Chùa Quỳnh Lâm - Trung Tâm Phật Giáo Thời Trần

Tượng Phật Di Lặc - An Nam tứ đại khí

Chùa Quỳnh Lâm được xây dựng vào thời vua Lý Thần Tông (1127 - 1138) bởi Quốc sư Nguyễn Minh Không.

Ngay sau khi lập nên ngôi chùa, ngài đã cho đúc một pho tượng Phật Di Lặc bằng đồng có kích thước khổng lồ, cao tới 6 trượng (tương đương 20m) để thờ cúng.

Để đặt được pho tượng khổng lồ, nhà chùa phải xây một ngôi điện lớn có chiều cao lên tới 7 trượng (khoảng 23,5m).

Trong dân gian còn lưu truyền câu ca:

Nức tiếng Quỳnh Lâm cõi xứ Ðông

Tháp cao chín đợt màu mây ám

Chùa rộng trăm gian gác ngựa hồng

Trước điện thông reo cùng trúc hóa

Trong am khánh đá với chuông đồng...

Sau một thời gian do chiến tranh, loạn lạc, pho tượng Di Lặc bị mất.

Sau đó, Thiền sư Pháp Loa cho đúc một pho tượng Di Lặclớn tương tự và được dát 900 lượng vàng.

Tượng được đúc xong từ năm 1327.

Năm 1328, nhân dịp vua Trần Minh Tông đến thăm chùa, sư Pháp Loa đã tâu xin cho kéo tượng từ điện lên bảo tọa để dát vàng.

Văn Huệ Vương Trần Quang Triều, chủ soái của Bích Ðộng thi xã và người chị ruột, công chúa Thượng Trân, vợ vua Trần Anh Tông đã cúng vào chùa 900 lượng vàng để đúc tượng.

Cùng tháp Báo Thiên (chùa Sùng Khánh, Hà Nội), chuông Quy Ðiền (chùa Một Cột, Hà Nội) và vạc Phổ Minh (chùa Phổ Minh, Nam Ðịnh), tượng Phật Di Lặc chùa Quỳnh Lâm được mệnh danh - là bốn vật kim khí đỉnh cao của nghệ thuật đúc đồng, được xếp vào nhóm quốc bảo “An Nam tứ đại khí” của người Việt ở thế kỷ thứ XII. Trong đó, tượng Phật Di Lặc, chùa Quỳnh Lâm đứng vị trí đầu.

Đến thế kỷ XV, khi quân Minh sang xâm chiếm nước ta, chúng đã phá tượng để đúc súng đạn. Truyền thuyết dân gian nói rằng, giặc mang tới 24 bễ đến định thổi đồng đúc đạn nhưng thổi không được, còn bia chùa thì ghi "tượng trầm trầm tại hạ" (chìm dần xuống đất).

Ngôi tháp do Thiền sư Pháp Loa xây dựng năm 1329 để rước xá lị Phật hoàng Trần Nhân Tông để tôn trí. Ảnh: TV

Có lịch sử huy hoàng với nhiều giá trị lớn cả về kiến trúc, nghệ thuật nhưng trải qua những biến cố lịch sử, chùa đã dần trở thành phế tích và hoàn toàn bị phá hủy, chỉ còn lại mặt bằng nền móng vào khoảng giữa thế kỷ XX.

Dưới thời Trần, Phật giáo phát triển rực rỡ. Chùa Quỳnh Lâm nằm ở vị trí cửa ngõ kết nối trung tâm Phật giáo Yên Tử, Ngọa Vân, Hồ Thiên với các ngôi chùa khác trong vùng và các chùa ở vùng đồng bằng Bắc Bộ nên chùa được mở rộng và đầu tư xây dựng thành một trung tâm Phật giáo quan trọng.

Các vị tổ là Trần Nhân Tông, Đệ nhị tổ Pháp Loa, Đệ tam tổ Huyền Quang đều đã về tu ở chùa.

Năm 1329, Quỳnh Lâm trở thành “Đệ nhất Danh lam Cổ tích của nước An Nam.”

Chùa Quỳnh Lâm được trùng tu lớn vào các thời Trần, Lê, Nguyễn.

Tấm bia “Trùng tu tái tạo Tiên Du sơn đệ nhất Quỳnh Lâm tự” trước tam quan hiện nay cho thấy lịch sử hàng ngàn năm của chùa. Tấm bia này cao 2,46m, rộng 1,53m dầy 0,25m, vốn được dựng vào thời Lý, đến thời Lê Trung hưng, khi trùng tu chùa, người ta đã gọt bỏ một phần họa tiết hoa văn và toàn bộ minh văn của tấm bia này để khắc lại. Đây là một trong những tấm bia lớn nhất của thời Lý hiện còn ở tỉnh Quảng Ninh.

Trải bao thời gian, mưa nắng, chiến tranh, chùa đã trở thành phế tích vào giữa thế kỷ XX.

Danh lam cổ tự xứ Đông

Hiện nay, chùa mới được khôi phục và hiện là một trong những ngôi chùa gỗ lớn vào bậc nhất ở khu vực phía Bắc, được xây dựng từ hơn 1.500m3 gỗ lim.

Sự bề thế, nguy nga của chùa Quỳnh Lâm thể hiện với quần thể 3 toà điện lớn với tổng diện tích lên tới hơn 1.000m2, được dựng lại trên nền móng chùa xưa, với những vật liệu truyền thống, có sự nối tiếp, chọn lọc.

Ngôi điện lớn ngoài cùng là Thích Ca Phật điện, ngoài nhiều cột gỗ lớn, còn có hai cột gỗ ngọc am.

Gác chuông chùa Quỳnh Lâm. Ảnh: T.V

Toà Di Lặc Phật điện nằm ở giữa, thờ Tam thế Phật. Toà Lưu ly Phật điện nằm ở phía sau cùng. Nơi đây có điểm nhấn là bức tượng Phật ngọc Thích Ca Mâu Ni.

Chùa Quỳnh Lâm xưa ngoài tượng Di Lặc được xem là An Nam tứ đại khí còn rất nổi tiếng với gác chuông chùa. Công trình nay được xây mới trên vị trí nền móng cũ, với khung kết cấu bằng gỗ lim. Đặc biệt, chiếc chuông bằng đồng lớn treo tại đây có niên đại 200 năm, được đúc khi trùng tu, tôn tạo chùa vào thời nhà Nguyễn.

“Sân chùa Muống, ruộng chùa Quỳnh” ý nói về của cải, ruộng đất rộng lớn của chùa. Giờ đây dù diện tích không còn được như vậy nữa nhưng chùa Quỳnh vẫn có khuôn viên rất rộng rãi với nhiều loại cây xanh bóng mát.

Quanh vườn chùa, du khách có thể ngắm nhìn các di vật xưa của chùa còn sót lại, giúp du khách thêm nhiều xúc cảm. Nhiều nhất là các chân tảng, bậc thềm đá từ thời Lý, Trần, Lê, trong đó có hai cối quay bằng đá là một phần của tòa cửu phẩm liên hoa ở Quỳnh Lâm và một bệ chân tảng hoa sen rất lớn thời Lê Trung hưng…

Từ khóa » Chùa Quỳnh Lâm