh mồm thì ý nói đến những động tác có liên quan đến mồm: ăn, uống, nói…
Vật liệu dùng để viết là đá, gỗ, dạ, vải và thông dụng nhất là giấy papyrus – một loại giấy được làm từ cây papyrus gần giống như cây sậy, mọc rất nhiều ở hai bở sông Nile hay ở những nơi hồ, đầm. Thân cây papyrus thường dùng để làm giấy. Nhiều tờ giấy papyrus dán lại với nhau thành một tờ dài, cuộn lại thành cuộn giấy. Những tài liệu viết của người Ai Cập cổ đại lưu lại đến nay thường là dưới hình thức các cuộn giấy papyrus.
Chữ tượng hình được đưa vào học tập trong những trường chuyên đào tạo thư lại (scribe). Chỉ có con em quý tộc mới có thể vào học trường này. Thời gian học tập hàng ngày thường là từ sáng sớm đến đêm khuya và phải học như thế trong chừng mười năm. Kỷ luật nghiêm khắc trong nhà trường được duy trì bằng roi vọt. Ở Ai Cập có một câu tục ngữ nói: “Tai của học sinh mọc ở trên lưng” – có ý nói rằng thầy giáo phải đánh cho nhiều vào lưng học sinh thì những lời dạy của thầy mới lọt vào tai của trò, vì chữ tượng hình Ai Cập cổ đại rất khó nhớ.
Về sau, người ta không dùng thứ chữ đó nữa, nên nó đã trở thành một thứ chữ chết. Từ sau khi Cổ Ai Cập suy vong, suốt cả thời kỳ trung đại và cận đại, không có một học giả nào tìm cách đọc được thứ chữ đó, mặc dù người Ai Cập cổ đại còn lưu lại ở hai bên triền sông Nile nhiều tài liệu viết rất rất phong phú. Mãi từ sau khi Napoleon chinh phục Ai Cập (năm 1798), người ta mới bắt đầu chú ý nghiên cứu văn tự cổ Ai Cập này.
Trong quân đội viễn chinh của Napoleon, có một sĩ quan là học giả tên là Champollion, ưa thích nghiên cứu cổ văn, đã thu nhặt được một số tài liệu viết thời cổ Ai Cập đem về Pháp tra cứu. Trong những tài liệu đó, có một cái bia đá tìm được ở Rosette, gần cửa biển sông Nile. Trên bia đá ấy có khắc ba thứ chữ đối chiếu nhau: chữ tượng hình Ai Cập cổ đại, chữ Ai Cập thuộc các thời đại sau và chữ Hy Lạp. Do đó, nhà học giả này mới dễ dàng căn cứ vào cổ Hy Lạp để mò mẫm tìm ra nghĩa của thứ chữ tượng hình Ai Cập cổ đại.
Năm 1822, ông đã bước đầu khám phá ra bí mật của chữ tượng hình này. Từ đó, người ta mới bắt đầu tìm hiểu lịch sử và văn hóa lâu đời của người Ai Cập – một trong những dân tộc đã xây dựng nhà nước chiếm hữu nô lệ đầu tiên trong lịch sử loài người. Và môn Ai Cập học trong khảo cổ học cũng được bắt đầu từ đấy.
Chữ tượng hình Ai Cập cổ đại – LichSu.Org –
Từ khóa » Chữ Cổ đại
-
Chữ Tượng Hình Ai Cập – Wikipedia Tiếng Việt
-
Những Loại Chữ Viết Tiêu Biểu Trong Lịch Sử Loài Người - Giáo Dục - Zing
-
Thú Vị Hieroglyph, Chữ Tượng Hình Ai Cập - Người Đô Thị
-
Chữ Tượng Hình Của Người Ai Cập Cổ đại - Bảo Tàng Lịch Sử Quốc Gia
-
Hé Lộ Cách Giải Mã Chữ Tượng Hình Ai Cập Và Các Ngôn Ngữ Cổ đại
-
Chữ Viết Ai Cập - Văn Minh Thế Giới
-
Chữ Tượng Hình Ai Cập Cổ đại Mật Mã Thời Sơ Khai
-
Chữ Tượng Hình Ai Cập. Chữ Tượng Hình Ai Cập Và ý Nghĩa Của ...
-
Giải Mã Chữ Ai Cập Cổ đại Nhờ Một Hòn đá Cổ
-
Bảng Chữ Cái Và Chữ Viết Của Hy Lạp Cổ đại - Absolut Viajes
-
Xuất Bản Sách Dịch Chữ Tượng Hình Của Ai Cập Cổ đại - Tramdoc
-
3/ Chữ Viết Của Các Quốc Gia Cổ đại Phương Đông - Prezi
-
Chữ Tượng Hình Ai Cập Cổ đại Mệnh Danh Ngôn Ngữ Của Thiên Giới