Chuẩn Bị Tâm Lý Du Học Séc - Châu Praha

Bốn năm du học Séc, gặp nhiều niềm vui nhưng cũng không ít khó khăn, đôi khi mình ước, trước khi sang đây, gặp được một “bậc tiền bối” truyền đạt lại kinh nghiệm du học cho mình, thì mình đỡ bỡ ngỡ, đỡ bối rối khi mới sang biết bao!

Bây giờ mình tốt nghiệp đại học rồi, cầm tấm bằng cử nhân trong tay, vẫn lơ ngơ như bò đeo nơ, nhưng có phần vững tâm hơn ngày xưa nhờ trải nghiệm. Những trải nghiệm này mình đúc kết lại thành 5 lời khuyên dành cho các bạn trẻ sắp cập bến Cộng Hòa Séc!

Nếu bạn đang mơ ước du học Séc hoặc vừa mới chân ướt chân ráo cập bến Czech Republic, sau đây là 5 lời khuyên mình dành cho bạn:

  1. Xây dựng tính tự lập
  2. Kiên trì học tiếng
  3. Làm thêm vì trải nghiệm
  4. Bớt sống ảo
  5. Giữ gìn sức khỏe

1. Xây dựng tính tự lập

Phần lớn các bạn du học Séc đều sang từ lúc thanh thiếu niên. Qua những lời giới thiệu, thuyết phục của bố mẹ và người thân mà có động lực du học. Quyết định du học Séc tám chín phần là tác động ngoại cảnh. Yếu tố tự lập rất thấp.

Vì không tự đưa ra quyết định du học, nên khi gặp phải những khó khăn tại Séc, các bạn này dễ quay ra đổ lỗi cho gia đình đã “lôi” mình vào tình trạng này. Mình rất không ủng hộ hành vi này. Trách móc bao giờ cũng dễ. Chịu trách nhiệm mới khó.

Hãy học cách chịu trách nhiệm cho những quyết định và hành động của mình. Đừng ỷ lại vào người khác, vì đây là cuộc sống của bạn.

Bạn đã chọn du học thì đừng bao giờ kêu ca “bố mẹ ép” hay “cô chú bảo thì theo”. Du học là một đặc quyền, một cơ hội đáng quý không phải ai cũng có được. Hãy trân trọng nó. Làm chủ nó.

Xây dựng tính tự lập, hay nói khác là “học làm người lớn”, không hề dễ. Mình vẫn đang cố gắng hàng ngày đây. Cứ bắt đầu từ những việc nhỏ, như là:

  • Tự quyết định du học, chọn trường, chọn ngành học
  • Tự giác học hành
  • Nhớ hạn nộp bài, kiểm tra, gia hạn thẻ cư trú
  • Làm việc nhà, đi chợ, nấu cơm, quét nhà, dọn phòng, giặt đồ
  • Chăm sóc bản thân, tắm gội, trang điểm, mua sắm
  • Đi làm thêm để gánh nặng tài chính cho gia đình
  • Kiểm soát chi tiêu, chỉ mua khi cần

2. Kiên trì học tiếng

Càng lớn mình càng sợ bắt đầu một thứ mới. Sợ sai, sợ thất bại, sợ xấu hổ, sợ kém cỏi, v…v. Một trong những nỗi sợ lớn nhất của mình là nói tiếng Séc. Không phải là mình ghét nó hay mình không học được. Mà mình sợ nói ra sẽ sai và người ta sẽ nghệt mặt ra không hiểu gì. Mình chưa làm, đã đinh ninh sẽ hỏng bét. Đó, đó là một tư tưởng độc hại.

Kết quả là cho tới năm ngoái, sau 3 năm sinh sống tại đây mình vẫn chưa giao tiếp được bằng tiếng Séc. Vốn từ vẫn chỉ dừng lại ở gọi đồ ăn và mua hoa quả. Cái này các bạn nào đã quen học tiếng Anh ở Việt Nam, sang đây phải học tiếng Séc, sẽ hiểu. Úi giời ơi, cực sợ!

Mình quen nhiều người, không chỉ người Việt mà ngoại quốc nói chung, sau một thời gian vật lộn với tiếng Séc vẫn không nói được, liền đổ lỗi cho tuổi tác, rằng họ đã quá già để bắt đầu học một ngoại ngữ mới. Bản thân mình cũng nhiều lần bám víu lấy ngụy biện này để giấu dốt!

Mình nhớ lại lúc mình mới học tiếng Anh, hay tiếng Trung, cảm giác phải nói ra, phải tương tác bằng ngôn ngữ ấy — thật kinh hoàng! Họng nghẹn lại. Tim đập bình bịch. Đầu óc rối hết cả lên.

Nhưng rồi. Nói ra được. Nói một câu đơn giản với chủ ngữ – vị ngữ. Một câu có nghĩa. Và nhận ra người nghe hiểu được ý mình. Lòng bỗng bừng sáng lên một niềm hạnh phúc vô ngần. Giống như giải được một bài toán khó. Hay tìm được lối ra sau một hồi loạn lạc trong mê cung. Mình nhận ra, bằng một cách thần kỳ nào đó, chúng ta đã kết nối được với nhau qua một ngôn ngữ chung! Đây quả là một thành công vượt bậc!

Niềm vui khi học ngoại ngữ và nói được một câu có nghĩa!

Vậy là trải qua giai đoạn khổ sở vật lộn với một ngôn ngữ mới, với quy tắc ngữ pháp và phát âm phức tạp, việc giao tiếp bằng ngôn ngữ nào cũng sẽ bỗng nhiên, một ngày đẹp giời, trở nên nhẹ nhàng, thoải mái và thậm chí rất vui!

Bây giờ cũng vậy, đối với tiếng Séc, mỗi khi mình sợ nói sai ngữ pháp hay phát âm không chuẩn, mình lại tự nhủ là để đạt được trình độ tiếng Anh và Trung tốt như ngày hôm nay, mình đã phải cố gắng nhường nào giai đoạn đầu. Tự nhủ là, không bao giờ muộn để bắt đầu học tiếng cả!

Một số kênh học tiếng Séc:

  1. (VNM) LingoHut: Học tiếng Séc theo chủ đề và bài tập (cơ bản)
  2. (VNM) Facebook Học tiếng Séc: chia sẻ từ vựng, cách học, mẹo học tiếng Séc dành cho người Việt
  3. (ENG) Duolingo: Học từ theo chủ đề và bài tập trí nhớ (cơ bản đến trung cấp)
  4. (ENG) Memrise: Học từ mới qua flashcards
  5. (CZE) Úmime Česky: Học từ mới qua các trò chơi

3. Làm thêm vì trải nghiệm

Khi còn là sinh viên, hãy đi làm thêm. Nhưng đừng làm vì tiền. Hãy làm vì trải nghiệm.

Mình biết mỗi bạn đều có một hoàn cảnh gia đình và mục tiêu du học khác nhau. Nhưng mình hi vọng các bạn đã có tâm đọc blog của mình đến đây thì cũng giống mình, muốn du học để mở mang tri thức, học hỏi những tinh hoa, tân tiến của nước người. Chứ không phải để bỏ học giữa chừng để đi lao động. Còn nếu bạn đã xác định sẽ bỏ học để kiếm tiền thì thật sự đọc cái blog này bị thừa ý =))

Một số gợi ý công việc bạn có thể thử:

  • Nhà hàng: Bồi bàn, quét dọn, phụ bếp, tính tiền
  • Khách sạn: Lễ tân (yêu cầu tiếng), dọn phòng, phụ bếp
  • Gia sư ngoại ngữ (tại gia, online)
  • Trông trẻ
  • Thực tập ở các công ty Việt
  • Thực tập ở các công ty Tây (yêu cầu bằng cấp, ngoại ngữ)
  • Influencer, Youtuber, Instagramer
  • Phiên dịch (yêu cầu ngoại ngữ)

Sau một thời gian gắn bó với một vị trí/công việc nào đó, bạn có thể sẽ cảm thấy nhàm chán hoặc bế tắc. Có thể công việc hiện tại không có cơ hội thăng tiến, lương thấp, hoặc đơn giản bạn cảm thấy bạn không thực sự yêu hay hợp nó. Bạn muốn bỏ việc và bắt đầu lại.

Những lo lắng này là hết sức bình thường.

Nếu bạn là sinh viên thì càng không có gì phải sợ. Bạn sẽ còn phải tự vấn những câu hỏi này đến hết sự nghiệp của mình, và chúng sẽ càng ngày càng phức tạp và nặng nề. Nhưng hiện tại, bạn vẫn còn ngồi trên ghế nhà trường và còn có cơ hội trải nghiệm.

Trước tuổi 25, hãy cố gắng dành thời gian khám phá bản thân. Tham gia các tổ chức bạn quan tâm, các dự án ý nghĩa, các hoạt động bạn hứng thú, đam mê, làm quen với những người thú vị, học từ những người đi trước, đi làm thêm, làm những việc vất vả, lương thấp, bỏ việc, làm việc khác, bị đuổi việc, làm freelancer, đi thực tập không lương.

Trước 25 tuổi, khi bạn còn chưa quá bị áp lực về tài chính, hãy tận dụng thời khắc vàng này để sống trọn vẹn và trải nghiệm tất cả những gì có thể.

95% công việc đầu tiên của bạn sẽ như dở hơi. Sếp của bạn không quản lí được nhân viên. Đồng nghiệp của bạn không thực sự tâm huyết với công việc của họ. Và bạn cảm thấy bạn không được trả thù lao xứng đáng với công sức bỏ ra. Đó là chuyện hết sức bình thường. Không có gì phải xấu hổ. Phần lớn chúng ta sẽ chẳng có sự nghiệp gì đáng kể cho đến năm 40 tuổi (nếu may mắn; nhiều người cả đời làm 3-4 nghề chứ không có sự nghiệp). Cho nên, khi còn trẻ, đừng ngại thay đổi ngành nghề và trải nghiệm.

Một số kênh tìm việc:

  1. Trường: Có thể tìm kiếm cơ hội làm việc tại ngay trường bạn đang học, hoặc nhờ trường giới thiệu thực tập hoặc làm thêm tại các công ty đối tác của trường.
  2. VN – VietJobs
  3. VN – Hội Doanh Nghiệp Trẻ Việt Nam tại Séc (AYVE)
  4. EN – Jobs.cz
  5. EN – Expats.cz
  6. EN – Grafton
  7. LinkedIn Chân thành khuyên các chế lập tài khoản LinkedIn càng sớm càng tốt và bắt đầu đăng các thành quả cá nhân và đánh bóng tên tuổi nhé. Kết nối với các bạn cùng ngành để học hỏi và giao lưu. Ngày càng nhiều nhà tuyển dụng sử dụng LinkedIn để tìm nhân tài. Bạn cũng có thể chủ động liên hệ họ để tìm việc. Hoặc vào phần “Jobs” để tìm các vị trí cần người trên thị trường.

4. Bớt sống ảo

Khi bạn du học, Facebook và các mạng xã hội khác sẽ trở thành cổng thông tin kết nối bạn với những người bạn cũ và người thân quê nhà. Bạn sử dụng mạng xã hội 24/7 và mạng trở thành xã hội của bạn. Thế cũng là dễ hiểu vì chúng ta đang ở Thời Đại Công Nghệ mà.

Vấn đề xảy ra khi bạn theo dõi và so sánh bản thân với những người bạn cũ từ hồi ở Việt Nam. Đừng nha.

Facebook và vòng tròn tội lỗi

Khi lớp mình ra khỏi trường cấp 3 và rẽ các ngả đường khác nhau, mình đã mất 1 năm trời thanh xuân để tủi thân vì bạn bè cũ đều du học Anh, Mỹ, không ai ngó ngàng tới Đông Âu. Các kỳ nghỉ, các bạn tụ tập đi chơi với nhau và nghỉ hè thì về Việt Nam họp lớp. Các buổi họp lớp luôn cũng thiếu mình vì lịch học của mình khác chúng nó và mình cũng không về nhà thường xuyên được bằng vì lí do tài chính.

Mình luôn ghen tị tại sao mình không du lịch được nhiều bằng chúng nó, chụp ảnh ảo diệu như chúng nó, dậy thì thành công như chúng nó, giành học bổng 1 tỷ tỷ đô la xuất sắc như chúng nó, đi làm công ty hàng đầu thế giới như chúng nó. Mà lại chỉ hằng ngày đi học và lướt Facebook đố kị từ xa?

1 năm trời hoang phí GATO với những người mình không quan tâm cũng không quý mến gì đặc biệt. Chẳng qua là những người quen cũ nay hiện lên newsfeed nên đành phải xem. Quả là mất thời gian!

Mình lấy ví dụ bạn học cũ, nhưng lời khuyên Facebook ít thôi áp dụng cho cả cái danh sách bạn bè của mình. Bố mẹ, họ hàng, anh chị em, đồng nghiệp cũ mới, người yêu cũ mới, ai cũng vậy, cũng sẽ chỉ chia sẻ những giây phút đẹp đẽ, tuyệt vời nhất lên Facebook để chạy đua like. Đừng bị cuốn vào trò chơi vương quyền ngu ngốc của likes và views. Mất thời gian, tổn thọ đó nha các chế!

5. Giữ gìn sức khỏe

Mình muốn các bạn giữ sức khỏe. Đừng vì tiền mà đi làm quá sức. Đừng vì học bổng mà áp lực tinh thần đến trầm cảm. Đừng vì vừa đi làm, vừa đi học mà ngủ ít, bỏ bữa, ăn uống tạm bợ. Cuối cùng thì phải có sức bạn mới xây dựng được cơ nghiệp đúng không nào?

Ăn ít đồ Séc thôi =)))

Một số cách giữ sức khỏe đơn giản:

  1. Ngủ sớm, tầm 11:00. Ngủ đủ 7-8 tiếng/ngày.
  2. Uống nhiều nước. 2-3 lít một ngày (10 cốc nước đối với nữ, 15 cốc đối với nam)
  3. Không hút thuốc lá
  4. Không uống quá 3 cốc bia 1 tuần
  5. Ăn nhiều rau và hoa quả
  6. Tập thể dục, dù chỉ 10 phút một ngày
  7. Khám tổng quan 1 năm 1 lần
  8. Sử dụng BCS khi QHTD để tránh các bệnh truyền nhiễm

Chúc các bạn du học bổ ích, vui vẻ và gặp nhiều may mắn!

Share this:

  • Twitter
  • Facebook
Like Loading...

Related

Từ khóa » Czech Republic Nói Tiếng Gì