Chữa Bệnh Ghen Tị Của Trẻ Với Anh Chị Em Ruột - VnExpress Đời Sống
Nhiều cha mẹ khi sinh thêm con phải đau đầu với tình trạng các con của mình không ngừng so bì tị nạnh với nhau. Có khi anh chị ghen tị với em nhỏ, lúc ngược lại. Tình trạng này không chỉ xuất hiện khi trẻ còn nhỏ mà trong nhiều trường hợp kéo dài tới tuổi vị thành niên với mức độ xung đột trong quan hệ càng lúc càng nghiêm trọng. Tuy nhiên, nhìn nhận một cách công bằng, lỗi thường không xuất phát từ trẻ mà phần lớn do cách ứng xử chưa khéo léo của cha mẹ và người lớn xung quanh.
Tôi từng chứng kiến vợ chồng một người quen khi sinh con thứ hai là con trai thì cả đại gia đình từ ông bà, cô dì chú bác đến cha mẹ đều suốt ngày vây quanh cậu bé mà quên hẳn cô con gái đầu lòng, khiến cô bé 6 tuổi rất tủi thân và nảy sinh sự ghen tị với em trai. Có lần, bố mẹ suýt ngất xỉu khi thấy cô bé cấu vào chân của em mình liên tục, miệng lẩm bẩm: “Cho mày chết này, cho mày chết này”.
Ở một trường hợp khác, cha mẹ lại luôn miệng so sánh cậu em với anh trai của mình ở khoản học hành. Cậu em chơi thể thao rất giỏi, khá thông minh nhưng không thích các môn văn hóa ở trường, học cầm chừng. Ngược lại, anh trai của cậu lại rất chăm chỉ, thường đạt giải thưởng rất cao trong các kỳ thi học sinh giỏi từ phổ thông. Cha mẹ của hai cậu không hề nhận ra những điểm mạnh ở người em mà chỉ không ngừng soi xét những điểm yếu khiến cậu ức chế và cho rằng sở dĩ cha mẹ không thừa nhận tài năng của mình là do "cái bóng" quá lớn của anh trai. Từ đó, cậu ghét anh ra mặt, bất cứ lời nói nào của cha mẹ về cậu dù đúng hay sai, cậu đều cho đó là do định kiến về mình. Cậu cho rằng những hành động của cha mẹ dù hợp lý, chẳng hạn mua máy tính xách tay cho anh cậu vì phải đi học đại học xa nhà, còn em thì dùng máy tính bàn, thì cậu vẫn cảm thấy bất công và kết luận cha mẹ luôn ưu ái dành thứ tốt nhất cho anh.
Để khắc phục tình trạng anh chị em ruột ghen tị với nhau, cha mẹ phải hết sức tinh tế, khéo léo trong ứng xử của mình. Những dấu hiệu của sự ghen tị ở trẻ như hay so bì, tỏ thái độ gây hấn, hoặc ít nói chuyện với anh chị em của mình, không bỏ qua bất cứ cơ hội mách tội, chỉ trích anh chị em khác với ba mẹ, tỏ ra vui thích, hả hê khi anh chị em bị phạt, thậm chí lén lút gây tổn thương thân thể cho anh chị em của mình… Phát hiện các dấu hiệu này, cha mẹ phải có hành động can thiệp ngay.
Bước 1. Tìm hiểu nguyên nhân:
Đầu tiên, phụ huynh phải nói chuyện cùng trẻ với thái độ bình tĩnh, ôn hòa, hỏi về cảm giác của trẻ đối với anh chị em của mình và vì sao cảm thấy như vậy.
Bước 2. Tôn trọng suy nghĩ, cảm xúc thật của trẻ
Khi cha mẹ hỏi về nguyên nhân, rất có thể trẻ bày tỏ những suy nghĩ, cảm xúc tiêu cực nhưng trung thực về anh chị em của mình. Những suy nghĩ này có thể khiến cha mẹ khó chịu nên cha mẹ cần phải chuẩn bị tinh thần trước và kiểm soát tốt cách phản ứng của mình khi nghe trẻ nói. Nếu trẻ bảo: “Anh/chị/ em luôn được ba mẹ quan tâm hơn con" thì phụ huynh đừng vội phản đối và thay vào đó nói nhẹ nhàng: “Ba/mẹ xin lỗi nếu đã làm điều gì đó sai khiến con cảm thấy như vậy, nhưng sự thật ba/mẹ thương yêu tất cả các con như nhau”.
Bước 3. Gia tăng sự tự tin cho trẻ
Cha mẹ nên hiểu rằng trẻ tỏ ra ganh tị khi thấy mình ở thế yếu, thiếu tự tin vào khả năng, vị trí của mình trong gia đình. Vì vậy, cha mẹ phải gia tăng sự tự tin của trẻ bằng cách nhận diện những điểm mạnh, hoặc điểm tốt để khen ngợi và giúp bé nhận ra bản thân mình cũng có nhiều ưu điểm. Cha mẹ nên tránh dùng những từ ngữ tiêu cực khi nói với trẻ như "Con là đứa trẻ hư đốn”, “Con dốt thế”, “Con thật là ích kỷ”… Tất cả những câu nói này vừa làm tổn thương lòng tự trọng, giảm bớt sự tự tin của trẻ, vừa khiến bé trở nên ganh ghét với các anh chị em của mình.
Bước 4. Tránh so sánh giữa các con với nhau
Điều cấm kỵ nhất với cha mẹ chính là so sánh trẻ với anh chị em trong gia đình. Cha mẹ không nên nói những câu như: “Tại sao con không học hành đàng hoàng như anh của con?”, “Tại sao chị của con ngoan ngoãn, mà con lại hư đốn như thế?”, “Tại sao em của con làm được mà con thì không?”… khiến trẻ gia tăng sự hằn học với anh chị em của mình.
Bước 5. Dạy trẻ yêu thương nhau
Cha mẹ nên thường xuyên nhắc nhở con cái rằng mình là một gia đình và các con là anh chị em ruột với nhau. Cha mẹ có thể là cầu nối để giải tỏa những hiểu lầm của trẻ với nhau. Cha mẹ nên yêu cầu các anh chị em của trẻ không chê bai, nhạo báng khi bé bị phạt, giải thích rõ là ai cũng có thể có lúc phạm sai lầm, phải thông cảm và giúp đỡ nhau cùng tiến bộ. Trong những công việc chung của gia đình, cha mẹ có thể phân công trẻ cùng nhau làm việc để tăng cường sự hợp tác với nhau.
Bước 6. Đối xử công bằng với tất cả con cái của mình
Để ngăn ngừa từ xa tình trạng trẻ ghen tị với anh em của mình, cha mẹ nên đối xử thật công bằng với những đứa con của mình. Sự công bằng này phải thể hiện cả về vật chất lẫn tinh thần. Ví dụ, mua quần áo mới thì phải mua đồng đều cho tất cả các con, nếu không thì phải giải thích một cách thuyết phục cho trẻ lý do tại sao trẻ này được mà trẻ kia thì không. Cha mẹ phải dành thời gian đồng đều cho tất cả trẻ; phải tỏ ra nghiêm khắc như nhau với những đứa con của mình….
Thạc sĩ giáo dục học Nguyễn Thị Thu HuyềnGiảng viên Đại học Sư phạm TP. HCM
- Có anh chị em giúp bạn sống hạnh phúc hơn
- Cách cha mẹ giúp con cái thương nhau hơn
Từ khóa » Tí Anh Chị
-
Ga-la-ti 4 Vietnamese Bible: Easy-to-Read Version
-
Ga-la-ti 5:13-26 Vietnamese Bible: Easy-to-Read Version
-
Ca Sĩ Anh Chi. Anh Quốc điều Tra Tỉ Phú VN Với Món Quà $191 Triệu ...
-
Chữa Bệnh Ghen Tị Của Trẻ Với Anh Chị Em Ruột
-
Những Cách Giúp Trẻ Không Ghen Tị Với Anh Chị Em Trong Gia đình
-
Anh Chị Tí Hon #teatea_ap #thaygiaotihon88 #thaygiaotihon - TikTok
-
Cách Pose Dáng Xịn Sò Cho Chị Em Sống ảo: Thay đổi Tí Là Thành Mẫu ...
-
Người Tị Nạn Ucraina - “Bất Cứ Nơi Nào Anh Chị Em Tới, Hãy Tìm đến ...
-
Chị Gái Cookie Hơi Lười Chụp Hình 1 Tí - Instagram
-
Chính Phủ Anh Chi Tiền để Người Dân "chào đón" Người Tị Nạn Ukraine
-
Đội Trưởng Phương Trinh Jolie Chi Nửa Tỉ Cho Trang Sức Nạm Kim ...
-
Tắt đèn – Wikipedia Tiếng Việt