Chùa Cổ Thạch, địa điểm Cực Nổi Tiếng Của Du Lịch Tuy Phong

Nhắc đến mảnh đất Tuy Phong của Bình Thuận, người ta nghĩ đến ngay Chùa Cổ Thạch hay du lịch Cổ Thạch, một địa điểm du lịch Bình Thuận vô cùng nổi tiếng. Ngôi chùa này không chỉ nổi tiếng bởi quần thể kiến trúc linh thiêng mà còn được nhiều du khách biết đến bởi vẻ kỳ thú của bãi đá bảy màu, vẻ đẹp mùa rêu xanh ngát và cả sự nhộn nhịp của làng nướng hải sản cực kì tươi ngon nơi đây.

  • Thông tin về Chùa Cổ Thạch
  • Bãi đá bảy màu đẹp ngỡ ngàng ở Cổ Thạch Tự
  • Mùa rêu đẹp nao lòng ở Chùa Cổ Thạch
  • Khám phá làng nướng Cổ Thạch

1.Thông tin về Chùa Cổ Thạch

Chùa cổ thạch
Cổ Thạch Tự ở Tuy Phong, Bình Thuận

Nằm nổi bật giữa những hang động trên một ngọn đồi đá kỳ vỹ nhìn ra biển, Chùa Cổ Thạch để lại ấn tượng sâu lắng khó quên trong lòng khách thập phương bởi vẻ đẹp siêu thoát của cõi bồng lai tịnh lạc.

Tọa lạc cạnh vùng biển Cổ Thạch, thuộc xã Bình Thạnh, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận, chùa Cổ Thạch là một điểm hành hương và tham quan nổi tiếng ở phía Bắc tỉnh Bình Thuận và khu vực miền Nam. Cổ Thạch tự có nghĩa là chùa đá xưa, ngoài ra chùa còn có tên gọi mộc mạc dân dã khác là chùa Hang – cái tên ghi dấu nét đặc trưng trong việc hình thành của ngôi già lam.

Chùa do thiền sư Bảo Tạng thuộc đời thứ 40 thiền phái Lâm Tế khai sơn năm 1835. Ban đầu chùa chỉ là một am nhỏ, qua nhiều đời sư trụ trì, chùa đã được sửa sang, trùng tu để trở nên rộng lớn và khang trang như ngày nay. Với hơn 100 năm tuổi, chùa Cổ Thạch là di tích, thắng cảnh cấp quốc gia được công nhận vào năm 1993 của tỉnh Bình Thuận.

Chùa cổ thạch
Linh vật Voi và Hổ ở chùa

Nằm trên ngọn đồi cao 64 m so với mực nước biển, chùa Cổ Thạch được xây dựng theo thế tựa núi, hướng biển. Đường lên chùa dốc thoai thoải, quanh co theo triền đồi, và được che phủ bởi hàng cây xanh mát. Quần thể kiến trúc của chùa gồm nhiều am, điện, cốc liên hoàn với nhau trên khu đồi đá tự nhiên rộng hơn 4 ha. Cổng tam quan dẫn vào khu chánh điện được trấn bởi hai linh vật: voi và hổ – hai vị hộ pháp từ thuở khai hoang, luôn hộ trì bảo vệ cho Tam Bảo.

Chánh điện của chùa Cổ Thạch được xây dựng trên một khu đất rộng bằng phẳng, dựa lưng vào các phiến đá lớn tạo nên sự vững chãi, chắc chắn. Cũng như những ngôi chùa trên núi đá khác, một số điện và am thờ của chùa cũng được xây giữa những tảng đá to, hoặc trong lòng các hang đá tạo nên cảm giác thật gần gũi, tự nhiên.

Điều thú vị là chùa Cổ Thạch vốn được hình thành nên từ những tảng đá khổng lồ, mang hình thù kỳ lạ, nằm gác tựa, chồng chất lên nhau. Thế đá xếp chồng tạo nên nhiều hang động. Trong lòng mỗi hang động thờ Phật, chư vị Bồ tát, hoặc một nhà sư tổ đã viên tịch. Trên vách đá quanh các am, điện được vẽ những bức tranh miêu tả cuộc đời Đức Phật và các chư vị Bồ Tát.

Chùa cổ thạch

Vườn tháp tổ của chùa có diện tích khá rộng, với nhiều ngọn tháp được xây dựng công phu. Ngoài ra, ở đây còn có rất nhiều khối đá hình thù kỳ lạ như con cóc, bàn tay Phật, hay người mẹ hôn con.

Trên mỏm núi đá nhỏ sát bờ biển có tượng Quan Thế Âm Bồ Tát uy nghi, tự tại. Bồ tát đứng nhìn ra biển khơi với ánh mắt thật hiền từ, nguyện lắng nghe cứu khổ cho mọi chúng sanh.

Tại đây còn có một đỉnh núi gọi là đỉnh Linh Thứu, tên gọi của núi nhắc nhớ một đỉnh núi thiêng, một Phật tích quan trọng trong lòng những người con Phật. Linh Thứu gợi nhớ nơi lưu giữ hương thất của Đức Thế Tôn, động tu của Tôn giả Xá lợi phất và Tôn giả A nan… gợi nhớ dấu tích một thuở Đức Phật Thích Ca an trú và đem lại lợi lạc cho chúng sinh qua những bộ Kinh quan trọng (Kinh Đại Bát Nhã, Kinh Tứ Niệm Xứ, Kinh Vô Ngã Tướng, Kinh Pháp Hoa, Kinh Di Lặc).

Nếu như phía Đông Nam của chùa Cổ Thạch nhìn ra biển bao la ngọn sóng, thì ba mặt còn lại của chùa đều là núi rừng hoang sơ và những dải đá nguyên sinh tuyệt đẹp. Vì thế, Cổ Thạch tự mang trong mình một vẻ đẹp nguyên sơ độc đáo như vậy. Gối đầu trên mỏm đá núi là hàng ngàn phiến đá và hang động đa dạng và vô cùng huyền bí. Nơi đây quanh năm chan hòa ánh nắng, khí hậu mát mẻ trong lành được chắt lọc bởi những luồng gió biển mặn mà, mát lạnh. Tất cả tạo nên một thiên cảnh trầm lặng lý tưởng cho các nhà sư chuyên tâm hành trì tu học, tìm về Giác ngộ.

Từ đỉnh Linh Thứu phóng tầm mắt ra xa, các bạn có thể quan sát được toàn cảnh núi rừng, xa xa là bãi biển của chùa Cổ Thạch với những viên đá lấp lánh sắc màu của bãi đá con có tên gọi là bãi đá bảy màu. Bãi biển Cổ Thạch cũng là nơi khá hấp dẫn khi các bạn kết hợp du lịch tâm linh với khám phá, du ngoạn.

Chùa cổ thạch
Quang cảnh Cổ Thạch

Gió biển mang cái mát lành len qua núi đồi khe đá hòa lẫn với tiếng tụng niệm trầm hùng, tiếng mõ tiếng chuông văng vẳng quyện với mùi khói hương trầm ngan ngát… làm du khách hành hương lễ Phật lâng lâng, như lạc vào chốn tịnh lạc, chìm đắm giữa sắc màu thiền lam u nhã.

Đến Cổ Thạch tự, bạn không chỉ tận hưởng quang cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp xung quanh mà còn cảm nhận được sự bình yên, thanh tịnh mà chốn thiền môn mang lại. Hãy thử tìm một hang đá hoặc gốc cây nào đó và ngồi xuống thật yên, thân thả lỏng, miệng mỉm cười hàm tiếu, nương theo hơi thở lắng dịu tâm tư, lòng tĩnh lặng an yên như Phật… Sẽ thú vị lắm nếu một lần trong đời bạn được nếm trải niềm hạnh phúc đến từ sự bình yên, tĩnh lặng nội tâm như vậy!

Sớm sớm chiều chiều, lời Kinh pháp mầu lại âm vang nơi cổ tự, dạy con người hãy luôn sống Tỉnh thức và Yêu thương. Từ trên đỉnh chùa cao nhìn ngắm biển xanh bao la rì rào sóng nước, lắng nghe tiếng chuông Đại hồng âm vang trầm hùng, lòng như được gột rửa, mọi muộn phiền âu lo bỗng chốc hóa mây bay.

2. Bãi đá bảy màu đẹp ngỡ ngàng của Cổ Thạch

Bãi đá bảy màu ở chùa cổ thạch
Bãi đá bảy màu – Ảnh sưu tầm

Bãi đá thiên nhiên bảy màu nằm rất gần Khu bảo tồn thiên nhiên Hòn Cau, và nằm ngay dưới chân chùa Cổ Thạch. Bãi đá bảy màu có tên gọi khác là bãi Cà Dược – một bãi biển có bờ đá trải dài hơn 1 km với những viên đá cuội nhẵn thín, sắc màu pha lẫn tuyệt đẹp.

Bãi đá bảy màu này có bề rộng khoảng 40m và kéo dài hơn 1 km đường biển. Chính vì quy mô của này mà bãi đá được Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam công nhận là bãi đá có hình dạng – màu sắc nhiều nhất Việt Nam.

Đá, sóng cùng lớp thời gian đã bào mòn những phiến đá nơi đây tạo nên những hình khối vô cùng bắt mắt. Cộng với trí tưởng tượng độc đáo của con người, những phiến đá gồ ghề trăm năm gối đầu lên sóng đã như được thổi linh hồn.

Bãi đá bảy màu ở chùa cổ thạch
Một góc nhìn vô cùng ảo diệu

Những viên đá ở Chùa Cổ Thạch thu hút sự quan tâm của du khách đặc biệt là những tay săn ảnh bởi màu sắc đặc biệt từ những khối đá. Bảy màu là con số ước lượng tượng trưng, thực tế đá cuội ở đây có rất nhiều màu sắc khác nhau, viên gối lên nhau, xếp cạnh nhau làm nên một bức tranh với nhiều mảng màu thú vị.

Nhìn từ xa, cung đường ven biển với cát trắng, đá dựng, đá xếp nhiều màu phản chiếu ánh sáng mặt trời ở khu du lịch Cổ Thạch tạo nên cảm giác như bạn đang được chiêm ngưỡng tuyệt tác thiên nhiên – tấm thảm khổng lồ, nhiều màu sắc sống động. Quang cảnh càng trở nên ngoạn mục hơn với vô số những tảng đá mấp mô xanh rì những độ vào mùa rêu phủ.

Bãi đá bảy màu
Bãi đá bảy màu mờ ảo trong sương khói

Dưới ánh chiều sắp tắt, thả chân trần êm êm trên từng phiến đá, cho bàn chân áp vào từng phiến đá, ngâm chân vào làn nước mát lạnh của nước biển sẽ cho bạn những phút giây thư giãn tuyệt vời. Đi mỏi bạn có thể thử ngả lưng trên bãi đá này, nhắm mắt lại nghe sóng ru bên tai, những con sóng khi lặng im khi cồn cào như hát lời tự tình ngàn năm với biển.

Theo lời kể của dân địa phương, bãi đá cà dược này được hình thành cách đây mấy trăm năm. Ban đầu từ những khối đá to chìm sâu trong lòng biển sóng, nước cùng nhau bào mòn và đẩy những đá vụn lên bờ. Trải qua hàng trăm năm, những con sóng vô tình đã làm nên bãi đá với rất nhiều những viên đá đầy màu sắc.

Bãi đá bảy màu
Đậm màu cà dược

Đó là hành trình từ lòng biển sâu, theo những con sóng bạc đầu, đá tìm đến con người với ước mong được gắn bó. Trải biết bao đẽo gọt của thời gian, đá cuội vô tri khoác lên mình chiếc áo đầy sắc màu để rồi trót làm đắm say lòng người lữ thứ. Thử hỏi bờ đá im lìm thăm thẳm xanh rêu, gió rì rào rặng dương cao vút, biển xanh ngút ngàn đẫm vị hoang sơ đã biết bao lần khiến du khách ngất ngây?

Thời điểm đẹp nhất để đến chiêm ngưỡng bãi đá bảy màu và tắm mình trong làn nước Cổ Thạch là vào tháng 03. Sở dĩ đây được xem là mùa đẹp nhất bởi, tháng 03 là mùa rêu phủ. Từng mảng rêu ám xanh khắp phiến đá cuội, khoác cho bãi đá một vẻ đẹp hết thức thú vị. Với những ai yêu thích chụp chẹt thì thời diểm này được xem là thời điểm vàng cho từng góc máy. Bạn không khó để chọn được những góc ảnh đẹp với trời nước mênh mang, rêu phong đá dựng phải không nào?

3. Mùa rêu chùa Cổ Thạch đẹp nao lòng

Mùa rêu ở Cổ Thạch
Mùa rêu ở Cổ Thạch – Ảnh Lưu Đức Nam

Nằm cách trung tâm thành phố Hồ Chí Minh 300 km, cái tên chùa Cổ Thạch với bãi đá sắc màu, mùa rêu xanh mướt là niềm tự hào to lớn của người dân đang sinh sống tại xã Bình Thạnh, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận mãi là niềm tự hào to lớn.

Biển Cổ Thạch vào mùa lễ hội Nghinh Ông hay vào mùa rêu khá đông, nhưng phần lớn thời gian trong năm nơi đây lại khá vắng vẻ, im ắng. Nếu không tìm hiểu rõ về bãi biển Cổ Thạch trước khi đến, du khách sẽ phải ngạc nhiên vì ngỡ lạc vào bãi biển hoang sơ cũng như vô cùng tiếc nuối khi bỏ lỡ một trong những cảnh đẹp thiên thiên vô cùng ngoạn mục, đó là khung cảnh vào độ tháng 03 tất cả bãi đá được phủ lớp rêu xanh mướt.

Từ tờ mờ sáng, dân săn ảnh thứ thiệt đã xếp chỗ, dàn máy, chọn góc để có thể chụp được những tấm ảnh hút hồn của rêu xanh trên bãi đá nổi tiếng này khi bình minh ló dạng.

Bãi rêu Bà Khòm
Ảnh Park Soon Kum gửi tặng

Biển Bình Thuận nhiều tầng đá, lại là nơi vươn ra biển để đón mùa nắng sớm hơn các vùng biển lân cận khác, nên rong rêu ở đây hình thành sớm và đẹp hơn. Có lẽ vì thế mà cứ sau Tết Nguyên đán, khoảng tháng 02, 03 hàng năm, đến hẹn lại lên, bãi đá ven biển Cổ Thạch thuộc huyện Tuy Phong, Bình Thuận lại phủ rêu xanh mướt. Đây cũng là thời điểm các tính đồ ghiền nghệ thuật đổ xô về.

Khác với màu rêu xanh ngắt khi bình minh ló dạng, khi nắng lên vào độ giữa trưa, thảm rêu ngả hẳn sang màu vàng rất đẹp, sự biến đổi màu sắc diệu kì này đa phần là do ánh sáng thay đổi. Những ai may mắn được chứng kiến khung cảnh này nhất định sẽ vỡ òa trong niềm hạnh phúc – hạnh phúc khi chiêm ngưỡng một tuyệt tác thiên nhiên, bồng lai tiên cảnh.

Mùa rêu ở Cổ Thạch
Ảnh Fanpage Du lịch Bình Thạnh

Mùa rêu chùa Cổ Thạch phủ lên những bãi đá thông thường có thể tồn tại được tầm một tháng và tối đa là hai tháng. Vì vậy, các bạn muốn có được những tấm ảnh siêu lung linh, thì phải me cho được thời điểm vàng này nhé!

“Nghề chơi cũng lắm công phu!” Để săn được những bức ảnh đẹp về mùa rêu chùa Cổ Thạch cũng đầy công phu, các bạn phải đầu tư về mặt thời gian cũng như có chút hiểu biết về mực nước biển. Nếu nước biển lên quá cao, bãi đá phủ rêu sẽ bị ngập trong làn nước, thảm rêu đẹp cũng vì thế mà thu hẹp.

Nhưng nếu mực nước xuống quá thấp cũng khiến rêu nhìn trông khô, kiệt nước và mất đi vẻ đẹp mượt mà, rêu vốn ưa ẩm mà. Thảm rêu lên hình cho màu đẹp nhất là vào lúc biển tĩnh, ít sóng. Màu rêu cộng hưởng với ánh sáng lúc bình minh hay khi hoàng hôn cũng đem lại sức hút kì diệu.

Mùa rêu
Ảnh Fanpage Du lịch Bình Thạnh

Ghềnh đá cũng là nơi tập trung của nhiều thảm rêu đẹp, trên nền nước biển trong veo, rêu xanh mềm hoang dại và mạnh mẽ vươn trên mình đá sỏi, sự mềm mại đối lập với sự thô mộc của sỏi đá như càng tôn lên vẻ đẹp – một vẻ đẹp tinh khiết và mỏng manh.

Vui chơi nhưng các bạn cũng nhớ lưu ý, những ghềnh đá vươn xa, mướt rêu trơn trượt có thể gây nguy hiểm nếu chúng ta thiếu sự cẩn thận. Hạn chế giày guốc nhé các bạn nữ.

Rêu xanh, sóng biển, gió trời, dải đá muôn màu của Cổ Thạch chính là những điểm lý thú khiến nơi đây trở thành điểm dừng chân hấp dẫn cho những ai yêu thích và muốn tận hưởng thiên nhiên thanh bình, tĩnh tại.

4. Thưởng thức hải sản Làng nướng Cổ Thạch dịp cuối tuần

Làng nướng ở khu du lịch
Làng nướng Cổ Thạch – Ảnh NamNT

Nếu may mắn trải nghiệm du lịch Cổ Thạch vào dịp cuối tuần, bạn nên rủ rê, lôi kéo lũ bạn thân ghé qua làng nướng Cổ Thạch để thưởng thức ngay những món nướng vô cũng đậm đà và đặc sắc nơi đây.

Nếu là một fan của hải sản thì chà chà, bạn đã chọn đúng địa điểm rồi đấy. Đến với làng nướng Cổ Thạch nằm trong khu du lịch chùa Cổ Thạch thuộc xã Bình Thạnh, huyện Tuy Phong, Bình Thuận bạn sẽ được thưởng thức rất nhiều loại hải sản cực kỳ tươi sống và hấp dẫn với giá cả vô cùng phải chăng.

Bạn sẽ được tự tay lựa chọn những loại hải sản mà mình yêu thích rồi sau đó chỉ cần tìm một vị trí thích hợp nhất và ngồi chờ đợi. 15 phút sau tất cả những gì bạn yêu cầu sẽ được dọn ra ngay trước mắt.

Hải sản làng nướng
Hải sản ở làng nướng Cổ Thạch

Hải sản ở đây được nêm nếm gia vị vừa ăn sau đó đem đi nướng vừa chín tới bằng bàn tay chuyên nghiệp của những người chủ quán lành nghề nên khi ăn bạn sẽ vẫn cảm nhận được sự tươi sống trong từng loại hải sản. Bởi vậy mới nói cách chế biến mới chính là thứ thuần tuý nhất khiến mọi món ăn trở nên sinh động và hấp dẫn.

Mình là một người dân địa phương và đã ăn rất nhiều hải sản, tuy nhiên khi thưởng thức hải sản được chế biến ở làng nướng Cổ Thạch thì có một cảm giác gì đó rất khác so với hải sản mà tôi từng đi ăn ở một nơi nào đó hay thậm chí là mình tự tay chế biến.

Bởi lẽ hải sản ở đây được tẩm, ướp bằng các loại gia vị theo một công thức chuyên nghiệp nào đó mà chỉ những người bán mới làm được khiến cho người thưởng thức khi ăn cứ có cảm giác mới lạ và ngon miệng đến lạ kì.

làng nướng Cổ Thạch
Hải sản và bạch tuộc tươi ướp gia vị chuẩn bị nướng – Ảnh baolamanhBRVT

Đi ăn hải sản ở một khu du lịch chắc chắn bạn sẽ cảm thấy phân vân về giá cả, đôi khi là lo lắng bị chặt chém tuy nhiên đến với làng nướng Cổ Thạch những nỗi lo ấy không phải là vấn đề quá lớn đối với bạn nữa bởi theo những gì mà tôi nhận thấy tất cả dịch vụ, hàng hoá và đồ ăn tại nơi đây được bán với giá hết sức bình dân, phù hợp với túi tiền của mọi người.

Mỗi đĩa hải sản được đưa ra đầy ụ và thơm ngon nhưng giá cũng chỉ giao động từ 50.000 – 120.000 đồng tuỳ theo từng loại hải sản. Bạn cũng có thể lôi kéo thêm bạn bè để cùng nhau thưởng thức được nhiều loại hải sản hơn.

Dù bạn là người địa phương hay là khách du lịch thì cũng nên một lần đến với làng nướng Cổ Thạch để được đắm chìm vào ẩm thực hải sản nướng đặc sắc mà chỉ có ở miền biển Tuy Phong. Sẽ là thiếu sót lắm nếu bạn đi biển chỉ để tắm biển mà không ngó ngàng đến nguồn ẩm thực tự nhiên mà biển ban tặng cho vùng đất này. Vậy thì còn chần chừ gì nữa, xách balo lên và đi ngay luôn nào!

Huỳnh (PR+)

Local blogger ở Bình Thuận. Liên hệ công việc: 0816101600 (có Zalo) – huynh@phanri.plus

Từ khóa » địa Chỉ Cổ Thạch Tự