| Khỉ đuôi dài Macaca fascicularis nhiễm Plasmodium knowlesi có khả năng truyền bệnh cho người | Chú ý phát hiện loại ký sinh trùng sốt rét thứ 5 gây bệnh ở người Trước đây theo y văn, ký sinh trùng sốt rét gây bệnh ở người có 4 chủng loại là Plasmodiun falciparum, Plasmodium vivax, Plasmodium malariae và Plasmodium ovale. Trong hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh sốt rét được Bộ Y tế ban hành kèm theo quyết định số 3232/QĐ-BYT ngày 30/8/2013 đã khuyến cáo cơ sở y tế cần chú ý phát hiện thêm Plasmodium knowlesi là chủng loại ký sinh trùng sốt rét thường ký sinh ở loài khỉ nhưng có khả năng lây truyền bệnh cho con người. Phát hiện loại ký sinh trùng sốt rét thứ 5 gây bệnh ở người Ký sinh trùng sốt rét Plasmodium knowlesi được phát hiện lần đầu tiên vào năm 1931 trên loài khỉ đuôi dài có tên khoa học là Macaca fascicularis. Một năm sau đó, nhà khoa học Knowles và Das Gupta đã thành công trong việc gây nhiễm thực nghiệm truyền ký sinh trùng sốt rét Plasmodium knowlesi từ khỉ sang người. Khi ký sinh trong cơ thể vật chủ tự nhiên là loài khỉ sống tập trung tại các nước trong khu vực Đông Nam Á, Plasmodium knowlesi không gây nên các triệu chứng của bệnh sốt rét hoặc nếu có chỉ là các triệu chứng với mức độ nhẹ. Tuy nhiên chúng có thể gây ra những triệu chứng ác tính và thậm chí dẫn đến tử vong khi gây nhiễm cho người qua vật chủ trung gian truyền bệnh là nhóm muỗi Anopheles leucosphyrus. Sau phát hiện của nhà khoa học Singh. B và các cộng sự vào năm 2004 từ các trường hợp nhiễm sốt rét tại khu vực Kapit thuộc đảo Borneo, Malaysia; Plasmodium knowlesi được xem là chủng loại ký sinh trùng sốt rét thứ 5 gây bệnh cho con người, bên cạnh 4 chủng loại cũ đã được đề cập đến trong y văn trước đây.Trường hợp nhiễm Plasmodium knowlesi trên người lần đầu tiên được ghi nhận vào năm 1965 ở một nhân viên quân đội Hoa Kỳ trở về nước sau một thời gian công tác tại khu vực Đông Nam Á. Những năm sau đó đã có nhiều thông báo về các trường hợp người bị nhiễm Plasmodium knowlesi. Mặc dù phần lớn các trường hợp nhiễm chủng loại ký sinh trùng này được báo cáo từ những nước ở trong khu vực châu Á như Singapore, Thái Lan, Malaysia… nơi có sự sinh sống của loài khỉ đuôi dài nhưng với sự phát triển của khoa hoc kỹ thuật, du lịch, di dân và mở rộng lãnh thổ nên Plasmodium knowlesi đã được tìm thấy ở cả những quốc gia không có sốt rét lưu hành. Trình tự gen của chủng loại ký sinh trùng này có thể giống với Plasmodium vivax và Plasmodium falciparum đến 80% nhưng thể tư dưỡng khi soi dưới kính hiển vi lại giống với Plasmodium malariae và ở giai đoạn sớm của chu kỳ phát triển giống với thể tư dưỡng trẻ của Plasmodium falciparum. Với chu kỳ phát triển 24 giờ và tính chất phức tạp về mặt hình thể nên trước đây những trường hợp nhiễmPlasmodium knowlesi thường được chẩn đoán nhầm với Plasmodium malariae hoặc Plasmodium falciparum hoặc bị bỏ qua khi mật độ ký sinh trùng quá thấp không phát hiện được dưới kính hiển vi quang học. Tại Việt Nam, trong một nghiên cứu tại vùng đồi núi và rừng rậm thuộc tỉnh Ninh Thuận từ năm 2004 đến năm 2006 bằng kỹ thuật PCR (polymerase chain reaction) thực hiện lần đầu phát hiện 5 trường hợp cho kết quả dương tính với Plasmodium knowlesi, sau đó thử nghiệm lặp lại lần thứ hai thì kết quả ghi nhận chỉ có 3 trường hợp bị nhiễm loại ký sinh trùng này. Các trường hợp bị nhiễm Plasmodium knowlesi sau đó đã được xác nhận qua xác định trình tự và cho thấy chủng loại ký sinh trùng thu thập được ở người Việt Nam tương đồng với chủng loại ký sinh trùng ở Malaysia đến 97-99%. Cả 3 bệnh nhân nhiễm ký sinh trùng Plasmodium knowlesi ở nước ta gồm bé trai 2 tuổi, bé gái 3 tuổi và nam thanh niên 27 tuổi đều thuộc người dân tộc thiểu số Raglai sống gần rừng; tất cả hầu như không có triệu chứng lâm sàng của bệnh sốt rét khi được điều tra phát hiện. Đặc điểm của ký sinh trùng sốt rét Plasmodium knowlesi Đặc điểm nổi bật của ký sinh trùng sốt rét Plasmodium knowlesi là có chu kỳ phát triển trong hồng cầu 24 giờ, chúng có thể xâm nhập vào cả hồng cầu non lẫn hồng cầu già. Cấu trúc gen của chủng loại ký sinh trùng này rất gần với Plasmodium vivax. Hình thể có nhiều nét giống Plasmodium malariae. Chưa phát hiện ra được thể ngủ của ký sinh trùng ký sinh trong tế bào gan. Về hình thái học, các nhà khoa học đã nghiên cứu, quan sát ghi nhận được các giai đoạn phát triển của ký sinh trùng trong hồng cầu bị ký sinh trên lam máu nhuộm giemsa từ các bệnh nhân chỉ bị nhiễm đơn thuần chủng loại Plasmodium knowlesi xác định bằng phương pháp Nested PCR. | Hình thể các giai đoạn phát triển của Plasmodium knowlesi trong hồng cầu bị ký sinh |
Thể tư dưỡng trẻ của ký sinh trùng Plasmodium knowlesi xuất hiện với hình thể nhẫn khá điển hình. Vì vậy trên lam máu xét nghiệm nhuộm giemsa không thể phân biệt hoặc rất khó phân biệt với thể tư dưỡng trẻ của ký sinh trùng Plasmodium falciparum. Có khi xuất hiện nhiều thể nhẫn trong cùng một hồng cầu và cũng có thể nhìn thấy được các chấm hematin đứng đôi. | Thể tư dưỡng trẻ của ký sinh trùng Plasmodium knowlesi |
Thể tư dưỡng già của Plasmodium knowlesi chiếm dưới 1/3 hồng cầu bị nhiễm ký sinh trùng, bào tương đậm đặc, không biến hình, có liên quan nên dễ nghĩ đến trường hợp nhiễm Plasmodium malariae. Trong một số trường hợp có thể phát hiện được thể tư dưỡng già dạng các thể dải băng điển hình tương tự như trường hợp nhiễm Plasmodium malariae. | Thể tư dưỡng già của ký sinh trùng Plasmodium knowlesi |
Thể phân liệt của Plasmodium knowlesi có một cụm trung tâm từ 8 đến 18 tiểu thể hoa cúc và các thể phân liệt già không chiếm hết toàn bộ hồng cầu. Các thể tư dưỡng già và thể phân liệt được nhuộm sắc tố đậm đặc với sắc tố sốt rét màu nâu đậm hoặc màu đen. | Thể phân liệt của ký sinh trùng Plasmodium knowlesi |
Thể giao bào của Plasmodium knowlesi cũng tương tự như thể giao bào của Plasmodium malariae. Chúng có hình tròn, chiếm hầu hết thể tích của hồng cầu và có sắc tố sốt rét phân tán rải rác. | Thể giao bào của ký sinh trùng Plasmodium knowlesi |
Hồng cầu bị nhiễm thể tư dưỡng già và thể phân liệt của Plasmodium knowlesi thường được phát hiện trên lam máu giọt dày nhuộm giemsa, chúng không trương phình,không thấy bất cứ một chấm sắc tố đậm và sáng nào. Đặc điểm này tuy riêng biệt nhưng đôi khi có điển hình tương tự như hồng cầu bị nhiễm Plasmodium malariae. Khuyến nghị Trong hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh sốt rét được Bộ Y tế ban hành kèm theo quyết định số 3232/QĐ-BYT ngày 30/8/2013 đã xác định có 5 chủng loại ký sinh trùng sốt rét gây bệnh cho người. Hai chủng loại ký sinh trùng sốt rét gây bệnh cho người khá phổ biến ở các địa phương tại nước là Plasmodium falciparum chiếm tỷ lệ từ 70 đến 90%, Plasmodium vivax chiếm tỷ lệ từ 10 đến 30%. Riêng chủng loại Plasmodium malariae chiếm tỷ lệ thấp từ 1 đến 3% và chỉ được phát hiện chủ yếu tại tỉnh Khánh Hòa. Còn chủng loại Plasmodium ovale rất hiếm gặp và hầu như chỉ được phát hiện bằng kỹ thuật PCR (polymerase chain reaction). Hiện nay các nhà khoa học khuyến cáo cần quan tâm phát hiện chủng loại thứ năm là Plasmodium knowlesi, một loại ký sinh trùng ký sinh ở loài khỉ có khả năng lây truyền cho người qua trung gian của muỗi truyền bệnh mặc dù ban đầu chỉ mới phát hiện được 3 trường hợp người dân có cả trẻ em sống vùng gần rừng tại tỉnh Ninh Thuận bị nhiễm. Mặc dù khi phát hiện, chẩn đoán bệnh nhân bị mắc sốt rét do nhiễm Plasmodium knowlesi thì việc điều trị được thực hiện đơn giản bằng cách sử dụng thuốc chloroquin như điều trị sốt rét Plasmodium malariae. Tuy vậy vấn đề này cũng cần được các cơ sở y tế quan tâm, chú ý vì khả năng chủng loại ký sinh trùng có thể lan rộng từ nơi này đến nới khác do tình hình giao lưu, di biến động dân, phát triển du lịch, mở rộng lãnh thổ... |