Chữ Viết Của Người Dao - Cục Di Sản Văn Hóa

Chữ viết của người Dao

Người Dao ở Bắc Kạn có lịch sử lâu đời. Trong văn hóa của người Dao có sự tiếp thu, giao thoa văn hóa với các cộng đồng tộc người lân cận địa bàn cư trú, mà một trong những biểu hiện nổi bật là chữ viết của người Dao - một số nhà nghiên cứu gọi là chữ “Nôm Dao”.

Về tổng quan, chữ “Nôm Dao” là một hệ thống ký tự chữ Hán được phiên âm ra tiếng Dao. Cộng đồng người Dao, cho đến nay, vẫn còn lưu giữ một quyển sách dùng để dạy những người bắt đầu học chữ người Dao, bằng tiếng Dao - Cuốn “Tam tự kinh” - sách học vỡ lòng của hệ thống giáo dục Nho giáo thời xưa ở Việt Nam. Đây là những chữ Hán dạng phồn thể, được giữ nguyên tự dạng. Tầng lớp trí thức người Dao, qua các thế hệ, đã Dao hóa cách phát âm các chữ Hán, cho gần gũi với tiếng Dao và vẫn giữ nguyên gốc nghĩa của các từ trong sách này. Phiên âm này được đọc theo một cách hoàn toàn khác tiếng Dao sử dụng trong cuộc sống thường ngày, nên các nhà nghiên cứu gọi đó là tiếng Dao trong văn chương. Trong quá trình giao lưu văn hóa, người Dao cũng tiếp nhận một số từ của Nôm Tày, Nôm Việt, nhưng được Dao hóa bởi lẽ có nhiều từ và khái niệm mà tiếng Dao không thể hiện hết được. Điều đó đã góp phần làm phong phú thêm vốn từ vựng cho ngôn ngữ Dao. Tuy khác biệt so với tiếng Dao đời thường, tiếng Dao văn chương cũng không giống cách đọc Hán - Việt của người Kinh, nó đã có một quá trình Dao hóa cách phát âm, cho gần với ngôn ngữ Dao đời thường hơn. Chỉ những người biết đọc, biết viết mới sử dụng được chứ không phổ biến như là chữ viết phổ thông của dân tộc. Trong cách đọc Dao văn chương và Dao đời thường có sự gần gũi nhau, đối với những từ mà tiếng Dao không có, nó được sử dụng luôn làm tiếng Dao đời thường. Ở đây ngôn ngữ viết làm phong phú thêm vốn từ vựng của người Dao. Có nhiều chữ khác nhau nhưng có cách phát âm giống hoặc na ná nhau. Nếu không tinh thông về chữ, nghĩa, người nghe khó mà phân biệt được đâu là chữ thể hiện trong văn tự.

Ở những địa phương khác nhau, cách đọc có sự khác biệt, điều này thể hiện quá trình Dao hóa cách đọc chữ Hán đang trên con đường đi đến thống nhất, là tiền đề cho sự ra đời hệ thống ký tự ghi âm tiếng Dao. Đáng tiếc là tiền đề này đã không còn cơ sở xã hội và lịch sử để tồn tại, do dùng ký tự La tinh nên chữ Hán không còn được sử dụng phổ biến. Chỉ còn những nhà nghiên cứu, những người Dao đi làm thầy Tào, thầy cúng mới học, mà việc học cũng chủ yếu để đọc được sách cúng do tổ tiên truyền lại, chứ không đi sâu tìm hiểu ngữ nghĩa, triết lý chứa đựng trong đó.

Hệ thống chữ viết này được các bậc trí thức người Dao trước đây sử dụng trong mọi văn tự của người Dao, từ sách vở học tập đến việc ghi chép ngày, tháng, thơ, văn ... Hầu hết, gia đình người Dao có người cao tuổi khoảng 60 - 70 tuổi trở lên đều còn giữ những cuốn sách cổ do ông cha để lại. Những cuốn sách này phản ánh mọi mặt đời sống vật chất, tinh thần của dân tộc Dao trước đây. Đó là nguồn sử liệu quý cho các nhà nghiên cứu tìm hiểu về người Dao, cũng như ngôn ngữ Dao.

Chữ Nôm Dao là một di sản văn hóa quý báu, gắn liền với các sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của người Dao. Những người nắm giữ loại hình di sản quý giá này trong cộng đồng người Dao cần được động viên, khuyến khích truyền bá những tri thức được lưu giữ bằng loại văn tự này cho các thế hệ kế tiếp nhằm tránh khỏi sự mai một, đồng thời khuyến khích con em dân tộc Dao yêu thích văn hóa của cha ông trong việc học tập, lưu giữ những tri thức do ông cha truyền lại. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cũng như các cơ quan hoạt động trong lĩnh vực bảo tồn di sản văn hóa cần quan tâm, nghiên cứu, sưu tầm, bảo tồn sách cổ của người Dao làm cơ sở cho việc lưu giữ lâu dài và phát huy giá trị của di sản này.

Chữ viết của dân tộc Dao là di sản văn hóa phi vật thể thuộc loại hình Tiếng nói, chữ viết đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Thế Phúc (Theo Hồ sơ di sản, tư liệu Cục Di sản văn hóa)

Từ khóa » Học Tiếng Dân Tộc Dao