Chức Năng Của Tiền Tệ - Phan Tuấn Nam - WEBKETOAN

Page Nav

HIDE

Grid

GRID_STYLE

Contact Us

Tên Email * Thông báo * Chức năng của tiền tệ Edit this post

Đề cập đến chức năng của tiền tệ, hầu hết các nhà kinh tế học hiện nay đều thống nhất với  nhau ở 3 chức năng cơ bản là:  Phương tiện trao...

Đề cập đến chức năng của tiền tệ, hầu hết các nhà kinh tế học hiện nay đều thống nhất với nhau ở 3 chức năng cơ bản là: Phương tiện trao đổi, thước đo giá trị và cất trữ giá trị.
Tiền tệ luôn giữ vai trò quan trọng (Nguồn: Internet)
Trong mỗi chức năng cần lưu ý: tại sao tiền tệ lại có chức năng đó, chức năng đó có những đặc điểm gì đáng lưu ý, chức năng đó đã đem lợi ích gì cho nền kinh tế và những điều kiện để đảm bảo thực hiện tốt chức năng. Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng là phải trả lời được câu hỏi: việc nhận thức được chức năng đó của tiền tệ có ý nghĩa thực tiễn như thế nào? 1. Thước đo giá trị (Standard of Value/ Measure of Value/) Trong nền kinh tế sử dụng tiền tệ, mọi hàng hoá đều được đổi ra tiền tệ. Để có thể đổi ra được như vậy tiền tệ phải có khả năng biểu hiện giá trị của các hàng hoá khác. Biểu hiện bằng tiền của giá trị hàng hoá được gọi là giá cả hàng hoá. Để thực hiện chức năng thước đo giá trị, tiền tệ bản thân nó phải có giá trị. Cũng giống như khi dùng quả cân để đo trọng lượng một vật thì bản thân quả cân đó phải có trọng lượng. Giá trị của tiền tệ được đặc trưng bởi khái niệm sức mua tiền tệ, tức là khả năng trao đổi của đồng tiền. Khi tiền tệ cũng tồn tại dưới dạng hàng hoá (tiền có đầy đủ giá trị) thì sức mua của tiền phụ thuộc vào giá trị của bản thân tiền. Khi xã hội chuyển sang sử dụng tiện dưới dạng dấu hiệu giá trị (tiềngiấy, tiền tín dụng v.v.) thì giá trị của tiền không cũng được đảm bảo bằng giả trị của nguyên liệu dùng để tạo ra nó (vì giá trị đó quá thấp so với giá trị mà nó đại diện) mà phụ thuộc vào tình hình cung cầu tiền tệ trên thị trường, mức độ lạm phát, vào tình trạng hưng thịnh hay suy thoái của nền kinh tế và cả niềm tin của người sử dụng vào đồng tiền đó. Để tiện cho việc đo lường giá trị của hàng hoá, cần có một đơn vị tiền tệ chuẩn. Đơn vị tiền tệ lúc đầu do dân chúng lựa chọn một cách tự phát, sau đó do chính quyền lựa chọn và qui định trong luật pháp từng nước. Đơn vị tiền tệ được đặc trưng bởi tên gọi và tiêu chuẩn giá cả. Tên gọi của tiền ban đầu do dân chúng lựa chọn tự phát, sau đó do chính quyền lựa chọn và quy định trong pháp luật từng nước, chẳng hạn đồng Việt Nam (VND), Đô la Mỹ (USD), Euro (EUR) v.v... Tiêu chuẩn giá cả là giá trị của các đơn vị tiền tệ chuẩn. Khi tiền vàng hoặc tiền giấy có khả năng đổi ra vàng cũng được lưu thông, tiêu chuẩn giá cả là giá trị của một hàm lượng vàng nguyên chất nhất định chứa trong một đơn vị tiền tệ. Ví dụ hàm lượng vàng của Bảng Anh (GBP) năm 1987 là 7,32238 gam vàng nguyên chất; hàng lượng vàng của đô la Mỹ công bố tháng 1 năm 1939 là 0,888671. Ngày nay, khi tiền giấy không cũng được đổi ra vàng nữa, hàm lượng vàng không có ý nghĩa thực tế. Hàm lượng vàng và tiêu chuẩn giá cả tách rời nhau. Hàm lượng vàng đứng im không đổi, trong khi đó tiêu chuẩn giá cả biến động và hình thành tiêu chuẩn giá cả danh nghĩa và tiêu chuẩn giá cả thực tế. Tiêu chuẩn giá cả danh nghĩa do hàm lượng vàng đại biểu, cũng tiêu chuẩn giá cả thực tế phụ thuộc vào sức mua của đơn vị tiền tệ chuẩn đối với hàng hoá. Ngày nay, một đồng tiền muốn được sử dụng rộng rãi trong cả nước làm đơn vị tính toán để đo lường giá trị hàng hoá phải được nhà nước chính thức định nghĩa, theo những tiêu chuẩn nhất định. Nói cách khác đồng tiền đó phải được pháp luật qui định và bảo vệ. Nhưng đây chỉ là điều kiện cần, chưa phải là điều kiện đủ. Điều kiện đủ là phải được dân chúng chấp nhận sử dụng. Song muốn được dân chúng chấp nhận, đơn vị tính toán đó phải có một giá trị ổn định lâu dài. Trong lịch sử tiền tệ của các nước, không thiếu những trường hợp dân chúng lại sử dụng một đơn vị đo lường giá trị khác với đơn vị đo lường giá trị do nhà nước qui định. Chẳng hạn, thời kỳ nội chiến ở Mỹ, chính phủ phát hành tờ dollar xanh là tiền tệ chính thức thay thế cho đồng dollar vàng nhưng các nhà doanh nghiệp vẫn giữ dollar vàng làm đơn vị tính toán. Hay ở Việt Nam trước đây, mặc dù giấy bạc ngân hàng nhà nước (đồng Việt Nam) là đồng tiền chính thức nhưng đại bộ phận dân chúng vẫn dùng vàng hay đô la Mỹ làm đơn vị tính toán giá trị khi mua bán các hàng hoá có giá trị lớn như nhà cửa, xe máy. Việc đưa tiền tệ vào để đo giá trị của hàng hoá làm cho việc tính toán giá hàng hoá trong trao đổi trở nên đơn giản hơn nhiều so với khi chưa có tiền. Để thấy rõ được điều này, hãy thử hình dung một nền kinh tế không dùng tiền tệ: Nếu nền kinh tế này chỉ có 3 mặt hàng cần trao đổi, ví dụ gạo, vải và các buổi chiếu phim, thì chúng ta chỉ cần biết 3 giá để trao đổi thứ này lấy thứ khác: giá của gạo tính bằng vải, giá của gạo tính buổi chiếu phim và giá của buổi chiếu phim tính bằng vải. Song nếu có 10 mặt hàng cần trao đổi thay vì chỉ có 3 như trên thì chúng ta sẽ cần biết 45 giá để trao đổi một thứ hàng này với một thứ hàng khác; với 100 mặt hàng, chúng ta cần tới 4950 giá; và với 1000 mặt hàng cần 499.500 giá (công thức N (N -1) ). Sẽ thật khó khăn cho bạn gái nào khi ra chợ, để quyết định gà hay cá rẻ hơn trong khi 1kg gà được định bằng 0,7 kg chả, 1 kg cá chép được định bằng 8 kg đỗ. Để chắc chắn rằng bạn gái này có thể so sánh giá của tất cả các mặt hàng trong chợ (giả sử chợ có 50 mặt hàng), bảng giá của mỗi mặt hàng sẽ phải kê ra tới 49 giá khác nhau và sẽ rất khó khăn để đọc và nhớ hết chúng. Nhưng khi đưa tiền vào, chúng ta có thể định giá các mặt hàng bằng đơn vị tiền. Giờ thì với 10 mặt hàng chúng ta chỉ cần 10 giá, 100 mặt hàng thì 100 giá, v.v.. và tại siêu thị có 1000 mặt hàng nay chỉ cần 1000 giá để xem chứ không cần 499.500. Thêm nữa, nhờ có chức năng này, mọi hình thức giá trị dù tồn tại dưới dạng nào đi nữa cũng có thể dùng tiền tệ để định lượng một cách cụ thể. Chẳng hạn để tính tổng giá trị tài sản của một cá nhân, ta phải cộng giá trị của cái nhà anh ta đang ở, giá trị các trong thiết bị trong nhà, các đồ vật quí v.v... Sẽ không thể có được kết quả nếu không có sự tham gia của tiền tệ vì không có cách nào để cộng giá trị của các tài sản đó (có bản chất tự nhiên khác nhau) với nhau được. Nhưng một khi qui tất cả các giá trị đó ra tiền tệ thì công việc thật đơn giản. Chính vì vậy mà ngày nay việc định lượng và đánh giá, từ GDP, thu nhập, thuế khoá, chi phí sản xuất, vay nợ, trả nợ, giá trị hàng hoá, dịch vụ cho đến sở hữu... đều có thể thực hiện được dễ dàng. Chức năng này nhấn mạnh vai trò thước đo giá trị của tiền tệ trong các hợp đồng kinh tế. Chẳng hạn, trong các hợp đồng ngoại thương, khi sử dụng một đồng tiền làm đơn vị tính giá, điều cần quan tâm là phải phòng ngừa nguy cơ do sự mất giá của đồng tiền đó, khiến cho vai trò thước đo giá trị của nó bị giảm sút. Một cách cụ thể hơn, nếu các hợp đồng ngoại thương được định giá bằng đồng ngoại tệ thì sự biến động của tỷ giá hối đoái sẽ tạo rủi ro cho các bên tham gia hợp đồng. Để phòng ngừa chỉ có hai cách: một là định giá bằng đồng nội tệ hoặc cố định tỷ giá (tầm vĩ mô là chính sách tỷ giá cố định, còn tầm vi mô là các hợp đồng mua bán ngoại tệ mang tính chất bảo hiểm (option) hoặc tự bảo hiểm-hedging (forward)). 2. Phương tiện trao đổi (Medium of Exchange) Giá cả hàng hóa được xác định trước khi diễn ra lưu thông hàng hóa. Chỉ sau khi giá cả hàng hóa được biểu hiện thành tiền mặt của người mua trao cho người bán thì hàng hóa mới từ tay người bán chuyển sang người mua, lúc đó tiền tệ mới hoàn thành chức năng phương tiện lưu thông và mới thực hiện đầy đủ vai trò vật ngang giá chung. Việc trao đổi hàng hóa chỉ xảy ra và được thực hiện sau khi tiền tệ đã hoàn thành cùng một thời điểm hai chức năng thước đo giá trị và phương tiện lưu thông. Khi thực hiện chức năng phương tiện lưu thông, tiền tệ chỉ đóng vai trò môi giới giúp cho việc trao đổi thực hiện được dễ dàng do vậy tiền chỉ xuất hiện thoáng qua trong trao đổi mà thôi (người ta bán hàng hoá của mình lấy tiền rồi dùng nó để mua những hàng hoá mình cần). Tiền tệ được xem là phương tiện chứ không phải là mục đích của trao đổi. Vì vậy tiền tệ thực hiện chức năng phương tiện trao đổi không nhất thiết phải là tiền tệ có đầy đủ giá trị (ví dụ dưới dạng tiền vàng). Dưới dạng dấu hiệu giá trị đã được xã hội thừa nhận (như tiền giấy), tiền tệ vẫn có thể phát huy được chức năng phương tiện trao đổi. Việc dùng tiền tệ làm phương tiện trao đổi đã giúp đẩy mạnh hiệu quả của nền kinh tế qua việc khắc phục những hạn chế của trao đổi hàng hoá trực tiếp, đó là những hạn chế về nhu cầu trao đổi (chỉ có thể trao đổi giữa những người có nhu cầu phù hợp), hạn chế về thời gian (việc mua và bán phải diễn ra đồng thời), hạn chế về không gian (việc mua và bán phải diễn ra tại cùng một địa điểm). Bằng việc đưa tiền vào lưu thông, con người đã tránh được những chi phí về thời gian và công sức dành cho việc trao đổi hàng hoá (chúng ta chỉ cần bán hàng hoá của mình lấy tiền rồi sau đó có thể mua những hàng hoá mà mình muốn bất cứ lúc nào và ở đâu mà mình muốn). Nhờ đó, việc lưu thông hàng hoá có thể diễn ra nhanh hơn, sản xuất cũng được thuận lợi, tránh được ách tắc, tạo động lực cho kinh tế phát triển. Với chức năng này, tiền tệ được ví như chất dầu nhờn bôi trơn giúp cho guồng máy sản xuất và lưu thông hàng hoá hoạt động trơn tru, dễ dàng. Tuy nhiên để thực hiện tốt chức năng này, đòi hỏi đồng tiền phải được thừa nhận rộng rãi, số lượng tiền tệ phải được cung cấp đủ lượng để đáp ứng nhu cầu trao đổi trong mọi hoạt động kinh tế, đồng thời hệ thống tiền tệ phải bao gồm nhiều mệnh giá để đáp ứng mọi quy mô giao dịch. Rõ ràng, đối với từng chủ thể trong nền kinh tế, tiền tệ có giá trị vì nó mang giá trị trao đổi, nhưng xét trên phương diện toàn bộ nền kinh tế thì tiền tệ không có giá trị gì cả. Sự giàu có của một quốc gia được đo lường bằng tổng số sản phẩm mà nó sản xuất ra chứ không phải là số tiền tệ mà nó nắm giữ. Lý do là vì, xét trên phương diện đó, tiền tệ chỉ xuất hiện trong nền kinh tế để thực hiện chức năng môi giới, giúp cho trao đổi dễ dàng hơn chứ không tạo thêm một giá trị vật chất nào cho xã hội. Nó đóng vai trò bôi trơn cho guồng máy kinh tế chứ không phải là yếu tố đầu vào của guồng máy đó. 3. Cất trữ giá trị (Store of Value) Khi tạm thời chưa có nhu cầu sử dụng tiền tệ làm phương tiện trao đổi và thanh toán, nó được cất trữ lại để dành cho những nhu cầu giao dịch trong tương lai. Khi đó, tiền có tác dụng như một nơi chứa giá trị, nơi chứa sức mua hàng qua thời gian. Khi cất trữ, điều đặc biệt quan trọng là tiền tệ phải giữ nguyên giá trị hay sức mua hàng qua thời gian. Vì vậy, đồng tiền đem cất trữ phải đảm bảo yêu cầu: Giá trị của nó phải ổn định. Sẽ không ai dự trữ tiền khi biết rằng đồng tiền mà mình cầm hôm nay sẽ bị giảm giá trị hoặc mất giá trị trong tương lai, khi cần đến cho các nhu cầu trao đổi, thanh toán. Chính vì vậy mà trước đây để làm phương tiện dự trữ giá trị, tiền phải là vàng hay tiền giấy tự do đổi ra vàng. Còn ngày nay, đó là các đồng tiền có sức mua ổn định. Tiền không phải là nơi cất trữ giá trị duy nhất. Một tài sản bất kỳ như cổ phiếu, trái phiếu, đất đai, nhà cửa, kim loại quí cũng đều là phương tiện cất trữ giá trị. Nhiều thứ trong số những tài sản đó lại xét thấy có lợi hơn so với tiền về mặt chứa giá trị, chúng có thể đem lại cho người chủ sở hữu một khoản lãi suất hoặc thu nhập (cổ phiếu, trái phiếu) hoặc một giá trị sử dụng khác (nhà cửa). Trong khi đó, tiền mặt có thể sẽ trở thành nơi cất trữ giá trị tồi nếu giá cả hàng hoá tăng nhanh. Song người ta vẫn cất trữ tiền vì tiền là tài sản "lỏng nhất". Tính lỏng (liquidity) phản ánh khả năng chuyển một cách dễ dàng và nhanh chóng của một loại tài sản thành tiền mặt (một phương tiện trao đổi). Khi có nhu cầu trao đổi, các tài sản khác (không phải là tiền tệ) sẽ đòi hỏi chi phí để chuyển thành phương tiện trao đổi. Ví dụ: khi bạn bán nhà, nhiều khi bạn phải trả một khoản phí cho người môi giới, và nếu cần tiền ngay bạn còn phải bán rẻ. Chính vì vậy, với mục đích cất trữ giá trị cho những nhu cầu trong tương lai gần, người ta có xu hướng cất trữ giá trị dưới dạng tiền. Song vì tiền, nhất là tiền giấy ngày nay, không có một sự đảm bảo chắc chắn về sự nguyên vẹn giá trị từ khi nhận cho đến khi đem ra sử dụng nên tiền sẽ không phải là cách lựa chọn tốt nhất khi muốn dự trữ giá trị trong thời gian dài. Nguồn: Ths. Đặng Thị Việt Đức - Ths. Phan Anh Tuấn

Related Posts

Tài chính

Không có nhận xét nào

Bài đăng Mới hơn Bài đăng Cũ hơn Trang chủ Đăng ký: Đăng Nhận xét (Atom)

Connect WIth Us

Bài viết mới

{latest}

Thẻ bài viết

Bảo hiểm thất nghiệp (21) Bảo hiểm xã hội (36) Bảo hiểm y tế (24) CCHN Kế toán (4) Chứng chỉ hành nghề (16) Dịch vụ (1) Đại lý thuế (9) Excel (11) Hạch toán (10) Hải quan (2) Hóa đơn (41) Hoàn thuế (1) iBHXH (10) iHTKK (5) Kê khai thuế (54) Kế toán (85) Khởi nghiệp (62) Kiểm toán (4) Kỹ năng (91) Lao động (62) Marketing (2) Ngoại ngữ (13) Pháp luật (10) Quản lý thuế (19) Quyết toán thuế (20) Tài chính (8) Tài liệu (36) Thang bảng lương (3) Thống kê (2) Thuế (215) Thuế GTGT (47) Thuế môn bài (9) Thuế nhà thầu (1) Thuế tài nguyên (3) Thuế TNCN (46) Thuế TNDN (49) Thuế TTĐB (3) Tin học (39) Word (7) Xử phạt VPHC (10)

Dịch vụ

- Advertisement -

Số lượng xem trang

Từ khóa » đâu Là Chức Năng Của Tiền Tệ Trong Như ý Sau đây