Chuẩn Tướng Lê Quang Lưỡng, Người Lính Dần đi Xa… - Biển Xưa

Khi Beo Gấm trở về núi cũ.. (*) (*) “Beo Gấm Chiến Trường”: Danh hiệu của Tướng Quân Lê Quang Lưỡng, Nguyên Tư Lệnh Sư Đoàn Nhảy Dù/QLVNCH. (1972-1975)

1. Mở trận. Năm 1963, anh là viên thiếu úy hai-mươi tuổi, vừa ra trường, đến trình diện Tiểu Đoàn 7 Dù, doanh trại đóng tại phi trường Biên Hòa, căn cứ Không Đoàn 23. Anh ngơ ngác lạc lõng giữa đám sĩ quan xa lạ, sành sõi, lớn tuổi cùng chung đơn vị trong buổi đầu tiếp xúc – Những “ông sĩ quan nhảy dù” – Anh gọi họ như thế. Anh cũng rơi vào tình cảnh bối rối, ngần ngại đối với những người lính cứng cỏi, dạn dày chiến trận mà anh nhận nhiệm vụ chỉ huy. Thế nên, có dịp rảnh rỗi, anh theo xe lam ba bánh qua vùng Ngã Ba Tam Hiệp, tìm đến những gã bạn thân quen cùng khóa như một cách tự nâng đỡ – Những thiếu uý thuộc Tiểu Đoàn 5, chung hệ thống Chiến Đoàn 2 Dù với tiểu đoàn của anh. ..Thằng nầy chung khóa với tôi, đại úy. Hắn là một trong mấy đứa nhỏ tuổi nhất khóa! Thiếu Úy Hiếu giới thiệu anh với viên đại đội trưởng. – Không cần nói, tao nhìn là biết ngay. Viên đại úy tỏ vẻ thông cảm, cách thân mật của kẻ đàn anh.. Mầy ở đây với thằng Hiếu, ra ngồi chơi ngoài quán, hoặc xuống dưới câu lạc bộ, đừng đi đâu xa. Lát nữa, tao cũng có chuyện bên tiểu đoàn 7, để tao chở về bển.. Mầy ở đại đội của ai? – Thưa đại úy.. Tôi.. em ở đại đội ông Phát. Anh lúng túng, ngượng ngập, tội nghiệp. – Phát “râu” hả? Ổng bạn tao, mầy ở với ông Phát là có phước, ổng chịu chơi, dễ tính. Đụng phải đại đội thằng “Lh” là chết ngay. Cái mặt ngơ ngơ như mầy chịu gì nổi mấy giả! Khi viên đại úy bước đi, anh nói với Hiếu: Đại đội trưởng của mầy vui quá, bên tao, mấy ông đại úy nghiêm lắm, nhất là tiểu đoàn trưởng. – Nhảy dù ở đâu cũng vậy, tiểu đoàn trưởng ở đây còn nghiêm hơn nữa, nhưng “ông Lưỡng tao” dễ lắm, cả tiểu đoàn ai cũng quý và phục ổng. Ổng cùng khóa với ông tiểu đoàn trưởng như tao với mầy vậy, nên không hề có chuyện mất lòng. Anh nhận thực lời bạn với ý nghĩ: Hóa ra, trong nhảy dù cũng có một “Ông Đại Úy” xuề xòa, dễ tính và “hay” như vậy. Và Đại Úy Lê Quang Lưỡng chứng thật nhận xét trên của những viên thiếu úy sau đó ngay trên chiến địa.

Mật Khu Đỗ Xá nằm giữa hai tỉnh Quảng Ngãi-Kontum vốn là vùng bất khả xâm phạm thuộc Liên Khu V cộng sản do Tướng Nguyễn Đôn chỉ huy. Từ chiến tranh 1946 -1954, nơi nầy đã là căn cứ địa an toàn của toàn vùng Nam-Ngãi-Bình-Phú, nối liền đường chiến lược lên cao nguyên, qua Lào. Binh đoàn viễn chinh Pháp không hề có khả năng hành quân xâm nhập trong suốt thời gian dài chín năm chiến tranh. Năm 1960, khởi cuộc Đông Dương lần hai, Đỗ Xá thêm một lần lập lại chức năng quan trọng của mình với danh xưng “Khu an toàn giải phóng”. Nhưng danh hiệu nầy hoàn toàn bị phá vỡ trong ngày 27 tháng 4, 1964 khi chiến dịch tấn công Đỗ Xá bắt đầu. Từ phi trường Quảng Ngãi, nơi đặt Bộ Chỉ Huy Hành Quân, 18 trực thăng H34 đợt đầu tiên đồng loạt đưa toàn bộ Tiểu Đoàn 5 Nhảy Dù, mũi nhọn xung kích của cánh quân B vào trận địa. Phía cộng sản không chỉ bố trí súng chống máy bay chung quanh bãi đáp, nhưng dài theo thung lũng dọc đường bay trực thăng chuyển quân. Chúng ta nghe lời kể từ Đại Úy “Woody” Goodmansee, trưởng toán trực thăng võ trang (nay đã là Trung Tướng Lục Quân hồi hưu).. “Trong đợt đầu, trực thăng bay thấp khoảng 100 bộ, tất cả bốn trực thăng Dragon đều thả khói hai bên trực thăng (để ngụy trang). Tôi có thể thấy các lằn đạn xoẹt ngang dọc từ cả hai bên (lộ trình bay). Trong một vòng bay từ tây sang đông, tôi bị một súng phòng không 50 ly nhắm bắn từ phía nam, một lằn đạn xoẹt qua dưới bụng trực thăng.. (1) Đấy là cảnh tượng trên không, dưới đất, Tiểu Đoàn 5 Nhảy Dù bị tấn công ngay tại bãi đáp, Thiếu Tá Tiểu Đoàn Trưởng Ngô Quang Trưởng tung hết bốn đại đội xung kích lẫn đại đội chỉ huy cự địch. Khẩu 57lyKhông Giật của đại đội chỉ huy công vụ (vốn là súng phá công sự, chống chiến xa) nay biến thành vũ khí bắn thẳng để bảo vệ cận phòng bộ chỉ huy tiểu đoàn, bởi bốn đại đội tác chiến đã được lệnh dàn ngang tràn ngập mục tiêu trong thời hạn ngắn nhất. Đại Úy Lê Quang Lưỡng dẫn đầu Đại Đội 54 xung phong tràn qua phòng tuyến giặc, chiếm lĩnh trận địa, không để phía đối phương có đủ thời giờ thu gọn chiến trường, tổ chức đội hình rút lui. Tướng Đỗ Cao Trí, Tư Lệnh Quân Đoàn II đích thân chỉ huy trận địa từ trên không; trực thăng chở ông và các Tướng Lữ Lan, Trần Văn Minh (Tư lệnh không quân sau nầy) phải bay sát ngọn cây để tránh đạn phòng không, nhìn xuống thấy dạng hình lớp lớp áo rằn ri chuyển động như rừng chuyển sóng. Không nao núng bởi thế trận căng thẳng, lại vốn là chỉ huy trưởng tiên khởi của Liên Đoàn Nhảy Dù (1955-1959), Tướng Trí hiểu rõ năng lực tác chiến của các thành phần đơn vị, nhân sự chỉ huy đang có mặt trên chiến địa (các Thiếu Tá Phan Trọng Chinh, Trung Đoàn Trưởng Trung Đoàn 50 Bộ Binh; Thiếu Tá Sơn Thương, Liên Đoàn Trưởng Biệt Động Quân trước kia đã là những sĩ quan nhẩy dù thuộc quyền của Tướng Trí), ông thả nốt biệt động quân vào trận, tiếp sức nhảy dù cày sạch vùng bất khả xâm phạm gọi là Đỗ Xá. Chỉ riêng ngày thứ hai của cuộc hành quân, phía biệt động đã tịch thu được một đại liên 30ly, một trung liên, sáu tiểu liên, và 144 súng cá nhân, một ngàn bịch chất nổ, một số lượïng lớn quân trang, lựu đạn, mìn và tài liệu quan trọng. Cuối trận, tổng số vũ khí có thêm hai phòng không 52 ly, một đại liên 30 ly và 69 súng cá nhân với 62 xác đếm tại hiện trường; 17 tù binh bị bắt. Cuộc hành quân chấm dứt đúng một tháng sau, 27 tháng 5 do Trung Đoàn 50 Bộ Binh của Thiếu Tá Phan Trọng Chinh hoàn tất quét sạch toàn vùng Đỗ Xá khi Nhảy Dù và Biệt Động Quân đã kết thành vòng đai chận bít không để lực lượng cộng sản chạy lẫn vào vùng núi phía tây, hoặc về phía nam Tây Nguyên. Số lượng vũ khí và nhân mạng phía cộng sản bị thiệt hại như kể trên không phải là một thắng lợi quân sự quá to lớn, nhưng đứng về mặt chính trị đã chứng minh điều quan trọng: Sau những xáo trộn chính trị, tình hình quân sự không ổn định (1963-64), Quân Lực VNCH đã lấy lại sức mạnh chiến đấu cơ hữu, có khả năng thực hiện những cuộc hành quân lớn cấp trung đoàn, sư đoàn, nếu như những sĩ quan tham mưu, chỉ huy được yểm trợ xác đáng, và nhất là để họ toàn quyền điều động đơn vị quân binh theo thực tế chiến trường chứ không là một biểu diễn bề mặt vì mục tiêu chính trị.

Mặc biến động chính trị bày cảnh hỗn loạn cực độ ở Sàigòn, người lính nơi chiến địa vẫn vững chắc tay súng. Tháng Giêng 1965, Chiến Đoàn 2 Dù xử dụng Tiểu Đoàn 7 Dù làm thành phần nút chặn để không cho lực lượng cộng sản chạy thoát ra ngã Quốc Lộ 15 (đoạn nối Sàigòn-Vũng Tàu dọc chân núi Ông Trịnh, vùng có tên Mật Khu Hắc Dịch) và hai Tiểu Đoàn 5, 6 nhẩy trực thăng xuống ngay giữa lòng mật khu, xong cùng lúc lùa địch từ núi ra quốc lộ. Trong đêm tối, viên thiếu úy Tiểu Đoàn 7 nằm sát trên đất, lắng tai nghe phía tiểu đoàn bạn hô rền xung phong sau mỗi đợt trực thăng bắn yểm trợ tiếp cận.. Đạn, bom chém cành lá cây rừng từng tràng rần rật, rung sâu mạch đất. Có lúc, viên sĩ quan trẻ tuổi kia tưởng chừng như toàn khu rừng đồng bốc cháy, và hắn thấy ra dạng hình hàng loạt người xô đẩy, săn đuổi, chạy vùn vụt qua vũng lửa chập chờn vàng tươi, tiếng thét âm âm gào rợn. Bình minh đến từ lúc nào không biết (do lửa đã thay ánh sáng mặt trời xé toang màn đêm) khiến cánh quân Tiểu Đoàn 7 thấy rõ khu rừng hầu như bật tung, rơi rụng hết cành lá, chỉ còn trơ trụi những thân cây xám đen, dựng đứng tua tủa, nghi ngút khói. Qua màn khói dày, viên thiếu úy nhận ra “Ông Lưỡng Tiểu Đoàn 5” đi ngã nghiêng giữa đám cây rừng gãy đổ ngỗn ngang. Khi đi ngang gã thiếu úy, Đại Úy Lưỡng cười vui: “..À thằng em, thấy anh Ba (Đại úy, mang huy hiệu cấp bậc Ba Hoa Mai Vàng) đánh giặc ngon không mậy?” Lần nầy, gã thiếu úy đã có phần cứng cáp, dạn dĩ, y đứng thẳng, đưa tay chào kính với lời kính phục: “Tụi em nằm đây suốt đêm, chờ bên đại úy đuổi vi-xi chạy ra”. Mầy còn nước không? “Dạ không, hai ngày nầy lính em cũng không ăn gì hết.” Ờ há, hôm nay còn tết đó mầy.. Đại Úy Lưỡng chuyển câu chuyện qua với những sĩ quan bộ chỉ huy Tiểu Đoàn 7 đi tới. Cách nói dung dị, từ tốn với âm sắc dễ dàng của người miền Nam.

2. Tác Chiến là một Nghệ Thuật. Dẫu mới thành hình cuối năm 1965, nhưng dưới quyền chỉ huy của Thiếu Tá Lê Quang Lưỡng, Tiểu Đoàn 2 Nhẩy Dù đã không hề vấp phạm khuyết điểm (coi như là tất nhiên) của một đơn vị tân lập. Đầu năm 1966, tiểu đoàn khai trận ngay trên Vùng Tuyến Lửa, nam sông Bến Hải. Có thể do công tác điều nghiên kỹ, phía cộng sản nhất quyết diệt gọn Tiểu Đoàn 2 Dù để đột phá mắc xích vòng đai điện tử phía nam khu Phi Quân Sự, hàng rào phòng thủ mà Bộ Trưởng Quốc Phòng McNamara đánh giá có khả năng ngân chận sự xâm nhập quân đội miền Bắc. Nhưng phía chỉ huy quân sự cộng sản của mặt trận Trị-Thiên đã nhầm lẫn khi khai chiến cùng với lực lượng Dù gồm hai Tiểu Đoàn 2 và 6. Thế nên, thay vì đánh vỡ được mắc xích như dự định, lực lượng cộng sản lại bị quân nhảy dù quét sạch ra khỏi nam sông Bến Hải, vùng thôn Diêm Hà Trung, Diêm Hà Thượng.. Và hàng rào điện tử cắm được mốc đầu tiên trên những cồn cát bắt đầu từ mạn Bắc Cửa Việt (nơi Sông Đồng Hà đổ ra biển). Để tưởng thưởng cho chiến công khai trận, cũng để đơn vị bổ sung quân số sau thiệt hại không tránh khỏi, tiểu đoàn được đưa về giữ an ninh vòng đai ngoại ô Sài Gòn, vùng Xã Vĩnh Hạnh, Vĩnh Lộc, Bà Điểm, Hốc Môn, Gia Định. Và như trong câu chuyện thần kỳ, vào một buổi chiều, một đại đội của tiểu đoàn sau ngày hành quân lục soát, bất ngờ gặp phải Tiểu Đoàn Đặc Công của Tỉnh Đội Gia Định.. Lính nhảy dù (do không phải mang ba-lô vì đang hành quân lục soát) tốc chiến xung phong ngay vào đội hình của đơn vị đặc công. Phía cộng sản núng thế trước một địch thủ quá cường mãnh, vừa đánh vừa lui về vùng kinh rạch Xuân Thới Thượng để trở lại khu an toàn Đức Hòa, Đức Huệ, hoặc vùng du kích Củ Chi, Tỉnh Hậu Nghĩa. Thiếu Tá Lê Quang Lưỡng được tin khẩn báo, huy động toàn thể bốn đại đội tác chiến vây chặt khu vực hành quân.. Bộ đội đặc công cùng đường phải rút vào những ấp Vĩnh Hạnh, Vĩnh Lộc, dựa vào giao thông hào, và thành ấp để kháng cự. Không có ưu thế chiến trận do được chuẩn bị trước như thường thủ đắc, không công sự, hầm hào ẩn núp, tác chiến, đơn vị đặc công bị đánh tan ngay sau cuộc giao tranh ngắn ngủi, phải phân tán từng đơn vị tiểu tổ, cá nhân nương bóng tối chém vè vào vùng lau sậy, kinh rạch. Thây người chết nằm chật cả một vùng đồng trống, máu đẫm ướt sênh sếch những gốc chân rạ khô se của những thửa ruộng mới gặt. Thắng lợi quá lớn xẩy ra nơi một vùng cận kề Sài Gòn khiến báo chí, giới chức cao cấp hành chánh, quân sự trung ương có cơ hội đến đến thăm viếng đông đảo. Lần đầu tiên, họ được chứng kiến tận mắt sức chiến đấu thượng phong của binh đội Nhảy Dù Quân Lực Cộng Hòa, dẫu đối phương là đơn vị đặc công sừng sỏ, hậu thân những đơn vị du kích địa phương đã dựng nên những kỳ tích huyền thoại “Bộ đội Mười-tám thôn vườn trầu Hốc Môn, Bà Điểm”, hoặc chiến công vang dội dòng “An Phú Đông nơi hàng dừa xanh soi bóng..” trong chiến tranh chống Pháp năm xưa. Nay, thời, thế đã đổi, và người cũng đã đổi. Và, tính chất cuộc chiến đã hẳn là thay đổi. Một thời gian sau không lâu, cũng trên đất Gia Định nầy, chúng ta sẽ chứng kiến những chiến công khác của “Lê Lợi 612” (3) với những tiểu đoàn nhảy dù dưới quyền. Lẽ tất nhiên luôn có mặt Tiểu Đoàn 2 Nhảy Dù, đơn vị đầu đời của ông.

Với những chiến công thâu đạt cấp kỳ như trên vừa kể, Tiểu Đoàn 2 là đơn vị đầu tiên của Lữ Đoàn Nhảy Dù được ân thưởng Giây Biểu Chương Anh Dũng Bội Tinh với Nhành Dương Liễu sau chưa đầy một năm thành lập. Tiểu đoàn cũng là đơn vị độc nhất có một giàn đại đội trưởng thuần cấp bậc đại úy, không riêng đối với nhảy dù mà chắc rằng cũng của toàn quân lực. Đơn vị sẽ chứng tỏ tiếp năng lực vượt trội của mình nơi những chiến trường kế tiếp để trở nên biểu trưng huyền thoại: Đơn vị Không Hề Thất Bại với Người Chỉ Huy có danh hiệu Beo Gấm Chiến Trường.

Mùa đông 1967, vùng Bắc Tây Nguyên, Tỉnh Kontum với những vị trí chiến lược Dak Tô, Dak Sút (“Dak: Suối”) bao quanh bởi các cao độ Ngok Jrong; Ngok Niay; Ngok Wank.. với đỉnh Ngọc Linh trấn thủ (cao 8520 bộ; “Ngọc” do phiên âm từ “Ngok: Núi”) là những vị trí chiến thuật mà phía cộng sản quyết tâm chiếm giữ để nối vùng Tam Biên (Mặt Trận B3) xuống đồng bằng Nam-Ngãi (phần Trận Đỗ Xá đã trình bày tổng quát). Hơn thế nữa, Bộ Tổng quân ủy Hà Nội còn có mục tiêu chiến lược (bao gồm yêu cầu chính trị-quân sự) muốn chứng minh Chiến Thuật Lùng và Diệt do Tướng Westmoreland chủ trương không khả năng thực thi đối với cuộc chiến Miền Nam. Phối hợp với Sư Đoàn 4 Bộ Binh (đơn vị Mỹ nổi tiếng ở mặt trận Triều Tiên 1950-1953), từ giữa năm 1967, Lữ Đoàn 173 Nhẩy Dù Mỹ được đưa vào vùng để thực hiện mục tiêu Lùng và Diệt của Tướng West. Trận chiến kéo dài suốt mùa mưa qua mùa khô giữa ba trung đoàn/Sư Đoàn 320 Bộ Binh Bắc Việt với các đơn vị: Trung Đoàn 503/LĐ173Dù/Mỹ, Trung Đoàn 8, và 12/SĐ4BB/Mỹ bất phân thắng bại. Đơn vị hai bên thay phiên nhau chiếm đóng và phản công lấy lại những ngọn đồi quanh lòng chảo Quận Dak Tô. Điển hình, trận đánh ngày 19 tháng 11 trên Đồi 875 (Cao độ 875 thước), Mỹ xử dụng Tiểu Đoàn 2/TrgĐ503/LĐ173 tiến chiếm mục tiêu, gặp phải thế trận phục kích của Trung Đoàn 174/SĐ320/BV bao vây; phi cơ Mỹ được gọi đến giải vây, lại ném nhầm quả bom 500 pound vào đội hình quân bạn gây thiệt hại trầm trọng. Bộ Tư Lệnh Lữ Đoàn 173 Nhẩy Dù, Sư Đoàn 4 Bộâ Binh phải tăng cường tiếp viện đơn vị lâm chiến. Nhưng mãi đến 22 tháng 11, trận chiến vẫn chưa kế thúc, bởi bộ đội Bắc Việt áp dụng chính xác, khôn ngoan phương thức tác chiến, kỹ thuật tránh bom, pháo Mỹ bằng cách: “Bám chặt thắt lưng địch mà đánh” – Thêm tai nạn dội bom nhầm trong ngày 19/11 làm giới chức Mỹ không dám khai triển toàn diện sức mạnh của phi, pháo cơ hũu. (4) Chiến Đoàn 3 Nhẩy Dù do Trung Tá Nguyễn Khoa Nam chỉ huy gồm các Tiểu Đoàn 2, 3, 7 nhận lệnh vào vùng dứt điểm trận địa. Và trận chiến đến đây không còn là thuần túy diễn tiến quân sự giữa hai phe lâm chiến, nhưng đã là mục tiêu để giới chức lãnh đạo của tất cả các bên đánh giá lại khả năng đơn vị và chiến lược, chiến thuật áp dụng. Toàn thế giới, quốc hội, báo chí Mỹ đồng trông vào hoạt động quân sự của Mỹ và Nam Việt Nam ở vùng Tây Nguyên xa khuất nầy để lượng định “Ai Thắng Ai” nơi diễn trường Đông Dương. Cuối cuộc, sau lần xung kích dứt điểm với ba tiểu đoàn, Chiến Đoàn 3 Nhẩy Dù đã dựng nên Lá Cờ Vàng cùng chiếc nón Đỏ giữa vũng rừng bốc màn khói đục, trên đất đá điêu tàn của Đỉnh Ngok Wank, Cao Độ 1416; cũng chấm dứt mưu định đánh chiếm Tây Nguyên trong chiến dịch mùa khô 1967. Chiến cuộc 1972, hay 1975 (phía cộng sản chủ công thực hiện) tại Tây Nguyên sau nầy chỉ là bản sao lại với kinh nghiệm rút tỉa được từ những trận đánh ở những năm 1965, 1967 – Chiếm đóng được Tây Nguyên tức chiếm được Miền Nam – Giá máu của bao nhiêu quân binh qua những chiến công giữ vững Tây Nguyên đã không được người gọi là “Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu” lưu tâm đến trong lần ra lệnh rút bỏ cao nguyên ngày 17 tháng 3, 1975 – Đưa đến hệ quả (tất nhiên) toàn diện sụp đổ Miền Nam, 30 tháng Tư, 1975.

Công trận lừng lẫy nâng cấp Trung Tá Chiến Đoàn Trưởng Nguyễn Khoa Nam nên thành Đại Tá Lữ Đoàn Trưởng, (Sau biến cố Mậu Thân (4/1968), Chiến Đoàn Dù biên chế thành Lữ Đoàn). Thiếu Tá Lê Quang Lưỡng được đề nghị giữ chức vụ Chiến Đoàn Trưởng Chiến Đoàn I Dù, dẫu trên cấp số tổ chức phải là một chức vụ với cấp đại tá. Năm 1967 chấm dứt để sắp chứng kiến trận thư hùng mới bắt đầu từ Giao Thừa Mậu Thân, 1968. Và Chiến Đoàn Trưởng Lê Quang Lưỡng lại thêm một lần. Chúng ta nên nhắc lại yếu tố: Người Lính Lê Quang Lưỡng chỉ kinh qua những chức vụ chỉ huy trưởng các đơn vị tác chiến kể từ một ngày xa xưa năm 1955 mãi đến hôm ấy. Và những ngày dài lửa đạn sau nầy..

3. Giữa những vũng lửa.. 31-Tết Mậu Thân, 1968. Huế là một mặt trận quan trọng thứ hai sau Sài Gòn, là nơi phía cộng sản chiếm đóng được một phần thành phố, khu vực Quận Tả Ngạn Sông Hương (bao gồm Thành Nội, khu dân cư Chợ Đông Ba, Gia Hội) trong thời gian từ 31 tháng 1 đến 24 tháng 2, 1968; thành lập được một tổ chức chính trị, Liên Minh Dân Tộc, Dân Chủ, Hòa Bình. Việc tấn công chiếm đóng Huế tuy đưa đến hậu quả thất bại quân sự (đối với lực lượng cộng sản), nhưng Hà Nội lại chứng tỏ sách lược “Tổng Công Kích-Tổng Nổi Dậy” có cơ sở thực tiễn, phát triển đúng các bước chiến lược song song với những chiến dịch quân sự, và họ đạt được thế thượng phong thuận lợi chính trị qua khai hội Hội Nghị Paris (1968-1973). Mặt trận Huế có nhiều giai đoạn với nhiều đơn vị tham chiến: Sư Đoàn I Bộ Binh với Đại Đội Trinh Sát Hắc Báo; Chiến Đoàn A/SĐ/TQLC; Liên Đoàn Biệt Động Quân; Thiết Đoàn Chiến Xa; Pháo Binh, và các lực lượng diện địa, cảnh sát thuộc Tiểu Khu Thừa Thiên của phía VNCH; Và thành phần Thủy Quân Lục Chiến, Không Kỵ Mỹ thuộc phía đồng minh. Nhưng do chủ đề của bài viết, chúng tôi chỉ khai triển giai đoạn đầu của chiến dịch (từ 31/1-12/2/1968) với Chiến Đoàn 1 Dù của Thiếu Tá Lê Quang Lưỡng.

Trước Tết Mậu Thân 1968, Chiến Đoàn Dù gồm ba Tiểu Đoàn 2,7,9 chịu trách nhiệm toàn vùng từ Huế đến Quảng Trị suốt từ mùa Hè 1967. Ngày 28/1/1968, bộ chỉ huy Chiến Đoàn 2 của Trung Tá Đào Văn Hùng bàn giao vùng trách nhiệm lại cho Chiến Đoàn 1 của Thiếu Tá Lê Quang Lưỡng, ba tiểu đoàn kể trên vẫn giữ nguyên nhiệm vụ chỉ định, chỉ thay đổi những vị trí theo phối trí như sau: Tiểu Đoàn 2 chịu trách nhiệm vùng quận Quảng Điền (Đông-Bắc Huế), vùng sình lầy dọc Phá Tam Giang phía đông Quốc Lộ I; Tiểu Đoàn 7 đóng quân ở Căn Cứ Tử Hạ (Cây số 17 – Trên Quốc Lộ I, đoạn Huế-Quảng Trị), chịu trách nhiệm vùng núi Tây Quốc Lộ I; Tiểu Đoàn 9 tăng phái cho Tiểu Khu Quảng Trị (cách Huế 70 cây số về hướng Bắc). Bộ Chỉ Huy Chiến Đoàn 1 cùng với Pháo Đội C của Đại Úy Bùi Đức Lạc đóng cùng vị trí với Tiểu Đoàn 7. Đêm Giao Thừa, Tiểu Đoàn 9 ở Quảng Trị bị tấn công trước hết. Đại Đội 94 đóng ở Tri Bưu, làng Công Giáo cực Tây thành phố bị tràn ngập bởi một tiểu đoàn cộng sản; Đại Đội Trưởng Thừa, hai Trung Đội Trưởng Lộc, Hổ đồng tử trận. Chiến trận được mô tả khách quan như sau qua ghi nhận của viên cố vấn Mỹ: “Đại Đội 94 còn chừng 10 đến 15 người do một hạ sĩ quan chỉ huy (đúng ra là Chuẩn Úy Chỉ – Pnn) , tìm đường về Bộ Chỉ Huy Tiểu Đoàn đóng tại Hạnh Hoa Thôn (ngỏ vào Quảng Trị – Pnn); đại đội nầy bị tràn ngập bởi Trung Đoàn 812 Bắc Việt (thật sự là Tiểu Đoàn Đặc Công của đơn vị nầy – Pnn) . Phần lớn lính nhảy dù chết tại vị trí chiến đấu, trong số có Cố Vấn John Church – Đúng như tinh thần của Chiến Binh Nhảy Dù – Chiến đấu đến người lính cuối cùng!”(5) Nhưng sau thiệt hại ban đầu, Tiểu Đoàn 9 tổ chức lại thế trận, cùng các lực lượng bộ binh và diện địa Tiểu Khu Quảng Trị bẻ gãy mũi tiến công của binh đội cộng sản; các đại đội của TĐ9 khép chặt vòng vây, diệt gọn các lực lượng xâm nhập thuộc Trung Đoàn 812, thây chết nằm chật cánh đồng Chi Khu Mai Lĩnh. Mặt trận Quảng Trị mau chóng kết thúc trong ngày Mồng 4. Không chút nghỉ ngơi, Tiểu Đoàn 9 trực thăng vận liền vào Thành Mang Cá (nơi đặt Bộ Tư Lệnh SĐIBB với Chuẩn Tướng Ngô Quang Trưởng), tăng cường Chiến Đoàn 1 thực hiện nhiệm vụ quan trọng: Bảo vệ Thành Mang Cá, tiến ra giải tỏa các cứ điểm trong Thành Nội, để đạt kết thúc quét sạch toàn diện lực lượng cộng sản chiếm đóng thành phố Huế, hiện thực hùng tâm giữ nước của Quân Dân Miền Nam – Cũng để chứng thực cùng lịch sử – Có hay không có cuộc xâm lăng gọi là “Giải phóng Miền Nam” trên vùng đất khổ nạn đau thương nầy. Từ ngày Mồng Một Tết (30 tháng 1/1968) khi hay tin Tiểu Đoàn 9 bị tấn công ở Quảng Trị, Thiếu Tá Lê Quang Trưởng từ Thành Tử Hạ (Cây Số 17) cùng Bộ Chỉ Huy Chiến Đoàn đã vào đến Mang Cá để chứng thật cùng Tướng Ngô Quang Trưởng điều cao quý cảm khích: Những Người Bạn Chiến Đấu luôn có mặt cùng nhau – Tình bạn trong sáng giữa những người lính chiến không chút tỵ hiềm được hình thành từ ngày tuổi trẻ hơn mười năm trước (Dẫu hai người nay cách nhau một khoảng cách về cấp bậc (Chuẩn Tướng-Thiếu Tá), tuy rằng đã cùng chung một khóa sĩ quan, với một đơn vị đầu đời, Tiểu Đoàn 5 Nhảy Dù). Thiếu Tá Lưỡng tổ chức những quân nhân tiền trạm của ba tiểu đoàn Dù (những quân nhân chuyên trách truyền tin, tiếp tế, tải thương..) thành những đơn vị chiến đấu – Và chính thành phần quân nhân tác chiến tại chỗ nầy đã giữ vững Mang Cá trong đợt tấn công đầu tiên của Tiểu Đoàn 12 Đặc công cộng sản. Mang Cá đã là mục tiêu điểm hẹn của tất cả mọi mũi tấn công do chính Thủ Trưởng đơn vị E6 (E: Trung đoàn) Nguyễn Trọng Đấu chỉ huy với ý niệm chỉ đạo chiến dịch – Chiếm được Mang Cá có nghĩa đánh sập được trung tâm đầu não của phía quân lực cộng hòa. Biết rõ như thế, nên đêm Mồng Một, hai Tiểu Đoàn 2 và 7 được lệnh bôn tập từ Quảng Điền, An Lỗ về Huế bằng phương tiện đôi chân trên quãng đường mười-bảy cây số dày đặc phục kích. Tiểu Đoàn 7 bị chận ngay tại làng Đốc Sơ, Cầu An Hòa, mối nối phía Tây vào khu vực Hoàng Thành Huế, Đại Úy Nguyễn Lô và đại đội của anh, mũi nhọn xung kích của Tiểu Đoàn 7 bị thiệt hại nặng, tiểu đoàn phải phân tán mỏng quanh những mồ mã, nhường mục tiêu lại cho Tiểu Đoàn 2; Đại Úy Nghi, tiểu đoàn phó TĐ2 chịu phận tử thương trong đợt xung phong đầu tiên. Hai tiểu đoàn tiếp nương nhau băng qua hào rộng, vượt Cầu An Hòa, chiếm Cửa Chánh Tây, sân bay Tây Lộc, bao quanh Thành Mang Cá một vòng đai vững chắc, để từ đây dần chiếm lại Đại Nội do đơn vị Hắc Báo/SĐIBB trách nhiệm trấn giữ, nhưng do ít quân số phải rút lui từ đêm trước. Ngày mồng Bốn (2/2/68), được tăng viện Tiểu Đoàn 9 từ Quảng Trị vào, vòng đai nhảy dù dần nới rộng ra, từ Mang Cá qua Hồ Tỉnh Tâm, Cửa Đông Ba, Cửa Thượng Tứ (Chánh Nam), đường ra khu dân cư, phố chính Trần Hưng Đạo. Ngày 12/2, sau hơn hai tuần liên tục tác chiến, quân số tham chiến của Chiến Đoàn 1 Dù chỉ còn lại khoảng một tiểu đoàn (thiệt hại hơn 1/3; có đại đội bị hoàn toàn bất khiển dụng) và các mục tiêu chiếm đóng xong lại không đủ quân số phòng giữ, nên chiến đoàn được lệnh bàn giao vùng trách nhiệm lại cho đơn vị bạn, Lữ Đoàn A/SĐ/TQLC. Để từ đây, các đơn vị Quân Lực VNCH hiệp cùng binh đoàn TQLC/Mỹ thực hiện nên khung cảnh bi hùng của cuộc chiến giữ nước: Lá cờ Vàng Ba Sọc Đỏ được kéo lên trên Kỳ Đài giữa mưa mờ mùa Xuân xứ Huế tang tóc, sáng ngày 24 Tháng 2, 1968.

https://i0.wp.com/oi62.tinypic.com/24o6hqe.jpg Trở lại Sàigòn, Chiến Đoàn 1 Dù được chỉ định ngay nhiệm vụ bảo vệ vòng đai thủ đô, mặt trận phía tây, đường đi về Tây Ninh, Hậu Nghĩa trong Chiến Dịch Trần Hưng Đạo, tiếp Chiến Dịch Toàn Thắng quét sạch, diệt gọn lực lượng cộng sản bôn tập từ những mật khu miền Đông Nam Bộ đánh chiếm Sàigòn từ đêm Giao Thừa Mậu Thân (29/1/1968). Với biên chế mới nên thành cấp lữ đoàn, Trung Tá Lê Quang Lưỡng tiếp tục giữ chức Lữ Đoàn Trưởng. Thật ra, ông đã có quyết định thăng chức từ ngày 1 tháng 1, 1968 – Ngày nhận nhiệm vụ chỉ huy Chiến Đoàn 1.

32- Toàn Thắng, 1970. Từ giữa năm 1969 qua 1970, Lữ Đoàn I Dù thống thuộc Sư Đoàn Dù phối hợp với Đệ Nhất Sư Đoàn Không Kỵ Mỹ (1stCAV), Sư Đoàn 25 BB/Mỹ; Sư Đoàn25BB/VNCH trong khuôn khổ các cuộc Hành Quân Toàn Thắng dưới quyền Tư Lệnh Quân Đoàn III Tướng Đỗ Cao Trí, đã quét sạch toàn vùng mật khu tưởng như bất khả xâm phạm thuộc các tỉnh Tây Ninh, Hậu Nghĩa, Bình Long, Phước Long (Sông Bé), những vùng đất mang tên “Chiến Khu Đ; Khu Tam Giác Sắt..v.v”, để chuẩn bị sau nầy cho một kế hoạch lớn, quan trọng hơn một chiến dịch quân sự thuần túy. Năm 1970, để thực hiện sách lược “..chận đứng cuộc xâm lăng (của Bắc Việt) đối với quốc gia ấy (Miền Nam Việt Nam), cũng để công cuộc Việt Nam Hóa chiến tranh, và kế hoạch rút quân Mỹ được tiếp tục”(6), chính phủ Mỹ chấp thuận kế hoạch phối hợp và yểm trợ quân lực VNCH hành quân vượt biên đánh chiếm bản doanh Trung ương cục cộng sản miền Nam, bí danh “R” – Mục tiêu nằm rộng, sâu trên đất Miên song song với hai vùng lãnh thổ Vùng III và IV của miền Nam (bao gồm các Tỉnh Sông Bé, Bình Long, Tây Ninh, Hậu Nghĩa, Kiến Tường); và những binh trạm cộng sản đối diện những tỉnh Kontum, Pleiku, Ban Mê Thuộc thuộc Vùng II Tây Nguyên. Ngày 1 tháng 5, đại quân Miền Nam gồm 50,000 người theo ba mũi tấn công vào đất Miên dưới ba kế hoạch hành quân mang Danh Hiệu: Bình Tây (Vùng II); Toàn Thắng (Vùng III); và Cửu Long (Vùng IV). Riêng tại Vùng III chiến thuật, các cuộc Hành Quân Toàn Thắng (Chỉ danh từ 42 – 46) có những mục tiêu quan yếu nằm trong hai vùng đất mệnh danh, “Lưỡi Câu” – Đối diện các Tỉnh Phước Bình (Sông Bé); Bình Long; Tây Ninh); và “Mõ Vẹt” – Đối diện với Tỉnh Hậu Nghĩa, Kiến Tường (Vùng VI). Lực Lượng Nhảy Dù huy động toàn bộ ba lữ đoàn chiếm đóng các căn cứ hỏa lực (CCHL) được đặt tên từ A (Anne), B (Barbara).. đến V (Vichy) xen kẻ với các đơn vị Không Kỵ Mỹ (CAV) chạy dài từ Tây Ninh sang Sông Bé, để từ đấy dùng làm căn cứ tấn công vào đất Miên song song với lực lượng Không Kỵ Mỹ, có thiết giáp và phi pháo Mỹ yểm trợ. Chỉ riêng cuộc Hành Quân Toàn Thắng 42, cánh quân phía Bắc gồm Nhảy Dù, SĐ25BB, BĐQ tiến sâu vào đất Miên đến 60 cây số (quân lực Mỹ chỉ được phép vào sâu 30 cây số – Lệnh Tổng Thống Nixon), truy kích Trung Ương Cục cộng sản phải chạy trốn lên vùng Kratié; tịch thu 2000 vũ khí các loại, 308 tấn đạn dược; phía cộng sản bị thiệt hại nặng về nhân mạng với 3, 588 tử thi để lại trận địa (dù phần lớn bộ phận đã được lệnh tránh tác chiến, rút đi không kịp mang theo kho tàng, quân trang dụng). Hành quân Toàn Thắng 43 tiếp theo cũng có kết quả tương tự, gây thiệt hại cho đối phương 3,190 tử thương; và quan trọng hơn hết, toàn bộ khu vực hậu cần gồm căn cứ huấn luyện, bệnh viện giải phẫu đồng bị phá hủy. Quân lực cộng hoà tịch thu hơn hai triệu đạn, 300 xe vận tải của bộ phận chuyển vận. Tổng kết toàn bộ cuộc hành quân qua Campuchia, chuyên viên quân sự ước tính thiệt hại to lớn của phía cộng sản, với nhân lực bị tổn thất nặng (11,349 chết; 2328 tù binh bị bắt), và quân trang bị, kho tàng bị phá hủy – Số lượng người và vũ khí có khả năng tổ chức, trang bị cho 54 tiểu đoàn trong một năm. Về mặt trận chính trị, chế độ Lonol có điều kiện duy trì vững chắc do tình hình quân sự được cải thiện: Đường Số 4 nối Nam Vang – Hải Cảng Shihanouk được khai thông khi quân lực VNCH chiếm đóng, kiểm soát được vị trí chiến lược Kompong Speu.(7) Nhưng thành quả lớn nhất của cuộc hành quân là số lượng 50,000 người Việt (hoặc Miên gốc Việt) được giải thoát ra khỏi cuộc tàn sát của “Lính Campuchia bao gồm Lính Lonol, lính Shihanouk, lẫn lính Kmer đỏ” nhân dịp sau khi Lonol đảo chính lật đổ chính quyền Shihanouk, cũng là dịp để tàn sát người Việt với oán thù nuôi dưỡng hằng thế kỷ – Nay trút xuống thêm do sự chiếm đóng của phía quân đội cộng sản. Quân và Dân mang căn cước Việt Nam Cộng Hòa hứng chịu toàn phần hậu quả của trận cuồng phong lịch sử hung hãn nầy. Màn đầu của chiến dịch “Cứu Dân” được thực hiện do khi Lữ Đoàn 1 điều động đơn vị cơ hữu, Tiểu Đoàn 1 Dù vào hành quân phía bắc Trại Lực Lượng Đặc Biệt Kà-tum (Thuộc Tỉnh Bình Long, sát biên giới Miên-Việt). Tiểu đoàn giải cứu được một thanh niên người Việt sống sót sau cuộc tàn sát ở đồn điền Mimot (Khu đồn điền người Pháp trong lãnh thổ Campuchia). Người nầy cầu xin quân Dù tiếp cứu hàng ngàn người dân đang bị kẹt trong vùng Mimot và sắp sửa lính Miên “cáp- yuồn – Chặt đầu – Cáp: chặt; Yuồn: Việt”. Đại Tá Lưỡng (vinh thăng từ 1/1/1970) khẩn cấp chuyển lời cầu xin đau thương nầy đến Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn đang họp cùng Tướng Đỗ Cao Trí. Tướng Trí khẩn lệnh Đại Tá Lưỡng xử dụng trực thăng cơ hữu của Việt Nam trong đêm tối đỗ ngay Tiểu Đoàn 2 Dù (đơn vị đầu tiên của Đại Tá Lưỡng) xuống đồn điền Mimot. Lính Miên không phải là địch thủ của lính Dù nên toàn bộ bị bắt sống và hàng ngàn đồng bào sau đó được di chuyển liền về Thiện Ngôn bằng GMC của quân đội.(8) Cuộc hành quân giải cứu có mặt đủ tất cả những giới chức cao cấp nhất của mặt trận: Trung Tướng Đỗ Cao Trí, Tư Lệnh Quân Đoàn III, Thiếu Tướng Dư Quốc Đống, Tư Lệnh Nhảy Dù; Đại Tá Lữ Đoàn Trưởng Lê Quang Lưỡng, và nhiều sĩ quan tham mưu cao cấp của Quân Đoàn III cùng Sư Đoàn Dù.. Bởi vị tư lệnh cao nhất của chiến trường, Tướng Quân Đỗ Cao Trí đã cùng hai đại đội đầu tiên nhảy xuống khu đồn điền Mimot ngay trong đêm. Có một điều cần phải nói rõ thêm: Bản doanh bộ chỉ huy cộng sản của Tướng Trần Văn Trà không xa khu vực Mimot, nhưng “bộ đội giải phóng” án binh bất động để mặc lính Campuchia tàn sát “đồng bào người Việt của họ” vì lý do “bảo mật vị trí, công tác”, cũng như không muốn mất lòng “bạn – Bạn nào hở trời (!?)” đang cho họ mượn đất lập căn cứ theo tinh thần “anh em quốc tế vô sản (!)”. Một lý do nữa có thể dùng giải thích đối với hành vi bất nhân, vô đạo nầy là: Những người Việt (hầu hết là đàn bà, con trẻ) để mặc bị giết do đã bị phía cộng sản (Cộng sản Việt, bất kể Nam hay Bắc) quy kết, xếp loại: “Ngụy”-Ngụy Dân thuộc Ngụy Quân; Ngụy Quyền”. Người cộng sản (Việt cộng, nếu muốn gọi đúng, đủ danh từ, bản chất) vốn nhiều lần im lặng.. Im lặng (và vỗ tay reo mừng) khi quân Pháp giết “Người cách mạng quốc gia” giai đoạn 1939-1945. Im lặng lần Trung Cộng đánh chiếm Hoàng Sa (tháng 1/1974); im lặng như lớp lớp sóng biển đông chìm lấp vạn thây người ba nước Đông Dương bị hải tặc Thái, Mã giết hại những ngày họ liều chết vượt biên sau 1975, để sau nầy những người sống sót trở thành “khúc ruột ngàn dặm”, đơn vị đồng bào thân thương, một vấn đề “bức xúc” của những người cầm quyền ở Hà Nội. Màn hí kịch bi thảm cực độ nầy hiện tại đang diễn ra với cách dàn dựng trân tráo tàn nhẫn nhất được tiếp tay bởi những nhân sự tên gọi Phạm Duy, Nguyễn Cao Kỳ, Nhất Hạnh.. Và nhiều kẻ nữa. Sự thật đơn giản trên hình như đã, đang được (thật ra là bị) nhiều người trong chúng ta quên khuất. Quên theo nghĩa của một tiến triển hợp lý, tự nhiên.

33-Hạ Lào, 1971. Hành Quân Lam Sơn 719 được khai diễn như một thử thách do toan tính từ những yêu cầu chính trị – Những đòi hỏi chính trị của người Mỹ nơi Toà Bạch Ốc, Thủ Đô Hoa Thịnh Đốn, và những người Việt cầm quyền tại Dinh Độc Lập, Sàigòn. Đối lại, Bộ Tổng Quân Ủy ở Hà Nội không phải đợi đến tháng Hai, năm 1971 (khi cuộc hành quân khai diễn) mà từ 1959, đã quyết định thành lập Đoàn 559 để thiết lập, kiến tạo đường giây tiếp vận Bắc-Nam chạy dọc theo hai triền Tây-Đông Trường Sơn. Đến năm 1971, công tác đã hoàn thành một đường giây hậu cần chiến lược, triển khai lực lượng và cơ sở vật chất ở nam sông Gianh -Quảng Bình để tạo chân hàng chi viện cho các chiến trường miền Nam, và bảo đảm chiến dịch của chiến trường Trị-Thiên kế cận miền Bắc (9). Đường giây nầy trước tiên (1959) do Thượng Tá Võ Bẩm trách nhiệm (chỉ xử dụng chủ yếu đường Tây Trường Sơn với nhân lực, cơ giới còn là thứ yếu); đến năm 1965, đường phía Đông được hoạch định để nên thành một hệ thống xa lộ (với ống dẫn dầu vào tận các ngã rẽ xuống đồng bằng Trung-Nam Bộ, tổng cọng chiều dài 20,000 cây số) do những chuyên viên xây dựng cao cấp như Phan Trọng Tuệ, Bộ Trưởng Bộ Giao Thông kiêm Tư lệnh lực lượng Đường 559; Tuệ được Hoàng Văn Thái, Tổng cục phó Tổng Cục Hậu Cần (phân biệt với Tướng Hoàng Văn Thái, Tổng Cục Chính Trị) thay thế vào năm 1966. Tất cả đặt dưới quyền Đồng Sĩ Nguyên, Tư Lệnh Bộ Đội Trường Sơn từ 1966 đến 1975. (9Bis) Bởi không biết rõ, đủ những điều trên (hoặc cố tình như không biết), nên những người soạn thảo kế hoạch hành quân Việt-Mỹ ước tính trong vùng Hạ Lào, tại vị trí tiếp vận Tchépone, dọc Đường Số 9 chỉ có khoảng từ 11,000 đến 12, 000 lính Bắc Việt, chủ yếu là thành phần phụ trách tiếp vận, bảo vệ đường giây, với số vũ khí nặng có chừng 1400 đến 2000 đơn vị. Vì ước tính như thế, nên những giới chức Mỹ-Việt chỉ đạo cuộc hành quân nghĩ rằng sẽ chiếm phần ưu thắng khi huy động hết lực lượng trừ bị quốc gia gồm hai Sư Đoàn Dù và TQLC; xử dụng Sư Đoàn I Bộ Binh, một Liên Đoàn Biệt Động Quân/Quân Khu I làm thành phần xung kích có pháo binh diện địa của quân khu, và cơ hữu của các đơn vị yểm trợ; Lữ Đoàn I Thiết Kỵ tăng cường, phối hợp hành quân. Tổng cộng đạo quân gồm từ 15,000 đến 16,000 người. Về phía Mỹ, phi cơ B52 của không lực; chiến đấu cơ của hải quân; trực thăng của bộ binh đảm trách phần yểm trợ bao vùng, không yểm chiến thuật, và không vận, dẫu bị hạn chế bởi Tu Chính Án Cooper – Church cấm xử dụng không quân Mỹ trên đất Lào. Sư Đoàn 101 Nhảy Dù và Lữ Đoàn 1/Sư Đoàn 5 Bộ Binh Cơ Giới Mỹ đảm trách phần an ninh bên trong lãnh thổ Việt Nam, phần tiếp giáp với khu vực hành quân của Lam Sơn 719; Pháo Đội 108 Mỹ với pháo tầm xa 175 ly đóng ở Khe Sanh yểm trợ tăng cường cho pháo binh của đơn vị Việt Nam (10) Phần viết tiếp theo sẽ giới hạn diễn tiến cuộc hành quân qua hoạt động của Sư Đoàn Nhẩy Dù liên quan đến Lữ Đoàn Trưởng Lữ Đoàn I Dù, Đại Tá Lê Quang Lưỡng.

Điểm tiếp vận Tchépone thuộc vùng Binh Trạm 604 và 611 (Lưu ý những phiên hiệu để biết , chúng được xây dựng từ những năm 1960, 1961), nằm trên Đường Số 9 (nối Quảng Trị và Savannakhet của Hạ Lào) cách xa biên giới Lào-Việt khoảng 20 miles (30 cây số). Với ước tính như phần trên vừa trình bày, giới chức quân sự Mỹ-Việt có suy diễn: “Giá như phía cộng sản có tăng cường thêm quân số, lực lượng trừ bị cho chiến trường nầy cũng không thể quá hơn một sư đoàn (!)” Ngày 8 tháng Hai, 1971, chiến dịch bắt đầu với Lữ Đoàn I Dù gồm hai tiểu đoàn cơ hữu (1, 8) tùng thiết chiến xa của Lữ Đoàn I Thiết Kỵ vượt qua Căn Cứ Hỏa Lực Bravo của Tiểu Đoàn 5 (cứ điểm bảo vệ hậu tập) tiến đến Bản Đông, vị trí nằm giữa đoạn đường tới Tchépone. Ngày 9, Tiểu Đoàn 9 trực thăng vận xuống chiếm đóng Bản Đông, làm đầu cầu cho cánh quân bộ của Lữ Đoàn 1 và Lữ Đoàn Thiết Kỵ. Mưa lớn làm con đường biến thành một bãi lầy, dính chắc chiến xa và bộ binh, thêm các thành phần thuộc Trung Đoàn 64/SĐ320CS ngăn chận, phá quấy liên tục, nên đoàn quân chỉ có thể di chuyển được một đoạn ngắn tối thiểu trong hai ngày 9, 10.. Mãi đến ngày 11, Tiểu Đoàn 8 của Trung Tá Văn Bá Ninh, thành phần tiền phong của lữ đoàn mới tiếp xúc được với Tiểu Đoàn 9 ở Bản Đông, thiết lập nên Căn Cứ Hỏa Lực A Lưới, cũng là Bộ Chỉ Huy Lữ Đoàn 1 – Thành phần xa nhất của mũi tiến quân trên Đường Số 9. Tiểu Đoàn 1 khám phá một kho quân trang, quân dụng; Tiểu Đoàn 8 tìm thấy 2000 chiếc xe đạp của Trung cộng còn mới, và 1000 chiếc cũ đã xử dụng, kho nhiên liệu để chạy động cơ máy nổ, quân xa; Tiểu Đoàn 9 tung quân lục soát quanh căn cứ khám phá một trung tâm huấn luyện rất quy mô ngụy trang dấu kỹ trong một khu rừng rậm.. Những thu hoạch chiếm cứ của Lữ Đoàn I Dù tuy quan trọng nhưng không phải Mục Tiêu Lớn của chiến dịch; khi chiếc sườn thiết lập trên Đường 9 đã vững, bộ tư lệnh hành quân tiếp khai triển lực lượng bảo vệ hai mặt bắc, nam của con lộ huyết mạch. Mặt Bắc, đổ bộ hai Tiểu Đoàn 21 và 39 Biệt Động Quân thiết lập hai Căn Cứ Hỏa Lực Ranger South và Ranger North (Các căn cứ thường có ám số, hoặc ám danh với danh tự Mỹ để dễ liên lạc trên tầng số không lục với phi cơ, pháo binh Mỹ yểm trợ) trong hai ngày 8 và 11/2; trực thăng vận hai Tiểu Đoàn 2 và 3 Dù xuống tại hai cao điểm đặt tên Căn Cứ 30, Căn Cứ 31; Bộ Chỉ Huy Lữ Đoàn 3 Dù đóng tại Căn Cứ Hỏa Lực 31 (Cao độ 456 thước) với Tiểu Đoàn 3 của Trung Tá Lê Văn Phát. Về mặt nam Đường 9, các tiểu đoàn của Trung Đoàn 3/SĐIBB trực thăng vận chiếm đóng các căn cứ có tên Hotel, Blue, Don, Delta và Delta1. Sư Đoàn TQLC đóng tại Khe Sanh và những cao độ như đỉnh Cô Rốc (cao 800 thước) ở phía Nam làm thành phần trừ bị cuộc hành quân. Tính đến ngày 11/2 tình hình được đánh giá là khả quan với hai cạnh sườn Đường Số 9 được bảo vệ khá kỹ, thời tiết tương đối tốt, Lữ Đoàn 1 của Đại Tá Lê Quang Lưỡng cùng lực lượng thiết kỵ của Đại Tá Nguyễn Trọng Luật sẵn sàng vượt tuyến xuất phát A Lưới để tiến chiếm Tchépone như dự tính. Nhưng một điều thậm vô lý đã xẩy đến mà hôm nay hơn ba-mươi năm sau vẫn không được giải thích: Chiến trận bỗng nhiên bị chận đứng lại – Suốt bốn ngày từ 11 đến 14 không một lệnh nào đến cùng với Sư Đoàn Dù, cụ thể đối với Lữ Đoàn I của Đại Tá Lê Quang Lưỡng với Thiết Kỵ của Đại Tá Nguyễn Trọng Luật , thành phần xung kích đang sẵn sàng tiến chiếm Tchépone bằng ngã đường bộ. Sau nầy (Sau 30/4/1975), Tướng Hoàng Xuân Lãm có giải thích (về việc ngưng tiến quân trong những ngày 11-14/2/71) như sau: “Vào ngày thứ hai của cuộc hành quân (9/2), chiếc trực thăng chở những sĩ quan cao cấp của quân đoàn gồm Trưởng Phòng III, Trưởng Phòng IV bị bắn rơi có tấm bản đồ Hành Quân Lam Sơn 719.. Nên Tướng Lãm án binh sau tuần lễ đầu là để hoàn tất kế hoạch điều động cho phù hợp với tình hình, vì nhờ tấm bản đồ của Trưởng Phòng III/Quân Đoàn (Phòng Hành Quân), đối phương đã biết được ý định điều quân, lực lượng tham chiến, cũng như kế hoạch lui binh của ta.”(11) Việc đình hoãn cuộc tấn công thì được Tướng Davidson, Trưởng Phòng Quân Báo (Phòng II), Bộ Tư Lệnh MACV tìm hiểu qua một lý do khác: “Trong cuộc họp ngày 12/2 với Tướng Lãm và các tư lệnh chiến trường, Thiệu nói với Lãm: “Cẩn thận khi tiến quân về hướng Tây, và hủy bỏ cuộc hành quân nếu như quân đội cộng hòa bị tổn thất đến số 3000 thương vong..”(12). Không biết ai đã là người đã thực sự ra lệnh đình hoãn cuộc tiến quân, chỉ biết quân đội cộng hòa đã mất đi một số ngày thuận lợi vô cùng quý giá. Và trong những ngày quyết định kia, phía cộng sản, đã từ thái độ phân vân ở những ngày đầu tháng Giêng.. “Khi chúng đổ quân vào Đông Hà, trong anh em cán bộ chúng tôi vẫn còn những câu hỏi thắt mắc: “Liệu chúng nó ra Miền Bắc hay sang Lào?”(13) đến cách thức quyết định có những hành động cụ thể ..”Cũng trong ngày 9 (9/2), Trung Đoàn 88 vừa đặt ba-lô xuống là chiến đấu ngay” (14) Phía Mỹ-Việt, hẳn cũng có người thấy ra điều vô lý nguy hại kia, nên ngày 14/2, Tướng Abrams, Tư Lệnh Quân Lực Mỹ tại VN đích thân đến gặp Tướng Cao Văn Viên, Tổng Tham Mưu Trưởng để thúc dục đến mức như van nài phải thực hiện kế hoạch tiến chiếm Tchepone như dự liệu (15). Ngày 14 qua đi không động tỉnh. Quá nôn nóng bởi tình hình tắc nghẻn, người lính thuần thành kinh nghiệm Abrams bay ra Đông Hà với Tướng Viên, và Tướng Sutherland, Tư Lệnh Quân Đoàn XXIV (Lực lượng Mỹ ở Vùng I) trực tiếp gặp Tướng Lãm để thúc dục việc khai triển Sư Đoàn I BB ở phía nam Đường 9, để giữ an toàn cho Thiết Kỵ-Nhảy Dù (trên con đường) tiến chiếm Tchépone. (15Bis)

Nhưng tất cả thúc dục đã là vô ích. Năm ngày mất đi là thời gian đủ để ba Sư Đoàn 304, 308, 320 khai triển, tổ chức toàn hảo thế trận với hai trung đoàn chiến xa hạng nặng có pháo tầm xa 130 ly, 122 ly yểm trợ.. Cơn bão lửa sẵn sàng chụp xuống cùng lúc với quyết định cuối cùng của Tổng Thống Thiệu nói cùng Tướng Lãm trong ngày 19/2: “Lưu ý nguy hiểm đối với sư đoàn 308 với chiến xa T34, T54.. Hãy cẩn thận, từ từ cho tăng cường lục soát về hướng Tây-Nam” (16)

Chúng ta không được phép khe khắt, chủ quan, thiên lệch khi tìm hiểu, tra cứu đối với người và việc thuộc về lịch sử; nhưng phải có bổn phận khách quan nhận ra những khuyết điểm của quá khứ để tránh lỗi lầm cho tương lai – Mà đôi khi (rất nhiều khi) tương lai là một sự đã rồi không khả năng, cơ hội phục hồi (như trường hợp hôm nay với quân lực và chế độ Việt Nam Cộng Hòa). Sau chiến trận Hạ Lào, riêng về mặt quân sự, các sư đoàn bộ binh, nhảy dù, TQLC; lữ đoàn thiết kỵ; chiến đoàn BĐQ; các đơn vị pháo binh, công binh.. đã gánh chịu phần tổn thất (vũ khí, phương tiện, quân số, khả năng tác chiến..) vô cùng trầm trọng mà cá nhân người lãnh đạo Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu qua chức vụ Tổng Tư Lệnh Quân Đội phải hoàn toàn trách nhiệm chứ không ai khác. Những tính toán chính trị và sai lầm chiến lược, chiến thuật về chiến dịch Hạ Lào đã đưa đến hậu quả tất nhiên nơi chiến trường với giá máu của vạn quân binh tham chiến. Căn cứ Ranger North và Ranger South của Biệt Động Quân bị tràn ngập ngày 24/2 bởi lực lượng Trung Đoàn 102/SĐ308; chiều ngày 25/2, Căn Cứ 31 của Lữ Đoàn 3 Dù thất thủ; với quân số thực tế chỉ gồm hai Đại Đội 33 và 34 (-), Pháo Đội C/TĐ3PB/ND, và thành phần chỉ huy của lữ đoàn phòng thủ nên không thể nào đương cự đối với những đợt tấn công cấp trung đoàn có chiến xa yểm trợ, sau khi đã bị tê liệt toàn diện bởi pháo tầm xa cường tập hủy diệt. Trên chiến trường, nơi Đồi 31 đã xẩy ra thảm kịch.. “Ba phần tư ngọn đồi (Đồi 31 của Lữ Đoàn 3 Dù; Tiểu Đoàn 3 Dù-Pnn) đã nằm trong tay địch. Chúng tôi chỉ còn giữ được một phần bộ chỉ huy tiểu đoàn, lữ đoàn, nhưng không còn ai ở trong những vị trí đó.. Sau khi tái phối trí lực lượng, chúng tôi được lệnh trực tiếp của tiểu đoàn tổ chức một cuộc phản kích toàn bộ trên trận tuyến, cố gắng chiếm lại những vị trí đã mất với hy vọng không quân (Mỹ) sẽ yểm trợ hữu hiệu.. Đợt phản kích không đủ sức mạnh để đạt hiệu quả mong muốn, và từ dưới chân đồi tràn lên một đợt sóng biển người và xe tăng..”(18) Thất bại của các đơn vị (nhảy dù, biệt động quân) trong việc bảo vệ các căn cứ có những nguyên nhân cụ thể, và ảnh hưởng tương quan.. Hoặc vì trường hợp một cá nhân: “Vào lúc nầy (15 giờ 20 chiều ngày 25 tháng 2, 1971-Pnn), một phản lực cơ F4 của Hoa Kỳ bị bắn cháy, Toán Điều Không Tiền Tuyến (FAC) đã phản ứng bằng cách ngưng yểm trợ Đồi 31 để ưu tiên dồn nỗ lực vào việc cấp cứu phi công”(19); Hoặc đấy là tình hình chung: “Đêm chót (25/2/1971), Bắc Việt pháo kích liên tục cho đến sáng, (quân binh Đồi 31) không ngóc lên được. Không quân Hoa Kỳ lại yểm trợ không hữu hiệu.. Khi chiến xa và bộ binh của Lữ Đoàn 1 Đặc Nhiệm đến nơi thì Đồi 31 đã mất”(19Bis). Do không biết tình hình đích xác ở Đồi 31, Lữ Đoàn Trưởng Lê Quang Lưỡng cố gắng lần cuối, dùng hai đại đội của Tiểu Đoàn 8 do Thiếu Tá Phú, Tiểu đoàn phó chỉ huy cùng một lực lượng thiết kỵ gồm năm chiến xa M41 và một số thiết vận xa MPC của Thiết Đoàn 17 Kỵ Binh cố đánh giải vây và tiếp viện Căn Cứ 31. Nhưng khi lực lượng tiếp cứu tới nơi thì phần lớn Đồi 31 đã do lực lượng cộng sản kiểm soát. Cuộc hành quân giải vây biến thành cuộc hành quân tái chiếm, và trận xa chiến giữa hai bên diễn ra qua ba đợt trong những ngày từ 25 đến 28 gây nên tổn thất lớn cho đôi bên cả chiến xa lẫn nhân mạng. Tiêu diệt xong Căn Cứ 31, lực lượng cộng sản mặt Bắc Đường 9 tập trung vào Căn Cứ Đồi 30 do Tiểu Đoàn 2 Dù trấn giữ. Với can đảm, khôn ngoan, và bình tĩnh tuyệt vời, viên sĩ quan Ban 3 Tiểu Đoàn, Đại Úy Trần Công Hạnh đã điều động phi cơ AC130 thả trái sáng, và hướng dẫn phi cơ chiến thuật Mỹ (Hạm Đội 7 bay vào) yểm trợ tiếp cận để phần còn lại của tiểu đoàn rút bỏ căn cứ vào lúc 9 giờ sáng ngày 3/3/1971 sau khi phá hủy những khẩu pháo binh nặng của lực lượng pháo Quân Đoàn I, và cơ hữu của pháo binh Dù . Khi dãy căn cứ mặt Bắc bị nhổ bỏ, Lữ Đoàn I Dù đối diện cùng lần với ba sư đoàn Bắc Việt, cũng do đối phương đã biết rõ kế hoạch tiến chiếm Tchepone bằng đường bộ bị hủy bỏ, và lữ đoàn cùng các thành phần cơ hữu chỉ còn đợi lệnh rút lui theo một kế hoạch đã hoàn toàn bạch hóa bởi sự kiện bản đồ hành quân đã bị mất từ ngày 9 tháng Hai. “Lê Lợi 612” siết cau vầng trán.. Những thành phần sống sót của hai Tiểu Đoàn 2, và 3 đã mất hết khả năng chiến đấu, đạn không còn, thương binh không tải thương được, người chết không thể lấy về – Những người chết hằng quen biết, những người bị địch bắt giữ quá thân thiết như Tiểu Đoàn Trưởng Nguyễn Văn Phan, Lữ Đoàn Trưởng Nguyễn Văn Thọ.. Và bao nhiêu quân binh nhớ mặt thân yêu của hai Tiểu Đoàn 2, Tiểu Đoàn 5, những đơn vị đầu đời thân thiết của ông; những tiểu đoàn thuộc quyền cơ hữu: 1, 8, 9.. Beo Gấm của Chiến Trường dần nhận rõ ra sự bất lực của chính mình và đơn vị – Tất cả đã rơi vào chiếc bẫy sập xuống. Sau khi Tiểu Đoàn 4 và 5 do hai viên sĩ quan lừng lẫy của Sư Đoàn I Bộ Binh, Trung Tá Lê Huấn và Thiếu Tá Trần Ngọc Quế chỉ huy “đặt chân” xuống Tchépone, chiến dịch Hành Quân Lam Sơn 719 được đánh giá coi như đạt “mục tiêu bề mặt”, và lệnh triệt thoái được khởi đầu vào ngày 9 tháng 3. Bấy giờ, Lữ Đoàn 1 chỉ còn trông cậy vào sức của riêng mình để tồn tại và rút lui khỏi vùng chiến trận mà đến lúc nầy quân số địch đã lên đến 40,000 người – Gấp bốn lần số lượng ước tính ban đầu. Nếu ngày khởi cuộc, Căn Cứ A Lưới là đầu cầu xa nhất của mũi tấn công, thì nay là cứ điểm rút lui sau cùng, khi các căn cứ Lolo và Sophia của bộâ binh đã di tản. Toàn bộ gánh nặng cuộc hành quân triệt thoái của cánh quân bộ binh trên Đường Số 9 đè nặng lên trách nhiệm cá nhân Lữ Đoàn Trưởng Lữ Đoàn 1 hằng ngày Lê Lợi 612 phải xử dụng trực thăng để thống nhất liên lạc giữa các đơn vị bị phân tán sau những thiệt hại lớn; các chỉ huy trưởng đơn vị hoặc chết, hoặc bị thương như trường hợp toàn ban chỉ huy của TĐ1 và TĐ7 Dù đồng bị nạn. Ngày di tản khỏi A Lưới, mọi người đồng có ý kiến Đại Tá Lưỡng nên dùng đường bộ để được an toàn hơn, nhưng do ý muốn ở lại với những đơn vị thuộc quyền, nên ông là người cuối cùng lên trực thăng. Chiếc tàu bị bắn rơi sau năm phút cất cánh, Đại Úy Hồng Thu, người thân tín (theo ông từ ngày ở Tiểu Đoàn 5) nhảy đè lên che thân Đại Tá Lưỡng. Chiếc trực thăng Mỹ hộ tống hạ xuống, Thu đẩy ông lên gấp.. (Phải sống với người như thế nào “Lê Lợi 612” mới có người đàn em sẵn sàng liều thân như thế). Rừng núi Hạ Lào dưới thân máy bay mờ khói đạn. Mắt người lính kiên cường thoáng mờ màn nước.. “Đích Thân Lê Lợi” hẳn không khóc cho lần sống sót của bản thân. Ông khóc cho bao người chết không về. Những người sống cùng ông từ rất lâu.

34-An Lộc, 1972. Bỗng chốc thị trấn nhỏ về cực đông-nam miền Nam, phần cuối con Đường 13 trở thành địa danh vang dội toàn thế giới… Guernica, Arden, Berlin của Thế Chiến lần thứ Hai không còn ý nghĩa khi so với thị trấn bề dài 1800 thước và bề ngang từ cửa Phú Lổ đến hàng rào phòng thủ tiểu khu đo đúng 1000 thước. Trên diện tích bé nhỏ này, lại nhỏ hơn nữa của những ngày “tử thủ”, khi thành phố “co” lại với khoảng 900 thước bề dài còn lại – Một ô vuông cây số hứng chịu gần 60 ngàn quả đạn, đạn đại bác bắn tập trung từ mười vị trí trở lên trong 100 ngày vây khốn. Trong qui ước truyền tin quân đội, chữ A được đánh vần là “Alpha” hay “Anh Dũng”. An Lộc cũng bắt đầu với chữ A, thế nên chúng tôi gọi “An Lộc là Anh Dũng” – Tỉnh từ này đã được dùng quá nhiều, đến độ nhàm chán, nhưng ngoài nó ra không còn một danh từ nào xác thực và đúùng đắn hơn. Phải, An Lộc là Anh Dũng. Chiến đấu ở An Lộc- Sống ở An Lộc- Chết ở An Lộc là Anh Dũng. Phẩm tính của người và sự kiện nơi An Lộc là tỉnh từ giản dị đầy đủ nầy.

Đường 13 chạy từ Ngã Ba Chơn Thành đến An Lộc đo được 30 cây số, tiếp tục về hướng Bắc thêm 18 cây số nữa là Lộc Ninh, bên kia biên giới là Snoul, qua Snoul con đường ngã theo hướng Tây-Bắc để tới Kratié, nằm cạnh bờ Cửu Long. Nép bên bờ trái con sông, đường chạy tiếp về phía bắc để gặp Stungsteng, vị trí chiến thuật quan trọng của đường giây ông Hồ từ Bắc vào. Khởi đầu cuộc chiến “Đông Dương lần thứ Hai (1960)”, những công thần đầu tiên của Trung ương Cục Miền Nam đã lần mò, tìm kiếm, ráp nối lại con đường.. Bắt đầu từ vùng suối Đá, suối Chà Là, suối Ma.. Bình Long, Phước Long, băng qua biên giới, đến những “mật khu” đã vang danh theo chiều rộng thế giới: Lưỡi Câu, Mõ Vẹt. Trong cuộc chiến năm 1970, đại quân Miền Nam từ Bình Long, Tây Ninh, đồng loạt xua quân qua biên giới, quét sạch , diệt gọn các nơi chốn nầy (Đã trình bày ở phần trên về kỳ tích của nhiều đơn vị có sự góp công của Lữ Đoàn I Dù). Nay, hai năm sau, những ngày đầu 1972, một lực lượng cộng khác, thứ cộng nguyên gốc, theo một kế hoạch được bảo mật tinh vi, chuẩn bị yểm trợ cho mục tiêu chính trị (Hình thành ở Hòa Hội Paris được khai mạc từ 1968) từ miền Bắc xuôi theo Đường 13 vượt qua Snoul cùng ào vào Lộc Ninh với ba sư đoàn chính qui thượng thặng, sau khi được giàn đại pháo 130ly đã dọn sẵn đường. Sau Lộc Ninh là An Lộc. Và thị trấn nhỏ bé của miền cực đông-nam Nam bộ, bắt đầu co vào trong một thế gọi là “tử thủ”. Địa ngục có thật bắt đầu từ ngày đầu tháng 4-72 ở đây. Nơi An Lộc. Những đơn vị, người lính kiệt liệt của An Lộc đã được nói tới nhiều nhưng chắc không đầy đủ, vì An Lộc không những chỉ có Tướng Lê Văn Hưng với các Trung Đoàn 8, 9, 48, 52/ Sư Đoàn 5 Bộ Binh; Đại Tá Nguyễn Văn Huấn với Liên Đoàn 81 Biệt Kích Dù; Liên Đoàn 3 Biệt Động Quân, và Đại Tá Trần Văn Nhật với thành phần cơ hữu của Tiểu Khu Bình Long.. Còn có Lữ Đoàn I Nhẩy Dù với Đại Tá Lê Quang Lưỡng , đơn vị tham chiến từ ngày 7-4, “bắt tay” An Lộc lần một vào ngày 17-4; và lần thứ hai, sau trận đánh trên tất cả các trận đánh, Tiểu Đoàn 6 Dù “clear” hai cây số còn lại vào đến Xã Thanh Bình (khu đồn điền Xa Cam) trong “bốn mươi-lăm phút chiến trận”. An Lộc được “bắt tay” lần thứ hai lúc 17g45 Ngày 8 Tháng 6, 1972.

Đến Lai Khê ngày 5 tháng 4, 1972, Lữ Đoàn 1 Dù nhập cuộc ngay ngày sau. Đại Tá Lê Quang Lưỡng nhìn con đường sáu-mươi cây số trước mặt với những hiểm nghèo cao nhất đang chờ đợi. Lê Lợi di chân lên mặt đường như thể đo độ cứng của con đường, sự chịu đựng của mặt nhựa, nhưng thật ra ông đang ước tính bao nhiêu mìn bẩy, ổ phục kích nơi những cây số phía Bắc.. Ở Bầu Bàng, Bầu Lòng, Chơn Thành, Suối Tàu Ô. Ông nói cùng Ngọc Long (Danh hiệu truyền tin của Trung Tá Ngọc, Lữ Đoàn Phó) và Tố Quyên (Thiếu Tá Bùi Quyền, Trưởng Ban Hành Quân) : Con đường dài quá, tụi nó có đủ yếu tố thuận lợi.. Địa thế, quân số, hỏa lực để chơi mình bất cứ lúc nào, ở đâu, nếu chúng muốn. Mình có ba tiểu đoàn, nghe thì nhiều, thực tế không bao nhiêu, mình lại phải phân tán.. Nhưng nhiệm vụ phải thi hành khẩn cấp, mình chỉ còn có được con đường khốn nầy – Vậy mình phải đi lên nó.. Đi theo kiểu chân chim: “Thằng 8” (Tiểu Đoàn 8) đi trước, đóng quân lại; “Thằng 5” theo đường cũ leo cao hơn.. “Thằng 6” đi sau hết. Pháo sẽ theo thằng 5 ở bước đầu; thằng 8 ở bước sau. Giai đoạn I, mục tiêu 1 là Bầu Bàng; mục tiêu 2 là Chơn Thành. Đến Chơn Thành, lập thêm đầu cầu phía Bắc mình sẽ qua giai đoạn II. Các tiểu đoàn trưởng 5, 6, 8, cùng gật đầu đồng ý, vì họ cũng không thấy có biện pháp tốt hơn kế hoạch “Bước chân chim” với ý chí “Cố Gắng” như khẩu hiệu của binh chủng. Ngày 7 tháng 4, Tiểu Đoàn 8 vượt tuyến xuất phát, lấy con đường làm chuẩn, mở rộng đội hình ra hai bên, đến hoành độ 48 thì ngừng lại. Tiểu Đoàn 5 vượt qua mặt TĐ8, bung quân tối đa để lục soát và tránh phục kích. Mấy trăm con người chìm hẳn vào vũng xanh đậm của rừng dày đan lá. Tiểu Đoàn Trưởng Nguyễn Chí Hiếu kẹp sát ống liên hợp vào mang tai, linh cảm nguy biến hẳn sẽ tới.. Súng nổ, thoạt đầu chỉ có hướng trước mặt, đoàn quân dừng lại, lập tức hướng cánh trái súng dồn dập đổ xuống: Tiểu đoàn cộng quân dựa thế vào giải mô đất của đường rầy xe lửa cũ (Lộ trình Sàigòn-Lộc Ninh, đã bị bỏ phế từ đầu thập niên 60) để tấn công chia cắt đội hình nhảy dù. Chỉ còn một phương cách – Phản tấn công vào thế trận đối phương. Trận chiến kéo dài nửa ngày, cuối cùng Bắc quân rút lui về hướng tây; thương binh nằm chật vùng rừng, ngỗn ngang trên đất. Tiểu Đoàn Trưởng Hiếu nhìn vào bản đồ: Bàu Hót, toạ độ 78051.. Còn bao nhiêu cái bàu nữa mới tới được An Lộc? Chiến trường mới qua được một ngày. Từng cây số đường được nhích lên khó khăn, gần đến Chơn Thành độ căng cứng chiến trường càng hiện rõ. Lê Lợi đã nghe ra “mùi” địch – Mùi của pháo, cối mà chắc chắn sẽ mãnh liệt không kém như kỳ ở Hạ Lào – Chỉ mới đây. Năm ngoái. Đại Tá Lưỡng cau cau chiếc trán. ..Quyền nầy, cố gắng xin mấy trực thăng, ngày mai mình “thẩy” Thằng 6 lên trên Chơn Thành, xong cho lục soát về ngược lại. Đâu ai bắt buộc mình phải đi từ dưới nầy đi lên để rơi vô phục kích của tụi nó?! Bùi Quyền (Sĩ quan thủ khoa Khóa 16 Đà Lạt), Thiếu Tá Trưởng Ban 3 (Ban Hành Quân) nhìn người chỉ huy kính phục.. Anh nghĩ thầm: Lê Lợi hay thật, biết cách chuyển đổi thế trận để đối thủ không thể lường được. Ngày 9, có trực thăng, Tiểu Đoàn 6 bất thần nhẩy lên phía Bắc Chơn Thành, xong quay ngược lại để đón Tiểu Đoàn 5 từ Bầu Bàng vọt lên. Đúng hai giờ chiều, hai tiểu đoàn “bắt tay” nhau cái rụp ở Chơn Thành. Lê Lợi gật gù tự đánh giá: Tụi nó kông biết mình làm trò gì với cú nhẩy của Thằng 6.. Đi lên hay đi xuống? Thêm một ngày tương đối bình yên đi qua. Đại Tá Lưỡng cởi đôi giày. Toàn ban tham mưu lữ đoàn bắt chước. Mỗi chiều được cởi giày là một hạnh phúc ! Thêm hai ngày đẹp đẽ đi qua, lữ đoàn đi được ba-mươi cây số về phiá bắc. Đối với một địa thế bằng phẵng, tốc độ tiến quân hiện tại kể là quá chậm, nhưng Lê Lợi không muốn đơn vị tăng phái, Thiết Đoàn Kỵ Binh 1/5 của Đại Tá Đức mở vào quá sâu, dễ bị lún lầy, và bộ binh nhẩy dù không bảo vệ cạnh sườn được. Ngày 12, lại theo chiến thuật “bước chân chim”: TĐ8, pháo binh Dù, và thiết kỵ nhảy bước lớn từ cực Nam (của đoàn quân) qua mặt Chơn Thành, đến ngang TĐ5 bỏ pháo binh lại, tiếp tục “mu” lên hướng Bắc. Lê Lợi nói lời hy vọng: Nếu “Thằng 8” tới được Suối Tàu Ô, thì hy vọng tuần sau mình “đụng” nó- Nó, tức là An Lộc với quảng cách còn lại khoảng mười cây số. Nhưng hy vọng của ông vỡ tung như bọt nước: Tiểu Đoàn 8 vừa chạm tới “Hoành độ 72”, cách con suối khoảng hơn một cây số thì đụng. Quân cộng sản không cần ngụy trang, chựïc sẵn ở vị trí phục kích. Lê Lợi rung tay, ép sát ống liên hợp máy truyền tin vào tai nghe các đơn vị báo cáo dồn dập: Tụi nó gom tôi và con cái ông Đức (Thiết Đoàn Trưởng 1/5 Chiến Xa) thành vòng tròn.. Pháo dữ quá, đề-lô tụi nó theo sát đây.. Chúng bắn không phí một quả! Đào Thiện Tuyển, Tiểu Đoàn Phó Tiểu Đoàn 8 nói nhanh giữa tiếng đạn. Sau TĐ8 là TĐ5, Nguyễn Chí Hiếu bảo cáo đỉnh đạt, điềm tỉnh: Trình Lê Lợi, tôi chưa có vị trí, pháo binh cũng thế. Chúng pháo từ xa, cối gần hơn, và B40, 75(Ly) Không Giật chỉ cách tôi khoảng 50 thước. Dứt. Ngày 13 tháng 4, tình hình bế tắc nghẹt thở: Tiểu Đoàn 8 bị vây kín; 5 bị cô lập; 3 Pháo Dù chưa thiết lập xong các vị trí pháo; bộ chỉ huy lữ đoàn và TĐ6 kẹt cứng trong vòng đai chi khu Quận Chơn Thành. Như nước tràn chiếc ly rạn nức, Đại Tá Trương Hữu Đức, Thiết Đoàn Trưởng 1/5 tăng phái hành quân với Lữ Đoàn 1 tử nạn trực thăng, và người em thân thiết của Lê Lợi: Trung Tá Nguyễn Đình Bảo, Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn 11 Dù tử trận nơi Căn Cứ Charlie, chiến trường Kontum. Đại Tá Lưỡng có cảm giác “tê cứng” trong khoảng khắc rất rõ. Lữ Đoàn 1 trở lại Chơn Thành, giao vùng trách nhiệm cho đơn vị bạn, Sư Đoàn 21 Bộ Binh để nhận nhiệm vụ mới – Phải vào An Lộc bằng một đường khác. Đến nhanh hơn. Khẩn thiết hơn. Bởi lúc 7 giờ 15 sáng ngày 13 “khốn nạn” nầy, xe tăng T54 cộng sản đã vào sát hầm chỉ huy của Tướng Lê Văn Hưng. Toàn bộ chỉ huy mặt trận không còn ai, không còn thời gian (tính theo từng ngày, giờ một) để giải bài toán An Lộc ngoài LêLợi Lê Quang Lưỡng và những tiểu đoàn nhảy dù thuộc quyền của ông.

Chiếc trực thăng chỉ huy ở một cao độ rờn rợn lạnh người lượn vòng thứ năm trên An Lộc. Đại Tá Lưỡng hỏi Thiếu Tá Quyền.. – Thấy cái đồi ở phía đông-nam không? – Thấy đại tá. – Chỗ đó. Vâng, mình đi thêm một vòng để thấy rõ hơn đại tá.. LêLợi gật đầu đồng ý, ra dấu cho Quyền bảo phi công quay lại đường bay. Không cẩn thận không được. Bao tính mạng quân binh tùy thuộc vào quyết định về vị trí nầy: Bãi đáp trực thăng đổ quân. Cũng là đầu mối để thực hiện kế hoạch tăng viện, giải vây An Lộc, chứng thực cùng cả nước và thế giới sức chiến đấu của người lính Miền Nam. .. Mình sẽ xuống cái ấp gì đây Quyền; ấp tên nghe lạ quá? Lê Lợi chỉ xuống xóm nhỏ nằm ẩn dưới màu xanh của khói rừng mờ đục và cũng do đạn pháo liên tục.. – Dạ, ấp Srok Ton Cui, chắc là tên Miên. Quyền kiểm chứng lại trên bản đồ. .. Ừ, cái ấp đó được dãy đồi phía tây-bắc che dấu; trực thăng khi vào vùng sẽ bay sát ngọn cây từ dưới lên, tránh được “đề-lô” tụi nó quan sát. Thả ở đó mình có bất ngờ vì nó cứ tưởng mình không bao giờ dám đỗ quân ở hướng đông (Đông Thị Xã An Lộc); nó giữ chặt phía nam vì đó là đường về của mình.. Mình nhẩy xuống ấp đó, xong chiếm ngay mấy cái đồi chung quanh là giữ được đầu cầu. Phải hết sức cẩn thận trong líp đầu tiên thả “Thằng 6”. Vâng đại tá. Quyền không bàn gì thêm. Lê Lợi đã “đánh hơi” chiến trường không chút sơ hở.

Ngày 14 tháng Tư, bãi đáp là một đoạn đường nhựa ở Ấp Srok Ton Cui, Đường 245 nối từ Xa Trạch vào đồn điền Quản Lợi, tây-nam An Lộc, cách nhau bởi hệ thống đồi với cao độ 150 thước. 14 giờ 30, chiếc trực thăng đầu tiên đỗ Đại Đội 62/Tiểu Đoàn 6 Dù do Đại Úy Ngô Xuân Vinh chỉ huy xuống vùng ruộng của Ấp Suối Rô dưới chân đồi không tên (Cao độ 176 thước) thay vì nơi Ấp Ton Cui như đã ấn định. Vinh lúng túng không biết điều quân theo hướng nào do lộn bãi đáp; nhưng Trung Tá Nguyễn Văn Đỉnh và bộ chỉ huy tiểu đoàn đã xuống kịp.. Đánh lên đồi đi! Giữ lấy nó để làm an ninh bãi đáp cho mầy thằng (đại đội) xuống sau.. Đỉnh dục Vinh gấp vì đang lúc khó khăn nhất của cuộc hành quân không vận. Để em xin trong An Lộc bắn lên trên đó mấy trái cho ăn chắc, lên khơi khơi ngán quá! Vinh vào thẳng tầng số pháo binh An Lộc xin tác xạ yểm trợ. Pháo An Lộc đã “tiêu” gần hết, “rỏ giọt “ cho vinh đúng ba trái! Dứt tiếng nổ, Vinh xua quân lên đồi.. Địch chỉ là một toán tiền đồn nên Đại Đội 62 thanh toán trong mấy mươi phút chóng vánh. Đỉnh đưa bộ chỉ huy lên đồi đặt tên “Đỉnh E” (Chữ thứ Sáu-Con Số 6 của tiểu đoàn). Đại Đội 61 xuống tiếp, chiếm cao độ đông-bắc của E, đặt tên E2. Nhưng chiến trận không chỉ lànhững thắng lợi bình yên suông xẻ nầy, phát hiện được cuộc trực thăng vận, pháo cộng sản từ phía bắc, và 75 ly không giật từ cơ sở cao-su Tân Lợi (Ba cây số đông-bắc An Lộc) cùng dập xuống E và E2. Lính Tiểu Đoàn 6 vội vàng đào hố dưới giàn lưới đạn với chiếc ba-lô là vật che chở chiếc đầu mong manh. Tiểu đoàn trưởng Đỉnh; Nghiêm (Sĩ quan Ban 3); Cố vấn Morgan tất cả đồng bị thương vì mảnh pháo.. Đỉnh đè tay lên miếng băng, nói nhanh với Vinh: Mầy gắng giữ thằng E nầy, tao xuống dưới kia, có bãi tải thương, và giữ bãi cho ngày mai. Mầy thâm niên coi luôn “Thằng 1” bên E2. E cũng có tên nguyên thủy, Đồi Gió – Gió lửa và gió bão như một tên tiền định. Ngày 15 tháng 4, bộ chỉ huy lữ đoàn, hai Tiểu Đoàn 5, và 8 xuống bãi bình an. Lê Lợi lên Đồi E họp với hai tiểu đoàn trưởng 5 và 8 Dù.. – Mình đi liền, anh Ninh (Tiểu Đoàn Trưởng TĐ8), đưa thằng con vào An Lộc, nhưng khoan vào hẳn, tới ngang chỗ con suối thì đợi tôi. Tôi và Hiếu (TĐ5) vào Ấp Sóc Gòn, mình dọn đường vào thật sạch, có gì bung ra lại, hoặc để cho đơn vị khác sau nầy vào dễ dàng hơn. Đồi Gió-An Lộc chỉ cách quảng bốn cây số qua những sườn đồi thoai thoải của rừng cao su Phú Hòa, chuyển quân bình thường chỉ mất khoảng hơn hai giờ.. Nhưng vì đây là An Lộc, Đại Tá Lưỡng hiểu rõ độ chật của chiến trường, và đấy cũng là chiếc bẩy đang siết chặt nên ông không thể không cẩn thận khi đến với nó. Ngày 16, để Tiểu Đoàn 6 ở lại giữ Đồi Gió, Lê Lợi sấn hai “Thằng 5 và 8” song song tiến vào An Lộc. Tiểu Đoàn 5 chia làm hai cánh vào ấp Sóc Gòn, quân đang đà di chuyển bỗng nhiên khựng lại.. Dân ùa ra như thác lũ băng qua con đê nhỏ.. Lính mình.. lính mình.. Toàn là đàn bà, con nít, những người đàn ông già lão. Tiểu Đoàn Trưởng Hiếu (TĐ5) dạn dày kinh nghiệm, dặn các đại đội trưởng: “Cẩn thận, nó lùa dân đi trước để mình bị trói tay, thế nào cũng đụng ở đây. Đợi đến sát ấp là nhào vào, không cần tiền pháo yểm.” Bìa làng đến gần.. 100, 80, 50.. thước, Tiểu Đoàn 5 Nhảy Dù – Đơn vị Nhảy Dù Việt Nam hai lần nhảy xuống Điện Biên Phủ 1954. Tiểu đoàn đã khai sinh bốn vị tướng lãnh cho quân lực – Và cũng là đơn vị đầu đời của Đại Tá Lê Quang Lưỡng, vị tướng tương lai của trận chiến 1972 là Người Thứ Năm – Con Số Năm định mệnh của chính nó cũng như của Người Lính Đại Diện: Lê Lợi Lê Quang Lưỡng. Đơn vị bách thắng hôm nay đứng trước Ấp Sóc Gòn với một trạng huống kỳ dị: Họ phải xung phong vào một mục tiêu với tư thế cá nhân chiến đấu để giữ an toàn cho người dân.. Hai lần, ba đợt.. Tiểu đoàn không sao dứt điểm mục tiêu. Cuối cùng, khi chắc chắn những người dân còn kẹt lại đã rời ấp, Lê Lợi quyết định dội trận lửa. Hai-mươi phi tuần khu trục Việt Nam và Mỹ lần lượt thay nhau vào vùng. Khu vực của ấp từ một dạng hình lục giác (Ấp Chiến Lược kiểu mẫu xây dựng từ đầu thập niên 60) nay không còn một hình thù nào nữa, ngỗn ngang gò đống bốc khói điêu tàn.Nhưng so với An Lộc bên cạnh, Ấp Sóc Gòn chỉ là một lò than nhỏ. Ngày 17, Bộ chỉ huy lữ đoàn cùng TĐ5 rời bỏ Ấp Sóc Gòn, di chuyển song song với TĐ8 theo đường Tỉnh Lộ 303 vào An Lộc. Từ suối Quản Lợi, Tiểu Đoàn 8 vào thẳng vòng đai thị xã lúc 7 giờ sáng sau khi diệt xongnhững chốt nhỏ.. Nhảy Dù! Nhảy Dù! Người lính Tiểu Khu Bình Long nhảy ra khỏi hố phòng thủ, anh báo hiệu cho những ngưòi lính cùng tuyến.. Nhảy Dù! Nhảy Dù! Phải ở trong cảnh chết mới hiểu được độ xúc động khi nhìn thấy bạn đến tiếp cứu. Phải từ sự chết, người dân mới thấy ra nỗi hân hoan sống lại khi nhìn ra vóc dáng anh lính cộng hòa giữa vũng lửa. Một Giờ, chiều ngày 17 tháng 4, 1972 Đại Tá Lữ Đoàn Trưởng Lữ Đoàn 1 Dù bước chân vào trong vòng đai An Lộc. An Lộc được cứu viện lần thứ nhất. .. Không còn gì hết Quyền hả? – Vâng. Kinh thật. Hai người trao đổi câu nói ngắn. Đại Tá Lưỡng mượn chiếc xe jeep của Liên Đoàn 3 Biệt Động Quân do Quyền cầm lái chạy như bay qua gò đống, hầm hố và xác người. Tướng Lê Văn Hưng, Tư Lệnh Sư Đoàn 5 Bộ Binh còn hai hộp bia và chai bia lớn.. – Mời anh Lưỡng. Tốt quá. Có được anh tôi vững tâm. Ông tướng mới nhất quân lực cười tươi trên nét mặt lo âu.. Có anh, tôi mừng lắm! Trên đường đến Bộ Chỉ Huy Tiểu Khu Bình Long của Đại Tá Trần Văn Nhật, Đại Tá Lưỡng hỏi Quyền.. Mầy biết tao vào An Lộc bằng cách nào không? Quyền không hiểu ý câu nói, anh đưa mắt hỏi thầm.. À, tao vào bằng lưng, chân bị vọt bẻ quá, phải xoay lưng đi ngược.. Cái mặt mà sưng bằng cái lưng là không khá. Khó lắm đó mầy. Quyền nghĩ thầm.. Lê Lợi 612 biết nói đùa quá. Cách đùa rất chính xác.

Vượt hẳn hết ý niệm từ trước, bỏ xa trí tưởng tượng đã xếp đặt, An Lộc không “hư” từng khu, không đổ từng khóm, An Lộc vỡ nát, vỡ tan tành, vỡ vụn… Không còn sự sống trên mặt đất, không còn dấu vết người trên mặt đất, thành phố chìm dưới hầm, sâu dưới đất, càng sâu càng tốt như một ổ mối khổng lồ dưới lớp đất bùn bề mặt. Một diện tích rộng chưa tới cây số vuông đã có lần nhận được 8000 viên đạn như trong đêm 11 rạng 12 tháng 5; 8000 viên đạn loại xuyên phá chưa kể hỏa tiễn và cối tung hoành trên mảnh đất chỉ bằng khu vực Đa Kao. Mỗi thước vuông đất phải nhận hơn 10 trái đạn. Đạn delay (công phá, nổ chậm) xuyên xuống đất hơn một thước mới nổ. Không cần phải trúng ngay hầm chỉ cần nổ bên cạnh cũng đủ xô ngã vách hầm. Dân và lính thụ động co rút dưới hỏa ngục đổ từ trên trời xuống trong hơn hai tháng. Pháo không phải từng cơn, từng giờ, từng loạt, pháo đầy trời như mưa, pháo ào ạt như gió, pháo kín mít như mây. Pháo không vạch từng đường như Mậu Thân, pháo không đi từng luồng như ở Hạ Lào. Pháo và trời chan hòa trộn lẫn như mưa bay giăng giăng che kín không gian của những ngày xuân mưa bụi. Dưới bầu trời đầy những đóa hoa tử thần đó. An Lộc co quắp, vật vã, tan thành mảnh, phất phới bay như tờ giấy xé nát được tung lên giữa trời gió lớn. Một hỏa tiễn nâng chiếc xe jeep bay bổng, khối sắt nặng 1/4 tấn vừa rơi xuống chạm mặt đất lại bị thổi ngược lên cao, nhẩy lên một mái hầm như hộp thiếc nhỏ bị quay cuồng vì những viên đạn tinh nghịch chính xác trong phim cao bồi Mỹ.. Lê Lợi và Tố Quyên đứng im, nhìn kỹ thêm một lần trước An Lộc điêu tàn. Hai người lính không thể nói thêm một lời nào. Họ cúi thấp người, bước xuống chiếc hầm của Đại Tá Trần Văn Nhật – Bộ chỉ huy Tiểu Khu Bình Long (20)

Không phải đợi đến lúc bước xuống căn hầm chỉ huy ngột ngạt của Tiểu Khu Bình Long, Đại Tá Lưỡng mới thấy ra sự chật chội thụ động của chiến trường, nhưng từ khi cùng Quyền bay trực thăng trên các cao độ vùng đông-nam An Lộc, ông đã biết rất rõ độ ngặt nghèo thu hẹp của trận địa. Ông cần một nút thoát hơi cho An Lộc, và đối với đơn vị của ông – Đồi Gió, cao độ “E” của Tiểu Đoàn 6 Dù là điểm thở quan yếu nầy. Vì từ cao điểm “E”, An Lộc có được một bàn đạp để khai triển lên Bắc hay xuống Nam do được dãy cao độ 160, 175, 140 bảo vệ cạnh sườn phía Đông. Vì lý do nầy, Tiểu Đoàn 6 và pháo đội 105ly của Tiểu Đoàn 3 Pháo Dù giữù nhiệm vụ trấn đóng yết hầu mặt trận An Lộc là những đơn vị hứng chịu những mũi nhọn tiến công nặng nề nhất kể từ ngày bước xuống Đồi Gió. Chúng ta theo dõi diễn tiến chiến trận của đơn vị nầy.. Khi Đại Đội 62 của Vinh “con” lên Đồi Gió chiều ngày 14 tháng Tư thì bộ chỉ huy cộng sản mặt trận Bình Long cũng nhận ra cuộc đổ quân tăng viện, và dồn tất cả hỏa lực của vùng Bắc; Tây-Bắc An Lộc đồng đổ xuống vùng Đồi Gió, nơi có ba cao độ nổi rõ lên tạo điểm chuẩn để pháo binh địch rơi xuống không trật một trái ra ngoài mục tiêu. Cũng bởi, phía chỉ huy cộng sản tại mặt trận đã xác định rõ qua một công điện gởi về Trung ương cục R: “Một D (Tiểu Đoàn) Ngụy Dù chiếm Đồi Gió, gây khó khăn cho việc chiếm Bình Long, phải diệt gọn “D Ngụy” với tất cả phương tiện”(21) Song song với chỉ thị của Lữ Đoàn Trưởng Lê Quang Lưỡng qua việc để lại Đồi Gió bộ chỉ huy nhẹ của lữ đoàn với Lữ Đoàn Phó Trung Tá Lê Văn Ngọc, Đại Đội 3 Trinh Sát, và pháo đội 105ly ND; Trung Tá Nguyễn Văn Đỉnh, Tiểu Đoàn Trưởng 6 Dù cũng không hoàn toàn thụ động đối với tình thế ngặt nghèo dưới cơn mưa pháo. Đỉnh nhận định: “Nó phân tán pháo binh, tập trung hỏa lực để bắn mình.. Tại sao mình không phân tán các “đứa con” ra ngoài để tránh pháo, cũng để phòng thủ lưu động được toàn miền? Đỉnh phối trí các “đứa con” theo thế trận: Đại Đội 63 của Đại Úy Hoàng trấn giữ ngã Ba đường 245, Bắc của Ấp Ton Cui; Trung Úy Cao Hoàng Tuấn chỉ huy ĐĐ64 giữ phần chính của ấp. Khi các đại đội đã vào vị trí. Đỉnh tự hỏi: “Dẫu đã có một hàng rào phía đông của “E”, nhưng không hiểu đồi có giữ được không?” Thắc mắc của Đỉnh không kéo dài lâu, phía cộng sản cho liền đáp số. Đại Đội 63 bị tấn công trước, ngay vào lúc buổi trưa ngày 17 với một lự c lượng quân số áp đảo, bởi phía chỉ huy cộng sản cũng đã hiểu ra rằng: Ấp Ton Cui là “bãi đáp trực thăng hữu dụng để tăng viện An Lộc”; nhưng thêm ước tính nhầm là bộ chỉ huy TĐ6 vẫn còn ở tại ấp nên họ đã sử dụng một quân số vượt trội để quyết “diệt gọn” bộ chỉ huy tiểu đoàn. Đại Đội 63 có được vị trí phòng thủ nên giữ tuyến chắc chắn; đến chiều tối, Đại Đội 64 được lệnh kéo lên tăng cường bởi Trung Tá Đỉnh hiểu rõ thêm ý đồ của đối phương. Quảng cách hai đại đội khoảng chừng 600 thước, nhưng Trung Úy Tuấn phải mất năm giờ mới “bắt tay” được đại đội bạn. Hai viên đại đội trưởng nói cùng nhau: “Một mình tao nó đánh không xong, nay hai đứa sức mấy tụi mình bị lũng.” Từ An Lộc, Đại Tá Lưỡng theo dõi diễn tiến trận đánh của Tiểu Đoàn 6, và ôn gcũng thấy ra rằng nếu TĐ6 bị bứng khỏi khu vực Đồi Gió có nghĩa, các đơn vị của lữ đoàn hoàn toàn mất hẳn với liên lạc bên ngoài – Lần tiếp vận của Lữ Đoàn 1 hoá ra chỉ tăng cường quân số cho đạo quân bị vây ở An Lộc thêm đông đảo. Ông trầm ngâm bảo Quyền: Hỏi bên Mỹ, rồi xin ở quân đoàn phi vụ “Daisy Cutter – Bom BLU-82B” (22) thả xuống cho tụi “Thằng Đỉnh”.. Phải có thứ nầy mới ăn thua đủ với bọn chúng!! Trái bom từ bụng chiếc phi cơ vận tải võ trang AC130 (Phi cơ AC130 thiết trí giàn phóng lựu 20, 40ly; đại liên 7.26ly; đại bác 105ly, chuyên trách công tác yểm trợ cận phòng, thả bom dọn bãi, phá chướng ngại vật (thiên nhiên) lớn, thả trái sáng yểm trợ tác chiến đêm) chứa 15,000 cân Anh thuốc nổ và mãnh thép rơi bằng dù chính xác vào giữa đội hình đơn vị cộng sản chấm dứt cuộc huyết chiến rạng sáng ngày 18 giữa tiếng reo hò của binh sĩ hai đại đội 63, 64. Ngày 18 tương đối bình yên, Trung Tá Đỉnh đưa Đại Đội 61 xuống thay thế để hai Đại Đội 63, 64 trở lại đồi với lời khen ngợi: “Làm trưởng ấp một đêm là giỏi lắm rồi.. Lấy được hai K54 (súng ngắn của người chỉ huy) như vậy nó đánh hai toa phải là cấp tiểu đoàn, và thằng tiểu đoàn trưởng thế nào cũng đã về với bác nó!”. Hai-mươi bốn giờ “bình an” của ngày 18 đi qua nhanh chóng để bão lửa phục thù của Bắc quân ào xuống. Đồi Gió hay cao độ 175 dần nát vụn dưới cơn pháo cường tập liên hồi, đồng thời phá nổ tung kho đạn dã chiến của pháo đội 105ly của pháo đội/TĐ3Pháo Dù. Tiểu Đoàn Trưởng Đỉnh và cố vấn Peyton đồng bị thương cùng với 32 quân binh.. Trong hầm chỉ huy của Đại Tá Nhật, Lữ Đoàn Trưởng Lê Quang Lưỡng biết đã đến lúc địch quyết tâm dứt điểm Đồi Gió, khóa cửa ngõ vào thị xã trước khi thanh toán mục tiêu chính: Cứ điểm trung tâm phòng thủ An Lộc. Ông mau mắn quyết định: Tiểu Đoàn 6 không còn nhiệm vụ giữ pháo binh, tiểu đoàn trưởng toàn quyền điều động đơn vị để giữ thế trận. Trên Đồi Gió, Đỉnh lẫm bẩm:”Chỉ 48 giờ mất toi sáu khẩu pháo và ngàn quả đạn, thêm một lô thương binh không tải thương.. Ở làm gì nơi cái đồi quái quỷ nầy nữa.” Dọt! Đỉnh để lại hai Đại Đội 63, 64 do Tiểu Đoàn Phó Phạm Kim Bằng trấn giữ, đẩy Vinh “con” xuống lại Ấp Ton Cui với lời dặn: “Mầy cố gắng bắt tay “Thằng 1” (ĐĐ 61) dưới kia để có bãi tản thương, tiếp tế, ở trên nầy nó pháo mờ người không làm ăn gì được.” Từ chân đồi đến ấp chỉ khoảng 400 thước nhưng Vinh với ĐĐ62 phải mất hẳn một đêm 19 mới đi thấu. Quân binh hai bên trộn với nhau như gạo và trấu, chỉ còn cá nhân chiến đấu qua cách sờ nón sắt để phân biệt ta hay địch! Đêm 19 chuyển qua ngày 20 với tiếng kèn thúc quân vang dội dọc Đường 245, cùng lúc, đầu con đường, nghe rõ tiếng động cơ máy nổ của tăng T54 rầm rầm di chuyển.. Đỉnh rung tay: Bỏ mẹ, nó dứt điểm mình rồi! Tăng T54 ầm ầm tiến lên Đồi Gió trước (ý hẳn phía cộng sản ước tính bộ chỉ huy TĐ6 vẫn còn ở trên đồi) .. Tiểu Đoàn Phó Phạm Kim Bằng cùng hai đại đội trưởng Hoàng, Tuấn cùng ra giao thông hào với khinh binh, đợi chờ những chiếc tăng lố nhố lính Bắc quân tùng thiết xông lên. Trận chiến không cân sức dần tàn vào trưa ngày 20 với kết thúc bi thảm: Tiểu Đoàn Phó Bằng bị bắn tung một mắt; Đại Đội Trưởng Tuấn hứng ngay quả 75 ly, giã từ đời ở số tuổi 23. Bằng buông ống liên hợp máy truyền tin thều thào bảo Hoàng khi máu chảy xuống ướt đẫm mặt: “Thay tôi, dẫn hai đại đội về Đồi 169, đem theo thương binh, chết để lại.” Thanh toán xong Đồi Gió, quân cộng sản tập trung, điểm danh, chuyển lệnh ngay trên Đường 245 trước khi thanh toán phần còn lại của Tiểu Đoàn 6 ở Ấp Ton Cui. Không lẽ đời mình tàn tại cái chỗ khốn nạn nầy hay sao Nghiêm? Đỉnh than nhẹ với Nghiêm, sĩ quan Ban 3 khi chờ lệnh Lê Lợi. Hơn hai-mươi bốn giờ của ngày 19 và 20 tháng Tư, Đại Tá Lưỡng không hề chợp mắt, ông ngồi cạnh máy truyền tin theo dõi và ra từng lệnh ngắn cần thiết đến Tiểu Đoàn 6 bởi ông biết rõ: Sinh mạng đơn vị đang đụng trận ngoài kia hoàn toàn tùy thuộc vào mỗi quyết định của ông. Ông cũng phải dấu đi mối đau riêng tư về tin Thiếu Tá Bằng bị thương nặng – Bằng là một trong đại đội trưởng thân yêu của ông từ ngày mở trận Tiểu Đoàn 2 ở năm 1965 – Ông sống cùng, với bao nhiêu người đã nằm xuống, tưới máu lên từng ngày, giờ chiến địa. Phải vô cùng khó khăn Lê Lợi mới lập lại được liên lạc với Đỉnh (do các tầng số âm thoại bị phá bởi phía Bắc quân dò được các tầng số âm thoại đang xử dụng) qua hệ thống máy cố vấn Mỹ với trạm chuyển tiếp trên Núi Bà Đen (Tây Ninh), nơi cách An Lộc 100 cây số đường chim bay.. ..Đây Lê Lợi 612.. Đỉnh chong đôi mắt mệt mỏi nghe rõ từng chữ: “Sẽ có ba line B52 đánh xuống chỗ anh, cách anh chỉ 500 thước thôi (phi cơ B52 dùng trong công tác yểm trợ chiến thuật CAS (Close Air Support) trên lý thuyết phải có khoảng cách an toàn hai cây số), ở ba hướng, Bắc, Đông, và Nam, xong anh theo hướng Đông-Nam đến bờ Sông Bé có trực thăng rước về.. Gắng lên, đời anh và tôi chỉ có một lần”. Ba line B52 đánh xuống như cơn địa chấn, 500 thước đối với bom 500 cân Anh thả một loạt 24 trái (số lượng tối thiểu tùy theo cự ly bay, và giờ hoạt động trên mục tiêu) (23) quả thật không còn “khoảng cách an toàn” nào nữa. Những chiếc B52 vừa đi qua, Đỉnh báo cáo cùng “612”: Xong rồi, xin Lê Lợi màn khói. Không có khói, thôi anh và con cái dọt đi. Tôi nghe. Đỉnh nói với hơi thở hụt Rừng còn nguyên độ nóng trận bom, nồng mùi lửa, khói trộn tro than bốc dày che khuất bầu trời xanh ánh trăng.. Đại úy đại đội trưởng Vinh “con” đi khi binh số 1; Thiếu tá trưởng Ban 3, Nghiêm tiếp làm khinh binh số 2; và người thứ ba, Tiểu đoàn trưởng Đỉnh. Tiểu Đoàn 6 Dù, hậu thân của 6th B.E.P, đơn vị đầu đời của viên sĩ quan kiệt liệt Đại Úy Đỗ Cao Trí lần đầu tiên buộc phải chấp nhận thất bại, im lìm rời khỏi chiến trường. Khởi đi từ 01 giờ 42 phút ngày 21 tháng Tư, tiểu đoàn bị phục kích thêm hai lần nữa, bởi đi theo suối thì gặp các căn cứ cộng sản; đi trên cao độ thì bị pháo.. 5 Giờ chiều tại trãng trống để đợi trực thăng đến bốc đi, đơn vị lại bị phục kích thêm một lần thứ ba – Lê Lợi biết rõ những điều nầy nhưng ông chấp nhận – Bởi chỉ tìm được đường sống trong ngã chết, vì hướng Đông- Nam là an toàn khu nơi đặt bộ chỉ huy tiền phương của mặt trận Bình Long, nên phía cộng sản không thể nào nghĩ ra rằng: Lữ Đoàn Trưởng Lê Quang lưỡng đã chọn làm hướng lui quân cho Tiểu Đoàn 6 khi ông đã dội B52 xuống những hướng đối chiếu.

Tan hàng ngày 21 tháng Tư, nhưng Tiểu Đoàn 6 Nhảy Dù với châm ngôn của binh chủng đã thực hiện và hoàn tất sự cố gắng qua từng người lính – Phần đông lại là tân binh, quân phạm được ân xá cho trở về quân đội trong thời buổi nước nhà nguy biến. Với quân số 412 người vừa được bổ sung sau thiệt hại Đồi Gió mà3/4 là tân binh.. Có cậu lính trẻ vốn là Nhân Dân Tự Vệ tập bắn XM16 cặp hông như bắn súng Thompson thời Thế chiến thứ Hai. Nhưng “tập bắn” cũng chỉ là cách nói để tạm yên lòng vì một tháng nơi Căn Cứ Lai Khê (Bộ tư lệnh tiền phương của Quân Đoàn III), thành phần tân binh khác lạ kia của Tiểu Đoàn 6 chỉ được huấn luyện kỹ thuật tác chiến, tác xạ bằng.. lý thuyết suông! Tiểu Đoàn Trưởng Nguyễn Văn Đỉnh thúc dục các đại đội trưởng..Các ông cố gắng dạy tụi nó được phút nào hay phút đó.. Tập tháo ráp súng, tập tác xạ, nhận thủ lệnh khi giữ đội hình khi di chuyển.. Tập riết bằng miệng rồi cũng nên quen chứ bộ. Mình cố gắng dạy đám lính mới nầy để đánh phục hận vụ Đồi Gió hôm tháng Tư. Không có gì thay đổi thì đầu tháng Sáu mình go! Trước sau gì tiểu đoàn mình cũng phải trở lại An Lộc. Ngày 4 tháng Sáu, 1972 như một câu chuyện thần kỳ về lần chuyển hóa những con người bình thường bỗng nhiên hóa thân nên những chiến sĩ lẫm liệt. Với đám tân binh chưa được một lần tác xạ đạn thật, Tiểu Đoàn 6 Dù dưới quyền chỉ huy của Trung Tá Đỉnh với giàn đại đội trưởng, trung đội trưởng sống sót từ trận Đồi Gió như được thúc dục bởi một nguồn lực muốn chứng tỏ quyết tâm lập lại danh dự người lính, nên từ khi xuống bãi đáp Bàu Đồng Lô, tiểu đoàn dưới sự dẫn đầu của Lộc, Đại Đội Trưởng Đại Đội 61 đã đi như ánh chớp qua các mục tiêu..Ấp Đức Vinh1, Đức Vinh 2, cách An Lộc đúng năm cây số đường thẳng. Để hiện thực trong trận chiến cuối cùng ngày 6 tháng 6, 1972.. Hai Đại Đội 61, 62 rời khỏi khu đóng quân , xếp hàng hai bên ven đường. Gần hai trăm con người lẫn nhanh vào kku rừng phía tây..Nhào vào..Nhào vào sâu hơn nữa.. Hai đại đội trưởng hét vang thúc lính tấn công theo hướng Tây-Đông. Đại đội 62 của Vinh bảo về bộ chỉ huy tiểu đoàn bố trí qua theo mặt Bắc- Hướng An Lộc. Khi tất cả đã ở yên trên các vị trí chỉ định. Tiểu Đoàn Trưởng Đỉnh hạ lệnh lần cuối: 63 bọc xuống phía Nam, không cho tụi nó chạy lui; 61, 62, 64 dánh từ Tây sang Đông, bao giờ đến đường rầy thì ngừng lại đợi lệnh. Dàn hàng ngang và đánh thật nhanh. Nhanh đến mức có gã lính mới lần đầu tiên thấy lính Miền Bắc quá gầy yếu, nhỏ bé.. Hắn ta nhào vào quên cả tác xạ! Pháo địch bắn cản đổ xuống như trút. Mặc! Đỉnh thúc tiểu đoàn ào tới theo cách bộ đội cộng sản tránh bom “bám chặt thắt lưng kẻ thù mà đánh”. Bị thương ném lui ra đằng sau để Tiểu Đoàn Phó Tùng (đã bị thương khi xuống bãi trực thăng ngày 4) thâu nhặt, bảo vệ.. Ào tới ! Ào tới! Đánh kiểu “Blích -kiết” của tụi Đức, bảo lính vừa đi vừa bắn.. Đừng cho tuị nó ngóc đầu!! Chiến trận chấm dứt sau năm giờ tiến quân thần tốc với kết quả, tiểu đoàn 1 chết, 63 bị thương đổi lại 90% địch chết tại hầm. Và cuối cùng ngày 8 tháng 6.. Cứ theo chiến thau65t như ngày hôm kia..Xung phong! Xung phong! Tiếng hét, đạn nổ.. Lựu đạn M26; phóng lựu M79; hoả tiễn M72 chêm vào với đạn súng tay như một chuỗi pháo liền bất tận.. Những cán binh cộng sản còn sống thuộc hai đại đội C7, C8 bỏ giao thông hào, từng cặp một (bị xiềng vào nhau bởi một dây xích – để không cho phép bỏ chạy khi tac chiến) chạy tản ra đồng trống.. Bỏ ba-lô.. Bỏ ba-lô đuổi theo.. Đuổi theo đừng cho thằng nào chạy thoát!! Lính tân binh thâm niên công vụ 16 ngày lần đầu đụng trậân không biết sợ, cặp súng vào hông đuổi theo đám cán binh thất thế.. Hai đại đội bị “dứt nọc” sau 2giờ12 phút chiến trận với một tù binh độc nhất sống sót còn lại: Tù binh Nguyễn Văn Tiền. Thừa thắng xông lên, Vinh trở quân đánh vào mục tiêu hướng Bắc – Mục tiêu chính nằm ở ngã tư đường vào đồn điền Xa Cam – Cửa ngỏ An Lộc. Bộ phận cộng sản bố trí hướng về phía Bắc (hướng của Tiểu Đoàn 8 Dù) xây lưng về hướng tiến quân của đại đội của Vinh.. Tất cả để cò vào vị trí “auto”.. Bắn! Bắn! Những tấm lưng thịt người nẩy lên bừng bực..Đạn đi qua thịt người, găm vào đất. Đất vốn màu đỏ sậm trở nên đỏ tươi. Đỏ gắt. Đỏ ướt. Đơn vị cộng sản chạy dạt về hướng tây. Gặp Đại Đội 63 của Thái Tường. Lính Tiểu Đoàn 8 cách nơi đụng trận khoảng 800 thước, đứng dậy khỏi hố chiến đấu hoan hô lính Tiểu Đoàn 6 dứt điểm, diệt gọn mục tiêu. 17 giờ 45 Vinh “con” bắt tay Hồng Ni (TĐ8) cách tấm bảng “Đồn Điền Xa Cam” 100 thước. Trước mặt hai người bạn (cùng Khóa 20 Thủ Đức) An Lộc được buổi chiều bình yên bốc khói bếp nấu cơm. Trên trực thăng bay đến An Lộc, Chuẩn Tướng Hồ Trung Hậu, Tư Lệnh Sư Đoàn 21 (Chỉ huy tổng quát cuộc hành quân giải tỏa An Lộc), Nguyên Tư Lệnh Phó Sư Đoàn Dù, cũng là Lữ Đoàn Trưởng Lữ Đoàn 1 Dù có câu trả lời với Lê Lợi.. – Hoàn Mỹ (Chuẩn Tướng Hậu) xem con cái tôi đánh có đẹp không? – Không, không thể nói chúng nó đánh đẹp, mà phải nói là quá đẹp. Cũng không được nữa, phải nói lỗi lạc và phi thường. Đại Tá Lưỡng vốn quen biết Chuẩn Tướng Hậu từ rất lâu, ngày cùng ở Tiểu Đoàn 5.. Nhưng chưa bao giờ nghe ông Hậu nói một câu với những tỉnh từ nồng nhiệt như thế. Nhưng theo ý của người viết đoạn ký nầy, món quà “đẹp” nhất là cảnh người lính nhảy dù đem cơm khô, trái cây hộp; bác sĩ, y tá ra trực hai bên Đường 13 để chửa bệnh, biếu phần “cơm dằn đường” cho đồng bào. “Cơm dằn đường” – Ai sinh ra loại cơm đau đớn tội nghiệp như thế hở trời?!(24)

4. Trận chiến tàn cuộc Suốt năm 1972, Lữ Đoàn 1 trong khuôn khổ Sư Đoàn Dù là một trong những đơn vị của toàn quân lực đã có mặt trên toàn ba vùng đất lửa: Trị-Thiên; Tân Cảnh, KonTum, và nhất là chiến công vừa kể trên trong kỳ tích giải cứu, phá vòng vây của địch tại An Lộc. Riêng về vùng Trị Thiên, kể từ tháng 5, 1972 sau khi Tướng Ngô Quang Trưởng nhận chức Tư Lệnh Quân Đoàn I, toàn bộ Sư Đoàn Nhảy Dù được chỉ định tăng phái hành quân dài hạn tại Vùng I, là đại đơn vị trách nhiệm toàn vùng Tây-Bắc mặt trận Trị-Thiên với vùng hành quân bao gồm từ tây Quốc Lộ I vào Trường Sơn trấn giữ mặt núi, đối diện với những sư đoàn chính quy cộng sản trên cao độ Động Ông Đô, đỉnh cao nhất của Trường Sơn, trấn giữ thế trận hai sườn đông- tây để những đơn vị bạn, Sư Đoàn Thủy Quân Lục Chiến, Liên Đoàn 1 Biệt Động Quân, lực lượng Địa Phương Quân Tiểu Khu Quảng Trị dựng nên kỳ tích lịch sử: Dựng Cờ Vàng lên Cổ Thành Quảng Trị, 14 tháng 9, 1972. Sau Hiệp Định Paris, 1973 Sư Đoàn Nhảy Dù là lực lượng chiến lược chống giữ cả hai mặt Bắc và Nam đèo Hải Vân. Vùng trách nhiệm kéo dài qua ba tỉnh Quảng Trị-Thừa Thiên-Quảng Nam, chịu áp lực từ phía cộng sản có thể tập trung quân dứt điểm toàn vùng theo chiến thuật Đông-Tây: Cắt Thừa Thiên (Bắc Hải Vân) theo chiều ngang của Sông Bồ (An Lỗ, Quảng Điền, Thừa Thiên); hoặc từ Quận Thường Đức đổ xuống đồng bằng Quảng Nam (Trận Mật Khu Đỗ Xá, 1964 kể bên trên là hiện thực bước đầu của ý niệm chiến lược nầy của phía cộng sản – Không phải chỉ riêng đối với giai đoạn chiến tranh 1960-1975, mà xuyên suốt trong diễn tiến chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất (1946-1954) để hoàn tất sự chia cắt Vùng I Chiến Thuật theo chiều ngang Nam Hải Vân. Với tình thế chống địch cả hai đầu, sư đoàn nay đặt dưới quyền tư lệnh của Chuẩn Tướng Lê Quang Lưỡng. Thêm một lần Tướng Quân phải tìm cách thế để đơn vị tồn tại, chiến đấu, và vượt thắng bằng khả năng quân sự độc đáo, bản lãnh riêng. Do hạn chế bởi các điều khoản Hiệp Định Paris: Không được tăng quân số và áp dụng biện pháp thay thế “Một Đổi Một” (Chương II-Điều 7); cùng sự cắt giảm viện trợ Mỹ (Điển hình từ 1Tỷ47 rút xuống còn 1Tỷ, xong 700 Triệu, để kết thúc với 654Triệu cho tài khóa 1975) (25) – Tướng Lưỡng cùng ban tham mưu sư đoàn sáng tạo nên kế hoạch: Tạo dựng những “Đại Đội Đa Năng” với quân số cơ hữu của sư đoàn bằng cách giảm thiểu đến mức tối đa các thành phần tham mưu, yểm trợ, kể cả trung tâm huấn luyện. Thế nên, cuối năm 1973, sư đoàn đã có đến 12 Đại Đội Đa Năng làm thành phần trừ bị cho chính mình – 12 đại đội hay là 3 tiểu đoàn – Tức là một lữ đoàn trừ bị. Với cách biên chế, tổ chức mới mẻ nầy, sư đoàn hoàn tất được một lần hai nhiệm vụ: Bảo vệ mặt Bắc Hải Vân với Lữ Đoàn II và một Tiểu Đoàn Đa Năng; thành phần còn lại của sư đoàn chiếm đóng, bảo vệ mặt Nam Hải Vân qua cuộc tiến công từ Đại Lộc lên Cao Điểm 1062 – Chế ngự toàn vùng Thường Đức, vùng núi cực tây Quảng Nam-Đà Nẵng. Quận Thường Đức cách Đà Nẵng 50 cây số đường chim bay, với những cao điểm 1235 và 1062 kiểm soát được toàn vùng cận sơn và đồng bằng. Nhưng không chỉ như thế – Nếu chiếm giữ được Thường Đức, lực lượng cộng sản sẽ mở một được một đường hành lang thông suốt chạy từ Bắc Kontum (vùng Dak To, Dak Pek, Dak Nhét đã chiếm được từ tháng 4/1972) xuống vùng bình nguyên (khỏi phải dùng đường từ Kontum, Pleiku ở phía Nam, xa xôi, với quá nhiều trở ngại); chưa hết con đường nầy còn nối với mặt trận Trị-Thiên (Bắc Hải Vân) mà không cần băng qua đất Lào. Vùng Cao Độ 1062 do đơn vị tinh nhuệ nhất của quân đội Miền Bắc trấn giữ: Sư Đoàn 304 Điện Biên, và SĐ2CS tăng cường từ Mặt Trận B3 (Tây Nguyên). Trận chiến trên các cao điểm chung quanh 1062 bắt đầu từ ngày 8 tháng 8/ 1974 chấm dứt vào cuộc phản công cuối cùng ngày 8 tháng 11 cùng năm do bảy Tiểu Đoàn Nhảy Dù 1, 2, 3, 6, 7, 8, 9 trong số chín tiểu đoàn có mặt tại vùng hành quân đã liên tục tác chiến, đánh ngày, đêm, cận chiến, du kích, đột kích, trận địa chiến.. Có thể nói đây là chiến trận lớn nhất sau cái gọi là “Hiệp định tái lập hòa bình tại Việt Nam”. Người lính nhảy dù trả giá cho ngọn đồi và hòa bình với sinh mạng 500 chiến sĩ; 2000 người bị thương trận. Cuộc huyết chiến tại cao điểm 1062 tạm kết thúc đợt giao tranh thứ nhất (cuối tháng 8/ 1974) với 200 xác bộ đội cộng sản (kiểm kê sơ khởi); 40 tù binh bị bắt tại trận địa. Trương Công Phê, Sư đoàn trưởng Sư Đoàn 304 (còn có danh hiệu “Sư Đoàn Thép”) có kết luận: “Sư Dù là một sư mạnh”. Nhưng phần thưởng lớn lao nhất, hãnh diện là lời của đồng bào Đại Lộc: “Nhảy Dù tới bà con ơi! Nhảy Dù tới! Chúng ta không chạy nữa, quay lại làm ăn như cũ, đừng sợ gì nữa!” (26) Phải, đồng bào đã từng nói như thế ở Huế, Mậu Thân 1968; và mới đây, năm 1972 ở An Lộc, Bình Long, và tiếp theo ở Quảng Trị chỉ trong khoảng tháng 4, tháng 5. Ngày 1/1/1975, một lần nữa để đáp ứng tình hình chiến trường càng ngày càng trở nên khốc liệt khó khăn, dưới quyền tổ chức và quyết định của Tướng Lưỡng, Sư Đoàn Nhảy Dù thành lập Lữ Đoàn IV Nhảy Dù, và tiếp theo sẽ là Lữ Đoàn V Nhảy Dù. Lữ Đoàn IV Nhảy Dù do Trung Tá Lê Minh Ngọc giữ chức lữ đoàn trưởng, gồm: – Tiểu Đoàn 12ND, Tiểu Đoàn Trưởng Thiếu Tá Nguyễn Văn Nghiêm. – Tiểu Đoàn 14ND, Tiểu Đoàn Trưởng Thiếu tá Nguyễn Đức Tâm. – Tiểu Đoàn15ND, Tiểu Đoàn Trưởng Thiếu Tá Nguyễn Văn Phú. – Tiểu Đoàn 4 Pháo Binh ND, Tiểu Đoàn Trưởng Thiếu Tá Đặng Hữu Minh. – Đại Đội 4 Trinh Sát do Trung Úy Trần Chí Mỹ giữ chức đại đội trưởng đang hình thành. Riêng kế hoạch phát triển thêm Lữ Đoàn V Nhảy Dù đang được hoàn chỉnh, bởi chưa có lữ đoàn trưởng, chỉ thành lập được ba Bộ Chỉ Huy Tiểu Đoàn gồm có các Tiểu Đoàn 16, 17 và 18 với dự tính: Tiểu Đoàn16ø do Trung Tá Phạm Kim Bằng làm Tiểu Đoàn Trưởng. Tiểu Đoàn 17ø, Thiếu Tá Lê Hữu Chí; Tiểu Đoàn 18ø do Thiếu Tá Hồng Thu dự trù đảm nhiệm. Tiểu Đoàn 5 Pháo Binh; Đại Đội 5 Trinh Sát chưa được thành hình. (27)

Sau ngày 10, tháng 3, 1975 khi mặt trận Vùng II suy sụp trầm trọng bởi lần di tản bộ tư lệnh cùng toàn thể các đơn vị khỏi Tây Nguyên bắt đầu từ ngày 17 tháng 3, 1975. Tình hình quân sự Miền Nam trở nên cầm đầu đã mất hết khả năng kiểm soát, lãnh đạo đất nước. Riêng Bộ Tổng Tham Mưu, quyền điều hành, quyết định nằm trong tay một viên tướng chuyên ngành tiếp vận, Trung Tướng Đồng Văn Khuyên giữ chức Tham Mưu Trưởng Liên Quân – Một trong những nhân tố chính của tổ chức siêu tài chánh-kỹ nghệ “Quỹ Tiết Kiệm Quân Đội”với đồng tiền máu của mỗi người lính góp vào trong những năm 1968-1972. Trong tình huống cực kỳ khó khăn, nguy biến kia, Sư Đoàn Nhảy Dù lại được lệnh rời bỏ Đà Nẵng, và bị xé ra từng mảnh nhỏ, dàn mỏng trên những trận địa không chiều sâu, hở cạnh sườn, thiếu yểm trợ không quân, thậm chí đến không có pháo binh diện địa hỏa yểm tiếp cận. Cuối cùng không thành phần trừ bị, tiếp ứng (28).. Tất cả để thực hiện một sách lược gọi là “Đầu bé – Đít to” của chính đương kim Tổng Thống Việt Nam Cộng Hòa Nguyễn Văn Thiệu. “Đầu bé”ù là vùng Quảng Trị, Thừa Thiên, vùng đông dân cư Bình Định, Khánh Hòa; và “Đít to” tức là vùng Sài Gòn-Chợ Lớn, đồng bằng Sông Cửu Long, miền Đông Nam Bộ. Nhưng thực tế diễn tiến chiến sự đã cho thấy: Không có một kế hoạch nào tồn tại được, bởi đây là một kế hoạch đặt trên sự lừa dối, và bất lực trước tình thế – Cũng như không một thân thể nào tồn tại được khi đã bị bẻ gẩy sống lưng – Thủ phủ vùng Tây Nguyên, nơi đặt Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn II, Thị Xã Pleiku hoàn toàn bị bỏ ngỏ, rơi vào tay cộng sản không tiếng súng kể từ ngày 17 tháng 3, 1975. Trước tình trạng cực độ vô lý: “Chưa đánh đã có lệnh tháo chạy” đã có lúc, Tướng Quân Lê Quang Lưỡng ngỏ ý thẳng với Trung Tướng Ngô Quang Trưởng: Hãy để Sư Đoàn Dù về Sài Gòn (đang tăng phái hành quân tại Vùng I của Tướng Trưởng) lật đổ con người đã không còn năng lực lãnh đạo, và càng ngày càng lộ rõ ý đồ phá vỡ sức chiến đấu của quân lực điển hình qua việc xé lẻ hai Sư Đoàn Nhảy Dù, TQLC; Lữ Đoàn Thiết Kỵ, các Liên Đoàn Biệt Động, Biệt Kích.. Những lực lượng xung kích, tổng trừ bị quốc gia.(28Bis) Điển hình Lữ Đoàn 147/Sư Đoàn TQLC vừa bị bức tử nơi bến phà Thuận An chưa xong việc đếm xác, đến lượt hai Lữ Đoàn 258 và 369 vô cớ rút từ Huế vào Đà Nẵng, xong từ Đà Nẵng vào Sài Gòn.. Tàu thủy đến ngang NhaTrang lại được lệnh trở lui tái chiếm Đà Nẵng!! Tư Lệnh Sư Đoàn Nhảy Dù không còn được quyền ra lệnh cho các đơn vị trực thuộc, bởi tất cả lệnh điều động (cấp tiểu đoàn) chỉ được phát xuất từ Dinh Độc Lập. Rời Huế (cuối tháng 3) trong hoàn cảnh hỗn loạn của cuộc rút quân vô cùng phi lý, và vô kế hoạch của người nắm giữ vận mệnh quốc gia, Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu; lại tiếp nhận lệnh điều động trực tiếp từ “Tổng Tư Lệnh Quân Đội Nguyễn Văn Thiệu”, Lữ Đoàn 2 Nhảy Dù dưới quyền chỉ huy của Đại Tá Lê Văn Phát gồm các Tiểu Đoàn 2 (Thiếu Tá Trần Công Hạnh); Tiểu Đoàn 5 (Trung Tá Bùi Quyền): Tiểu Đoàn 6 (Thiếu Tá Nguyễn Văn Thành – Khác với Nguyễn Văn “Thành Râu”, Tiểu Đoàn Trưởng 11). Gọi là ba tiểu đoàn nhưng thực sự toàn bộ các đơn vị phải phân tán dọc trục lộ Quốc Lộ 21 thành những chốt nhỏ cấp tiểu đội để có thể liên hoàn yểm trợ nhau trong tình huống đơn độc chiến đấu. Đối lại phía cộng sản, sau khi chiếm xong toàn bộ Ban Mê Thuộc kể từ 15 tháng 3, và không cần phải củng cố vị trí vừa chiếm xong (rút kinh nghiệm của Mậu Thân 1968; Tổng Công Kích 1972) hai Sư Đoàn 320, và F10 đồng lần rời bỏ Ban Mê Thuộc, bôn tập theo Quốc Lộ 21 về phía bình nguyên duyên hải. Hai Sư Đoàn F10 và 325 với một lực lượng tấn công từ Miền Bắc vào gồm: 2376 xe các loại, trong đó có 100 xe tăng; thiết giáp; gần 185 pháo lớn từ 85 đến 155 ly; hơn 100 khẩu cao xạ.. (29) Số lượng quân trang, vũ khí nầy chỉ riêng cho mặt trận Ban Mê Thuộc, chứ thật sự để xâm lăng Miền Nam, quân đội cộng sản Hà nội đã chuyển vào Miền Nam từ 1974 đến tháng Tư/1975 một tổng số 823,146 tấn quân dụng vũ khí “gấp 1.6” số lượng tiếp vận trong 13 năm từ 1960 đến 1973!! Về quân số, chỉ hai năm 1973-74 đã nhập ngũ thêm 150.000 tân binh để gởi vào Nam thay thế 68,000 quân thiệt hại, với 8000 cán bộ chuyên môn các ngành (30). Tóm lại 16 sư đoàn bộ binh của miền Bắc kéo vào không thiếu một đơn vị mà đích thân Kissinger đã phải kêu lên ngao ngán sau khi nghe báo cáo từ tướng Weyand sau lần qua lượng định tình hình Việt Nam (28/3 đến 4 tháng /4) tại buổi họp tại Phòng Bầu Dục tòa Bạch Ốc với hầu hết quan chức cao cấp của chính phủ Mỹ: “Hiện tại, toàn thể quân lực Bắc Việt Nam đã ở Miền Nam… Chỉ cần một Lữ Đoàn Thủy Quân Lục Chiến (Mỹ) là đủ chiếm đóng hết Miền Bắc. Rõ ràng Hiệp Định (tái lập) Hòa Bình Paris đã bị vi phạm trầm trọng” (31) Phải có học vị tiến sĩ (xuất thân ở Đại Học Harvard), với chức vụ ngoại trưởng Liên Bang Bắc Mỹ mới biết được điều đơn giản nầy thì quả tình con người được tiếng là tài giỏi, thông minh nầy cũng không “khá” hơn bao nhiêu người tầm thường khác. Ba Tiểu Đoàn 2, 5, 6 không yểm trợ, không trừ bị tiếp ứng bị lực lượng hai sư đoàn cộng sản tràn qua như một điều tất nhiên sau ngày Nha Trang bỏ ngỏ, 31 tháng 3. Cũng là ngày Huấn Khu Dục Mỹ (gồm các Trung Tâm Huấn Luyện Biệt Động; Pháo Binh, Bộ Binh) tự tan rã.

Phòng tuyến của chiến lược “Đầu bé- Đít to” kia lại thêm lần điều chỉnh, củng cố với một “cái đầu” tại Phan Rang (quê nội của Nguyễn Văn Thiệu). Vùng Phan Rang với Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 6 Không Quân không hề là vị trí phòng thủ hữu hiệu của bất cứ hình thái chiến tranh nào. Bởi đối phương có thể hành quân tiếp cận đến Phan Rang bằng nhiều hướng: Quốc Lộ I (Hướng Bắc từ Cam Ranh, Nha Trang đánh vào); Quốc Lộ 11 từ Đà Lạt đánh xuống từ phía Tây-Bắc; từ bờ biển đổ bộ vào (hướng Đông); hoặc đánh vòng từ hướng Nam lên theo Quốc Lộ I. Thành phần binh lính trách nhiệm phòng thủ Phan Rang vốn là những đơn vị đã bị thiệt hại lớn ở mặt trận Vùng I (Trung Đoàn 4, 5/SĐ2BB); các Tiểu Đoàn 31, 36, 52 Biệt Động đã mất sức do đã phải tác chiến liên tục từ mặt trận Chơn Thành (Vùng III); Về phía nhảy dù, Lữ Đoàn 2 vừa bị thiệt hại ở mặt trận Khánh Dương, nay được thay thế bởi Lữ Đoàn 3 với Đại Tá Nguyễn Thu Lương Lữ Đoàn Trưởng; Trung Tá Trần Văn Sơn Lữ Đoàn Phó, chỉ huy ba Tiểu Đoàn 3, 7, 11. Toàn thể đạo quân nầy phải chiến đấu tự tồn, không tiếp tế, không yểm trợ đối mặt với đại quân của Quân Đoàn 2 Bắc Việt do Trung Tướng Lê Trọng Tấn chỉ huy, gồm hai đơn vị chủ lực SĐ325 và SĐ3 của Tây Nguyên (vẫn tiếp tục làm thành phần mũi nhọn tấn công mãi cho đến mặt trận Long Khánh (cuối tháng 4) sau nầy), ngoài ra còn có Đoàn 968 vừa thành lập từ Lào bôn tập về), cùng lực lượng chủ lực, du kích địa phương. Với tương quan lực lượng quá chênh lệch như thế, nên dù người lính cộng hòa có nỗ lực chiến đấu kiên trì bao nhiêu cũng không thể giữ vững các vị trí chiến thuật dọc Quốc Lộ I, có thể ngăn cản đà tiến quân của phía cộng sản (chưa kể đến tình trạng suy sụp, đỗ vỡ tinh thần do lo lắng về gia đình của những đơn vị di chuyển từ Miền Trung vào). Ngày 16/4 toàn bộ cấp chỉ huy cao cấp của mặt trận gồm Trung Tướng Nguyễn Vĩnh Nghi, chuẩn Tướng Phạm Ngọc Sang, Đại Tá Nguyễn Thu Lương, và nhiều liên đoàn trưởng, tiểu đoàn trưởng đều bị bắt. Trong tình hình ngặt nghèo dồn dập diễn ra, “Đích Thân Lê Lợi 612” đúng danh hiệu “Đích Thân” luôn có mặt cùng mỗi người lính trong những giờ phút gay go nhất. Tướng Quân bay ra Phan Rang, trên chiến địa Khánh Dương đầu tháng 4 để trực tiếp chỉ huy các phi vụ “móc” con cái “Thằng Quyền (Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn 5); Thằng Hạnh (TĐ2); Thằng Thành (TĐ6).. Tướng Quân tiếp nặng lòng đau đớn cùng lần lui quân bi phẫn của Lữ Đoàn 2 từ phi trường Phan Rang với kết quả, TĐ11ND mất liên lạc toàn bộ, Thiếu Tá Nguyễn Văn Thành, cùng một số chiến sĩ trung kiên đồng lọt vào tay địch! Trong trận chiến tuyệt vọng này, Trung Tá Trần Văn Sơn, Lữ Đoàn Phó, và nhiều chiến hữu khác của đoàn quân nhảy dù đồng bị hy sinh với niềm uất hận không thể đền bù. Chỉ mỗi TĐ3Dù do Trung Tá Lã Quý Trang chỉ huy còn 100 chiến sĩ được trực thăng được trực thăng bốc từ bãi bể nam Thị Xã Ninh Chữ, Phan Thiết. Riêng TĐ7ND của Trung Tá Nguyễn Lô bảo toàn quân số do được lệnh Bộ Tổng Tham Mưu rút ra khỏi Phan Rang trước khi trận đánh khai diễn.

Lữ Đoàn I ND do Trung Tá Nguyễn Văn Đỉnh Lữ Đoàn Trưởng, Trung Tá Lê Hồng Lữ Đoàn Phó gồm ba Tiểu Đoàn 1, 8, 9NDø, Đại Đội 1 Trinh Sát, Tiểu Đoàn 3 Pháo Binh, Đại Đội 1 Quân Y, Đại Đội 1 Công Binh tăng phái Sư Đoàn 18 Bộ Binh do Chuẩn Tướng Lê Minh Đảo, Tư Lệnh Sư Đoàn chỉ huy tổng quát, trấn giữ Quận Lỵ Xuân Lộc, chận đứng bước tiến từ hướng bắc của quân đoàn cộng sản vào Thủ Đô Sài Gòn. Lươc lượng diện địa phòng thủ Long Khánh LĐ1ND đã làm tròn trách nhiệm giao phó, không để cho địch quân tiến thêm được một tấc đất, buộc đoàn quân “Sinh Bắc – Tử Nam” của dưới sự chỉ huy trực tiếp của Đại Tướng cộng sản Văn Tiến Dũng phải trả một giá đắt với 6000 xác chết; 37 chiến xa bị phá hũy. Riêng đối với một đơn vị cấp lữ đoàn, với thiệt hại nghiêm trọng phải chịu đựng sau hơn gần hai tuần chiến đấu liên tục (10/4-21/4) chống chọi nhiều đợt tấn công của Quân Đoàn 4 CS gồm ba sư đoàn bộ binh 6, 7, 431 được hai lữ đoàn xe tăng 203, 204 tăng cường hành quân, dưới yểm trợ của đại pháo tầm xa, có các đơn vị đặc công đánh xuyên phá, mở cửa.. Cuối cùng Lữ Đoàn 1 Dù lại phải đảm nhận thên nhiệm vụ cuối cùng: Bảo vệ tập hậu đoàn quân rút lui gồm các thành phần của Sư Đoàn 18 Bộâ Binh, Tiểu Khu Long Khánh, các thành phần pháo binh cơ hữu và diện địa, lại thêm hàng chục ngàn dân chúng đi theo.. Nên bất chấp ngăn cản của phủ tổng thống do đích thân Tổng Thống Thiệu ra lệnh; bộ Tổng tham mưu với Tổng Tham Mưu Trưởng Khuyên, Đại Tá Lưỡng điều động trực tiếp, xử dụng TĐ 7 Dù và hai chi đoàn chiến xa M113/ Lữ Đoàn 3 Thiết Kỵ của Chuẩn Tướng Trần Quang Khôi làm thành phần tiếp cứu. Lực lượng hỗn hợp nầy xuất phát từ Phước Tuy (Bà Rịa) đi ngược lên Tỉnh Lộ 2, đón thành phần triệt thoái của Sư Đoàn 18, Tiểu Khu Long Khánh, và Lữ Đoàn I Dù về Bà Rịa an toàn. Nhưng cuối cùng, đêm 28 rạng ngày 29/4/75, quân CSBV cường tập tấn công vào lực lượng Nhảy Dù ở Láng Cạn, Bà Rịa, lính các Tiểu Đoàn 1, 8, 9 đánh trả quyết liệt, liên hoàn bảo vệ đơn vị đến Giờ Thứ 25 mới rút xuống Vũng Tàu để lui về Gò Công, từ đây di tản ra hạm đội. Có thể nói Lữ Đoàn 1 ND là đơn vị có quân số đông đảo nhất đã di tản ra khỏi nước. Được lệnh Bộ Tổng Tham Mưu, Lữ Đoàn 2 Dù sau khi rút khỏi Phan Rang về Sàigòn, đặt thuộc quyền điều động của Trung Tướng Nguyễn Văn Toàn, Tư Lệnh QĐIII/QKIII. Tướng Toàn đã tạm thời chỉ định Trung Tá Nguyễn Lô, Tiểu Đoàn Trưởng TĐ7ND kiêm nhiệm chức vụ Lữ Đoàn Trưởng LĐ2ND trách nhiệm, điều động hai Tiểu Đoàn 5 và 7, chận đứng địch trên tuyến Biên Hòa – Xa lộ Đại Hàn – Sàigòn do Chuẩn Tướng Trần Quang Khôi, Tư Lệnh Lữ Đoàn 3 Kỵ Binh/Lực Lượng Xung Kích/QĐIII (LĐ3KB/LLXKQĐIII) chỉ huy tổng quát. Nhiệm vụ chính của LĐ2ND là tiến quân bên phải đường sắt hướng về Sàigòn; đến ngoại ô Bắc Sàigòn, co cụm lại, bố trí dọc xa lộ Biên Hòa, chặn địch vào thủ đô. Sau 30 tháng Tư, 1975 người đi qua vùng nầy vẫn còn thấy những xác Lính Nhảy Dù chết trong trận chiến giờ cuối cùng bảo vệ Miền Nam.

Lữ Đoàn 3 Nhảy Dù do Trung Tá Trần Đăng Khôi làm Lữ Đoàn Trưởng, Trung Tá Bùi Quyền Lữ Đoàn Phó với ba Tiểu Đoàn 2, 5, 6 Nhảy Dù từ Phan Rang được rút về đóng ở trại Hoàng Hoa Thám, Tân Sơn Nhất. Đây là đơn vị đã đánh trận cuối, vô cùng ác liệt ngay trong lòng Thủ Đô Sài Gòn-Chợ Lớn, tiêu diệt nhiều chiến xa T54, T59, và PT76 của địch từ Bà Quẹo, Ngã Tư Bảy Hiền, Lăng Cha Cả, Trường Đua Phú Thọ, và Chợ Lớn v.v.. Tới giờ phút chót của buổi sáng 30 tháng Tư, các chiến sĩ LĐ3ND vẫn vững tay súng giữ vị trí được giao phó, đơn vị chỉ buông vũ khí sau khi Dương Văn Minh nghe lệnh đầu hàng. Tất cả cấp chỉ huy của lữ đoàn, và các tiểu đoàn đều cùng ở lại cùng anh em binh sĩ, chịu hoàn cảnh tù tội khắc ngiệt nơi Miền Bắc, không người nào dưới mười năm đày ãi, khổ sai: Các Trung Tá Phạm Kim Bằng, Trần Đăng Khôi, Nguyễn Lô, Bùi Quyền.. Thiếu Tá Trần Công Hạnh, Nguyễn Hữu Chí, Nguyễn Đức Tâm, Ngô Xuân Vinh.. Cấp đại úy, trung úy không thể kể đủ vì quá đông. Điều đáng hãnh diện là hầu hết sĩ quan nhảy dù đồng chứng tỏ bản lĩnh kiên cường của Người Lính Mũ Đỏ trong hoàn cảnh khắc nghiệt của trại tù làm đối phương dẫu đang ở vị thế kẻ thắng trận cũng phải kiêng dè, kính nể. Trường hợp của các Trung Tá Phạm Kim Bằng, Nguyễn Lô; Thiếu Tá Trần Công Hạnh là những điển hình rõ nét nhất. Lữ Đoàn 4 Nhảy Dù tân lập do Trung Tá Lê Minh Ngọc làm Lữ Đoàn Trưởng, với ba Tiểu Đoàn 12, 14 và 15 Nhảy Dù, có đầy đủ quân số tác chiến và đã đưa vào hoạt động thật sự ở Đà Nẵng, Quân Đoàn I/Quân Khu I. Được rút về Sài Gòn giữa tháng 2/75, biệt phái cho Biệt Khu Thủ Đô để ngăn chận CSBV ở cửa ngõ Thủ Đô Sài Gòn qua cư xá Thanh Đa, xa lộ Biên Hòa, cầu Tân Cảng.

Vào thời điểm Sài Gòn bắt đầu rơi vào tình trạng hỗn loạn, chấm dứt cuộc chiến uất hận, Người Lính Nhảy Dù cùng chiến hữu Liên Đoàn 81 Biệt Kích, Lữ Đoàn Thiết Kỵ.. vẫn chiến đấu kiêu hùng cho đến viên đạn sau cùng, lấy chính xác thân để chận chiến xa của quân thù trên Cầu Xa Lộ, trên đường phố Sài Gòn. Trong một cao ốc đường Đinh Tiên Hoàng, Đa Kao, hai sĩ quan và sáu binh sĩ nhảy dù tử thủ cho đến khi hết đạn, họ cho nổ hai quả lựu đạn cuối cùng để tự sát trên sân thượng. Tại Ngã Tư Hồng Thập Tự – Lê Văn Duyệt, đồng bào chứng kiến bốn chiến sĩ nhảy dù trang bị đại liên M60, phóng lựu M79; và họ đã quyết chiến đấu tới cùng cho đến khi hết đạn, xong bình tỉnh bước ra ngoài, nắm vai nhau, thành một vòng tròn.. Họ nổ trái lựu đạn sau lời hô quyết tử.. Việt Nam Cộng Hòa Muôn Năm! Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa Muôn Năm! Nhảy Dù Cố Gắng! Nhảy Dù! Nhảy Dù! Điển hình là những vụ tự sát tập thể hoặc cá nhân của những Lính Mũ Đỏ: Thiếu Úy Huỳnh Văn Thái cùng bảy chiến sĩ tại góc đường Trần Hưng Đạo-Tổng Đốc Phương, Chợ Lớn; Chuẩn Úy Tô Chiêu Minh Đại Đội 204/Quân Cảnh Dù chết ngay trước cổng Trường Trung Học Đắc Lộ, Tân Việt trước cổng Trại Hoàng Hoa Thám – Ngôi nhà vĩnh cữu của Người Lính Nhảy Dù. Còn rất nhiều trường hợp lẫm liệt hy sinh với lần đất nước tiêu vong.

Cùng lúc, tiếp theo những tướng lãnh, sĩ quan cao cấp Vị Quốc Vong Thân: Nguyễn Khoa Nam, Lê Văn Hưng, Lê Nguyên Vỹ, Phạm Văn Phú, Trần Văn Hai, Hồ Ngọc Cẩn, Nguyễn Văn Long.. Còn có những Người Lính khác – Những Người Lính Nhảy Dù chết khắp nơi. Những cái chết không ai hay, những người chết không ai biết tính danh đã làm màu Mũ Đỏ thêm thắm tươi sắc máu Trung Nghĩa, và Giải Băng Tang Đen dài cùng nỗi Đau Thương của toàn Dân Tộc.

Lần Chào Kính Cuối Cùng.. Lịch sử, quân đội của nhiều dân tộc thường kết liền với danh tính của những cá nhân kiệt liệt – Những người dựng nên các triều đại, chỉ huy những chiến dịch lớn, quyết định vận mệnh của dân tộc, quân đội ấy.. Hán Cao Tổ, Lưu Bang (202 Trước CN); Minh Thái Tổ diệt Nhà Nguyên ( 1368). Đối với Nước Việt, những chiến thắng Vân Đồn, Vạn Kiếp (1285) của đời Nhà Trần gắn liền với danh hiệu Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn. Và gần đây, danh tính những danh tướng Eisenhower, Patton (Mỹ); Montgomery (Anh), Rommel (Đức); Yamamoto (Nhật).. cùng lần được nhắc nhở với những sự kiện chính trị-quân sự quan trọng của quốc gia họ trong tiền bán Thế Kỷ 20. Sau chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất (1946-1954) không thể không nói đến Võ Nguyên Giáp, De Lattre..v.v. Riêng với Miền Nam, Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, kỳ diệu đáng tự hào thay, suốt cuộc chiến Đông Dương lần thứ hai (1954-1975), từ những xung đột giáo phái ở những năm khởi đầu nền Đệ Nhất Cộâng Hòa thành lập ở Miền Nam (1955-1963) tiếp cho đến ngày tàn cuộc 30 tháng Tư, 1975, luôn bền bỉ đứng trong hàng quân, và kiên cường chỉ huy chiến đấu: Người Lính Nhảy Dù – Đích Thân 612 Lê Lợi Lê Quang Lưỡng – Không một năm tháng ngơi nghỉ. Không một chiến dịch vắng mặt. Hiện diện trong cơn pháo tập. Giữa trùng vây. Đầu tuyến xung kích. Cảm động biết bao và đáng kính phục dường nào. Đích Thân luôn hứng chịu đầu ngọn cuồng phong bão lửa. Đích Thân luôn có mặt cùng “con cái”. Đích Thân luôn có mặt với “ mấy thằng em”.

Vĩnh Biệt Lê Lợi- Đích Thân 612!!

Viết lần Nhất – Ngày 1 tháng 11, 2005 Ngày Các Thánh trên Trời Và Người Lính dưới mặt Đất. Viết lại lần Hai- Tháng 7 Ngày Rằm Xá Tội Vong Nhân -Tháng 8, 2013 Phan Nhật Nam

Từ khóa » Hồi Ký Tướng Lê Quang Lưỡng