Chữa Lành Bỏng Bằng... Da Lợn | Báo Dân Trí

Giảm thiểu đau đớn, nhanh hồi phục

Bệnh nhân T. quê ở Hà Tây bị bỏng điện nặng do bất cẩn trong khi sản xuất. Toàn bộ hai cánh tay, hai cẳng chân và vùng ngực bị tróc da, hoại tử. Theo GS Lê Năm - Giám đốc Viện Bỏng, những trường hợp bỏng nặng trên 80% như vậy trước đây có nguy cơ tử vong cao do sốc, nhiễm trùng. Ngoài ra, bệnh nhân thường xuyên phải chịu đau đớn mỗi lần thay băng.

Đối với bệnh nhân T, sau khi cắt bỏ, làm sạch vùng da hoại tử, các bác sĩ phủ lên đó một lớp màng sinh học làm từ trung bì da lợn. Lớp màng này nhanh chóng bám vào bề mặt vết thương, ngăn cản sự xâm nhập của vi khuẩn. Mọi sự chăm sóc chỉ diễn ra trên bề mặt của lớp màng này mà không can thiệp sâu vào vùng tổn thương như cách dùng gạc truyền thống. Sau hai tuần, vùng da tổn thương khô dần. Lớp da lợn dần dần bong ra. Bệnh nhân T được cứu sống và chờ phẫu thuật ghép da tự thân (ghép da của chính mình).

Tại khoa Bỏng trẻ em, bé Vũ Thị Hoà, 8 tháng tuổi, bỏng nước sôi toàn bộ tay trái, ngực, đùi và cẳng chân. Vùng bỏng sâu 20%. Bé đã được cắt hoại tử ghép da tự thân ở tay trái và cắt hoại tử ghép da lợn ở ngực. Vết bỏng dưới lớp da lợn khô dần, không gây đau đớn nên bé ngủ ngon không quấy khóc.

“Với độ bỏng như vậy, trước đây trẻ thường suy mòn do thời gian lành vết thương kéo dài. Nay, da lợn ghép hôm trước thì hôm sau đã bám dính tốt vào vết thương, ngăn cản tiết dịch khiến vết thương mau liền. Đặc biệt trẻ không còn đau nữa. Nhập viện từ 13/3, cuối tuần này bé Hoà có thể xuất viện”, TS Hồ Xuân Hương, khoa Bỏng trẻ em, cho biết.

Hiện nay, mỗi tuần Viện Bỏng dùng hết 500 đơn vị da lợn, tương đương với 50.000- 100.000cm2. Từ năm 2000 đến nay, hàng nghìn bệnh nhân bỏng đã được điều trị bằng màng sinh học làm từ da lợn. Hiệu quả của công nghệ này khiến nhu cầu dùng da lợn trong chữa bỏng ngày một tăng.

Công nghệ cho người nghèo

Chỉ có những con lợn trắng, khoẻ, trọng lượng từ 30 - 50kg, không có bệnh ngoài da và các bệnh có thể lây truyền sang người, được nuôi ở các trung tâm chuyên cung cấp động vật thí nghiệm, mới được lựa chọn.

“Lợn được tắm xà phòng 2 lần/tuần. Trước khi mổ còn được sát trùng bằng iốt hữu cơ và nước muối sinh lý. Sau đó, lợn được mổ lấy da trong điều kiện vô trùng và chỉ lấy da ở lưng và lườn. Toàn bộ lớp hạ bì và biểu bì bị loại bỏ, chỉ lấy lớp trung bì.

Lớp này được làm thành những bản mỏng 0,5 – 0,7mm, mịn, đều. Có thể chế tạo thành băng mắt lưới và băng đục lỗ để đáp ứng yêu cầu điều trị. Chúng được coi như các băng sinh học, được xử lý sạch bằng nước muối sinh lý và kháng sinh, sau đó bảo quản bằng cách ngâm trong dung dịch glyceryl,tủ siêu lạnh sâu – 1500C hoặc nitơ lỏng.

Nhờ đó, băng sinh học từ trung bì da lợn gần như được vô trùng, còn tươi, tính chất sinh học của trung bì da lợn được đảm bảo và không gây phản ứng miễn dịch cho người bệnh” – BS Khuất Duy Thái, phòng thí nghiệm Nghiên cứu Ứng dụng trong điều trị bỏng (Ngân hàng mô)- cho biết.

Viện Bỏng đã sử dụng điều trị cho bệnh nhân bỏng bằng màng sinh học từ da ếch, màng rau thai..., nhưng không loại nào có ưu thế như trung bì lợn.

“Da ếch thường bám chắc vào vết thương, co kéo làm hở vết thương, tạo khoảng trống để vi khuẩn xâm nhập, gây nhiễm trùng thứ phát. Trong khi đó, băng sinh học từ trung bì da lợn còn tươi có tính chất xốp, đàn hồi, có độ thấm, thoát dịch tốt, được chế tạo với độ dày thích hợp, cản trở sự xâm nhập và phát triển của vi khuẩn khiến vết thương không nhiễm trùng và mau lành hơn hẳn” – BS Thái so sánh.

Đặc biệt, nhờ da lợn, giá thành một ca điều trị bỏng giảm hẳn. Trước đây, chỉ riêng loại kem kháng sinh Silvirin 1% của Ấn Độ đã ngốn 300.000 đ/ngày đối với bệnh nhân bỏng 10%. Trong khi đó, ghép da lợn chỉ mất 300.000 đồng cho 10 mảnh da lợn trong trong suốt cả tuần lễ (chỉ ghép một lần trong suốt tuần).

“Nhờ công nghệ ghép màng sinh học từ trung bì da lợn, từ năm 2000 đến nay hầu như không còn bệnh nhân bỏng nông tử vong. Tác dụng điều trị tăng rõ rệt, đặc biệt là trẻ em. Trẻ em bỏng nông điều trị 10 ngày là khỏi”, GS Lê Năm vui mừng cho biết.

Theo Mỹ Hằng

Tiền phong

Từ khóa » Ghép Da ếch