Chúa Về Trời - Con đi - TGP SÀI GÒN

WGPSG -- Ngày xưa, lúc còn nhỏ, tôi thường hình dung cảnh Đức Giêsu đang bay lên giữa các tầng mây cùng muôn vàn thiên thần đàn hát tung hô, rồi ngự bên hữu Chúa Cha vào ngày Lễ Thăng Thiên. Những người lớn ngày ấy thường ghẹo tôi giữa trưa ngày lễ ra nhìn lên trời rồi đọc chục kinh “thứ hai thì ngắm Ðức Chúa Giêsu lên trời, ta hãy xin cho được ái mộ những sự trên trời” thì sẽ thấy được Chúa lên trời!

Chắc hẳn cảnh tượng ngày Chúa về trời ngày ấy rất đẹp nên các tông đồ mới ngước mắt ngây ngất trông theo. Sách Công vụ Tông đồ kể rằng Đức Giêsu “được cất lên ngay trước mắt các tông đồ, và có đám mây quyện lấy Người, khiến các ông không còn thấy Người nữa. Và đang lúc các ông còn đăm đăm nhìn lên trời phía Người đi” thì có hai thiên thần từ đám mây hiện ra nhắc nhở, các ông mới hoàn hồn trở lại thực tại trần thế (x. Cv 1,9-11).

Việc Đức Giêsu lên trời bắt đầu mở ra một trang sử mới trong việc loan báo Tin Mừng. Suốt thời gian theo Đức Giêsu ngược xuôi loan báo Tin Mừng, các tông đồ chỉ là những người tập sự. Nhưng từ đây, dưới sự hỗ trợ đắc lực của chính Đức Giêsu và Chúa Thánh Thần, các ông thực sự là những người đầu tiên làm chứng và thực thi những Lời đã được nghe Chúa giảng dạy.

Nói cách khác, đây là cột mốc đổi đời của các Tông đồ thành chứng nhân cho Đức Kitô. Việc loan báo cuộc khổ nạn của Ngài đã xảy ra rồi, nhưng Chúa Giêsu vẫn nhắc nhở lần cuối để các Tông đồ xác tín vào Chúa và thi hành sứ mạng làm chứng nhân.

Làm chứng là nhận thức một sự kiện mà chính mình đã có kinh nghiệm. Làm chứng cho Đức Kitô là sống lại ân sủng mà mình đã lãnh nhận, là hiện tại hóa tình yêu Ngài đã trao ban cho mình. Chính xác hơn, làm chứng là chấp nhận bằng hành động một sự việc đã xảy ra, một sự kiện có thật mà mình thấy…

Loan báo Tin Mừng là bổn phận của những môn đệ của Đức Kitô tức là mỗi người Kitô hữu chúng ta. Nhưng có nhiều Kitô hữu biết một cách rất mơ hồ, hoặc không biết đầy đủ nội dung mà chúng ta phải loan truyền, để rồi cuối cùng, chúng ta chẳng loan truyền được gì, hay loan truyền một thứ “tin chưa được mừng”, chưa đầy đủ.

Nhiều người nghĩ rằng loan báo Tin Mừng là tỏ ra cho người khác biết mình là Kitô hữu qua việc làm dấu Thánh giá, can đảm kê khai lý lịch Thiên Chúa giáo… Kẻ khác lại nghĩ rằng loan báo Tin Mừng là siêng năng đi lễ nhà thờ, tham dự đầy đủ các giờ kinh nguyện, vâng lời và làm theo những lời chỉ dạy của các đấng bản quyền... Người khác nữa thì tìm cách lôi kéo, thuyết phục những người ngoại đạo mà mình quen biết gia nhập đạo qua những việc chia sẻ, bác ái…

Tất cả những việc đó đáng làm, cần làm, nhưng chưa đủ nội dung của việc loan báo Tin Mừng. Muốn loan báo Tin Mừng cho đúng nghĩa, người loan báo phải biết Tin Mừng là gì, phải cảm thấy tin mình loan báo là điều đã làm mình vui mừng, hạnh phúc.

Không thể cho người khác cái mình không có! Có khi nào chúng ta nhận thấy Tin Mừng đã làm thay đổi và ảnh hưởng tốt đẹp đến đời sống mình chưa? Gia đình mình đã thật sự sống trong tình thương của Chúa để góp phần xây dựng lối sống văn hoá sự sống và văn minh tình thương cho khu xóm, cộng đoàn và giáo xứ chưa? Nếu đời sống mình, gia đình mình chưa tốt mà mình lại đi rao giảng Tin Mừng, muốn Tin Mừng ảnh hưởng tốt đẹp trên đời sống người khác, gia đình người khác thì có khác gì “người mù lại dắt người mù” (x. Mt 15,14) và như thế thì người nghe sẽ nhận được gì?

Cha Charles de Foucauld quả quyết: “Chỉ có một số người có khả năng làm chứng bằng lời nói, nhưng mọi người đều có thể làm chứng bằng đời sống lương thiện, gương mẫu và bằng đời sống Kitô hữu sinh động”. Vì thế, chúng ta cần phải siêng năng học hỏi và chia sẻ Tin Mừng, để Tin Mừng thấm sâu vào tư tưởng, lời nói, việc làm và đời sống của ta. Có như thế, việc loan báo Tin Mừng của ta mới có sức thuyết phục và trở thành chứng nhân tình thương của Chúa ngay trong môi trường sống và làm việc của mình.

Chúa về trời nhưng Ngài không trở thành người quá cố. Ngài vẫn hiện diện bởi vì Ngài đã hứa: "Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế" (Mt 28,20). Tuy vắng mặt nhưng Ngài vẫn tiếp tục hiện diện qua Chúa Thánh Thần, Đấng Bảo Trợ: " Thầy nói thật với anh em: Thầy ra đi thì có lợi cho anh em. Thật vậy, nếu Thầy không ra đi, Đấng Bảo Trợ sẽ không đến với anh em; nhưng nếu Thầy đi, Thầy sẽ sai Đấng ấy đến với anh em." (Ga 16,7). Chúa còn hiện diện với chúng ta trong các bí tích và trong các cộng đoàn, "nơi có hai ba người họp mặt cầu nguyện".

Khi về trời, Đức Giêsu cũng đã hứa chuẩn bị chỗ ở vĩnh viễn cho chúng ta. Trong ngày cánh chung, Ngài sẽ trở lại đưa chúng ta lên vĩnh cư với Ngài: “Anh em đừng xao xuyến! Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy. Trong nhà Cha Thầy, có nhiều chỗ ở; nếu không, Thầy đã nói với anh em rồi, vì Thầy đi dọn chỗ cho anh em. Nếu Thầy đi dọn chỗ cho anh em, thì Thầy lại đến và đem anh em về với Thầy, để Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó” (Ga 14, 1-3).

Quê Trời đã được chuẩn bị sẵn nhưng làm sao ta có thể đi đến nơi về đến chốn nếu chỉ đứng tại chỗ đăm đăm ngóng trông chờ đợi! Con đường dẫn tới quê hương hạnh phúc đó chính là nhiệm vụ ở trần thế. Con người vì tội lỗi, bất tuân chưa thực thi những Lời Chúa dạy nên cuộc sống còn những lo âu, đau khổ. Chu toàn nhiệm vụ trần thế là hết sức cố gắng góp phần xoá bớt đi những đau khổ, giúp mình và tha nhân tránh bớt tội lỗi, làm cho người ta biết Chúa và thực thi những Lời Chúa dạy.

Lạy Thánh Tâm Chúa Giêsu, xin canh tân đời sống tông đồ của chúng con, để chúng con có thể trở thành những chứng nhân Tin Mừng của Chúa. Xin cho chúng con biết “ái mộ những sự trên trời” nhưng biết can đảm chấp nhận sống kiếp nhân sinh với tất cả “hỉ nộ ái ố ai cụ dục”. Xin cho chúng con đừng đam mê danh vọng, chẳng mải mê lợi lộc, tìm tiện nghi hưởng thụ để rồi đánh mất Chúa là nguồn hạnh phúc vĩnh cửu.

Xin cho chúng con “được trỗi dậy cùng với Đức Kitô, tìm kiếm những gì thuộc thượng giới, nơi Đức Kitô đang ngự bên hữu Thiên Chúa. Hướng lòng trí về những gì thuộc thượng giới, chứ đừng chú tâm vào những gì thuộc hạ giới” (Cl 3,1-2). Xin cho chúng con luôn ý thức được sự hiện diện của Chúa trong đời thường qua việc sống hết mình cho Chúa và tha nhân bằng con đường yêu thương và phục vụ. Nhờ đó, chúng con sẽ về đến quê hương đích thực của chúng con ở trên trời. Amen.

Từ khóa » Chúa Về Trời Nhưng Vẫn Còn Lại đây