Chức Năng 12 đôi Dây Thần Kinh Sọ Não Và Các Bệnh Thường Gặp

Từ những đôi thần kinh gốc đó sinh ra các nhánh nhỏ hơn tỏa đi chằng chịt khắp cơ thể và điều hành hoạt động của mọi cơ quan.

Tùy theo chức năng nhiệm vụ được tạo hóa giao phó mà mỗi một sợi dây thần kinh sọ não khi bị tổn thương sẽ gây ra những bệnh lý mang tính đặc trưng.

Tên gọi theo chức năng

Để tiện “kiểm soát” các nhà khoa học đánh số thứ tự theo chữ số La Mã cho 12 đôi dây thần kinh sọ não. Bắt đầu từ số I, cuối cùng là số XII. Trong đó, riêng dây thần kinh số VII khi bị tổn thương gây ra bệnh liệt nửa mặt, gọi tắt là liệt mặt dây VII là quen thuộc đối với nhiều người.

Tuy được các nhà chuyên môn thường xuyên “điểm danh” theo số thứ tự, nhưng mỗi đôi dây thần kinh đều có một tên riêng được gọi theo chức năng, đặc điểm hay vị trí của dây thần kinh đó.

Chúng gồm: Dây khứu giác (dây số I), dây thị giác (dây số II), dây vận nhãn chung (dây số III), dây cảm động (dây số IV), dây tam thoa (dây số V), dây vận nhãn ngoài (dây số VI), dây mặt (dây số VII), dây thính giác (dây số VIII), dây thiệt hầu (dây số IX), dây phế vị (dây X), dây gai sống (dây số XI), dây hạ thiệt (dây XII).

Bệnh lý liên quan

Biểu hiện của đau dây thần kinh số V.
Biểu hiện của đau dây thần kinh số V.

Dây thần kinh số I (Dây khứu giác): Từ não, dây khứu giác bò qua hành não để xuống đáy não, rồi chui qua lỗ sàng xương tỏa thành nhiều sợi nhỏ phủ khắp niêm mạc mũi. Nó có nhiệm vụ nhận cảm giác về mùi.

Nếu mất mùi thì dây này bị chấn thương, bị đứt hoặc do khối u chèn ép. Nếu rối loạn ngửi là do viêm mũi, do polyp. Một số trường hợp nhiễm khuẩn gây mất mùi đột ngột, điển hình là nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19.

Dây thần kinh số II (Dây thị giác): Từ trung tâm thị giác ở vỏ não, dây thị giác thoát ra khỏi hộp sọ nhờ chui qua 2 lỗ xương nhỏ có tên là lỗ thị giác. Khi đến võng mạc, đầu dây thị giác phân tán mỏng thành các tế bào.

Các tế bào này thực hiện nhiệm vụ tiếp nhận hình ảnh của sự vật và dẫn truyền cảm giác về ánh sáng. Nếu bị chèn ép do khối u sẽ chỉ nhìn thấy một bên mắt.

Tình trạng này gọi là bán manh. Trong trường hợp bệnh lý làm cho dây thần kinh thị giác bị teo nhỏ lại thì người bệnh sẽ nhìn mọi sự vật trên đời này như người bình thường nheo mắt nhìn qua một... ống nứa!

Dây thần kinh số III (Dây vận nhãn chung): Xuất phát từ trung não (còn gọi là cuống đại não) hướng ra phía trước, rồi vào ổ mắt. Dây thần kinh này có nhiệm vụ vận động một số cơ ở mắt đưa nhãn cầu lên xuống và vào trong.

Nếu bị tổn thương sẽ gây lác ngoài (ngược với lác trong khi tổn thương dây thần kinh số VI). Các nguyên nhân gây tổn thương dây thần kinh số III thường gặp là chấn thương nền sọ, viêm tắc tĩnh mạch xoang hang, viêm màng não, chảy máu cuống não.

Dây thần kinh số IV (Dây cảm động): Có cùng vị trí xuất phát với dây thần kinh vận nhãn chung, cũng chạy vào ổ mắt, điều khiển hoạt động của cơ chéo to giúp mắt có thể hướng xuống dưới và ra ngoài.

Khi dây thần kinh số 4 bị tổn thương sẽ không đưa mắt ra ngoài và xuống thấp được. Các nguyên nhân thường gặp gây tổn thương dây thần kinh này cũng giống như các nguyên nhân gây tổn thương dây thần kinh số III. Có lẽ, chúng cùng chung vị trí gốc và hướng xuất phát.

Dây thần kinh số V (Dây tam thoa): Còn gọi là dây thần sinh ba (tam thoa) vì chia thành 3 nhánh là: Mắt, hàm trên và hàm dưới. Đây là đôi dây thần kinh sọ não lớn nhất trong số 12 đôi. Nó xuất phát từ cầu não, hướng ra phía trước.

Các nhánh mắt và hàm trên nhận cảm giác từ vùng mắt, da mi trên, hốc mũi, trán, da đầu, phần trên hầu và các tuyến. Nhánh hàm dưới nhận cảm giác 2/3 trước lưỡi, tuyến nước bọt và răng hàm dưới điều khiển hoạt động các cơ cắn và cơ nhai.

Tổn thương dây này làm mất cảm giác các phần dây phân nhánh. Bệnh nhân nhức đầu, vận động hàm dưới kém, cắn không chặt. Các nguyên nhân thường gặp là chấn thương nền sọ, viêm đa dây thần kinh và bệnh Zona thần kinh. Trong đó bệnh Zona thần kinh là “quen mặt” nhất.

Dây thần kinh số VI (Dây vận nhãn ngoài): Bắt nguồn từ thân não đi qua rãnh hành não và cầu não ra phía trước và phân nhánh vào ổ mắt, cơ thẳng ngoài. Nó điều khiển vận động nhãn cầu ở tư thế liếc ra ngoài. Nếu dây thần kinh số VI tổn thương sẽ làm cho mắt bị lác trong (ngược với lác ngoài khi tổn thương của dây thần kinh số III).

Dây thần kinh số VII (Dây mặt): Đây là một dây thần kinh hỗn hợp của các sợi thần kinh cảm giác, vận động và tự chủ. Xuất phát từ thân não đi qua rãnh hành não và cầu não, sau khi chạy một đoạn qua phần đá xương thái dương, nó thoát ra khỏi hộp sọ qua lỗ trâm chũm.

Nhiệm vụ chính của dây thần kinh số VII là vận động các cơ ở mặt. Nếu tổn thương mặt sẽ lệch về bên lành, nhân trung bị kéo về bên không liệt. Do đó nói khó và ăn uống bị rơi vãi. Biểu hiện sẽ rõ hơn khi bảo người bệnh cười hoặc huýt sáo. Các nguyên nhân thường gặp là do tai biến mạch máu não và u não.

Trong chuyên khoa, tổn thương dây thần kinh số VII được chia làm hai loại, thường được gọi là liệt mặt trung ương (do tổn thương neuron vận động trên nhân) và liệt mặt ngoại biên (do tổn thương từ nhân trở ra).

Người bị liệt mặt ngoại biên còn có thêm biểu hiện mắt nhắm không kín bên bị liệt. Các nguyên nhân gây liệt mặt ngoại biên là do nhiễm lạnh, bệnh Zona, viêm đa dây thần kinh, viêm màng não, các bệnh lý ở tai giữa và xương đá.

Dây thần kinh số VIII (Dây thính giác): Nguồn gốc từ vỏ não, chui ra hộp sọ phân thành hai nhóm thần kinh dạng sợi. Nhóm ở ốc tai thu nhận thông tin thính giác (nghe), nhóm ở tiền đình có nhiệm vụ giữ thăng bằng và tư thế cho cơ thể.

Các nguyên nhân gây tổn thương dây thần kinh này có thể gặp là tăng huyết áp, xơ vữa các động mạch ở ốc tai - tiền đình, viêm màng não, chấn thương sọ não, u não, nhiễm độc (hóa chất hoặc thuốc chữa bệnh) và viêm thận mạn tính.

Dây thần kinh số IX (Dây thiệt hầu): Bắt nguồn từ rãnh bên hành não chạy vào khoang hầu. Dây thiệt hầu phụ trách vận động các cơ vùng hầu và cảm giác 1/3 sau lưỡi. Điều lạ lùng là dây này thường bị liệt cùng với các dây khác chứ không... chịu bị liệt riêng!

Dây thần kinh số X (Dây phế vị): Sau khi từ não chui qua hộp sọ, dây thần kinh này chia nhánh xuống các vùng cổ, ngực và bụng. Đến bụng lại tách thành 2 nhánh và đi quặt ngược lên điều khiển hoạt động dây thanh âm.

Dây thần kinh số X được xếp vào hệ thần kinh tự chủ (thần kinh thực vật). Nó là dây thần kinh phó giao cảm lớn nhất của cơ thể. Có nhiệm vụ vận động, cảm giác hầu hết các cơ quan ở ngực và ổ bụng như tim, phổi, dạ dày, ruột, gan, thận, bàng quang...

Tổn thương dây thần kinh số X thường gây ra “nghẹn thức ăn đặc, sặc thức ăn lỏng”. Nếu tổn thương xảy ra ở nhánh quặt ngược sẽ gây khàn tiếng do sự “trục trặc” hoạt động của dây thanh âm. Nguyên nhân gây tổn thương do khối u trung thất chèn ép hoặc rủi ro từ các phẫu thuật vùng cổ và ngực.

Dây thần kinh số XI (Dây gai sống): Bắt nguồn từ rãnh sau của hành não, chui qua hộp sọ, đi xuống vùng ngực và phân nhánh điều khiển hoạt động của các cơ thanh quản, ức đòn chũm và cơ thang. Các tổn thương dây gai sống sẽ ảnh hưởng giọng nói và hoạt động của các cơ liên quan.

Khi hành não (còn gọi là hành tủy - phần tiếp giáp giữa não bộ, tủy sống và phình to giống củ hành) bị tổn thương sẽ gây liệt dây thần kinh số XI. Đồng thời cũng gây liệt cả các đôi dây thần kinh số IX (dây thiệt hầu) và số X (dây phế vị)

Dây thần kinh số XII (Dây hạ thiệt): Bắt nguồn từ rãnh trước của hành não, chui qua nền sọ và phân nhánh đến vùng hầu và vùng hàm. Nhiệm vụ chính của dây thần kinh hạ thiệt (còn gọi là dây thần kinh dưới lưỡi) là vận động các cơ ở lưỡi.

Liệt dây thần kinh này, lưỡi không thể nào lè ra thẳng mà bị đẩy sang phía bên lành. Nguyên nhân gây tổn thương dây thần kinh hạ thiệt thường do viêm màng não và các chấn thương gây vỡ xương nền sọ.

Từ khóa » Dây Thần Kinh Sọ 11 Là Gì