Chùa Bà Mã Châu (Hà Tiên) Qua Các Giai đoạn Thời Gian

Thầy cô và các bạn thân mến, ở Hà Tiên chúng ta quen gọi là Chùa Bà Mã Châu nhưng nếu theo đúng ý nghĩa của một ngôi chùa, hay ngôi miếu thì ta gọi đúng là Miếu Bà Mã Châu, vì chùa là nơi thờ Phật còn miếu là nơi duy trì tập tục văn hóa, tín ngưỡng dân gian, và đối tượng thờ phượng của một ngôi miếu thường là một nhân vật đã được thần thánh hóa…Tuy nhiên theo thói quen ở Hà Tiên chúng ta từ xưa đến nay, quen gọi là Chùa Bà Mã Châu (cũng như gọi Miếu Ông Bổn là chùa Ông Bổn, miếu Quan Thánh là chùa Năm Ông, miếu Bà Cửu Thiên là chùa Bà Cửu Thiên…v…v…)

Ngôi chùa Bà Mã Châu được xây cất trên đường Tô Châu, nằm bên phải con đường nếu ta đứng từ mé sông nhìn lên con đường và ở phía sau khách sạn Tô Châu ngày xưa. Vị trí ngôi chùa không nằm thẳng góc với con đường Tô Châu mà nằm xéo một góc, còn ngôi chùa thì có mặt tiền nhìn thẳng về phía mé sông Giang Thành, dù ở phía sau vài căn nhà, vì từ trước năm 1869 Hà Tiên có ngôi chợ cũ nằm về phía mé sông bến Trần Hầu, giữa hai con đường Bạch Đằng và Tô Châu, nên nơi đó ngày xưa rất phồn thịnh. Chúng ta không biết được chính xác ngôi chùa Bà Mã Châu được xây cất từ năm nào, nhưng vào khoảng năm 1869 trở đi đã có ngôi chùa trên con đường Tô Châu nầy. Theo phong trào di dân của người Trung Hoa đời Minh vì không thần phục nhà Thanh, người Minh Hương theo đường biển xuống phương nam (đặc biệt là miền nam Việt nam) những người Minh Hương nầy đem theo phong tục của mình và luôn xây cất ở nhiều nơi hai ngôi miếu quan trọng nhất là miếu Quan Công và miếu Bà Mã Châu. Ngôi chùa Bà Mã Châu được trang hoàng rất đẹp với bộ mái ngói và các hàng cột, kèo bằng gỗ.

Về vị trí của ngôi chùa Bà Mã Châu, mình còn nhớ rất rỏ, ngày xưa phía sau chùa là một gò đá khá cao, lúc còn nhỏ mình và các bạn cùng xóm thường hay chạy leo lên gò đá cao nầy để chơi trò cút bắt. Thời đó 1955-1965, phía sau lưng ngôi chùa không có nhà, chỉ có một khoảng đất bỏ trống, với ngọn đồi đá như đã nói. Từ ngọn đồi đá nầy có một con hẻm nhỏ thông ra tới bên hông của trụ sở Xã Mỹ Đức nằm trên con đường dọc mé sông Đông Hồ. Nói chính xác là trên mặt đường Trần Hầu phía nhìn ra Đông Hồ (nay con đường nầy được đặt tên là đường Đông Hồ), ta có ngôi nhà xưa của thi sĩ Đông Hồ (trụ sở của Trí Đức Học Xá ngày xưa do Đông Hồ lập ra), rồi tới một căn nhà dân, rồi tới cái hẻm thông qua đến phía sau chùa Bà Mã Châu, con hẻm chạy lên ngọn đồi đá và ra thẳng ra phía đường Tô Châu, qua bên kia đường Tô Châu là mặt hông của Ngôi Đình Thần Thành Hoàng Hà Tiên. Thời gian nầy hai bên ngôi đình Hà Tiên không có các ngôi nhà lầu cất sát ngôi đình như bây giờ và phía sau ngôi chùa Bà Mã Châu cũng chưa có các nhà lầu gạch cao như bây giờ. Ta có thể liệt kê ra như sau: từ dưới mé sông nhìn lên, đầu tiên là nhà ngủ Tô Châu, sau nhà ngủ Tô Châu có một hai căn nhà , rồi kế đó là mặt tiền chùa Bà Mã Châu, sau chùa Bà Mã Châu là ngọn đồi đá với một phần đất trống, kế đó nối lên cho tới đường Chi Lăng là dãy nhà do Ông Phán Cơ cất để ở và cho công chức thời đó mướn ở trong lúc làm việc tại Hà Tiên.

Vị trí chùa Bà Mã Châu trên con đường Tô Châu, Hà Tiên. Ngày xưa có con đường hẻm nhỏ nối liền phía sau chùa Bà Mã Châu và bên hông trụ sở Xã Mỹ Đức ở mé sông Đông Hồ và cũng có một con đường đất nối liền hai con đường Bạch Đằng và Tô Châu đi ngang trước mặt ngôi đình Thần Thành Hoàng Hà Tiên. Hiên nay con hẻm và con đường nầy đã bị xóa mất.

Mặt tiền ngôi chùa Bà Mã Châu nhìn xéo ra con đường Tô Châu. ta thấy mái ngói của ngôi chùa được trang hoàng rất đẹp. Hình: HungCuongPC, hình sau 1975

Con đường Tô Châu, Hà Tiên, nhìn về phía mé sông. Bên trái ta thấy rỏ tường vách mầu đen của ngôi chùa Bà Mã Châu, phía xa là khách sạn Tô Châu với các tầng lầu. Hình: HungCuongPC, hình sau 1975

Chùa Bà Mã Châu , Hà Tiên sau khi được tu bổ lại, với địa chỉ: số 23 Đường Tô Châu, phường Đông Hồ, Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang . Hình: Tien Le Thanh 2010

Chùa Bà Mã Châu Hà Tiên vào năm 2012, phía sau chùa đã có nhiều nhà cửa cao ốc không còn đất trống trải như ngày xưa. Hình TVM, 2012

Cổng vào chùa Bà Mã Châu, đường Tô Châu, Hà Tiên. Hình: Minh Tri Vo, 2015

Cổng vào chùa Bà Mã Châu, đường Tô Châu, Hà Tiên. Hình: Alexander Busse, 2016

Từ trong chùa Bà Mã Châu (Hà Tiên) nhìn ra đường Tô Châu

Bên trong chùa Bà Mã Châu, Hà Tiên. Hình: Tống Nguyên Bình, 2019

Từ nguồn gốc xưa, chùa Bà Mã Châu vốn do người Hải Nam dựng, nhưng người Hoa ở Hà Tiên dù là nguồn gốc khác nhau (Phúc Kiến, Hẹ, Triều Châu, Quảng Đông…) đều tôn kính Bà. Do dó kiến trúc ngôi chùa (ngôi miếu) là theo kiểu người Hoa, bên trong thờ Bà Mã Châu thần nữ. Bà Mã Châu phù hộ độ nhân dân người Hoa tha phương cầu thực, sinh hoạt trên sông biển.

Sự tích Bà Mã Châu:

Bà tên là Lâm Mặc Nương, sinh tại đảo Mi Châu đời nước Tống (thế kỷ thứ 10 – 11), tỉnh Phúc Kiến (Fujian), một tỉnh ở phía đông nam nước Trung Hoa. Lúc nhỏ bà theo Phật Giáo. Thân sinh của bà cùng hai người anh buôn bán ở tỉnh Giang Tây. Trong một chuyến đi buôn, cả ba bị bão tố, thuyền bị chìm.

Lúc ấy bà ở nhà, đang dệt vải bên cạnh mẹ. Thình lình bà ngưng tay dệt, mắt nhắm lại, hai tay đưa về phía trước như cố gắng trì níu vật gì. Bà mẹ hoảng sợ vỗ vào vai bà và gọi:

  •  Con, con, có chuyện gì không ?

Một lúc lâu bà tỉnh dậy rồi khóc và kể lể:

  • Con thấy thuyền của ba và hai anh con gặp bão tố và đang chìm ngoài bể. Con cố sức cứu cha nhưng mẹ vỗ vai con mà khuấy rối. Tại mẹ mà ba con chết. Hai anh con còn sống được là nhờ con đã cứu thoát….

Quả nhiên lời nói ấy đúng sự thật! Tin ấy đồn đi khắp vùng Giang Tây. Người đi biển gặp sóng gió đều kêu tên bà Mi Châu mà khấn vái. tất cả đều tai qua nạn khỏi. Ngoài ra bà còn thu phục và cảm hóa hai vị ác thần là Thuận Phong Nhĩ và Lý Thiên Nhãn.

Về sau vua nhà Tống phong cho bà chức Thiên Hậu Thánh Mẫu…

Ngày vía của Bà vào tháng ba âm lịch hàng năm. Trong các tỉnh lớn ở miền nam Việt Nam, đâu đâu cũng có ngôi Miếu thờ phượng bà rất trang nghiêm, người ta gọi là Miếu Bà Mã Châu, hay Miếu Bà Thiên Hậu…

Hình vẽ thờ Bà mã Châu và hai vị ác thần là Thuận Phong Nhĩ và Lý Thiên Nhãn.

Trân trọng cám ơn quý tác giả những hình ảnh minh họa cho bài viết.

TVM  (06/04/2019)

Partager :

  • Twitter
  • Facebook
J’aime chargement…

Articles similaires

Từ khóa » Bà Mã Châu