Chuẩn Nghèo đa Chiều: Vấn đề đặt Ra Cho Công Tác Xóa đói Giảm ...

QUAN NIỆM CỦA VIỆT NAM VỀ CHUẨN NGHÈO ĐA CHIỀU

Đói nghèo là tình trạng một bộ phận dân cư không có hoặc ít được hưởng thụ những nhu cầu cơ bản ở mức tối thiểu của cuộc sống con người; mức sống thấp hơn mức sống trung bình của cộng đồng dân cư địa phương; thiếu hoặc không có cơ hội lựa chọn để tham gia vào quá trình phát triển của cộng đồng.

Giống như một quá trình phát triển, nghèo đói cần tiếp cận dưới góc nhìn đa chiều. Bởi lẽ, trong cùng một thời điểm, người nghèo có thể phải đối mặt với nhiều bất lợi khác nhau, có thể là những khó khăn trong khám chữa bệnh, học hành, nhà ở, đất đai, nước sạch hoặc điện thắp sáng. Sử dụng một tiêu chí thu nhập (hay chi tiêu) không đủ để nắm bắt được tình trạng nghèo thực tế của người dân. Đánh giá nghèo cần được tiếp cận rộng hơn từ chiều cạnh phát triển toàn diện con người.

Chuẩn nghèo đa chiều: Vấn đề đặt ra cho công tác xóa đói giảm nghèo bền vững ở nước ta hiện nay
Tại Việt Nam, quy định chuẩn nghèo ở khu vực nông thôn là 1.500.000 đồng/tháng, khu vực thành thị 2.000.000 đồng/người/tháng

Nhận thức về giảm nghèo của Việt Nam bắt đầu từ năm 1992 (xuất phát từ sáng kiến của TP. Hồ Chí Minh) đến nay cũng phát triển theo xu hướng chung của thế giới. Những thành tựu của Việt Nam trong lĩnh vực xóa đói giảm nghèo là một trong những câu chuyện thành công nhất trong quá trình phát triển kinh tế, trở thành điểm sáng trong công cuộc giảm nghèo, được quốc tế ghi nhận và đánh giá cao.

Ngày 15/9/2015, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1614/QĐ-TTg phê duyệt Đề án tổng thể “Chuyển đổi phương pháp tiếp cận đo lường nghèo từ đơn chiều sang đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020”. Trên cơ sở Đề án tổng thể, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 59/2015/QĐ-TTg, ngày 19/11/2015 ban hành chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020 (Quyết định số 59). Và mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị định số 07/2021/NĐ-CP, ngày 27/01/2021 quy định về chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025 có hiệu lực từ ngày 15/3/2021 (Nghị định số 07), theo đó chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều năm 2021 tiếp tục thực hiện chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2016-2020 theo Quyết định số 59; đồng thời quy định chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025 như sau:

Các tiêu chí đo lường nghèo đa chiều

Với tiêu chí về thu nhập, Nghị định số 07 quy định chuẩn nghèo ở khu vực nông thôn là 1.500.000 đồng/tháng, khu vực thành thị 2.000.000 đồng/người/tháng.

Với tiêu chí mức độ thiếu hụt tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản, Nghị định số 07 nêu rõ các dịch vụ xã hội cơ bản (6 dịch vụ), gồm: việc làm; y tế; giáo dục; nhà ở; nước sinh hoạt và vệ sinh; thông tin.

Các chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản (12 chỉ số), gồm: việc làm; người phụ thuộc trong hộ gia đình; dinh dưỡng; bảo hiểm y tế; trình độ giáo dục của người lớn; tình trạng đi học của trẻ em; chất lượng nhà ở; diện tích nhà ở bình quân đầu người; nguồn nước sinh hoạt; nhà tiêu hợp vệ sinh; sử dụng dịch vụ viễn thông; phương tiện phục vụ tiếp cận thông tin.

Chuẩn hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có mức sống trung bình

Nghị định số 07 nêu rõ, chuẩn hộ nghèo khu vực nông thôn là hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 1.500.000 đồng trở xuống và thiếu hụt từ 3 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản trở lên. Còn chuẩn hộ nghèo khu vực thành thị là hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 2.000.000 đồng trở xuống và thiếu hụt từ 3 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản trở lên.

Chuẩn hộ cận nghèo khu vực nông thôn là hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 1.500.000 đồng trở xuống và thiếu hụt dưới 3 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản. Còn chuẩn hộ cận nghèo khu vực thành thị là hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 2.000.000 đồng trở xuống và thiếu hụt dưới 3 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản.

Chuẩn hộ có mức sống trung bình khu vực nông thôn là hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người/tháng trên 1.500.000 đồng đến 2.250.000 đồng. Còn chuẩn hộ có mức sống trung bình khu vực thành thị là hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người/tháng trên 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng.

Chuẩn hộ nghèo, chuẩn hộ cận nghèo, chuẩn hộ có mức sống trung bình nói trên là căn cứ để đo lường và giám sát mức độ thiếu hụt về thu nhập và dịch vụ xã hội cơ bản của người dân; là cơ sở xác định đối tượng để thực hiện các chính sách giảm nghèo, an sinh xã hội và hoạch định các chính sách kinh tế - xã hội khác giai đoạn 2022-2025.

CƠ HỘI VÀ THÁCH THỨC CỦA VIỆC ÁP DỤNG CHUẨN NGHÈO ĐA CHIỀU ĐỐI VỚI CÔNG TÁC XÓA ĐÓI GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Cơ hội

Việc chuyển đổi phương pháp đo lường nghèo theo cách tiếp cận đa chiều sẽ tạo điều kiện để nhận dạng đối tượng nghèo chính xác, cụ thể hơn, tăng cường tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của người dân để có giải pháp hỗ trợ phù hợp hơn với nhu cầu và đặc tính của hộ nghèo, hộ cận nghèo, từ đó tạo cơ hội để các địa phương trong cả nước thực hiện bền vững hơn các chính sách giảm nghèo.

Giảm nghèo đa chiều là cách tiếp cận mới nhằm khắc phục, hạn chế việc bỏ sót những đối tượng tuy không nghèo về thu nhập, nhưng lại nghèo về các khía cạnh tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản. Thay vì chỉ xem xét nghèo theo thu nhập, những ai không được khám chữa bệnh, không được đến trường, không được tiếp cận thông tin cũng được xác định là nghèo. Cái nghèo không chỉ gắn liền với sự thiếu thốn thu nhập hay chi tiêu, mà còn là việc không được thỏa mãn các nhu cầu cơ bản khác của con người.

Với mục đích tác động tốt hơn, toàn diện hơn đến người nghèo, việc chuyển đổi đánh giá nghèo từ đơn chiều sang đa chiều nhằm giúp bảo đảm mức sống tối thiểu, đồng thời đáp ứng các dịch vụ xã hội cơ bản cho người dân, từng bước giảm nghèo bền vững. Thông tin về tình trạng nghèo đa chiều cũng giúp theo dõi tiến trình giảm nghèo và đánh giá tác động của các nhóm chính sách giảm nghèo và phát triển xã hội qua thời gian giữa các vùng, các nhóm dân cư để điều chỉnh cho phù hợp.

Một số thách thức

Việc chuyển đổi tiêu chí nghèo từ đơn chiều sang đa chiều sẽ đặt ra không ít thách thức cho các địa phương trong công tác xóa đói giảm nghèo bền vững, cụ thể là:

Thứ nhất, mở rộng tiêu chí, khó xác định hộ nghèo. Với 12 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản trong nghèo đa chiều theo Nghị định số 07 thì quá trình đánh giá hộ nghèo sẽ phức tạp hơn. Chẳng hạn, sử dụng tiêu chí đánh giá chất lượng nhà ở sẽ khó hơn, bởi cần xác định hộ gia đình đang sống trong ngôi nhà/căn hộ thuộc loại không bền chắc (trong 3 kết cấu chính là tường, cột, mái thì có ít nhất 2 kết cấu được làm bằng vật liệu không bền chắc). Chính vì các rà soát để xác định có thể mang tính chủ quan, nên cán bộ chương trình giảm nghèo có thể khiến một hộ đang nghèo trở thành hộ không nghèo hoặc cận nghèo… Đi cùng với việc xác định sai đối tượng, chính sách hỗ trợ cũng sẽ được thực hiện không đúng mục đích, gây lãng phí nguồn lực.

Thứ hai, sức ép lớn từ nguồn lực. Một điều quan trọng nữa trong thực thi Nghị định số 07, đó là việc hóa giải sức ép về nguồn lực giảm nghèo. Theo cách làm trước đây, tỷ lệ các hộ tái nghèo vẫn chiếm tới 1/3 số hộ được giảm nghèo. Còn khi thực hiện theo chính sách mới, sẽ không chỉ cần đến nguồn lực để tăng thu nhập cho người nghèo, giúp họ thoát nghèo, mà còn đòi hỏi thêm nguồn lực đầu tư vào hạ tầng (giáo dục, y tế, công nghệ thông tin…) giúp mở rộng cơ hội tiếp cận dịch vụ cho người nghèo.

Nếu nhìn ngược về giai đoạn 2012-2015, số ngân sách đã chi ra cho giảm nghèo đơn chiều là hơn 30.400 tỷ đồng. Còn theo một tính toán khác của Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo nhanh và bền vững giai đoạn 2012-2015, tính đến hết năm 2015 ngân sách nhà nước đã chi hơn 60.000 tỷ đồng hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm y tế cho các đối tượng chính sách. Hằng năm, ngân sách trung ương bố trí khoảng 7.000 tỷ đồng để thực hiện chính sách miễn giảm học phí cho học sinh nghèo, trợ cấp học bổng cho học sinh dân tộc thiểu số, học sinh bán trú và trường dân tộc bán trú. Ngân sách cũng dành khoảng 5.000 tỷ đồng hỗ trợ cho lao động nghèo học nghề miễn phí. Bên cạnh đó có khoảng 100 nghìn lượt người nghèo được trợ giúp pháp lý miễn phí; 11 triệu lượt hộ nghèo được hỗ trợ tiền điện với kinh phí hơn 3.500 tỷ đồng…[1] Giai đoạn 2016-2020, khi áp dụng chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều theo Quyết định số 59, thì số ngân sách được bố trí, huy động cho Chương trình giảm nghèo là 93.000 tỷ đồng[2].

Như vậy, nếu cộng dồn các con số mà ngân sách đã chi cho người nghèo, thì rõ ràng đó là số tiền rất lớn. Trong giai đoạn mới, khi áp dụng bộ tiêu chí xác định hộ nghèo đa chiều theo Nghị định số 07, với tiêu chí thu nhập là 1.500.000 đồng/người/tháng (tăng 800.000 đồng/người/tháng so với tiêu chí áp dụng cho giai đoạn 2016-2020) ở khu vực nông thôn và 2.000.000 đồng/người/tháng (tăng 1.100.000 đồng/người/tháng so với tiêu chí áp dụng cho giai đoạn 2016-2020) ở khu vực thành thị, thì dự kiến ngân sách để thực hiện các chính sách hỗ trợ đối tượng nghèo, cận nghèo giai đoạn 2022-2025 sẽ tăng khá nhiều so với giai đoạn 2016-2020 và giai đoạn 2012-2015. Do đó, câu hỏi, nguồn lực này được huy động như thế nào, và làm sao cho hiệu quả cần phải được tính toán kỹ lưỡng trong thực thi. Nhất là khi trách nhiệm giải quyết những vấn đề tồn đọng trong giảm nghèo trước đây, như: tỷ lệ tái nghèo cao, bệnh hình thức trong giảm nghèo, số hộ nghèo vẫn chiếm tỷ lệ cao và tập trung tại miền núi… vẫn là món nợ treo đó đối với các cơ quan quản lý.

Thứ ba, nhận thức mới và trách nhiệm thực thi. Rõ ràng, tiêu chí mới đòi hỏi cách làm mới. Thay đổi nhận thức của các cấp lãnh đạo, của chính quyền địa phương về giảm nghèo là yếu tố căn bản nhất bảo đảm cho chương trình được thực hiện đúng mục đích và có hiệu quả. Nhưng việc thay đổi nhận thức là cả một quá trình, không hề đơn giản, xét từ cả góc độ chính quyền lẫn người dân. Gốc rễ của giảm nghèo phải giải quyết vấn đề mấu chốt là cải thiện thu nhập và kích thích ý thức tự vươn lên của các hộ nghèo, chứ không nên tạo cơ chế để họ ỷ lại, không muốn thoát nghèo.

Áp dụng chuẩn nghèo đa chiều ở Việt Nam chính là một phương thức để hiện thực hóa mục tiêu giảm nghèo bền vững và phù hợp với nhận thức chung của thế giới trong cuộc chiến chống đói nghèo trên toàn cầu. Chúng ta đang đứng trước thách thức lớn trong giai đoạn mới, đòi hỏi cách làm phải vượt ra khỏi tư duy cũ trong triển khai các chính sách giảm nghèo.

Để một chính sách mới thẩm thấu vào cuộc sống, tất nhiên cần một quá trình không hề đơn giản. Những thách thức trong câu chuyện thực thi chính sách đòi hỏi sự thay đổi trong nhận thức và hành động của nhiều ngành, nhiều cấp, cùng sự thay đổi nhận thức căn bản của chính những người dân - đối tượng trực tiếp của các chính sách giảm nghèo. Sự tương tác này chúng ta chưa có được, dù kết quả xóa đói, giảm nghèo trước đây vẫn ghi nhận những thành công tích cực.

Để giải quyết những thách thức này đòi hỏi phải có các cách tiếp cận đa ngành mang tính đổi mới và sáng tạo hơn trong đó hiện tượng nghèo được xét về nhiều phương diện chứ không chỉ về mặt tiền tệ. Áp dụng chuẩn nghèo đa chiều ở Việt Nam chính là một phương thức để hiện thực hóa mục tiêu giảm nghèo bền vững. Tuy nhiên, điểm mấu chốt chính là quá trình chuyển đổi nhận thức, cách tiếp cận từ nghèo đơn chiều sang đa chiều tại các địa phương và cùng đó là nâng cao trách nhiệm thực thi chính sách.

MỘT SỐ GIẢI PHÁP

Giảm nghèo bền vững không chỉ là việc khắc phục nghèo đói trên cơ sở hỗ trợ trực tiếp cho các hộ đói nghèo thông qua các chương trình, chính sách cụ thể, mà còn là sự đầu tư nguồn lực để họ tự vươn lên, tự họ loại trừ các nhân tố gây ra đói nghèo. Ở nước ta tình trạng nghèo đói do nhiều nguyên nhân gây nên, do đó, nghèo đói phải được giải quyết phải bằng các giải pháp tổng hợp, cả về kinh tế và xã hội. Cụ thể như sau:

Một là, đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng đến các cấp ủy, chính quyền, nhân dân, các tổ chức xã hội nhằm tạo sự chuyển biến và nâng cao nhận thức trong toàn xã hội, tạo sự đồng thuận và quyết tâm cao trong các cấp, các ngành cùng nhân dân về giảm nghèo đa chiều bền vững; khơi dậy ý chí chủ động, vươn lên của người nghèo, tiếp nhận và sử dụng có hiệu quả chính sách và nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước, của cộng đồng để thoát nghèo, vươn lên làm giàu cho gia đình và xã hội.

Đối với Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể, việc tham gia thực hiện mục tiêu giảm nghèo trước hết xuất phát từ chức năng, nhiệm vụ của từng tổ chức, vì họ đại diện cho lợi ích của quần chúng, của các hội viên. Mặt khác, thông qua đó, hoạt động của các tổ chức đoàn thể xã hội sẽ phong phú hơn về nội dung và hình thức. Tăng cường tuyên truyền và nhân rộng các mô hình, tấm gương thoát nghèo, tạo động lực cả về vật chất và tinh thần để các hộ nghèo khác phấn đấu noi theo.

Tổ chức sơ kết, tổng kết, các diễn đàn, tọa đàm để nhân rộng những mô hình, cá nhân điển hình trong vươn lên thoát nghèo; tạo động lực, khơi dậy lòng tự tôn của mỗi người dân trong nỗ lực cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, cộng đồng vươn lên thoát nghèo và làm giầu chính đáng.

Hai là, gắn kết chặt chẽ giữa việc thực hiện mục tiêu chương trình phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương với chương trình xóa đói giảm nghèo bền vững. Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới nhằm cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân. Hỗ trợ kỹ thuật cho các địa phương nhanh chóng thể chế hóa các Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ đối với đồng bào dân tộc thiểu số vào các chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021-2025) của từng tỉnh trên từng vùng địa bàn của cả nước. Đồng thời, phát huy nội lực của đồng bào các dân tộc trên cơ sở huy động nguồn lực tri thức bản địa vào phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương.

Ba là, ở Việt Nam, xóa đói giảm nghèo, thực hiện công bằng xã hội là một nội dung cơ bản, quan điểm nhất quán, xuyên suốt của Đảng ta, được cụ thể hóa bằng chính sách, pháp luật và chương trình phát triển kinh tế - xã hội của Nhà nước qua các thời kỳ. Tuy nhiên, cần hoàn thiện cơ chế điều hành, phân công cho một cơ quan được trao quyền điều phối trong việc thiết kế, thực thi, kiểm tra và giám sát việc thực hiện các chính sách giảm nghèo bền vững ở các địa phương trên cả nước.

Bốn là, tăng cường hơn nữa sự huy động, tham gia của toàn xã hội cho xóa đói giảm nghèo và để xã hội hóa xóa đói giảm nghèo thực sự trở thành một giải pháp hữu hiệu cho cuộc chiến chống đói nghèo. Tuy nhiên, cần đánh giá chính xác và phân loại các hộ nghèo thành các nhóm khác nhau, theo các tiêu chí phân loại nghèo đa chiều đồng thời làm rõ nguyên nhân nghèo đói này theo chuẩn nghèo đa chiều để đưa ra giải pháp phù hợp.

Các bộ, ngành trung ương xây dựng ban hành cơ chế, chính sách; hướng dẫn xây dựng chương trình khung và kế hoạch hằng năm; cấp tỉnh tổng hợp kế hoạch cấp quốc gia và phân bổ nguồn lực công khai, tạo chủ động để người nghèo vươn lên thoát nghèo trên cơ sở của sự hỗ trợ Nhà nước.

Đảng ủy, chính quyền các cấp cần tập trung chỉ đạo các ban ngành, đoàn thể, các chi bộ xây dựng kế hoạch cụ thể, phân công cán bộ, đảng viên phụ trách từng hộ nghèo ở địa phương để tư vấn, giúp đỡ về mọi mặt, đến từng hộ để khảo sát, tìm hiểu kỹ về gia cảnh, động viên, thuyết phục người dân nỗ lực phấn đấu vươn lên thoát nghèo. Tổng kết nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững có hiệu quả ở các địa phương trong cả nước.

Năm là, tăng cường hợp tác với các tổ chức quốc tế (đa phương, song phương) để chia sẻ thông tin và kinh nghiệm, đồng thời tranh thủ sự trợ giúp về kỹ thuật và nguồn lực để thực hiện thành công mục tiêu giảm nghèo đa chiều bền vững.

Sáu là, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, đánh giá một cách công khai, dân chủ trong các hoạt động thực thi các chính sách liên quan đến giảm nghèo; không chạy theo thành tích, bảo đảm hiệu quả tiết kiệm, tránh dàn trải, lãng phí, tiêu cực, nhất là trong quản lý, sử dụng các nguồn vốn đầu tư cho chương trình.

Tăng cường vai trò giám sát, phản biện của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp trong thực thiện chính sách giảm nghèo bền vững; nhằm kịp thời phát hiện những sai sót, bất cập để có sự điều chỉnh kịp thời hoặc có các biện pháp xử lý, chỉnh đốn thực hiện nhằm hoàn thiện và nâng cao chất lượng, hiệu quả của các chính sách để phù hợp với thực tế.

Đẩy mạnh phân cấp trao quyền cho cơ sở, cộng đồng, mở rộng và tạo điều kiện để tăng cường sự tham gia của người dân trong các hoạt động của Chương trình từ việc xác định đối tượng thụ hưởng đến việc lập kế hoạch; triển khai, giám sát và đánh giá kết quả thực hiện. Bảo đảm tính công khai, minh bạch và tính trách nhiệm trong suốt quá trình thực hiện. Chú trọng bồi dưỡng, đào tạo nâng cao trình độ, năng lực quản lý, điều hành của cán bộ làm công tác giảm nghèo ở các cấp, các ngành bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ trong giai đoạn mới. Bảo đảm an ninh trật tự, ổn định tình hình, củng cố nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị ở cơ sở, đặc biệt là phát huy vai trò già làng, trưởng bản, người có uy tín trong hệ thống chính trị ở cơ sở./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Quốc hội (2014). Nghị quyết số 76/2014/QH13, ngày 24/6/2014 đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020

2. Thủ tướng Chính phủ (2021). Nghị định số 07/2021/NĐ-CP, ngày 27/01/2021 quy định về chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025

3. Tạ Thị Đoàn và Nguyễn Thị Thùy Dung (2018). Công tác xóa đói, giảm nghèo ở Vùng Tây Bắc: Thực trạng và giải pháp, Tạp chí Kinh tế và Dự báo, số 14 tháng 05/2018

4. Đặng Nguyên Anh (2015). Nghèo đa chiều ở Việt Nam: Một số vấn đề chính sách và thực tiễn, truy cập từ https://vass.gov.vn/nghien-cuu-khoa-hoc-xa-hoi-va-nhan-van/ngheo-da-chieu-o-viet-nam-mot-so-van-de-chinh-sach-va-thuc-tien-21

[1] https://nhandan.vn/chuyen-de-cuoi-tuan/thach-thuc-moi-trong-giam-ngheo-da-chieu-252431/

[2]https://www.hcmcpv.org.vn/tin-tuc/ty-le-ho-ngheo-giam-an-tuong-trong-giai-doan-2016-2020-1491872600

(Bài được đăng trên Tạp chí Kinh tế và Dự báo số 17, tháng 6/2021)

Từ khóa » Chuẩn Nghèo đa Chiều Là Gì